Tính theo ngày tháng thì trời đã vào xuân từ cả tháng nay rồi, thế mà trong vườn nhà tôi vẫn còn tuyết, dù là sau một tuần lễ ấm áp và mưa liên miên. Hơn ba mươi năm nay ở Canada, chưa năm nào tuyết nhiều đến như năm nay. Thật là lạ, dường như có linh tính hay sao ấy, mà bao nhiêu năm nay, tôi chủ trương nhất định không mua máy hốt tuyết, thà là không làm được thì đi thuê người ta làm chứ không chịu khổ sở chứa cái máy to chình ình trong nhà xe. Ấy thế mà trước mùa đông vừa qua, tôi siêu lòng thế nào mà đồng ý vác cái máy hốt tuyết về. Đến lúc về đến nhà thì mới biết là mình sai lầm to! Nó to cồng kềnh chẳng biết để vào đâu, đành cho ra sân. Ông bà hàng xóm chạy qua bảo chỉ vài hôm là nó không cánh mà bay cho coi! Thế là lại mất toi mấy chục đồng đi mua sợi dây xích để cột nó vào gốc cây táo.

          Đúng là điềm gở, vác cái máy hốt tuyết về thì bão tuyết ào ào đổ xuống mấy trận liền. Tôi mát cả ruột. Có thế chứ, cho bõ tiền mua cái máy, nhưng hỡi ôi! Hôm nào ít tuyết quá thì không đáng công lôi nó ra, vì nó vừa nặng vừa lỉnh kỉnh, nội cái đổ xăng, mở máy, rồi de tới de lui, thì thà hốt tay cho được việc, còn nhanh hơn. Chưa kể là vừa mở máy, chưa kịp điều chỉnh tốc độ thì nó đã chạy vèo vèo, chỉ nội cái việc chạy theo giữ nó lại đã mệt rồi, còn hốt tuyết gì nữa. Đến hôm nào bão tuyết mịt mùng thì lại càng chịu chết, tuyết phủ ngập vườn, không sao mà lôi nó lên được, cũng đành phải gọi người đến làm thôi. Rốt cuộc cả mùa đông, bão liên miên, đành xót ruột mà nhìn cái máy cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt” nằm vùi trong đống tuyết. Mãi đến hôm nay, tuyết tan gần hết, mới lôi được nó ra khỏi vườn, mở máy cho chạy thử thì nó ì ra. Nằm mấy tháng trời trong tuyết lạnh lẽo thế thì có đến người cũng không chịu nổi huống gì là… máy! Tôi nổi điên lên, đề bảng “garage sale”, dù là cái máy mới chỉ xài có mỗi một lần, và tuyên bố từ nay trong nhà đàn bà nói gì là… thánh chỉ. Không có oong đơ gì hết.

          Ô hay, đang nói mùa xuân mà sao lại cứ toàn chuyện tuyết thế này? À, thì cũng vì tuyết triền miên như thế mà mùa xuân năm nay đến thật muộn màng. Chiều nay, quét nốt đám tuyết còn sót lại trên ban công mà tôi mới khám phá ra cây đào trước nhà đã có một cái tổ chim xinh xắn. Cả mấy tuần nay, sáng nào cũng nghe tiếng chim hót líu lo ngoài sân, và chim chóc cứ từng đàn ríu rít trên cành đào vẫn còn chưa tan hết tuyết. Chưa bao giờ tôi được nhìn tận mắt một cái tổ chim, vì mùa hè, chim làm tổ trên cành cao rậm lá, đứng dưới không nhìn rõ được. Nhờ xuân đến muộn, cành cây trơ trụi lá mà cái tổ con con nằm giữa hai nhánh cây trông thật là công phu, không khác gì chiếc giỏ mình đan bằng tay, dù chúng chỉ dùng mỏ để đan những cọng rơm khô lại với nhau. Tôi định bắc thang lên nhìn xem bên trong chiếc tổ có gì nhưng lại không dám. Sợ đàn chim trở về tưởng mình ăn trộm trứng, mổ cho thì khốn.

          Tôi ở nhà nào cũng trồng một cây đào trước nhà. Mua từ lúc bé tí, ít năm sau đã cao vọt lên, năm nào cũng phải tỉa bớt cành cho nó “lùn” đi một tí. Căn nhà đầu tiên, tôi bán cách đây đã hơn hai mươi năm, thỉnh thoảng đi qua ngó lại, hoa đào vẫn rộn ràng “tiếu đông phong”. Cái cây ấy ngộ lắm, tôi tưởng là chỉ trồng để ngắm hoa thôi, màu hoa hồng hồng nhạt trông thật dịu. Ấy thế mà một ngày kia, ra vườn lại nhìn thấy có thật nhiều quả con con, thuôn thuôn như hình con thoi nhỏ. Tôi không biết là quả gì không dám đụng đến, cứ cuối mùa thì đứng ôm gốc cây, rung rung cho nó rớt hết quả xuống rồi hốt vất đi. Một hôm, cô em tôi bỗng hái một rổ to đem vào nhà rửa sạch sẽ bỏ tủ lạnh. Tôi hét toáng lên, vì chính cô ấy mấy hôm trước còn cảnh cáo cả nhà rằng:

          - Bà Monique nói là thấy quả lạ chớ có ăn, nhằm quả độc không chết thì cũng… hóa rồ!

          Thế mà hôm nay lại chính tay cô ta hái quả vào nhà. Tôi bảo:

          - Có vất hết đi không? Muốn cả nhà hóa rồ hết đấy.

          Thì cô ta trả lời tỉnh bơ:

          - Không sao! Ăn được mà, hôm qua Ka đã cho chú Kẹo ăn thử rồi. Đến hôm nay chú ấy vẫn chưa bị gì hết, đang hát ca ra ô kê om sòm ở nhà.

          Thì ra cô em cũng khôn. Cho chồng ăn thử trước rồi mới hái vào cho cả nhà mình ăn!

          Mãi về sau tôi mới được một người bạn chỉ cho rằng muốn biết loại quả nào ăn được thì cứ nhìn xem nếu chim nó ăn quả nào thì quả đó ăn được. Thảo nào mà cây đào cũ của nhà tôi chim chóc cứ về nườm nượp, vì quả có vị vừa dịu lại ngọt. Cho nên, khi đổi nhà tôi cũng cứ mua cây đào về trồng, nhưng cả hai căn nhà sau này, cây đào không có quả, nhưng hoa thì đẹp tuyệt vời.

          Cứ mỗi mùa hoa đào tôi lại nhớ đến một mẩu truyện giữa đám bạn cũ chúng tôi năm nào cũng cùng nhau họp mặp một lần tán dóc. Địa điểm tụ họp là nhà của một người bạn độc thân ở Québec. Hè nào chúng tôi cũng lên đó một lần. Có lần nói chuyện thơ văn, một người chợt nhớ đến bài thơ “Cây đào trước ngõ”, người khác bảo không phải cây đào mà là “cây tùng trước ngõ” cuối cùng chẳng ai nhớ hết bài thơ, mỗi người nhớ một vài câu, cả đám ghép lại được tám câu như sau, mà cũng chẳng biết là đúng hay sai, tôi ghi ra đây, bạn nào có nhớ thì xin hiệu đính dùm:

"- Rồi một mai nếu về cha hỏi,

Mẹ ở đâu con biết nói sao?

- Con hãy bảo trông cha mòn mỏi,

Mẹ từ trần sau mấy tháng đau.

 

- Nếu cha hỏi cây đào trước ngõ,

Sao chỉ còn một gốc ngẩn ngơ?

- Con hãy chỉ một cây đào nhỏ

Bên cây tùng rồi đứng lặng yên"

           Mùa xuân năm nay đến muộn màng, kéo theo vạn vật cũng muộn màng, nên cây đào đến giờ này chưa có một nụ lá, nụ hoa nào.

          Hôm nay trời không lạnh lắm, tôi bưng chậu thủy tiên ra ngoài trời hứng gió. Tôi đặt tên cho chậu hoa này là “Xuân muộn”. Dạo ở nhà, tôi vẫn nghe mẹ tôi kể rằng bác tôi, tức là chị cả của mẹ tôi, có tài gọt củ thủy tiên, và không biết bác làm sao mà năm nào thủy tiên cũng hé nụ đúng đêm giao thừa, đến sáng mồng một thì hoa nở rộ, thơm ngát cả nhà, khách khứa đến ai cũng trầm trồ. Từ khi bác mất đi, ở nhà không ai làm được như bác, khi thì hoa nở trước tết, có lúc lại đến mồng bốn, mồng năm mới nở.

          Tôi nghe mẹ kể nên cũng bày đặt mua sách về đọc và tìm cách gọt dũa làm đủ trò, thế mà nó cứ tự do muốn nở lúc nào thì nở. Tết đã qua cả hai tháng rồi mà cái chậu thủy tiên mới chịu ra hoa, những cánh hoa be bé nhụy vàng thật tinh khiết. Tôi kể cho mẹ tôi nghe, mẹ bảo chắc là tôi “úm” nó quá nên mãi bây giờ nó mới ra hoa. Kệ! Tôi vẫn khoái chí vô cùng chụp hình gửi khoe chậu hoa “Xuân muộn” của tôi, một người bạn phê bình cái tên này nghe… lỡ làng quá! Tôi để nó gần dưới gốc cây to sau vườn cho có nắng, và dùng kéo gọt tỉa bớt mấy cánh hoa tàn. Cây to giờ này đã có lá đâu, nên nắng chan hòa chiếu lên chậu hoa nở muộn.

 Trên đường tôi đi làm buổi sáng cũng thế, cây cối hai bên đường vẫn còn trơ trụi, mấy hôm nay trời ngưng tuyết, lá trên cành còn sót lại từ  mùa thu trước đổ ào xuống mặt đường, bay lao xao trong nắng  sớm, ngỡ như là mùa thu.

          Ở góc đường, chỗ tôi vẫn phải dừng lại để chờ đèn đỏ, mấy tuần trước, vẫn còn đống tuyết chất cao như cái núi. Góc đường ấy không có nhà ở, nên xe xúc tuyết thành phố không cần hốt tuyết đem đi mà chất cao lên chờ tan dần. Tôi để ý đến cái núi tuyết cao ngất ấy, nhờ một buổi sáng tự nhiên tôi thấy một chú bé con, nhỏ nhắn trong  bộ quần áo tuyết nhà binh, vác cặp sau lưng, ngồi trên đỉnh “núi tuyết” ấy, thòng hai chân xuống, đong đưa trên tuyết. Cái màu áo nhà binh nổi bật trên nền tuyết trắng, khiến tôi không thể không chú ý. Chú bé chỉ độ mười tuổi, với cái cặp nặng sau lưng, không biết làm cách nào mà chú ta leo lên được cái đống tuyết cao như thế? Những buổi sáng hôm sau đi qua đấy, tôi để ý nhìn, vẫn thấy chú ta ngồi tít trên cao, mắt ngóng về góc đường đợi xe buýt học sinh. Cái hình ảnh bộ đồ nhà binh đã làm tôi xao xuyến. Nó nhắc nhở đến một giai đoạn trên đất nước của tôi. Ở bên nhà, biết bao nhiêu người phải tìm cách chạy chọt để khỏi đi lính! Con nít ở xứ thanh bình này thì lại thích mặc đồ nhà binh. Cho lạ đời. Cái phu la quàng trên cổ chú bé màu xanh lá cây sậm với cái mũ cùng màu làm nổi bật nước da trắng như con gái, trông thật đáng yêu.

          Hình ảnh ấy cũng làm tôi nhớ đến hai đứa con của một người bạn cách đây hơn ba mươi năm về trước. Dạo ấy, anh chị bạn đi xa một tuần, gửi hai cháu lại ở nhà tôi. Mỗi buổi chiều tôi đi học về, hai đứa bé lúc ấy còn nhỏ và thấp lắm, phải trèo lên đống tuyết trước nhà đứng ngóng ra góc đường chờ tôi về. Xe tôi vừa quẹo vào con đường rẽ vào nhà là cả hai đứa nhào từ đống tuyết cao xuống đất, nhảy tưng tưng vì biết là sắp được đi ăn… McDonald’s! Dạo ấy, hạnh phúc sao nó đơn sơ đến thế. Ngày nay, sau ba mươi năm, tôi lại trở lại cái thời thơ ngây ấy, mỗi lần được đi ăn McDonald’s thì cũng nhảy tưng tưng lên, vì… khỏi phải làm cơm!

          Rồi lại liên tưởng đến hai chú bé con của tôi, từ một năm nay đã đi học ở xa nhà. Dạo nhỏ, hai đứa cũng thích mặc đồ nhà binh lắm, xin đi thiếu sinh quân cuối tuần, có hôm tự nhiên tôi về đến nhà thấy hai ông lính cao lêu nghêu lừng lững đi lại trong nhà hết cả hồn. Nhưng hai đứa thì khoái lắm. Một lần, tôi đi chợ về, thấy chiếc xe nhà binh to tướng đậu chình ình trước nhà, tôi giật mình không biết chuyện gì, thì ra chú ta lần đầu tiên được lái xe nhà binh, có ông trung sỹ già ngồi bên cạnh trông chừng, nên nhõng nhẽo, xin ông tây già cho rẽ vào nhà, chỉ ngừng lại cho mẹ thấy rồi lại phóng đi. Ý muốn khoe là ta đây có bằng lái xe rồi, mà xe cỡ bự chứ không phải xe hạng nhẹ như của mẹ đâu. Ở xứ này, lính kiểng sung sướng thế đấy, hèn gì con nít chẳng thích. Cái chú bé hay đứng trên đống tuyết cao ấy chắc cũng không ngoại lệ. Hôm nào đi ngang, không thấy chú bé trên đống tuyết cao, tôi thật áy náy, bận tâm, không biết chú ta ra muộn thế có bị trễ xe buýt không, hay là hôm nay chú bé nghỉ học?

Mấy hôm nay thì đống tuyết đã xẹp dần xuống, đen thui, tôi đi ngang ngoái cổ nhìn hoài, không còn thấy chú bé con nơi góc đường ấy nữa. Tôi cứ mải nhìn, xe đàng sau tin tin mấy bận, chưa kịp rồ ga thì đèn đỏ lại bật lên, đành đứng lì ra đó mặc cho mấy xe sau làu bàu um xùm. Mắt tôi chợt dừng lại ở góc đường đối diện, nơi đó, một đứa bé cũng nhỏ nhắn, trong chiếc quần lưng lửng quá đầu gối và chiếc áo cao cổ trắng, đeo chiếc cặp sau lưng, mái tóc vàng nâu trông thật ngộ, không còn cái phu la, không còn cái mũ màu xanh lá cây che kín hai tai. Hình ảnh này cũng quen quen, thì ra là chú bé con ấy, đã không leo lên đống tuyết đen thui nữa, mà sang góc đường bên kia đợi xe. Tôi thấy như có chút gì thất vọng, nuối tiếc, hoài niệm cái hình ảnh quen thuộc tôi đã nhìn quen mắt suốt mùa đông. Thì ra với cùng một người, cùng một hình ảnh, ở mỗi thời điểm, mỗi môi trường ta lại có cái nhìn khác hẳn. Từ hôm ấy, đi ngang góc đường ấy, tôi đã không còn ngoái cổ kiếm tìm. Vì cái hình ảnh mà tôi tìm kiếm đã không còn là hình ảnh trong ký ức tôi.

           “Buồn quá, hôm nay xem tiểu thuyết”, tôi ngồi dở lại những giòng sách cũ, xem lại những hồi ức quê nhà, thì nghe tiếng chuông gọi cửa. Tôi chạy vội ra, ngạc nhiên đến tột độ, khi thấy chú bé con trong bộ quần áo lính mùa đông, ngỏ lời mời mua kẹo chocolat cho trường học gây quỹ. Tôi ngạc nhiên hỏi, chú bé trả lời là nhà chú ở con đường gần đây. Thảo nào, sáng nào cũng thấy đứng đợi xe ở đầu đường tôi đi làm ngang qua. Cậu bé có khuôn mặt thật xinh xắn, đôi mắt to và trong, màu hạt dẻ dưới đôi mi thật dày và đen nhánh. Tôi thú vị như tìm lại được một thứ gì đã mất, và chạy vào nhà lấy tiền mua… ba thỏi chocolat. Tôi không ăn kẹo bao giờ, nhưng mua ba thỏi kẹo để chờ tuần tới các con tôi về sẽ cho chúng.

          Cậu bé con vui mừng lắm, và tôi cũng vui vui nhìn theo cậu bé đi lần sang nhà khác để mời mua kẹo. Một chiếc xe hơi nhỏ chầm chậm chạy theo sau cậu bé, chắc là người nhà đi theo để trông chừng, tôi nhìn theo thú vị, bên trong xe, chắc là cha của cậu bé, trong bộ quân phục đang dừng xe lại trước nhà bên cạnh, chờ con. Thì ra thế, không phải ngẫu nhiên mà cậu bé con này cứ thích mặc đồ nhà binh lúc mới mười tuổi.

          Như khám phá ra chân lý, tôi bật cười một mình, quay vào bếp cất ba thỏi chocolat vào tủ rồi chạy ra vườn, ôm chậu hoa “Xuân muộn” của tôi vào nhà. Ánh nắng chan hòa chiếu vào căn bếp, đem lại chút ấm áp. Dường như mùa xuân cũng vừa đầm ấm trở về đây.

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved