Truyện ngắn HẢI PHONG

 

Lời tòa soạn:

Nhà văn Hải Phong xuất bản tác phẩm đầu tay Vùng Yêu Đương năm 1981. Sau đó chị lần lượt cho ra đời Chị Yêu, Ngập Ngừng Gió Nhắn Cùng Cây, Sau Cơn Mưa và các truyện dịch như Quán Bên Đường, Lá Thu, Tuyết Hoa , Đêm. Đọc giả cũng đọc được truyện cũa chị trên các báo Thời Báo (Canada) Thời Luận (Mỹ) và Phụ Nữ TNHN (Mỹ).

Không chỉ giới hạn trong lãnh vực cầm bút, chị Hải Phong còn là giọng ca êm ái trong 3 CD nhạc Tình Tự Mùa Xuân (2000), Dưới Giàn Hoa Cũ và Mẹ Trùng Dương.

Trong đời sống hàng ngày thì chị là Le Chau Nguyen, Thanh tra Thuế vụ của Bộ Thuế Vụ Canada (Canada Revenue Agency) và Giáo sư thỉnh giảng của University of Sherbrooke.

Tài năng và sức sống mạnh mẽ của chị thật đáng khâm phục, tìm ra thời giờ cho nghệ thuật trong đời sống bận rộn của một chuyên viên tài chính ở phương Tây không phải dễ dàng.

 

 

  

Hoàng hôn đang lãng đãng rơi rơi trên mái chùa Thanh Tịnh, nhưng những giọt nắng cuối ngày vẫn còn lưu luyến chưa tan trên ngọn đồi thấp thoai thoải dẫn lên chùa. Xa tít tận chân trời, một làn nắng nhạt lung linh thành một vệt sáng dài, chia cắt nền trời chiều xanh nhạt trước khi hòa nhập vào giải mây tím ngắt ần hiện sau rặng cây lao xao dưới chân đồi.


Gió chiều mơn man những cành đào trước hiên ưng ửng hồng trong ánh nắng nghiêng nghiêng cuối ngày, in bóng những cánh hoa bé xinh xinh lên nền xi măng xám nhạt nơi chánh điện, ở đó, thầy Tịnh Tâm đang ngồi yên lặng tọa thiền trong tư thế liên hoa. Bên cạnh thầy, chú tiểu Chơn Thiện đứng chắp tay lặng thinh chờ đợi, mắt chú dõi nhìn lên tượng Phật từ bi, dưới cội bồ đề tỏa cành lá rộng.

Giờ kinh chiều đã xong từ lâu, chú không hiểu sao hôm nay thầy vẫn chưa rời chánh điện như thường lệ. Chú rón rén ngồi xuống bên cạnh, nhìn sang rồi bắt chước thế ngồi uy nghi và rất đẹp của thầy, chắp tay tụng niệm lại hồi kinh mà chú vừa học chiều qua. Chú thông minh, lại chịu khó ôn những gì được thầy dạy, nên chỉ đọc vài lần chú đã bớt vấp váp rồi. Giờ này, thông thường lẽ ra thầy đã bảo chú xuống đồi cài cửa nẻo, rồi lên ôn lại bài vở ở trường, học kinh học kệ. Chú thích công việc này lắm, vì như thế chú có cơ hội mỗi buổi chiều được tự do chạy tung tăng trên con đồi xoải, ngắm nhìn những cánh diều lượn lờ bay trong gió, thở hít mùi cỏ non thoang thoảng bên đường. Ðây cũng là dịp để chú có thể đứng sau hàng rào dâm bụt, nhìn xuống làng mạc xa tít bên ngoài, biết chừng đâu chú được nhìn thấy Mẹ? dù biết rằng điều đó khó có thể xảy ra lắm, nhưng bao giờ chú cũng dừng chân đôi lát rồi mới trở lên chùa. Chú ít khi đi lên đồi bằng mấy bậc thang bằng đá mà chỉ chạy lăng xăng trên cỏ, để từng lọn cỏ mềm mát rượi mơn trớn đôi bàn chân. Thỉnh thoảng chú lại cúi xuống mân mê mấy nụ hoa màu tím nhạt mọc tràn hai bên lối đi lót đá gập ghềnh, phủ đầy rong rêu. Chú không hái hoa dù chú thấy chúng thật dễ thương, vì sư phụ dạy hoa cũng có kiếp sống như người, không nên tàn hại chúng. Giờ đây, chú phân vân không biết có nên xuống đồi cài lại cửa nẻo hay là cứ đợi thầy? Trời cũng vẫn còn sáng dù hoàng hôn đã phủ kín núi đồi.


Như đọc được tư tưởng của người đệ tử, thầy Tịnh Tâm vẫn không mở mắt, mà chỉ nhẹ nhàng bảo chú:
- Hôm nay con chưa cần khóa cửa nẻo, có khách lạ đến vãng chùa.
Chú Chơn Thiện nhìn thầy kinh ngạc. Có khách đến vãng chùa! Còn ai mà lên chùa vào lúc cuối ngày như thế này? Chùa nằm ở một nơi thanh vắng, xa chốn phồn hoa. Thường, vào lúc bóng chiều chạng vạng trên ngọn cỏ, ngọn cây thì không còn khách vãng lai. Nhưng chú không dám cãi lại thầy, chỉ thưa:
- Vâng ạ!
Thầy Tịnh Tâm hài lòng:
- Con xuống bếp pha sẵn một bình trà thơm, rồi chờ một lúc nữa trời tối hẳn thì thắp ngọn đèn dầu trên kệ thờ nhé.
Chú Chơn Thiện đứng lên, chắp tay:
- Bạch thầy, con đi làm ngay.

Chú lui ra, bước ra sân nhìn dáo dác xuống chân đồi. Nắng vẫn còn vương vãi đó đây trên vùng cỏ xanh màu lục ngọc, chấm phá vài nụ hoa dại màu vàng vươn cao đong đưa mỗi khi có làn gió nhẹ lướt qua. Vẫn không một bóng người. Chú đứng một lúc rồi đi vòng sang phía hông chùa xuống bếp nhóm lửa pha trà, nhưng trong lòng không khỏi thắc mắc.

Thầy Tịnh Tâm vẫn ngồi thiền tọa. Giọt nắng cuối cùng trên vạt áo nâu của thầy mờ nhạt rồi lùi dần, lùi dần ra phía cửa ngoài, hòa với bóng hoa lung linh trên nền xi măng cũng đang dần dần mờ nhạt. Hôm nay thầy chợt cảm thầy bồn chồn lạ lùng, trái hẳn với tâm trạng tĩnh lặng thường nhật. Một điều gì đó thoáng qua tâm khiến thầy khó an tịnh. Tâm trí thầy như phiêu du ra khỏi vùng chánh điện thân thương quen thuộc mờ ảo khói hương, để bay vào khoảng không gian vô tận bên ngoài. Tiếng chuông chùa ngân nga thong thả vang lên, mùi hương tỏa ngát, khói hương nồng nàn đưa tâm hồn thầy nương theo tiếng chuông chiều, bay đến bên ngọn cây ngọn cỏ bên sườn đồi. Ô kìa! Tâm thức thầy choáng ngợp hình bóng ai đang lần bước theo mấy bậc thang bằng đá phủ rong rêu, mái tóc vàng óng tung bay trong gió, uốn lượn như những đợt sóng biển nhấp nhô. Và gió cũng đang bay lượn chờn vờn làm gợn lên nếp áo mềm mại màu vàng rũ xuống đôi chân thon thả, rũ xuống những cánh hoa tím mong manh mọc hai bên bậc thang, mà chính thầy và Sư Ông khi còn sanh tiền đã khuân vác từng tảng đá từ khu rừng sau chùa để lót đường cho khách thập phương dễ đi. Vạt áo cứ chập chờn tung bay trong tâm trí thầy, hình ảnh này sao mà quen thuộc quá, nhưng thầy đã thấy nó từ bao giờ? Kể từ khi Sư Ông viên tịch và giao cho thầy trụ trì chùa này, đến nay dễ đã đến hơn 30 năm, thầy có bao giờ bước chân ra khỏi nơi chốn này đâu? Hay chỉ là làn gió tự muôn kiếp nào đó đang bỡn cợt trên tà áo lụa xa xưa thưở nào?

Thầy vẫn ngồi yên đó cho đến khi chú tiểu Chơn Thiện hấp tấp chạy vào bẩm:
- Bạch Thầy! Có khách đang lên chùa. Có khách đang lên chùa. Khách ngoại quốc. Một bà đầm!
Lúc đó thầy Tịnh Tâm mới mở mắt, bảo chú:
- Thầy biết rồi. Khách mặc áo màu vàng, có đúng không?
Chú tiểu Chơn Thiện há hốc miệng, ngạc nhiên, nhưng chú không hỏi thêm câu nào. Sư phụ cái gì cũng biết cả. Thậm chí đôi lúc chú có cảm tưởng là thầy đọc được cả những gì chú suy nghĩ nữa cơ. Chẳng hạn có đêm chú không ngủ được, vì nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em, chú rón rén lần ra chánh điện ngồi chắp tay niệm một thời kinh, thì từ đâu, bàn tay từ ái của Thầy đã âu yếm đặt lên vai chú, ôn tồn hỏi:
- Con lại nhớ nhà à? Con nhớ mẹ, con muốn khóc phải không? Con cứ khóc đi thì lòng sẽ vơi đi nhiều thương nhớ.
Chú dụi đầu vào vạt áo nâu của thầy, gật gật cái đầu trọc lóc. Thầy xoa nhẹ lên chỏm tóc thả lỏng bên tai chú, nói nhẹ:
- Ngày xưa, thầy cũng như con thôi. Thân thì tu ở chùa nhưng tâm thì vẫn quyến luyến với gia đình, với Mẹ, vì gia đình thầy chỉ một mẹ một con, côi cút lắm.
Chú Chơn Thiện yên lặng lắng nghe, rồi hỏi:
- Thế rồi thầy vẫn tiếp tục tu được?
Thầy cũng gật gật đầu, nhắm mắt dưới ánh đèn mờ tỏa ánh sáng yếu ớt lên bóng Phật từ bi, thả hồn về những ngày thơ dại khi mới đến tu tập với Sư Ông tại ngôi chùa làng lân cận.

"Dạo ấy mẹ thầy thưa với Sư Ông là thầy sinh ra đã khó nuôi, oặt oẹo, đau ốm mãi. Làng xóm khuyên Mẹ đem thầy đến nhờ lòng từ mẫn của Sư Ông độ trì để thầy được ở lại với thế gian. Lạ thay, cơm muối canh rau mà thầy lớn như thổi, Sư Ông thương yêu cho thầy làm chú tiểu, đặt tên Tịnh Tâm. Từ đó chú tiểu Tịnh Tâm quấn quít bên Sư Ông, sáng sáng làm công phu, quét dọn và phụ giúp với Bõ Già trong bếp, ngày ngày được đi học ở trường làng, và tối về tập làm quen với kinh kệ, giáo lý với sự dạy dỗ của các sư huynh.

Thỉnh thoảng, lâu lâu lắm, chú tiểu được Sư Ông cho về nhà thăm mẹ chú. Ðấy là những dịp mà chú sung sướng nhất, vài lần đầu có sư huynh Tịnh Trí đi theo dẫn đường, sau, chú đã biết tự đi. Chú ra đường lộ, đứng nép bên lề chờ xe chở hàng đi ngang, giơ tay xin xe đỗ lại. Thấy chú tiểu xinh xắn đáng yêu, các bác tài lúc nào cũng sẵn sàng dừng xe cho chú về làng. Từ đó, chú đi bộ qua quãng đồng lắm lúc cạn trơ những gốc rạ dưới ánh nắng gay gắt mùa hè, bước thong dong qua một cây cầu khỉ bắc ngang con nước đục ngầu chảy lững lờ, chạy một đỗi là đến rặng tre xanh mướt, vươn cao lên nền trời xanh biêng biếc, kêu xào xạc mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua. Nhà chú ở khuất sau rặng tre đó. Lần nào chú về, mẹ chú không biết nói gì, chỉ ôm chú vào lòng mà khóc. Mẹ nói mẹ khóc vì sung sướng khi thấy chú lớn khôn, lại được đi đến trường học, được học kinh học kệ, đó là điều mà Mẹ chưa bao giờ dám mơ ước. Chú khoe Mẹ những trang tập viết ở trường, những bài toán cộng trừ, những bài tập đọc. Lần nào Mẹ cũng ra mảnh đất nhỏ sau nhà, đào củ khoai, nhúm vài nhánh củi nướng lên thơm phức, để thưởng cho chú. Trong lúc chú ngồi ăn ngon lành, Mẹ lại tất tả tiếp tục xách nước từ cái giếng gần nhà rồi gánh đến các nhà khá giả lân cận trong xóm. Chú ăn xong, ra ngồi bên bờ giếng, ngắm nhìn Mẹ. Mẹ chú đẹp lắm, ít ra là dưới cái nhìn ngây thơ của chú.

Chú chỉ ở nhà đến xế chiều là lại phải trở ra đường lộ đón xe hàng về chùa. Lần nào, Mẹ cũng cho chú năm đồng, dặn cài cẩn thận trong túi áo vạt hò màu xám nhạt. Chú đi xe hết hai đồng, còn ba đồng Mẹ dặn để ăn quà vặt. Chú mừng lắm, chỉ dám ăn dè xẻn, sợ hết tiền!

Lần đó, cũng không ngoại lệ, khi từ giã Mẹ để về chùa, chú mân mê năm đồng mẹ cho trong túi áo, đứng tần ngần mãi sau rặng tre.Chú khóc. Một linh cảm gì làm chú ngập ngừng không muốn bước. Chú thương Mẹ quá. Chú thèm vòng tay ấm áp của Mẹ, chỉ muốn được vào nhìn Mẹ thêm một lúc nữa rồi mới đi. Chần chờ mãi, chú mới lấy tay áo lau khô nước mắt, đánh bạo chạy vào nhà. Mẹ đang ngồi nhóm củi sau bếp, nước mắt rơi trên nhánh củi khô. Nghe tiếng động, Mẹ giật mình ngẩng lên, cũng lấy tay áo lau khô nước mắt, gắt:
- Cho tiền rồi sao chưa đi đi? Còn muốn gì nữa?
rồi quay ngoắt mặt đi, tiếp tục chụm lửa. Chú chỉ muốn đến ôm lấy Mẹ, muốn nói: " không, con không muốn gì nữa cả, chỉ muốn nhìn mẹ thêm một lúc nữa thôi ", nhưng chút hờn giận len lén làm cổ họng chú nghẹn lại, chú không nói được, đành lặng thinh nhìn mẹ một lúc rồi quay ra, chạy một mạch ra đường lộ, nước mắt lại rơi. Mẹ vẫn không quay đầu lại. Chú có ngờ đâu cái khoảnh khắc chia ly ấy lại trở thành giây phút thiên thu vĩnh biệt!

Sau lần ấy, lòng chú đã vơi dần thương nhớ, chú không còn bị dằn vặt khắc khoải mong đợi nữa, và chuyên tâm vào kinh kệ cùng giáo lý, Sư Ông rất hài lòng và cũng không ngạc nhiên khi thấy chú không còn nôn nóng xin về thăm nhà như trước nữa. Chú lớn lên trong sự giáo huấn nghiêm khắc của Sư Ông, chăm chú vào việc trau giồi trí tuệ ở nhà trường và siêng năng làm công phu, phụ giúp Sư Ông, và cùng các sư huynh chăm nom các sư đệ của mình.

Vào một ngày cuối tháng tư đen tối của đất nước, xóm làng lũ lượt kéo nhau đi. Thầy trò chú cũng không thoát khỏi số phận chung của đất nước, cũng chuẩn bị dời chùa để nhóm người lạ mặt ngang nhiên vào chiếm cứ. Chú xin Sư Ông cho về thăm nhà, thăm Mẹ lần cuối trước khi đi. Không còn xe đò nữa, chú được sư huynh Tịnh Trí chở xe đạp luồn lách qua những con đường tiêu điều chưa có người canh gác, nhưng than ôi! về đến nơi thì làng xóm cũng điêu tàn, chỉ có nhóm người lạ mặt áo quần đen đủi, chân đi dép râu lăm lăm cầm súng canh gác. Mẹ đã đi rồi! Hay Mẹ là đã chết rồi cũng chưa biết chừng?"

Từ lúc chú tiểu Chơn Thiện được nghe thầy mình kể chuyện đau buồn ấy thì lòng chú cũng vơi đi nhiều lắm, vì chú thấy chú còn diễm phúc hơn thầy, chú còn có mẹ, có em, dù xa xôi nhưng vẫn còn có nơi để gửi thương gửi nhớ. Thầy thì thê thảm quá! Ðầu óc non nớt của chú nghĩ như thế.

Nghĩ đến đấy thì chú nghe tiếng động thật nhẹ ngoài hàng hiên. Khách đã đến bên thềm, một nữ khách người da trắng, ở tuổi trung niên nhưng dung mạo đoan trang, tú lệ khác thường. Chú bước ra thềm, chắp tay cung kính vái chào bằng vài câu ngoại ngữ. Chùa Thanh Tịnh tuy xa, nhưng cảnh đẹp thanh thoát nên khách vãng lai cũng nhiều kể cả du khách đến từ nước ngoài, đi theo đoàn du lịch, nên chú cũng được sư phụ dạy cho vài câu chào hỏi xã giao bằng ngoại ngữ. Nhưng đây là lần đầu, một du khách da trắng đến đây một mình mà không đi theo đoàn du lịch, nhất là lại đến vào buổi hoàng hôn. Bà khách quay lại, đưa một nắm tiền cho người dẫn đường rồi quay sang chú Chơn Thiện, bà chắp tay hình búp sen một cách thuần nhuyễn, kính cẩn chào lại chú, và hỏi bằng tiếng Việt, với một giọng lơ lớ của người Tây phương:
- Chào chú, tôi muốn gặp thầy trụ trì của chùa này.
Chú ngạc nhiên vô cùng khi nghe vị nữ khách nói tiếng Việt khá rành rẽ, dù giọng nói rõ ràng là của người Âu Mỹ. Chú chưa kịp lên tiếng thì thầy Tịnh Tâm đã trả lời:
- Xin mời thí chủ tự tiện vào. Chúng tôi là trụ trì của chùa, đang ngồi đợi thí chủ đã lâu.

Ðợi đã lâu? Nàng đến đây không hề báo trước! Ngạc nhiên tột độ, nàng bước vào chánh điện bằng những bước đi chậm rãi, khoan thai, vạt áo màu vàng lại nhẹ nhàng rung lên, uyển chuyển chập chờn trong ánh sáng mờ ảo, chập chờn trong tâm trí của vị thầy khả kính. Ðến trước thầy trụ trì, nàng quì xuống đảnh lễ, rồi lên tiếng trước:
- Kính thầy. Con nghe nói nơi đây có thầy trụ trì Tịnh Tâm. Con có đến lầm chỗ không?
Lúc đó, thầy Tịnh Tâm mới mở mắt, chắp tay cung kính chào vị nữ khách nước ngoài, đôi mắt thầy dừng lại thật lâu trên đôi mắt nâu đen của vị thí chủ, có hàng mi cong cong như cánh bướm chập chờn. Thì ra, chính là đôi mắt này, chính là cái màu nâu đen này đã khiến thầy có cảm giác thân thiết với người khách phương xa. Nhưng thân quen từ kiếp nào? Thầy không thể nào biết được. Thầy từ tốn trả lời:
- Bần tăng chính là thầy Tịnh Tâm, trụ trì chùa này. Chẳng hay thí chủ đến tìm bần tăng có chuyện gì chăng?
Nét vui mừng sững sờ hiện rõ lên đôi mắt vị nữ khách. Nàng sụp lạy thầy ba lần rồi mở túi sách lấy ra một phong thư dán kín:
- Tôi… con… có người nhờ con trao đến thầy một lá thư.
Từ lúc biết thầy chính là thầy trụ trì Tịnh Tâm, thái độ và cách xưng hô của vị nữ khách bỗng trở nên ấp úng, lúng túng hẳn ra.
Vừa lúc đó, chú tiểu Chơn Thiện bưng một khay trà nóng với hai chiếc tách trà mầu nâu sậm có in hình chiếc lá phong, là của một Phật tử từ Canada mang về cúng dường thầy. Chú đặt khay trà trước mặt sư phụ, rồi kính cẩn rót trà ra chén, hai tay dâng tách trà cho thầy, rồi cho khách. Hương thơm ngào ngạt, làn khói nhẹ nhàng mờ ảo bay lên. Tâm hồn người khách lạ lâng lâng.
Thầy TịnhTâm nhíu mày, nhìn phong thư màu trắng đục, mà chỉ cần thoáng nhìn bì thư cũng rõ ràng là thư gửi từ ngoại quốc, màu giấy trắng tinh khiết đẹp mịn màng:
- Một lá thư? Lâu nay tôi không có liên hệ với ai ở nước ngoài. Xin thí chủ nói rõ hơn.
Nàng nhìn thẳng vào mắt thầy, tha thiết:
- Là một lá thư của mẹ tôi nhờ trao đến tận tay thầy. Mẹ tôi bệnh nặng sắp mất. Mẹ không thể ra đi được nếu còn vướng mắc vào một nỗi lòng chưa được tỏ bày. Chỉ có thầy, phải, chỉ có thầy mới có thể giúp cho Mẹ ra đi thanh thản mà thôi.
Thầy Tịnh Tâm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thầy hỏi trong hơi thở dồn dập:
- Chuyện lạ! mà mẹ cô là ai mới được chứ. Sao lại biết tôi?
Hai giọt nước mắt long lanh rơi xuống gò má trắng mịn như vỏ trái đào mới hái của Susan, phải, Susan chính là tên của vị nữ khách:
- Mẹ tôi không xa lạ với thầy. Mẹ là bà Vũ Thị Ngà, ở quận Sơn Hà ngày trước. Bà cũng chính là mẹ của chú tiểu Tịnh Tâm khi xưa.
Thầy Tịnh Tâm tưởng như mình ngồi không vững nữa trên chiếc tọa cụ mà thầy đang ngồi. Người thầy run lên như đang lên cơn sốt. Thầy nhắm mắt giây lâu, thả hồn về căn bếp nhỏ, nơi đó, Mẹ ngồi nhóm củi, đầu gục giữa hai đầu gối, không ngoảnh mặt lại nhìn khi thầy bước vội đi. Thầy nào có biết sau giây phút ấy, Mẹ đã nép mình sau bụi tre, nhìn theo chú tiểu đang phóng chạy như bay mà gạt lệ, và giòng nước mắt Mẹ đã bao lần thấm ướt chiếc áo bạc màu mà bao năm Mẹ chưa hề thay. Run run, thầy đưa tay nhận lá thư từ bàn tay có những ngón búp măng trắng nõn, nhẹ nhàng mở phong bì trước mặt Susan:
- Nếu cô cho phép…
Susan nghẹn lời, ấp úng:
- Vâng, thầy cứ tự nhiên.

Hàng chữ nghuệch ngoạc, lung linh nhảy múa dưới mắt thầy, giòng chữ của một người bệnh đã không kiểm soát được đôi bàn tay, giòng chữ đã phần nào bị nhạt nhòe vì nước mắt, viết không đầu không đuôi:
«… từ ngày Cha của thầy tử trận, mẹ thơ ngây ở tuổi đời 19, biết làm gì để nuôi dưỡng thầy? Không đành nhìn thầy bữa đói bữa no, mẹ đành tự cắt ruột giao thầy cho Sư Ông để thầy nương nhờ cửa Phật, chứ thật ra nào có phải thầy ốm đau, oặt oẹo gì đâu. Mẹ phải nói thế để Sư Ông rủ lòng từ ái mà nhận nuôi thầy, mong sao ít ra thầy cũng được hưởng đĩa xôi, chén chè của Phật tử cúng dường, được ngày hai bữa cơm rau đậu. Lòng mẹ tan nát mỗi lần thầy, lúc ấy còn là chú tiểu, lặn lội về thăm nhà. Mẹ chỉ được an ủi nhiều khi nhìn thầy càng lớn lên càng anh tú, khôi ngô, xóm làng đều ngưỡng mộ, khiến mẹ tin chắc rằng thầy sẽ có một tương lai vô cùng tốt đẹp trên con đường Chánh pháp.

Biết bao lần mẹ theo xe hàng lên tận cổng chùa, nấp sau bóng đa già dưới chân dốc, chỉ mong được nhìn thấy thầy mà không dám bước vào, sợ làm tâm tư thầy vương vấn. Lần cuối vào tháng tư năm ấy, mẹ cũng lần mò lên chùa thì cảnh xưa đã thương hải tang điền! Chỉ còn là một màu tang tóc. Biết tìm thầy nơi đâu? Mẹ thẫn thờ theo dòng người trôi nổi như sóng trào, như một người điên không định hướng, người ta chạy thì mẹ cũng chạy, người ta đổ xô lên tàu tìm đường thoát nạn thì mẹ cũng đổ xô lên tàu. Và những gì xảy ra sau đó thì em Xuân, phải, Susan chính là em Xuân của thầy, con ruột của mẹ, sẽ kể tiếp cho thầy nghe.

Thầy ơi, ngày cuối đời của mẹ đã cận kề, sự đau đớn hành hạ đã khiến mẹ không còn sức lực để chịu đựng nữa, nhưng mẹ không thể thanh thản ra đi nếu không nói được với thầy một lời xin lỗi: "hãy tha thứ cho mẹ, người mẹ khốn khổ của thầy". Sau lần gặp cuối cùng với thầy, mẹ vẫn vừa mong thầy trở lại, nhưng lại vừa mừng vì thấy thầy đã bớt vấn vương với thế tục, với gia đình. Trong lòng thầy có bao giờ oán hận mẹ đã hất hủi, đã gắt gỏng với thầy? Lòng mẹ nào muốn thế. Nhưng thầy có hiểu, nếu mẹ không làm thế thì thầy đâu có chịu đi? Nếu mẹ không làm thế thì tương lai thầy sẽ ra sao, bên cạnh một người mẹ khốn cùng, lo cho mình cũng chưa xong, lấy gì để thầy được học hành, được khai sáng trí tuệ? Giây phút ấy, chỉ cần mẹ quay đầu lại thì chắc chắn mẹ không nỡ để thầy xa mẹ nữa… Lời cuối của mẹ "hãy tha lỗi cho mẹ".
Người mẹ yêu thầy bất diệt.»

Ðôi giòng nước mắt lăn dài trên đôi má đã chớm vết nhăn của thầy. Giọng thầy đầy rung cảm:
- Em Xuân! Bây giờ Mẹ thế nào?
Susan nức nở:
- Anh!
Rồi với thái độ hết sức tự nhiên của người Âu Mỹ, hai tay cô cầm lấy bàn tay gầy guộc của thầy, áp lên má, thổn thức:
- Mẹ không xong rồi. Mẹ chỉ còn trông chờ giây phút này để yên tâm ra đi thôi. Kể từ lúc được một người hàng xóm ở làng cũ báo tin thầy còn sống, được Sư Ông đưa đến đây rồi được trụ trì ở chùa này, Mẹ không lúc nào không nghĩ đến thầy, kể cả trong cơn mơ, kể cả lúc cơn bệnh hành hạ. Và lý do tại sao Mẹ gửi em về đây tìm thầy thì Mẹ đã giải thích trong thơ rồi.

Thầy Tịnh Tâm lặng yên để tay mình trong tay người em gái, tay kia thầy lần chuỗi hạt, lâm râm đọc nho nhỏ một đoạn kinh. Susan cảm thấy như có một luồng điện truyền thấm vào tư tưởng của cô từ bàn tay ấm áp của thầy, rồi dường như cả căn phòng bỗng chan hòa ánh sáng dưới nguồn thần lực ấy. Tâm trí cô chợt mê man. Từ một ký ức sâu thẳm nào trong tiềm thức, cô thấy như mình đang nhẹ bổng, chơi vơi đến một nơi nào xa xôi lắm, nơi đó là một cánh đồng đầy hoa vàng ươm lan đến tận chân trời, có hình ảnh một cô gái nhỏ trong chiếc áo cánh mỏng màu vàng và một cậu bé cùng tung tăng đuổi theo con bướm bay lượn giữa không trung, họ cùng nhau đuổi theo mãi, theo mãi cho đến lúc nghe tiếng gọi: "này Tâm, này Xuân, về thôi chứ các con, đã chiều rồi...".

Bàn tay thầy Tịnh Tâm từ từ rời đôi tay của Susan. Cũng là lúc cô giật mình tỉnh giấc mơ vừa thoáng qua, nhìn thầy ngơ ngác. Thầy Tịnh Tâm trìu mến nói:
- Thì ra thế, thảo nào khi em vừa bước lên đồi ta đã cảm thấy quen thuộc. Thì ra chúng ta đã là anh em từ muôn nghìn kiếp trước. Ðúng thế, cô gái mặc áo cánh màu vàng chính là em, và ta là cậu bé đã đuổi theo con bướm để bắt nó cho em. Em Xuân, hôm nay em đến, cũng với màu áo vàng từ muôn kiếp trước. Chúng ta đã là con của Mẹ từ muôn kiếp trước. Thầy gục đầu vào giữa hai bàn tay, nghẹn ngào:
- Mẹ ơi! Tiếng gọi mà bao năm tháng nay thầy ấp ủ trong lòng.

Susan bịn rịn, đứng lên khi người dẫn đường vừa vào đến cửa chánh điện lên tiếng gọi để đưa nàng trở lại bến cho kịp giờ xe chạy. Nàng kính cẩn quì lạy thầy Tịnh Tâm ba lạy sau khi để lại tấm danh thiếp.

Thầy thẫn thờ bước ra hiên đứng dõi theo màu áo cho đến lúc bóng nàng khuất nẻo dưới chân đồi, rồi mới quay vào ngồi nhập thiền, nhưng tâm thầy làm sao lắng đọng? Thầy lại thấy hồn mình hòa nhập vào làn khói hương, bay bổng đến một nơi xa xôi và thật xa lạ, dập dìu xe cộ và ánh sáng phồn hoa. Rồi trong muôn màu ánh sáng huy hoàng đó, dường như thầy thoáng thấy có đôi làn mi của ai vừa khép lại, có một nụ cười thoáng nở trên đôi môi khô héo, có một hơi thở vừa đi không trở lại. Thế là ngàn thu vĩnh biệt!

Tiếng chuông chùa lại vang lên ngân nga trong gió. Trời đã chiều rồi. Rơi… rơi… nhẹ nhàng rơi, một chiếc lá bên thềm.

trích từ Tuyển tập truyện ngắn Màu Lá (xuất bản 30/4/2015)

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved