Một ngày đẹp trời, tự nhiên Bố đi làm về bưng theo một cái giỏ mây lót đầy vải chung quanh. Cả đám mấy chị em xúm lại mở ra coi, thì ra là một chú chó con, lông trắng muốt, trên đầu và lưng phơn phớt chút màu nâu, đôi mắt xanh biêng biếc đúng là giống chó Tây.

Cả mấy đứa thất vọng, kèo nhèo:

- Ồ, thấy cái giỏ to tướng, tưởng là bố mua bánh kẹo gì, hoá ra con chó!

Chả là nhà tôi, từ trên xuống dưới, ai cũng sợ thú vật lắm, chó mèo gà ngỗng gì cũng chẳng ai dám lại gần. Thậm chí, cách đây không lâu, thầy tôi cho đề luận văn "Em hãy tả con chó nhà em" mà tôi cũng chẳng biết con chó nhà em thế nào, phải chạy qua nhà cô Hoa, ngồi xa xa ngắm nhìn con chó mà tả: "…con chó nhà em nó cứ ngồi nhìn em gừ gừ…", thầy đọc xong lạ lắm. Mà quả thật, con chó bị cô Hoa bắt ngồi một chỗ cho người lạ nhìn và tập làm văn thì bực bội lắm, nó chưa cắn em là may, nói gì đến nhìn em gừ gừ!

Bố cười hì hì:

- Con chó nhà bác Thành sanh bốn con nhỏ giống nhau như đúc, bác ấy tử tế cho bố một con. Mai mốt chúng bay làm luận văn, khỏi phải đi sang mượn chó hàng xóm, không phải tốt à?

Mẹ thở dài thườn thượt:

- Làm luận văn tả con chó thì chỉ tả một lần thôi, chả nhẽ lúc nào cũng tả con chó à? Mẹ đã phải nuôi cả đám các con, hầu bố mày đã hết hơi rồi, bây giờ lại hầu con chó nữa. Lại nữa, chúng nó đã ăn như hạm, còn đâu cơm gạo mà nuôi chó nữa chứ, ông chỉ vẽ chuyện!

Chị Loan thấy thế chen vào:

- Chó không cần ăn cơm gạo đâu Cô ạ, cho nó ăn xương được rồi.

Đúng là cả nhà chẳng có kinh nghiệm tí nào. Chó con mới đẻ ra chưa đầy tháng, làm gì mà đã ăn xương ngay được. Thế mà bố cũng phụ họa ngay:

- Đúng đấy, đỡ phải đổ rác!

Mẹ chặc lưỡi:

- Muốn làm gì thì làm, đừng bắt tôi hầu nó là được rồi.

Chị Loan lăng xăng tìm chỗ để cái "chuồng" chó. Chị lấy một miếng gỗ lót cái giỏ mây rồi đặt chú chó con vào, lấy thêm cái mền cũ cắt nhỏ ra, ban đêm chị đắp cho chú chó ấm ngủ được yên.

Chỉ nội cái màn đặt tên cho chú chó mà cả nhà như cái chợ vỡ. Phượng Vỹ thì nói cái tên Loulou nghe như cái… lu, mập tù lù, không nên thơ tí nào. Lệ Thanh thì nói cái tên Mickey nghe như con chuột! Cả đám cãi nhau ỏm tỏi khiến chị Loan phải quát lên:

- Các em có im hết không? Không lôi thôi nữa. Chị có tên cho nó rồi.

Cả đám im thin thít và chú chó con được chị đặt tên là con Kiki.

Đến bữa, chị Loan dặn chị Tư thổi cơm thì chắt ít nước gạo thổi nguội đút cho Kiki ăn. Cứ thế mà chẳng bao lâu Kiki thay hình đổi dạng nhanh như thổi, lông dài và mượt mà bóng mướt chẳng cần phải gội bằng bồ kếp. Cái giỏ mây đã quá chật, và chú ta chạy nhảy lung tung, không nằm trong giỏ nữa.

Dần dần, chúng tôi quen mắt và không còn sợ nó như trước. Kiki chẳng cắn ai bao giờ. Hạ Long mon men làm quen và chơi với nó, cầm que giơ lên giơ xuống tập cho chú chó nhảy múa loạn cào cào. Rồi lại tập cho Kiki biểu diễn màn "Cẩu xực xí quách", đám trẻ con hàng xóm bu lại coi Kiki biểu diễn, vỗ tay rầm trời. Trong đám con nít, có bé Ti là bạn của Hạ Long, thích Kiki lắm, cứ rảnh là lại chạy sang tìm Hạ Long và chơi với Kiki.

Hạ Long lại còn tập cho Kiki đứng bằng hai chân sau, hai chân trước chắp lại với nhau. Khi có khách tới nhà, Hạ Long bảo: "ạ đi", là Kiki biểu diễn đứng thẳng lên, chắp hai "tay", cúi đầu chào khách.

Dần dà, Kiki quen hơi, dạn dĩ làm thân với Hạ Long, xà vào cho cậu ta bế đi khắp xóm. Đêm ấy, tự nhiên Hạ Long bị nổi ngứa khắp người, đỏ như con tôm luộc, gãi sước cả da. Cả nhà sợ quá, chị Loan phải lấy Phenergan cho cậu ta uống cho đỡ ngứa rồi giữa đêm phải cùng mẹ đưa Hạ Long vào bệnh viện Nhi Đồng. Bác sỹ nói không sao, chỉ là bị dị ứng với lông chó thôi, uống thuốc đến sáng mai sẽ khỏi.

Từ đấy, cả đám chúng tôi chả ai dám lại gần Kiki. Vốn đã sợ thú vật, lại thêm cái kinh nghiệm của Hạ Long, Kiki đi tới đâu là cả bọn lánh xa chỗ khác. Có hôm nó trèo cả lên bàn học của Lệ Thanh, đạp tán loạn lên đám chai lọ đang làm thí nghiệm của cô nàng khiến cô nàng la toáng lên, Minh Thanh phải lấy que, đứng xa xa khều cho nó nhảy xuống.

Có lẽ cũng tủi thân vì bị hất hủi, Kiki buồn ra mặt. Nó rầu rĩ chẳng buồn chạy nhảy nữa, và một buổi trưa, chị Loan la hoảng lên là Kiki đã "một đi không trở lại" rồi.

Mẹ cứ chặc lưỡi trách tụi tôi:

- Mẹ đã bảo, không nuôi được thì đừng nuôi. Bây giờ để nó đi như thế nhỡ xe cộ cán trúng nó, chúng bay phải tội chết. Nói có nghe đâu! Bây giờ thấy chưa?

Rồi lại chì chiết bố:

- Ông thì chỉ giỏi đầu têu cho chúng nó. Từ ngày đem con Kiki về, có thấy ông mó đến nó đâu mà cũng bày đặt nuôi, bây giờ nó bỏ đi, sống chết thế nào không biết, ông đi tìm nó đi.

Chị Loan nghe thế, can mẹ rồi đội nón, tất tả đi khắp xóm hỏi thăm từng nhà xem có thấy Kiki không. Đến chiều tối, chị trở về lắc đầu chán nản. Mẹ ra ngồi ngóng trước hàng hiên, gió hiu hiu thổi qua hàng rào dâm bụt đỏ rực, cứ mong cho Kiki biết đường về nhà. Đến tối mịt, mẹ mới chịu vào nhà, khóa cửa.

Hai hôm sau thì bác Tuân ở đầu xóm bế Kiki sang nhà tôi. Bác nói với mẹ là Kiki theo con bác, là bé Ti, về nhà và không chịu đi nữa, đuổi thế nào cũng cứ bám theo bé Ti không rời.

Mẹ bàn với chị Loan, thay vì giữ Kiki ở lại để bị hất hủi, chi bằng nếu bé Ti thương nó, thì để bác Tuân nuôi nó để cho Kiki có một "mái ấm gia đình". Bác Tuân mừng lắm, cám ơn mẹ rối rít. Bác hứa sẽ chăm sóc cho Kiki thật đàng hoàng. Bé Ti là con một, không có ai chơi, chắc chắn sẽ thương Kiki lắm. Mẹ thật hài lòng. Bố nghe thế thì cũng chỉ ậm ừ thôi.

Những ngày sau đó, mỗi lần chúng tôi đi học ngang qua nhà bác Tuân, Kiki mừng rỡ vẫy đuôi theo sau nhưng không bao giờ lại gần. Tụi tôi cũng chỉ đứng xa xa vẫy tay với nó, hay liệng bánh bích qui cho Kiki ăn. Chú ta được chủ mới cưng chiều, lớn như thổi, nay đã thành "người nhớn" rồi, cao ráo bảnh bao lắm. Cứ nhìn thấy tụi tôi là gâu gâu mấy tiếng rồi vẫy đuôi mừng.

Nhưng cuộc đời không êm đềm trôi như thế. Mấy năm sau, một ngày cuối tháng tư, sáng sớm thức dậy, người quen trong xóm kháo nhau là gia đình bác Tuân đã di tản rồi, trước đó, bác đã âm thầm bán rẻ căn nhà cho chủ mới. Từ đó, Kiki cũng biệt tăm biệt tích không biết trôi dạt phương nào.

******

Những ngày tháng đen tối của gia đình tôi ập tới. Cả nhà mải lo sinh kế, chẳng còn ai nghĩ đến Kiki.

Nhờ có người bác họ tôi từ Bắc vô Nam để cai quản một công ty điện, mà Lệ Thanh, Phượng Vỹ được thi vào và làm tại cơ quan của bác để phụ giúp cho gia đình trong cơn kiệt quệ, cộng vào với viện trợ của Thu Phong từ ngoại quốc gửi về.

Niềm vui của cả nhà bấy giờ là những cánh thư, những thùng quà từ Canada gửi về. Không phải chỉ là niềm vui của gia đình tôi, mà còn là niềm vui chung của những nhà thân quen lân cận. Chỉ cần nghe tiếng xe đạp lóc cóc của ông phát thư dừng lại trước cổng nhà tôi, reo to: "có giấy nhận hàng từ Canada đây" là cả nhà đổ xô ra nhận, và con nít hàng xóm cũng reo hò inh ỏi góp vui. Chỉ vì quà gửi về, mẹ tôi tìm được mối bán để lấy tiền mua gạo tích trữ. Mẹ nói:

- Thiếu thức ăn không sao, gạo muối mới là cần thiết.

Tội nghiệp đám em, Thu Phong ở xa cứ như người trong mơ, chắc tưởng đám em vẫn còn yểu điệu thục nữ, quần là áo lượt như thưở nào, cho nên nàng cứ gửi nào son Lancôme, nào phấn hồng Coty phơn phớt, nào kem thoa mặt nuôi da, rồi từng xấp lụa ngoại quốc mượt mà. Đám em chỉ dám nhìn thèm thuồng mà không dám đụng tới. Mẹ chỉ giữ lại vài gói nấm đông cô, vài thức ăn khô để phòng khi cúng giỗ, những thứ còn lại thì chỉ hôm sau là đã ra chợ trời. Phấn son, lụa là đã biến thành gạo để dành, và để cho hàng xóm… mượn. Vì thế, trẻ con hàng xóm cứ thấy nhà tôi có quà ngoại quốc thì mừng lắm, vì thể nào hôm ấy, mọi nhà lân cận lại có được bữa cơm trắng canh ngon, do mẹ tôi mời sang ăn chung.

Mẹ bảo: sống nơm nớp lo sợ thế này, thôi thì có cứ chia nhau ra mà ăn, biết còn được ngày mai không mà giữ! Quả thật, không nơm nớp sao được khi mà nửa đêm nghe tiếng công an gõ cửa cũng giật thót cả người. Xét sổ gia đình cũng có thể xét ban đêm! Mãi về sau, mẹ mới biết nguyên nhân của những lần lục xét bất thường ấy là những thùng quà từ ngoại quốc gửi về, mà bố mẹ thì cứ ngây thơ không biết đường đút lót.

Có những đêm mẹ nằm thao thức, chỉ nghe tiếng chân người dừng lại trước ngõ thôi cũng đã đứng tim, gọi khẽ bố dậy, nghe ngóng. Thì bỗng dưng, mẹ nghe tiếng gừ gừ, lúc đầu nho nhỏ, sau thành tiếng "gâu gâu" vang cả xóm, rồi cái tiếng chân dừng lại kia xa dần, xa dần vội vã. Bố mẹ sợ nên cũng chẳng dám mở cửa ra xem. Vài lần như thế thì cũng từ đó những lần lục xét bất thường giữa đêm khuya cũng thưa thớt dần.

Một hôm bác Hai hàng xóm nói nhỏ với mẹ:

- Cô cẩn thận, có hôm ban đêm em nhìn qua cửa sổ cứ thấy có người lấp ló cửa sau nhà cô đấy. Nhớ bảo các cháu trông chừng cửa nẻo cho đàng hoàng kẻo có trộm. Chúng biết nhà cô hay nhận quà ngoại quốc nên dòm ngó.

Mẹ lại lo ngay ngáy. Không lâu, vào một đêm cả nhà say giấc, mẹ lần mò vào nhà tắm thì nghe tiếng cạy cửa nơi cổng sau. Mẹ tá hỏa tam tinh, gọi bố dậy. Bố cũng chẳng biết làm sao, bảo mẹ vào phòng đi rồi bố đi kiểm soát khóa chặt cửa trước cửa sau lại, lỡ trộm có vào thì cũng lạy Trời Phật phù hộ chứ biết làm sao. Bố xưa nay, con chó con mèo còn chưa dám đánh, nói gì đánh ăn trộm!

Cả nhà hồi hộp, lo sợ đợi chờ. Chúng tôi rúc vào giường chị Loan cho đỡ sợ. Vừa lúc nghe tiếng "cạch", cánh cửa cổng sau được nạy bung ra, mọi người đang đứng tim, thì nghe "soạt" như tiếng vải bị xé rách, rồi tiếng người rú lên cùng với tiếng sủa vang dữ dội của con chó nhà ai. Tiếng cái xà beng rơi bộp xuống đất và tiếng chân người chạy thình thịch rồi im bặt. Con chó vẫn tiếp tục sủa vang, khiến cái tiếng chân kia không dám quay trở lại nữa.

Sáng hôm sau, cả nhà mon men ra cửa sau nhìn, con chó vẫn còn nằm đó, chắn ngang cửa sau với vết máu đã khô rơi trên nền xi măng, cái xà beng vẫn còn nằm gác lên chân nó. Chị Loan rón rén lại gần, kêu lên nho nhỏ:

- Cô chú ơi, con Kiki nhà mình.

          Không sao tả nổi nỗi vui mừng của gia đình tôi lúc đó. Kiki nghe tiếng động cũng giật mình thức giấc, nhìn thấy người nhà chung quanh, nó vẫy đuôi vui mừng, nhảy lăng xăng nhưng không dám lại gần ai. Có lẽ nó còn bị ám ảnh bởi sự hất hủi ngày xưa.

Chị Loan vẫy vẫy:

- Kiki, Kiki, lại đây, đừng sợ!

Kiki lại gần. Chị Loan quỳ xuống, ôm lấy đầu Kiki:

- Tội nghiệp mày quá, đêm qua, ngủ ngoài này có lạnh không?

Kiki chỉ gừ gừ đáp lại. Rồi nhìn Kiki nay chỉ còn là con chó gầy guộc, trơ xương, chị lại nói:

- Từ nay, về nhà đi Kiki nhé. Đừng đi nữa, chúng ta có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm, không để cho mày đói đâu.

Mẹ cũng bảo:

- Ừ, trông nó thật tội nghiệp. Cháu vào lấy cho nó bát cơm nguội.

Kiki ăn một cách ngon lành như đã lâu ngày nó chưa từng được ăn.

Từ hôm ấy, Kiki ở lại trong gia đình chúng tôi. Đêm đêm, nó nằm ngủ trước hè. Có những hôm trời se se lạnh, mẹ bảo chị Loan gọi nó vào nhà, nó nhất định cứ nằm lì ra đó. Chị Loan bảo có lẽ nó muốn canh chừng ăn trộm. Mẹ thấy thế, đem cái mền rách ra lót ở góc sân cho nó rúc vào.

Kiki không còn là con chó bé bỏng đẹp đẽ ngày xưa nữa, nó đã già rồi nhưng đã trở thành thần hộ mệnh cho cả gia đình chúng tôi trong thời buổi nhiễu nhương. Chẳng những ăn trộm mà cả công an cũng ngán ngẩm nó, chẳng dám bén mảng lại nhà ban đêm.

Mẹ nghe ai nói là con chó cứ tăng một tuổi thì bằng người ta tăng bảy tuổi, rồi mẹ nhẩm tính nói:

- Kiki thành "cụ" rồi. Nó già hơn mẹ rồi.

Chỉ ít năm sau, những ngày gia đình tôi sửa soạn lo giấy tờ bảo lãnh để đi Canada đoàn tụ với Thu Phong thì Kiki buồn bã, biếng ăn hẳn đi. Nó cũng có linh tính hay sao ấy. Mấy chị em vui vẻ không nhận ra là nó buồn đến thế nào. Hôm khám sức khỏe xong, cả nhà lăng xăng thu dọn hành lý, đóng thùng, xếp va li để chờ ngày đi. Kiki buồn đi bặt mấy ngày không ai thấy mặt, nhưng cứ đêm đến, nó lại lần mò về rúc vào cái mền rách của mẹ ở góc vườn, nơi đó, mẹ đã để sẵn thức ăn cho nó về ăn.

Chỉ còn vài hôm nữa gia đình lên máy bay. Kiki nhuốm bệnh, mắt nó đỏ ngầu như chó dại. Bác tôi sang thăm gia đình, thấy thế hốt hoảng:

- Chúng bay cẩn thận, đừng lại gần nó, mắt nó đỏ thế kia là nó sắp hóa rồ rồi.

Chúng tôi không tin. Kiki vẫn rất hiền hòa với bọn tôi, không hung dữ bao giờ, nhưng tình trạng của nó thật làm cho cả gia đình lo ngại. Chúng tôi đem cơm nước cho nó, nó cũng quay mặt đi như đang giận.

Rồi cái hôm người chủ mới tới nhận nhà, mẹ trao chìa khoá và để lại ít tiền, dặn dò người chủ mới chăm sóc cho Kiki, thì cả mấy chị em đều oà lên khóc. Minh Thanh nhanh nhẩu ra đánh điện tín cho Thu Phong, hỏi có bảo lãnh cho Kiki đi được không? Sau mẹ biết được, mắng cho nó một trận.

Buổi sáng ra phi trường, cả nhà không ai nỡ rời Kiki. Nó không đứng lên được nữa, khi cả nhà ra vuốt ve từ giã, nó cứ nằm bệt đó mà gục gặc cái đầu. Đôi mắt nó vẫn đỏ ngầu, đưa lưỡi liếm vào tay chúng tôi. Đến lúc bác Tám taxi giục mọi người lên xe cho kịp giờ ra phi trường thì Kiki gượng chống chân lên như muốn chạy theo, nhưng rồi đuối sức, nó lại khuỵu xuống, giương đôi mắt lờ đờ nhìn theo, hai hàng nước mắt từ từ chảy xuống. Hạ Long níu lấy cửa xe, thò đầu ra ngoài khóc mãi cho đến lúc xe ra hẳn đường lớn, mẹ kéo nó ngồi xuống nó mới chịu thôi.

Sang đến Canada, một tháng sau thì nhận được thư bác tôi nói là cái hôm cả nhà đi đoàn tụ, thì chiều hôm ấy, Kiki "từ trần". Bác nói trong thư là trong bụng nó đầy giẻ rách. Thì ra, Kiki buồn, nuốt giẻ rách tự tử!

Cả nhà buồn rầu, mẹ cứ nghẹn ngào: "tội nghiệp nó" mà không dám khóc. Cũng chẳng ai thắc mắc là tại sao người ta lại biết trong bụng Kiki chứa đầy giẻ rách?

Mẹ đọc đi đọc lại lá thư, rồi lững thững quay mặt đi vào bếp, gạt nước mắt, nói nhỏ:

- Thú vật chúng có tình và biết ơn lắm, trước đó mẹ chỉ nghe nói thôi, nay cứ nhìn gương con Kiki thì thấy!

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved