"Death becomes "unaffordable" in B.C." by Glenda Gluymes, The Province newspaper.

 

 

Nhà cửa đắt đỏ cho người sống đã đành, nhưng chỗ yên nghỉ cho người chết cũng đắt đỏ ở tỉnh bang BC.

Nghĩa trang thành phố không còn đất trống, cư dân phải tìm đất mới hoặc tối đa hóa đất họ đang có, trong khi có người phải đi tìm đất ngoại ô. Những từ dành cho nhà ở như "giá cả trong tầm tay" hoặc "mật độ cao" bắt đầu áp dụng cho cả người sống lẫn người chết.

Kiến trúc sư vườn cảnh Vancouver Erik Lees, công ty của ông Lee&Associates chuyên thiết kế nghĩa trang toàn Bắc Mỹ, nói: "Chúng ta đã hoặc sắp sửa có khủng hoảng đất chôn ở nghĩa trang. Vùng Lower Mainland này có vẻ là nơi khan hiếm đất chôn nhất của Canada."

Những lý do làm cho nhà cửa đắt đỏ cũng là những lý do làm cho đất nghĩa trang đắt đỏ: địa lý, quy hoạch và dân số. Mountain View Cemetary ở Vancouver còn lại 400-500 lô đất chôn với giá 25,000 CAD mỗi lô.

Trên trang mạng buôn bán Kijiji, lô đất ở nghĩa trang Forest Lawn, thành phố Burnaby, được rao bán với giá 9,500 CAD trong khi 2 lô đất song song cạnh nhau ở nghĩa trang Valley View, thành phố Surrey được rao bán với giá 10,000 USD.

Nhà cố vấn mai táng Nicole Hanson nói việc thiếu đất chôn khiến người ta không thể an táng nơi người ta đã sống "Chết trở thành tốn kém cho nhiều người".

Nhiều người không thể có lễ an táng theo phong tục văn hóa hoặc tín ngưỡng của mình vì quá đắt đỏ, mà phải thay đổi cho tiết kiệm hơn. Tỷ dụ thay vì chôn cất họ phải đổi qua hỏa thiêu. Chi phí tốn kém cũng tạo ra bất bình đẳng trong cái chết, vì rốt cuộc chỉ có người giàu mới có mộ bia ở nghĩa trang.

Hanson nói: "Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ về nghĩa trang, vì đó là nơi quan trọng, có giá trị văn hóa".

Lees cũng đồng ý, gọi nghĩa trang là "vấn đề bị chính quyền quên lãng". Thường nó chỉ là khía cạnh sau cùng trong kế hoạch và quy vùng. "Hỏa thiêu chỉ giải quyết vấn đề trong một thời gian nào đó, rồi thì ta vẫn phải đối mặt với vấn đề".

Ở nghĩa trang Mountain View, đất chôn đã là một vấn đề lâu năm. Giám đốc Glen Hodges nói đã có 2 lần nghĩa trang bị thiếu đất chôn, năm 1964 và 1986. Cả 2 lần, nghĩa trang phải tìm thêm đất bằng 2 cách: hoặc lấy bớt lối đi làm đất chôn, hoặc mua lại đất chôn của những người đã trả tiền mua đất nhưng chưa dùng hoặc không dùng. Hiện nghĩa trang vẫn còn đất chôn, nhưng với giá 25,000$ thì nhiều người không có khả năng. Năm 1986 chỉ có 110$ một lô (tăng 250 lần).

Hodges nói nghĩa trang đang xây dựng Quỹ hổ trợ, dùng khi mà đất chôn không còn và nghĩa trang cũng hết nguồn lợi tức.

Ông nói: "Khi bạn mua một lô đất, luật pháp nói rất rõ là sở hữu này là vĩnh viễn. Cho nên chúng ta phải cẩn thận trong vấn đề lập kế hoạch, vì chúng ta không có cơ hội lần thứ hai."

Thiếu đất chôn không phải là vấn đề riêng của vùng Lower Mainland. Làng Argenta vùng Kootenays mới đây phải xin Ủy ban Đất nông nghiệp cho nới rộng nghĩa trang thêm 0.375 mẫu tây.

Tháng 10/2017, thành phố Vernon yêu cầu tư nhân và doanh nghiệp đề xuất kế hoạch xây dựng nghĩa trang thành phố. Văn bản nói: "Nghĩa trang hiện hữu đã gần hết đất. Thành phố cần tìm cách tận dụng nghĩa trang hiện tại và xây thêm nghĩa trang thứ hai trong vòng 5 năm tới."

Văn bản cũng nói ngân sách nghĩa trang có vấn đề trong những năm gần đây, cùng với vấn đề bảo trì chăm sóc.

Thành phố Surrey đã hoàn tất đại kế hoạch cho nghĩa trang thành phố vài năm trước. Tổng cộng 7 mẫu Anh (acres) đã được dùng làm đất nghĩa trang mới ở khu vực trung tâm thành phố. Ở nghĩa trang Sunnyside Lawn, mới có 6 mẫu Anh trong tổng số 29 mẫu được xây dựng xong cho chôn cất. Điều hợp viên Anna Christian nói: "Chúng tôi muốn sẵn sàng, đi bước trước nhu cầu mai táng vừa túi tiền của dân chúng".

Giống như nhiều thành phố ở Lower Mainland, cư dân Surrey được hưởng giá thấp hơn ở những nghĩa trang do thành phố làm chủ, so với người không phải cư dân. Giá lô đất chôn cho cư dân là 2,100$ còn người không sống ở Surrey là 3,200$. Một số thành phố với đất chôn giới hạn không cho phép chôn người không phải là cư dân thành phố. Theo trang mạng của thành phố Coquitlam, chỉ người đã sống ở Coquitlam mới được chôn ở nghĩa trang Robinson Memorial Park.

Hanson kêu gọi các chính quyền địa phương nên đi tiên phong giải quyết. Bà tin là những nhà lập kế hoạch của thành phố đã có đầy đủ công cụ để làm cho nghĩa trang thành một phần của những dự án phát triển thành phố, tương tự với đường xá, trường học, khu thương mại. Xây nhà cho người sống thì phải nghĩ đến xây nghĩa trang cho người chết.

Với 84% người chết tại tỉnh B.C. được hỏa thiêu theo tài liệu của Hiệp hội Hỏa thiêu Bắc Mỹ, vấn đề thiếu đất chôn bớt phần cấp thiết. Dự đoán đến năm 2021, tỷ lệ hỏa thiêu lên đến 87%.

Hodges nói bắt chước Âu châu có thể giải quyết nạn khủng hoảng đất chôn của Bắc Mỹ. Nhiều nước Âu châu không bán đất chôn vĩnh viễn mà chỉ cho thuê có thời hạn. Đến một lúc nào đó thì gia đình cải táng người chết, chấm dứt thuê đất và lô đất được dành cho người mới.

Nghĩa trang ở Vancouver đã cho phép chôn nhiều tầng trong một lô đất, nghĩa là nhiều người trong gia đình chôn cùng một lô. Thực hiện bằng cách khi có người chết mới, người chết cũ được cải táng và chôn sâu hơn.

Nhưng Hodges nghĩ là những nhà lập pháp tỉnh bang chưa thấy cần thay đổi luật đất chôn hiện hữu.

 

Tim T. Hoang dịch theo "Death becomes unaffordable in B.C." của Glenda Luymes, The Province newspaper.