Vũ điệu một đường tu.

 

Thanh tắt máy, mở cửa xe nhìn con dốc thoai thoải, nhỏ mà dài, hằn nét một vết cắt mỏng như xâm phạm thiên nhiên, giữa đại ngàn muôn trùng cây cối. Không gian thật yên ắng, và không một ngọn gió thổi đùa.

Trên cao, trời thật trong với những dãi mây xanh.

Một căn nhà nhỏ vách ván, nằm giữa lưng chừng dốc, thụt lỏm vào trong vết cắt mỏng ấy. Thanh cứ ngỡ đã đi lạc đường. Ngay lúc ấy, như hẹn trước, một người đàn ông Á châu, từ trên đi xuống. Ông mặc bộ quần áo lao động, như bất cứ người nông thôn bình dân nào, thường thấy ở miền quê.

Thanh cũng bước lên, cúi đầu chào người đàn ông, hỏi đường đến am Tận Diệt.

-Thí chủ tìm ai?

-Thưa ông, tôi muốn gặp thầy Viên Mãn.

-Để làm gì?

-Thưa ông, tôi...

-Đây đúng là am Tận Diệt và bần tăng là Viên Mãn.

-Mô Phật! Thưa Thầy, con là tu sĩ tại gia, nay muốn tìm thầy để qui y thế pháp!

-Ôi chào... Thí chủ muốn đi tu hay đi trốn nợ đời! Vợ đẹp, con khôn và giàu có như thí chủ, mà lại muốn bỏ tất sao?

-Dạ... con chưa biết rõ... Thanh ấp úng.

-Rõ hay không, do lòng thanh tịnh! “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh!” Thí chủ biết câu thơ này của ai và ý nghĩa của nó?”

-Bạch Thầy! Của Văn Thiên Tường. Ý nói: Xưa nay, ai thoát vòng sinh tử. Để tấm lòng son chiếu sử xanh!”

-Đúng. Đúng lắm! Thiện thay! Thí chủ ứng đáp nhanh lắm! Thí chủ có muốn thử ngay bây giờ? Ta đã chờ thí chủ cả buổi sáng hôm nay, vì biết chắc thí chủ sẽ đến vào buổi trưa này!

-Dạ... con xin Thầy hướng dẫn.

Tuy nói thế, nhưng Thanh cũng không mấy tin tưởng lắm.

Hình ảnh đầy phàm tục: ngôi nhà nhỏ vách ván như muôn vạn căn nhà vùng nông thôn, thêm chiếc xe Toyota cũ đậu dưới mái hiên, thực sự làm cho Thanh sững sờ thất vọng. Những câu chuyện, của những thiền sư ngồi bất động hàng mấy ngày liền, hoặc những am, chùa mái cong cong, có con chim đậu nghếch mỏ, lắng nghe tiếng chuông mõ ngân nga trầm hùng, giữa cảnh chiều tịch mịch, nơi chốn tôn nghiêm, tràn đầy thiên nhiên hài hòa... hoàn toàn đối nghịch với người đàn ông, chỉ quá tuổi trung niên, ăn mặc bình dị hơi kệch cởm, như lũ người thường tình đã gieo trong Thanh một nỗi ngờ vực.

Sư Viên Mãn, đổi giọng bảo Thanh.

-Con hãy theo ta, nếu con muốn thử đường tu. Giờ này đã quá ngọ. Thôi chúng ta đi. Này, con chỉ nên nói khi ta hỏi hoặc khi thật cần thiết cho đến rạng đông.

Thanh dạ nhỏ, lưỡng lự tuân lời.

Sư Viên Mãn chậm rãi thả bộ ngược lại con đường cả hai vừa đi lên. Thanh cũng bước theo, băn khoăn nghĩ đến chiếc xe còn đậu lở dở, thắc mắc không hiểu, Sư đưa mình đi đâu?

Anh muốn hỏi, nhưng thấy Sư bình thản lặng lẽ bước, thong dong tự tại như thể quên bẵng tên đệ tử vừa mới nhận, đang luống cuống vụng về bước theo.

Đi... cả hai đi mãi...

Con đường sao dài lê thê? Cả hai im lặng, đi...

Sư Viên Mãn chưa lộ một dấu hiệu ngừng nghỉ, trong khi Thanh mệt nhoài đổ mồ hôi, dù trời chiều dịu mát. Cả một ngày chưa ăn uống, đã làm anh thêm choáng váng.

Mặt trời khuất dần, vươn vãi những ánh màu đỏ ối khuất sau núi, cảnh vật chung quanh bắt đầu đổi hình, thành những bóng dị dạng, bất thường. Rừng núi Bắc Mỹ không um tùm, rậm rạp như vùng nhiệt đới, những rặng thông thưa thớt rải rác, cao vút đỉnh trời càng làm cho Thanh thêm buồn, muốn xuống tinh thần.

“Mặc kệ, đến đâu thì đến!” Thanh nghĩ.

Bỗng, sư Viên Mãn dừng lại.

-Chúng ta nghỉ qua đêm ở đây!

Sư Viên Mãn điềm đạm nói, rồi ung dung ngồi xếp bằng trên mảng cỏ loang lở xanh, vàng cháy. Thanh bắt chước ngồi theo, cố gắng bắt chân theo kiểu kiết già, nhắm hờ mắt nhìn mông lung khoảng đêm dần dần tràn ngập. Đàn muỗi đói vo ve đậu vào vai, vào lưng, vào cả lòng bàn tay xếp ngửa. Thanh có thể cảm nhận, những chiếc kim nhỏ bé lách qua kẽ da, đâm vào thịt da đau nhói.

“Cố gắng”.

Thanh tự nhủ, chống trả sự đòi hỏi của thể xác đang cần gãi cho đã cơn ngứa. Cố gắng kiểm soát phản xạ của cơ bắp đang thúc dục, Thanh tát nhẹ lên má, nơi đàn muỗi tinh quái đang say sưa hút máu. Thanh đã từng thiền ở nhà và có thể ngồi hàng giờ yên lặng. Nhưng lúc này, ngồi bất động sao thật khó khăn? Bất giác, Thanh ngửng mặt nhìn Sư. Bóng Sư Viên Mãn như bức tượng đất cổ quái im lìm.

“Đừng nghi ngờ và nhìn ta! Không ai có thể giúp con, nếu con, không tự nhìn và tìm cho mình một lối thoát.”

Giọng Sư vang vang, đầm ấm, mắt vẫn nhắm, nhưng đọc được tư tưởng Thanh, đã đem lại cho anh nguồn an ủi kỳ diệu. Thanh không trả lời, nhắm mắt miên man với âm hưởng của Sư trong đầu.

".... tự nhìn và tìm cho mình một lối thoát."

Tìm ở đâu, tìm làm sao? Nút thắt tư tưởng không hiện hữu, biết bắt đầu từ đâu để gỡ? Triết lý nhà Phật, hoặc nói đơn sơ hơn, triết lý làm Người, không là một tư tưởng dễ gỡ, khi bản chất con người, đầy những sân si hỷ nô và dục vọng vô cùng to lớn. Thanh quên bẵng đám muỗi mòng, không cảm thấy sương đêm đang thấm lạnh. Cái nút thắt vô hình xiết chặt dần, khiến Thanh ngạt thở. Hơi thở thật nặng nề đến độ, Thanh nghe thấy cả tiếng khò khè của luồng không khí tràn qua cuống phổi. Hơi nóng phà theo hai lỗ mũi âm ấm vành môi trên, nước mũi thập thò sửa soạn chảy ra - hình như là vậy!

Thanh bỗng sợ sẽ nhiễm cảm, của cơn sốt rét di tính còn lại, đã một thời là người lính sau tháng 4/1975, hành quân qua đất Lào và Cam Bốt. Hình ảnh của người bệnh sốt rét run cầm cập, mắt trợn trắng, hoang dại, gương mặt xám ngoét, co rúm như mảnh giẻ rách tơi tả vẫn còn ám ảnh nơi anh.

Thì ra, Thanh cảm nhận, Anh không sợ cái chết yên bình nhưng vẫn sợ, nếu phải chết đau khổ.

Ở sự dũng cảm và hèn yếu, cái nào hơn nhau? Dường như, sự hèn yếu, nó lấn lướt con người!

Vô cảm, là một thứ khí giới không thành thực cho chính con người. Nó lập lậng, và càng vô cảm hơn, nếu con người cho rằng mình vô cảm! Nó là con dao hai lưỡi vô cùng nguy hiểm.

Thanh bắt đầu run như kẻ bệnh hoạn thực sự, răng cắn cầm cập trong đêm nghe rõ mồn một.

“Con có thể chiến thắng tất cả, nhưng chỉ khi nào con thắng được chính con mới đáng kể!”

Tiếng sư Viên Mãn vang to trong đêm, nhắc nhở Thanh.

“Đúng vậy, chỉ vài ba thứ cảm giác lẫn lộn mơ hồ này, mà đã hoang mang. Ta từng đi qua Cánh Đồng Chết, với hàng triệu xương sọ, rãi rác trên những dòng sông cạn nước. Đã từng đánh cận chiến bằng dao găm, mã tấu với tụi I-eng Sari trên những cánh đồng Miên đầy cỏ lác! Sao lại sợ, khi ngồi yên tỉnh, trên một vạt đất hoang vu ở một xứ sở luôn an bình?” - Thanh nghĩ.

Giọng nói của Sư Viên Mãn như luồng hơi nóng sưởi ấm, đem Thanh về thực tại.

Tuy nhiên, thực tại là sự mỏi mệt, buồn ngủ đến cứng đôi mắt!

***

Thanh đã thiếp đi và tỉnh giấc, khi thấy mình đang nằm co quắp trên bãi cỏ, đầy hơi sương.

Anh ngơ ngác nhìn.

-Con xuống chỗ con dốc, tấp đó rửa mặt, rồi ta đi khất thực!

-Đi khất thực!?

-Ừ!

Sư Viên Mãn nói điềm tĩnh, làm Thanh hơi hoảng hốt, nhưng cũng cố yên lặng theo hướng tay Sư chỉ.

Nước trong chiếc vũng cạn, nhưng trong và lạnh toát. Bao nhiêu năm quen sống với tiện nghi, khiến Thanh lúng túng, xoay sở bằng hai bàn tay, khoát nước rửa mặt. Lạnh quá, Thanh chỉ rữa qua loa cho có. Đầu óc chưa hoàn toàn tỉnh ngủ đã miên man với hai chữ khất thực. Xứ này, mà đi xin ăn, ai cho, chắc Sư chỉ nói đùa!?

Thanh bỗng phì cười.

-Thưa Thầy, đi khất thực bên đây, dân địa phương, họ đâu hiểu truyền thống Phật giáo, mà cho mình ăn hở Thầy?

Sư Viên Mãn mỉm cười không nói, chân vẫn đều bước về hướng chân núi. Căn nhà đầu tiên, Sư ngừng lại, là một trang trại của nông dân. Thanh ngờ ngợ, nghĩ Sư Viên Mãn bất bình thường, vì ông đứng im lặng ngoài tận cổng rào xa tắp. Sư thầm thì nói cái gì đó, còn Thanh đứng cạnh ngượng chín người. Có lẽ cũng phải mất gần mươi phút, Sư mới quay lưng chậm rãi bỏ đi. Căn nhà kế tiếp - không sát nhau như trong thành phố - như ta thường thấy, mà cách nhau cả cây số. Cũng một lối mòn dẫn đến căn nhà vuông vắn và chiếc cổng đơn sơ xa tít mù. Lần này, một nông dân da trắng lái xe ra tận bờ rào.

-Chưa tới mùa thu hoạch đâu Joe, cần gì tôi sẽ lên!”

“A! Thầy lại có cái tên là Joe!” Thanh mỉm cười.

Sư Viên Mãn nở nụ cười thật thân thiện, chắp tay bái tạ rồi lững thững đi tiếp. Những căn nhà kế tiếp, cũng chẳng có gì khác lạ, ngoài dăm ba câu bâng quơ, mà Thanh chẳng hiểu gì cả. Nhưng, dường như, người trong khu này biết Sư Viên Mãn và ai cũng gọi ông là Joe.

Nắng lên khá cao, chói chan, và, Thanh thì khát khô cổ, bụng cồn cào. Ý tưởng đi tu không còn những sợi rễ con để hút chất bổ, nuôi dưỡng Thanh bằng những cảm nghĩ thần thánh mà chỉ còn sự mệt mỏi chán chường, cộng lòng hoài nghi về những người rũ gánh nợ trần đang lớn mạnh trong anh.

“Con khát nước lắm phải không?”

“Dạ!”

“Hãy cố thêm chút nữa, đúng ngọ mình dùng bữa!”

“Chắc sư Viên Mãn điên thật rồi! Giờ này, chưa có ai cho một tí gì và có lẽ sẽ chẳng có gì, giữa vùng đất hẻo lánh mênh mông, đồng nội này!” Thanh thầm nghĩ.

Cả hai lặng lẽ đi...

Hai kẻ lang thang, rồi cũng vào đến trung tâm chợ làng, có xe cộ nhà cửa, hàng quán lác đác.

Thỉnh thoảng, vài chiếc xe chạy chậm hẳn lại, có người vẫy tay chào như người dân thường gặp nhau ở những làng quê nhỏ chào hỏi nhau. Mặt Thanh đỏ như say rượu, nhễ nhãi mồ hôi lấm bụi. Hai chân mỏi rã rời và đôi giày như hai chiếc cùm trì hoãn kéo lê từng bước.

Sư Viên Mãn bỗng rời bỏ con đường chính, quặt ngang vào một ngõ hẻm, mặt sau dãy tiệm buôn.

“Con ngồi đây chờ thầy!”

Nói xong, Sư ung dung mở cánh cửa đen đủi cáu bẩn dầu mỡ và biến mất sau dãy thùng gỗ chồng chất. Chẳng hiểu, Sư đi đâu và Thanh cũng mệt mỏi không nghĩ được câu gì để hỏi. Cơn khát, khiến Thanh bất chấp những đôi mắt tò mò của vài người già thỉnh thoảng dẫn chó đi ngang. Thanh ngồi bệt xuống đất dựa lưng vào gờ tường, lờ đờ nhìn đám bụi xộc lên theo từng chiếc xe chạy nhanh ngoài kia. Nếu phải diễn tả cho đúng, thì đây là ánh mắt thẫn thờ, nhìn đời chung quanh bằng cảm giác thờ ơ chán nản. Lần đầu tiên trong đời, Thanh nhìn sự vật chung quanh không một cảm giác, không một so sánh, không một phân biệt! Nhìn để mà nhìn, vì đôi mắt còn mở và vì trái tim còn thoi thóp thở.

Sư Viên Mãn trở lại ngồi cạnh Thanh. Một cái ly giấy đầy nước và cặp bánh sandwich gói trong lớp giấy nylon mờ đục.

“Con ăn đi! Xong mình trở về Chùa nói chuyện.”

“Chùa?”

“Ừ. Chùa! Chùa hay Am, con định nghĩa thế nào về một ngôi Chùa, Am? Chùa chắc nó to lắm; và Am chắc nhỏ lắm. Sao con không nghĩ, đó là thứ chữ trừu tượng loài người gán cho?”

Thanh lặng thinh, biết Sư đọc được cảm nghĩ của anh, cầm vội ly nước uống cạn.

“Thầy không ăn?”

“Ta không đói!”

Thanh cầm cái bánh, ngần ngại nhìn Sư Viên Mãn.

“Bánh này nhân thịt, thưa Thầy!”

Sư cười tủm tỉm, xé bọc giấy, bốc miếng thịt bỏ vào mồm nhai, đoạn nói.

“Người ta cho gì, thì con nên ăn, vì con là kẻ khất thực. Bỏ, mang tội, còn nặng hơn tội ăn thịt. Nếu con còn khát, cứ mở vòi nước ở bức tường kia mà uống. Ta ngồi nghỉ đây”.

Thanh nhai vội vàng miếng bánh, cố kềm hãm nhưng vẫn không tránh được vẻ hấp tấp của cái bao tử rỗng tuếch. Mỗi lần nuốt, cơ thể Thanh như choàng tỉnh và khi mẩu bánh cuối cùng trôi tuột vào cái bụng vẫn còn trống lỗng, Thanh mới chú ý đến Sư Viên Mãn lần nữa.

Sư ngồi bó gối, như một người lao động trong giờ giải lao. Thanh thấy Sư Viên Mãn bình thường, như mọi người.

Một nhà tu, mà Thanh kiếm tìm và lặn lội hơn ngàn cây số, đến, muốn học đạo, tìm học sự uyên thâm của đời sống tu hành, qua một người bạn da trắng kể lại. Hóa ra, chỉ là người đàn ông bình thường trong bộ áo thợ máy, hoặc nông dân nhan nhản ngoài xã hội vật chất.

Bất chợt, Sư Viên Mãn rủ áo, hỏi:

“Con có nhìn thấy cô gái kia không?”

“Dạ... con không để ý”

“Vậy, bây giờ con để ý đi, rồi nói cho Ta biết, cảm nghĩ của con.”

Thanh liếc nhìn mái tóc vàng óng, với thân hình thật khêu gợi của cô gái, với làn da trắng như trứng gà bóc, và đôi vú khêu gợi gần như hở toang...

Một thoáng cuốn hút dâng nhẹ như người hoạ sĩ trầm ngâm trước vẻ đẹp của tạo hoá. Thanh cố lái suy nghĩ đến những lời trong kinh sách, liên tưởng đến thân xác mục rữa thối tha, cái vỏ bọc tứ đại tạm bợ. Thanh đọc thầm bài kinh, mà anh thường đọc khi còn ở nhà:

“Ba nghiệp lắng thanh tịnh.

Gửi lòng theo tiếng chuông.

Nguyện người nghe tỉnh thức.

Vượt thoát nẻo đau buồn.”

“Con đang đọc kinh đấy à? Con không thể ngăn chặn những sự vật hữu hình bằng thứ cảm thụ của lý trí? Hãy thả trôi theo nó, chừng nào ngừng lại, thì nói cũng chưa muộn.”

“Thưa thầy, con muốn tiêu diệt những ý nghĩ đen tối, xấu xa.”

“Cái gì gọi là đen tối, xấu xa? Đen tối, xấu xa là ngôn ngữ của con người đời thường. Ta nhắc lại cho con: Ngôn ngữ! Đó là thứ ngôn ngữ ma quái, biến thiên vô hình vạn trạng theo cái đầu và cái lưỡi của Ngạ nhân! – Mà Ta gọi là Ngạ Ngôn! Ngôn ngữ, tự nó: không có giá trị tuyệt đối trước cuộc sống nhiều hệ lụy phiền toái. Cái gì tương đối, sẽ thay đổi một ngày nào đó! Nếu đó là những ý nghĩ đen tối, xấu xa, tại sao bấy lâu, con đã từng hành sự những cái còn hơn cái suy nghĩ ấy?”

Mặt Thanh bừng đỏ.

Giọng Sư Viên Mãn trầm ấm, nhẹ nhàng, nhưng mãnh liệt như một thôi thúc. Thanh ngẩng hẳn mặt, nhìn thẳng vào cô gái.

Trong đôi mắt xanh biếc, dường như chứa đựng cả một trời thơ, đầy lãng mạn, mời gợi.

Bài thơ, hay... trời thơ? Thanh đang suy nghĩ...

Bỗng, nó ngưng bặt! Nó cắt ngang, bằng cái liếc xéo thách thức ngạo nghễ mang đầy tính cách Sex!

Một sự mời gợi thân tình, khiêu khích... qua cái liếc xéo, và; dĩ nhiên, nó biểu thị ở sự trao đổi có quy luật hẳn hòi, bằng những tờ giấy thơm xanh!

Giữa Thanh và cô gái, chợt sừng sững, một bức tường ngăn cách. Hai linh hồn không đồng điệu song hành, sẽ chẳng bao giờ hoà nhập...

“Con hãy nhìn cái thùng rác ngay bên cạnh con và nói cho thầy nghe con nghĩ gì?”

“Con không nghĩ gì hết!”

“Con chưa nhìn mà!”

“Vâng... vâng...”

“Con ngửi thấy mùi hôi thối không?”

“Con không để ý!”

“Thôi, chúng ta trở về chùa được rồi!”

Thanh dạ nhỏ, bước theo Sư Viên Mãn.

Cô gái không còn hiện hữu trong tâm trí, mà lúc này mùi hôi thoang thoảng bám theo, bốc lên từ bộ quần áo lấm lem, từ giọt mồ hôi lấm tấm, từ trong miệng chưa súc rửa và từ đôi vớ kín hơi chưa thay đổi? Thanh lắc đầu xua đuổi, quệt tay chùi mũi, nhìn vết bẩn kéo dài hằn trên tay áo.

“Con không thể tẩy xoá những ý nghĩ trong đầu của con đâu!”

Sư Viên Mãn vẫn bước đều, không ngoảnh mặt, ông có thể đọc hết các ý nghĩ trong khối óc hỗn độn của Thanh.

“Con hãy nhìn xuống chân và để ý từng bước đi.”

Thanh cúi đầu, đôi bàn chân Thanh đột nhiên luống cuống lạ thường, bước chân này không dài bằng bước chân kia. Thanh vận dụng cơ bắp điều chỉnh, chỉ để càng lúc càng thêm lấn cấn va vấp, đá cả vào gót chân nhau đến thảm hại. Ngẩng lên nhìn, đã thấy Sư bỏ anh quãng khá xa. Thanh vội vàng chạy lúp xúp, bắt kịp Sư. Thanh chậm lại thở dốc.

“Không ngờ mình mau mệt đến như vậy!”

“Từ chỗ này về chùa, con đừng quan tâm hay chú ý điều gì cả. Cứ đi thẳng mãi... sẽ về đến nơi. Ta có việc phải đi trước.”

Nói xong, Sư Viên Mãn quay ngược đường, thoăn thoắt bước trở lại phố nhỏ vừa ghé qua, nhanh như những buổi tan sở người ta chen nhau lên xe điện. Thanh nhìn theo, cảm thấy thoải mái như vừa trút bỏ được gánh nặng khuôn phép khách sáo.

Bầu trời chuyển màu, mây bay thật cao và màn đêm dần buông. Anh không cảm thấy đói khát, cũng chẳng mệt nhọc!

Thẳng đường, anh cứ đi, lầm lủi đi, ngược đường với sư Viên Mãn. Và Thanh phải quá giang xe mới có thể về sớm hơn dự định...

Đêm đã rất khuya, Thanh về đến chùa.

Ánh đèn điện hắt ra từ khung cửa sổ.

Sư Viên Mãn về từ lúc nào!

Thanh đứng nhìn Sư ngồi kiết già trên chiếc đệm vải sờn cũ; gần bệ thờ, chỉ vỏn vẹn bức tranh Đức Phật Thích Ca đôi mắt nhắm hờ.

Thanh chắp tay cung kính, rồi lặng lẽ ra xe.

Con đường xuống núi, loé sáng ánh đèn pha lung linh, lung linh; chập chờn, chập chờn; như một vũ điệu.

Một Vũ điệu nghê thường!

“Mười năm sau, con hãy trở về nơi chốn này, thì con sẽ hiểu rõ về cuộc đời, nếu con còn có duyên với Ta. Con nhớ: Phải đúng mười năm, thì lời ta nói mới hiển linh!”

Tiếng Sư Viên Mãn thì thào nghe như gió thoảng của một vũ điệu, nhưng cũng ngân ngôn, ầm ầm giông bão, sóng chớp trên bầu trời đêm.

Thanh quẹo trái, rú ga xăng, lao thẳng vào xa lộ 1, cho đoạn đường một ngàn hai trăm cây số để trở về với gia đình.

Anh chợt hiểu: Đường tu cũng có vũ điệu riêng của nó như mọi loại nghệ thuật trên cỏi đời trần ô trọc này!

 

Vũ Đình Kh.


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved