Con Lì


Má tôi không thích đi xem bói nên hồi còn nhỏ không có ông thầy bói nào được dịp nói với Ba Má tôi là số tôi sau này sẽ làm nghề gì nhưng hình như lúc tôi chín mười tuổi, Má tôi cũng đoán được đường tương lai của tôi rồi.

Tôi cũng bình thường như bao đứa trẻ vào độ tuổi ham ăn, ham chơi, thích nhảy dây, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, chơi trò cô dâu chú rể... Chơi chán mấy anh chị em mạnh ai nấy lép nhép kiếm đồ ăn vặt hay chui vào góc nào đó đọc truyện....thì tôi lọ mọ ra sân o bế đám ớt, đám vạn thọ trồng dưới mấy gốc xoài, gốc nhãn . Cây nào cây nấy ốm nhom ốm nhách trông chán ơi là chán dù tôi bưng nước ra tưới cho nó một ngày mấy lần. Cứ từ từ, hết cây này đến cây nọ chết dần chết mòn.

Kinh nghiệm vài lần đâm khôn ra, ươm cây theo kiểu gối đầu, nghĩa là cây đang sởn sơ mạnh giỏi, tôi rải thêm hột trồng cây mới, em mới tấn lên em cũ ngậm ngùi ra đi thành ra đám cây của tôi lúc nào cũng non choèn choẹt, chả bao giờ thấy trưởng thành!

Bên kia đường đối diện nhà tôi có bà Ba bán bánh khọt, tôi mê món này lắm. Gọi là quán chứ nó nhỏ xíu hà, độ chừng mười lăm mét vuông, chỉ có bốn cái cột đưa lên, bên trên có mấy cái đà ngang dọc. Mái lá che phủ kín nóc, chung quanh bốn bề trống hốc nên lúc nào cũng mát mẻ.

Mỗi lần qua mua xách theo đĩa và cái bát nhỏ đựng nước mắm. Cứ hai cái bánh khọt thì bà Ba úp ngược vào nhau, mua mười cái bà xếp cho năm cặp, bà nói làm vậy bánh giữ nóng lâu hơn. Món bánh khọt của bà Ba ngon một phần nhờ đồ chua, ngoài quán của bà ra tôi chưa được ăn ở đâu mà nước mắm có đồ chua không phải củ cải và cà rốt mà lại là cọng bồn bồn!

Cọng bồn bồn trắng muốt, nhai mềm nhưng giòn chứ không mềm xèo như củ cải, giôn giốt chua chua ngọt ngọt, không gắt quá. Nước mắm bà pha dịu ngọt vừa phải, bỏ thêm một gắp dưa bồn bồn, chút ớt băm, chấm cái bánh khọt nóng hổi vào. Trời ơi, tuyệt cú mèo, ngon hết chỗ chê.

Tôi thích ăn cay, bà Ba già rồi nên đễnh đãng, thấy con nít mua bà chỉ múc cho nước mắm trong văn vắt. Lần nào tôi cũng phải lải nhải thêm một câu:
- Bà cho cháu ớt cay.


Lần đó tôi cũng lập lại điệp khúc này thì bà Ba nói:
- Múc chút xíu thôi, lóng rày tao bón phân gà nên nó cay dữ lắm.
- Bà có trồng ớt hả?
- Ừa, tao rải bậy mấy cái hột nó lên um tùm, mấy tháng trước con gái nó sửa sang lại, gom hết đống ớt ra mé chuồng gà, có phân gà cây tốt lắm.

Hồi nhỏ, gặp người lớn đã sợ rồi nên ít khi dám trò chuyện nhưng vì sự nghiệp tôi đành phải bạo gan, đà đận mãi chưa chịu về. Thấy nắng đã lên cao, quán chỉ có hai người nên tôi ráng làm gan hỏi thăm bà Ba:
- Cháu trồng mấy cây ớt mà sao nó cà xịch cà đụi ốm nhom hà.
- Ôi, cái giống đó lên nhanh như rạ, mày trồng ở đâu?


Tôi chỉ qua đường:
- Nhà cháu bên kia kìa, cháu trồng dưới mấy gốc xoài.
- Dân xóm vườn mà trồng cây ớt không nên thân, mày cho nó sống kiểu nắng không ưa mưa không tới, cây bự nó che hết nắng, chung quanh toàn rễ làm sao cây tốt?
- Nhà cháu trên Sài Gòn mới về đây.
- Mày nhổ lên, chỗ nào đất trống trải nắng nhiều đào lỗ bỏ xuống, nhớ trước khi lắp đất trộn thêm phân gà đã ủ cho cây tốt.
- Ủ là làm cái gì bà Ba?
- Con nhỏ này cái gì cũng không biết, ủ là phân tươi mày trộn thêm đất hay tro trấu để mấy tháng cho nó bớt nóng rồi trộn vào đất.
- Vậy cháu phải chờ tới mấy tháng lận.


Bà Ba thấy mặt tôi ỉu xìu, tội nghiệp bảo:
- Thôi được rồi ngày mai qua đây, tao xách cho chút phân về mà bỏ vô đất.


Tôi mừng quá xá chừng, gật đầu lia lịa:
- Dạ, mai cháu qua mua bánh khọt, bà ra bán nhớ mang cho cháu xin.
- Khỏi mua bánh cũng được, đây rồi bây nói tao cho bây để dụ mua bánh của tao.
- Dạ đâu có, cháu thích ăn bánh của bà mà.
Tôi chợt nhớ ra:
- Mà ngày mai thứ hai, cháu phải đi học, cháu nhờ chị cháu qua xin bà nha.
- Ai qua lấy cũng được, bưng bánh về ăn đi, nguội ngắt hết ngon rồi.

Tôi chào bà Ba về, khoái chí vì ngày mai đám cây của tôi chắc lớn nhanh như thổi, mấy trái ớt đầu tiên thế nào cũng phải hái sang biếu tạ ơn bà Ba mới được, “ không Thầy đố mày làm nên!” mà.

Trưa đi học về đã thấy bao phân gà nằm cạnh mấy cây ớt, ăn cơm xong tôi vội vàng ra đào đất để trồng lại mấy cái cây, tôi di dời nó ra gần cây chùm ruộc, cây này lá nhỏ và cành thưa nên chung quanh khá nhiều nắng rọi xuống. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, tôi vẫn hùng hục làm. Má tôi ra đứng nhìn một hồi rồi lẩm bẩm: “ con này chắc sau này làm nghề nông! “.

Xong việc trồng cây còn phải lo đi kiếm phân gà để bón cây cho sau này nữa chứ. Cũng hên là Má tôi mới vừa mua đàn gà con hơn tuần nay, mỗi năm khoảng tháng tháng tư tháng năm Má tôi nuôi thêm một đợt gà mới để ăn Tết và để dành cho những ngày giỗ trong năm.

Từ hôm đó trở đi tôi lo o bế đàn gà con của Má tôi, mấy con gà con thấy mà thương, kêu “ chíp chíp...” suốt ngày, không biết có phải nó nhớ Cha Mẹ nó không?, tôi theo đàn gà để lấy phân gà. Má tôi thấy vậy bỏ mặc đàn gà cho tôi chăm sóc, khi nào tôi đi học thì Má cho ăn hay đổ thêm chút nước vào cái chậu sành cho gà có nước uống.

Từ ngày được giao trông coi đàn gà con tôi thích lắm, đi học về là chạy ra chuồng gà, chốc chốc lại bốc nắm thóc cho gà ăn, đàn gà háu ăn tranh nhau mổ. Chị họ thấy bà Ba cho tôi phân gà nên lẳng lặng đào một cái hố nhỏ gần hàng rào, mỗi khi Má tôi hay chị dọn chuồng là chị đem phân trút vào cái hố cho tôi, tro than nấu cơm xong chị cũng dồn xuống đó.

Má tôi thấy tôi đang hăng say từ cây ớt nhảy qua lãnh vực chăn nuôi chỉ lắc đầu cười nói với chị họ:
- Để xem nó còn múa may cái gì nữa.
- Mấy ngày nay mưa nhiều, hôm qua cháu ra xem thấy đám ớt tốt lắm Cô. Lú nhú bao nhiêu là nụ.

Chủ nhật nghỉ học tôi đều chạy qua bà Ba mua bánh khọt ăn, tiện thể báo cáo thành quả cây cối của tôi, tôi khen bà quá chừng làm bà vừa đổ bánh vừa cười tít mắt. Bây giờ bà không còn quên cho ớt vào chén nước mắm của tôi nữa, lúc nào cao hứng bà bỏ vào đĩa cho tôi tới mười hai bánh chứ không phải mười cái, tôi trả thêm tiền bà cười bảo:
- Tao cho mày thêm hai cái nữa, ăn cho mập khỏe để có sức mà trồng cây nuôi gà.
- Cháu mập lắm rồi bà ơi.
- Ối, bay mà mập bao nhiêu, có da có thịt chút xíu thôi mà.

Tôi cũng nghĩ như bà, chỉ hơi tròn trĩnh hơn các anh chị em trong nhà chút đỉnh, vậy mà ông anh luôn miệng nhiếc tôi là béo xưng béo xỉa! Chắc tại anh lúc nào cũng ốm nhom ốm nhách nên muốn tôi cũng dài ngoằng như anh.

Một hôm đang cho gà ăn tôi nghe tiếng " ê, ê..." ngoài hàng rào, nhìn ra thấy con nhỏ hàng xóm vẫn đi ngang qua nhà ngoắc ngoắc tay, chạy ra sát hàng rào con nhỏ mau mắn giới thiệu
- Tao tên là con Lì, tao ở phía trong, cách nhà mày năm sáu căn thôi.
Xong nó nói liền:
- Mấy ngày nay tao đi ngang qua thấy mày cho gà ăn toàn thóc, mày đào trùng cho nó ăn, nó mau mập mà đỡ tốn tiền.
- Nhưng tao sợ con trùng.
Con Lì vui vẻ nói
- Sau nhà tao có cái mương, nhiều trùng lắm, ngày nào tao cũng đào cả đống, để tao đào cho mày luôn.

Vậy là hai đứa quen nhau, con Lì chỉ lớn hơn tôi một tuổi mà giỏi giang, cái gì nó cũng biết, Má con Lì buôn bán phải đi từ sáng đến tối nên công việc bếp núc, nội trợ con Lì làm nhoay nhoáy như một người lớn. Ba nó chạy xe lam. Nó chỉ có một người chị, hai chị em người học sáng người học chiều nên thay nhau quán xuyến công việc nhà.

Nhà nó cách nhà tôi chỉ vài căn nhưng ở xóm vườn vài căn cũng là khá xa rồi, vì nhà này qua nhà kia đất khá rộng. Má tôi thấy con Lì ngoan hiền nên hay cho tôi sang nhà nó chơi, chiều nào rảnh con Lì cũng qua nhà tôi để chờ Ba nó. Hai đứa đón ông ngoài cổng rào, đi ngang qua ông ngừng lại, hai đứa tôi nhảy tót lên ngồi cho ông chở về nhà nó, xuống xe tôi đi bộ về nhà.

Ngày ngày con Lì mang trùng sang cho gà tôi ăn, biết tôi sợ trùng nên con Lì đứng ngoài trút lon trùng qua hàng rào miệng kêu "cúc..cúc...cúc cúc..." là đám gà tranh nhau chạy đến ăn. Đàn gà lớn nhanh như thổi, lông vàng óng mượt. Thỉnh thoảng Má tôi bắt một con gà, túm hai chân nó dốc ngược xuống, vạch mớ lông ngay ức nó xem, cái ức nung núc thịt. Má tôi tấm tắc nói với chị họ: “ con nhãi ranh này cũng mát tay lắm!”.

Mấy con gà mái mập tròn bắt đầu đẻ trứng, tôi và con Lì mê quá, hai đứa ra sức cho gà ăn. Con Lì cho gà ăn trùng , tôi cho gà ăn thóc. Ngày nào hai đứa cũng báo với nhau hôm nay gà đẻ được mấy trứng. Nhà con Lì nuôi nhiều gà nên Má nó có trứng gà đem ra chợ bán.

Một hôm qua nhà nó chơi, tôi thấy trên bàn có quyển vở, dán nhãn tên Nguyễn Thuý Linh, tôi buột miệng hỏi:
- Quyển vở của ai vậy?
- Của tao.
- Mày không phải tên Lì sao?
Con Lì cười hăng hắc:
- Mày chơi với tao hồi nào giờ mà không biết tên tao sao?
- Tao chỉ biết mày tên Lì, mày nói với tao mà.
- Ừa tao quên.
- Tên mày đẹp vậy sao Má mày gọi mày là Lì, bộ mày lì lợm lắm hả?
- Má tao nói lúc sanh tao, bà Mụ thấy đầu tao rồi mà tao nhất định không chịu ra, Má tao đau quá chừng, hồi lâu lắm tao mới ra được. Má tao nói đặt tên Lì ở nhà vì sợ ông bà quở khó nuôi. Tên Linh Má tao đặt trước khi sanh nên sửa lại thành Lì.
- Cũng may Má mày hồi đó không đặt tên mày là Thuý Cúc.
- Sao vậy? Tao thấy tên Thuý Cúc cũng đẹp lắm mà, mày không thích tên Cúc hả?
- Tao thích chứ nhưng nếu mày tên Thuý Cúc thì Má mày sẽ gọi mày là Thuý Cu chứ không phải Thuý Lì.
Hai đứa cười ngặt nghẽo, từ đó khi nào con Lì buồn, mặt mày bí xị tôi chọc nó:
- Thuý Cu ơi hỡi Thuý Cu...
Là nó lại cười toe toét...

Chủ nhật nghỉ học, đang ngồi chơi ô quan với em tôi trên thềm nhà chợt thấy con gà mái chạy vòng vòng rồi như mệt nhọc gục đầu xuống, chút xíu lại thấy con gà đứng lên chạy loạng choạng vài vòng lại rũ xuống nằm im, hoảng hồn tôi chạy vào gọi Má, Má tôi cũng sợ nên chạy qua kêu Bà Bảy hàng xóm, Bà Bảy nhìn một hồi nói:
- Tui nghĩ nó sắp chết, Cô làm thịt nó đi.
Má tôi sợ quá, giao con gà cho Bà Bảy làm, lúc mổ bụng để moi ruột nó ra Bà Bảy la lên:
- Hèn chi nó chịu không nổi, mỡ nó dày cui tui móc ra cả chén mà chưa hết nè, buồng trứng nó trái nào cũng bự xự, nó đẻ không được!
- Sao kỳ vậy bà?
- Cô cho nó ăn nhiều quá nên nó mập úc na úc núc mỡ.
- Phải tại nó ăn trùng nhiều quá không bà?
- Đâu phải tại con trùng, tại nó ăn nhiều thôi, con gà cũng như mình, ăn nhiều thì mập.
Quay lại thấy tôi xớ rớ gần đó, bà Bảy chỉ tay:
- Tui thấy con nhỏ này tối ngày lẩn quẩn ngoài chuồng gà, chắc nó cứ thẩy thóc cho gà ăn dặm liên tu bất tận đây nè.

Trời đất, bà Bảy không còn trẻ, mắt mờ tay run mà sao điều tra án mạng hay thần sầu, từ lúc đến hiện trường tới kết án chớp nhoáng chỉ bằng thời gian vặt hết lông một con gà, lôi cả thủ phạm ra không cần hỏi cung từ cũng chả thèm nhân chứng, vật chứng. Hồi đó còn nhỏ, đâu biết có phải lỗi của mình hay không cũng đành phải ngậm bồ hòn im lặng coi như nhận tội, dám mà gân cổ lên cãi với quan toà hay kháng án lên tối cao pháp viện.

Mà thật ra trong vụ này tôi có công lớn lắm chứ, nếu tôi ham chơi không nhìn chừng chắc con gà đã lăn quay tự hồi nào mà chẳng ai hay biết. Lúc đó chỉ có nước đem chôn, lo cho nó mồ yên mả đẹp chứ đâu dám ăn vì sợ dịch bệnh. Ai mà thèm đi điều tra nguyên nhân cái chết của con gà!

Chiều hôm đó Má tôi cấm không được cho gà ăn uống lung tung nữa, ăn trùng thì không được ăn thóc, ngày chỉ được ba buổi thôi.


Hôm sau vừa thấy con Lì tôi vội vàng nói:
- Mày đừng cho gà ăn nhiều nữa, nó mập quá đẻ trứng không được, hôm qua chết hết một con rồi.
Con Lì tiu nghỉu:
- Hồi tuần trước nhà tao cũng chết hai con mà tao đâu có biết tại sao, Má tao móc trong bụng con nào cũng mấy cái trứng bự.
- Sao mày không nói tao nghe.
- Tao có nói chứ sao không, tại tao tưởng gà nhà tao bịnh nên nói là nó trúng gió.
- Ờ há, mấy hôm đó mình đè đám gà cho nó ăn tỏi với ớt quá chừng.

Tuần trước tôi hái thêm một mớ ớt mang sang biếu bà Ba, bà đi Sài Gòn nên con gái bà ra bán thay, hôm nay qua mua bánh, vừa thấy tôi bà nói cười huyên thuyên:
- Bay trồng ớt được lắm rồi đa, trái ớt to bự cay thấy mụ nội.
- Thì bà chỉ sao cháu làm vậy, bây giờ cây của cháu cao lắm, không bị chết nữa.
- Mày nhớ đó, trồng cây cũng như nuôi dưỡng con người ta, đất tốt, thời tiết tốt, còn phải được chăm sóc cho thật tốt nữa.
- Dạ, cám ơn bà.
- Không biết gì qua hỏi tao chỉ cho, Má mày dân thành phố chắc không rành việc trồng trọt đâu.

Hôm đó bà Ba vui nên bà xếp cho tôi tới mười bốn cái bánh, tôi nhất định trả thêm tiền bà không chịu lấy, sau cùng nhớ ra bà bảo tôi:
- Mày đem về chia cho bạn mày ăn, con nhỏ mày hay kể với tao đó, tao nhớ rồi, con Lì.
- Con Thuý Lì.
- Tên ngộ quá hén.
- Dạ, nó thích cháu gọi như vậy.

Mang đĩa bánh về nhà cất, tôi tất tưởi chạy qua nhà con bạn gọi ơi ới:
- Lì ơi, Lì à...
Con nhỏ chắc lại đang lúi húi với đám gà vịt sau vườn, chẳng nghe tiếng trả lời, tôi thò tay mở cổng rào, vừa đi vừa réo:
- Thuý Lì ơi, qua nhà tao ăn bánh khọt nè...
- Làm gì mày kêu réo dữ vậy, tao chưa kịp chùi tay nữa, sao tốt bụng cho tao ăn vậy.
- Bà Ba tốt bụng chứ không phải tao, hôm nay bà cho tao thêm bốn cái, nói cho mày ăn chung.
- Mày kể tao dữ lắm sao bà Ba biết, mày có nói xấu tao cái gì không đó.
- Tao chỉ nói tốt về mày thôi, tao nói mày có cái tên đẹp là Thuý Lì, mày còn lải nhải nữa bánh nguội hết tao sẽ gọi mày là ..... Thuý Cu đó.


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved