Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn dịch thuật
Một giờ sau bình minh, hai tên lính gác mới mở cửa phòng giam, lôi chúng tôi ra khỏi giường và khóa còng vào cổ tay. Họ phớt lờ câu hỏi của tôi nhưng có vẻ thích thú khi Kolya yêu cầu một tách trà và một món trứng tráng. Chắc hẳn những trò đùa rất hiếm hoi trong nhà tù Crosses, bởi vì trò đùa ấy cũng không phải là quá hay, nhưng bọn lính gác vẫn cười khi đẩy chúng tôi dọc theo hành lang. Đâu đó có tiếng rên rỉ, một tiếng rên trầm thấp và dai dẳng, như tiếng còi tàu vọng lại từ nơi xa.
Tôi không biết chúng tôi đang đi đến giá treo cổ hay phòng thẩm vấn. Đêm qua tôi không hề chợp mắt; ngoài một ngụm rượu từ bình của tên lính Đức, tôi chưa hề uống gì kể từ khi rời khỏi mái nhà của Kirov; một cục u to bằng nắm tay trẻ sơ sinh đã sưng lên nơi trán tôi va vào trần nhà— thật sự là một buổi sáng tồi tệ, có lẽ là một trong những buổi sáng tồi tệ nhất của tôi— nhưng tôi vẫn muốn sống. Tôi muốn sống và tôi biết mình không thể đối diện với cái chết một cách thanh thản. Tôi sẽ quỳ xuống trước đao phủ hay đội xử bắn và cầu xin sự tha thứ vì tuổi trẻ của mình, kể ra những giờ dài tôi đã phục vụ trên mái nhà chờ bom, những chướng ngại vật tôi đã giúp xây dựng, những con mương tôi đã đào.
Tất cả chúng tôi đều đã làm vậy, tất cả đều phục vụ cho chính nghĩa, nhưng tôi là một đứa con thực sự của Piter, và tôi không đáng phải chết. Tôi đã làm hại ai chứ? Chúng tôi chỉ uống rượu của một tên lính Đức đã chết— vì chuyện đó mà các người muốn kết liễu đời tôi sao? Muốn thắt sợi dây thừng thô ráp quanh cổ tôi và dập tắt bộ não tôi mãi mãi chỉ vì tôi đã lấy một con dao ư? Đừng làm vậy, đồng chí. Tôi không nghĩ rằng mình có vĩ đại gì, nhưng tôi đáng có một kết cục tốt hơn thế này.
Bọn lính gác dẫn chúng tôi xuống một cầu thang đá, những bậc thang đã bị mài nhẵn bởi hàng trăm ngàn gót giày. Một ông lão quấn một chiếc khăn len xám dày hai vòng quanh cổ ngồi phía bên kia song sắt chặn lối xuống. Ông ta cười móm mém và mở cổng. Một lát sau, chúng tôi bước qua cánh cửa gỗ nặng nề và bước ra ánh sáng mặt trời, rời khỏi nhà tù Crosses mà vẫn còn nguyên vẹn và sống sót.
Kolya, không mấy ấn tượng với việc được tạm tha, hốt một nắm tuyết sạch bằng đôi tay bị cùm và liếm nó. Sự táo bạo đó khiến tôi ghen tị, cũng như ý nghĩ về nước lạnh trên lưỡi mình. Nhưng tôi không muốn làm gì khiến bọn lính gác tức giận. Việc chúng tôi được thả ra khỏi Crosses có vẻ như một sai lầm kỳ quặc và tôi sợ rằng chỉ cần làm gì sai, tôi sẽ bị nhốt trở lại ngay lập tức.
Bọn lính gác hộ tống chúng tôi đến một chiếc xe GAZ đang chờ sẵn, động cơ của nó gầm gừ, ống xả phun ra luồng khói bẩn, hai người lính ngồi ở ghế trước nhìn chúng tôi mà không chút tò mò, mũ lông kéo sụp xuống trán.
Kolya nhảy lên ghế sau mà không cần ai ra lệnh. "Thưa các quý ông, đến nhà hát opera nào!"
Bọn lính gác, đã mất phẩm chất sau nhiều năm làm việc ở Crosses, lại bật cười trước trò đùa của Kolya. Nhưng bọn lính trong xe thì không. Một tên quay lại, nhìn chằm chằm vào Kolya.
"Ngươi nói thêm một lời nữa là ta bẻ gãy cánh tay chó chết của ngươi. Nếu là ta quyết định, thì giờ trong đầu ngươi đã có một viên đạn rồi. Đồ đào ngũ chết tiệt."
Hắn quay sang tôi. "Còn mày, lên xe đi, thằng nhãi con."
Bọn lính gác cười phá lên. Đây là trò giải trí buổi sáng của họ. Hôm nay họ không có kế hoạch tra tấn ai, không có răng nào để nhổ, không có móng tay nào để bứt khỏi giường móng tay đẫm máu, nên họ tìm niềm vui trong việc nhìn tôi, thằng nhãi con, lúng túng chui vào ghế sau bên cạnh Kolya.
Chiếc xe lao đi rất nhanh, không hề quan tâm đến những mảng băng trơn trên đường. Chúng tôi phóng dọc theo bờ sông Neva đóng băng. Tôi kéo cổ áo lên cao để che mặt khỏi cơn gió lạnh buốt thổi qua dưới tấm mui bạt. Kolya dường như không bận tâm đến cái lạnh. Anh ta nhìn chằm chằm vào ngọn tháp của Nhà thờ Thánh John Baptist bên kia sông mà không nói gì.
Chúng tôi rẽ lên Cầu Kamennoostrovsky, những vòm thép cũ của nó phủ đầy sương giá, cột đèn ven đường rủ xuống những chùm băng dài. Qua Đảo Kamenny, chiếc xe chỉ giảm tốc một chút khi đi vòng qua một hố bom lớn đã phá nát mặt đường, rồi tiến vào một con đường dài rợp bóng gốc cây đoạn, đỗ trước một dinh thự gỗ nguy nga với hàng hiên có cột trắng.
Kolya quan sát tòa nhà. "Nhà Dolgorukov từng sống ở đây," anh ta nói khi chúng tôi bước xuống xe. "Chắc chẳng ai trong các người biết đến dòng họ Dolgorukov."
"Đám quý tộc bị bẻ gãy cổ ấy à," một tên lính nói, vẫy khẩu súng trường ra hiệu cho chúng tôi đi về phía cửa trước.
"Một số thì vậy," Kolya thừa nhận. "Nhưng một số thì từng nằm chung giường với các hoàng đế."
Dưới ánh sáng ban ngày, Kolya trông như thể anh ta bước ra từ một trong những tấm áp phích tuyên truyền được dán trên các bức tường khắp thành phố; những đường nét trên khuôn mặt anh ta thật anh hùng— chiếc cằm cứng cáp, sống mũi thẳng, mái tóc vàng rủ xuống trán. Anh ta là một kẻ đào ngũ có vẻ ngoài ưa nhìn.
Những người lính hộ tống chúng tôi lên hiên nhà, nơi các bao cát đã được chất cao bốn feet để tạo thành một ổ súng máy. Hai người lính ngồi gần súng của họ, chuyền tay nhau một điếu thuốc. Kolya hít hà không khí và nhìn chằm chằm một cách thèm thuồng vào mẩu thuốc lá được cuốn bằng tay. “Thuốc lá thật đấy,” anh ta nói, trước khi những người lính vũ trang đẩy cánh cửa trước và dồn chúng tôi vào trong.
Tôi chưa bao giờ bước vào một dinh thự trước đây, chỉ đọc về chúng trong các tiểu thuyết: những điệu nhảy trên sàn gỗ lát, những người hầu múc súp từ những chiếc bát bạc, người cha nghiêm khắc trong thư viện đầy sách cảnh báo cô con gái đang khóc không được đến gần chàng trai có xuất thân thấp kém. Nhưng dù ngôi nhà cũ của dòng họ Dolgorukov vẫn trông lộng lẫy bên ngoài, cuộc cách mạng đã thay đổi toàn bộ nội thất bên trong. Sàn đá cẩm thạch in dấu hàng ngàn vết đôi giày bốt lấm bùn, chưa được lau dọn trong nhiều tháng. Giấy dán tường ám khói cuộn lên khỏi chân tường. Không có bất kỳ món nội thất nào còn sót lại, không có bức tranh sơn dầu hay bình hoa Trung Quốc nào từng được đặt trên các kệ gỗ tếch.
Hàng chục sĩ quan mặc quân phục vội vã đi từ phòng này sang phòng khác, lao lên cầu thang đôi uốn cong đã mất đi lan can và các thanh chắn, có lẽ đã bị dỡ xuống làm củi đốt từ nhiều tuần trước. Nhưng bộ quân phục của họ không thuộc Hồng quân.
Kolya nhận thấy tôi đang nhìn chằm chằm. “NKVD. Có thể họ nghĩ chúng ta là gián điệp.”
Tôi không cần Kolya nói mới nhận ra những người đàn ông đó thuộc NKVD. Từ khi còn nhỏ, tôi đã biết bộ đồng phục của họ trông như thế nào, với chiếc mũ có đỉnh xanh lam viền đỏ và khẩu súng ngắn Tokarev đeo bên hông. Tôi đã học cách sợ hãi khi nhìn thấy những chiếc xe Packard của họ đậu trước cổng nhà Kirov— những “Con Quạ Đen” chờ đón một công dân kém may mắn nào đó rời khỏi nhà mình. NKVD đã bắt ít nhất mười lăm người từ tòa nhà của tôi trong khi tôi còn sống ở đó. Đôi khi, những người bị bắt quay về sau vài tuần, đầu cạo trọc, khuôn mặt tái nhợt và vô hồn, tránh ánh mắt tôi khi họ tập tễnh bước lên cầu thang về căn hộ của mình. Những con người gãy đổ trở về nhà chắc hẳn biết rằng họ đã may mắn và hiếm hoi thế nào, nhưng họ không thể hiện bất kỳ niềm vui nào khi sống sót. Họ biết điều gì đã xảy ra với cha tôi và không thể nhìn thẳng vào mắt tôi.
Những người lính tiếp tục đẩy chúng tôi tiến lên cho đến khi chúng tôi bước vào một căn phòng kính phía sau cùng của ngôi nhà, những khung cửa sổ kiểu Pháp cao vút cho phép quan sát rõ quang cảnh sông Neva và những tòa chung cư ảm đạm, vững chãi ở khu vực Vyborg bên kia sông. Một người đàn ông lớn tuổi ngồi một mình bên chiếc bàn gỗ đơn giản đặt ngay giữa phòng. Ông ta giữ ống nghe điện thoại giữa mặt và vai để có thể vừa nghe vừa viết lên tờ giấy bằng một cây bút.
Ông ta liếc nhìn chúng tôi khi chúng tôi đứng đợi ở ngưỡng cửa. Trông ông ta giống như một cựu võ sĩ quyền Anh với chiếc cổ to bè và sống mũi dẹt, méo mó. Những quầng thâm dưới đôi mắt trũng sâu, cũng như những nếp nhăn hằn sâu trên trán. Mái tóc hoa râm của ông ta được cạo sát da đầu. Ông ta có thể khoảng năm mươi tuổi, nhưng trông như thể có thể bật dậy khỏi ghế và hạ gục tất cả chúng tôi mà không cần bỏ đồng phục. Ba ngôi sao kim loại sáng lấp lánh trên ve áo khoác của ông ta. Tôi không biết chính xác ba ngôi sao đó có ý nghĩa gì, nhưng chúng vẫn nhiều hơn bất kỳ ai khác trong dinh thự này. Ông ta ném cuốn sổ tay lên bàn và tôi nhận ra rằng ông ta không hề ghi chép gì, như tôi đã tưởng, mà chỉ vẽ những chữ X chồng chéo lên nhau cho đến khi toàn bộ tờ giấy bị phủ kín. Vì lý do nào đó, điều này khiến tôi thấy sợ hãi hơn cả bộ đồng phục hay khuôn mặt bặm trợn của ông ta. Một người vẽ những bức tranh về ngực đàn bà hay con chó là người mà tôi có thể hiểu. Nhưng một người chỉ vẽ toàn chữ X?
Ông ta đang nhìn chúng tôi, Kolya và tôi, và tôi biết rằng ông ta đang đánh giá chúng tôi, kết án chúng tôi vì tội lỗi của mình và tuyên chúng tôi án tử, tất cả trong khi vẫn lắng nghe giọng nói từ bên kia đường dây. “Tốt,” cuối cùng ông ta nói, “Tôi muốn xong chuyện trước trưa. Không có ngoại lệ.”
Ông ta gác máy và mỉm cười với chúng tôi, và nụ cười đó trông hoàn toàn không phù hợp với khuôn mặt ông ta, cũng giống như việc một người đàn ông và chiếc bàn gỗ trơ trọi xuất hiện giữa căn phòng kính tuyệt đẹp của dinh thự quý tộc. Viên đại tá (bây giờ tôi đoán chắc rằng đây chính là viên đại tá mà các binh lính đã nhắc đến đêm qua) có một nụ cười đẹp, hàm răng đáng ngạc nhiên là rất trắng, khiến khuôn mặt thô bạo của ông ta chuyển từ đe dọa thành thân thiện ngay lập tức.
“Kẻ đào ngũ và kẻ cướp bóc! Lại đây, chúng ta không cần còng tay nữa. Tôi không nghĩ hai thằng này sẽ gây rắc rối đâu.” Ông ta ra hiệu cho những người lính, họ miễn cưỡng rút chìa khóa ra và tháo cùm tay chúng tôi.
“Tôi không phải kẻ đào ngũ,” Kolya nói.
“Không à? Đi đi,” ông ta ra lệnh cho những người lính, không thèm nhìn họ. Bọn họ vâng lệnh, rời khỏi phòng, để chúng tôi lại một mình với viên đại tá. Ông ta đứng dậy và bước đến gần chúng tôi, khẩu súng lục trong bao đập vào hông theo từng bước đi. Kolya đứng rất thẳng, tư thế chuẩn mực như một người lính, và tôi, không biết nên làm gì, cũng làm theo.
Viên đại tá tiếp tục bước tới cho đến khi khuôn mặt sứt sẹo của ông ta gần như chạm vào Kolya.
“Mày không phải kẻ đào ngũ, vậy mà đơn vị của mày báo cáo mày mất tích và mày lại bị bắt ở cách xa nơi lẽ ra cậu phải có mặt đến bốn mươi cây số.”
“À, chuyện đó có một lời giải thích đơn giản—”
“Còn mày,” ông ta quay sang tôi. “Một lính dù Đức rơi xuống khu phố của mày và mày không báo với chính quyền. Mày lại còn muốn làm giàu trên sự đau khổ của thành phố này. Cũng có một lời giải thích đơn giản cho chuyện đó à?”
Tôi cần nước. Miệng tôi khô đến mức có cảm giác như vảy da thằn lằn, và tôi bắt đầu thấy những tia sáng nhỏ lấp lánh bơi lội ở rìa tầm nhìn của mình.
“Thế nào?”
“Tôi xin lỗi,” tôi nói.
“Mày xin lỗi?” Ông ta nhìn tôi một lúc lâu rồi bật cười. “À, được thôi, mày xin lỗi, thế là ổn rồi. Chỉ cần mày xin lỗi, đó là điều quan trọng nhất. Nghe này, nhóc, mày có biết tao đã xử bắn bao nhiêu người không? Ý tao không phải ra lệnh cho ai đó làm, mà là chính tay tao, bằng khẩu Tokarev này—” Hắn vỗ vào khẩu súng trong bao. “Mày có muốn đoán không? Không à? Tốt, vì tao cũng không biết. Tao đã không còn đếm được rồi. Mà tao lại là người thích ghi nhớ mọi thứ. Tao biết chính xác đã ngủ với bao nhiêu phụ nữ, và tin tao đi, con số ấy không hề ít đâu. Mày đẹp trai đấy,” hắn nói với Kolya, “nhưng tin tao đi, mày sẽ không bao giờ theo kịp tao đâu, kể cả khi mày sống đến trăm tuổi, mà điều đó có vẻ khó xảy ra.”
Tôi liếc sang Kolya, chờ đợi anh ta nói điều gì ngu ngốc có thể khiến cả hai chúng tôi mất mạng, nhưng lần này, Kolya không nói gì cả.
“Xin lỗi là thứ mày nói với thầy giáo khi làm gãy một viên phấn,” viên đại tá tiếp tục. “Xin lỗi không có tác dụng với bọn cướp bóc và đào ngũ.”
“Chúng tôi chỉ nghĩ rằng hắn có thể có chút thức ăn trong người.”
Viên đại tá nhìn tôi thật lâu.
“Hắn có à?”
“Chỉ có chút rượu mạnh. Hoặc brandy... có thể là schnapps.”
“Mỗi ngày bọn tao xử bắn cả chục kẻ làm giả thẻ lương thực. Mày biết bọn chúng nói gì trước khi bị bắn không? Chúng nói là chúng đói. Tất nhiên là chúng đói! Ai mà không đói chứ. Nhưng điều đó không ngăn được bọn tao bắn lũ trộm cắp.”
“Tôi không ăn cắp của người Nga—”
“Mày lấy cắp tài sản của nhà nước. Mày có lấy gì từ cái xác không?”
Tôi ngập ngừng lâu nhất có thể. “Một con dao.”
“À. Một tên trộm trung thực.”
Tôi quỳ xuống, tháo bao dao khỏi mắt cá chân và đưa cho viên đại tá. Hắn nhìn chằm chằm vào lớp da thuộc của Đức.
“Mày mang thứ này suốt cả đêm à? Không ai lục soát mày sao?” Hắn thở dài một tiếng chửi thề nhẹ, đầy mệt mỏi vì sự kém cỏi của thuộc hạ. “Thảo nào chúng ta đang thua trận.”
Hắn rút con dao ra, đọc dòng khắc trên lưỡi dao.“MÁU VÀ DANH DỰ.” Hắn cười nhạt. “Cầu Chúa trừng phạt lũ khốn nạn đó.” “Mày biết cách dùng nó không?”
“Gì ạ?”
“Con dao ấy. Chém,” hắn nói, vung lưỡi thép qua không khí, “tốt hơn là đâm. Khó đỡ hơn. Nhắm vào cổ họng, nếu không được thì nhắm vào mắt hoặc bụng. Đùi cũng tốt, có nhiều tĩnh mạch lớn.” Hắn vừa nói vừa mô phỏng một cách mạnh mẽ. “Và đừng dừng lại,” hắn nhấn mạnh, di chuyển nhanh hơn, thép lóe sáng. “Đừng bao giờ ngừng lại; luôn giữ con dao di chuyển, luôn dồn đối thủ vào thế phòng thủ.”
Hắn tra lưỡi dao vào vỏ và ném nó cho tôi. “Giữ lấy. Mày sẽ cần đến nó.”
Tôi nhìn Kolya, anh ta chỉ nhún vai. Tất cả chuyện này quá kỳ lạ để có thể hiểu nổi, vậy nên tôi không cố gắng phân tích. Tôi quỳ xuống buộc lại con dao vào mắt cá chân.
Viên đại tá bước tới cửa sổ kiểu Pháp, nhìn ra lớp tuyết hôm qua đang bị gió cuốn bay trên dòng sông Neva đóng băng. “Cha của mày là nhà thơ.”
“Vâng,” tôi thừa nhận, đứng thẳng người và nhìn chằm chằm vào gáy hắn.
Bốn năm qua không ai ngoài gia đình tôi nhắc đến cha tôi. Tôi nói nghiêm túc đấy. Không một lời nào.
“Ông ấy làm thơ rất hay. Chuyện xảy ra thật… đáng tiếc.”
Tôi biết nói gì đây? Tôi nhìn xuống đôi bốt của mình và biết rằng Kolya đang nheo mắt nhìn tôi, cố đoán xem người cha bất hạnh của tôi là ai.
“Hai đứa bay chưa ăn gì hôm nay.” Viên đại tá nói, nhưng không phải một câu hỏi. “Trà đen và bánh mì nướng, thế nào? Có lẽ tao có thể kiếm đâu đó chút súp cá. Borya đâu?”
Một trợ lý bước vào phòng, một cây bút chì cài sau tai.
“Kiếm ít đồ ăn sáng cho hai thằng nhóc này.”
Borya gật đầu rồi biến mất nhanh như lúc xuất hiện.
Súp cá. Tôi chưa được ăn súp cá từ mùa hè. Ý nghĩ về món đó thật hoang dại và xa xỉ, như hình ảnh một cô gái trần truồng trên hòn đảo Thái Bình Dương.
“Lại đây.” Viên đại tá nói.
Hắn mở một trong những cánh cửa kiểu Pháp và bước ra ngoài trời lạnh. Kolya và tôi đi theo hắn dọc theo con đường sỏi chạy qua khu vườn lạnh giá, dẫn xuống bờ sông.
Một cô gái trong chiếc áo lông cáo đang trượt băng trên Neva.
Mùa đông bình thường, ta có thể thấy hàng trăm cô gái trượt băng vào chiều cuối tuần, nhưng đây không phải mùa đông bình thường. Mặt băng đã đông cứng nhiều tuần, nhưng ai còn sức để mà lượn vòng nữa?
Đứng trên nền bùn đóng băng, Kolya và tôi nhìn cô gái ấy như thể đang nhìn một con khỉ cưỡi xe đạp một bánh giữa phố.
Cô ấy đẹp một cách kỳ lạ, mái tóc đen rẽ ngôi giữa, buộc lỏng thành búi, hai má bị gió thổi đỏ ửng, tròn đầy và khỏe mạnh.
Mất vài giây tôi mới nhận ra tại sao cô ấy trông thật khác biệt, và rồi nó trở nên quá rõ ràng— dù ở khoảng cách xa cũng có thể thấy rằng cô gái ấy được ăn no.
Khuôn mặt cô ấy không có vẻ tiều tụy và tuyệt vọng. Cô có sự duyên dáng điềm tĩnh của một vận động viên; những cú xoay người thật chặt và nhanh; cô không hề mệt.
Đôi chân cô chắc hẳn rất đẹp— dài, trắng, và mạnh mẽ— và tôi cảm thấy thằng nhỏ của mình cứng lên lần đầu tiên sau nhiều ngày.
“Cô ta sẽ kết hôn vào thứ Sáu tới,” viên đại tá nói. “Một tên bị thịt mà cô ta sắp cưới, tao nói vậy đấy, nhưng thôi kệ. Hắn là người của Đảng, hắn có thể chu cấp cho cô ta.”
“Đó là con gái ông à?” Kolya hỏi.
Viên đại tá cười, để lộ hàm răng trắng trên khuôn mặt bầm dập của hắn. “Mày không nghĩ cô bé ấy giống tao à? Không, không, nó may mắn đấy. Nó có gương mặt của mẹ và tính khí của cha— con bé này sẽ chinh phục cả thế giới.”
Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra hàm răng của viên đại tá là răng giả. Và tôi biết, chắc chắn, rằng người đàn ông này đã từng bị tra tấn.
Họ đã đưa ông ấy vào trong một cuộc thanh trừng nào đó, gọi ông là kẻ theo chủ nghĩa Trotsky, một kẻ Bạch Vệ hay một kẻ đồng tình với phát xít, nhổ răng ông ra khỏi miệng, và đánh đập ông cho đến khi mắt ông chảy máu, cho đến khi ông tiểu ra máu và đại tiện ra máu, cho đến khi có lệnh từ một văn phòng nào đó ở Moscow: Chúng tôi đã phục hồi danh dự cho người đàn ông này, hãy để ông ta yên, ông ta lại là một trong số chúng ta.
Tôi có thể hình dung ra điều đó bởi tôi đã tưởng tượng về nó rất nhiều lần, mỗi khi tôi tự hỏi về những ngày cuối cùng của cha tôi. Ông bất hạnh vì là một người Do Thái, một nhà thơ, và có chút danh tiếng, từng là bạn của Mayakovsky và Mandelstam, nhưng lại là kẻ thù cay đắng với Obranovich và những kẻ khác mà ông coi là cái lưỡi của bộ máy quan liêu, những kẻ gieo rắc những vần thơ cách mạng và gọi cha tôi là kẻ kích động, là ký sinh trùng chỉ vì ông viết về thế giới ngầm Leningrad, dù trên danh nghĩa— thế giới ngầm Leningrad không hề tồn tại. Hơn thế nữa, ông còn cả gan đặt tên cho cuốn sách của mình là Piter, biệt danh của thành phố, cái tên mà mọi người dân địa phương đều dùng, nhưng bị cấm trong mọi văn bản Xô Viết bởi vì “Saint Petersburg” là sự kiêu ngạo của một vị Sa hoàng, được đặt theo tên vị thánh bảo trợ của bạo chúa xưa.
Một buổi chiều mùa hè năm 1937, họ bắt cha tôi từ văn phòng của tạp chí văn học nơi ông làm việc. Họ không bao giờ trả lại ông nữa. Cuộc gọi từ Moscow chưa bao giờ đến với ông; phục hồi danh dự không phải là một lựa chọn.
Một sĩ quan tình báo có thể có giá trị trong tương lai đối với nhà nước, nhưng một nhà thơ suy đồi thì không. Ông có thể đã chết trong nhà tù Crosses, ở Siberia, hoặc đâu đó giữa hai nơi ấy, chúng tôi không bao giờ biết được. Nếu ông bị chôn cất, cũng không có bia mộ; nếu ông bị hỏa táng, cũng không có bình tro nào.
Suốt một thời gian dài, tôi giận cha mình vì đã viết ra những lời nguy hiểm như vậy; có vẻ thật ngu ngốc khi một cuốn sách lại quan trọng hơn việc giữ lại để gõ vào sau đầu tôi khi tôi ngoáy mũi. Nhưng sau này, tôi quyết định rằng ông không cố tình xúc phạm Đảng, không có ý thức như cách Mandelstam đã làm (Mandelstam với sự dũng cảm điên rồ của ông, viết rằng Stalin có những ngón tay béo như những con sên, một bộ ria mép như hai con gián). Cha tôi không biết rằng Piter lại nguy hiểm cho đến khi những bài phê bình chính thức được viết ra. Ông nghĩ rằng mình chỉ viết một cuốn sách mà chỉ khoảng năm trăm người sẽ đọc, và có lẽ ông đã đúng, nhưng chỉ cần một trong năm trăm người đó tố giác ông, và thế là xong.
Viên đại tá thì vẫn sống sót, và khi nhìn ông ta, tôi tự hỏi liệu ông ta có thấy kỳ lạ không khi đã từng ở rất gần miệng cá mập nhưng bằng cách nào đó lại bơi được về bờ, rằng ông ta, người từng chờ đợi lòng thương hại của người khác nay có thể tự quyết định liệu có ban phát nó hay không. Ông ta dường như không bận tâm vào lúc này; ông quan sát con gái mình trượt băng, vỗ đôi bàn tay đầy vết sẹo khi cô bé xoay tròn.
"Vậy là, đám cưới sẽ diễn ra vào thứ Sáu. Ngay cả bây giờ, ngay giữa tất cả những điều này—" viên đại tá nói, vung tay ra hiệu về phía Leningrad, về nạn đói, về chiến tranh, "—con bé vẫn muốn một đám cưới thực sự, một đám cưới đàng hoàng. Điều này thật tốt, cuộc sống phải tiếp tục, chúng ta đang chiến đấu với lũ man rợ nhưng ta vẫn phải giữ được nhân tính, vẫn phải là người Nga. Vậy nên sẽ có âm nhạc, có khiêu vũ... và một chiếc bánh."
Ông ta nhìn chúng tôi từng người một, như thể từ bánh mang một ý nghĩa trọng đại và ông muốn chúng tôi hiểu điều đó.
"Đây là truyền thống, vợ tôi nói vậy, chúng ta cần một chiếc bánh. Một đám cưới không có bánh là điềm xấu. Trước giờ tôi đã dành cả đời để chống lại những mê tín ngu muội này—bọn linh mục đã dùng chúng để giữ dân chúng trong sự ngu dốt và sợ hãi—nhưng vợ tôi... bà ấy muốn có bánh. Được thôi, làm bánh thì làm bánh. Mấy tháng nay bà ấy đã tích trữ đường, mật ong, bột mì, và mọi thứ khác."
Tôi suy nghĩ về điều đó—những bao đường, những hũ mật ong, bột mì—hẳn là bột mì thật chứ không phải thứ bột mốc meo vớt từ một con tàu bị đánh chìm. Chỉ riêng chỗ bột của bà ấy có lẽ cũng đủ để nuôi sống cả nửa khu Kirov trong hai tuần.
"Bà ấy có mọi thứ cần thiết, chỉ thiếu trứng." Một lần nữa, ánh mắt đầy ẩn ý. "Trứng," viên đại tá nói, "rất khó tìm."
Chúng tôi đứng lặng trong vài giây, nhìn con gái ông ta xoay vòng.
"Hạm đội có thể có," Kolya nói.
"Không. Họ không có."
"Họ có thịt bò hộp. Tôi đã đổi một bộ bài lấy ít thịt bò hộp từ một thủy thủ—"
"Họ không có trứng."
Tôi không nghĩ mình là kẻ ngu ngốc, nhưng phải mất một lúc rất lâu tôi mới hiểu viên đại tá đang nhờ cậy điều gì, và lâu hơn nữa để gom đủ can đảm hỏi ông ta.
"Ông muốn bọn tôi tìm trứng ư?"
"Một tá," ông ta đáp. "Bà ấy chỉ cần mười quả, nhưng tôi nghĩ chắc sẽ có quả bị vỡ, có quả bị hỏng."
Ông ta thấy vẻ bối rối của chúng tôi, và ông mỉm cười, nụ cười tuyệt vời của ông, tay siết chặt vai chúng tôi, đủ mạnh để khiến tôi đứng thẳng hơn. "Đám lính của tao nói rằng không có trứng ở Leningrad, nhưng tao tin rằng ở Leningrad có tất cả mọi thứ, ngay cả bây giờ, và tao chỉ cần những người phù hợp để tìm ra nó. Một cặp đạo chích."
"Chúng tôi không phải kẻ trộm," Kolya nói, đầy chính nghĩa, nhìn thẳng vào mắt viên đại tá. Tôi chỉ muốn đấm cậu ta. Đáng lẽ ra chúng tôi đã chết từ lâu, thân thể đông cứng, chất lên một chiếc xe trượt tuyết cùng với đống xác của ngày hôm đó. Chúng tôi đã được ân xá. Mạng sống của chúng tôi được trả lại để đổi lấy một nhiệm vụ đơn giản. Có thể hơi kỳ lạ, nhưng vẫn chỉ là một việc đơn giản. Và giờ cậu ta sắp làm hỏng mọi thứ—cậu ta đang đòi lấy viên đạn của mình, điều đó đã tệ rồi, nhưng cậu ta còn đòi luôn viên đạn của tôi, điều đó còn tệ hơn nhiều.
"Không phải kẻ trộm ư?" Viên đại tá nhướng mày. "Tụi mày đã bỏ đơn vị—không, không, im lặng, đừng nói gì cả. Bọn mày đã bỏ đơn vị, và ngay khoảnh khắc bọn mày làm vậy, bọn mày đã tự tước bỏ quyền lợi của một người lính Hồng quân—quyền mang súng, quyền mặc chiếc áo khoác đó, đôi ủng đó. Mày là một kẻ trộm. Còn mày, Mũi To, mày đã lục soát một cái xác. Đó là xác của một tên lính Đức nên tao không thấy bị xúc phạm cá nhân, nhưng hôi của vẫn là ăn trộm. Đừng chơi trò giả bộ nữa. Hai người đều là trộm. Những tên trộm tồi, đúng vậy, những tên trộm vụng về, chắc chắn rồi, nhưng tụi mày may mắn. Những tên trộm giỏi thì chưa bị bắt."
Ông ta quay lưng đi về phía ngôi nhà. Kolya và tôi vẫn đứng đó, dõi theo con gái viên đại tá, bộ lông cáo của cô ấy lấp lánh dưới ánh mặt trời. Chắc chắn cô ấy đã thấy chúng tôi, nhưng không hề để tâm, không thèm liếc mắt một lần. Chúng tôi chỉ là lính của cha cô ấy, hoàn toàn tẻ nhạt. Chúng tôi nhìn cô ấy lâu nhất có thể, cố ghi khắc hình ảnh ấy vào tâm trí để dùng trong những lần thủ dâm sau này, cho đến khi viên đại tá quát lên và chúng tôi vội vã chạy theo ông ta.
"Tụi mày còn thẻ lương thực chứ?" ông ta hỏi, sải bước dài, khoảng nghỉ của ông ta đã kết thúc, sẵn sàng cho một ngày dài làm việc. "Đưa đây."
Tôi luôn ghim thẻ lương thực vào túi trong áo khoác. Tôi tháo ghim và thấy Kolya rút thẻ của cậu ấy từ trong chiếc tất gấp lại. Viên đại tá nhận lấy chúng.
"Tụi mày mang trứng về cho tôi trước bình minh thứ Năm, tụi mày sẽ lấy lại thẻ. Nếu không—ừm, tụi mày có cả tháng Giêng để ăn tuyết, và sẽ chẳng có thẻ nào đợi tụi mày vào tháng Hai đâu. Đó là chưa kể nếu một trong số lính của tao tìm thấy và giết tụi mày trước khi tháng Hai đến. Mà tao phải nói, bọn họ rất giỏi việc đó."
"Họ chỉ không giỏi tìm trứng," Kolya nói.
Viên đại tá mỉm cười. "Tao thích mày, nhóc. Mày sẽ không sống lâu đâu, nhưng ta thích mày."
Chúng tôi bước vào phòng kính. Viên đại tá ngồi xuống bàn làm việc và nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại màu đen. Ông ta nhướng mày, như chợt nhớ ra điều gì đó, mở ngăn kéo bàn, rút ra một lá thư gấp gọn rồi đưa cho Kolya.
"Đây là giấy miễn trừ lệnh giới nghiêm cho tụi mày. Nếu ai gây rắc rối, cứ đưa cái này ra và đi tiếp. Và đây, cái này nữa..."
Ông ta lấy ra bốn tờ 100 rúp từ ví và đưa cho Kolya. Kolya liếc nhìn lá thư và số tiền rồi nhét vào túi. "Tháng Sáu vừa rồi, số tiền này có thể mua được cả ngàn quả trứng," viên đại tá nói.
"Và tháng Sáu tới nó cũng sẽ như vậy," Kolya đáp. "Fritz sẽ không trụ qua mùa đông đâu."
"Với những người lính như mày," viên đại tá cười khẩy, "chúng ta sẽ sớm phải trả tiền trứng bằng đồng mark Đức mất."
Kolya định mở miệng phản bác, nhưng viên đại tá lắc đầu.
"Tụi mày hiểu đây là một món quà chứ? Nếu các cậu mang về một tá trứng trước thứ Năm, ta sẽ trả lại mạng sống cho tụi mày. Tụi mày có hiểu sự quý giá của món quà này không?"
"Hôm nay là ngày mấy, thưa ông?"
"Hôm nay là thứ Bảy. Tụi mày đã đào ngũ vào thứ Sáu. Khi mặt trời mọc vào ngày mai, sẽ là Chủ Nhật. Từ giờ trở đi bọn mày có thể tự theo dõi ngày tháng không? Được chứ? Tốt."
Borya quay lại với bốn lát bánh mì nướng đặt trên một chiếc đĩa xanh. Bánh mì được phết thứ gì đó bóng nhẫy—có lẽ là mỡ lợn—trông béo ngậy và ngon lành. Một trợ lý khác bước vào phòng kính phía sau anh ta, mang theo hai tách trà nóng hổi. Tôi chờ đợi một trợ lý thứ ba mang theo bát súp cá, nhưng anh ta không bao giờ đến.
"Ăn nhanh đi" viên đại tá nói. "Bọn mày còn phải đi bộ nhiều đấy."
(còn tiếp)