Hồng Thúy
Kiếp nghèo cứ đeo đuổi gia đình chị không rời.
Chồng bỏ đi khi chị mới sanh đứa út.
Cứ xem như mẹ góa, con côi nheo nhóc sống lây lất trên mảnh đất quê cằn cỗi. Bi thương!
Có ai thuê chị làm gì chị cũng làm.. Cuộc sống mấy mẹ con chị cũng tạm qua ngày đoạn tháng.
Nói về con bé Gái lớn nhất, nhanh nhẹn, sáng dạ, may mắn học được chút đỉnh, nhờ lúc đó còn có anh, hai sức người lớn, sau đó, các em của Gái chỉ biết được mặt chữ là may .
Gái nhìn cảnh nhà sa sút bữa đói bữa no thì thương Mẹ và các em lắm. Nó nghe nói lên thành phố dễ kiếm việc, đủ nuôi thân và bớt gánh nặng cho Mẹ
Gái nhất định xin phép mẹ và rồi nhờ người dẫn lên thành phố với mớ tuổi đầu còn non.
Chị thương con, nhưng để một đứa đi, may ra có cơ hội cứu đói, không thì ôm nhau chết chùm cả đám.
Lời mẹ dặn dò cẩn thận trưóc sau là tất cả hành trang đem theo của cô bé nhà quê lần đầu ra tỉnh với niềm háo hức một viễn ảnh chân trời mới.
Ngày tháng đầu Gái mới đi, cả nhà nhớ lắm! Chị cứ tự hỏi không biết con bé sống ra sao trên tỉnh.. cứ như thế tiếng thở dài sườn sượt hằng đêm nghe nao cả hồn giun dế.
Cuối năm, chị yên hẳn lòng khi nhận được tin Gái qua món quà nhỏ nhưng thật là ý nghĩa cho gia đình cùng quẫn của chị, mấy tấm áo lành lặn thay cho những manh áo sờn vá chằng chịt, để cả nhà có chút hương vị tết, mà Gái nhắn ngưòi đem về nói là nhà chủ khen Gái làm tốt , thưởng quà cho gia đình.
Ừ! Vậy cũng mừng cho Gái, có công việc đàng hoàng, lại chịu thương chịu khó, may rồi!
Những năm sau thì cứ mùa Giáng Sinh hay Tết , Chị mới nhận được chút tiền và các em của Gái hạnh phúc với món quà nho nhỏ đủ cho tiếng cười trộn đậm đà trên những bữa cơm muối rau đơn sơ.
Rồi một ngày cuối năm, chị nghe có người từ tỉnh về xầm xì nhỏ to sau lưng chị về tin tức của Gái .
Mấy đứa em của Gái học lại cho mẹ rằng Gái ở tỉnh thành không phải chịu an phận đi làm công cho người ta như đã nói, nghe đâu họ thấy Gái cứ buổi tối hay đi vào nhả hàng sang trọng…
Chỉ nghe thế mà chị bỗng lạnh cả người đến mất ăn mất ngủ. Chị nghĩ ngợi xa xôi rồi hối hận sao nỡ để con đi xa với vốn liếng chữ nghĩa và kinh nghiệm sống là con số không to tướng. Nỗi dằn vặt dâng nhói tận tim.
Ít học, nhưng có cái câu “ nghèo cho sach , rách cho thơm” , chị nhận từ đời ông bà cha mẹ và đã truyền tận vào đầu lũ trẻ bao lần, sao mà chúng không nhớ nổi?
Có phải ánh sáng hào nhoáng của tỉnh thành làm cho đầu óc con chị mê muội, đẩy trôi tính chân thiệt ấy mất tiêu rồi chăng?
Chị khóc thương và giận con đến vêu cả mặt xanh cả người, cứ như dao đâm thịt xé. Con dại cái mang mà!
Chị quyết định gởi mấy đứa nhỏ cho chòm xóm coi chừng giùm rồi tất tả đón xe một mình lên tỉnh thành coi thiêt hư.
Đêm Giáng sinh , thành đô thật hoa lệ, chị ngơ ngác nhìn mọi người nô nức sắm sửa ăn chơi với tâm trạng tơi bời, ngổn ngang.
Chị tìm đưọc địa chỉ nhà hàng sang trọng,
Chị len lỏi ẩn mình vào con ngõ nhỏ bên cạnh để tránh mặt khách tò mò, rồi tìm lối vào cửa sau nhà hàng.
Ôi ! chân chị như muốn đổ xuống, thật khác với điều chị từng tưởng tượng…
Con bé Gái của chị, không phải lớn cao bằng người, quần là áo lượt như người ta đồn đãi, mà trái lại nó gầy gò nhỏ choắt còn hơn lúc ở nhà với chị đến nỗi nhìn không ra…. nó ngồi cong lưng , mái tóc thưa thớt dính bệt mồ hôi trên gương mặt non choẹt xám ngoét, đôi tay bé bỏng xương xẩu đang ra sức trên chậu rửa to tướng với chồng chén đĩa dơ cao nghệu xếp đống xung quanh. Tội thì thôi…..!!!
Đêm Giáng sinh bên ngoài trời se lạnh.. mọi người hân hoan về nhà chuẩn bị tiệc lễ , nhưng sao trong lòng người mẹ như chị thì trời lại đang tầm tã đổ cơn mưa không dứt!
Hồng Thúy