19 điều không nên làm tại Nhật

 

See yourself as others see you, look at others as they look at themselves.

Dẫn nhập:

Có rất ít du khách đến Nhật và trở về nhà với những bực bội về người Nhật như nhân viên phi trường, khách sạn, tài xế taxi hoặc người chạy bàn thô lỗ hay lơ đãng cũng như tệ nạn xã hội như cướp giật, ẩu đả, bắn giết; trái lại, Nhật được thế giới biết đến như là một nơi an toàn, dễ chịu để sống, nơi mà mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ và có phong cách lịch sự.

Trong 35 năm làm việc cho Toshiba America Medical Systems và những lần đi qua Nhật làm việc cho hãng, tôi có dịp học hỏi và hiểu biết rõ nét về Nhật và con người tại đó.

Một định đề chi phối tất cả xã hội và người Nhật là tập thể trên hết, cá nhân không có đất đứng trong tâm trí của người Nhật có lẽ bởi một lý do rất đơn giản: đất hẹp, người đông. Thí dụ Tokyo (東京都 Đông kinh đô) có dân số 13.6 triệu người với mật độ khoảng 6,000 người/km2, đó là chưa kể ước tính khoảng 3 triệu khách vãng lai. Trong khung cảnh đông đúc và sinh sống chung đụng như vậy, chủ nghĩa cá nhân buộc phải nhường chỗ cho xã hội và tập thể, cũng như tại sao phong cách cư xử với nhau chiếm ưu tiên một.

Từ định đề trên, các “hệ luận” xảy ra tiếp theo, tức là các tập quán, giá trị xã hội, quy ước, v.v. thành hình. Điều chắc chắn tất cả điều này rất riêng biệt - chỉ có tại Nhật hay nói cách khác, đó là các nét đặc thù Nhật.

Hiểu biết và tác động qua lại với văn hóa Nhật từ các nền văn hóa khác trước hết là một thú vui và sau đó, có thể giúp lý giải một số chưa-được-biết (unknowns) về lịch sử và tập quán.

Bài viết dưới đây của Catherine Forth điểm qua 19 điều dễ hiểu và rõ ràng, giúp những ai không thể đào sâu tập quán Nhật nhưng có lẽ đủ để không gây lỗi lầm khi du lịch đến Nhật.

 

Người dịch: Phạm Văn Bân Fan Wen Bin范文彬, March 23, 2018

 

Nguồn: https://www.destinationtips.com/destinations/19-things-not-to-do-in-japan/?utm_source=google&utm_medium=adwords&utm_content=Dont+Do+in+Japan&utm_campaign=ADW001-DST-gentravelus-conv&utm_term=&mmp=&gclid=EAIaIQobChMIzs7Lirzo2QIVnEoNCh3_zw3EEAMYAiAAEgJkO_D_BwE 

 

 ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 

Trước khi bạn du lịch đến Nhật, một số khác biệt văn hóa đáng để ôn lại để tránh chọc giận cảm nhận của dân địa phương. Phong cách và các quy tắc xã hội thường không phổ cập, và rất dễ phạm lầm lỗi nếu bạn không biết về tập quán và nghi thức của họ. Người Nhật tương đối kín đáo và lịch sự, vì vậy có thể bạn sẽ không biết được rằng bạn đang xúc phạm ai đó - nhưng họ sẽ để ý. Một phần phong phú của du lịch là hiểu biết về các nền văn hoá khác và cảm nhận được phong cách của họ. Người Nhật rất hiếu khách và hân hoan chào đón, vì vậy hãy dành thời gian để đọc những động thái căn bản về những điều nên làm và không nên làm để bảo đảm một chuyến đi không-có-sai-lầm. Đây là 19 điều KHÔNG nên làm tại Nhật.

 

1. Đừng mang giày trong nhà

Hãy bắt đầu bằng một điều dễ dàng. Hầu hết mọi người đều biết rằng bạn nên cởi giày ra trước khi bước vào nhà tại Nhật. Đây là một yêu cầu hợp lý và vệ sinh nếu bạn nghĩ đến. Đơn giản là họ không muốn bụi bặm và đồ dơ từ ngoài đường phố được mang vào khắp trên nền nhà sạch sẽ và tấm chiếu tatami.[1] Hầu hết nhà đều có một chỗ thụt vào ở phía trước, được gọi là genkan, [2] là nơi giày nên được cởi ra để mang dép vào (dép dành cho khách thường được cung cấp). Lưu ý, các đôi dép này nên được bỏ ra khi bạn bước vào một phòng trải chiếu tatami, nơi mà mang vớ được chấp thuận. 

 

2. Đừng quên mang dép-dùng-trong-phòng-vệ-sinh

Những người Nhật khó tính có một bộ dép dành riêng để dùng trong phòng vệ sinh.  Chúng thường được biểu hiện bằng chữ hoặc hình ảnh để làm cho rõ ràng. Đơn giản là thay đổi dép-mang-trong-nhà bằng dép-dùng-trong-phòng-vệ-sinh, làm chuyện vệ sinh của bạn, sau đó mang trở lại dép-mang-trong-nhà trước khi đi ra phòng vệ sinh.  Có vẻ đơn giản, phải không?  Tôi bảo đảm rằng sẽ có lúc nào đó trong chuyến du lịch, bạn sẽ quên thay đổi dép-mang-trong-nhà và bị bắt gặp đang lê lết đôi dép-lỗi-lầm trong khắp nhà hoặc nhà hàng.  Đừng lo lắng, hầu hết người Nhật khá tử tế [3] về sự khác biệt văn hoá này. Điều đó sẽ được coi là một chuyện vui đùa thay vì một thô tục nghiêm trọng.

3. Đừng xếp hàng tại các buồng vệ sinh

Trong thế giới Tây phương, chúng ta thường sắp hàng để chờ buồng vệ sinh tại nơi công cộng. Điều này được xem là công bằng - đến trước, được phục vụ trước. Hệ thống xếp hàng tại Nhật có chút khác biệt. Mỗi người đứng trước một buồng vệ sinh tình cờ nào đó và dùng bất cứ khi nào nó trống, bất kể có người khác đã chờ đợi lâu hơn (ở các buồng chung quanh). Điều này có thể gây bực mình nếu bạn đang hết sức cần dùng buồng vệ sinh và bạn đã tình cờ chọn buồng vệ sinh có một người chậm chạp bên trong đó, nhưng đó là quy ước hên xui của địa phương. Bạn có thể gọi đây là chuyện may rủi.

4. Đừng trông mong gặp bồn cầu Tây phương

Nếu may mắn, bạn có thể gặp một trong những bồn-cầu-kỹ thuật-cao-đáng-ngạc-nhiên tại Nhật, với bảng điều khiển có nút bấm làm ấm bàn-ngồi, xịt rửa phân rơi vãi, thổi khô mông, phun mùi thơm và chơi một đoạn nhạc cho bạn. Một số còn đo huyết áp trong khi bạn đang chờ đợi. Tuy nhiên, vào lúc nào đó trong chuyến du lịch, có lẽ bạn sẽ phải đối diện với nhà vệ-sinh-kiểu-Á-châu-lâu-đời ngồi-xổm-trên-một-lỗ-hổng. Bảo đảm, nếu bạn gắn liền với các nhà hàng kiểu Tây phương, khách sạn và thành phố lớn, bạn sẽ tìm thấy đầy dãy bồn-cầu-ngồi quen thuộc giống như ở nhà bạn. Nhưng nếu bạn đi vào các thị trấn nhỏ hơn hoặc hàng quán lâu đời thì bồn-cầu-ngồi-xổm là thông dụng. Đừng sợ hãi. Chỉ cần cong đầu gối xuống, dang hai chân ra và giữ thăng bằng khi bạn ngồi xổm xuống để làm những gì sẽ đến một cách tự nhiên. Lưu ý, giấy vệ sinh hiếm khi cung cấp cho bạn, vì vậy luôn luôn có một gói giấy trong túi cho mục đích này.

 

 

 

5. Đừng ngâm nước với thân thể còn dơ

Có vẻ như trái với cảm giác trực tiếp, nhưng việc ngâm nước không phải để làm cho sạch sẽ tại Nhật. Những bồn ofuro [4] sâu mà bạn nhìn thấy được dùng để ngâm và xoa dịu SAU KHI bạn đã tắm bằng xà phòng và kỳ cọ trong buồng tắm với vòi hoa sen gần kề (thường ngồi trên băng ghế nhỏ bên cạnh vòi phun nước bằng tay). Trong thực tế, vài người có thể thay phiên dùng cùng một dòng nước nóng trước khi tháo bỏ nước nóng này - vì vậy bạn nên hoàn toàn sạch sẽ trước khi nhúng chân vào một trong những bồn tắm chung này. Bạn sẽ ngồi chìm xuống tới cổ trong nước nóng bốc hơi, không nên nằm dài ra và tựa mình như trong bồn tắm Tây phương. Đây là cách trị liệu nghỉ-ngơi giống-như-spa giúp bạn ấm cúng đến tận cùng.[5] Hãy nhớ rằng, khi bạn xong xuôi, đừng kéo nút xả nước ra bởi vì người khác có thể đang chờ đến lượt của họ.

6. Đừng hớp/nhâm nhi nước uống và đừng ăn vặt trong khi đi bộ

Nói chung, vừa đi vừa ăn uống là một cấm kỵ tại Nhật. Không giống như nhiều quốc gia Tây phương nơi mà người ta liên tục nhai và húp sùm sụp trên đường đi, ở đây người ta thích dành thì giờ để dừng lại và ăn uống trong khi dừng. Có lẽ điều này liên quan đến sự tôn trọng về văn hóa của họ đối với thực phẩm - hầu hết bữa ăn đều bắt đầu với lời cầu xin Itadakimasu, [6]nghĩa là “Tôi xin được nhận.” Hoặc có thể nó bắt nguồn từ mong muốn không làm vung vãi ra. Bất cứ vì lý do gì, bạn sẽ không nhìn thấy người ta hớp/nhâm nhi và ăn vặt trong khi đi bộ trên đường phố của Nhật, và bạn sẽ bị trông như không thích hợp [7] nếu bạn làm. Ngay cả thức ăn bên đường, đồ ăn vặt của máy bán hàng và thức ăn nhanh vẫn xứng đáng dành vài phút để ngồi hoặc đứng yên mà ăn uống.

7. Đừng tưới nước tương lên cơm

Gạo là loại lương thực bột chính yếu tại Nhật, và các chén nhỏ chứa cơm trắng dẻo được phục vụ cho bữa sáng, trưa và tối tại đấy. Tuy nhiên, trái với khẩu vị Tây phương, người Nhật không rưới nước tương trực tiếp lên cơm. Bạn sẽ bị nhìn một cách hãi hùng nếu bạn rưới ướt chén cơm với nước chấm mặn để làm gia vị (sẽ giống như đổ đường lên trên khoai tây chiên hoặc một cái gì đó cũng quái gở như thế). Cơm dùng để cân bằng hương vị của các món ngon khác trên bàn. Nếu cần, bạn có thể nhúng một miếng cơm nắm vào đĩa nước tương nhỏ hoặc nước chấm khác bên cạnh tại bữa tiệc để gia tăng hương vị. Nhưng đừng tưới nước tương lên cơm, nếu không, bạn sẽ gây kinh ngạc [8] cho những người Nhật cùng ăn với bạn. Cứ tự nhiên đổ nước tương trực tiếp lên trên đậu phụ, nhưng không làm thế với cơm.

8. Đừng dùng đũa sai cách

Trước khi đến Nhật, bạn hãy học cách dùng đũa (o-hashi). Thực sự không khó lắm nếu thực tập, và bạn sẽ ngạc nhiên trước việc dân địa phương sẽ khen ngợi bạn như thế nào do khả năng của bạn, như thể đó là một việc làm tuyệt vời. Cho dù bạn đã lão luyện với những đôi đũa, dưới đây là một ít quy tắc về cách dùng đũa để ghi nhớ khi đến Nhật. Đừng vung vẫy đũa lên trên thực phẩm của bạn, đừng dùng chúng như cây dùi đánh trống, đừng chế diễu giống như đánh kiếm hoặc đừng dùng đũa chỉ vào người khác. Hãy xem đôi đũa là một đơn vị, do đó, đừng chọc vào thực phẩm của bạn bằng một chiếc đũa trong tay. Không bao giờ cắm đũa thẳng đứng trong chén cơm hoặc dùng đũa để chuyển thức ăn cho người khác - bởi vì điều đó giống như các nghi lễ đám tang và sẽ bị xem là có phong cách rất tồi tệ. Đừng dùng đũa để đâm hoặc thọt vào các mẩu thức ăn, và đừng dùng đũa để kéo các dĩa thức ăn về phía bạn. Đừng liếm hoặc mút đầu đũa. Đừng gác chéo đũa giống như chữ X hoặc đặt chúng ngang trên chén của bạn trông giống như cây cầu. Khi ăn xong, đơn giản là đặt đũa của bạn xuống phía trước bạn về phía tay trái. 

9. Đừng ngại húp sùm sụp và ợ

Với tất cả hướng dẫn Nhật về phong cách tại bàn ăn, có thể khách ngoại quốc sẽ bị ngạc nhiên khi nghe nói rằng dân địa phương ăn nuốt thức ăn trong một cách mà chúng ta có lẽ xem là có chút khiếm nhã. Họ sẽ nhấm nháp, húp sùm sụp, đập vào lòng bàn tay, mút, nhai, ngấu nghiến và ngay cả ợ rất rõ tiếng trong suốt bữa ăn như là dấu hiệu lịch sự để biểu lộ họ đang thưởng thức bữa tiệc. Có vẻ càng lớn tiếng, càng tốt hơn. Do đó, cứ tự nhiên, hãy quên những gì mẹ bạn đã dạy bạn và gây tiếng ồn ào hưởng ứng tại bàn ăn Nhật. Người đầu bếp sẽ được hài lòng.

10. Không tự rót rượu cho mình

Rượu là phần then chốt trong giao thiệp xã hội tại Nhật, và tập quán dành cho đồng nghiệp và bạn bè là nên giữ ly rượu đầy và uống cạn ly. Điều này có nghĩa là sẽ có một loạt nạp rượu liên tục bởi vì mọi người sẽ cố gắng rót đầy ly cho người khác. Là người ngoại quốc, bạn có thể là người hưởng lợi từ cử chỉ hiếu khách này nhiều hơn hầu hết mọi người. Do đó phải cẩn thận, có thể sẽ là một thách thức để cẩn thận quan sát [9] bạn uống bao nhiêu tại bàn! Đừng quên đáp lại cử chỉ (rót rượu) cho người khác. Cách lịch sự và tôn kính nhất là rót với cả hai tay. Kampai! [10]

11. Đừng cho tiền thưởng (tip) tại Nhật

Việc cho tiền thưởng không phải là một tập quán tiêu chuẩn tại Nhật, và trong thực tế sẽ bị cảm nhận như là một sỉ nhục nếu bạn muốn làm như vậy. Công nhân phục vụ như bồi bàn, tài xế taxi và người làm tóc nhận được tiền lương hợp lý và không mong đợi bất cứ khoản tiền thưởng nào từ khách hàng. Hãy tự tránh những phiền phức và quên đi khoản tiền thưởng tại Nhật.

12. Đừng truyền nhiễm vi trùng

Người Nhật rất thận trọng khi họ bị bệnh tại nơi công cộng. Nhiều người tự mang khẩu trang nếu họ biết họ bị cảm lạnh hoặc cúm. Khá phổ biến để thấy điều này trên đường phố và trong tàu điện ngầm. Điều này có vẻ hơi cực đoan, nhưng tại một quốc gia đông đúc dân chúng như vậy, tốt nhất là không để vi trùng gây ho và nhảy mũi lan vào đại chúng. À này, một điều khác trong những điều không nên làm tại Nhật là hỉ mũi [11] một cách công khai trong công chúng. Hoặc bạn tự xin lỗi để ấn nhẹ mũi trong kín đáo, hoặc bạn cố gắng hết sức kín đáo, mỗi lần đều dùng khăn giấy mới.

13. Đừng chỉ vào ngực để biểu lộ cho tiếng “Tôi”

Ngôn-ngữ-bằng-cử-chỉ có thể là loại ngoại ngữ giống như là ngôn-ngữ-bằng-lời giữa các quốc gia khác nhau. Có rất nhiều thí dụ về điều này tại Nhật, nhưng một điều mà bạn có thể gặp trong khi thăm viếng là cử chỉ để chỉ “tôi.” Trong khi những người chúng ta từ Tây phương có thể chỉ vào ngực của chúng ta để chỉ cho chúng ta, nhưng tại Nhật, họ chỉ vào mũi của họ. Có vẻ hơi ngớ ngẩn, nhưng bây giờ bạn biết họ làm như thế nào.

 

14. Tránh con số Bốn[12]

Số Bốn là con số mê tín dị đoan tại Nhật, giống như số 13 không may mắn. Số bốn được phát âm là shi trong tiếng Nhật, có âm giống như tiếng chết. Thực ra, có cách phát âm khác cho số này, yon, vì vậy bạn có thể cố gắng tránh những hàm ý kém may mắn này. Bạn sẽ thường thấy số bốn bị nhảy ở các số phòng, tầng lầu hoặc chỗ ngồi tại Nhật. Số Chín là một số khác không may mắn tại Nhật mà họ nỗ lực [13] để tránh, bởi vì kyu nghe giống như là tiếng tra tấn hoặc đau khổ. Chắc chắn bạn không muốn đi bộ lòng vòng, mặc một chiếc áo t-shirt San Francisco 49ers tại Nhật.

15. Đừng ba hoa trên điện thoại di động của bạn

Nhật là một trong những quốc gia có mật độ dân chúng đông nhất trên thế giới và có 90% xử dụng các dụng cụ di động. Bạn nghĩ rằng họ sẽ nói om sòm trên điện thoại di động suốt cả ngày. Tuy nhiên, điều đó không đúng sự thật. [14] Trong khi hầu hết mọi người đều có điện thoại thông minh, có một số quy tắc lịch sự có tính chất xã hội được đồng ý về việc dùng điện thoại nơi công cộng. Người Nhật đặt nhu cầu của nhóm lên trên cá nhân, vì vậy họ không bao giờ muốn việc dùng điện thoại của họ bị coi là gây phiền nhiễu cho người khác. Họ cảm thấy lỗ mãng khi nói điện thoại lớn tiếng trên đường phố, xe lửa, xe buýt hoặc các nơi công cộng khác tại Nhật. Bạn được yêu cầu chuyển điện thoại sang kiểu “manner mode[15] (silent mode) tại những nơi yên tĩnh như hành lang khách sạn hoặc nhà hàng. Họ tôn trọng khu vực riêng tư của người khác và không muốn xâm phạm qua việc trả lời điện thoại của họ tại các khu vực chung. Chắc chắn, họ đang nhắn tin/chơi game/đọc chuyện ma quỷ giống như chúng ta, nhưng ít nhất họ đã hạn chế thói quen nói lớn tiếng, nhờ vậy mọi người không phải nghe những cuộc trò-chuyện-một-chiều của họ.

 

 

 

 

16. Không đụng chạm tại nơi công cộng

Không giống như Âu châu hay Châu Mỹ Latinh, nơi mà ôm nhau và hôn má là cách chào hỏi giữa những người ngẫu nhiên quen biết, Nhật kín đáo hơn trong việc bày tỏ tình cảm của họ nơi công cộng.  Hầu như bạn không bao giờ nhìn thấy người ta nắm tay nhau, choàng tay đi bộ hoặc hôn nhau trên đường phố.  Ngay cả những người yêu nhau một cách điên cuồng cũng sẽ giữ mọi thứ nghiêm trang tại nơi công cộng.  Đừng mong đợi bất cứ đụng chạm thân thể nào khi chào hỏi hoặc chào tạm biệt, ngay cả đối với những người bạn rất thân của bạn tại Nhật.  Bạn sẽ chỉ làm cho họ không thoải mái khi phải ôm-nhau-kiểu-như-gấu hoặc hôn nựng từ giã tại nhà ga xe lửa. Đối với đồng nghiệp hoặc những người thượng lưu trong xã hội, điều luôn luôn tốt nhất là tuân thủ cách chính thức: cúi người xuống không-đụng-tay được dùng như là một lời chào.

17. Đừng cho rằng Vâng nghĩa là Vâng

Bạn sẽ thường nghe người Nhật nói hai khi bạn nói chuyện với họ.  Mặc dù hai có nghĩa là “vâng,” nhưng đó là sự bày tỏ nghiêng về “uhm, tôi nghe bạn, tôi đang lắng nghe” chứ không phải là xác nhận thật sự.  Không nhất thiết giả sử rằng họ đồng ý với những gì bạn đang nói trừ khi có các chi tiết cụ thể hơn sắp xảy ra.  Một lưu ý tương tự, người Nhật hiếm khi dùng tiếng “Không” thực sự khi thương lượng điều nào đó.  Bởi vì “Không” được xem là quá thẳng thừng và hung hăng.  Nếu phải để cho bạn thất vọng, họ chuộng cách thoái thác khéo léo hơn thay vì nói “Không”, thí dụ: “chúng tôi sẽ cố gắng hết sức của chúng tôi”, “hãy để chúng tôi xem xét điều đó” hoặc “điều đó có thể khó khăn”, giúp cho người bị từ chối không bị mất mặt.  Sự mơ hồ này thường gây ra sự nhầm lẫn lớn trong các cuộc thương lượng giữa Đông và Tây phương.

18. Không xả rác ở Nhật Bản

Đối với một nước đông đúc như vậy, thật đáng ngạc nhiên khi bạn nhìn thấy ít rác rưởi trên đường phố như thế nào.  Đó là sự ngạc nhiên gấp đôi bởi vì bạn cũng không nhìn thấy nhiều thùng rác xung quanh.  Vậy tất cả rác rưởi thải bỏ ở đâu?  Tin hay không tin, người ta thường giữ giấy gói và bỏ rác vào đó cho đến khi họ về đến nhà.  Hoặc đợi cho đến khi họ đến chỗ chứa rác được chỉ định, nơi mà họ sẽ gặp rất nhiều chọn lựa để tái chế rác - tùy thuộc chính xác loại rác nào họ vứt bỏ.  Nhật luôn luôn dẫn đầu [16] trong vấn đề tái chế (77% tỷ lệ tái chế so với 20% của Mỹ). Nhật chưa bao giờ là một nền văn hóa xả rác, và nó ăn sâu vào trong lứa tuổi trẻ rằng không ném mọi thứ xuống đất. Trong tất cả những điều không nên làm tại Nhật, đây là một quy ước văn hóa đầy cảm kích mà tất cả chúng ta nên theo.

 

19. Đừng dùng ma túy

Nhật có luật về ma túy rất nghiêm khắc. Nếu bạn bị bắt với một lượng nhỏ cần sa hoặc thuốc bất hợp pháp khác, bạn sẽ bị phạt rất nặng và có thể còn bị ở tù. Tại đấy, có chính sách không-khoan-nhượng, và không có khoan hồng dù bạn là người ngoại quốc - chỉ cần hỏi Paul McCartney và Paris Hilton thì biết. Tránh thỉnh-thoảng-dùng-ma-túy và khai không phải loại thuốc gây nghiện [17] khi viếng Nhật, bằng không hãy chuẩn bị để đối phó với những hậu quả.

 

 

CHÚ THÍCH


[1] tatami: một loại chiếu Nhật, bện bằng rơm rạ, rất dày và cứng, dùng bền bi trong hàng mấy chục năm

[2] genkan: Kanji: 玄関: lối vào

[3] tử tế dịch chữ good-natured: tử tế, thân hữu, và kiên nhẫn

[4] ofuro: 湯船: thang thuyền: bồn ngâm nước nóng, bồn tắm. 

[5] đến tận cùng dịch thành ngữ to the core: fully or completely.

[6] Itadakimasu” thường được dịch là “Tôi xin kính nhận/I humbly receive,” “Xin mời ăn/Let's eat,” “Chúc ăn ngon/Bon appétit,” hoặc “Cám ơn bữa ăn/Thanks for the food.” Hán tự (kanji) cho itadaku là : đỉnh đầu. Phàm chỗ nào rất cao đều gọi là đính. Như sơn đính 山頂 đỉnh núi, ốc đính 屋頂 nóc nhà, v.v. Nghĩa gốc của itadaku là “đặt cái gì đó lên trên đỉnh đầu.” Thành ngữ Nhật “Bảy vị thần sống trong một hạt gạo” để nhấn mạnh mỗi một mảnh thực phẩm là rất quý báu bởi vì vật nào đó ngừng sống để làm thành thực phẩm. Do đó, người Nhật xem việc bỏ thừa, bỏ phí thực phẩm là bất kính. Nên ăn không còn một hạt cơm nào trong chén. Phép lịch sự tại Nhật là nếu bạn nhận bất cứ cái gì (mũ, việc làm, hay một cuốc xe), hãy nhận với lòng tri ân.

[7] không thích hợp dịch chữ out of place: not suitable or appropriate; awkward or unwelcome

[8] gây kinh ngạc dịch thành ngữ raise the eyebrows of

[9] cẩn thận quan sát dịch thành ngữ keep tabs on: observe carefully, keep a record of

[10] kampai (m thay vì n là do khó khăn phát âm n kế bên phụ âm p, viết đúng là kanpai): Kanji: 乾杯 [gānbēi] can bôi: hãy uống cạn chén, tiếng chúc mừng để nâng ly rượu uống cạn (Cheers!).

[11] hỉ mũi dịch thành ngữ blow (one’s) nose

[12] [sì] tứ: số bốn phát âm gần giống với [Sǐ] tử: chết

[13] nỗ lực dịch thành ngữ go out of one’s way: to make an effort to do something; to accept the bother of doing something

[14] điều đó không đúng sự thật dịch thành ngữ that’s not the case

[15] manner mode nghĩa là silent mode (vibration mode): chuyển điện thoại từ kiểu reng lên (ring) sang im lặng hay rung để khỏi làm phiền mọi người xung quanh.

[16] dẫn đầu dịch thành ngữ ahead of the curve: at the forefront of or leading in something.

[17] thỉnh-thoảng-dùng-ma-túy và khai không phải loại thuốc gây nghiện dịch chữ recreational drug: a narcotic drug that is used only occasionally and is claimed to be nonaddictive


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627