Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn dịch thuật

 

 

“Mũi Bự, tao khoái trí lắm. Ông già mày là ai vậy, Mũi Bự ?”

“Mày không biết ông ấy đâu.”

“Nếu ông ấy đã xuất bản thơ thì tao biết ổng.”

“Thôi bỏ đi.”

“Sao mày dễ nổi nóng quá vậy?”

Chúng tôi lại vượt qua cầu Kamennoostrovsky, lần này thì đi bộ. Kolya dừng lại giữa cầu, tay đeo găng bám trên thành cầu, nhìn xuống dòng sông về phía dinh thự Dolgorukov. Con gái Đại Tá không còn trượt băng nữa, nhưng Kolya cũng ngắm một lúc, hy vọng nàng sẽ xuất hiện lần nữa.

“Nàng mỉm cười với tao” hắn nói.

“Nghèo mà ham, mày mơ hão huyền gì thế, nàng còn không thèm để mắt đến chúng ta nữa là.”

“Bạn nhỏ của tôi ơi, chắc mày đang ghen tị phải không, nhưng chắc chắn nàng cười với tao. Đoán xem tao đã gặp nàng ở đâu rồi, có thể ở trong trường Đại Học. Tao cũng có chút danh tiếng.”

“Như một thằng đào ngũ?”

Kolya quay trở lại trừng mắt nhìn tôi. “Tao sẽ đấm gãy răng, nếu mày còn gọi tao là thằng đào ngũ lần nữa.”

“Tao sẽ đâm con dao này vào mắt mày, thử  đi thì biết.”

Kolya không coi thường lời hăm dọa của tôi nên quay mặt ngắm dòng sông. “Tao sẽ đấm mày ngã trước khi kịp rút dao, rất nhanh.”

Tôi tính rút dao ra ngay cho hắn thấy ai nhanh hơn, nhưng cơn giận của hắn qua rất mau và tôi cũng muốn đi cho lẹ.

Chúng tôi qua khỏi cầu, về lại đất liền, đi tới hướng nam trên con đường Pesochnaya, dòng sông ở bên phải, tuyến đường xe lửa rỉ xét đi Phần Lan nằm bên trái. Xe lửa đã ngừng chạy từ hồi tháng 9, khi tụi Đức bao vây thành phố và cắt tất cả các tuyến đường sắt – Phần Lan, Mạc Tư Khoa, Vitebsk, Warsaw, Baltic – Tất cả đã bị hư hại nặng và không còn dùng được nữa. Thành phố chỉ còn nối kết với mọi nơi nhờ đường hàng không, nhưng ít máy bay qua lọt vòng tuần tra của không quân Đức Luftwaffe.

“Chúng ta vẫn có thể chạy trốn được. Tuy hơi khó, vì không có thẻ khẩu phần.” Kolya đang suy tính. “Bọn mật vụ NKVD không đáng lo lắm, Trong quân đội chúng nó kháo nhau rằng ‘Cảnh sát không tìm thấy mấy con điếm trong nhà thổ’. Nhưng không thể không có thẻ khẩu phần … khó nhỉ.”

“Phải tìm cho ra trứng gà,” tôi nói với hắn. Chúng tôi đang đi dưới ánh mặt trời và thở không khí tự do nhờ lệnh của Đại Tá; nếu giá phải trả cho sự tự do là một tá trứng gà, chắc phải tìm cho ra một tá trứng gà khốn kiếp đó. Không có khoản nào để thương lượng hay tròng tréo cả.

“Tìm ra trứng gà là giải pháp hay nhứt, tao đồng ý. Nhưng không có nghĩa là chúng ta không còn đường nào khác. Có thể không còn trứng gà trong thành phố. Rồi sao? Mày còn gia đình ở đây chứ?”

“Không.”

“Tao cũng thế. Đó cũng là điều tốt. Chỉ phải lo chính bản thân thôi.”

Những thông cáo gián đầy tường của mấy nhà kho đã bị cháy sạch bên trong: ”Bạn đã ghi danh vào đội Nhân Dân Xung Phong chưa?” Không có chung cư nào trong vùng này và đường xá vắng ngắt, không một bóng người đi bộ dưới bầu trời xám xịt. Chúng tôi giống như là hai kẻ cuối cùng sống sót sau cuộc chiến. Hai chiến sĩ duy nhất còn lại của thành phố, với con dao găm của tôi và nắm đấm nhanh nhẹn của Kolya để chống nhau với bọn quân phiệt Đức.

“Chúng ta vẫn còn hy vọng ở chợ Haymarket,” Kolya nói. “Tao đến đó cách đây vài tháng. Vẫn còn có bơ và phó mát, có thể có cả một chút trứng cá caviar nữa.”

“Thế tại sao mấy thằng tay chân của Đại Tá không kiếm ra trứng?”

“Đó là chợ đen. Một nửa là hàng ăn cắp. Có những đứa trao đổi thẻ khẩu phần, toàn là những dịch vụ phạm pháp. Chúng không bán cho kẻ nào mặc đồng phục. Đặc biệt là đồng phục mật vụ NKVD.”

Nó nói có vẻ hợp lý. Hắn huýt gió một điệu nhạc của riêng mình chẳng có nhịp điệu gì cả và chúng tôi cứ theo hướng nam mà đi về phía chợ Haymarket. Mọi sự đều tốt đẹp, án tử hình không còn là mối bận tậm nữa. Tôi có nhiều đồ ăn trong bụng hơn cả mấy tuần lễ trước đây, và nước trà đậm giúp tôi thêm hăng hái. Tôi cảm thấy chân cẳng mạnh mẽ hẳn lên, đủ để đưa tôi đi tới bất cứ nơi nào.  Đâu đó, có một người có một tá trứng gà,  rồi thế nào mình cũng sẽ tìm ra. Nhưng bây giờ hãy cứ tận hưởng hình ảnh sống động của cô bé con gái Đại Tá đang trượt băng trần như nhộng trên sông Neva, chiếc mông trắng nhởn lóng lánh dưới ánh mặt trời.

Kolya vỗ lưng tôi với nụ cười đểu cáng,  như thể hắn nhìn thấu qua chiếc sọ bằng thủy tinh của tôi.

“Con nhỏ trông tuyệt diệu phải không? Chắc mày muốn thử một cái chứ gì?”

Tôi chẳng nói chẳng rằng, nhưng Kolya có vẻ hay nói chuyện một mình.

“Bí quyết để chiếm được trái tim phụ nữ là sự tính toán chính xác thời gian thờ ơ với nàng.”

“Mày nói gì?”

“Văn hào Ushakovo. Đó là một hàng trong tác phẩm The Courtyard Hound. Úi dào, mày chưa từng đọc The courtyard Hound mà.” Hắn thở dài thườn thượt, chán nản cho sự vô tâm của tôi. “Ông già mày là một thành viên trong nhóm văn đàn nhưng lại để mày mù chữ. Buồn nhỉ.”

“Sao mày cứ nói về ông già tao mãi thế?”

“Radchenko, vai chánh trong truyện, là một người tình tuyệt vời. Rất nhiều người ở khắp nơi trong Mạc Tư Khoa tìm đến ông ta để xin chỉ giáo về khoa chinh phục phụ nữ. Ông ta chẳng bao giờ rời giường ngủ chỉ nằm đó uống trà – “

“Giống như Oblomov”      

“Chẳng giống chút nào, tại sao người ta luôn nói ‘giống như Oblomov?” 

“Bởi vì nghe y chang như Oblomov.”

Kolya đứng lại và nhìn xuống tôi. Hắn cao hơn tôi cả cái đầu và vai rộng gấp đôi tôi, bóng hắn bao trùm cả tôi với đôi mắt hăm dọa.

“Tất cả trường Đại Học đều đề cao Goncharov một cách điên cuồng,  ông ta chẳng bằng nửa Ushakovo. Oblomov thì chẳng đáng gì. Oblomov chỉ là tấm gương đạo đức trong sách khổ chữ lớn dạy cho bọn con nít sao cho lớn lến chúng nó không lười biếng. Còn Radchenko là một trong những nhân vật vĩ đại trong văn chương. Ông ta và Raskolnikov cả Bezukhov nữa, xem nào, có thể bao gồm Chichikov luôn.”

“Mày đang miệt thị tao.”

“Mày đáng bị miệt thị.”

Tôi tiếp tục đi về phía nam, Kolya vẫn khích động như thường lệ, riết rồi hắn cũng nguôi ngoai. Định mệnh đã trói buộc chúng tôi với nhau, không thể chối cãi được. Chúng tôi sẽ dinh với nhau như đôi vợ chồng cho đến ngày Thứ Năm.

Dòng sông neva đông đá, phủ một lớp tuyết. Phía bên kia sông có thể nhìn thấy tượng thiên thần màu vàng vẫn còn gắn trên vòm nhà thờ Thánh Phê Rô và Thánh Phao Lồ mặc dầu người ta đồn rằng quân Đức đã treo giải thưởng huy chương Iron Cross cho tụi pháo binh nếu chúng có thể bắn đổ bức tượng.  Kolya chỉ về phía khu thành cổ Petrograd bằng cái hất cằm của hắn. “Hồi đó tao đóng quân ở trong cái pháo đài khi sở thú thành phố bị thả bom.”

Tôi hỏi “Tao nghe nói mấy con khỉ đột chạy rông trong thành phố, và cả  mấy con cọp Siberia nữa …  “

“ Đó là chuyện ba xạo,  chẳng có con nào thoát ra ngoài.” Kolya trả lời.

“Có thể một vài con thoát ra được, sao mày dám chắc như vậy?”

“Chẳng có con nào. Nếu mày muốn tự kể một câu chuyện đẹp để giúp cho dễ ngủ, thì cứ làm, nhưng đó chỉ là chuyện xạo thôi.” Hắn nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất. “Bọn Đức đốt sạch cả khu vực. Con voi Betty … Tao mê con voi đó lắm. Tao đã thăm nó biết bao lần khi còn con nít. Ngắm nó tắm bằng cách, hút nước lên cái vòi rồi phun trên lưng ... Nó thật là dễ thương. Mày không nghĩ vậy phải không, nó bự khủng khiếp, nhưng rất dễ thương.”

“Nó chết rồi hả?”

“Tao vừa nói với mày cái gì? Tất cả đều chết. Mất mấy giờ Betty mới chết hẳn, Cách nó rống lên rên rỉ …Lúc đó tao đang trong phiên gác, và chỉ muốn chạy đến bắn cho nó một phát vào tim. Chấm dứt sự khổ đau của nó. Mày chẳng bao giờ muốn nghe một con voi kêu thảm thiết khi chết đâu.”

 Chắc đi bộ cả 6 cây số mới đến Haymarket, vượt cây cầu Liteiny, ngang qua Công Viên Mùa Hè trong đó những cây du và cây xồi đã bị chặt xuống bằng rìu, rồi đến nhà thờ Spilled Blood với mặt gạch bóng láng và cái vòm tròn hình củ hành tây cao hẳn lên, xây trên vùng đất mà Hryniewiecki đã đổ máu cùng với Hoàng Đế Alexander Đệ Nhị. Càng đi về phía nam, phố xá càng đông đảo hơn; mọi người đều mặc ít nhất 3 lớp áo, nghiêng theo chiều gió mà đi, mặt mày hốc hác, nhăn nheo và xanh xao vì thiếu chất sắt. Khu nhà ga xe điện Nevsky Prospekt mọi cửa hàng đều đóng kín từ mấy tháng nay. Chúng tôi thấy hai người đàn bà vào trạc tuổi 60 đi sát chạm vai nhau, mắt nhìn xuống đường để tránh những mảng băng đá có thể làm chết người. Một người đàn ông với bộ râu rậm và cứng đáng nể, tay xách một một thùng trắng đựng đầy đinh đen thùi. Một chú bé con, không quá 12 tuổi, kéo chiếc xe trượt tuyết bằng sợi dây thừng. Có một thân hình bé bỏng quấn chăn nằm trong xe, chiếc chân không chút máu lòi ra lê trên tuyết đã đóng băng.  Chông sắt đóng dính xuống mặt đường, những khối xi măng cốt sắt xếp thành từng hàng để chống xe tăng địch. Một tấm cáo thị rất lớn dán trên tường: “COI CHỪNG ! PHÍA ĐƯỜNG BÊN NÀY RẤT NGUY HIỂM TRONG KHI QUÂN ĐICH THẢ BOM.”

Nevsky trước chiến tranh là trung tâm thành phố, xây dựng lên để cạnh tranh với những khu du lịch nổi tiếng của Luân Đôn và Paris, những gian hàng bên lề đường bày bán hoa đào, kẹo sô cô la, đám đàn ông mang tạp dề đứng sau quày hàng của tiệm Eliseyev’s  cắt cá tầm nướng và thịt con chồn hương, tháp đồng hồ của Tòa Đô Chánh kêu to hơn bất cứ tiếng động nào khác để nhắc nhở mọi người đúng giờ giấc. Những chiếc xe Packard đen sang trọng chạy vụt qua, bóp kèn inh ỏi, chở theo những đảng viên quan trọng từ cuộc họp này sang cuộc họp khác. Ngay cả khi bạn không có tiền để mua xắm hay chẳng có nơi nào quan trọng phải đến, Nevsky vẫn là nơi hấp dẫn để dạo chơi. Vào độ tháng Sáu mặt trời vẫn chói chang đến tận nửa đêm và không ai muốn bỏ phí ánh sáng. Bạn có thể ngắm mấy cô gái xinh đẹp nhất thành phố đang dán mắt trên cửa kiếng những tiệm sang trọng, mắt các cô đang đánh giá những bộ quần áo mới tung ra thị trường chào hàng, ăn cắp kiểu thời trang để về nhà may lấy, nếu họ có thể dấu diếm đủ vải từ xưởng may. Dù cho bạn không nói lời nào với các cô, dù bạn chỉ ngắm họ từ xa …

Kolya hỏi tôi “Mày chưa cắt chỉ phải không?”, cắt ngang dòng tư tưởng của tôi, rất đúng lúc làm tôi giựt mình.

Tôi hỏi ngược lại một cách rất ngu xuẩn “Tao à? Mày nói cái gì?”

“Tao nói rằng mày chưa bao giờ ngủ với đàn bà.”

Bạn biết không, đôi khi chẳng có gì phải nói dối; trò chơi đã kết thúc trước khi bắt đầu.

“Tại sao mày quan tâm?”

“Này, Lev, tại sao chúng ta không là bạn với nhau? Mày nghĩ sao? Chúng ta sẽ phải dính với nhau cho đến khi tìm ra trứng gà, hãy làm thân đi nhá, được không? Mày là thằng nhỏ rất lý thú, hơi khó chịu, một chút nhạy cảm theo kiểu Do Thái của mày, nhưng tao thích mày. Và nếu mày đừng có lúc nào cũng chống đối, tao sẽ dạy mày nhiều thứ.”

“Về con gái?”

“Đúng, về con gái, về văn chương, về cờ Vua.”

“Mày bao nhiêu tuổi, 19 phải không? Tại sao lúc nào mày cũng làm ra vẻ thông thạo mọi thứ.” 

“Tao 20, Và không phải thông thạo mọi thứ. Chỉ con gái, văn chương và cờ Vua thôi.”

“Thế thôi?”

“Hừ, nhảy đầm nữa. Tao là số một về nhảy đầm.”

“Mày muốn đánh cá cái gì cho một bàn cờ Vua?”

Kolya liếc tôi và mỉm cười. Hắn thở dài, hơi thở làm thành làn khói bay khỏi đầu.

“Tao sẽ lấy con dao của mày.”

“Tao được gì?”

“Mày chẳng được gì cả, vì mày chẳng thể nào thắng được.”

“Cứ giả thử tao thắng đi.”

“Tao còn độ 100 gram xúc xích.”

“100 gram xúc xích đẻ đổi lấy con dao Đức này à, còn khuya.”

“Tao có mấy tấm hình …”

“Hình gì vậy?”

“Hình con gái. Gái Pháp. Mày nên học những cái gì phải học.”

Hình mấy đứa con gái Pháp đáng giá để chơi một ván cờ Vua. Tôi chẳng phải lo mất con dao. Có rất nhiều người ở Peter có thể thắng tôi,  nhưng tôi biết tên từng người. Cha tôi đã từng là vô địch của thành phố khi Ông còn là sinh viên; khi tôi còn bé, mỗi ngày thứ Năm và Chủ Nhật Ông thường dắt tôi đi đến câu lạc bộ cờ Vua  Spartak Chess Club ở khu Palace Of The Pioneers. Khi tôi 6 tuổi, huấn luyện viên của câu lạc bộ tuyên bố tôi là một tài năng. Trong nhiều năm tôi là một trong số những em bé đứng đầu toán những tay chơi trẻ, thắng nhiều huy chương và mề đay trong những cuộc tranh tài Leningrad  Oblast. Cha tôi hãnh diện lắm, nhưng Ông rất khiêm tốn không muốn để cho ai biết sự quá quan tâm của Ông về việc tranh giải và Ông không để cho tôi trưng bày những giải thưởng trong căn chung cư chúng tôi ở. Lúc tôi 14 tuổi, tôi bỏ câu lạc bộ vì hiểu rằng tôi chỉ là một tay chơi khá chứ không thể là một quán quân được. Đám bạn bè chơi trong câu lạc bộ Spartak, mà tôi từng hạ chúng khi còn trẻ, bây giờ họ đều thắng tôi rất xa, tiến lên bậc cao hơn mà tôi không thể đạt được dù tôi đã chơi không biết bao nhiêu bàn, đọc bao nhiêu sách , bỏ ra bao nhiêu đêm  nghiền ngẫm những bàn cờ rắc rối trên giường ngủ. Tôi giống như một dương cầm thủ điêu luyện, biết phím nào phải gõ, nhưng không thể sáng tác một bản nhạc cho riêng mình. Một tay chơi cờ sáng giá hiểu rằng hắn không thể nào biết hết nước cờ; hắn phân tích bàn cờ và biết được làm sao hoàn thiện hơn nước cờ của mình trước khi cái đầu có thể sắp xếp giải thích bước đi của mình. Tôi không có cái bản năng đó.  Cha tôi rất bất mãn khi tôi từ bỏ câu lạc bộ, nhưng tôi không buồn chút nào. Chơi cờ trở nên  thú vị bội phần khi tôi không còn lo ngại vị trí của mình trong bảng sắp hạng.

Kolya dừng lại trước tiệm Kvissisana Café  nhìn qua khung cửa kính có dán chéo bằng băng keo. Bên trong hoàn toàn trống rỗng, không thấy một cái bàn nào cả, chẳng có gì cả ngoài sàn nhà bằng plastic và tấm bảng treo trên tường vẫn còn ghi những món đặc biệt của tháng 8.

“Có lần tao dẫn một em đến ăn ở đây. Sườn cừu cốt lết ở đây ngon nhất thành phố.”

“Rồi mày mang em về nhà và làm tình với em?”  Tôi chỉ cốt chế nhạo hắn thôi, nhưng ngay lúc đó tôi sợ rằng thật sự dám hắn đã làm y như vậy.

“Không,” Kolya trả lời, vừa nhìn bóng mình trong cửa kính và tém gọn lại mấy lọn tóc vàng vào chiếc mũ lông đen. “Tụi tao làm tình trước khi ăn tối. Ăn xong tụi tao uống rượu ở nhà hàng Europa. Em mê tao điên cuồng, nhưng tao thích cô bạn của em hơn.”

“Sao mày không dẫn cô bạn đó đi ăn?”

Kolya cười, một nụ cười kiêu ngạo đối với kẻ dưới tay thật thà.

“Thờ ơ có tính toán. Mày cần học hỏi thêm.”

Chúng tôi tiếp tục đi về phía Nevsky. Mới có một giờ chiều nhưng mặt trời đã xuống thấp ở phương Tây, bóng chúng tôi kéo dài trước mặt.

Hắn nói “Nào, hãy bắt đầu từ từ nhé, những điều căn bản. Mày đã thích em nào chưa?”

“Chẳng có em nào đặc biệt cả.”

“Ai nói cần em nào đặc biệt? Mày còn trinh, cần cái đùi ấm áp, và tiếng đập mạnh của trái tim, không phải Tamara Karsavina (36).”

“Có con nhỏ tên Vera, em sống cùng chung cư với tao. Nhưng nó thích thằng khác.”

“Được. Bước thứ nhất, không cần để ý đến thằng khác, để ý về Vera thôi. Em có gì đặc biệt không? Tai sao mày thích em?”

“Tao cũng chẳng biết, chỉ vì em sống cùng khu chung cư với tao.”

“Đó cũng là lý do, còn gì nữa không?”

“Em chơi đàn Cello.”

“Nhạc cụ đẹp. Mắt em màu gì?”

“Tao không biết.”

“Mày không thích em. Mày không biết mắt em màu gì, có nghĩa là mày không thích em.”

“Tao thật tình thích em, nhưng em luôn để ý đến thằng Grisha Antokolsky, vậy ý mày là gì?”

“Được,” Kolya nói, rất kiên nhẫn với nhiệm vụ buồn nản, “Mày nghĩ mày thích em vì em không thích mày. Có thể hiểu được, nhưng tao cho mày biết, mày không thích em. Thôi hãy quên Vera đi.”

Quên Vera, chắc không khó. Suốt 3 năm nay tôi đã cố tưởng tượng xem Vera trông ra sao nếu nàng trần truồng, nhưng chỉ vì phòng em ở dưới tôi 2 tầng, và một lần trong hồ tắm thiếu niên, tôi đã thấy núm vú của em khi cái dây của chiếc áo tắm tuột ra. Nếu không vì Vera hốt hoảng lúng túng ở chiếc cửa sắt khu chung cư Kirov, tôi đã không phải lang thang trên đường phố Piter với thằng lính điên đào ngũ này, để tìm trứng gà. Em chẳng hề ngó lại khi những người lính bắt được tôi. Cô ta chắc đang dỡn hớt với thằng Grisha ở một góc tối nào đó của khu chung cư Kirov trong khi tôi bị giam trong nhà tù Crosses.

“Con gái Đại Tá rất đẹp. Tao thích nàng.”

Kolya liếc tôi khoái chí.

“Đúng, con gái Đại tá đẹp thật. Tao thích sự lạc quan tếu của mày. Nhưng nàng không phải để cho mày.”

“Thì nàng cũng có phải để cho mày đâu.”

“Chưa chắc, nếu mày thấy cách nàng nhìn tao.”

Chúng tôi đi ngang qua một đám thiếu niên với thang leo và những thùng sơn trắng, chúng đang bận rộn bôi xóa nhũng bảng tên đường và số nhà. Kolya dừng lại và nhìn chăm chú.

“Ê thằng kia!” hắn hét thật to với một thằng nhóc đứng gần nhất, thằng bé mặc không biết bao nhiêu lớp áo, tưởng nó mập lắm cho đến khi nhìn thấy mặt nó nhăn nheo, đôi mắt đen sáng ngời, trên hốc mắt sâu hoắm như một ông già. Rất ít trẻ con cỡ tuổi thằng bé còn ở lại thành phố; hầu hết đã di tản từ tháng 9. Những đứa còn ở lại hầu như là con nhà nghèo hoặc mồ côi chẳng có bà con chi ở phía Đông.  

“Mày làm cái quỷ gì thế?” Kolya hỏi. Hắn quay nhìn tôi, ngạc nhiên vì sự khinh thường của thằng bé. “Mấy thằng ranh con đang phá hoại Đại Lộ. Ê! Nhóc con!”   

“ĐM nói gì thế?” thằng bé mắt đen trả lời, vừa bôi số nhà trên cửa của một tiệm sửa đồng hồ.

Dù là thằng Kolya đi nữa cũng phải thối lui vì thái độ của thằng bé. Hắn bước tới bên thằng bé, nắm vai và xoay người nó lại.

“Mày đang đối đáp với lính Vệ Binh Đỏ, nhóc con – “

“Kolya,’ tôi gọi hắn.

“Mày nghĩ bây giờ là lúc đùa nghịch hả? Mày và mấy thằng bạn ma cà bông của mày muốn chạy cà nhỏng – “

“Mày hãy bỏ tay ra khỏi người tao ngay,” thằng bé đáp.

“Bây giờ mày lại hăm dọa tao hả? Tao đã từng bắn vào lính Đức 4 tháng rồi, bây giờ mày lại dám hăm dọa tao?”

“Kolya,” Tôi gọi hắn lần nữa, lần này to tiếng hơn. “Chúng nó chỉ làm theo lệnh thôi, để đánh lạc đường tụi  Đức.”

Kolya nhìn từ  thằng bé mắt đen, đến cái bảng tên đường đã bị xóa, rồi đến tôi.

“Sao mày biết.”

“Bởi vì tao cũng đã làm việc này cách đây hai ngày.”

Kolya thả thằng bé con ra, nhóc con nhìn hắn chòng chọc một hồi rồi trở lại tiếp tục làm việc của nó.

“Ờ, rất hay,” Kolya nói, và chúng tôi tiến về khu chợ Haymarket.  

 

(Còn tiếp)   


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1913165