20 năm sau, mùi nước mắm Việt Nam vẫn làm ngạt thở một góc trời Canada.

 

Juliette Lee đi tới tủ quần áo nhà ở St. Mary’s và lấy ra miếng khẩu trang mà bà dành cho các cháu khi các cháu đến thăm bà. “Tôi không muốn chúng thở cái không khí này, vì tôi không biết nó chứa đựng những gì”.

Bà Lee sống cạnh hãng nước mắm đã đóng cửa hai chục năm trước.

Nhưng làng xóm của bà ở thị trấn nhỏ này của tỉnh bang Newfoundland vẫn phải sống với cái di sản khó khăn đó. Bà nói: “10 năm trở lại đây, mùi tanh tưởi mỗi năm một tệ. Nó đang gây ra vấn đề sức khỏe, vì người ta không thở được”.

“Có những lúc tôi phải tới nhà con trai hoặc con gái để lánh nạn, cách đây tới hàng trăm cây số, vùng Conception Bay South. Tôi phải bịt hết cửa sổ nhà”.

Mùi này từ nước mắm tiếp tục lên men, dù nhà máy đóng cửa 20 năm trước.

Lee nói: “Họ nói mùi này không độc hại. Nhưng tại sao họ phải mang quần áo chống hóa chất khi họ đi vào đó?”

 

“Không chịu nổi”

Nhiều năm nay, Hội đồng thị xã St. Mary’s đã tìm sự giúp đỡ để giải quyết của nợ mà nhà máy Atlantic Seafood Sauce Co. để lại.

Phó Thị trưởng Steve Ryan nói có khoảng 150 vại nước mắm trong nhà máy, mỗi vại chứa 12,500 lít, khi chủ nhà máy khởi sự kinh doanh đầu thập niên 1990. “20 năm nay, nước mắm rỉ ra từ các vại, chẩy qua ống thoát nước bên hông nhà máy, chảy ra bãi biển và chảy vào đại dương”.

Năm 2016, thị xã tiếp cận tỉnh bang về vấn đề chùi rửa nhà máy, tháo gỡ dụng cụ và phá hủy luôn cơ sở. 2 cơ quan Service Newfoundland và Department of Municipal Affairs and Environment (Bộ Địa phương Sự vụ và Môi trường) chấp thuận kế hoạch nói trên. Ông nói một công ty tư đã cứu vãn được vài bồn chứa, nhưng 30 vại chứa này bị đem đổ ra biển. Service Newfoundland ra lệnh công ty dừng lại. Từ đó mọi việc ngưng lại đến nay.

Nhưng theo ông Ryan, viên chức Liên bang hoặc Tỉnh bang cũng cho đổ xi măng vào các ống dẫn thoát nước của nhà máy. CBC không thể xác minh ai ra lệnh đổ xi măng bịt ống dẫn này. Ryan nói: “Những vại nước mắm này vẫn rỉ nước mắm, nhưng vì ống dẫn bị bịt, nước mắm chẩy ra sàn. Lớp nước mắm này dầy đến 10 phân trên sàn nhà. Đến mùa hè thì mùi thủm nồng chịu không nổi.”.

 

Phó thị trưởng Steve Ryan đứng trước nhà máy nước mắm bỏ hoang

 

Thị xã 400 dân này không có 700,000$ tiền chi phí cho công tác dọn sạch nhà máy. Ngoài ra còn vấn đề không dễ tìm ra nhà thầu nào đảm nhận việc này. Một công ty thầu nói đây là việc khó khăn nhất họ từng gặp. “Họ nói với tôi họ có 30 năm trong nghề. Họ bị sốc vì có nhiều phế phẩm cá như vậy mà lại không có chuột bọ. Đó là vì chuột bọ biết thức ăn này độc hại”.

Thị xã lại lên gõ cửa Tỉnh bang.

Bộ Địa phương Sự vụ và Môi trường nói họ bác bỏ một khoản tặng cho đặc biệt, nhưng đang xem xét một chương trình tài trợ hạ tầng cơ sở khác. Ryan nói: “Chính phủ nói họ cần dọn sạch rất nhiều địa điểm. Nhưng thật ra nhiều địa điểm này chỉ có tính chất mất vẻ mỹ quan. Trong khi đó, địa điểm St.Mary’s không phải là vấn đề mỹ quan mà là vấn đề sức khỏe dân chúng. Nó gần nhà cửa, trường học, sân chơi trẻ em. Vấn đề St. Mary’s đúng ra phải giải quyết từ lâu”.

 

Vấn đề từ 30 năm trước

Nhà máy được xây từ 30 năm trước. Kế hoạch là xay nghiền cá Capelin đực, loài cá vô dụng bỏ đi ở Newfoundland, trộn với muối để làm ra nước mắm, loại nước chấm phổ biến ở Á châu và Việt Nam. Đây là kế hoạch của Ngô Sanh, một cựu thuyền trưởng tàu nghiên cứu hải dương Sir Wilfred Templeman của Cơ quan Hải Cảnh Canada (Canadian Coast Guard). Ngô Sanh đến Canada năm 1975 từ Vietnam.

Công ty đặt nhà máy ở St. Mary’s và khởi sự sản xuất tháng 6/1990.

Vài tháng sau, chính trị gia đủ thành phần đến St. Mary’s tham dự lễ cắt băng khánh thành nhà máy Atlantic Seafood Sauce Co. Tỉnh bang tài trợ chi phí cho 4 ký giả của cơ quan truyền thông Việt ngữ ở Bắc Mỹ và Âu châu (BBC, VOA..) đến viết bài tường thuật.

 

Bộ trưởng Ngoại thương Canada John Crosbie cắt băng khánh thành nhà máy nước mắm Atlantic

Bên cạnh là phu nhân thuyền trưởng Ngô Sanh

 

4 năm sau, 1994,  thì vấn đề bắt đầu nẩy sinh. Ông Ngô Sanh nói với CBC News là luật lệ kiểm phẩm Liên bang làm cho dự án không còn khả thi và ông có thể phải bỏ của chạy lấy người.

Ông nói ông bỏ ra 400,000 CAD tiền túi vào nhà máy, Tỉnh bang Newfoundland cũng bỏ vào 400,000 CAD và cơ quan Atlantic Canada Opportunities Agency (Cơ Hội Đầu Tư Đại Tây Dương Canada) cung cấp 500,000 CAD.

Năm 2000 và 2001, cơ quan Kiểm Tra Thực Phẩm Canada (Canadian Food Inspection Agency-CFIA) đến nhà máy thanh tra.

 

Trắng án

Năm 2002, cơ quan CFIA truy tố công ty theo đạo luật Food and Drug Act (Luật thực phẩm và thuốc men), nói rằng công ty sản xuất và tàng trữ nước mắm thiếu vệ sinh. Nhà máy bị ra lệnh ngưng sản xuất.

Nhưng đến năm 2006 thì công ty được miễn truy tố.

Một thẩm phán tỉnh bang chứng kiến ẩm mốc trên trần nhà phía trên các vại chứa nước mắm, máy móc dụng cụ rỉ sét, hơi nước ngưng đọng trên trần nhà máy, ruồi chết trong vại chứa, vại chứa không nắp đậy v.v.

Nhưng thẩm phán cũng chấp nhận lý luận của ông Ngô Sanh rằng những khiếm khuyết nói trên không đồng nghĩa với nước mắm nhiễm độc.

Cơ quan CFIA kháng cáo năm 2008 nhưng rồi tòa vẫn giữ quyết định không truy tố. Thẩm phán tòa Thượng thẩm đồng ý rằng “Sự yếu kém của quy trình kiểm tra và giám sát cưỡng hành của cơ quan CFIA làm cho Công Tố viên không có đủ yếu tố buộc tội”. Ngoài ra, cũng theo phán quyết của tòa, nhà máy đã ngưng hoạt động từ năm 2002.

Dân chúng thị trấn nói vụ này coi như chìm xuồng luôn. Nhưng khổ là nước mắm vẫn còn trong vại chứa.

 

Ô nhiễm môi trường

Năm 2012, Cơ quan Service Newfoundland gởi thư cho Ngô Sanh sau khi nhận được than phiền của dân chúng về tình trạng tòa nhà. Bức thư nói “nhiều vại chứa bằng nhựa trong đó có những chất lỏng và tạp chất không rõ” trong nhà máy bỏ hoang. “Đổ bỏ rác rưởi sản xuất tại địa điểm này không được phép vì gây ô nhiễm môi trường”. Thư yêu cầu ông Sanh dọn sạch nhà máy.

Nhưng chẳng đi tới đâu. Service Newfoundland nói lệnh dọn sạch nhà máy không thể cưỡng hành vì không liên lạc được với đại diện công ty.

Báo cáo của tỉnh bang tháng 11/2018 cho biết có 120 vại chứa bằng fiberglass với nước mắm trong một số vại và sàn nhà máy ngập nước mắm. “Ông Ngô Sanh không còn ở Canada sau khi nhà máy đóng cửa”.

Atlantic Seafood Sauco Co đã bị xóa tên trong danh sách công ty liên bang từ năm 2006. Số điện thoại công ty ở Halifax không còn hoạt động.

 

Ở tù trong nhà

Muriel nói bà làm ở nhà máy được một tuần lễ khi nó khánh thành năm 1990. Bà và chồng vẫn sống gần đó.

“Khi mùi nước mắm xông lên, chúng tôi phải đóng toàn bộ cửa chính và cửa sổ, nhà ở thành y như nhà tù”. Ông chồng nói việc tháo dỡ những vại chứa này làm cho mùi khai càng hăng.

“Khi nhân viên chính phủ đến kiểm tra nhà máy bỏ hoang, họ mang đồ bảo hộ màu trắng và đeo mặt nạ. Tôi hỏi tại sao? Họ nói để bảo vệ nhân viên của họ. Tôi nói: Vậy ai bảo vệ chúng tôi? Không ai trả lời”.

 

Rob Antle và Jen White (CBC News)

"Vast of seafood sauce left to rot in small N.L. town"

 (Hoàng Hải Hồ lược dịch)


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved