Ai về nhắn với Chu Công Cẩn,

          Thà mất lòng anh đặng bụng chồng.

          Đó là hai câu thơ của Tôn Thọ Tường trong bài "Tôn phu nhân qui Thục" mà tôi được học thời còn ở bậc trung học. Tôn Thọ Tường đã dùng bài này để biện minh cho việc ông ra làm việc với chính quyền Pháp. Bài thơ đã gây ra trận bút chiến ngoạn mục trong lịch sử văn học nước nhà, giữa Tôn Thọ Tường và cụ Phan Văn Trị cùng nhóm bài chống Pháp, trong thời kỳ nước ta bị Pháp xâm lăng. Tại sao Tôn Thọ Tường lại ví hoàn cảnh của mình với hoàn cảnh của Tôn phu nhân? Đó là chuyện lát nữa, xin xem hồi sau sẽ rõ!

          Bây giờ, chúng ta nên bắt đầu bằng chuyện Tôn phu nhân đã. Tôn phu nhân không xa lạ gì với những "fan" của truyện Tam Quốc, nói về một thời kỳ đầy giao động và khói lửa kéo dài gần 100 năm, và nổi bật nhất trong giai đoạn đó là sự tranh chấp giữa ba thế lực chính trị Ngụy (Tào Tháo), Thục (Lưu Bị) và Ngô (Tôn Quyền); trong đó thế lực của Tào Tháo lớn mạnh nhất, vì nắm Thiên Tử trong tay, và dùng chiêu bài "phò Hán" để sai khiến chư hầu. Để chống lại với thế lực này, Ngô và Thục đã lắm phen phải liên minh. Tuy ngoài mặt gọi là liên minh, nhưng hai phe này cũng chỉ bằng mặt không bằng lòng, nhất là trong vụ tranh chấp thành Kinh Châu, bên Tôn Quyền năm lần bảy lượt đòi, bên Lưu Bị dằng dai không trả, nên cả hai bên đã lắm phen tìm cách tiêu diệt nhau để dành lấy đất Kinh Châu, là một địa điểm chiến lược trọng yếu. Tôn phu nhân đã là một con cờ trong ván bài chính trị đó, được đặt để vào một cuộc hôn nhân chính trị, và kết thúc bằng cái chết để trọn nghĩa phu thê.

          Bà tên Tôn Thượng Hương, là con gái út của thái thú quận Trường Sa là Tôn Kiên; và là em của Tôn Sách và Tôn Quyền, những người đã tạo nên cơ nghiệp cho nhà Đông Ngô. Bà được mô tả là người tài giỏi, cương cường như hai anh, thích tập đao múa kiếm, thị tỳ hơn 100 người lúc nào cũng đeo gươm giáo đứng hầu.

          Năm 209, sau chiến thắng lẫy lừng của liên minh Ngô-Thục trong trận Xích Bích, phá tan giấc mộng thống nhất của Tào Tháo, cục diện chính trị đã hình thành thế chân vạc; thì ít lâu sau, liên minh Ngô-Thục lại rạn nứt, hục hặc nhau về chuyện Kinh Châu. Đúng thời điểm ấy, vợ của Lưu Bị là Cam phu nhân qua đời. Quân do thám dò biết về báo với Ngô hầu Tôn Quyền. Đô đốc Chu Công Cẩn (Chu Du) thừa cơ hội đó, bàn mưu với Tôn Quyền toan diệt Lưu Bị, dâng kế xin cho người sang Kinh Châu giả làm mối Tôn tiểu thư cho Lưu Bị, rồi lừa cho Lưu Bị sang Giang Đông, bắt giam lại để làm con tin đánh đổi Kinh Châu. Tôn Quyền theo kế ấy, sai Lã Phạm làm ông mai, sang Kinh Châu ngỏ ý với Lưu Bị nhưng ông từ chối, viện cớ vợ mới mất, hơn nữa em gái Ngô hầu còn son trẻ e không xứng đôi vừa lứa.

          Lã Phạm phải thuyết phục mãi:

          - Tôn quận chúa có nhan sắc, hiền hậu, nếu hai nhà kết Tấn Tần với nhau thì giặc Tào Tháo không dám nhìn ngó đến phía đông nam nữa. Việc này công tư đều có lợi.

          Tối đến, Lưu Bị bàn với "quân sư quạt… lông" Khổng Minh, ông cũng tán thành:

          - Tôi bói dịch được quẻ đại cát. Chúa công cứ nhận lời đi, tôi sẽ nghĩ mẹo khiến cho Chu Du không làm gì ta được.

          Nói rồi sai Tôn Càn cùng theo Lã Phạm về Giang Đông dâng sính lễ chọn ngày cưới. Lưu Bị e dè:

          - Chu Du muốn lập mưu hại ta, sao quân sư lại xúi ta lao mình vào hang cọp?

          Khổng Minh cười cười:

          - Chu Du không che được mắt tôi, tôi chỉ cần một mẹo nhỏ là bẻ gãy được âm mưu của Chu Du, chúa công sẽ cưới được em gái Ngô hầu, mà Kinh Châu cũng không hề hấn gì.

          Nói đoạn gọi dũng tướng Triệu Vân vào đưa cho 3 cẩm nang, dặn dò cứ theo thứ tự mà thi hành.

          Tháng 10 mùa đông năm ấy, tức năm Kiến An thứ 14, sau khi giao Kinh Châu cho Khổng Minh trông coi, Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) dưới sự hộ tống của Triệu Vân, Tôn Càn cùng 500 tinh binh, dùng chục chiếc thuyền rời Kinh Châu, vượt Trường Giang sang Giang Đông ra mắt Tôn Quyền. Lênh đênh trên sóng nước, lòng áy náy không yên. Triệu Vân an ủi:

          - Quân sư giao cho ba túi gấm, hẳn có mẹo hay, chúa công đừng lo.

          Đến Nam Từ, Triệu Vân y kế của Khổng Minh, nói Huyền Đức mang rượu và dê đến ra mắt Kiều quốc lão thuật chuyện Đông Ngô sai Lã Phạm sang làm mối. Đồng thời, Triệu Vân sai 500 quân sỹ, áo thắm quần điều, tấp nập ra phố chợ mua sắm đồ sính lễ, truyền tin Lưu hoàng thúc sang làm rể Đông Ngô. Thế là, tin quận chúa Đông Ngô sắp được gả cho hoàng thất nhà Hán lan truyền như nước chảy.

          Nói về Kiều quốc lão, là cha của hai cô gái đẹp nhất Giang Đông thời ấy là Đại Kiều đã gả cho Tôn Sách, và Tiểu Kiều đã gả cho Chu Du; nói nôm na Kiều quốc lão là sui gia với Ngô quốc thái, mẹ của Tôn Sách và Tôn Quyền. Sau khi được Lưu Huyền Đức đến bái kiến và báo tin vui, Kiều quốc lão lật đật vào ngay trong cung chúc mừng bà sui gia. Ngô quốc thái hỏi:

          - Chuyện gì mà chúc mừng?

          - Tôn quận chúa sắp làm dâu nhà Hán, chàng rể Lưu hoàng thúc đã sang đến nơi rồi, đang rầm rộ ngoài phố sắm sửa dê lợn, hoa quả để kết hôn, cả thành đều biết, sao còn dấu tôi?

          Ngô quốc thái tá hỏa tam tinh, cho gọi Tôn Quyền vào hỏi cho ra lẽ và khóc rống lên rồi mắng:

          - Mày thật không coi tao ra gì nữa rồi! Trai dựng vợ, gái gả chồng là chuyện thường tình, nhưng mày có gả em mày cũng phải nói trước với tao chứ? Nay cả thành đều biết, chỉ có tao, nếu không nhờ Kiều quốc lão báo tin thì tao cũng không biết gì cả!

          Tôn Quyền giật mình, thưa:

          - Không phải đâu mẹ! Đó chỉ là kế của Chu Du, lừa Lưu Bị đến đây để đòi đổi lấy Kinh Châu, nếu hắn không nghe thì giết đi, chứ nào phải thật đâu mà mẹ bi thương đến thế.

          Nghe thế, Ngô quốc thái lại còn nổi giận thêm, réo gọi Chu Du mà mắng:

          - Ngươi làm đô đốc, quản lĩnh binh tướng 6 quận, 81 châu, không nghĩ được cách gì lấy Kinh Châu mà phải đem con gái bà ra làm mồi nhử để giết Lưu Bị. Mày muốn cho con bà chưa chồng mà mang tiếng góa bụa, có phải lỡ dở cả một đời nó không? Thế mà cũng gọi là mưu mẹo à, hở thằng kia!

          Rồi cứ chửi mắng Chu Du không ngớt. Kiều quốc lão cũng thêm vào:

          - Nếu dùng kế ấy, dù có lấy được Kinh Châu, cũng bị thiên hạ chê cười.

          Tôn Quyền biết lỗi ngồi im thin thít, không nói được lời gì. Kiều quốc lão can:

          - Nay đã lỡ rồi, Lưu hoàng thúc cũng là bậc hào kiệt thời nay, nếu Quốc thái được người rể ấy thì cũng xứng đáng, không làm nhục gì tiểu thư đâu.

          Ngô quốc thái ra lệnh Tôn Quyền ngày mai mở tiệc ở chùa Cam Lộ, mời Huyền Đức đến để bà coi mắt, nếu ưng thì sẽ cho cưới. Lã Phạm lại dâng kế với Tôn Quyền, sai 300 quân đao phủ phục sẵn hai bên hành lang, nếu Ngô quốc thái không bằng lòng thì đao phủ đổ ra mà bắt trói Huyền Đức.

          Huyền Đức được tin, bàn với Triệu Vân và Tôn Càn. Triệu Vân nói:

          - Buổi ra mắt ngày mai, dữ nhiều lành ít, tôi phải đem 500 binh đi bảo vệ chúa công.

          Hôm sau, Huyền Đức mặc áo giáp hộ thân, khoác cẩm bào bên ngoài, cùng Triệu Vân và đoàn tùy tùng, đao kiếm sáng loáng đi theo, thẳng đến chùa Cam Lộ, vào ra mắt Ngô hầu. Tôn Quyền thấy Huyền Đức diện mạo phi thường, Triệu Vân mặc giáp bạc, nai nịt gọn ghẽ, oai phong lẫm lẫm, thì có ý hoảng sợ, dẫn Huyền Đức vào ra mắt Ngô quốc thái. Bà nhìn thấy Huyền Đức đường đường có tướng đế vương, trong bụng mười phần ưng ý, nói với Kiều quốc lão:

          - Người này thật xứng làm rể ta.

          Kiều quốc lão cũng chúc mừng:

          - Lưu hoàng thúc uy nghi đường bệ, tướng như rồng như phượng, nhân nghĩa tỏa khắp thiên hạ, thật đáng chúc mừng cho quốc thái kén được rể hiền.

          Thế là lộng giả thành chân, Huyền Đức nghiễm nhiên trở thành rể Đông Ngô. Tôn tiểu thư không hay biết gì mưu kế của anh, nghe lời mẹ kết hôn với Huyền Đức. Tính khí bà uy nghiêm, lúc nào cũng có các nữ thị vệ gươm giáo tua tủa khiến Huyền Đức lắm phen rùng mình, bảo phu nhân cất các thứ đồ chơi đó đi, không phải thứ để cho phụ nữ chơi.

          Hoảng trông thị nữ đeo gươm đứng,

          Cứ tưởng Đông Ngô đặt phục binh!

          Phu nhân tủm tỉm cười, nói:

          - Đã hơn nửa đời người chinh chiến còn sợ gươm đao à? - Nói rồi sai vệ sỹ dọn cất hết gươm giáo trong phòng.

          Huyền Đức cùng Tôn phu nhân tâm đầu ý hợp. Chu Du thấy kế của mình thất bại, lại hiến kế cho Tôn Quyền hết lòng chiều chuộng cung phụng đủ mọi thứ xa hoa để lung lạc nhuệ khí của Huyền Đức, khiến ông không tha thiết gì đến việc trở về Thục hội ngộ cùng quân sư Khồng Minh, và hai người em kết nghĩa Quan - Trương nữa.

          Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc đông tàn xuân tới, gần đến ngày tết nguyên đán, Triệu Vân lại y hẹn mở túi gấm xem kế của Khổng Minh rồi vào tâu với Huyền Đức:

          - Sáng nay Quân sư có sai người sang báo là Tào Tháo khởi 50 vạn tinh binh sang đánh Kinh Châu, trả thù hận Xích Bích. Nguy đến nơi rồi, chúa công phải về ngay mới được.

          Huyền Đức vào gặp Tôn phu nhân, rơm rớm nước mắt (khóc là nghề của chàng!) nói:

          - Tôi nghĩ đến phận nương nhờ đất khách, sống không phụng dưỡng được mẹ cha, nay tết nhất đến nơi, cũng không thờ cúng được tổ tiên, lấy làm hổ thẹn.

          Tôn phu nhân nói:

          - Phu quân đừng giấu nữa, nãy thiếp đã nghe hết lời của Triệu Tử Long báo tin Kinh Châu nguy cấp rồi, phu quân muốn về nên mượn cớ đó thôi. Nay thiếp đã là vợ của chàng, thì sống cũng là người của họ Lưu, chết cũng là ma nhà họ Lưu.

          Thôi thì phận gái chữ tòng,

          Chàng đi thiếp cũng một lòng xin theo.

          Nói rồi hiến kế:

          - Đến hôm mồng một tết, thiếp với phu quân xin phép mẹ ra bờ sông tế tổ, rồi cùng lẻn về Thục, có được không?

          Ngày nguyên đán, vào mùa xuân năm Kiến An thứ 15, hai vợ chồng đến chúc tết Ngô quốc thái, xin phép ra bờ sông tế tổ tiên, trong lúc Tôn Quyền cùng văn võ mở yến tiệc mừng xuân. Trước khi từ biệt, Tôn phu nhân dâng lên mẹ một lọn tóc mây. Ngô quốc thái đón nhận, hai giọt lệ rơi trên má. Ngô quốc thái có biết ý con gái mình không? Xin để độc giả suy đoán. Ôi, tấm lòng bao la của người mẹ!

         Tôn Quyền đêm ấy uống rượu say không hề biết chuyện Huyền Đức đã lẻn đi cùng em gái mình. Tả hữu không ai dám đánh thức ông. Hôm sau tỉnh rượu, nghe tin ấy, Tôn Quyền cả giận ném nghiên mực xuống đất, vỡ tan, rồi truyền cho hai tướng đem 500 tinh binh đuổi bắt.

         Có người tâu rằng Quận chúa rất uy dũng, lo rằng các tướng và quân sỹ không dám ra tay. Tôn Quyền lại rút ngay thanh gươm đang đeo ra lệnh:

          - Đem thanh gươm này đuổi theo em ta và Lưu Bị đem về đây, nếu chúng kháng cự thì cứ chém!

          Cuộc trốn chạy của Huyền Đức thật không dễ dàng. Đằng sau quân Ngô đuổi đến gần, đằng trước Chu Du đoán biết có ngày Huyền Đức sẽ trốn nên đã đặt binh phục sẵn, đánh dồn lại. Tôn phu nhân cũng không vừa, bà xuống xe vừa chặn, vừa quát tháo mắng các tướng, để Huyền Đức thoát chạy đến tận bờ sông, nơi đó Triệu Vân đã dàn quân ứng chiến. Huyền Đức hơi vững dạ, nhìn dòng sông nước chảy mênh mông mà đau xót nhớ đến những ngày êm ấm ở Đông Ngô, ứa nước mắt. Giờ thì không một bóng thuyền, chắc chết nơi đây. Phía sau lại nghe tiếng vó ngựa vang rền, quân Ngô đuổi đến nơi. Huyền Đức than:

          - Chạy cả ngày mệt mỏi, nay quân lại đuổi đến, chắc là ta chết không có chỗ chôn thây!

          Chợt Triệu Vân nhớ đến lời Khổng Minh dặn: khi nào đến nước đường cùng thì mở túi gấm thứ ba, liền mở ra xem rồi theo kế, men theo bờ sông đến một dãy lau sậy rậm rạp, đã thấy một dãy hơn chục chiếc thuyền đậu sẵn ở đó. Ôi! Sự vui mừng nói sao cho siết. Huyền Đức, Tôn phu nhân và tướng sỹ lên cả thuyền. Thì ô hay, ở đâu xuất hiện một người khăn lượt, áo the, tay phe phẩy quạt lông, bước ra khoang lạy chào:

          - Chúc mừng chúa công. Gia Cát Lượng tôi chờ ngài ở đây đã lâu rồi.

          Hóa ra những người giả làm lái buôn trong thuyền đều là quân Kinh Châu cả.

          Trên bờ, quân Ngô đến nơi, tên bắn ra tới tấp. Dưới sông thì nước ầm ầm nổi sóng, nhìn ra, thì là Chu Du kéo đoàn chiến thuyền Đông Ngô ào ào đuổi tới.

          Đoàn thuyền Kinh Châu lướt đi trên sóng sang đến bờ bên kia, bèn bỏ thuyền, lên bộ kéo nhau chạy thoát thân. Quân của Chu Du đuổi tới cũng ùa lên bộ rầm rộ đuổi theo. Bỗng đâu trống đánh vang trời, từ trên sườn núi, một toán quân kéo ra, một tướng mặt đỏ, râu dài dẫn đầu, oai phong lẫm liệt, chính là Quan Vân Trường. Chu Du kinh hãi, quay ngựa bỏ chạy. Quân Thục đánh tràn, quân Ngô thua to, Chu Du nhẩy được xuống thuyền thì quân sỹ Kinh Châu ở trên bờ đồng thanh hô:

          Chu Du mẹo giỏi yên thiên hạ,

          Đã mất phu nhân, lại thiệt quân!

          Chu Du uất ức gầm lên một tiếng: "Kế của ta thất bại, còn mặt mũi nào về nhìn Ngô hầu nữa", vết thương do trận đánh lần trước chưa lành, lại vỡ tung ra, ngã quỵ xuống thuyền, bất tỉnh. Khổng Minh không cho quân đuổi theo, tất cả kéo về Kinh Châu ăn mừng và khao thưởng tướng sỹ.

          Tôn phu nhân theo chồng về Thục, vì hai người vợ của Huyền Đức đều đã mất, nên phu nhân lo quản việc nhà và chăm sóc A Đẩu (Lưu Thiện), lúc đó là con trai duy nhất của Huyền Đức và Cam phu nhân (đã mất).

          Hai năm sau, mối quan hệ giữa Ngô và Thục bắt đầu căng thẳng. Lợi dụng lúc Lưu Huyền Đức đem quân vào Tây Xuyên, văn võ bàn kế với Tôn Quyền sai quân lấp lối vào Xuyên, chặn đường về của Huyền Đức.

          Ngô quốc thái nghe được giận lắm, ngăn lại: "Ta có mỗi đứa con gái gả cho Lưu Bị, nay bọn ngươi động binh thì tính mạng con gái ta ra sao?". Lại mắng Tôn Quyền:

          - Mày thừa kế 81 châu quận do cha anh gây dựng chưa đủ sao, lại vì chút lợi mà quên tình anh em?

         Tôn Quyền sợ mẹ đành vâng dạ, rồi lén dùng kế, cho người giả đem thư sang Thục báo tin với Tôn phu nhân rằng Ngô quốc thái bị bệnh nặng, bà muốn gặp con gái lần cuối, và dặn dò đem cả cháu ngoại A Đẩu về cho bà xem mặt. Thực ra là Tôn Quyền muốn gọi Tôn phu nhân về để Ngô quốc thái yên tâm, và muốn bắt A Đẩu làm con tin.

          Tôn phu nhân đọc thư, toan báo với quân sư Khổng Minh để xin đi, thì người đưa thư ngăn lại nói: "nếu quân sư bảo phải chờ báo tin cho Lưu hoàng thúc, rồi chờ lệnh ngài thì lỡ việc hết, nay thuyền bè đã sẵn sàng cả rồi, phu nhân lên thuyền ngay cho kịp".

          Phu nhân nóng ruột vì mẹ bệnh nặng, do đó, bà thu xếp cùng với 30 thị nữ rồi bồng A Đẩu 7 tuổi, trốn theo thuyền để về Đông Ngô. Gặp lúc Triệu Vân đi tuần về, nghe tin rụng rời tay chân, quất ngựa như bay đến bờ sông gọi thuyền lại, nhưng thuyền của phu nhân cứ vùn vụt bay trên sóng. Triệu Vân lên được chiếc thuyền nhỏ ven bờ, cầm giáo nhảy lên bảo người lái đuổi theo thuyền phu nhân, lúc đó đang bắn tên như pháo sang thuyền Triệu Vân. Vân lấy giáo gạt ra, nhảy vọt sang thuyền lớn. Quân Ngô khiếp vía, ngã ùm xuống sông cả đám. Vào đến khoang thuyền, thấy Tôn phu nhân đang ôm A Đẩu, Triệu Vân thưa:

          - Chủ mẫu đi đâu sao không báo cho quân sư biết? Lại đem cả tiểu chủ đi?

          Tôn phu nhân nói:

          - Mẹ ta ốm nặng, không kịp báo cho quân sư. Ta phải đem A Đẩu đi vì để lại Kinh Châu không ai chăm sóc.

          Triệu Vân nói:

          - Chủ mẫu muốn đi thì đi, nhưng phải để tiểu chủ lại.

          Nói rồi, giằng lấy A Đẩu trong tay Tôn phu nhân, ôm ra đứng đầu thuyền. Phu nhân quát đám thị tì có võ nghệ xông vào đánh chém Triệu Vân. Vân một tay ôm A Đẩu, tay kia vung đao chém loạn xạ cả lên, cả đám "nữ tặc" ngã chúi vào nhau. Triệu Vân có một mình giữa giòng, không sao đưa A Đẩu vào bờ được. Bỗng đâu một đoàn độ mươi chiếc thuyền vùn vụt bay tới, cờ quạt rợp trời, trống chiêng vang dội. Triệu Vân kinh hồn hoảng vía, nhìn ra thì thấy một tướng cầm xà mâu, mắt tròn to thét lớn:

          - Tẩu tẩu, phải để cháu ở lại đây.

         

           Hết hồn! Thì ra Trương Phi, lúc đó đang đi tuần tiễu, nghe báo tin Tôn phu nhân mang A Đẩu đi, vội vàng đem đoàn thuyền chạy theo chặn lại. Trương Phi cứu được Triệu Vân và A Đẩu, cùng mừng rỡ nhảy qua thuyền mình quay về, vừa lúc thuyền lớn của Khổng Minh tới tiếp cứu. Thấy A Đẩu được cứu, mọi người hớn hở trở về doanh trại.

          Sau khi Tôn phu nhân về Đông Ngô, từ đấy tình nghĩa phu thê đứt đoạn, không ai nghe nói gì về bà nữa.

          Năm 221, Lưu Bị và Khổng Minh ở Thục nghe đồn rằng Hán Hiến Đế đã bị Tào Phi giết hại (tin không đúng, xin xem hồi cuối sẽ rõ!), bèn phát tang. Quần thần nhiều lần khuyên Lưu Bị đăng cơ, và cuối cùng ông đã chấp thuận lên ngôi Hoàng đế để nối tiếp nhà Hán. Từ đó nhà Thục Hán bắt đầu.

          Tiếp đến là cái chết của hai người em kết nghĩa Quan Vũ và Trương Phi đã khiến Lưu Bị dồn sự căm tức lên Đông Ngô, và quyết tâm kéo đại binh báo thù, bất chấp lời khuyên can của Khổng Minh, Triệu Vân và các tướng. Lòng nôn nóng trả thù đã khiến Lưu Bị mù quáng và đưa ông đến việc liên tiếp thất trận. Cuối cùng, trong trận Di Lăng, Hào Đình ông lại phạm một lỗi lầm lớn về việc dựng trại san sát nhau liên tiếp 700 dặm, phạm vào một tối kỵ của binh gia. Quả nhiên, quân Ngô thừa lúc trời nổi gió đã dùng hỏa công tấn công vào liên trại của Thục, Lưu Bị trở tay không kịp, quân sĩ bị giết mấy vạn người, phần còn lại tan vỡ bỏ chạy. Cuối cùng Lưu Bị phải bỏ cả mũ giáp chạy về thành Bạch Đế.

          Bên Đông Ngô, mấy hôm trước, Tôn phu nhân nằm mơ thấy Lưu Bị đứng trước mặt khóc mà không nói gì. Bà hoảng loạn đứng dậy đi quanh thì nghe ngoài hành lang bán tán về việc quân Thục bị thua trận, và loan "tin vịt" là Lưu hoàng thúc đã chết trong đám loạn quân rồi. Phu nhân nhớ lại giấc mộng, choáng váng ngất đi. Ngô quốc thái an ủi, rồi cho gọi Tôn Quyền đến mắng cho một trận, Tôn Quyền chỉ lặng thinh.

          Hôm sau, Tôn phu nhân cho bày hương hoa sẵn, rồi mặc áo tang ra bờ sông khấn vái. Lạy xong bà gọi "Hoàng thúc, thiếp theo chàng đây" rồi lao mình xuống giòng Trường Giang cuồn cuộn sóng. Mọi người kinh hãi, tìm cách cứu, một mặt cấp báo với Tôn Quyền nhưng khi Tôn Quyền đến nơi thì chỉ thấy sóng nước nhấp nhô dưới trời thanh đãng. Người đời sau lập đền thờ Tôn phu nhân trên bến sông, gọi là đền Khiêu Cơ.

          Cụ Phan Kế Bính có thơ than rằng:

          Tiên chủ thua quân tới Bạch Thành,

          Phu nhân nghe nạn vội quyên sinh.

          Bến sông nay vẫn còn bia tạc,

          Chói lọi nghìn thu tiếng gái trinh.

-----------------------------------------------------

          Nhà thơ Tôn Thọ Tường đã dựa vào điển tích này mà viết bài "Tôn phu nhân qui Thục". Ông tự ví mình như Tôn phu nhân, lấy chồng thì phải theo chồng, dù vẫn nặng lòng với cố hương. Ông ra làm việc với người Pháp, không có nghĩa là không nặng lòng với quê cha đất tổ!

          Ông tận tụy với chức vụ, được người Pháp nể trọng, sau thăng đến chức Đốc phủ sứ. Trong một chuyến công du ra Bắc cùng với viên Lãnh sự Pháp, ông bị bệnh và chết, lúc chết vẫn nghèo như trước, rõ ràng việc ông cộng tác với người Pháp không hẳn là để cầu vinh.

          Ông luôn bày tỏ niềm u uất đối với những lời khích bác, chê bai của phe bài chống Pháp, nên gửi tâm sự vào thơ để bày tỏ nỗi lòng, biện bạch cho việc "qui Pháp" của ông. Bài Tôn phu nhân qui Thục hay Từ Thứ qui Tào là những thí dụ điển hình. Tôn phu nhân một lòng thờ chồng mà về Thục, Từ Thứ vì mẹ mà phải bỏ Thục theo Tào, ra đi mà ruột đứt lòng đau!

          Bài Tôn phu nhân qui Thục chỉ vỏn vẹn 8 câu, Tôn Thọ Tường ca ngợi Tôn phu nhân "Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông", cùng lời nhắn nhủ của Tôn phu nhân gửi đến đô đốc Chu Du ở 4 câu cuối:

          Son phấn thà cam dày gió bụi,

          Đá vàng chi để thẹn non sông.

          Ai về nhắn với Chu Công Cẩn,

          Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

          Bài thơ đã tạo nên một trận bút chiến với nhiều bài họa lại, có ý châm chích ông, điển hình là bài của cụ Phan Văn Trị, cũng tả cảnh lúc Tôn phu nhân bịn rịn rời đất Đông Ngô như: "mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông", và kết thúc với 4 câu, mượn lời nhắn nhủ của Tôn phu nhân gửi đến anh trai Tôn Quyền, chủ ý là để "mắng" Tôn Thọ Tường:

          Hai vai tơ tóc bền trời đất,

          Một gánh cương thường nặng núi sông.

          Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết,

          Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng!

          Ý nhắn nhủ với Tôn Thọ Tường rằng: Tôn phu nhân là gái, phải theo chồng là lẽ thường rồi (hai vai tơ tóc…), chưa kể bà còn là gạch nối để giữ vững tình hòa hảo giữa Ngô-Thục (gánh cương thường nặng núi sông). Chứ còn Tôn Thọ Tường có phải là gái đâu, mà giặc Pháp có phải là chồng của ông đâu mà nói là ông "phải" theo! Ông là trai thì phải thờ chúa chứ!

          Chuyện bút chiến, xin không phê phán, việc đó đã có lịch sử phê phán rồi.

          Cũng trong tâm trạng biện bạch đó, Tôn Thọ Tường còn có bài thơ Từ Thứ qui Tào.

          Từ Thứ là một mưu sĩ của Lưu Bị, rất được trọng dụng và đã nhiều lần bày mưu giúp Lưu Bị thắng Tào Tháo. Tháo mến tài muốn chiêu dụ ông nhưng không biết dùng cách gì. Quân sư quạt mo Trình Dục bày kế "Từ Thứ chí hiếu, chỉ còn một mẹ già không ai chăm sóc. Thừa tướng nên lừa mẹ hắn về Hứa Xương, rồi bảo bà viết thư gọi con về hàng, chắc Từ Thứ nghe theo". Tào Tháo y kế, bắt được mẹ Từ Thứ, mang về đối đãi rất tử tế, rồi bảo bà viết thư gọi con về hàng. Từ mẫu nổi giận, ném nghiên mực vào mặt Tào Tháo. Tháo toan giết bà, nhưng Trình Dục can và đem Từ mẫu nuôi nấng ở riêng một nhà, ân cần phụng dưỡng, thường xuyên đem đồ biếu kèm danh thiếp. Từ mẫu cảm động cũng gửi thiếp cám ơn. Nhờ đó, Trình Dục bắt chước được chữ viết của bà, liền giả chữ bà, viết thư sai người đem đến cho Từ Thứ, nói nếu Từ Thứ về hàng Tào Tháo thì may ra mạng của bà mới được cứu thoát.

          Từ Thứ đọc thư thấy đúng chữ của mẹ, không cầm được nước mắt, vào yết kiến Huyền Đức, kể lể sự tình. Huyền Đức đau lòng khóc rống lên, đành lòng để Từ Thứ ra đi.

          Tôn Càn khuyên Huyền Đức giữ Từ Thứ lại đừng cho đi, Tào Tháo không dụ hàng được Thứ, hẳn sẽ mang mẹ già ra giết, Từ Thứ ắt sẽ mang bụng thù mà cố sức giúp Thục đánh Tào. Huyền Đức không nghe nói:

          - Ta thà chết chứ không làm những việc bất nhân bất nghĩa như thế.

          Rồi đành lòng tiễn Từ Thứ đi hết chặng đường này đến chặng đường khác, hai người nước mắt như mưa! Đến bên bìa rừng, Huyền Đức dừng cương ngựa, trông theo Từ Thứ, rồi khóc mà nói:

          - Từ Nguyên Trực đi rồi, ta phải làm sao?

          Rồi gạt nước mắt chỉ roi vào rừng nói:

          - Ta muốn chặt hết cây cối nơi này!

          Quân sĩ hỏi duyên cớ, Huyền Đức nói:

          - Rừng cây này che khuất Nguyên Trực của ta.

          Từ Thứ đến Hứa Xương vào yết kiến Tào Tháo rồi vội vã đến gặp mẹ, quỳ lạy khóc lóc. Từ mẫu hoảng hốt hỏi nguyên do. Từ Thứ nói nhận được thư mẹ bị khốn ở chỗ Tào Tháo nên vội vã về. Bà giận quá mắng rằng:

          - Mày là đồ nhơ nhuốc. Mấy năm trôi giạt, tao tưởng mày học hành nên thân, sao còn ngu thế hở con? Mày không biết Tào Tháo là tên nghịch tặc dối vua lừa chúa à, mà còn còn vác mặt bỏ chỗ sáng về chỗ tối? Tao còn mặt mũi nào trông thấy thiên hạ nữa. Mày đã đọc sách mà không hiểu rằng trung hiếu không thể vẹn toàn à?

          Từ Thứ cứ dập đầu xuống đất khóc, không dám ngẩng mặt lên, lúc sau người nhà ra báo rằng Từ mẫu đã treo cổ lên sà nhà rồi. Từ Thứ chạy vào thì mẹ đã tắt thở. Đời sau có thơ khen rằng: Hiền thay Từ mẫu! Tiếng thơm muôn thuở!

          Từ đó, Từ Thứ tuy thân gửi nơi Tào mà hồn lúc nào cũng vấn vương nơi đất Thục. Mặc cho Tào Tháo trọng dụng đến đâu, ông cũng nguyện không dâng một kế nào.

          Tôn Thọ Tường cũng dùng điển tích này nói lên nỗi lòng của mình khi phải uốn mình về với giặc Pháp! Khác gì Từ Thứ phải nén lòng ở với Tào!

 

-----------------------------------------------------------------

         

           Những tấm gương trung liệt của nhi nữ như Từ Mẫu không thiếu trong truyện Tam Quốc. Những người đàn bà son sắt thờ chồng cũng không phải chỉ có Tôn phu nhân. Tào Tiết hoàng hậu cũng là một tấm gương sáng, hết dạ thờ chồng là vua Hán Hiến đế Lưu Hiệp, vị vua cuối cùng của triều đại nhà Hán.

           Bà là một chứng tích của việc "cây đắng sinh trái ngọt". Là con gái của Tào Tháo, bà và người chị cùng người em gái, được cha là Tào Tháo đưa vào cung làm phi tần cho vua Hiến đế, với mục đích tạo thế lực cho mình. Đó là năm 213 sau công nguyên. Cùng năm đó, vợ vua Hiến Đế là Phục hoàng hậu bị Tào Tháo giết hại, vì hoàng hậu âm thầm liên lạc với cha là Phục Hoàng, tìm cách diệt Tào, bị Tào Tháo phát giác.

           Phục hoàng hậu chết rồi, Tào Tháo đề nghị vua Hiến Đế (trên thực tế là ép buộc) lập con gái mình là Tào Tiết lên làm hoàng hậu. Tào hoàng hậu, cũng như người chị và người em, dù vào cung với tư cách Quý nhân, nhưng không được Hiến Đế sủng ái, lý do dễ hiểu vì họ là con của Tào Tháo, là người uy hiếp vua, thậm chí là nắm Thiên tử trong tay để sai khiến chư hầu. Do đó, ba chị em bà đều có cuộc sống tẻ lạnh trong cung. Tuy vậy, Tào hoàng hậu luôn một mực trung thành với Hiến đế và Hán triều, nhiều lần bất đồng âm mưu soán nghịch của cha và anh.

           Năm 220, Tào Tháo mất, con là Tào Phi lên thay ngôi Ngụy Vương của Tào Tháo, tháng 10 năm đó Tào Phi soán ngôi nhà Hán, ép Hiến Đế thoái vị. Hán Hiến Đế về cung nói lại cho Tào Tiết hoàng hậu nghe, bà cả giận quát ầm ĩ:

         - Các ngươi đều là bọn loạn tặc! Cha ta công cán lẫy lừng, uy chấn thiên hạ, mà còn không dám soán vị Thiên tử. Nay anh ta tự vị nhiều lần, còn muốn soán Hán, Hoàng Thiên tất không phù hộ!

          Tào Phi cho người vào cung hỏi ngọc tỷ truyền quốc, lúc đó do bà cất giữ. Tào hoàng hậu nhất định không đưa, bà nói: "ngọc tỷ chỉ có vua được quyền dùng, anh ta là gì mà dám đòi lấy?". Sau vì bị ép bức, bà cầm ngọc tỷ ném xuống lầu, khóc mắng Tào Phi rằng: "Trời không phù hộ cho nhà ngươi đâu". Hành động "ném tỷ trách huynh" của bà đã được sử sách ghi chép. Hiến Đế từ đó cảm lòng trung nghĩa của bà. Tào Tiết làm hoàng hậu được cả thảy 7 năm.

          Tào Phi lên ngôi, lập ra triều Tào Ngụy, đày vua Hiến đế ra Sơn Dương, giáng làm Sơn Dương công, hưởng lộc vạn hộ. Tào Tiết hoàng hậu là người vợ duy nhất được đi theo vua, trở thành Sơn Dương công phu nhân. Triều đại lừng danh nhà Đông Hán chính thức chấm dứt từ đó sau hơn 400 năm trị vì.

           Ở Sơn Dương, phu nhân khuyên chồng bỏ y phục xa hoa, ăn mặc đơn sơ, hành y cứu giúp dân chúng nhờ những bài thuốc quí học được trong cung; nên được người Sơn Dương ca tụng là Long Phụng y gia. Đến nay tại Bách Gia Nham Cảnh khu, có bia đá khắc hình vẽ Hiến Đế hành y đồ. Dân chúng mang ơn, bốn mùa dâng tặng sản vật, nhờ thế mà cuộc sống của hai vợ chồng khá thảnh thơi.

           Năm 234, Sơn Dương Công (Hiến đế) qua đời lúc 53 tuổi, làm Sơn Dương Công được 14 năm. Ông được Ngụy Minh đế (là con Tào Phi, nối ngôi cha) cho an táng theo nghi lễ Thiên tử, đặt thụy hiệu là Hiếu Hiến hoàng đế. Đến năm 260, Sơn Dương Công phu nhân (Tào Tiết hoàng hậu) cũng qua đời, được hợp táng cùng chồng theo nghi lễ an táng của Hán triều hoàng hậu, được đặt thụy hiệu là Hiến Mục hoàng hậu.

           Coi như một happy ending cho cuộc đời của vị vua và hoàng hậu cuối cùng của Hán triều, cũng như một kết cục tốt đẹp cho vị hoàng hậu bị thất sủng, cuối cùng đã được cùng chồng chung hưởng hạnh phúc đến chết. Thật là Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân. Theo các sử gia, trường hợp bị soán ngôi và được sống trọn vẹn yên ổn đến chết như Hán Hiến đế không có nhiều. Vì thế cuộc nhường ngôi Hán-Ngụy được xem là hiếm có. Người đàn bà trung liệt đến chết cũng lại được về bên cạnh chồng đến thiên thu.

………………….................

           Chỉ thương cho Tôn phu nhân, từ khi về Giang Đông cho đến khi chết cũng không được gặp lại chồng, cũng không thấy kể là Lưu Hoàng thúc có nghĩ đến bà không? Hay hận bà đã bỏ đi không lời từ biệt, lại còn toan đem cả A Đẩu đi cùng?

           Ngày nay, tại Vũ Hầu Tự, tỉnh Tứ Xuyên, là nơi thờ Lưu Bị và các tướng Thục Hán thời xưa, sau lối đi quanh co bao bọc bởi bức tường dài, cũng chỉ thấy tấm bia "Hán Chiêu Liệt hoàng đế chi mộ", được dựng vào năm Càn Long thứ 53 (1788), là nơi hợp táng của Lưu Bị cùng 2 người vợ là Cam phu nhân, và Ngô phu nhân (Lưu Bị cưới sau khi Tôn phu nhân về Giang Đông) mà thôi.

 

         

          Thương thay cho Tôn phu nhân, vì tham vọng chính trị của người anh trai, khiến tình duyên lở dở, đền Khiêu Cơ ngàn năm sau biết có còn hương khói? Hay hồn xác ngàn đời ngậm ngùi theo sóng nước Trường Giang?

          Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết,

          Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng?

 

          Hải Phong  


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627