Đoản văn Hải Phong

 

 

          Nếu phải kể hết mấy cái tật lỉnh kỉnh của tôi thời bé đã làm phiền đến Bố Mẹ thế nào thì có lẽ phải kể đến mai mới hết. Có những chuyện tôi còn nhớ, cũng như những chuyện tôi đã quên. Cũng có những chuyện in sâu trong ký ức tôi kể từ khi tôi bắt đầu có trí nhớ.

          Chẳng hạn như khi còn học tiểu học, mỗi khi đến ngày tập thể dục, tập chạy, tập nhảy là tôi sợ lắm, vì thể nào đêm đến cũng đau nhức chân tay, có đêm tôi nằm khóc ti tỉ cả đêm làm cả nhà không ai ngủ được. Ɖã nhiều lần giữa đêm, Bố phải lần mò sang nhà Bà Nội mượn cho được chai dầu Hồng Hoa mà Bà tôi rất quí vì phải gửi mua tận đẩu tận đâu ấy, đem về để Mẹ thoa bóp chân cho tôi.

Dạo ấy, Sàigòn giới nghiêm, cấm di chuyển ban đêm. Nằm trong phòng nhìn qua song cửa, thấy Bố lầm lũi trong đêm, tay cầm đèn manchon phải đi qua mấy trạm Nhân Dân Tự Vệ trình lý do rồi mới được qua trạm. Những lần như thế, nằm khóc chán, tôi luôn ngủ thiếp đi trước khi Bố về đến nhà, sáng hôm sau tỉnh giấc, chai dầu vẫn nằm ở đầu giường, chị Loan bảo: "để chị đến xin cô giáo cho em miễn chạy bộ, chứ mỗi lần lại hành Bố như thế!". Về sau, Bà Nội bắt mẹ tôi lúc nào cũng phải có chai dầu Hồng Hoa để sẵn trong nhà.

Nào hết đâu! Hôm nào đi học gặp mưa là đêm về ho sù sụ như gà gáy, uống sirop gì cũng chẳng hết. Bà Nội mách (cũng lại bà Nội!) cho mẹ tôi dùng quả cam, chỉ chấm một tí á phiện bằng đầu que tăm vào giữa quả cam rồi nướng cho vàng, cứ ngậm dần cho tan vào miệng, hết quả cam thì… hết ho! Nhà lấy đâu ra á phiện, Bố lại nửa đêm lò mò sang nhà bà Nội, vì cạnh nhà bà có ông cụ nghiện á phiện, bà sang nài nỉ thế nào cũng xin chấm được một đầu que tăm! Mỗi lần như thế, Bố phải dấu kín quả cam trong túi, giả vờ cầm đèn manchon và chai dầu Hồng Hoa để che mắt Nhân Dân Tự Vệ. Mang á phiện trong người là đi tù! Tôi nào biết đến cái đoạn trường ấy, chỉ biết là cam nướng lên thì thơm ngon gấp bội, cho nên thỉnh thoảng thèm cam nướng thì lại rặn lên mà ho cho Bố sợ!

Khi lớn lên rồi khi… già, tôi vẫn băn khoăn không biết bao giờ mới làm lại được chút gì cho Bố, thì bỗng dưng gần đây, đùng một cái, Ȏng Già đứng lên bật tivi thì té lăn đùng ra sàn. Các em tôi hoảng hốt cho Ȏng Già đi nằm hôtel năm sao, ăn cơm nhà nước, có y tá phục dịch 24/24, rồi cấp tốc phôn xuống cho tôi, báo tin: "Ȏng Già làm hết hồn à, xém chút thì rớt bể cái tivi!". Và theo chẩn đoán của cô em "bác sỹ không bằng cấp" của tôi thì chắc là Ȏng Già bị đường xuống thấp nên choáng váng ngã cái đùng.

Thấy các em vất vả thay phiên nhau vào túc trực trong bệnh viện, tôi xin nghỉ hai hôm, lái xe hai tiếng đường dài để vào bệnh viện thay thế cho các em về nghỉ. Cả ngày trời, Ȏng Già cứ mê man, nói ú ớ cái gì chẳng rõ, tôi chắc Ȏng Già bị Alzheimer rồi, tẩu hỏa nhập ma nói lung tung, không biết khi tỉnh lại, Ȏng Già có còn nhận ra tôi không nữa? Rồi có lúc nói được rõ hơn thì tôi nghe loáng thoáng như đang nói chuyện với người nào trước mặt vậy: "ấy, tôi vào đây cả ba hôm rồi mà họ vẫn chưa cho ăn cái gì vào bụng". Giời ạ! Nằm ngay đơ cán cuốc ra thế mà vẫn còn nhớ đến chuyện ba ngày chưa được ăn, thế thì chắc không phải là alzheimer rồi.

          Y như rằng, hôm sau vừa tỉnh lại nhìn thấy tôi, Ȏng Già tỉnh như sáo sậu hỏi: "ủa, con không đi làm à, sao ở đây?". Tôi biết trả lời sao? Bố cứ nhìn đồng hồ rồi giục tôi về kẻo lái xe đường xa về muộn nguy hiểm. Nán lại một lúc, tôi đành nhờ cô y tá để ý dùm rồi sửa soạn chào Bố để về. Ȏng Già vẫn nằm trên giường, yếu ớt vẫy tay bảo tôi đi, và nói: "Cám ơn con".

          Con đường về chiều cuối đông gió buốt, tuyết không còn mà lòng tôi giá lạnh. Tôi lái xe mà còn như nghe văng vẳng tiếng cám ơn của Bố. Tôi choàng tỉnh cơn mơ, thì ra chính tôi mới là người bị bệnh Alzheimer từ bé chứ không phải Bố. Bao năm trời qua, chính tôi đã là người quên nói với Bố hai chữ CÁM ƠN.

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388