Trời chỉ mới vào thu chưa lâu nhưng con đường tôi đi làm lá đã vàng ngập lối. Những hôm trời không lạnh lắm, tôi hay dừng xe lại bên đường, thả bộ vào công viên gần nhà, bước trên thảm lá khô xào xạc, mà lòng cứ bâng khuâng khôn tả. Không biết từ bao giờ tôi đã có cái ý so sánh mùa thu của đất trời với mùa thu của cuộc đời? Buồn mang mác nhưng lại đẹp vô vàn.
Mùa thu gây nhiều nhớ thương, hoài vọng. Hoài vọng gì? Không biết. Buổi sáng ra xe, đất trời lành lạnh, nhìn lên bầu trời thấy mây chập chùng, tự nhiên thấy nhớ. Nhớ gì? Không biết. Tự hỏi: mây ở đâu về nhiều thế? Mây từ một nơi nào sâu thẳm nào của tâm hồn, hay từ khung trời nào xưa cũ? Không biết.
Rồi lại chợt nhớ đến mấy câu thơ của Đinh Hùng:
Hôm nay có phải là thu,
Mây năm xưa đã phiêu du trở về.
Đối diện với cái công viên mà tôi hay tản bộ là một ngôi giáo đường, chiếm ngự cả một góc đường, ẩn mình sau một rặng cây phong, mùa này đang khoe lá. Lúc tôi mới dọn đến khu này thì ngôi nhà thờ này còn nhỏ bé lắm, trông chỉ như một ngôi nhà to, lẩn khuất sau rặng phong cao và ngợp lá, uốn mình phủ lòa xòa xuống ngọn thánh giá khiêm nhường vào những buổi chiều có gió. Nếu không nhờ tiếng chuông ngân nga vào mỗi buổi sáng chiều thì chắc tôi cũng không biết đó là một ngôi giáo đường.
Sau nhiều năm, ngày nay ngôi nhà thờ đã thay hình đổi dạng, đã là nơi tụ họp của biết bao con chiên trong vùng vào mỗi cuối tuần, tháp chuông và thập tự giá cũng vươn cao, ngạo nghễ hơn xưa. Chỉ có một điều không thay đổi là rặng phong vẫn còn y nguyên, mỗi ngày mỗi cao và càng ngày càng tỏa bóng mát xuống nền cỏ xanh mềm mại. Mùa thu thì thảm cỏ ấy biến thành một chiếc thảm lá muôn màu. Trẻ con ra đấy, vun lá thành từng đụn cao, rồi nhảy vào giữa cho lá túa ra muôn phía.
Từ nhà tôi ra để đi làm có nhiều lối, nhưng tôi vẫn chọn cái con đường đi ngang qua ngôi giáo đường ấy, nhất là vào mùa lá phong đổi màu, chưa nơi nào tôi thấy cây phong lại có màu lá nồng nàn như nơi ấy. Gần bốn mươi năm ở Canada, tôi đã quen với bốn mùa thay đổi, hễ hết hè thì lại sang thu. Nhưng sao mỗi năm khi mùa thu đến, tôi vẫn thấy dường như khác lạ, không năm nào giống năm nào. Chẳng hạn như năm nay, mùa thu đến muộn hơn, ít lạnh hơn, có phải vì thế mà màu lá cũng thắm thiết hơn. Tôi cho xe đi chầm chậm lại để ngắm nhìn màu lá đỏ rực trước giáo đường, xen lẫn với màu lá nửa vàng nửa xanh, làm thành một bức tranh rực rỡ, trong khung cảnh thánh thiện, thần tiên.
Cũng dưới tàng lá đó, cách đây ít năm, một buổi chiều trên đường đi làm về tôi bắt gặp một bà lão, ngồi ngay góc đường trên sân cỏ. Tôi lấy làm lạ không hiểu bà ngồi đó làm gì vào buổi chiều đã chập choạng tối? Trông bà cụ thật là buồn, chiếc áo khoác dài cỡ ngang đầu gối phủ hờ trên vai, bà cụ cứ cúi đầu nhặt gì trên cỏ, không buồn để ý đến người qua lại.
Ngày hôm sau và nhiều ngày sau nữa, cũng trên con đường tôi đi làm buổi sáng và về nhà buổi chiều, bà cụ cũng vẫn ngồi đó, cũng vẫn chiếc áo khoác đó trên vai, lui cui nhặt những ngọn cỏ non đưa lên miệng. Bà ăn cỏ! Trời ạ! Bà cụ có phải là con bò đâu mà ăn cỏ? Da bà đen sạm, có lẽ đã ngồi dầm mưa dãi nắng nơi đó nhiều ngày. Suốt mùa hè tôi hay mặc áo ngắn tay, lái xe riết hai cánh tay đen thui thùi lùi, nhưng có hôm lại gần, tôi thấy bà cụ còn đen thui hơn tôi!
Nhân một buổi cơm chiều, tôi đem chuyện này ra nói với cả nhà, bàn cách xem có ai ra hỏi thăm bà cụ xem có cần giúp đỡ gì không thì mọi người nhao nhao lên nói tôi lo chuyện tào lao.
- Xứ này là xứ tự do, ai cấm bà cụ ngồi đó?
Tôi vẫn băn khoăn:
- Nhưng bả ngồi đó hết ngày này sang ngày nọ, hết mưa lại nắng, thế nào cũng bị bệnh cho coi. Hay là vào nhà thờ nói chuyện với các Cha trong ấy, ít ra cũng hỏi bà xem có chuyện gì?
Tôi liên tưởng đến những người vô gia cư, phải sống vất vưởng trên hè phố.
- Ít ra, biết đâu người ta có thể tìm được cho bà một mái nhà?
Thế nhưng chẳng ma nào nghe tôi cả.
- Em giỏi thì sao không tự mình ra hỏi bả đi?
Nói thế thì nói làm gì? Tôi bực mình, nhưng nghĩ lại thì mình cũng vô duyên thiệt. Nếu phải đi hỏi bả thì hỏi ra sao đây? Nghĩ mãi, một hôm tôi đành gọi đến sở cảnh sát trình bày sự tình và tả rõ ràng hình dáng bà cụ và góc đường ấy, hy vọng "bạn dân" có giúp gì được không? Y rằng, tôi được lời cám ơn nồng nhiệt và sở cảnh sát hứa sẽ tìm hiểu sự tình.
Cuối tuần lễ ấy tôi không ra khỏi nhà và cũng không nhớ đến câu chuyện ấy nữa, nhưng sáng thứ hai đi làm qua ngôi giáo đường, tôi lại thấy thiếu thiếu một cái gì. Chiếc bóng già nua của bà cụ không còn đó nữa. Gió vẫn lùa lao xao trên ngọn cỏ đã ngả chút sắc vàng của mùa thu. Trên cao, tàng cây xôn xao thả từng chiếc lá cuốn tròn trong gió sớm. Bà cụ đâu? Biết đâu bà bị cảnh sát bắt đi rồi? Họ sẽ làm gì bà? Lòng tôi bâng khuâng hối hận khôn tả, biết đâu đó chẳng là lỗi của tôi, khi không vô duyên gọi cảnh sát. Cả nhà tôi lại được dịp sỉ vả:
- Đó, mẹ thấy chưa? Lỗi tại mẹ! Chắc bà đó bị ông "pô liếc" bắt vô tù rồi. Tại mẹ.
Tôi hối hận khôn tả, nằm lăn qua lăn lại cả đêm, sáng hôm sau trên đường vào sở, tôi lái xe như cái xác không hồn. Vào đến nơi, việc đầu tiên tôi gọi ngay vào sở cảnh sát. Chờ mãi cho họ lục hồ sơ, cuối cùng ông cảnh sát thở phào báo cáo:
- Không có gì đâu, bà khỏi lo. Bà cụ giận con cái nên ra ngồi bãi cỏ làm reo thôi. Chúng tôi đã đưa bà về nhà, và đã nói chuyện với con bà rồi.
Tôi nhẹ nhõm cả người, hỏi địa chỉ bà cụ để bữa nào ghé thăm (lại vô duyên nữa) thì ông cảnh sát nói:
- Chúng tôi không được phép cho địa chỉ, nhưng nhà bà cụ ở cách nhà thờ có bốn căn nhà thôi, cái nhà mái đỏ ấy.
Tôi nghĩ: "cái ông cảnh sát tốt bụng này còn vô duyên hơn tôi nữa, đã không cho địa chỉ mà còn tả rõ căn nhà mái đỏ, cách nhà thờ bốn căn thì có khác gì đâu!". Càng ngày tôi càng thấy có nhiều người còn lẩm cẩm hơn tôi.
Hóa ra bà cụ cũng ở không xa khu nhà tôi. Những lần sau đó, mỗi khi có dịp gặp bà cụ khi thì xách túi đi chợ, khi thì dắt chó tản bộ, tôi thường dừng xe lại cho cụ quá giang, nhờ đó có dịp hỏi han trò truyện. Con cụ chán hai cụ lẩm cẩm đã dọn ra ở riêng. Cụ không còn ai để giận nên cũng không cần phải ra ngồi góc nhà thờ ăn cỏ nữa!
Tôi an ủi bà cụ không phải chỉ mình cụ bị con cái chê lẩm cẩm đâu. Mẹ tôi đây này. Có hôm, gần đến ngày Lễ Mẹ, đám em tôi bàn nhau năm nay không mua hoa hồng cho mẹ mà mua hoa Cẩm Chướng đỏ. Tôi ngạc nhiên hỏi sao vậy? Thì đám em trả lời tỉnh bơ: "Thì mẹ không những lẩm Cẩm mà còn Chướng nữa!". Mẹ nghe thế giận lắm nói dỗi: "không phải chỉ có Cẩm Chướng đâu mà tao còn Năm Đê nữa". Rồi nhất định không chịu giải thích "năm đê" là cái gì. Cả nhà phải xúm lại hứa đãi mẹ đi ăn pizza bên kia biên giới Mỹ, lúc đó mới chịu nói là "Điếc, tai lãng rồi, nói chục lần mới nghe ra; Đui, mắt mờ chân chậm (nhưng ngồi coi phim Hàn Quốc thì mắt tinh như ranh); Điên, nói chuyện khùng khùng; Đụt, cái gì cũng chậm lụt, nói câu trước quên câu sau; Điêu, ưa quên nên nói lung tung xèng cứ như anh nói điêu ấy".
Bà cụ nghe tôi kể chỉ cười. Bà nói lúc con ở nhà thì cứ cãi nhau, nó đi rồi thì ngày nào cũng ra sân ngồi ngóng. Cứ nhìn bà cụ tôi lại ngán ngẩm cho cái thân mình. Biết đâu chẳng có ngày tôi cũng giận chồng giận con mà ra góc nhà thờ ngồi ăn cỏ? Lúc ấy biết tôi có may mắn được người qua đường gọi cảnh sát đưa về nhà không? Hay là ăn cỏ riết cho đến lúc hóa thành con bò?
Hai năm sau thì ông cụ chồng bà được đưa vào nhà dưỡng lão, vì ông không còn tự lo cho bản thân được nữa, bà cụ thì vừa già vừa bệnh, không lo cho ông được. Bà không muốn vào nhà già, bà phải ở nhà trông nhà, còn chờ, nhỡ thằng con về thì sao? Bà bảo:
- Ổng chỉ đi vài bữa thôi, sắp về rồi.
Chiều chiều tôi đi làm về, liếc nhìn qua căn nhà mái đỏ, bà cụ vẫn ngồi trước hàng hiên, hôm nào rỗi tôi dừng lại đôi phút, bà mừng lắm vì có người nói chuyện dù bà không còn nhận ra tôi nữa. Có lần bà hỏi:
- Ông đi đâu mà đi lâu vậy? Ngày nào tôi cũng ngồi đây chờ ông hoài.
Tôi nghe mà não cả lòng. Bà tưởng tôi là ông chồng bà. Bà chỉ tôi mấy trái bí đỏ to tướng ngoài hiên và mấy cái đèn xanh đỏ chăng đầy trên hành lang, là mấy thứ người ta dùng để trang trí cho đêm Halloween, theo phong tục người bên này. Tôi khen đẹp rồi chào từ giã.
Đêm Halloween, sửa soạn quần áo và hóa trang cho các con xong, tôi để sẵn mấy hộp kẹo trước cửa, bật đèn ngoài cửa để đám trẻ tự do vào lấy kẹo. Tắt đèn đóm trong nhà xong, tôi lên phòng toan đọc sách thì hai đứa bé nhà tôi hớt hơ hớt hải từ ngoài phóng một mạch lên phòng tôi, mặt xanh lè, líu cả lưỡi lại:
- Mẹ, mẹ! Có án mạng, có án mạng!
Tôi hốt hoảng đứng bật dậy:
- Chuyện gì? Các con nói từ từ nào.
Hai đứa tranh nhau nói:
- Bạn mẹ "chiếc" rồi.
- Bạn mẹ? Ai là bạn mẹ? Tại sao lại chết?
- Thì cái bà cụ ăn cỏ đó.
Hai đứa hai bên, kéo tay tôi lôi xềnh xệch ra đường dắt đến nhà thờ. Nơi trước nhà bà cụ, người ta bu đông như kiến, đám trẻ con trong những bộ quần áo hóa trang không dám đến gần nhưng đứng đông nghẹt bên lề đường. Bên kia đường, hai chiếc xe cảnh sát đang bật đèn chớp chớp, ánh sáng loé lên chiếu sáng hiên nhà. Trên hiên bày đầy những đèn màu trang trí nhưng không có đèn nào sáng cả, mấy trái bí ngô to đặt trên sàn, rải rác đây đó là những trái bắp khô còn nguyên lá, bày cạnh mấy lẵng hoa khô và mấy bó rơm.
Bà cụ ngồi trên chiếc ghế mây cong, loại ghế vừa ngồi vừa có thể đong đưa được. Nét mặt bình thản, tay bà cầm lá thư đặt lên đùi, sau này tôi biết đó là thư của ông cụ viết từ nhà dưỡng lão gửi ra. Chiếc mền len choàng trên người, phủ dài đến đôi chân mang giày đen, bít tất màu xám nhạt. Trên đầu bà là mấy lẵng hoa petunia mùa này đã gần hết hoa, lá phủ dài lòa xòa trên mái tóc trắng lơ thơ của bà cụ, đang bay bay nhè nhẹ.
Cảnh sát đang làm biên bản. Thì ra bà cụ đã ngồi đó mấy ngày mấy đêm trước rồi, và chết vì lạnh mà không ai hay. Mùa Halloween, ai cũng ngỡ là mấy hình nhân bày đó làm cảnh để nhát con nít! Không ai nghĩ đến chuyện đến gần xem xét. Chính đám trẻ con đi xin kẹo đã khám phá ra bà cụ không phải là hình nộm.
Một ông cảnh sát trẻ đang loay hoay mở hộp thư ngay gần cửa ra vào, lôi ra mấy lá thư còn nguyên chưa mở. Địa chỉ trên phong bì vẫn là địa chỉ gửi từ nhà dưỡng lão. Vẫn không có lá thư nào của con bà.
Hải Phong