Bạch Quả

 

Mùa thu, mùa chuyển giao của đất trời, với những cơn gió se se lạnh và những trận mưa thu ào ào lá rụng. Khắp các nẻo đường, không gian vạn vật như chìm đắm trong những bức tranh mênh mông màu sắc, nóng bỏng và rực rỡ. Trên cành cây, ngọn cỏ, những chiếc lá xanh dần ngả sang sắc vàng, đỏ, tím, cam .... như những bông hoa lay động, ríu rít nhảy múa theo từng cơn gió nhẹ, lấp lánh dưới ánh nắng hanh vàng. 

Mùa thu không chỉ để chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà tạo hoá đã ban tặng, mùa thu còn là khoảng thời gian người nông dân, người làm vườn thu hoạch thành quả, để rồi nghỉ ngơi trong những ngày đông dài lạnh giá.

Thỉnh thoảng, tôi có nghe đâu đó người ta nói với nhau mùa thu đi nhặt trái bạch quả. Nghe xong bỏ ngoài tai vì nhà tôi có trồng cây bạch quả, mười mấy năm rồi không có được một cái hoa nói gì tới trái. Thoạt đầu mua trồng chỉ vì hình dáng cái lá nó đẹp, mùa xuân những chiếc lá non xanh nõn nà, mướt mơ. Sang thu, cả một tán cây vàng rực rỡ góc vườn. 

Cây của tôi chỉ thấp lè tè tầm cao hơn đầu người chút xíu. Hàng năm, khi những chiếc lá cuối cùng vương vãi đầy sân cỏ thì tôi xách chiếc kéo to tổ chảng ra cắt phụp hết ngọn, cây không còn cơ hội trèo cao nên phát triển bề ngang, tán vươn dài phủ bóng mát. 

Thời gian sau, tôi nhìn ngang ngó dọc, cây này chiếm một vị trí ngon lành nhất khu vườn chỉ sau cây hoa Mộc lan ( Magnolia ). Nắng sáng dịu mát, nắng trưa gay gắt và nắng chiều vàng vọt ... tất cả thiên thời địa lợi đều dồn về một cái cây chỉ có lá. 

Một ngày đẹp trời, tôi quyết định đeo đôi găng tay, ôm cái cưa, vác thêm cái xẻng ra tiễn em đi. Loay hoay cả nửa buổi chỉ rung rinh vài cái rễ, sau cùng ông chồng tôi cầu cứu mấy người thợ cắt cỏ. Thế là xong, tôi lại sở hữu thêm một khoảnh đất trồng giàn khổ qua, ớt, cà tím.... Gia đình có thêm phần rau sạch vào mùa hè.

Cuối năm ngoái có chị bạn rủ mùa thu sang năm đi nhặt bạch quả. Tôi háo hức muốn đi theo chơi cho biết chứ cũng không nghĩ mình nhặt về làm gì ăn vì tôi không thích ăn ngọt, chè cháo đối với tôi dở ẹc so với quả xoài xanh chấm muối ớt!

Năm nay, sau vài tuần lễ ngắn ngủi tận hưởng vẻ đẹp lộng lẫy, quyến rũ của mùa thu. Những chiếc lá vàng từ bỏ cuộc chơi, vội vã lìa cành, chao đảo bay theo từng cơn gió cuốn , tìm nơi yên nghỉ, để lại sau lưng những cành cây khẳng khiu, buồn bã chờ đón giấc ngủ đông. Bầu trời có vẻ như xà xuống thấp, gần với nhân gian hơn và bớt trong xanh với những đám mây xám xịt, nặng nề lúc nào cũng như sũng nước, sẵn sàng trút bỏ cơn mưa để nhẹ nhàng bay bổng lên cao.

Cây bạch quả cũng thế, nó cũng nhịp nhàng vào mùa với các loại cây khác. Không hẹn mà cùng đến và cùng đi. Những trái bạch quả chín mọng vàng trên cây không để những chiếc lá bạch quả cô đơn, vội vàng rơi rụng lịch bịch theo cho có bạn đồng hành. La liệt đầy sân cỏ, đầy đường.

Mọi người lại bảo nhau ‘’ năm nay hãy quên chuyện nhặt bạch quả đi, vì đang đại dịch! ‘’. Không đi thì ở nhà. Cuối tuần, tôi chỏng cẳng nằm nhà nghe tin tức, điện thoại reng inh ỏi. Chị bạn gọi qua: 

- Chị có lấy bạch quả không? 

- Sao chị bảo năm nay không đi nhặt?

- Bên nhà bà chị hốt cho bốn bao, để sẵn ngoài sân, em chạy ngang qua lấy thôi, nếu chị muốn em chia cho. 

- Lấy, chị chia cho một ít đi. 

- OK, trên đường về em thẩy cho.

 

Chợt nghe tiếng ông chồng chị bạn nói xen vào: 

- Nó hôi lắm, chị đem ra sau hè, đừng đem vào nhà. 

- Hả, anh nói hôi cỡ nào? 

- Hôi hôi, thúi thúi. 

- Hôi bằng sầu riêng không? 

- Sầu riêng thơm thấy mồ, đâu có hôi. 

- Vẫn chưa hôi bằng sầu riêng? Thôi ... thôi ... em không lấy nữa. 

- Chị đeo khấu trang vào, đeo găng ... chà trái bạch quả trên tay cho nó nát ra rồi rửa sạch, phơi một hai nắng rồi lấy cái kẹp càng tôm hùm kẹp để tách lớp vỏ cứng. 

- Không lấy, nhất định không lấy mà. 

- Bạch quả ăn bổ não, tốt da, tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa bịnh alzheimer ... tốt lắm. 

- Trí nhớ em đã tốt lắm rồi, da không đến nỗi tệ, già rồi nhăn nheo chút cũng không sao. 

 

Tôi một mực thoái thác nhưng khổ nỗi bà bạn lại quá tốt, suy nghĩ một lát chị nói: 

- Thôi được rồi, để em vò hết luôn rồi chia cho chị sau. 

- Thôi, em không lấy đâu, ai mà để chị làm vậy. 

- Không sao, em đem về nhà em, khi nào xong chị qua lấy. 

 

Hôm sau, hai vợ chồng bạn lại gọi tôi: 

- Chị có muốn xem dung nhan em nó còn tươi tắn, chưa bị vùi hoa dập liễu không? 

- Chị cho em xin hai quả tươi đi. 

- Có thế chứ, cũng nên biết hương vị cái món mình ăn nó quyến rũ cỡ nào.

 

Chiều hôm sau tôi lò dò sang lấy bạch quả, ông bạn đưa tôi một thùng hột trắng phau, đẹp như mơ. Trông như hột Pistachio (Pistache) mà tiếng Việt gọi nôm na là Hạt Dẻ Cười. Tôi ngẫm nghĩ “ cũng đâu có hôi như mình tưởng “. Quay lưng đi thì ông bạn gọi giật:

- Còn một hộp bạch quả tươi cho chị nè. 

 

Từ trong hàng rào, ông bạn chìa ra một hộp chừng hai chục trái bạch quả tươi. Úi trời, đẹp mọng mướt mơ như trái thanh trà, cái trái mà thỉnh thoảng nghĩ đến là nuốt ngay nước bọt. Nhưng  đồng thời một mùi thật nồng nàn theo gió xộc vào lỗ mũi. 

Không biết phải diễn tả như thế nào cái hương vị khủng khiếp này, mất mấy ngày tôi mới nhớ ra đã từng bị ngửi nó rồi. Hơn hai chục năm trước, cái thuở tôi mới bắt đầu khai khẩn cái sân trồng toàn cỏ, tôi sắn cỏ vứt đi, đào bới lung tung để làm mấy miếng vườn nhỏ trồng trọt. 

Mấy năm đầu cây cối èo uột, trồng gì chết nấy. Mà không chết mới lạ, đất đai toàn sỏi đá. Dần dần, tôi học hỏi kinh nghiệm từ xương máu của những cây cỏ đã bị vật ngã dưới bàn tay thô bạo của tôi. Tôi xúc bỏ bớt đất đá, mua thêm đất đen đổ vào. Rồi hàng xóm mách tôi, có một trại gà bán cả phân gà, người ta giao tận nhà, trộn chung vào đất thay phân bón. 

Tôi hí hởn gọi phone hỏi mua, nghe nói mỗi bao hai chục ký, tôi mường tượng tới bao đất hai chục ký, đổ ra chỉ được một nhúm, nên nói họ giao luôn năm chục bao. Họ cũng tử tế, bưng vào tận sân nhà, xếp  ngay ngắn trong một góc vườn. Trước khi về một ông dặn tôi: 

- Bà chờ cho đến cuối mùa thu, khi nào tuyết bắt đầu rơi thì đổ phân ra vườn, tải đều trên mặt đất, qua mùa xuân tuyết tan, lấy đồ cào cho tơi chung với đất. 

- Tại sao không đổ ra bây giờ, tôi muốn trộn ngay để trồng trọt cho tốt. - Không được, hàng xóm họ kiện chết, mùa hè trời nắng tốt, người ta ra vườn chơi. Bà nên nhớ đây là phân tươi, không hề trộn với đất nên rất hôi, nó bốc mùi bay tứ tán, không ai chịu nổi đâu. Bà để qua mùa đông trời lạnh, mùi nó chỉ thoang thoảng, và phân cũng bị mục rữa mới xử dụng được. 

 

Nghe lời cố vấn của ông bán phân gà, tôi cho nó nằm ụ một đống. Tuyết vừa rơi trận đầu tiên, tôi vội vàng nai nịt cẩn thận ra đổ phân xuống vườn. Ngồi lom khom cắt toạc bao phân ra, một mùi xú uế nồng nặc lan tỏa khắp nơi. Ba bốn tháng trời bị úm trong bao dưới nắng nóng, đống phân gà như một bình khí hơi chỉ chờ được dịp xì ra. Xây xẩm mặt mày, tôi vội chạy vào nhà, vê hai cục giấy to tổ chảng nhét vào lỗ mũi rồi thanh toán nốt đống của nợ. 

Nhưng phải công nhận, mùa hè năm đó, tôi thu hoạch nhiều vô kể, đến nỗi mỗi lần vác trái bầu đi cho, có người vừa thò đầu ra thấy mặt tôi đã lắc đầu nguầy nguậy “ không lấy bầu nữa, ăn ngán lắm rồi! “. Ớt thì khỏi nói, tôi loay hoay với gần hai chục ký ớt, làm đủ kiểu đủ món: ớt xào sa tế, ớt xào tỏi, tương ớt tỏi, ớt ngâm giấm, ớt đông lạnh .... thậm chí cả món ớt nhồi thịt.

Hồi tưởng lại, quả tình không sai chạy chút nào. So sánh hơi khập khiễng chứ độ nồng nàn của trái bạch quả và mối tình đầu của thời xuân trẻ cũng có điểm tương đồng, nhớ mãi không quên! 

Tôi nói chắc cũng không ngoa, đám Sóc con trong vườn phá tơi bời cây cỏ nhà tôi, thứ gì nó cũng không từ, cạp cạp vài miếng, không đúng khẩu vị vứt bỏ. Tức điên người! Thế mà thùng bạch quả tôi phơi tênh hênh ngoài trời, chả em nào dám bén mảng.

Sau khi đã no mắt no mũi với mớ bạch quả tươi, vài lần tôi đã dợm bỏ vào thùng rác nhưng nghĩ đến công lao chị bạn ngồi cả ngày vò hột cho mình ăn, giờ có vài chục quả lại nỡ lòng nào .... tôi đi vê hai cục giấy to đùng, cố nhét cho thật kín cái lỗ mũi, rồi đeo găng tay vào hành nghề. Vò một hồi thịt trái bạch quả rã hết, lòi cái hột trắng hếu. Xả nước vài lần cho thịt trôi sạch, đến giai đoạn đem phơi khoảng hai ba nắng cho hột khô giòn dễ tách vỏ.

Dùng cái kẹp tôm hùm bấm nhẹ một cái, vỏ tách đôi là có thể rút cái nhân ở trong ra. Nhân còn tươi sống có màu xanh nhạt, khi luộc chín nó ngả sang màu vàng trông khá đẹp mắt. Làm gần hết mớ hột tôi chợt nghĩ, bỏ thử một ít vào lò nướng thay vì luộc để nấu chè. Ai ngờ, ngon không chê vào đâu được, nó thoang thoảng mùi cháy khét của cái vỏ, dẻo dẻo, sần sật lại hơi có vị ngọt lẫn chút the the .... nói chung ngon hơn bạch quả luộc rất nhiều.

Ngồi lẩn mẩn tách vỏ bạch quả tôi suy ngẫm và thán phục, không biết ai là người đầu tiên có thể nghĩ ra được một món ăn khá là ngon lành và còn là vị thuốc để trị bịnh cho nhân loại, từ một loại cây trái mùi vị không mấy hấp dẫn và qua bao nhiêu công đoạn nhiêu khê, chỉ để lôi ra được hạt nhân bé tí xíu bằng cái móng tay. 

Từ nay, có cần phải mua trái bạch quả với giá cỡ nào, tôi cũng không bao giờ khen chê đắt rẻ, vì đã trải qua rồi mới biết cái công sức và sự chịu đựng của người làm ra món ăn mà tôi nghĩ đa phần, từ đầu nhiều người đã phải bỏ cuộc.

 

Hà Lê

 

GHI CHÚ CỦA VIETVANCOUVER.CA:

Hạt Bạch Quả mà chúng ta thường ăn trong chè là nhân của trái Bạch Quả, nhưng cũng giống như hạt Điều, đa số chúng ta chỉ ăn được hạt Điều chứ không mấy ai ăn được trái Điều, thì cũng không mấy ai ăn được trái Bạch Quả (Ginkgo Bibola fruit). Cây Bạch Quả là cây xứ lạnh, được trồng nhiều ở Trung Quốc. Tỉnh bang Quebec-Canada cũng trồng được Bạch Quả. Việt Nam lấy giống về trồng ở Sapa nhưng không thành công, cây chậm lớn. Cây Bạch Quả có thể sống lâu ngàn năm, cao đến 50m. Dưới đây là hình trái Bạch quả:

 

 

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved