BÀN VỀ CÁCH VIẾT ĐỊA DANH, NHÂN DANH NƯỚC NGOÀI

Ngay từ khi chúng ta có chữ Quốc Ngữ, chúng ta đã bắt đầu Việt Hóa đồ vật, địa danh, nhân danh nước ngoài.

Những danh từ như ô tô, nhà ga, cặp táp, xà bông, sơ mi, sà lách, tắc xi, xe buýt v.v. đều là lấy âm của tiếng Pháp rồi viết trại ra. Có chữ thì rất giống âm gốc Pháp, có chữ thì khá giống. 

Ngoài tiếng Pháp, chúng ta còn Việt Hóa từ âm tiếng Tàu, gọi là tiếng Hán Việt. Tỷ dụ Trung Quốc, Bắc Kinh, sư phụ, hoàng đế, mỹ nữ, chính trị, Hoa Thịnh Đốn, Mỹ Quốc  v.v.  

 Sau ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30/4/1975, báo chí miền Nam đình bản toàn bộ, 25 triệu dân miền Nam phải đọc báo miền Bắc. Họ há hốc mồm khi đọc những chữ viết trên tờ báo Nhân Dân như là Oasinhtơn, Ôxờtrâylia, Mátxcơva, Vácsava v.v. Vì trong suốt 21 năm trời, họ gọi chúng là Hoa Thịnh Đốn, Úc, Mạc Tư Khoa, Warsaw v.v. Họ cũng có dịp xem cái bản đồ thế giới với toàn những địa danh thế giới được viết với cái tên Việt Hóa phát âm như vậy, hết sức là kỳ dị. Sau cơn xốc chính trị, thể chế là cơn xốc văn hóa.

Người trí thức miền Nam suy nghĩ tại sao báo miền Bắc có cách viết như vậy. À, đây là cách  giúp người dân không biết tiếng Anh có thể đọc tên nước, tên thành phố nước ngoài theo âm tiếng Anh. Nhưng chế độ Việt Nam Cộng Hòa không có cách viết như vậy mà sao đại bộ phân dân chúng không giỏi tiếng Anh vẫn nói chuyện với nhau về những địa danh nước ngoài mà không có vấn đề gì?

Ngoài ra thì nguyên tắc này cũng không nhất quán. Nếu viết địa danh nước ngoài theo phiên âm tiếng Việt từ âm gốc thì tại sao không gọi Trung Quốc là Chúng Quỏ theo đúng âm tiếng Quan Thoại?

 

 Vậy thì dùng NGUYÊN TẮC GÌ HAY NHẤT ĐỂ VIẾT ĐỊA DANH, NHÂN DANH NƯỚC NGOÀI?

  • Viết theo kiểu phiên âm tiếng Việt của báo Nhân Dân? (Oa Sinh Tơn)
  • Viết theo kiểu tiếng Hán Việt? (Hoa Thịnh Đốn)
  • Hay viết theo tiếng Anh? (Washington)

Lối viết của báo Nhân Dân thì sau đó chính tờ báo đã nhận ra là kỳ quặc nên hiện nay không còn dùng nữa. Vậy ta bỏ qua không bàn.

Lối viết theo kiểu Hán Việt truyền thống thoáng nhìn thì thân thiện với người đọc nhưng không giúp ích cho việc tham khảo tra cứu, không giúp nâng cao kiến thức người đọc và tiếp tục kéo dài di sản "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu". Đúng là Trương Gia Giới thì dễ phát âm hơn Zhangjiajie thật. Nhưng làm sao biết là nó ở đâu ở Trung Quốc? Vì trên Google Maps, làm gì có Trương Gia Giới, chỉ có Zhangjiajie. Cả thế giới biết cái nơi mà Trung Quốc viết là 张家界 , phát âm là "giang giá giờ", thì gọi là Zhangjiajie, vì đây là cách viết theo phiên âm pinyin của "giang giá giờ". Người Trung Quốc dùng cách viết pinyin này để giúp người nước ngoài có thể phát âm tiếng Quan Thoại.

 Vậy thì viết cách nào có lợi cho kiến thức người đọc?

 Chúng ta có thể kết luận là để giúp nâng cao kiến thức người đọc, để giúp cho nhân dân có dịp quen thuộc với Anh ngữ, nâng cao trình độ Anh ngữ thì nên viết địa danh và nhân danh tiếng Hán theo pinyin và địa danh nhân danh thế giới theo Anh ngữ. Nếu có thể không ngại tốn thì giờ thì viết phiên âm theo kiểu báo Nhân Dân trong ngoặc đơn sau tên tiếng Anh : Zhangjiajie (giang giá giờ). Nhưng phần phiên âm này chỉ cần xuất hiện một lần trong bài báo mà thôi.

 Đồng ý là Bắc Kinh và Úc là những danh từ đã quen thuộc với chúng ta từ lâu đời, nhưng với mục đích giúp dân chúng nâng cao trình độ Anh ngữ, thì dùng Beijing và Australia là việc có tính cách mạng nhưng cần thiết.

 

Bây giờ bàn sang lãnh vực DỊCH THUẬT.

Giới truyền thông đại chúng trong nước Việt Nam cũng như nhiều thông dịch viên người Việt sống ở nước ngoài từ bao lâu nay vẫn mắc một lỗi lầm lớn là "Lạm Dịch", nghĩa là chú trọng quá nhiều vào Nghĩa Tiếng Việt của những cái tên nước ngoài, dẫn đến việc thay Tên Gốc bằng Tên Dịch. 

Tiếng Hán Việt "Vũ" có nghĩa là Mưa và "Phong" có nghĩa là Gió. Nhưng chúng ta không thể gọi người tên Vũ là Mưa và người tên Phong là Gió. Nhưng giới truyền thông ở Việt Nam và một số thông dịch viên người Việt ở nước ngoài đang làm như vậy đối với tên tiếng Anh.

 Ví dụ: trong bài báo tường thuật du lịch ở Vancouver (Canada), ký giả viết "Thành phố Vancouver có Công viên Nữ Hoàng Elizabeth". Nhưng làm gì có Công viên Nữ Hoàng Elizabeth ở Vancouver? Dân địa phương gọi nó là Queen Elizabeth Park và trên Google Maps cũng có tên là Queen Elizabeth Park. Vậy thì cách đúng đắn phải viết : "Thành phố Vancouver có công viên tên Queen Elizabeth Park (Công viên Nữ hoàng Elizabeth)".

 Còn thông dịch viên Việt kiều thì viết thế này: "Đồng bào cần được giúp đỡ xin đến Văn Phòng An Sinh Xã Hội tại địa chỉ 1234 Bloor St. Toronto". Ôi, làm gì có cái bảng tên là Văn Phòng An Sinh Xã Hội ở số 1234 Bloor St. chứ? Chỉ có bảng tên là Social Assistance Office.

 Hà Nội là cái tên. Nếu giới truyền thông Mỹ theo khuynh hướng Lạm Dịch của giới truyền thông Việt Nam, họ sẽ gọi Hà Nội là Inside River. Nhưng như các bạn thấy, họ đâu có bao giờ gọi Hà Nội là Inside River?

Tên Gốc, tên chính thức mới là quan trọng, còn Nghĩa Tiếng Việt cái tên đó là phụ, chúng ta chỉ nên để phần dịch nghĩa trong ngoặc đơn sau tên Gốc, nhưng không thể dùng thay tên Gốc.

Việc Việt Hóa tên các tài tử China, Taiwan thành tên Việt Nam khiến người đọc báo Việt Nam không còn phân biệt được ai là tài tử trong nước, ai là tài tử nước ngoài.

Phần sau cùng tôi muốn bàn đến là cách PHÁT ÂM TIẾNG NƯÓC NGOÀI của các xướng ngôn viên truyền hình và truyền thanh tại Việt Nam.

Cho đến giờ này, thế kỷ 21, họ vẫn phát âm theo tiếng Pháp: "Anh Tẹc Nét" cho internet và "Phét Ti Van" cho festival.

Chúng ta hiểu là khi các nhà sáng lập kỳ cựu của đảng Cộng Sản như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn….còn sống, dĩ nhiên các vị theo Tây học nên cơ quan truyền thông của chính quyền phải phát âm theo tiếng Pháp. Nhưng bây giờ là thế kỷ 21, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thế giới, đã đến lúc xướng ngôn viên truyền thanh truyền hình Việt Nam phát âm theo tiếng Anh: In Tờ Nét, Phét Ti Vôn v.v.

Tương tự, việc Việt Nam vẫn còn nằm trong Khối quốc gia nói tiếng Pháp Francophone do Pháp lãnh đạo chỉ là việc duy trì di sản thực dân mà thôi. Hiện nay có bao nhiêu phần trăm dân chúng nói tiếng Pháp trong số 100 triệu dân? Nói Việt Nam là quốc gia nói tiếng Pháp là hoàn toàn xa rời thực tại.

Hoàng Hải Hồ

Vancouver 5/2023


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388