Trong cơn lạnh cắt da nứt môi của Prague, người đàn bà đầu quấn khăn đen mời tôi mua bánh đậu! Tiếng nài nỉ với giọng quê mùa có sức mạnh vô hình níu chân tôi lại. “Bác ơi! Mua bánh đậu về nàm quà!” Tôi nhìn xuống đôi mắt đen cầu khẩn của chị. Nơi chốn phồn hoa đô hội, dưới bóng của các cung điện Prague, khuôn mặt này, lời mời đó, của người đàn bà Bắc kỳ khốn khó ngồi co ro trước cửa chợ khiến tôi thấy nhoi nhói trong lòng.

Trong thoáng giây đó, những dấu chân xưa tôi đã ghi trên con đường Khuynh Diệp chợt hiện về. Dồn dập. Mấy năm qua tôi đã có diễm phúc được độc giả gần xa yêu cầu tiếp tục viết thêm về cuộc hành trình tìm sức sống của mình, tuy nhiên, máu viết vẫn đọng lại không về cho đến hôm nay, mặc dù hành trình vẫn tiếp diễn.

Tôi không có công việc gì ở Prague, chỉ đến để tìm thư giãn sau bốn ngày ngán ngẩm tham dự một cuộc hội thảo vô vị tại vương quốc Monaco. Prague đã đến với tôi từ lúc tôi mới lớn, nhưng chỉ qua những đứa con cưng đa tài của nàng, như Franz Kafka hay Antonín Dvořák. Tôi cũng đã từng hình dung vẻ đẹp của Prague qua những tác phẩm văn chương tôi được đọc, nhưng khi thật sự đặt chân đến phố cổ ở đây, tôi mới thấy sự giới hạn của văn chương cùng trí tưởng tượng của mình.

Người Việt ở trong nước ngày nay gọi Prague là Praha, theo lối phát âm ở Đông Âu. Prague (Praha) nguy nga và cổ kính, hiền hòa nhưng kiêu hãnh. Là thủ đô của Cộng hòa Czech, và trước kia của liên bang Czechoslovakia (mà ngày trước chúng ta gọi chung là Tiệp Khắc), Prague là nơi cuộc Cách Mạng Nhung (Velvet Revolution, theo cách gọi của người Czech) đã bùng lên vào năm 1989 để đánh đổ chế độ cộng sản đã đè lên đất nước này hơn 40 năm (cuộc cách mạng này còn được mệnh danh là Cách Mạng Hiền Hòa - Gentle Revolution, theo cách gọi của người Slovak). Prague ngày nay đứng thứ bảy trong danh sách các thành phố trên thế giới được du khách thăm viếng nhiều nhất. Bước chân vào khu phố cổ, khách du lịch không khỏi ngưỡng mộ các vòm đỉnh cầu kỳ của những lâu đài đã từng in bóng trên nền trời trung cổ, những cổng thành nặng nề như phải lôi theo hàng ngàn năm lịch sử, những nhà thờ uy nghiêm một thời vang bóng, những con đường đá mòn như cổ tích….Tất cả như vang lên tiếng hòa tấu nhạc thơ giao hưởng (symphonic poems) của Dvořák. Các tượng đá nằm trên cổng nhà thờ hoặc cổng thành từ thời Baroque vẫn sừng sững nét hiện hữu và sống động như luôn muốn nhắn nhủ khách qua đường đừng để thời gian xóa đi ngày tháng cũ.

Prague may mắn đã không bị hủy hoại qua hai thế chiến. Chỉ có một tòa nhà bị Mỹ pháo kích lầm trong thế chiến thứ II. Nhưng dù Prague không ghi lại nỗi buồn chiến tranh, nàng vẫn bị dằn vặt bởi đã trở thành công cụ cho chính sách tiêu diệt chủng tộc Do Thái của Đức Quốc Xã.

Đoàn quân xâm lăng của Đức đã để yên không hủy hoại Prague. Nhưng họ đã biến một khu vực nằm ngay trong lòng phố cổ thành một trại tập trung, giam hãm người Do Thái suốt cuộc chiến. Những kẻ bị giam ở đây không được phép bước ra thế giới bên ngoài. Ngày nay người ta gọi di tích của cơn ác mộng lịch sử kia là Jewish Quarter. Tôi đã bàng hoàng xúc động khi đến nghĩa địa ở đấy. Giữa lòng Phố Cổ nguy nga, giữa các thành quách đồ sộ, một nghĩa địa nằm trồi lên khỏi mặt đường khoảng chừng 2 mét. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết là khu vực này không đủ đất để chôn người, nên mộ của những người chết phải xây chồng lên nhau. Dần dà nghĩa địa tăng chiều cao và cứ thế mà dày theo năm tháng. Dày như sức chịu đựng của cả một sắc tộc đã một lần là nạn nhân của một chính sách diệt chủng tàn bạo.

Ngày nay Prague đã tạm quên đi nỗi buồn Do Thái và vui như một người đàn bà đương độ hồi xuân. Tôi may mắn được chứng kiến Prague trang điểm để chuẩn bị đón Lễ Phục Sinh. Vào dịp lễ này, trang sức của nàng là những quả trứng gà to nhỏ sặc sỡ đủ màu, tràn ngập khắp các phố phường.

Trời hôm ấy mưa phùn, có lẫn đá nhỏ như kim đâm vào mặt khách đi đường. Nhưng bất chấp, người và người vẫn tràn ngập quảng trường Phố Cổ. Như cá hộp, họ tụ sát lại nhau trước Đồng hồ Thiên văn (Astronomical Clock) khổng lồ ở giữa quảng trường để chờ nghe chuông đổ báo đầu giờ. Cứ đúng mỗi cuối giờ, họ lại được chứng kiến một bộ xương người biểu tượng cho thần chết xuất hiện như để chuẩn bị kết thúc cuộc sống. Ngay sau đó, những vị thần khác cùng xuất hiện để can thiệp và gióng chuông để loan báo sự tiếp diễn của vạn vật. Rồi một hồi kèn hân hoan trỗi lên từ nóc lâu đài như chúc mừng cuộc sống. Và dĩ nhiên là đám đông phải vỗ tay tán thưởng. Tan cuộc, mọi người đổ vào các hàng quán gần đó để thưởng thức hương vị của đặc sản Czech, như thịt heo quay trên những lò than hồng và rượu vang nóng nghi ngút khói thơm mùi trái cây. Người ta ăn uống, cười nói với nhiều thứ tiếng khác nhau. Đúng là biểu hiện của một thế giới hòa bình và hạnh phúc. Tôi nghe lâng lâng một niềm vui, nhưng vẫn thấy thiếu sót vì không nghe thấy bên mình có âm thanh quen thuộc của ngôn ngữ Việt.

Rồi tình cờ tôi gặp được hai người Việt đứng mua hàng gần khách sạn. Tôi mừng quá liền hỏi thăm họ về cộng đồng Việt tại đây. Theo tôi được biết, không có thông tin chính xác nào về con số người Việt hiện đang sống tại Prague. Lý do dễ hiểu: rất nhiều người Việt hiện cư ngụ bất hợp pháp tại đây. Tùy theo bản thống kê bạn đọc, con số này có thể thay đổi từ 10.000 đến 100.000. Nhưng không hiểu họ ở đâu? Sao không thấy hương vị nước mắm ở trung tâm thành phố? Tôi hỏi và hai người đồng hương chỉ cho tôi đến khu sinh hoạt quen thuộc nhất của người Việt, một khu vực có tên gọi rất thú vị là Chợ Sapa! Và thế là tôi lên kế hoạch đi Sapa tìm phở.

Trời hôm sau vẫn tiếp tục mưa phùn, gió buốt. Nhưng đường đi đến Chợ Sapa lại làm tôi nóng ruột. Đi mãi đi hoài vẫn không đến nơi. Thì ra người Việt ở xa lắm, xa khu vực sang trọng sầm uất của Prague. Càng ra xa, nhà cửa càng bé lại, đường xá càng xấu đi. Dọc đường đi, những hàng cây ướt át đứng rũ lá, bất động.

“Ông có thường chở khách ra đây không?” Tôi buột miệng hỏi tài xế taxi người Czech. “Không, ít lắm. Mấy ai lại ra tận nơi đây”. Càng đi lại càng thấy đường dài. Đã mấy lần tôi hỏi để được nghe cùng một câu trả lời. “Ở bên kia kìa”. Nhưng đã mấy cái bên kia mà Chợ Sapa vẫn chưa thấy. Tôi hỏi thêm: “Thế ông có hay gặp người Việt không?”

“Vâng, tôi có gặp họ trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi ra tòa, hình sự cũng như dân sự. Tài xế chúng tôi hay bị cảnh sát gài bẫy vì không tính tiền theo hộp số. Vì vậy, tôi hay bị ra hầu tòa và hay thấy họ ở đấy”.

“Vậy theo ông họ có hội nhập vào đời sống ở đây không? Họ có nói tiếng Czech không?” Anh tài xế cười to. “Tôi đã từng nghe họ cãi nhau bằng tiếng Czech. Nhưng khi ra tòa hay gặp cảnh sát thì họ lắc đầu lia lịa, bảo rằng không hiểu gì hết”.

Xe taxi chạy chậm lại.

“Bên kia là xưởng giết gà ngày xưa. Chợ của người Việt đó”.

“Tại sao lại là xưởng giết gà? Tôi không hiểu".

“Thì ngày xưa nó là xưởng giết gà để cung cấp cho thành phố. Sau này bị bỏ hoang và người Việt đến đó lập chợ“.

Tôi nhìn theo tay chỉ của người tài xế thì thấy một vùng trời tái xám đè lên một khu phố kết hợp bởi những gian hàng lụp xụp thấp lè tè. Anh ta thả tôi trước một cái cổng đơn sơ có biển đề chữ Sapa. Tôi bước xuống nhìn xung quanh, chỉ thấy cảnh tượng tiêu điều không một bóng người. Tôi bỗng chợt thấy lo cho đường về.

“Vậy rồi làm cách nào để tôi quay lại thành phố?”

“Ở đây không có dịch vụ taxi đâu. Đây là số điện thoại của tôi, cô gọi đi rồi tôi sẽ đến đón cô”.

Nói xong anh lui xe đi, để lại tôi đứng trước một khu hoang vắng như chợ ma. Không một bóng người, chỉ có gió buốt lạnh thấu xương. Tôi chụp hình cổng chợ rồi mạnh dạn tiến vào.

 

Bước vào khu chợ lồng, tôi giáp mặt mấy cô gái trẻ. Tôi vui mừng hỏi mua hàng bằng tiếng Việt, với dáng vẻ tự hào. Nhưng những cô gái kia lại trả lời cộc lốc, thêm vào đó giọng của các cô có phần khó nghe nên tôi mất hứng. Tôi ghé sang hàng khác, rồi hàng khác nữa. Chẳng gặp được nụ cười hay lời chào hỏi nào quen thuộc. Người trong chợ dửng dưng nhìn tôi, và tôi nhìn lại họ. Trong im lặng. Luồng gió thổi từ ngoài vào bắt tôi phải lấy khăn che mặt. Tại sao không có người mua mà chỉ toàn người bán…và tôi? Tôi nhủ thầm. Sau một vài vòng vô vị, tôi hỏi tìm tiệm ăn ngon gần chợ. Một người chỉ tôi đến gian hàng bún chả ở phía ngoài chợ lồng. Tôi bước vội theo mùi thịt nướng. Trong thoáng chốc tôi đã đến một hẻm nhỏ và trông thấy một người đàn ông đứng bên tường nướng thịt. Mùi thịt trên than hồng làm tôi muốn chết vì thèm. Tôi vội dùng iPhone của mình để chụp lấy cảnh thịt xì xèo trên than đỏ.

Tôi khen anh nướng giỏi. Anh chàng bèn quay lại cười hề hề nhe hàm răng vàng vì thuốc lá. Bỗng đâu đó có người hét lên bằng một ngôn ngữ mà tôi không hiểu. Tôi quay ra phía cửa tiệm và thấy một người đàn bà Việt ốm choắt đang to tiếng một cách giận dữ.

“Chị la lối gì vậy, tôi không hiểu”. Tôi lẩm bẩm.

“Không được chụp hình nhà tôi. Ở đây không cho chụp hình!”

Tiếng nói đanh đá phá vỡ bầu trời buồn thảm của chợ Sapa. Tôi ngẩn người thất vọng, không muốn đáp lời mà chỉ quay chân bước đi, mặc dầu không hiểu được nguyên do của sự phẫn nộ kia. Thế là toi mất bữa bún chả nướng của tôi. Trong giây phút lê gót nặng nề trên các vũng nước, lòng bối rối đến khó hiểu, tôi nghe thấy tiếng của chị bán bánh đậu. Lời rao hàng của chị làm tôi bình tĩnh lại.

Tuy mặt người đàn bà nhuốm đầy dấu vết trầm luân, chị vẫn tươi cười niềm nở. Tôi mừng như thấy mẹ về chợ. Tôi thuật lại câu chuyện vừa xảy ra tại tiệm bún chả và hỏi chị tại sao người ta lại phản ứng mạnh mẽ thế. Chị trả lời rất nghiêm túc:

“Bác mua bánh cho em, em rất mừng, nhưng em cũng không muốn Bác chụp hình em đâu. Đời sống ở đây phức tạp khó khăn lắm Bác ạ. Có chuyện gì chúng em sẽ bị bắt và mất hết”.

Tôi không hiểu rõ lời giải thích của chị và cố tình gợi thêm chuyện để lấy thêm chi tiết. Nhưng chị chỉ nói chung chung và vẫn không cho tôi thêm một thông tin chính xác nào. Chị ngồi đó vẫn niềm nở trong cái lạnh nghiệt ngã, trước một ngôi nhà bày biện như hàng chợ. Phía trong nhà, ở giữa là các loại rau được trưng bày trong thùng đặt dưới đất, bên cạnh là các thùng đựng ốc ngón tay và tôm đông lạnh. Hai bên tường là các món đồ sứ lòe loẹt rẻ tiền của Trung Quốc. Tôi hỏi người đàn ông đứng gần đó đang nhìn tôi soi mói.

“Thưa anh, ở đây ngoài chợ này, còn chợ Việt nào khác không ạ?”

“Không”. Lại một câu trả lời lạnh lẽo. “Cô từ đâu đến?”

“Dạ, từ Mỹ ạ”.

“Mỹ thì sướng quá rồi”.

Người đàn ông nói với giọng chua chát rồi nhìn đi chỗ khác. Một lần nữa tôi bước đi trong bối rối.

Tôi lại tiếp tục tìm nơi ăn trưa. Tôi tìm được một nhà hàng khang trang mang tên Hoàng Thành. Ngoài bãi đậu xe có một bảng hiệu ghi hai chữ “Little Hanoi”. Tôi chợt hiểu. Cư dân ở đây đều đến từ miền Bắc. Nhưng theo cách phát âm của họ, tôi đoán họ không phải là người Hà Nội.

Nhà hàng Hoàng Thành được trang trí một cách nhã nhặn và thanh lịch, trái ngược với phong cách của thực khách đang có mặt tại đó. Họ nói chuyện to tiếng, giọng của người miền Bắc. Mùi hương vị đồ ăn buộc tôi phải chú ý đến thực đơn. Sau bao ngày ăn các món ăn Pháp và xúc xích của Prague, được ăn các món ăn Việt là cả môt niềm hạnh phúc. No bụng đói mắt, tôi gọi phở, nem cua bể (chả giò) và lươn xào xả ớt ăn bánh đa. Tuyệt vời! Phở đây không phải phở miền Nam nhưng nhờ bánh phở tươi, trong cơn lạnh bát phở trở thành bát súp đầy an ủi. Lươn cũng tươi, nem cua bể cũng tạm được, chỉ có bát nước mắm là hơi nửa mùa, tội nghiệp. Tôi phải xin nước mắm sống và chanh ớt để tự pha lấy.

Tôi vừa ăn vừa cố tình kéo dài thời gian để trò chuyện với cô hầu bàn. Cô xác định là tất cả những người sống ở đây đều đến từ Hải Phòng, Hải Dương và các vùng thôn quê ngoài Bắc. Thời gian đầu họ đến để du học nhưng dạo sau này đa số thuộc thành phần xuất khẩu lao động.

Vì đông khách, tôi không tiện hỏi vào chi tiết. Tôi rời nhà hàng mà trong đầu vẫn còn bao nhiêu câu hỏi không được giải đáp. Khi tôi chuẩn bị gọi điện thoại cho anh tài taxi hồi sáng thì bỗng thấy một tờ giấy quảng cáo dịch vụ taxi dán trên tường. Không suy nghĩ, tôi gọi ngay số điện thoại ghi trên tờ quảng cáo. Sau ba mươi phút đợi chờ, xe đến. Tài xế là một thanh niên Việt, đầu trọc, da trắng, đôi mắt sáng cười rạng rỡ.

“Thưa Chị về đâu ạ?”

Thế là tôi và anh chàng taxi người Việt tên Cương bắt đầu một cuộc hành trình thật ấn tượng.

Những vòng quanh co của đường phố phía trước và ánh đèn vàng bên lề từ từ hiện ra song song với những hình ảnh đời sống khắc khổ của cộng đồng người Việt tại chợ Sapa. Cương kể dồn dập không dừng tiếng, như đã từ lâu anh không có dịp nói về đề tài này.

Họ không có tiếng nói ở đây, Chị ạ. Có những người qua đây hơn chục năm mà đến giờ vẫn chưa đặt chân ra khỏi chợ Sapa. Họ luôn sống trong sợ hãi. Buôn bán ngày càng khó khăn, không thành công, họ tranh giành nghi kỵ lẫn nhau. Rất nhiều người đã bán nhà, cầm đất, hy sinh tất cả để qua đây làm ăn, để rồi bị trắng tay. Không đủ mặt mũi để trở lại quê nhà, họ nán lại đây chờ thời. Giấy tạm trú rồi bị hết hạn và từ đấy họ trở thành những người cư trú bất hợp pháp, sống vất vưởng bên lề xã hội và ngày ngày cầu mong sao không bị cảnh sát bắt.

Giọng Cương nghe đều đều như lời tự nhủ. Tôi biết là Cương đã đi lạc, vì nhận thấy xe đã vòng mấy lần trên cùng một con đường. Nhưng tôi không màng vì mải nghe chuyện và vì chúng tôi đã thỏa thuận giá cả từ trước.

“Họ sống tập trung ở đây là vì bị người Czech kỳ thị phải không em?”

"Kỳ thị thì ở đâu chẳng có chị ạ -- người Việt mình kỳ thị lẫn nhau còn nặng hơn thế nữa. Lý do chính là tinh thần hội nhập của họ quá kém. Họ hoàn toàn không có ý thức và dự định hòa đồng. Ai đến đây cũng chỉ có mục đích làm giàu, mơ tưởng rằng chỉ sau một thời gian ngắn họ sẽ trở lại quê nhà. Nhưng trên thực tế mấy ai có thể dễ dàng ra đi khi cơ nghiệp chưa có. Rất nhiều người sống ở đây bao năm rồi mà vẫn không nói được một chữ Czech. Để mỗi khi đụng chuyện, họ phải chịu tốn kém chạy tiền mướn người thông dịch. Từ chuyện đưa con đi nhà thương đến chuyện ghi danh cho con đi học. Thế hệ này coi như là vứt đi rồi Chị ạ. Chỉ còn mong vào thế hệ con cháu."

“Vậy em có nói tiếng Czech không?”

“Vâng, em nói rành vì em đã sống ở đây trên hai mươi năm”.

“Sao em lại không giống như những người ở chợ Sapa, chỉ sống quanh khu chợ?”

"Vì em xuất thân cực nghèo. Phải chịu nhục và tủi thân nhiều lắm rồi. Nên lúc qua được đây, em quyết tâm chọn nơi này làm quê hương và không quay về Việt Nam nữa. Em bây giờ đặt hết niềm tin vào các con em. Cuộc sống của em tốt và ổn thỏa. Còn cộng đồng nói chung thì rất phức tạp, Chị ạ. Có những nỗi đau rất khó tả. Thế giới của chợ Sapa có nhiều vấn đề, chẳng hạn như buôn lậu và bán thuốc phiện. Hiện tại chính quyền Czech rất khó chịu với cộng đồng người Việt và đổ thừa cho khu chợ Sapa là một trong những mầm mống của tệ nạn xã hội tại Praha."

Tôi buột miệng: “Chỉ vì một vài con sâu mà làm cho cả một cộng đồng bị liên lụy mang tiếng”.

“Khó nói lắm, Chị ạ. Khi con người không còn lối thoát, họ phải làm tất cả để sống. Cách đây ba năm có một anh chàng Việt Nam sang đây, mang theo bao nhiêu tiển của từ bố mẹ để đi lập nghiệp. Nhưng không may bị thất bại, tiền bạc sạch trắng, hắn không đủ can đảm quay về và đã thắt cổ tự tử chết. Ở đây, bao nhiêu trường hợp thất bại tương tự đã xảy ra, nhưng thay vì chọn cái chết, nhiều người chọn cách làm tiền phi pháp. Mình không thể phê phán họ khi mình không nằm trong hoàn cảnh của họ, chị ạ.”

Xe vẫn chạy, bầu trời dần dần khép lại, mưa rơi lất phất. Chúng tôi bỗng rơi vào bầu im lặng nặng nề. Sau không biết bao nhiêu hơi thở, tôi lên tiếng:

“Người Việt mình thường làm nhà hàng giỏi, tại sao mình không vào ngay trong trung tâm thành phố để làm ăn? Hiện nay chưa phải là mùa hè mà du khách đã đông như vậy, chắc hẳn phải có nhiều cơ hội buôn bán lắm chứ, phải không em?”

Cương cười nhẹ, tiếng cười thật nhẫn nại.

“Không đơn giản như vậy đâu, chị ạ. Thứ nhất, tiền mặt bằng quá đắt. Thứ hai, mặc dù luật pháp không cấm, nhưng các gian hàng của người thiểu số rất bị giới hạn. Người Czech muốn bảo tồn di tích lịch sử của Praha và không muốn các sắc tộc khác chen chân vào nội thành. Nếu chị để ý thì chị sẽ không thấy có hai gian hàng nào của người thiểu số đứng cạnh nhau. Đây là luật bất thành văn, và ai cũng hiểu điều này. Trong trung tâm, lâu lâu chị mới thấy có một tiệm ăn Trung quốc và một vài tiệm đấm bóp của người Thái. Chỉ có thế thôi. Sẽ không bao giờ chị thấy có ‘phố Tàu’ hay ‘phố Nhật’ như ở các nước khác."

Tôi cố gắng nhớ lại và thấy nhận xét của Cương thật đúng.

“Chị vẫn không hiểu là sau gần ba mươi năm mà không có người Việt nào thành công rồi dọn vào trung tâm để sống?"

“Làm sao mà mua nổi, chị ạ. Cũng có một số người mua nhà ở trung tâm đấy. Nhưng mỉa mai thay, họ không phải là những người định cư ở đây, mà lại là người ở Việt Nam đem tiền qua đầu tư. Mỗi tòa nhà giá hàng triệu đô la Mỹ.”

Tôi bắt gặp mình thở dài.

“Hiện giờ em đang sống ở đâu?"

“Ở gần chợ Sapa, chị ạ”.

Xe đã đến Phố Cổ mà tôi lại ước xe còn đi lạc. Trời rét ướt nhưng người đi Phố Cổ vẫn tấp nập. Cơn lạnh đẩy họ lại gần nhau hơn và đưa tiếng hát của họ bay cao hơn. Các quả trứng rực rỡ treo trên cây vẫn tung tăng trước gió. Trong khung cảnh tưng bừng như ngày hội, tôi bỗng nhiên cảm thấy lạc lõng vô cùng. Và chợt thấy lòng mình nặng trĩu. Sau một vài phút ngập ngừng, tôi giã từ Cương. Tôi chỉ mới gặp Cương hơn bốn mươi phút đồng hồ trước đây, tôi và Cương không có một giọng nói cùng miền và không cùng nơi xuất xứ, thế nhưng khi Cương kể chuyện, tôi cảm thấy như chúng tôi là chị em ruột thịt đã từ lâu không gặp.

Cương đi rồi, tôi nhập vào đám đông, muốn dựa vào họ để đón nhận và chia sẻ hạnh phúc của Prague, nhưng sao vẫn cảm thấy rất ư cô độc. Tại sao những người ở chợ Sapa lại không có được những giây phút Phục Sinh như ở nơi này?

Trong cơn lạnh cắt da nứt môi của Prague, tôi chợt nhớ đến nghĩa địa chồng chất của người Do Thái và hình dung ra cảnh họ sống chen chúc trong trại tập trung nơi Phố Cổ. Tôi liên tưởng đến hình ảnh chị bán bánh đậu đầu quấn khăn đen, chàng thanh niên bất hạnh đã thắt cổ tự tử, và thoáng thấy đâu đây bầu trời xám nhỏ bé của người Việt tại chợ Sapa.

Tôi lại tiếp tục đi trong bối rối…

 

Jenny Đỗ


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved