Truyện ngắn Hải Phong

 

 

Càng đi gần đến tòa nhà đồ sộ đứng sừng sững chiếm cả một góc đường, Hiển càng thấy chân mình như ríu lại. Thời tiết đầu tháng tư hãy còn chút lạnh còn sót lại của mùa đông mà Hiển thấy lưng mình nhỏ mồ hôi hột. Tòa nhà cứ đứng ngạo nghễ trong nắng sớm. Bọn Hiển ba đứa sắp phải vào ngân hàng ở tòa nhà đó để mở trương mục!

          Hiển đi thụt lùi lại, đẩy Tùng lên trước:

          - Thôi, anh với thằng Ân vô đi, tôi không vô đâu, khi không sợ quá!

          Tùng níu lấy tay Hiển:

          - Vớ vẩn! Đã đi đến đây còn sợ gì. Cùng lắm, tôi với anh đứng sau, thằng Ân lãnh hết, lo gì.

          Ân giẫy nẩy lên:

          - Hai anh chơi khôn. Đã tập tành với nhau cả ngày hôm qua rồi, khi không tới đây đẩy cho em là sao?

          Tùng nhỏ nhẹ đẩy Ân vào:

          - Cả bọn chỉ có mày nhỏ nhất nhưng lại có ăn học, nói được tiếng Anh, tụi tao mới học lõm bõm được mấy chữ, biết gì mà nói. Tập được mấy câu hồi hôm, giờ quýnh quá quên tuốt rồi. Chịu khó đi, xong việc tao đãi cả bọn đi ăn Mc Donald’s.

          Ân làu bàu gì đó trong miệng, nhưng cũng mạnh dạn tiến lên. Đã được điện thoại lấy hẹn từ trước nên khi đẩy cửa bước vào ngân hàng thoáng thoát khang trang, cả bọn đã được một giàn nhân viên đứng xếp hàng ngay ngắn trên sàn nhà bằng đá vân trắng bóng loáng, tiếp đón ngay tại cửa. Hiển cứ cúi gầm mặt nhìn xuống đất, sàn nhà láng đến nỗi nhìn rõ bóng các cô tiếp viên xinh đẹp ngả dài trên nền đá trắng, trong ánh nắng xuyên qua khung cửa kính cao ngất đến tận trần nhà. Mỗi cô tiếp viên cầm một bó hoa tươi lộng lẫy trao cho ba chàng trai trẻ ăn mặc chỉnh tề, lúc đó đang ríu người lại vì không ngờ lại được tiếp đón một cách quá ư là long trọng như vậy.

Vị giám đốc ngân hàng đang ngồi gõ cọc cọc vào chiếc máy vi tính trong văn phòng, nghe tiếng xôn xao bên ngoài, biết là khách quí đã đến, ông xoay vội chiếc ghế da, đứng lên, đặt lại chồng hồ sơ cho ngay ngắn trên chiếc bàn gỗ màu nâu bóng có lớp kính dầy đặt bên trên, rồi bước hẳn ra bên ngoài ân cần bắt tay từng người, vừa lúc ánh đèn lóe sáng lên và hàng loạt máy ảnh bấm “tách, tách” lia lịa, khiến cả ba chàng lính quýnh, tay chân cuống cả lên. Ân lí nhí nói vài câu chào hỏi bằng ngoại ngữ để trả lời vị giám đốc, còn Tùng và Hiển thì chỉ biết cúi đầu chào, miệng ngậm câm, không biết bao nhiêu chữ nghĩa học được biến đi đâu mất? Chỉ thấy khung cảnh hào nhoáng và sự tiếp đón quá trọng hậu đã làm hai chàng hồn phi phách tán cả rồi và ân hận đã liều lĩnh đến đây! 

Ông giám đốc đích thân hướng dẫn khách vào văn phòng rồi ra hiệu cho ba cô tiếp viên kéo ghế mời ba chàng trai tị nạn, ba vị tân triệu phú đến ngân hàng để mở trương mục ký thác mười triệu tiền trúng Loto 649 mới đây. Cô tiếp viên ân cần hỏi khách quí muốn dùng cà phê hay trà. Cả bọn ngớ mặt ra, Ân nhanh nhảu đỡ lời:

- Tôi xin ly cà phê.

Tùng và Hiển đã được dặn trước từ nhà, cái gì không hiểu thì Ân sẽ trả lời trước, và hai chàng kia chỉ việc nói đúng một câu “mi tu” (me too) là xong chuyện, thế cho nên, như hai cái máy được bật lên cùng một lúc, cả hai đồng loạt gật đầu:

- Mi tu!

Ông giám đốc trân trọng mở quyển sổ trước mặt với một lô giấy tờ rồi chính tay điền tên tuổi từng người cùng những chi tiết do Ân đại diện trả lời, trong khi Tùng và Hiển không biết nói gì cứ nhìn quanh quất căn phòng trang trí vừa lịch sự, vừa trang trọng, trên bức tường đối diện là tấm tranh lớn nền xanh thẫm nổi bật những ngọn sóng dạt dào bạc xóa, những ngọn sóng đã đưa đẩy bọn chàng trôi giạt đến bến bờ tự do này, để giờ này được ngồi ngang hàng với giám đốc ngân hàng, được tiếp đón như một quí nhân. Hiển cứ nhìn sững bức tranh cho đến lúc vị giám đốc cất tiếng mời chàng ký vào tờ đơn. Hiển lính quýnh run run ký tên, rồi lí nhí cám ơn. Chẳng phải số tiền mười triệu là to tát gì với một ngân hàng có tầm vóc này, vì họ còn có những khách hàng, những công ty ký thác những số tiền kếch sù hơn, nhưng dạo ấy, phong trào chính phủ Canada mở rộng vòng tay đón nhận những  boat people đến định cư tại Canada mới bắt đầu. Hình ảnh những con thuyền bé nhỏ lên đênh biển cả cứ nhan nhản trên màn ảnh truyền hình mỗi đêm, đã làm chấn động cả thế giới, họ không hiểu lý do sâu đậm nào đã khiến hàng triệu người phải quên cả mạng sống lênh đênh trên ngọn sóng đại dương không biết sẽ về đâu? Người dân bản xứ hiền hòa ở đây rất rộng rãi và nhân từ với những người tị nạn đến nhận nơi này làm quê hương, nên cái tin ba chàng trai trẻ tị nạn trúng số độc đắc, lại “chọn mặt gửi vàng” nơi ngân hàng của họ đã là một sự vui mừng và là một niềm hãnh diện cho ngân hàng. Họ có nhiệm vụ phải chia xẻ sự vui mừng đó và phải tiếp đón sao cho xứng đáng là người dân của quốc gia “chủ nhà”.

Sau cái màn điền giấy tờ lỉnh kỉnh xong xuôi, ông giám đốc lịch sự hỏi:

- Quí vị mỗi người định gửi bao nhiêu tiền ngày hôm nay?

          Đã tính toán từ trước ở nhà rồi, Ân thay mặt cho hai bạn trả lời lễ phép:

          - Thưa ông, hôm nay chúng tôi chỉ ký thác tượng trưng mỗi người một trăm đô la (100$) để mở trương mục mà thôi, phần còn lại, sau khi làm xong xuôi thủ tục để được Loto Québec phát tiền trúng sổ xố, chúng tôi sẽ đến gửi hết vào ngân hàng!

          Vị giám đốc thoáng chút hơi ngạc nhiên trước câu trả lời, nhưng ông cười rất hiền hòa và thông cảm:

          - Vâng, bất cứ lúc nào quí ông sẵn sàng ký thác tiền, ngân hàng chúng tôi sẽ hoan nghênh và sẽ cố vấn quí ông để tiền được đầu tư vào những chỗ an toàn và đem lại lợi nhuận tốt nhất cho quí ông.

          Mọi thủ tục còn lại đều xuông xẻ và không lâu sau, cả ba được thơ thới bước ra khỏi ngân hàng với ba quyển sổ nhỏ trong tay, trong sự chào hỏi cung kính của nhân viên, cũng như lúc vào.

          Hiển thở phào nhẹ nhõm:

          - Thoát nợ! Nãy giờ tui cứ như ngồi trên miệng hố bom, sợ gần chết luôn.

          Cả ba cười vang phố phường lúc đó đã nhộn nhịp sinh hoạt của một ngày mới, xe cộ nườm nượp trên đường, tung khói trong không khí rộn ràng của buổi ban mai. Tùng vỗ vai Ân khen:

          - Mày giỏi! Phen này kỳ thi “Cá Tháng Tư” của bọn mình chắc chắn chiếm giải nhất lớp. Không chừng nhất trường COFI luôn. Cô giáo Hélène chắc lác mắt vì cái trò của nhóm mình. Để coi mấy nhóm khác họ bày trò gì hay hơn chúng ta.

          Hiển vẫn băn khoăn:

          - Sao tôi thấy có gì không ổn, sờ sợ thế nào ấy mấy ông ơi. Rủi mai mốt ngân hàng không thấy tụi mình quay trở lại gởi tiền, họ có thưa kiện gì mình không?

          Tùng nhún vai:

          - Họ là dân Ca-na-điên mà. Họ cũng biết trò chơi Cá Tháng Tư chớ. Hồi hôm tôi đã có hỏi ông Tàu chủ tiệm chỗ tôi đang rửa chén rồi, ổng nói giỡn chơi cho vui thôi, ai kiện tụng gì mà lo. Mình chỉ mở trương mục thôi, chứ có ký giấy gì cam đoan là mình sẽ có mười triệu trong trương mục đâu.

          Ân gật đầu tán thành:

          - Em đồng ý. Hồi nãy em cũng đọc qua giấy tờ, chỉ là thủ tục thông thường để mở trương mục thôi, không có cam kết gì khác cả.

          Hiển thở phào:

          - Thế nhưng coi như chúng ta mất toi mỗi đứa một trăm đô la trong đó. Còn mặt mũi nào đến rút tiền ra nữa.

          Tùng nhún vai:

          - Xời ơi, coi như tiền để dành.

          Tiền để dành, đành vậy đi. Nhưng chúng ta đâu có nhiều tiền mà phải chịu để dành không lấy ra được. Hiển xót xa nghĩ đến Mẹ và hai em còn ở lại nhà. Vốn liếng cả nhà vét cạn sạch, Mẹ còn chạy chọt khắp nơi, chỗ nào vơ vét vay mượn được thêm Mẹ cũng không từ, để đổi lấy mười lăm lạng vàng cho chàng có một chỗ trên chuyến tàu định mệnh. Giờ đây, đến được bến bờ tự do, không lúc nào mà Hiển không nghĩ đến việc làm sao kiếm được tiền để Mẹ và hai em đỡ cơ cực. Một trăm đồng của chàng, để lao vào một trò chơi trong phút chốc. Chưa kể tiền đi thuê bộ đồ kẻng mặc cho oai. Hiển ân hận chực rơi nước mắt thì cả ba đã đến trước tiệm Mc Donald’s. Tùng mạnh dạn đẩy cửa bước vào, trái hẳn với cái vẻ rụt rè cách đây hơn nửa tiếng trước ngưỡng cửa ngân hàng.

          Hôm sau, trong giờ học của lớp sinh ngữ dành cho di dân mới đến, quả nhiên nhóm của ba chàng trai được giải nhất trong cuộc thi Cá Tháng Tư của lớp. Câu chuyện xí gạt chủ ngân hàng do Ân mô tả lại, cũng như cái cảnh hai anh chàng bạn sợ toát mồ hôi đã đem lại một tràng cười rộn rã trong lớp học. Cô giáo cứ lắc đầu trước những trò chơi ngỗ nghịch của đám học trò, nhiều người đã lớn tuổi nhưng vẫn nghĩ ra được những trò chơi tinh quái.

          Thế nhưng, chuyện đời không giản dị như những trò chơi. Ngay hôm sau, báo chí địa phương đã có nguyên một trang với hình ảnh của ba chàng, rõ nét mồn một đang đứng bắt tay giám đốc ngân hàng với một giàn nhân viên xếp hàng thẳng thắn phía sau với cái tít giật gân “ba chàng boat people tân triệu phú...”. Rồi hình Hiển đang nghiêng đầu ký giấy tờ trước mặt ông giám đốc. Trong ba đứa, Hiển trông bảnh trai nhất. Tấm hình đó, mái tóc lòa xòa phủ trên trán thật đẹp, đã được chọn để đăng tin trên báo. Đám bạn đem vào lớp giành nhau nhờ cô giáo giảng nghĩa dùm những giòng tin nóng hổi trên trang báo. Hiển lại một phen lên cơn sốt vì sợ, không biết ngân hàng có làm khó dễ gì nữa cho bọn chàng không? Hình của chàng nằm lồ lộ trên trang báo đây, chạy đi đâu được nữa?

          Chuyện không ngừng ở đó. Liên tiếp nhiều ngày sau đó, đám bạn cùng ở trại tị nạn, sang đây được đưa đi rải rác khắp nơi, hay tin, đứa nọ truyền tai đứa kia, cứ gọi chàng ơi ới. Chàng giải thích ran cổ họng mà có đứa nào chịu tin đâu. Có đứa còn giận dỗi, nói lẫy:

          - Mày sợ chúng ông vay tiền hay sao mà phải chối bai bải? - rồi cúp phôn.

          Hiển khổ sở ngờ đâu cái trò chơi quái ác lại hại chàng mất cả bạn. Nào đã xong! Chỉ ít lâu sau, Hiển nhận được thư Mẹ chàng đã đọc cho cô em gái viết gửi sang, với sự vui mừng khôn tả:

          “Mẹ tin rằng vong linh của Cha con đã phù hộ cho con đến bến bờ bình an, lại được phúc lộc bất ngờ, không uổng công mẹ lo lắng đến bạc cả đầu. Giờ được mát mặt, mẹ không mong gì hơn là con đỡ đần cho hai em con được đi học trở lại, không phải bương trải nơi chợ trời, và con cho mẹ phương tiện để xây lại căn nhà của ông cha để lại....”

          Hiển choáng váng cố đọc hết lá thư. Thì ra, có đứa bạn quái ác ở cùng xóm ngày xưa đi chung chuyến tàu, đã cắt nguyên trang báo gửi về cho Mẹ chàng với lời buộc tội là chàng “vì tiền quên bạn”!

          Hiển mất ngủ đến mấy ngày, suy nghĩ nát óc để viết lá thư dài thòong về phân trần với Mẹ. Chàng còn nhờ người chụp cho tấm hình mặc đồ nhà bếp với mũ trắng để chứng minh cho gia đình là ngoài việc đi học sinh ngữ ban ngày do nhà nước cấp phương tiện, buổi tối, chàng còn đi làm phụ bếp để học việc trong một tiệm pizza lớn, hy vọng kiếm thêm tiền để sớm đi học trở lại, kiếm mảnh bằng để mai này cuộc đời dễ thở hơn, mong phụ giúp cho gia đình. Chàng cũng kèm thêm tấm hình ăn mặc sạch sẽ, tay bưng chồng hộp pizza, đứng cạnh chiếc xe có tên tiệm, chụp lúc sửa soạn đi giao pizza cho khách.

          Những tưởng là êm chuyện, nào ngờ Mẹ chàng lại còn uất ức hơn. Bà nhận được thư và hình, bù lu bù loa với hai con gái:

          - Thằng bất hiếu bất mục. Biết nó bất nhân như thế, mẹ chả bỏ hết gia sản ra để mà chạy chọt cho nó có chỗ đi. Bây giờ nó đã tiền đầy túi, lại làm ông chủ tiệm lớn, mẹ chỉ xin xây lại cái nhà, nó cũng không cho. Nhà vô phúc!

          Rồi hàng xóm láng giềng, họ hàng ở quê lên chơi, Mẹ chàng không ngừng đưa trang báo tiếng Tây và mấy tấm hình của Hiển ra trì triết:

          - Đây! Làng xóm coi thằng Bất Hiếu (từ đó mẹ chàng không còn gọi chàng bằng cái tên cúng cơm là thằng Hiển nữa, mà đổi tên thành thằng Bất Hiếu), con tôi đây. Báo Tây đăng rành rành chứ có phải ai đặt chuyện cho nó đâu. Vậy mà nó còn chối nói là chỉ là chuyện “Cá Tháng Tư”. Chuyện Cá Tháng Tư là chuyện gì? Lại còn hình ảnh đây, nó nói nó phải đi làm phụ bếp nhà hàng ban đêm. Hừ! Ai tin được không? Làm phụ bếp mà ăn mặc, đội mũ trắng nốp như thế này? Lại còn đi xe hơi có đèn chớp, có kẽ chữ như xe Tổng Thống! (không biết xe Tổng Thống của xứ nào mà có kẻ chữ?).

          Rồi bà cứ thế mà rống lên, nước mắt ràn rụa:

          - Đấy, con tôi đấy, làng xóm ạ. Giời ơi là giời! Xuống mà chứng giám cho thằng con Bất Hiếu của tôi. Thằng con Cá Tháng Tư của tôi đây bà con ơi!

          Bà càng hăng tiết bao nhiêu thì họ hàng càng cho là bà giỏi đóng kịch bấy nhiêu, chỉ vì bà sợ họ hàng bám vào để xin tiền thằng con triệu phú của bà.

          Hai cô em gái bán tín bán nghi, viết thư khuyên anh thôi thì bớt chút tiền gửi về cho Mẹ xây cái nhà để bà nguôi ngoai, còn chuyện hai cô có được đi học trở lại hay không thì không thành vấn đề, anh có cho hay không cũng không sao. Hai cô nói có xây nhà lầu ba tầng cho Mẹ thì cũng không xài hết mấy triệu của anh! Hiển khổ sở khôn cùng. Đến ngay cả hai em chàng cũng không tin thì chàng còn mong giải thích gì với Mẹ?        

          Rồi thì thư từ của họ hàng xa gần, kể cả những ông cậu, bà mợ, ông chú bà dì từ kiếp nào Hiển chưa bao giờ gặp mặt, cũng gửi thư tới tấp, người thì xin tiền để đào cái giếng “cho em Tửng không phải vất vả gánh từng gánh nước mỗi ngày”, người thì xin chiếc xe gắn máy “để em Bông của cháu chở hoa mỗi ngày ra chợ bán, cho cậu mợ có miếng dưa, quả cà mỗi bữa”. Có lá thư lại còn kể lể lại chuyện “thím đã từng bồng bế cháu trên tay từ lúc cháu còn mặc tã”!

 

         *******

          Với sự cần cù, chàng mang tâm trạng nặng chĩu suốt mấy năm học để lấy cho được mảnh bằng technician và may mắn được nhận vào một hãng ráp nối xe hơi. Ngày ra trường, Hiển đứng trong sân trường hét lên sung sướng, từ nay, Mẹ và em sẽ được hưởng những chuỗi ngày êm ấm. Chàng mơ màng nghĩ đến lúc cuộc sống ổn định, biết đâu sẽ bảo lãnh được Mẹ và hai em sang bên này chung sống, mẹ con đùm bọc lẫn nhau.

          Nhưng đi làm chưa được bao lâu thì Hiển được em gái báo tin là Mẹ bị bệnh nặng. Với số lương nhỏ nhoi, Hiển chắt bóp đều đặn gửi tiền về để hai em lo thuốc men cho Mẹ. Bà không từ chối tiền nhưng vẫn uất ức thằng Bất Hiếu, “tiền nó để lót quan tài chắc, mà nhỏ giọt ra cho mẹ nó đây...”. Căn nhà bao năm đã dột nát, nay lại còn dột nát hơn. Đồ đạc cũng bán dần để lo tiền thuốc men cho Mẹ chàng. Nhiều đêm mưa tí tách nhỏ luồn qua vách, qua mái, bà không ngủ được cứ trăn trở oán trách thằng con tệ bạc, để bà phải ở căn nhà dột.

          Thời gian cứ thế trôi đến ngày Hiển được tin là nhà nước đã mở cửa để những người phản động đã ra đi có thể về nước thăm thân nhân, Hiển đã phân vân trước việc sẽ mua tặng Vân chiếc nhẫn đính hôn sau hơn sáu năm quen biết, kể từ ngày Vân được nhận vào làm chung hãng của chàng, hay là dùng số tiền nhỏ nhoi đó mua vé máy bay về thăm gia đình. Cuối cùng, chàng đành thú thật với Vân về sự phân vân đó. Vân ân cần góp ý:

          - Em may mắn có gia đình bên cạnh, bố mẹ em đi làm quần quật cũng cho chúng em được đi học hành tử tế. Còn anh, Mẹ anh đã không có đây, lại bệnh tật, anh có về thì cũng đúng thôi. Nhân thể, xin phép Mẹ về chuyện đính hôn của chúng ta.

          Hiển cảm động, ôm Vân khóc, không nói nên lời. Hôm sau, Vân đến đưa chàng một ngân phiếu:

          - Đây là tất cả tiền dành dụm của em trong thời gian đi học và đi làm thêm. Anh về cũng cần tiền tiêu vặt và lo thuốc men cho bác chứ đâu về tay không được.

          Hiển từ chối mãi không được. Vân nói:

          - Coi như em cho anh vay. Mai mốt cưới xong, tiền lương anh, em xiết hết, để trừ nợ. 

 

 *******

          Ngày chàng về đến nhà, bồi hồi bước vào căn hẻm gập ghềnh nay đã đầy hàng quán hai bên, khiến con hẻm lại còn hẹp hơn trước. Hai em ra đón trước nhà, dưới giàn bông giấy đang trổ hoa màu đỏ thắm dưới nắng hè gay gắt. Hai cô nay đã trưởng thành, khuôn mặt rám nắng dạn dày, không còn là những cô bé ngây thơ dạo trước. Chàng xót xa đặt va li xuống thềm, chạy vội vào phòng, quỳ dưới chân giường ôm lấy thân hình gầy guộc của Mẹ, không nói được câu nào, chỉ ràn rụa nước mắt gọi:

          - Mẹ!

          Bà yếu đuối mở đôi mắt đã mất hết thần sắc ra, ngơ ngác:

          - Cậu là ai?

          - Con là Hiển đây mẹ. Thằng Hiển về thăm mẹ đây.

          Bà vẫn ngơ ngác:

          - Thằng Hiển? Thằng Hiển nào?

          Thủy, cô em gái út bước vào, lấy tay áo quệt nước mắt:

          - Mẹ có còn nhận ra ai nữa đâu anh. Đến ngay như chúng em, cũng có lúc mẹ nhận không ra, cứ hỏi: “các cô đến đây làm gì?”. Có khi còn xua đuổi chúng em đi. Buồn lắm anh ạ.

          Rồi nhìn quanh căn nhà dột nát, Thủy phân trần:

          - Bấy lâu nay, tiền anh gửi về chỉ đủ thuốc men cho Mẹ. Căn nhà từ dạo anh đi vẫn thế, càng ngày càng bệ rạc hơn. Chúng em không làm gì hơn được.

          Hiển buồn rầu:

          - Hai em vẫn còn trách anh? Vẫn không tin anh?

          Thủy nhìn khuôn mặt xương xương hốc hác của anh, thương hại:

          - Em có tin thì Mẹ cũng vẫn không tin. Thoảng có lúc Mẹ còn chút trí nhớ, vẫn dày vò chuyện cũ.

          Vừa lúc Mẹ chàng nghe trò chuyện, gượng chống tay ngồi dậy. Thủy chạy vội lại đỡ Mẹ ngồi lên, kê chiếc gối vải ngả màu vàng ố để mẹ lót lưng, rồi liếc mắt về phía Hiển:

          - Mẹ, anh Hiển về thăm chúng ta kìa mẹ.

          Bà mở to đôi mắt lơ láo, vẫn không hiểu chúng nó ở đâu tới, đang nói gì? Hiển cầm bàn tay gầy guộc trắng ngần của Mẹ vì lâu ngày không ra nắng, áp vào má:

          - Mẹ không nhận ra con sao? Thằng Hiển ngày xưa vẫn đèo xe đạp đưa mẹ đi chợ Cầu Muối đây mẹ.

          - Đi chợ Cầu Muối? Đi chợ Cầu Muối làm gì? Không, tôi không đi. Cậu đến đây làm gì? Cậu về đi, tôi muốn đi tắm!

          Hiển vẫn nhẫn nại:

          - Mẹ! Bấy lâu nay con dành dụm, chỉ mong được ngày hôm nay về gặp Mẹ để giải bày cho Mẹ nỗi oan của con trong bao năm qua. Mẹ nhìn con đi Mẹ. Thằng Hiển đây, thằng con Bất Hiếu của Mẹ đây, thằng Cá Tháng Tư đây Mẹ. Mẹ ơi!

          Rồi chàng òa lên khóc như đứa bé thơ. Cô Thủy nãy giờ đứng đó, cô Thu vừa đi chợ về tới, thập thò ở cửa phòng cũng sụt sùi khóc.

          Bà Mẹ từ nãy giờ lơ láo, chợt nghe đến tên thằng Bất Hiếu, thằng Cá Tháng Tư, ký ức ở đâu chợt hiện về, bà vùng lên tru tréo:

          - Thằng Bất Hiếu, hừ, mày là thằng Bất Hiếu, mày còn dám vác mặt về đây gặp mẹ mày? Giời ơi là giời! Xuống đây chứng giám cho tôi, nó còn chường mặt về đây làm gì hở trời?

          Thu và Thủy chạy vội vào, người thì đỡ Mẹ nằm xuống, người thì vuốt ngực, lấy dầu nóng thoa hai bên thái dương của bà cho tỉnh táo. Thủy chỉ về phía anh:

          - Mẹ nhìn anh con, gầy guộc xương xẩu thế kia, chắc bao năm nay anh cũng vất vả kiếm tiền gửi về cho chúng con lo thuốc men cho Mẹ. Nếu ảnh giàu có, chắc không đến nỗi hốc hác thế kia đâu Mẹ.

          Bà không nghe nữa, nấc lên rồi ngất bên giường. Cô Thu sợ hãi, vừa xoa dầu nóng vừa giật tóc mai của Mẹ.

          Hiển ở nhà ba tuần lễ, chàng cứ lặng lẽ bên Mẹ chẳng đi đâu, trừ một lần thấy Mẹ hơi khỏe, chàng gọi hai em sửa soạn khăn áo cho Mẹ rồi thuê chiếc xe, cả nhà cùng đưa Mẹ lên chùa, rồi ở lại ăn cơm chay. Hôm ấy bà thật là vui, không gọi Hiển là “thằng Bất Hiếu” nữa. Trong thời gian ở nhà, Hiển cho gọi thợ, rồi với số tiền của Vân dúi cho trước khi lên đường, chàng cho lợp lại cái mái nhà dột nát, và trát lại vách tường hai bên che mưa gió, rồi cho sơn màu xanh nhạt mát mắt. Từ nay, những hôm mưa bão, Mẹ cũng ấm áp hơn. Chàng thay chiếc sàn nhà bằng xi măng đã lồi lõm lởm chởm để lát gạch bông cho Mẹ ra vào cho thoáng thoát, khuyên em không nên để Mẹ nằm mãi trong phòng. Căn nhà như sáng hẳn ra.

          Mãi đến ngày đi, Mẹ chàng mới rưng rưng nước mắt, dường như bà đã mường tượng lại được đứa con đã xa cách lâu ngày. Chàng ôm hôn Mẹ, xách va li bước qua ngưỡng cửa, còn nghe tiếng Mẹ dặn vói theo:

          - Con lo cho hai em. Mẹ vô dụng, bệnh tật làm hại cả cuộc đời của hai em con.

          Hiển bật khóc khi nghe tiếng “con” đầu tiên Mẹ gọi, từ ngày chàng bước chân trở lại nhà. Chàng ra đầu ngõ, leo lên taxi. Thu và Thủy dìu Mẹ ra đứng đó đến lúc xe khuất ở góc đường. Hiển vẫn ngoái cổ lại nhìn.

  

********

          Giờ đây, chàng và vợ, cô Vân ngày xưa, trở về đây thì Mẹ chàng đã không còn nữa. Vợ chồng Hiển về lần này để dời ngôi mộ đất đơn sơ của Mẹ vào một nghĩa trang gần nhà, xây lại mộ bia khang trang cho Mẹ. Trước đó, chàng gửi tiền cho hai em nhắc nhở từng ly từng tý về việc xây mộ cho Mẹ, và không ngại tốn kém, khắc một tấm bia trên đá hoa cương màu xanh mạ với hàng chữ “nơi yên nghỉ của người Mẹ mà con yêu quí nhất trên đời”. Vân cảm động nhìn hàng chữ trên mộ bia của Mẹ chồng, nàng nắm tay Hiển thật lâu, như thông cảm với nỗi xúc động của chồng, và nỗi oan ức mà “Con Cá Tháng Tư” của nàng đã phải chịu bao năm nay.

          Hiển quì bên mộ của Mẹ, thì thầm khấn khứa:

          - Mẹ, khi sống Mẹ chỉ mơ được một căn nhà đẹp. Nay con đã hoàn thành căn nhà cho Mẹ yên nghỉ. Mẹ hãy chấp nhận và tha thứ cho con...

          Nắng đã tắt trong nghĩa trang yên vắng. Bó hoa hồng đỏ thắm cắm trang trọng trước ngôi mộ thật đẹp, khói hương nghi ngút, nơi đó Mẹ chàng đã yên nghỉ, vĩnh viễn, trong “ngôi nhà của Mẹ”. Nhưng hồn Mẹ giờ trôi giạt nơi đâu?

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved