Cà với cuống

 

Đang loay hoay quét lớp tuyết trên kính xe, tôi nghe có tiếng nói nhỏ sau lưng:

- Cô có phải Việt Nam không?

Tôi quay lại nhìn, bà cụ và người đàn ông còn khá trẻ đứng sau lưng tự bao giờ:

- Bác gọi cháu?

- À, tại từ xa tôi thấy cô xách cái giỏ đi chợ giống ngày xưa bên Việt Nam.

- Vâng, bác muốn mua giỏ này sao? Cháu về Việt Nam mua, tiện lắm bác ạ, để trái cây không lo bị bầm dập.

- Ấy không, tôi muốn hỏi cô chợ này có bán cà cuống không? Tôi bảo con tôi dẫn đi mua mà nó chẳng biết gì cả. Bà chỉ sang người đàn ông bên cạnh.

- Lâu rồi cháu không nghe ai nói đến cà cuống nên cháu cũng không biết, bác vào chợ tìm mấy cô bán hàng người Việt hỏi xem sao?

- Cám ơn cô nhé.

Chào hai mẹ con bà cụ, tôi chui vào xe, ngồi nhìn theo dáng bà đi, tôi đoán bà chắc cũng xấp xỉ chín mươi. Rồi lại bần thần nhớ đến Má tôi.

Hồi mới qua, Má tôi cũng đi tìm mua chai cà cuống, nó là một trong những gia vị mà Má tôi luôn tấm tắc khen. Bánh cuốn thanh trì dẻo dai, điểm vài cọng rau ngò, chút hành phi giòn tan, vài lát giò, chấm nước mắm ngon, vắt tí chanh.... đúng điệu phải nhỏ thêm một giọt cà cuống. Bún thang nấu ngon cách mấy, trứng chiên giò lụa cắt rối có mỏng và khéo thế nào, thịt gà xé sợi nhuyễn và dài cũng chưa gọi là bát bún hoàn hảo nếu không có thêm giọt cà cuống..... À, mà còn phải thêm củ cải khô dầm nước mắm mới đủ bộ.

Chao ôi, nhìn Má tôi vừa thưởng thức, vừa xuýt xoa.... ngon phải biết. Ngon với Ba Má tôi và ai khác kìa, tôi thì không chịu nổi mùi cà cuống, nó vừa nồng vừa hắc, khó ăn lắm. Nghe ca tụng mãi, có lần tôi rón rén gắp thử một lát bánh chấm vào nước mắm cà cuống, vừa nuốt trôi qua cổ mới biết mình dại dột, ực bao nhiêu nước vào vẫn cảm giác cái mùi hôi nồng phảng phất trong lưỡi trong miệng. Sợ chết đi được.

Ngày xưa Má tôi còn mua được tinh dầu cà cuống thật, Má bảo chỉ cần một giọt thôi đã thơm lừng cả nhà. Cái chai nhỏ xíu xiu, chỉ cao độ hai lóng tay mà Má tôi quý như bảo bối. Mỗi lần dùng xong Má cẩn thận gói ghém kỹ lưỡng, tự tay cất vào một chỗ riêng. Cả nhà chỉ ba người biết thưởng thức mùi hương khó chịu này, là Ba Má và bà chị lớn của tôi, đám nhỏ tụi tôi chỉ ngồi nhìn, thỉnh thoảng nghiêng đầu ngửi ngửi rồi rùng mình xê ra xa.

Sau 75, mấy con cà cuống cũng nhanh chân trốn biệt, tìm mua khó quá nên Má tôi đành phải mua loại tinh dầu giả, cũng có mùi cà cuống, ăn tạm cho đỡ ghiền.

Hồi nhỏ tôi chỉ tưởng tinh dầu cà cuống cũng như vanille hoặc dầu chuối, người ta chiết xuất từ rau củ thực vật chứ không nghĩ nó là động vật, ngay cả chính Má tôi mê mệt hương vị này chứ cũng chưa bao giờ biết mặt ngang mũi dọc con cà cuống ra sao.

Ấy vậy mà tôi lại có duyên xách nó đi một chặng đường dài. Chỉ còn một tuần nữa là nhóm tụi tôi được về Sài Gòn học, không phải ngày ngày lên tận Biên Hoà. Trong lúc chờ đợi vẫn phải có mặt tại xí nghiệp Vidico. Các bạn khác đã được phân bổ xuống phòng ban khác nhau tại xí nghiệp để làm việc nên mấy đứa tụi tôi bị xem như thành phần vô công rỗi nghề. Thay vì để nhóm tụi tôi nhởn nhơ, khâu nào thiếu người hoặc đứa nào lọt vào mắt xanh của ông bà tổ trưởng nào đó là được chỉ định vào làm tạm thời.

Đang lang thang trong nhà máy thì chị Năm Nảy, tổ trưởng tổ tráng men ngoắc lại hỏi:

- Phòng tráng men mai thiếu người, chị Yến xin nghỉ một ngày có công chuyện, mai em qua phụ chị được không?

- Dạ, vậy mai em sẽ qua.

- Ờ, mà làm ca chiều nha em, ngày hôm sau em được nghỉ bù.

Hôm sau đi làm trễ, hai rưỡi mới ra đón xe lên Biên Hoà nên tôi ngủ thẳng cẳng mãi đến trưa mới dậy. Làm ca chiều thì phải ngủ lại xí nghiệp, sáng sớm mới có xe đưa về. Chuẩn bị bộ đồ ngủ và vài thứ lặt vặt, tôi không quên kèm một ít đồ ăn để chiều tối có cái nhâm nhi, lần đầu tiên từ ngày lên đây học mới bị ở lại chiều. Thôi kệ, coi như thay đổi không khí và xem quang cảnh nhà máy về đêm ra sao?

Hơn ba rưỡi tôi đã có mặt tại xí nghiệp, thay quần áo xong tôi ôm giỏ đồ lên phòng tráng men. Ca chiều có ba người: chị Năm Nảy là tổ trưởng của cả ba ca, chị Sắn và chị Yến ( hôm nay xin nghỉ và tôi vào làm thay ). Hai chị lăng xăng kiểm tra máy móc, vernis và bồn nước... tôi chỉ xớ rớ quanh quẩn bên hai chị chờ bị sai vặt.

Chừng năm giờ thì xong hết, máy chạy đều đặn, chẳng còn gì làm. Tôi trèo lên bệ cửa sổ nhìn ra sân. Khoảng một tiếng, tôi lại theo chị Năm hay chị Sắn, trèo lên cái thang sắt để lên tầng trên của giàn máy kiểm tra bồn nước, dây đồng đã bọc lớp vernis có bị lỗi hay không.... Thật ra làm trong xí nghiệp vận hành theo công nghệ dây chuyền và bằng máy móc, nếu không bị trục trặc kỹ thuật thì cũng khỏe lắm.

Sau bữa cơm chiều, ngoài trời đã tối thui, ba người bắc ghế tụm vào nhau ngồi nói chuyện. Chuyện đông chuyện tây rồi qua chuyện gia cảnh riêng tư, gần cạn đề tài thì bắt đầu có hơi hướm nói chuyện.... ma. Nghe thì sợ nhưng lại hấp dẫn vô cùng, đề tài này muôn đời không sợ ế.

Nhà chị Sắn ở phía sau nghĩa trang quân đội Biên Hoà, người ta hay đồn, đi đường ban đêm gần nghĩa trang thỉnh thoảng có một người lính vẫy tay xin quá giang, có người đi bộ lang thang trên đường.... Tôi trợn tròn mắt hỏi:

- Chị có dám đi bán đêm không? Đã bao giờ chị gặp ai chưa?

- Chị Sắn gan lắm em ơi, mười một mười hai giờ đêm chỉ chạy xe đạp một mình trên đường đó. Nè, chị kể cho con Dung nghe cái vụ chị bị ma rượt chạy té khói đi.

Chị Sắn cười ngất rồi kể:

- Bữa đó đi làm về, đạp xe tới gần nghĩa trang thì chị thấy hình như xa xa có bóng đen đang lúi húi bên đường, lúc đó đâu cũng hơn mười hai giờ đêm. Càng đến gần thì chị thấy rõ là có hai bóng đen lận, một bóng đang lom khom còn một hình như ngồi dưới mặt đường. Trời tối thui hà, không có ai khác ngoài chị và hai cái bóng đó. Sợ quá, chị cúi gầm mặt xuống dưới đường không dám nhìn, ráng hết sức đạp cho nhanh để vượt qua. Chắc nghe có tiếng xe đạp tới nên một cái bóng chạy ra giơ tay vẫy.

- Chị nói cúi mặt xuống sao biết họ có vẫy tay.

- Ấy, mày đừng cắt ngang, cúi mặt xuống nhưng vẫn liếc vì sợ. Thế là chị cắm đầu cắm cổ đạp, còn nghe tiếng đuổi theo bịch bịch phía sau, rồi nghe như có tiếng kêu văng vẳng nữa. Lúc đó mắt chị hoa lên, tai ù đi, cổ họng khô cứng, chị đạp một hơi về tuốt tận nhà, không dám ngoái đầu lại.

- Vậy mà chị còn đạp nổi xe về tận nhà?

- Còn nữa, chị vô nhà ngồi thở quá chừng, tay chân run lẩy bẩy, Má chị trong mùng nghe chị thở chạy ra hỏi chị bị gì, mà chị nói không ra tiếng luôn, làm Má chị sợ quá tưởng chị bịnh. Một hồi lâu mới hoàn hồn, chị kể Má chị nghe, lúc đó mặt Má chị còn xanh hơn mặt chị nữa. Rồi Má chị bắt chị ra thắp nhang bàn thờ ông bà khấn vái để đừng ai theo chị về nhà.

Hôm sau vừa mở cửa ra quét sân, bà hàng xóm thấy chị liền ghé sát hàng rào , cười cười hỏi " đêm qua mày bị ma rượt hả Sắn? ". Chị ngạc nhiên hỏi " sao dì biết?". Rồi hai ba người hàng xóm khác cứ nhìn chị cười cười, té ra có hai ông hàng xóm ở tuốt phía trong, cũng đi làm về khuya, xe bị hư, ngừng lại bên đường, thấy chị chạy ngang nên ngoắc lại. Từ hôm đó chuyện chị bị ma xin đi quá giang lan truyền cả xóm.

Cả ba người ngồi cười bò lăn bò càng. Rồi hai chị kể thêm vài câu chuyện ma, đại loại chỉ nghe truyền khẩu " tui nghe bạn tui kể hay Má tui kể hồi xưa.....", nhờ thế bay hết hộp me ngào to tướng mà hồi chiều tôi đem ra mời chị nào cũng lắc đầu nguầy nguậy.

Quay qua ngoảnh lại hết giờ ca hai. Chị Năm Nảy bảo tôi:

- Em xuống khu nhà nữ ngủ, sáng mai khi xe đón công nhân ca ngày lên tới xí nghiệp thì bác tài sẽ đưa em với các anh chị làm ca hai ca ba về.

Tôi ngơ ngác hỏi:

- Thế chị với chị Sắn ngủ ở đâu?

- Chị với chị Sắn ở ngay Biên Hoà, nên tự đi xe đạp về, không ngủ lại.

- Hai chị về hết bỏ em ở lại một mình hả? Em không dám xuống nhà ngủ một mình đâu.

- Có mấy chị bên tổ khác cũng ngủ lại mà, đâu có gì mà sợ.

Thấy tôi sợ quá, chị Sắn dẫn tôi xuống nhà nghỉ, chị chỉ tôi cái giường kê tuốt bên trong, chị nói tôi ngủ phía trong, mấy chị khác nằm giường bên ngoài, vậy là yên tâm. Nhưng ngồi hồi lâu tôi chỉ thấy lèo tèo mấy chị công nhân vào phòng, hỏi ra thì có mấy chị cũng ở quanh quẩn khu công nghiệp đã đạp xe về nhà mất tiêu.

Nhìn căn phòng khá rộng rãi mà có vài người ngủ lại, tôi vội vàng ôm hết túi đồ chuồn trở lại phòng tráng men, trong khu công xưởng dẫu sao người qua lại cũng nhộn nhịp hơn chỗ này, vắng lặng, tối thui và phía sau là bãi đất trống mênh mông.

Ca ba có bác Ba, Quân và chị Loan. Thấy tôi chui vào phòng tráng men, bác Ba ngẩng lên hỏi:

- Sao không ở dưới ngủ lại lên đây?

- Cháu vô đây ngồi chứ dưới đó vắng quá, cháu sợ.

- Ý, đâu có được nè, chỗ làm việc ai cho ngủ.

- Cháu thức được mà, sáng nay cháu ngủ đến mười một giờ trưa rồi.

Chị Loan nhìn tôi:

- Mới ở lại ban đêm lần đầu hả?

- Dạ, em mà biết chị Năm với chị Sắn đi về thì em không nhận lời làm ca hai đâu.

Không làm việc nên tôi lại trèo lên bệ cửa sổ nhìn ra sân. Hồi nãy lúc tôi lên đây chỉ lâm râm mưa, bây giờ mưa ngày càng lớn. Thức suốt đêm sẽ dài lắm nên tôi lôi quyển sách ra ngồi đọc, thỉnh thoảng rảnh tay, chị Loan cũng leo lên ngồi nói chuyện.

Đang đọc sách bỗng tôi thấy như có một tia sáng vừa quét qua lớp cửa kính, tôi trố mắt nhìn, trời tối thui. Tôi dụi mắt mấy lần rồi nhìn lại, đúng là tôi không nhìn lầm, có vài bóng đen đang đi chuyển, đúng hơn là họ đi chuyển trong tư thế ngồi xổm hay bò gì đó dưới mưa.

Lạnh sống lưng , tôi tuột dần xuống dưới và chạy ra níu lấy tay chị Loan, miệng lắp bắp:

- Ngoài kia ..... có mấy bóng đen.

- Ngoài nào?

- Ngoài sân, em còn thấy có ánh đèn nữa.l

- Mưa gió đùng đùng làm gì có ai ra sân, con nhỏ này sợ ma dữ vậy trời. Bác Ba cười nói.

- Cháu thấy thật mà.

Thằng Quân vội vàng trèo lên bệ cửa sổ nhìn ra một hồi, nó quay lại nói:

- Con cũng thấy nữa.

Mọi người vội vàng lôi ghế trèo lên nhìn ra, thằng Quân chỉ:

- Đó thấy không, có năm sáu bóng đen lận.

Bác Ba tụt xuống, chạy vụt ra khu phân xưởng, tôi đứng ở ngưỡng cửa nhìn ra, thấy bác nói chuyện với mấy anh nam công nhân một lúc rồi bác quay vào:

- Người chứ không phải ma cỏ gì đâu. Trời mưa nên cà cuống nhảy nhóc sân luôn, mấy người bảo vệ đang bắt ngoài đó. Ổng vô rủ rê mấy ông già bên máy kéo ra sân bắt cà cuống đó.

- Đi bắt cà cuống rồi ai coi máy chạy bác Ba?

- Mỗi tổ chỉ đi một người, mấy người khác ở lại coi máy.

Tôi nói:

- Má cháu thích ăn cà cuống lắm.

- Mở tủ trong góc kia kìa, có hai ba cái áo mưa, lấy luôn cái đèn pin treo trong tủ, ra mà bắt đi.

- Chắc Má cháu không biết ăn con cà cuống đâu, cháu thấy Má cháu mua cái hũ nhỏ xíu có vài giọt nước bên trong.

- Thì con cà cuống nó có giọt tinh dầu, về lấy ra, cháu bắt rồi hỏi cách làm, mấy ông già đang bắt ngoài kia họ biết làm hết đó.

Thằng Quân thấy tôi ngần ngừ nên lôi ra hai cái áo mưa và cái bao nylon, nó đưa cho tôi một cái bảo tôi mặc vào rồi quay lại nói với bác Ba:

- Con cũng muốn ra bắt thử, con đi chút xíu nha.

Tôi vội vàng mặc cái áo mưa rồi chạy lúp xúp theo thằng Quân. Ra tới ngoài sân cảnh tượng vui mắt lắm, có hai ông bảo vệ, ba ông công nhân già và một chị công nhân đang ngồi xổm, một tay rọi đèn pin một tay chụp cà cuống hoặc một người rọi đèn thì người kia bắt. Thằng Quân đưa cái đèn cho tôi bảo tôi rọi xuống mặt sân để nó bắt.

Mưa tầm tã nên tôi chỉ thấy những con nhỏ nhỏ, nâu nâu như con gián nhảy lưng tưng khắp sân. Mấy bác công nhân nói nhau, ráng bắt cho nhiều, không phải lúc nào mưa cũng có cà cuống nhảy ra.

Hơn nửa tiếng thì đầu tóc tôi bắt đầu ướt và nước nhỏ tỏng tỏng xuống cổ, xuống vai. Thấm lạnh tôi gọi thằng Quân đi vào, vậy chứ bắt cũng được một bao khá nhiều. Thằng Quân kiếm đâu ra cái thùng nhựa, nó trút hết cà cuống vào rồi đục vài cái lỗ. Cả phòng không ai biết ăn cà cuống nên tôi lấy hết.

Sáng hôm sau tôi đem về nhà, hé mở cái nắp thấy một bầy nâu xì, Má tôi sợ quá, giẫy nẩy lên hét bảo tôi mang vứt.

- Ở đâu mà mang về mấy con của nợ này, hết chuyện hay sao lại tha gián về nhà.

Tôi đính chính lia lịa:

- Con cà cuống mà.

- Cà với lại chả cuống, ăn tầm bầy không khéo lại á khẩu đấy. Bưng đi xa xa mà vứt, để nó sinh con đàn cháu đống thì chết.

- Mấy bác công nhân có chỉ con cách lấy tinh dầu của nó nữa, con ngửi thử rồi, hắc y chang cà cuống Má vẫn ăn mà.

- Lấy làm sao?

- Má cầm từng con lật ngược cái bụng nó lên, lấy cái que chọt dưới bụng gần cái chân nó, thấy hai túi nhỏ xíu thì móc ra, tinh dầu nằm trong đó.

- Chịu thôi, đang sống sờ sờ ra đó, ai mà dám bóp bụng nó, ác lắm.

- Con cũng chỉ nghe mấy bác ấy chỉ thôi chứ cũng chưa dám làm thử. Mà con biết đem đi đâu vứt bây giờ?

- Đi tìm chỗ nào có cây cỏ rậm rạp. À, cuối đường có nghĩa địa đấy, đem ra đó thả đi.

Tôi nhớ đến chuyện chị Sắn vừa kể tối qua, giẫy nẩy lên không dám đi. Nói thế chứ Má cũng sợ, đâu mà tự nhiên đi ngang đó rồi thả cả bầy ra, nó mà bay tán loạn thì chết với cả xóm. Nghĩ một lúc Má bảo:

- Ngày mai đi làm đem trở lên xí nghiệp cho mấy người hôm qua bắt đi.

- Trời, con lại xách cái thùng nhựa này đi nghêu ngao trở ngược lên Biên Hoà?

Bà Tư hàng xóm đang phơi quần áo nghe hai Má con tôi kỳ kèo qua lại, bà hỏi với sang:

- Chuyện gì vậy cô Ngọc?

- À, con nhãi này xách về một thùng, nói là con cà cuống, tôi bảo nó đem đi thả mà nó sợ.

- Đâu, cô đưa tui coi.

Bà Tư hí cái nắp, nhìn một hồi bà cười nói:

- Chết hết rồi, còn nhúc nhích đâu mà thả. Bỏ thùng rác đi.

Hôm sau lên xí nghiệp, tôi kể cho mấy chị công nhân nghe vụ con cà cuống, đa số dửng dưng, chỉ có vài chị chắc lưỡi hít hà:

- Lấy tinh dầu nó ra rồi ướp cả con vào hũ muối, ngon hết biết luôn. Phí của trời.

 

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1774409