Suel Jones và tượng Phật trong tiệm cafe Side Street
Vài năm trước, cựu nhân viên cơ khí của hãng dầu BP Suel Jones yêu thích bức tượng Phật làm bằng đá cẩm thạch nặng 700 pounds (315kg) mà ông thấy tại khu vực núi Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng, Vietnam.
Ông nói: "Tôi nhìn bức tượng chăm chú, tôi không thể giải thích tại sao tôi thích, có lẽ là nét mặt, có lẽ là kết cấu, nhưng tôi nói với người bán tôi muốn bức tượng đó".
Nhìn bức tượng là gợi nhớ lại quãng thời gian ông còn là một Thủy Quân Lục Chiến trẻ tuổi tại Vietnam, một kinh nghiệm hãy còn dằn vặt ông. Ông nhớ lại một ngày 40 năm trước, khi ông và những Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ xuống làng Cam Lộ.
Ông nói: "Có một ngôi chùa nhỏ nằm đó, tan tành do lửa đạn".
Nhưng trong cảnh điêu tàn, ông thoáng thấy một pho tượng Phật, ngồi điềm nhiên vững chãi chung quanh bao đổ nát. Nó làm ông nghĩ đến cách thức chiến tranh nghiền nát mọi thứ ở Vietnam, từ con người cho đến phong tục tập quán xa xưa.
Pho tượng Phật bằng đá cẩm thạch trắng nhìn quen thuộc. Có một cái gì đó trong nụ cười của bức tượng, như thể Đức Phật ở ngôi chùa đổ nát của 40 năm trước đã trở lại với ông. Ông chợt giác ngộ ra điều ông không cảm thấy được lúc trước.
Ông mua pho tượng với giá 500 đô la, nhưng phải trả hơn gấp đôi số đó để chở về Alaska. Ông dự định đặt pho tượng trong khu vườn của căn chòi gỗ ở Glacier View, trên xa lộ Glenn cách Anchorage 100 dặm. Khi pho tượng được giao tới Alaska, ông để pho tượng đàng sau xe truck và lái lòng vòng Anchorage vài ngày. Nơi nào ông đến, pho tượng cũng gây xôn xao. Người ta xúm lại xem, ngay tại ngã tư đèn đỏ hoặc trạm xăng. Ai cũng tò mò.
Ông nói: "Họ xuống xe, đi lại đàng sau xe truck của tôi, sờ tay vào pho tượng".
Ông lái xuống tiệm cafe Side Street Espresso ở trung tâm thành phố, nơi ông là khách hàng thường xuyên, để khoe với 2 chủ tiệm là George Gee và Deb Seaton. Seaton nghĩ là pho tượng thuộc về một bảo tàng viện.
Seaton nói : "Tôi muốn rơi nước mắt. Pho tượng đẹp hùng tráng".
Jones bắt đầu đổi ý, có lẽ không nên để pho tượng ở cái vườn xa vắng đó. Lý do vì ông chỉ ở Glacier View có nửa năm, nửa năm còn lại ông về Vietnam, cùng các cựu chiến binh khác làm việc từ thiện như phá gỡ mìn, xây vườn chơi trẻ em, v.v. Ông quyết định bán pho tượng, dùng tiền đó cho công tác từ thiện tại Vietnam. Gee và Seaton nói ông bày bán pho tượng ở tiệm cafe của họ.
Phải dùng xe xúc (forklift) mới đưa pho tượng từ vườn trở lại xe truck của Jones, nhưng rồi lúc đến tiệm cafe thì lại không có xe xúc để đưa xuống, Jones phải nhờ bạn bè khiêng xuống. Nhưng cũng chỉ có thể đặt xuống đất trước cửa tiệm, còn đưa vào trong thì chịu chết, vì pho tượng quá nặng (700 pounds).
Lúc đó thì một số người lái xe môtô Harley Davidson chạy ngang. Những người này to lớn vạm vỡ, mặc áo da, đúng là dân lái môtô. Bức tượng Phật làm họ chú ý. Họ xuống xe và đồng ý giúp.
Jones nói : "Họ nhấc nó lên và đặt vào trong tiệm dễ như không".
Từ đó pho tượng ngồi trong góc tiệm cafe, giữa cái tủ lạnh và cái bàn có bàn cờ ở trên mặt. Hai năm trời trôi qua.
Jones nói : "Không ai mua cả. Có lẽ pho tượng không muốn dời đi"
Nhưng khách hàng thường xuyên của Side Street cafe yêu pho tượng. Họ khẽ đập tay vào nếp áo cà sa của Đức Phật. Bờ vai của tượng bị ố mờ vì đầy dấu tay. Người ta đem hoa và nến bày chung quanh tượng.
Tôi hỏi Jones là theo ông, cái gì làm cho người ta yêu mến tượng Phật ? Jones nói : "Nước Mỹ chúng ta đang trải qua nhiều sóng gió. Kinh tế. Chính trị phân hóa. Quá nhiều cựu chiến binh trở về từ hai trận chiến tranh, đang suy tìm ý nghĩa cuộc đời"
"Cái gì đem lại cảm giác bình an và đơn độc là chúng ta thèm muốn"
Gee thức dậy sớm để vẽ chân dung và viết quảng cáo món ăn món uống đặc biệt trong ngày lên tấm bảng trắng của tiệm. Ông ta đã quen thuộc với cảm giác Đức Phật có mặt với ông ở những giờ phút sâu lắng nhất trong ngày. Tiệm cafe luôn luôn có năng lực riêng của nó. Pho tượng hết sức hòa hợp với môi trường của tiệm.
Ông nói: "Pho tượng có phẩm chất thần bí". Cái phẩm chất đã khiến cho những người lái xe moto phải dừng lại. Cái phẩm chất khiến Jones phải thuê chở 700 pounds đá cẩm thạch đi về bên kia quả địa cầu.
Tháng trước, có người chịu mua. Tin lan nhanh trong khách hàng thường xuyên là tượng sẽ không còn trong tiệm nữa. Hai tuần trước, một khách hàng mở bóp trả tiền cafe nhưng trả luôn 3,000 đô la cho pho tượng. Điều kiện: mua nhưng pho tượng vẫn nằm trong tiệm cafe.
Jones đồng ý. Pho tượng ở lại trong tiệm còn 3,000 đô la bay về Vietnam cho việc từ thiện.
"Tôi ngạc nhiên, nhưng rồi tôi hiểu ra. Người mua tượng muốn chia xẻ pho tượng với mọi người".
Thế là pho tượng vẫn còn đấy, không phải trong chùa, nhưng là trong tiệm cafe ở G Street, Anchorage, Alaska, nhìn khách hàng xếp hàng chờ mua lattes, đọc điện thoại di động với khuôn mặt thanh đối và nụ cười bình an thân thuộc.
© Hoàng Hải Hồ, dịch từ "From Another World, An Icon Moves To G Street", của Julia O'Malley, Anchorage Daily News.