Charlotte Brontë: Jane Eyre

 

Nhân loại ngày nay thừa hưởng không ít những tác phẩm văn học thường được gọi là kinh điển. Chúng là những công trình trước tác của nhiều thiên tài thuộc nhiều dân tộc, và từ khi tác phẩm ra đời cho đến nay, trải qua nhiều thế hệ người đọc, vẫn không phai nhạt giá trị nghệ thuật lẫn nhân sinh. Dù trải qua nhiều thử thách và những biến đổi ý thức hệ, lịch sử, chính trị, xã hội, v.v., chúng vẫn không hề có dấu hiệu chìm vào quên lãng. Nếu cần, chúng ta có thể liệt kê vài cuốn tiêu biểu như Don Quixote của văn hào Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, hay cuốn Chiến Tranh Và Hòa Bình của văn hào Nga Lev Tolstoy, hay cuốn Những Người Khốn Khổ của văn hào Pháp Victor Hugo. Chúng là gia sản văn hóa chung muôn đời của tất cả chúng ta, không riêng một ai, và đóng góp một phần không nhỏ vào đời sống tinh thần của mọi sắc dân trên thế giới.

Trong số những kiệt tác ấy, có cuốn Jane Eyre của nữ sĩ Charlotte Brontë. Khi mới ra mắt công chúng khoảng giữa thế kỷ XIX nó đã gây trận cuồng phong trên văn đàn dù tác giả là người phụ nữ không danh tiếng, không địa vị, không tiền bạc, thậm chí phải dùng bút danh đàn ông để tránh thiên kiến không mấy tốt đẹp của các nhà phê bình và người đời lúc đó. Từ lúc ra mắt người đọc cho đến tận ngày nay cuốn sách vẫn chiếm chỗ đứng cao quý trên kệ sách của người yêu thích văn chương, được đưa vào giáo trình các trường trung, đại học, và đặc biệt được dựng thành phim, kịch – thậm chí nhạc kịch Broadway – không biết bao nhiêu lần mặc dù người ta thuộc nhẵn tình tiết cốt truyện. Điểm sau cùng này quả là sự kiện kỳ thú hiếm thấy ở các tác phẩm kinh điển khác, chứng tỏ cốt truyện có sức thu hút lạ lùng, được công chúng khắp nơi trên thế giới yêu thích đến độ say mê. (Phim Jane Eyre đầu tiên xuất hiện năm 1943 do hai tài tử Hollywood lừng lẫy thuở đó là Joan Fontaine và Orson Welles thủ diễn vai chính; phim gần đây nhất trình chiếu năm 2011 do đạo diễn Cary Fukunaga thực hiện. Giữa hai thời điểm đó, chí ít có hàng chục bộ phim khác kể cả phim tập làm cho màn ảnh nhỏ; theo tôi thì bộ phim tập trình chiếu trên kênh truyền hình BBC năm 1983 do hai tài tử Zelah Clarke và Timothy Dalton thủ diễn vai chính là đặc sắc và trung thực với tác phẩm tiểu thuyết hơn cả.)

Một cuốn sách có chỗ đứng trên tượng đài văn học kỳ vĩ suốt bấy nhiêu năm và được người đọc xưa cũng như nay mến mộ như thế, và nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charlotte Brontë, công ty sách Nhã Nam (Hà Nội) vừa cho ấn hành một bản dịch Jane Eyre mới. Thiết tưởng nên có đôi lời về tác phẩm.

 

Bối cảnh

 

Trong cuốn Căn phòng riêng, tiểu thuyết gia Anh Virginia Woolf (1882-1941) trách Charlotte Brontë đã trút sự phẫn nộ của mình quá nhiều vào tác phẩm Jane Eyre. Trước đó thi sĩ kiêm nhà phê bình văn hóa Matthew Arnold (1821-1888) cũng gọi tác phẩm là đầy tính “nổi loạn và phẫn nộ.” Thế nhưng nếu căn cứ vào câu văn nổi tiếng nhất trong tác phẩm, ở chương cuối, “Thưa độc giả, tôi đã kết hôn với ông Rochester,” thì chúng ta thấy đây là một tác phẩm tiểu thuyết “có hậu” và nó ám chỉ một hình thái kết cấu tiểu thuyết bảo thủ khá phổ cập suốt thời kỳ văn học Victoria ở Anh quốc: Sau những chia lìa đau khổ, sau những trắc trở gian truân, nhân vật chính diện của tiểu thuyết bao giờ cũng được đền bù xứng đáng với hạnh phúc trọn đời. Sự thực là, từ hai xu hướng nhận định có vẻ trái ngược trên, chúng ta có thể rút tỉa ra không ít những mâu thuẫn thú vị. Thật lạ lùng khi một tác phẩm được nhận định cùng lúc là “đề cao nữ quyền” và “chống nữ quyền”; cùng một cuốn sách, người bảo “cấp tiến” kẻ khác kêu “bảo thủ,” người khen “độc sáng” kẻ khác chê “phái sinh sao chép,” người gọi “lãng mạn” kẻ khác bảo “quá nghiêm khắc theo tinh thần Victoria.” Vân vân.

Tuy có khác nhau về nhận định, nhưng hầu hết đều đồng ý, Jane Eyre là một cuốn tiểu thuyết chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, ngôn ngữ phong phú, tình tiết nhiều kịch tính được biểu hiện bằng một phong cách văn học mạnh mẽ, táo bạo. Ngay cả vào thời điểm cuốn sách ra mắt công chúng lần đầu năm 1847, giới phê bình và người đọc lúc đó đã sớm nhận thức đây là cuốn sách khác thường, một cuốn tiểu thuyết về phụ nữ của một nhà văn phụ nữ được viết với tất cả phong cách khai phóng trong ngòi bút mà cho đến thời điểm đó chỉ thấy ở những tác giả phái nam. Tác giả đã can đảm vượt qua đường biên lễ giáo khắc nghiệt của xã hội Anh dưới triều đại nữ hoàng Victoria để trải bày tâm hồn và sự đam mê của người phụ nữ, chối bỏ vai trò phụ nữ tùy thuộc vào đàn ông, phê phán tính đạo đức giả của những kẻ mệnh danh đại diện tôn giáo, phê phán cả những tệ đoan của xã hội tư bản sau cuộc cách mạng kỹ nghệ thế kỷ XIX đã đưa nước Anh lên hàng cường quốc. Tất cả những điều này hình như vi phạm nặng nề nền nếp suy nghĩ của giới trí thức cũng như đại chúng đương thời khiến có không ít tiếng nói phản bác nổi lên gọi cuốn tiểu thuyết bằng những ngôn từ gay gắt như, nó là mối “nguy hại cho nền lễ giáo đoan chính,” hoặc những ngụy luận tương tự nhằm bảo vệ mặt tiêu cực của cái thành trì status quo phong kiến, hủ lậu và khập khiễng từ muôn đời trước.

Virginia Woolf nói rất rõ trong tập tiểu luận Căn Phòng Riêng xuất bản năm 1929: Trước thế kỷ XX, trong xã hội phương Tây, không có chỗ đứng cho người phụ nữ viết văn. Không ai xem trọng thơ văn phái nữ. Đàn bà có chút thiên tư dùng ngòi bút diễn tả tâm tư mình, ngay tức khắc, sẽ bị dán lên người nhãn hiệu con mụ điên, thậm chí, con mụ phù thủy già nua xấu xí sống trong ngôi nhà ma quái nơi bìa rừng bị mọi người ghê tởm, lánh xa! Người đàn bà viết văn, làm thơ là người chịu đựng không những mọi bất công của xã hội tỏa chiết lên đầu lên cổ mà còn chẳng bao giờ có đời sống gia đình bình thường, “bởi lúc nào bà cũng phải sống trong tình trạng căng thẳng thần kinh và tiến thoái lưỡng nan, một tình trạng có thể dẫn đến cái chết.” Hậu quả khó tránh là bà sẽ chết tức tưởi và thân xác bà bị vùi chôn trong nấm mồ vô danh nào đó ngoài đồng nội.  “.Giả sử bà không chết, nhưng ngay cả thế, những gì bà viết cũng sẽ bị bóp méo và biến dạng, kết quả của những trí tưởng tượng lệch lạc và bệnh hoạn.”

Thành kiến này ăn sâu trong nếp nghĩ của mọi người đến nỗi ba chị em nhà Brontë đã phải dùng bút danh đàn ông – Currer (Charlotte), Ellis (Emily) và Acton (Anne) Bell – khi xuất bản thơ văn của mình. Nhưng việc làm bất đắc dĩ này lại trở nên hào hứng và thú vị khi công luận và báo chí bàn tán xôn xao về bút danh của ba chị em. Sự tiết lộ tính danh thật của ba người sau đó chỉ làm ồn lên câu hỏi: Làm thế nào ba người phụ nữ bình thường sinh trưởng trong một gia đình mục sư nền nếp tại vùng đồi núi hẻo lánh xa xôi (Yorkshire) lại có thể viết được những tác phẩm với cảm xúc dữ dội, tàn bạo đến vậy? Cuốn Agnes Grey của Anne và cuốn Wuthering Heights (Đồi gió hú) của Emily được nhà Thomas Cautley Newby xuất bản trước cuốn Jane Eyre vài tháng. Đừng quên Emily và Anne cũng là hai tác giả gây tiếng vang không nhỏ với tác phẩm của mình. Sự hiếu kỳ của đại chúng cộng thêm trò thổi phồng của các ký giả thích loan tin giật gân đã khiến chẳng những ba chị em mà cả gia đình Brontë trở nên huyền thoại.


Tài hoa mệnh bạc


Người cha trong gia đình là mục sư Patrick Brontë (nguyên thủy là Brunty). Ông mở mắt chào đời tại Ireland trong một gia đình nông dân nghèo khổ và có lẽ không ai trong nhà được ăn học ngoại trừ cậu trai Patrick thông minh. Năm 16 tuổi Patrick đã là thầy giáo và sau đó được nhận vào Cambridge học để trở thành mục sư, một thành tựu không tầm thường cho một người Irish nghèo. Năm 1812 ông kết hôn với cô Maria Branwell, một thiếu nữ sùng đạo và đến năm 1820 hai người có cả thảy sáu mặt con: Maria, Elizabeth, Charlotte, Patrick Branwell, Emily và Anne. Khi cô gái út Anne chưa tròn hai tuổi, Maria Branwell Brontë bị ung thư và qua đời sau một thời gian dài đau đớn trên giường bệnh. Dì Elizabeth Branwell của sáu đứa bé dọn vào ở hẳn với gia đình để chăm sóc các cháu còn thơ dại, ngay sau đó bốn cô con gái lớn được gửi vào trường nội trú Cowan Bridge. Trường học này, do mục sư William Carus-Wilson quản nhiệm, là một cơ quan giáo dục thành lập để dạy dỗ con gái các mục sư nghèo. Carus-Wilson chính là nhân vật Brockle-hurst trong Jane Eyre, và trường Cowan Bridge chính là Lowood, nơi Jane theo học sau khi giã từ dinh Gateshead. Như Lowood được miêu tả trong truyện, Cowan Bridge là một ngôi trường với những kỷ luật khắt khe đến độ phi lý, cuộc sống thiếu thốn mọi bề, và các em nữ sinh bị gò ép trong một nền giáo dục giáo điều cứng nhắc. Mục sư Carus-Wilson tin tưởng một cách mù quáng là để cứu rỗi linh hồn, các em nữ sinh phải được uốn nắn theo tinh thần tôn giáo và luân lý triệt để. Kết quả, lưới hái tử thần càn quét trường học, hai cô gái lớn Maria và Elizabeth được cho về nhà khi bệnh lao phổi đã chuyển sang giai đoạn nguy kịch; hai cô chết ở nhà. (Thời ấy bệnh lao phổi tương tự như ung thư phổi thời nay, kẻ mắc bệnh hiếm ai thoát khỏi cái chết.) Charlotte và Emily thoát chết nhờ kịp thời về nhà, nhưng cái chết của hai người chị đã gây mối thương cảm đau xót sâu xa trong lòng Charlotte, nhất là chỉ một thời gian ngắn sau cái tang của mẹ. Charlotte hay nói về người chị cả Maria như một cô gái tư chất hơn người, thông minh xuất chúng, một thần đồng ở tuổi mười một non nớt. (Theo bà nhà văn Elizabeth Gaskell, người viết tiểu sử Charlotte Brontë sau này, thì Maria chính là nhân vật Helen Burns trong Jane Eyre.)

Kế tiếp là thời kỳ độc đáo đến lạ lùng trong cuộc sống của chị em nhà Brontë. Bốn đứa trẻ – không hơn không kém, bởi ngay cả Charlotte, người chị lớn nhất lúc này, cũng mới chỉ là cô bé gái lên mười – tự học ở nhà, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, và bởi không biết làm gì để chơi đùa tiêu khiển hằng ngày, bọn trẻ quay ra làm văn thơ! Bốn cô cậu hợp tác viết kịch, truyện dã sử, thơ và tự đóng bìa những cuốn sách be bé xinh xinh cất giữ trong nhà. Đây cũng là thời gian Charlotte tìm đọc những tác phẩm kinh điển của văn học Anh: William Shakespeare, John Bunyan, John Milton, Sir Walter Scott, thi ca của các thi sĩ Lãng mạn thế kỷ XIX, và dĩ nhiên Kinh Thánh. Trong Jane Eyre, chúng ta bắt gặp rất nhiều trích dẫn từ các danh phẩm của các danh hào kể trên bên cạnh các văn thi sĩ khác; và đặc biệt Kinh Thánh luôn luôn là nguồn trích ngôn phong phú, gần như mỗi chương sách đều có.

Thế giới thần tiên của bốn cô cậu trẻ chẳng bao lâu chấm dứt bởi vì cuộc sống tương lai đòi hỏi phải có giáo dục và bằng cấp. Năm 1831, ở tuổi mười lăm, Charlotte được gửi vào học tại trường Roe Head. Tại đây do mặc cảm thiếu nhan sắc và quê mùa, Charlotte cảm thấy không thoải mái. Tuy vậy sau bốn năm học hành, từ 1835 đến 1838, Charlotte trở thành giáo viên dạy học trong trường, và từ 1839 đến 1841 trở thành nữ gia sư trong các gia đình quyền quý. (Rất giống tình cảnh của Jane tại Lowood và Thornfield; khi viết về quãng đời này của Jane, có lẽ Charlotte đã thuật lại những chi tiết thật đời mình.) Trong xã hội nước Anh nửa đầu thế kỷ XIX, một phụ nữ xuất thân từ gia cảnh nghèo khó như Charlotte chỉ có thể đạt đến mức độ như thế trong phạm vi nghề nghiệp. Thêm nữa, Charlotte đã khổ sở không ít vì thiên kiến xã hội không mấy thuận lợi và tốt đẹp về phụ nữ làm văn thơ, cuộc sống cực nhọc không có thời gian viết cũng khiến bà chán nản cùng cực. Người ta tìm thấy những dòng chữ như sau trong nhật ký của Charlotte:

… Tất cả những ngày tháng này tôi ở trong tâm trạng nửa khổ sở nửa mê hoảng, khổ sở vì chẳng bao giờ tôi có thể làm xong việc gì mà không bị quấy rầy, gián đoạn; và mê hoảng vì hỏa ngục hiện lên như một thực tại rực sáng trong trí não tôi.

Điều gì đã khiến một thiếu nữ hai mươi tuổi bảo là mình như thất lạc trong “miền đất tư tưởng thánh hóa chưa từng thấy bao giờ.” Phải chăng đấy là cảm xúc phẫn nộ, tâm trí nổi loạn của con người trước nghịch cảnh, trước xã hội phi lý và bất công? Nên nhớ trong xã hội thời đó gia sư là cái nghề lương thấp, làm việc quần quật suốt ngày và bị bạc đãi như gia nhân. Cả ba chị em nhà Brontë đều thử qua nghề dạy học và chẳng ai thành công. Gia đình chỉ còn biết đặt hy vọng vào Branwell, cậu con trai duy nhất. Branwell học nghề vẽ chân dung nhưng không đi đến đâu, rồi lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề nghiệp khác mà vẫn đói kém. Cuối cùng cậu lâm vào con đường nghiện ngập rượu chè, thuốc phiện và chết trẻ trong ô nhục. Cái chết của người con trai là tấn thảm kịch cho gia đình vì ông mục sư kỳ vọng nhiều vào cậu. (Những bức phác họa chân dung Branwell vẽ bà chị và hai cô em gái nữ sĩ của mình chỉ thuộc hạng a-ma-tơ nhưng sau khi ba chị em nổi tiếng như cồn, chúng được in đi in lại trên sách vở viết về ba người, một điều an ủi cho linh hồn cậu.) Cái chết của người em trai có nhiều điểm tương tự John Reed, người anh họ của Jane trong Jane Eyre. Thêm lần nữa cho thấy Charlotte đã đem bi kịch gia đình vào tác phẩm.

Charlotte tha thiết muốn theo đuổi nghề văn. Năm 1837 bà thu hết can đảm biên thư cho thi sĩ Robert Southey (1774-1843), kèm theo một số thơ mới sáng tác của mình, xin thi sĩ “soi sáng” giùm con đường văn chương. Thư hồi đáp của Southey là một “huyền thoại” được truyền tụng đến ngày nay:
… Văn chương không thể là công việc trong đời sống người phụ nữ, và không nên biến nó thành như thế. Người phụ nữ càng lo toan chu toàn những bổn phận chính đáng của mình càng giảm bớt thời gian nhàn rỗi suy nghĩ chuyện thơ văn, cho dù chỉ để đạt đến một thành tựu nào đó và giải khuây. Vẫn chưa có ai kêu gọi cô chu toàn những bổn phận ấy, và khi tiếng gọi ấy cất lên cô sẽ bớt háo hức kiếm tìm danh vọng.

Charlotte phúc đáp ông thi sĩ như sau:
… Tôi thú nhận vào buổi tối tôi có nghĩ ngợi này nọ, nhưng không bao giờ tôi gây phiền nhiễu cho ai với những điều mình suy nghĩ... Tôi luôn cố gắng chẳng những quan sát tường tận tất cả những bổn phận người phụ nữ phải chu toàn, mà còn dốc tâm trí mình vào những công việc đó. Không phải lúc nào tôi cũng thực hiện một cách đúng đắn, bởi đôi khi trong lúc dạy học hay may vá tôi ước ao được đọc sách và viết; nhưng tôi cố tự chối bỏ mình... Một lần nữa xin cho tôi cảm ơn ngài đã có lời khuyên chân thật. Tôi tin là tôi sẽ không bao giờ có tham vọng nhìn tên tuổi mình in trên mặt giấy; giả sử có lúc nào đó tham vọng ấy nổi lên thì tôi sẽ lấy ra đọc lại lá thư của ngài và kềm hãm nó lại.

Qua lời lẽ trong thư phúc đáp của Charlotte, chúng ta không khó khăn nhìn ra sự cay đắng và phẫn nộ trước thành kiến khó gột rửa của người đời. Khi viết Jane Eyre, Charlotte đã không che giấu cảm xúc bức bối ấy của mình, bà khẳng định giá trị tính cách độc lập và vị trí người phụ nữ trong đời sống bên ngoài phạm vi gia đình. Cuốn sách nêu ra các luận điểm về vai trò phụ nữ trong xã hội mà mãi gần nửa thế kỷ sau mới bắt đầu được bàn tán sôi nổi để châm ngòi cho trào lưu “Nữ quyền” như chúng ta biết ngày nay. Về điểm này, Jane Eyre quả đã đi trước thời đại rất nhiều.

Tất cả nhờ lá thư của ngài thi sĩ Southey!

Năm 1842 Charlotte và Emily sang Brussels, thủ đô nước Bỉ, theo học tại Pensionnat Héger với hy vọng bổ túc kiến thức chuyên môn (như Pháp văn) để về quê nhà mở trường dạy học. Mặc dù việc mở trường sau khi về nước là một thất bại (không một học sinh nào ghi danh), thời gian lưu trú ở lục địa đã ảnh hưởng sâu sắc lên tâm hồn và trí lự hai chị em, nhất là Charlotte. Tại đây Charlotte yêu người thầy của mình, ông Constantin Héger, một người đã có vợ. Và phải chăng Charlotte đã dàn trải tâm sự đau đớn của mình qua mối tình của Jane với ông Rochester? Dầu sao chăng nữa, sau mấy năm học hành, chị em trở về đoàn tụ cùng gia đình ở Haworth, và với trí lực sung mãn, tâm hồn sôi động, họ nhất quyết đi vào con đường làm văn.

Năm 1846, Charlotte khám phá ra những bài thơ của Emily giấu trong ngăn kéo. Ba chị em dùng bút danh nam Currer, Ellis và Acton Bell cùng xuất bản một tập thơ. Thoạt đầu Emily không chịu in thơ mình nhưng bị Charlotte thuyết phục mãi, cả quyết giá trị nghệ thuật những bài thơ, nên nhận lời tham gia. Tập thơ xuất bản, trước sau bán được vỏn vẹn hai cuốn, nhưng ba chị em không nản lòng. Mùa hè năm 1847, vẫn ẩn giấu dưới những bút danh xa lạ kia, Emily tung ra cuốn Wuthering Heights (Đồi gió hú); và Anne, cô em út trong nhà, không chịu kém thua chị mình với cuốn Agnes Grey (kể chuyện một cô giáo nghèo). Charlotte chậm chân hơn một chút, phải đợi đến mùa Giáng  Sinh năm đó mới xuất bản Jane Eyre.

Ba cuốn sách tuyệt hay ra mắt cách nhau vài tháng là một biến cố văn học hiếm có dù là ở thời đại nước Anh sản xuất ra lắm bậc vĩ nhân. Tuy vậy không người nào biết tác giả thật là ai, và ai nấy ngơ ngác nhìn nhau rồi xôn xao bàn tán. Người bảo tác giả không phải là đàn ông (rất đúng), người quả quyết ba “anh em” ấy thật ra chỉ là một người (sai bét). Ba chị em giấu kín tung tích mình đến nỗi ngay cả người thân trong nhà và bạn bè xung quanh cũng không hay biết. Cho đến khi có kẻ tung tin đồn rằng tác giả Jane Eyre là nữ gia sư trong gia đình văn hào William Makepeace Thackeray (1811-1864) thì sự việc mới bắt đầu được soi sáng. Thackeray là một tiểu thuyết gia lừng lẫy thuở đó, ông nổi tiếng với nghệ thuật châm biếm, viết cuốn Vanity Fair (Hội chợ phù hoa), cũng thuộc loại kinh điển, nói lên cái phù phiếm, ruỗng nát cùng thói đạo đức giả của giới quý tộc thượng lưu nước Anh lúc đó. Charlotte mến mộ văn chương ông nhà văn này lắm, và mặc dù không quen biết, với ấn bản thứ hai của Jane Eyre, bà đã đề tặng cuốn sách cho ông với lời lẽ hết sức trân trọng. Trước đó, ông nhà văn cũng có lời lẽ tán dương cuốn sách, trong đó có đoạn nói ông đã chảy nước mắt khi đọc những đoạn viết về tình yêu. Vợ ông nhà văn mắc bệnh tâm thần. (Sao giống Bertha, vợ ông Rochester trong truyện đến thế? Chắc hẳn có kẻ xấu mồm độc miệng đặt câu hỏi này.) Vì thế mới có những lời thêu dệt đồn đại vô cùng độc ác về gia thế và cuộc đời tác giả Jane Eyre. Bởi sống tách biệt với thế giới bên ngoài, những lời lẽ không mấy đẹp ấy mãi về sau mới lọt đến tai Charlotte và bắt buộc bà phải bạch hóa mọi chuyện để tránh tiếng xấu cho gia đình Thackery. (Thời đó, quần chúng mê đọc những “tin nóng” về đời tư văn nghệ sĩ như ngày nay chúng ta bỏ cả giờ mỗi ngày lên mạng đọc những chuyện “giật gân” hết sức tào lao và vô bổ của các ca sĩ nổi tiếng, siêu sao màn bạc, cầu thủ bóng đá, vân vân.)

Bên cạnh những điều phù phiếm ấy, chị em nhà Brontë nhận được khá nhiều lời khen chê từ giới học giả và phê bình. Nói chung, ít ai quan tâm đến cuốn sách mỏng của cô út Anne, nhưng mọi người có vẻ gay gắt, thậm chí phẫn nộ, với cuốn Wuthering Heights của Emily, đa số lên án cuốn sách là vô luân. Riêng Charlotte thì may mắn hơn. Nhà phê bình uy tín nhất thời đó, ông George Henry Lewes, xem Jane Eyre là một chuyện tình “lạ lùng” nhưng viết tiếp, “Đã lâu lắm rồi không có cuốn sách nào khiến mắt chúng ta được thỏa mãn như thế khi đọc.” Nhà văn Thackeray không tiếc lời ca ngợi, trong thư gửi cho nhà xuất bản ông bảo ông không buông cuốn sách xuống được. Nhưng người chê cũng lắm, điển hình là Lady Eastlake viết trên tờ Quarterly Review số tháng Chạp năm 1848. Sự chê bai phần lớn dựa trên quan điểm luân lý khắc nghiệt vốn là nền tảng văn hóa dưới triều đại nữ hoàng Victoria, tính cách vô luân trong tác phẩm bị đem ra công kích dữ dội. Họ cũng chê nội dung câu chuyện thiếu sự nhất quán và tính thuyết phục. Và nhân vật phụ nữ chính diện thì quá “nổi loạn” đến nỗi không có đủ tiết hạnh cần thiết cho một “mẫu mực phụ nữ đoan chính trong xã hội.” Lady Eastlake cũng bảo đấy là một cuốn sách “thiếu nữ tính” và khẳng định tác giả nó phải là nam giới. Bà nói thêm nếu tác giả là nữ giới thì đấy là người đàn bà “hoàn toàn chối bỏ tập thể xã hội những người cùng giới tính với mình.”

Không rõ ba chị em phản ứng ra sao trước búa rìu dư luận, nhưng chắc chắn sự đau buồn vô tả đã đổ ập xuống mái nhà Haworth với cái chết của cậu con trai Branwell và ngay sau đó, Emily rồi Anne cũng lần lượt qua đời vì lao phổi. Cả nhà sáu người con chỉ còn mỗi Charlotte sống sót ở lại dương thế chăm sóc người cha già trong cô độc. Càng buồn Charlotte càng viết hăng. Hai cuốn tiểu thuyết xuất bản trong thời gian này, Shirley và Vilette đều đem lại nhiều thành công và tiếng vang tốt. Nhưng nỗi buồn vì mất mát thì không thể nào hàn gắn, chưa kể nỗi buồn có thể sẽ phải làm đàn bà “không chồng ở giá” suốt đời. Thư từ Charlotte viết trong giai đoạn này cho thấy nỗi đau đớn của một kiếp người phù du, mệnh bạc.

Tuy thế những năm tháng sau đó cuộc sống của Charlotte có phần tươi vui hơn vì càng ngày bà càng được đánh giá như một tiểu thuyết gia có chân tài. Bà cũng hay thăm viếng London, tại đây bà gặp gỡ những nhân vật sáng chói trong văn giới như nhà phê bình Lewes và chính Thackeray. Bà cũng gặp nữ sĩ Elizabeth Gaskell. Hai người trở nên bạn chí thiết, chính bà Gaskell là người viết tiểu sử Charlotte sau khi bà qua đời. Cuốn sách tiểu sử đó cũng là một danh phẩm giá trị.

Năm 1854, Charlotte đột ngột lập gia đình. Người bà lấy làm chồng là mục sư Arthur Bell Nicholls, trợ tế cho cha bà trong giáo xứ và là người quen biết lâu năm với gia đình. Thoạt đầu cha bà phản đối cuộc hôn nhân dữ lắm vì Arthur chẳng những nghèo kiết xác mà còn xấu trai, kém thông thái, lại chẳng có tài năng gì về nghệ thuật. Charlotte cũng chẳng yêu anh chàng mục sư “cù lần” ấy. Nhưng sự thật là Charlotte lúc nào cũng nghĩ mình không có nhan sắc, thậm chí không ai yêu nổi. Chính lòng chung thủy và sự kiên trì theo đuổi tình yêu trong nhiều năm của người đàn ông đã dần dà cảm hóa bà. Thế là ở tuổi ba mươi tám, Charlotte từ bỏ những giấc mơ lãng mạn để trở thành một người vợ bình thường và đôi khi bà ngạc nhiên thấy mình cũng có hạnh phúc.

Nhưng oái oăm thay, số kiếp oan nghiệt không cho hạnh phúc ở lại lâu dài với người đàn bà tài hoa mệnh bạc. Thuyết “Tài mệnh tương đố” không hẳn chỉ có bên trời Đông. Lấy chồng chỉ được vài tháng Charlotte ngã bệnh nặng và nhắm mắt lìa đời vào tháng Ba năm 1855, lúc tuổi đời chưa quá bốn mươi. Có nhiều giả thuyết về cái chết của Charlotte, như bà chết vì hư thai, nhưng giả thuyết khả tín nhất vẫn là bệnh lao (như các chị em của bà) hay sốt thương hàn (vốn hoành hành vùng đất nhà bà suốt thế kỷ XIX). Không có bằng chứng nào cho thấy bà có thai lúc chết.


 

Cuộc Cách mạng Nữ quyền

 

Lòng ngưỡng mộ của công chúng đối với hai tác phẩm tiểu thuyết Wuthering Heights của Emily và Jane Eyre của Charlotte càng ngày càng gia tăng sau cái chết của hai người. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, giá trị văn học của hai tác phẩm được giới nghiên cứu và phê bình đánh giá một cách nghiêm túc hơn. Thế nhưng cho đến đầu thế kỷ XX, đa phần những nhận định vẫn chỉ quanh quẩn ở chủ đề tâm lý học tổng quát, chẳng hạn như ý kiến của nhà phê bình Thomas Moser hay nhà viết tiểu sử Helene Moglen, cho rằng Jane Eyre là hệ quả tất yếu bộc phát do những “ẩn ức sinh lý” mà thủ phạm chính là nền luân lý Victoria bảo thủ. (Nghe tương tự quan điểm của giới trí thức Việt Nam ta hồi đầu thế kỷ XX đối với thơ Hồ Xuân Hương.) Về nội dung, công bằng mà nói, cuốn tiểu thuyết vướng phải một số nhược điểm tiêu cực như sau: thứ nhất, quá nhiều những biến cố tình cờ, không thật (đặc thù của văn chương Victoria); thứ hai, khuôn mẫu hình tượng anh hùng dựa trên tính cách của chủ nghĩa Byron (người anh hùng được lý tưởng hóa với những tính cách như: đa tài, nhiều đam mê, xem rẻ người đời, khinh khi các lề thói xã hội đương thời, sống phóng đãng, hay nổi loạn, có xu hướng tự hủy, có thể chết vì tình yêu, vân vân); và thứ ba, các nhân vật bị chi phối ít nhiều bởi yếu tố tôn giáo hoặc giáo điều. Đứng từ góc nhìn tâm lý học cộng với tất cả những nhược điểm nêu trên đã không mở lối cho cuốn sách trở nên một tác phẩm kinh điển hàng đầu.

Mọi chuyện biến đổi mau chóng sau khi Nữ quyền luận trở nên phổ cập và được công nhận trong ngành phê bình văn học vào nửa sau thế kỷ XX.

Nữ quyền là một phong trào xã hội khởi đi từ cuối thế kỷ XIX ở hai quốc gia Anh, Mỹ với mục đích tranh đấu cho quyền lợi người phụ nữ. Sang thế kỷ XX nó biến thành cao trào có tầm ảnh hưởng to rộng phủ trùm lên nhiều địa hạt tư tưởng và lĩnh vực nhân văn khác nhau của đời sống nhân loại. Riêng bên lĩnh vực văn học, vào nửa sau thế kỷ, Nữ quyền luận nghiễm nhiên trở nên một luận thuyết vững chắc, đề xuất Bút pháp nữ (thuật ngữ Écriture féminine một hôm không biết từ đâu bỗng xuất hiện khiến mọi người ngỡ ngàng). Dưới luồng sáng của Nữ quyền luận, cách đọc tác phẩm văn học của các tác giả phái nữ, kể cả tác phẩm kinh điển, được giới học giả và phê bình đánh giá lại. (Đáng ghi nhận trong những nỗ lực này là công trình bứt phá của Sandra Gilbert và Susan Gubar với cuốn The Madwoman in the Attic [Người đàn bà điên trên gác xép] xuất bản năm 1979.)

Nhờ thế, người ta đọc Brontë với con mắt mới mẻ hơn và có thể cảm thông trọn vẹn hơn về đường lối tác giả quyết liệt đặt lại vai trò người phụ nữ và cố tấy xóa những định kiến bất công và lỗi thời. Kết quả là sự thông hiểu có sắc thái hơn về bản chất những nghịch lý trong tác phẩm, vốn là một tổng hợp gò ép khó hòa giải giữa sự nổi loạn của tâm hồn đối với xã hội và chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo. Trước đó, các nhà nghiên cứu văn học chỉ chú ý đến nguồn đối lực giữa hai chủ thể trái nghịch trong tác phẩm mà họ đặt tên là: Sống theo tự nhiên – sống được giáo huấn; đời sống riêng tư hướng nội – đời sống cộng đồng hướng ngoại; cảm xúc đam mê – lý trí suy xét; lãng mạn chủ nghĩa – duy lý chủ nghĩa; vân vân. Nhà nghiên cứu Nữ quyền luận giờ đây có thể xem xét lại sự phân bố giản đơn và có tính công thức này để quy chiếu tầng ý nghĩa của tác phẩm lên một chiều kích mới mẻ, phức tạp hơn.

Một phương cách để thấu hiểu cấu trúc của Jane Eyre là nhìn nó dưới góc độ câu chuyện của một con người bình thường đi kiếm tìm hạnh phúc, và trong lúc kiếm tìm phải luôn luôn giữ thế cân bằng giữa hai lực đối kháng rất khó hòa giải là luân lý và bản năng. Jane là một cô gái bình thường, bất hạnh, lại không có nhan sắc. Điều này đi ngược lại quy luật bất thành văn của tiểu thuyết thời đó: người đàn bà chính diện phải đẹp, ngọt ngào, hiền dịu. Ở đây chúng ta thấy ngay dụng ý của tác giả. Jane chẳng những không đẹp (tư dung thường thường chẳng có gì đặc biệt, thân người bé loắt choắt) lại có tính hay châm biếm và nói thẳng, thế nhưng nhờ vào trí lự thông minh cộng thêm ý chí mạnh mẽ, Jane đã vượt qua bao nghịch cảnh để đạt đến hạnh phúc. Phải chăng đấy là cái tinh thần sống và muốn sống như con người, cái human spirit mà muôn đời được ca tụng? Sống như một con người nghĩa là sống như một cá nhân với tất cả giá trị và tình thương cá nhân đó xứng đáng thừa hưởng. Sự nổi loạn do lòng phẫn nộ của Jane năm lên mười chẳng qua chỉ là hình thức biểu hiện (bởi không biết làm sao khác hơn) của một đứa bé tha thiết muốn sống như thế. Kỳ thực, trong suốt cuốn tiểu thuyết, niềm xác tín của Jane là: không nên xác định giá trị con người dựa trên sự cao thấp khác biệt của nấc thang xã hội.

Ý thức Nữ quyền hiển lộ rõ hơn trong suy nghĩ của Jane khi nàng chuẩn bị cho con đường tương lai từ cô gái học trò thành nữ gia sư trong một gia đình giàu sang:
Quả là vô ích khi bảo người ta nên hài lòng với một cuộc đời bình lặng. Con người phải luôn hành động, và nếu không tìm được sở trường để hành động thì họ phải tự tạo ra. Hàng triệu người còn phải chịu số phận buồn chán phẳng lặng hơn tôi, và hàng triệu kẻ âm thầm nổi loạn chống lại số phận. Không ai biết ngoài những cuộc nổi loạn vì lý do chính trị còn có bao nhiêu cuộc nổi loạn nữa đang được ủ men trong những khối sống này. Nói chung, phụ nữ thường được xem là điềm tĩnh, nhưng cảm xúc của họ có khác gì đàn ông đâu. Họ cần rèn luyện những năng lực của bản thân và họ cần môi trường để thực hiện hoài bão y như các đấng mày râu. Họ khốn khổ vì sự kiểm soát quá đỗi cứng nhắc, sự giam hãm quá độc đoán. Đàn ông mà rơi vào hoàn cảnh của họ thì cũng khốn khổ như thế thôi. Và nếu những đồng loại được ưu đãi hơn ấy bảo họ nên tự giới hạn mình trong những công việc bếp núc, may vá, chơi đàn hoặc thêu thùa thì quả là hẹp hòi. Còn những kẻ chỉ trích hoặc chê cười họ khi họ tìm cách học hỏi hoặc làm nhiều điều hơn những gì mà tập quán xưa nay vẫn bảo là cần thiết với giới tính của họ thì quả là ích kỷ.” (Chương XII)

Từ đấy chúng ta có thể suy nghiệm thêm là ý niệm Nữ quyền bàng bạc trong tác phẩm. Ngoài những câu văn trực tiếp đề cập đến vấn đề Nữ quyền trích dẫn bên trên, nó còn được biểu hiện qua hành vi cô bé Jane lên mười đánh trả lại thằng bé John Reed hung tợn. Nó cũng là thái độ ung dung tự tại của Jane trước thái độ hống hách chứng tỏ quyền uy chủ nhân của ông Rochester, và Jane chỉ chịu lấy ông Rochester sau khi nàng trở nên độc lập, không tùy thuộc vào ai, kể cả người chồng. Có thể dưới mắt chúng ta ngày nay những sự kiện này giản đơn một cách buồn cười, nhưng đừng quên suốt thời trung đại và cận đại ở phương Tây nó là vấn đề cực kỳ nhức nhối cho phụ nữ, chúng ta không nên xem thường nó, vì nó mà có không ít phụ nữ can đảm chết oan khuất trên giàn hỏa thiêu, chết theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, làm nền móng cho những gì chúng ta thừa hưởng ngày hôm nay.

 

Một chuyện tình Lãng mạn vượt thời gian

 

Một chuyện tình vượt thời gian! Nghe sáo quá, nhưng thú thật tôi không biết phải gọi chuyện tình giữa Jane và ông Rochester bằng ngôn từ gì cho đúng. Oan trái? Oan khiên? Lạ lùng? Tội lỗi? Đen tối? Vô luân? Thánh thiện? Thánh hóa? Đẹp? Kinh khủng? Khiếp đảm? Ghê rợn? Hay tất cả những tính từ trên chí ít đều đúng nếu nhìn từ một góc độ nào đó? Chỉ biết một điều là cho đến ngày nay người ta vẫn bị nó mê hoặc. Có cái gì kỳ bí, vượt lên trên mọi lý giải thông thường ẩn nấp bên dưới cốt truyện và cá tính các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết khiến sức lôi cuốn của nó vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ hay văn hóa nhân loại.

Chuyện tình giữa Jane Eyre và ông Rochester bắt đầu từ chương XI, lúc Jane vào làm nữ gia sư trong gia đình Rochester ở dinh Thornfield và chẳng bao lâu nàng đem lòng yêu người đàn ông chủ ngôi nhà. Ông Rochester là một người đàn ông lập dị, thậm chí quái đản. Dưới mắt nhìn của nhà tâm lý học thì đấy là khuôn mẫu hình tượng anh hùng dựa trên tính cách của chủ nghĩa Byron. Ông có một quá khứ cực kỳ đen tối, và cũng như Jane, bị ném ra khỏi ngôi nhà tình yêu, gia đình. Mặt mày ông xấu xí, tính tình thô lỗ, ăn nói bộc trực, luôn luôn tỏ vẻ khinh khi những thói rởm đời của đám quý tộc trưởng giả mặc dù ông cũng xuất thân từ đó mà ra. Sau khi cuộc hôn nhân thứ nhất đổ vỡ, ông tự chọn một cuộc sống phóng đãng chạy theo các thú vui nhục dục, dùng đồng tiền mua chuộc tình yêu hay đúng hơn thân xác đàn bà.

Điều bất ngờ là, với một tính cách khác thường như thế, Jane lại thấy “gần gũi” ông hơn. Jane hiển nhiên không phải là nhân vật tiểu thuyết điển hình tràn ngập thị trường chữ nghĩa thế kỷ XIX. Chẳng những sắc diện, nhân dáng nàng không có gì đặc biệt, nàng còn nhất quyết xem trọng giá trị của cảm xúc tự thân, vốn thường bị xem là không thích hợp với hạng phụ nữ thượng lưu cao quý. Jane nói với ông Rochester như sau khi nàng tin là sắp phải xa ông:
Cơn xúc động mãnh liệt mà nỗi đau và tình yêu đã dấy lên trong tôi đòi lấn át tất cả và đấu tranh để được làm chủ hoàn toàn, rồi khẳng định quyền chiếm ưu thế, quyền được sống, quyền được nổi lên và cuối cùng là quyền thống trị: phải – và quyền được nói. (Chương XXIII)

Qua câu nói, tác giả đã một lần nữa quả quyết xác nhận tính cách và cảm xúc (của người nữ) là những giá trị quan trọng, chúng nổi bật bên cạnh tính phù phiếm và rỗng tuếch của đám công nương, tiểu thư con nhà quyền quý, trưởng giả (như công nương Blanche, “tình địch” của Jane). Và khi ông Rochester cầu hôn Jane thì tình yêu Lãng mạn có vẻ như mưu toan lật đổ toàn bộ trật tự xã hội. (Xin hiểu từ “Lãng mạn” viết hoa ở đây không có ý nghĩa như chúng ta hiểu ngày nay mà nên hiểu nó, ở chừng mực nào đó, trong ngữ cảnh thi ca Lãng mạn của William Blake hay âm nhạc Lãng mạn của Ludwig van Beethoven.) Tình yêu Lãng mạn được định nghĩa là sự hài hòa trong tâm trí, là “thấu hiểu nhau một cách sâu sắc,” là vượt qua tất cả những định kiến của huyết thống, giai cấp và quyền lực như được miêu tả trong cuốn Pride and Prejudice (Tự phụ và thành kiến) của Jane Austen. Chấp nhận như thế, chúng ta sẽ không mấy khó khăn nhận ra Jane là một “người tình Lãng mạn” và những “mộng ước Lãng mạn” của nàng – sâu sắc, tự nhiên và ngay thẳng – luôn luôn tương phản với tính nông cạn và ích kỷ của các nhân vật nữ khác như công nương Blanche, vũ nữ Céline, thậm chí cả cô bé Adèle. Họ là những người đàn bà dùng sắc đẹp và lời ngon tiếng ngọt tự dâng hiến mình cho đàn ông để được người đàn ông đoái hoài, yêu thương.

Jane nói với ông Rochester về tình yêu như sau:

Ông nghĩ tôi là cái máy ư? Một cái máy không cảm xúc có thể chịu đựng để miếng bánh bị giật khỏi miệng và ngụm nước sinh mệnh bị hắt đi sao? Ông nghĩ chỉ vì tôi nghèo khó, vô danh tiểu tốt, nhan sắc tầm thường và thân hình thấp bé thì không có tâm hồn và trái tim ư? Thế thì ông nhầm rồi! Tâm hồn tôi, trái tim tôi cũng phong phú không kém gì ông! Và nếu Chúa ban cho tôi chút nhan sắc và của cải thì lúc đó tôi sẽ khiến ông khó lòng mà rời bỏ tôi được, giống như tôi bây giờ. Tôi không nghĩ lúc này tôi đang nói chuyện với ông theo phong tục hay quy ước xã hội, thậm chí cũng không phải bằng cái xác tục, mà là linh hồn tôi đang nói chuyện với linh hồn ông, như thể hai ta vừa sang thế giới bên kia và đang đứng dưới chân Chúa, bình đẳng với nhau, như lúc này đây!” (Chương XXIII)

Đấy là lúc ông Rochester ve vãn, tỏ tình và cầu hôn Jane trong lúc hai người ngồi trong khu vườn rậm rạp cây lá thơ mộng đằng sau dinh Thornfield vào một đêm hè tĩnh lặng chan hòa ánh trăng. Câu nói của Jane là một ngoại lệ. Một người đàn bà khác, giữa khung cảnh không gian lãng mạn như thế, chỉ biết ngả đầu vào ngực người đàn ông thôi.

Sự thật là, ngay sau khi tỏ tình và được Jane ưng chịu kết hôn, ông Rochester đã dùng đủ mọi mánh khóe và quyền uy để tìm cách khuất phục Jane, bắt Jane thần phục mình, nằm dưới tay mình như ông từng làm với những người đàn bà khác. Thậm chí ông còn đem vàng bạc lụa là ra quyến dụ Jane. Nhưng ông thất bại vì trước sau như một Jane không hề bị những thứ ấy mua chuộc và nàng còn bướng bỉnh chống lại mọi hành vi chứng tỏ uy quyền của ông đến nỗi ông phát cáu. Bằng thái độ không khoan nhượng nhưng vẫn khéo léo ôn nhu, con người độc lập của Jane chiến thắng mọi mưu toan thống trị của người đàn ông, một điều chưa từng thấy xảy ra trong tiểu thuyết trước đó.

Đây cũng là lúc Jane mơ những giấc mơ quái dị dự báo những điều chẳng lành sau đó. Và chuyện kinh khiếp Jane khám phá (đúng hơn bị phanh phui) ngay ngày cưới của mình, đó là ông Rochester trong nhiều năm nhốt bà vợ điên trong một căn phòng bí mật trên lầu ba của dinh Thornfield. Dựng nên tình tiết độc đáo này, Charlotte Brontë đã giải quyết được vấn nạn tìm lối thoát cho tình cảm lãng mạn của đam mê và hoan lạc mà có thể gọi là con đường đạo hạnh của luân lý và truyền thống Cơ đốc giáo.

Tình yêu Lãng mạn có một liên hệ khá mơ hồ với hệ thống đức tin Cơ đốc giáo khi giá trị nhân văn và cảm xúc cá nhân được đem ra đối nghiệm. Cho đến thời điểm này, tình yêu và đam mê chế ngự tâm tư Jane. Mặc dù linh cảm có cái gì không ổn đằng sau tình yêu của mình, nàng vẫn bám víu lấy hy vọng con đường tìm kiếm hạnh phúc của mình sắp đến đoạn cuối. Nhưng sự xuất hiện của Bertha điên loạn, bò dưới đất như một con thú hoang hung tợn nhào đến cắn xé ông Rochester lúc ông bảo mọi người có mặt xung quanh “Vợ tôi đấy!” trong nỗi chua chát và khổ đau cùng kiệt, đã làm sụp đổ mọi mộng ước Lãng mạn trong tâm hồn Jane. Mọi chuyện vỡ lở, bí mật bao nhiêu năm bị phanh phui, ông Rochester lại ngon ngọt dụ dỗ Jane dọn xuống miền Nam nước Pháp làm lại cuộc đời với ông. Nhưng đời nào Jane chịu nghe lời, một buổi sáng tinh sương nàng âm thầm bỏ dinh Thornfield đi về nơi vô định, chấp nhận mọi khổ ải, đớn đau xảy đến cho mình sau đó. Jane bỏ đi không phải do lòng phẫn nộ vì bị lừa phỉnh, nàng cũng không chút nghi ngờ tình yêu của ông Rochester, và nàng vẫn yêu ông tha thiết. Sở dĩ nàng bỏ đi là vì lòng tự trọng một phần và phần khác chính là luân lý và tôn giáo hiển thị dưới dạng thức vô thức tập thể từ ngàn xưa ăn sâu tâm hồn mà có lẽ chính nàng cũng không hay biết. Charlotte Brontë đã không cho cảm xúc vỡ tràn và bản năng dục vọng lấn át luân lý bởi làm thế là phá vỡ thành trì truyền thống và tạo nguy cơ đảo lộn sự hài hòa và trật tự của xã hội.

Ông Rochester là người sống theo chủ nghĩa Tự nhiên, ông không tuân theo mệnh lệnh của ai ngoài cảm xúc và bản năng dục vọng của chính mình. Ông gạ gẫm Jane về sống ngoại hôn với ông ở một nơi khác, tránh búa rìu dư luận. Ở thời đại chúng ta, điều này chẳng có gì đáng nói và hầu hết đều được xã hội chấp nhận dễ dàng. Nhưng cuốn tiểu thuyết làm chúng ta cảm phục đức tính mạnh mẽ của Jane khi nàng quyết chí gạt bỏ cảm xúc đam mê để quay về những nguyên tắc truyền thống mà nàng cho là phổ quát, bởi nếu không thì cuộc sống này chắc sẽ tan rã mất thôi.

Đối lực giữa cái “tự nhiên” và luân lý truyền thống tôn giáo đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của nhân loại – Tây cũng như Đông – nhất là trên bình diện văn học. Trong Jane Eyre, cái “tự nhiên” có vẻ như được đặt nặng hơn, được ưu ái hơn, ở cả mặt tâm lý học lẫn mỹ học, và đó là lý do tại sao cuốn tiểu thuyết bị các nhà đạo đức (giả) đương thời lên án. Cái “tự nhiên” liên minh với trí tưởng tượng, cảm xúc, xung lực nội tại, dục vọng, tính phản kháng, và cái tôi, tất cả nhất tề đứng lên chống lại cái duy lý. Cái “tự nhiên” dẫn đến Lãng mạn chủ nghĩa, đến “cái tôi” và “cảm xúc của tôi.” Về điểm này chúng ta không ngạc nhiên vì Jane Eyre xuất hiện gần như cùng thời với hội họa Eugène Delacroix và âm nhạc Frédéric Chopin, thời đại hoàng kim của Lãng mạn chủ nghĩa.

Điểm đáng lưu ý là cái “tự nhiên” đúng hay sai, cho đến ngày nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Cuộc sống của Jane bước vào khúc quành mới khi nàng lưu lạc đến Marsh End. Tại đây, nàng ngẫu nhiên gặp những người thân trong dòng họ và ngẫu nhiên kế thừa một gia tài kếch sù do ông chú nàng ở nước ngoài qua đời để lại. (Ngẫu nhiên là một thuộc tính quen thuộc gần như cố hữu trong dòng văn chương Victoria.) Nhưng bên cạnh những may mắn không ngờ đó, một lần nữa nàng lại phải đối đầu với cái đối lực bất khả hòa giải giữa tôn giáo và cảm xúc. Người anh họ của Jane, một mục sư trẻ tên St. John Rivers, cầu hôn nàng (thời đó xã hội Anh cho phép người trong họ lấy nhau), nhưng anh muốn lấy Jane làm vợ không phải do tình yêu mà chỉ vì muốn Jane trở thành người trợ tá đắc lực cho anh trong việc phụng sự truyền giáo. Con người anh tốt lành nhưng khô cứng, tình cảm che giấu, thậm chí khó thương. Anh và ông Rochester là hai thái cực, ông Rochester muốn tình yêu nhưng không có hôn nhân, ngược lại, St. John muốn hôn nhân nhưng không có tình yêu, và dĩ nhiên Jane khước từ cả hai. Cả hai đều phơi bày tham vọng của người đàn ông muốn “làm chủ” cuộc đời người đàn bà, và ý chí phấn đấu của Jane trong gọng kìm hai người đàn ông đó là cuộc chiến đấu muôn đời giữa ý chí và tự ngã, ý chí của người nữ, tự ngã của người nam. Cuộc chiến đó kéo dài cho đến ngày nay, không hề ngưng, và có lẽ nó sẽ tiếp diễn cho đến khi loài người không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa.

Cuối cùng Jane quay về ông Rochester vì lúc đó nàng là người độc lập và ông Rochester “ngang hàng” với nàng. (Ông nay là người tàn phế, mắt mù, do trận hỏa tai gây nên bởi bà vợ điên một đêm nổi lửa đốt rụi tòa lâu đài rồi nhảy từ sân thượng xuống nền đá chết nát thây.) Cuối cùng hạnh phúc đến với Jane. Charlotte Brontë đã cho một kết luận “có hậu” vào cuốn tiểu thuyết.

 

Quy ước không là luân lý

 

Jane không chịu trở thành tình nhân của ông Rochester bởi nàng tin tưởng nhiệt thành vào lòng tự trọng và giá trị luân lý. Nàng cũng không chấp nhận lời cầu hôn của St. John Rivers bởi nàng không thể kết hôn với người đàn ông không có tình yêu với nàng. Hai người đàn ông, hai thái cực, một bên phóng đãng, hung bạo, có tình yêu và một bên nghiêm túc, nệ giáo, không có tình yêu. Jane không tin theo ai, nàng chọn trung đạo và đề xuất một căn bản luân lý đạo đức biểu hiện bởi tam giác: tình yêu, tính cách độc lập và lòng tha thứ.

Trong suốt cuốn tiểu thuyết, Jane lúc nào cũng gắng sức duy trì sự quân bằng giữa bổn phận luân lý và hạnh phúc trần gian. Nàng ghê tởm tính cách đạo đức
giả của mục sư Brocklehurst. Đối với St. John Rivers, tuy mến thương và cảm phục như một người anh cả, nhưng nàng không hề thấy rung động trước tình cảm
khô cứng của người mục sư trẻ tuổi và điển trai ấy. Chúng ta hiểu tại sao. St. John là môn đệ trung thành của thần học Calvin, và lòng xác tín của anh có những chỗ bất xứng, không phù hợp tâm hồn Jane, một tâm hồn luôn theo dõi nhịp đập của trái tim nhưng không bao giờ giẵm xuống bùn lầy của cảm xúc. Trong thời gian theo học ở Lowood, Jane thương mến người bạn gái tên Helen Burns, nàng cảm nhận được tâm hồn thánh thiện như thiên thần của Helen, nhưng tấm lòng độ lượng không bến bờ của Helen – tha thứ ngay cho kẻ trừng phạt và hành hạ mình một cách vô cùng tàn nhẫn và phi lý – chỉ khiến Jane bâng khuâng, ngờ vực. Hình như Jane không tuyệt đối và mù quáng trung thành, tuân giữ những giáo điều Cơ đốc giáo. Đúng ra nàng tin tưởng vào giá trị luân lý truyền thống. Đó là lý do vì sao nàng bỏ dinh Thornfield ra đi trong nỗi đau đớn tột cùng sau khi biết ra sự thật ông Rochester bao nhiêu năm nhốt bà vợ mình trong căn phòng kín. Cũng bởi giá trị luân lý truyền thống này, Jane chỉ chịu lấy ông Rochester sau khi vợ ông chết.

Tôn giáo được dùng để hòa giảm suy nghĩ cùng hành vi của Jane trong những lúc tâm trí xung động, hay lâm vào cảnh huống khốn cùng, nhưng không bao giờ nàng đè nén hoặc chôn vùi bản ngã chân xác của mình. Đọc cuốn sách chúng ta thấy tác giả trích dẫn rất nhiều Thánh Thư, đa phần là Phúc Âm Chúa Jesus Christ, nhưng đừng vội kết luận bà là người nệ giáo. Ngược lại là đằng khác. Dù sinh trưởng trong một khí hậu thấm đẫm tinh thần Cơ đốc giáo, bà không mù quáng tin theo các tín điều bị các đầu óc lệnh lạc diễn giải một cách cứng nhắc, hẹp hòi. Trong lời tựa ấn bản thứ hai của Jane Eyre, Charlotte Brontë khẳng định “quy ước không phải là luân lý” và “sự ngụy tín tự cho mình đúng không đồng nghĩa với tôn giáo.”

Quan điểm ấy của bà, chúng ta nên hiểu như thế nào?

Nó chỉ có thể là: Bất kỳ một học thuyết hoặc chủ thuyết hẹp hòi nào của con người, với hậu ý và thâm ý nâng cao hay đem lại phúc lợi cho một thiểu số ưu đãi, đều không thể thay thế đức tin thuần khiết vào sự cứu chuộc muôn loài của Đấng Christ. Bà kinh tởm tính đạo đức giả, bà khinh bỉ những kẻ nhân danh đức tin hoặc ngụy tạo chân lý để củng cố địa vị và mưu đồ những việc ích lợi riêng tư. Nhân vật điển hình cho hạng người này trong Jane Eyre là mục sư Brocklehurst. Ông là giám đốc trường Lowood, nơi Jane theo học từ năm lên mười. Ông đem Phúc Âm ra ngụy luận để răn đe và trừng phạt đám nữ sinh bé bỏng, yếu đuối, thường xuyên đói khát. Tính đạo đức giả của ông biến thành câu chuyện khôi hài hôm vào thăm trường thấy các nữ sinh tóc thắt bím, ông đã bắt các cô bé phải cắt cụt cái bím tóc ngay tại chỗ, vừa lúc bà vợ ông và hai cô tiểu thư bước vào đứng bên cạnh, tóc tai chải gỡ cầu kỳ, xiêm y lộng lẫy như hoàng hậu, công nương.

Có không ít những kẻ như ông Brocklehurst ngoài đời, bất kể thời gian không gian nào. Thực ra tác giả dựng nhân vật này dựa trên tính cách một nhân vật có thật. Đấy chính là mục sư William Carus Wilson, người sáng lập trường Clergy Daughters’ School ở Cowan Bridge, nơi chị em Brontë theo học thuở nhỏ.

Tương phản với Brocklehurst là cô nữ sinh Helen Burns mười bốn tuổi, người trở thành bạn chí thiết của Jane ngay từ những ngày đầu ở Lowood. Hiếm có người như Helen hiện hữu ngoài đời, một cô gái thông minh xuất chúng, đức độ, lòng vị tha không ai bằng. Chị tin vào tinh thần bác ái tuyệt đối, “bị tát má này đưa má khác” của Cơ đốc giáo bằng cách thương yêu kẻ làm mình khổ. Lòng tin chân thành của chị vào Thượng Đế khiến chị bình thản đón nhận cái chết đến với chị. Charlotte vẽ nhân vật Helen quá lý tưởng. Jane thán phục đức tính nhẫn nại và chịu đựng của Helen, cả trí lự thông minh, nhưng cô bé Jane lên mười lúc đó khá hoang mang, cô bé không rõ những gì Helen tin tưởng có phù hợp tâm hồn mình hay không. Jane hình như không theo đuổi một luận thuyết đặc trưng nào, nàng sùng kính Thượng Đế và tin vào Đấng Toàn Năng nhưng giáo điều thì nhất quyết không có chỗ đứng trong tâm hồn nàng.

Để kết luận tôi xin mượn câu nói của không ai khác hơn Virginia Woolf, một nhà văn nữ lừng lẫy khác của Anh quốc sinh sống sau Charlotte Brontë gần thế kỷ, nói về Jane Eyre:

Nhà văn đã cầm lấy tay chúng ta, dắt chúng ta đi theo con đường của bà, bắt chúng ta phải nhìn thấy những gì bà thấy, không bao giờ rời chúng ta nửa bước hay cho phép chúng ta quên mất sự hiện diện của bà. Cuối cùng, chúng ta càng lúc càng đắm chìm trong tài năng, sự mãnh liệt, sự phẫn nộ của Charlotte Brontë.

TRỊNH Y THƯ


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved