Vào khoảng những năm 80, khi làn sóng người Việt ra đi định cư khá đông trên khắp năm châu thì một thị trường kinh doanh mới từ từ hình thành, nhưng nhanh chóng được người Việt tiếp nhận. Buồn quá, xứ lạ quê người, tiếng tăm không biết hoặc nghe không thủng, vào tai này ra tai kia, theo gió bay tuốt. 

Làm gì cho hết ngày, bật tivi nói toàn tiếng lạ hoắc, ra sân hàng xóm đóng cửa im ỉm, lại quay vào nhà bó gối chờ con cái đi làm về may ra lép nhép được đôi lời trong bữa cơm chiều.

Nắm bắt được nhu cầu của người xa xứ, những tiệm cho thuê  phim Tàu mọc lên nhan nhản. Lúc đầu phim nói tiếng Tàu, phụ đề Việt ngữ, nhưng ngay sau đó giới kinh doanh lẹ làng thay đổi bằng  cách lồng tiếng hoặc thuyết minh. Vui quá, ít ra cũng có gì để giải trí cho đầu óc bớt trống etrải, vơi nỗi nhớ nhà. Gia đình nào có cha mẹ già ra vào tiệm thuê phim xoành xoạch, không chỉ các ông bà cụ mới xem mà người trẻ cũng chết mê chết mệt với những bộ phim tập dài thậm thượt.

Có nhiều bộ phim dài hay thật, hay từ đầu đến cuối. Cũng có những bộ phim khúc đầu hay quá, tình tiết ly kỳ hấp dẫn, khán giả ráo riết theo dõi, đến đoạn sau lãng nhách, chẳng ra đâu vào đâu, chỉ cốt kéo lê thê cho nhiều tập.

Một lần nọ, tôi mang mấy quả lê nhà trồng cho chị bạn, đèn đuốc tối thui, nhìn vào cửa sổ chỉ thấy ánh sáng nhấp nháy từ cái tivi ngoài phòng khách. Bước vào thấy hai tô mì ăn liền khói bốc lên nghi ngút, ông chồng đang cắm cúi vừa ăn vừa dán mắt vào tivi xem phim Tàu. Hỏi ra mới biết hai vợ chồng đi làm về là chụp ngay cái remote bấm lia lịa để xem phim. Bận quá không có giờ nấu cơm...!!!

Gần hai năm sau gặp lại bạn ngoài chợ, hai vợ chồng mặt xanh dờn, vàng vọt, vừa đi bác sỹ về, kết quả cả hai đều bị cholesterols, huyết áp cao, thiếu ngủ trầm trọng vì thức khuya xem phim và liên tục xơi mì gói. Bà vợ hỏi tôi:

- Chị có biết ai cần đầu máy mình cho.

- Chị không xem phim nữa sao?

- Thề từ giờ không xem nữa, đêm nào cũng chỉ ngủ vài ba tiếng, đi làm vật và vật vờ như thiếu xì ke, một ngày uống không biết bao nhiêu ly cà phê cho tỉnh táo.

Chỉ qua ông chồng bà bạn kể:

- Mấy lần suýt đụng xe, ổng làm xa, chạy xa lộ cứ ngủ gà ngủ gật.

- Chị thích thì cứ xem nhưng đúng giờ thì ngưng, mỗi ngày xem một chút.

- Giời ơi, nói thế là chị chưa biết phim Tàu, xem tức lắm.

- Tức thì xem làm gì mà đeo theo riết vậy, vừa tốn tiền vừa mất giờ.

- Không, vì nó hay nên mới tức.

- Không hiểu?

- Nó làm mình không ngừng được, đoạn hấp dẫn nhất nó để ngay cuối tập, nó ngưng cái cụp, kích thích lòng tò mò của khán giả thế là lại ráng qua tập mới, rồi cứ thế ráng đến gần sáng. 

- À, ra thế, cho cái đầu máy để chữa bịnh ráng.

.........

Đám cháu bắt đầu tập tễnh đến trường thì Má tôi cũng bị thất nghiệp, hồi tụi nhóc còn nhỏ, cha mẹ đi làm phải nhờ Bà Ngoại trông dùm. Loay hoay cả ngày với đám cháu, đứa này khóc, đứa kia kiện tụng, đứa đói bụng đòi ăn....khi tụi nhỏ ra về là Má tôi cũng rã rời, hết xí quách. Bây giờ rảnh quá lại đâm buồn, thở vắn than dài, tối ngày Má ra vào xem lịch chờ đến cuối tuần để gặp con cháu.

Ba tôi chân đi, ngày nào cũng leo lên xe bus đi vòng vòng khắp nơi nên đám cháu không qua cũng không ảnh hưởng nhiều đến ông. Buổi sáng trời mát, Má tôi lững thững đi bộ sang nhà tôi, mùa hè mùa thu tôi ra vườn trồng hoa trồng cỏ thì Má tôi được lăng quăng ngoài sân, xem hoa ngắm trái, chán thì bắc ghế dưới lùm cây Mộc Lan ngồi đọc sách nhưng đến mùa đông cũng chỉ quanh quẩn trong nhà.

Mấy chị em mới bàn nhau thuê phim Tàu cho Má tôi xem để giết thời gian. Tôi chợt nghĩ đến tình cảnh của bà bạn nhưng ai cũng gạt đi:

- Người ta đi làm, thức đêm thức hôm mới thiếu ngủ chứ người già ở nhà xem chán, mỏi mắt càng dễ ngủ.

- Biết phim gì hay mà thuê.

- Ra hỏi tiệm, phim nào người ta thuê nhiều nhất là phim hay.

Thời đó, chưa có đĩa DVD, xài băng VHS to tướng dầy cui, thuê một bộ phim vài chục tập là trên đầu tủ ngổn ngang băng. Lúc đầu chưa biết nên đi tứ tung, xa tít mù tắt để thuê băng, mãi về sau cả nhà khám phá trên con đường đám con tôi đi học có tiệm cho thuê phim, lại dễ dãi không thúc hối thời gian trả. Thế là tôi ngoài việc đưa đón con đi học kiêm thêm job mướn và trả băng.

Chỉ mới vài tháng gia nhập làng giải trí thì kỹ thuật luyện phim của Má tôi khá cao, Má bắt đầu ưa thích một số tài tử, không đẹp nhưng diễn xuất rất hay. Ba tôi dễ tính, xuề xoà hơn, có phim coi đỡ buồn miễn đừng quá tệ. Tôi chưa có giờ để đeo theo phim ảnh nên nghe người ta nói bộ nào dài thì hay nên cứ bộ phim trả nhiều tiền thì vác về.

Một hôm Má tôi phone qua dặn:

- Lần này mướn cho Má bộ nào có Cô Tiên đó, cô này đóng hay lắm.

- Tên cô ấy là gì? Con không có xem không biết.

- Ôi dào, mấy người cho thuê họ phải biết, Má cũng không biết tên cô ấy chỉ biết cô ấy đóng vai cô Tiên, nhớ rồi cô Đàm Thủy Tiên.

- Đấy là tên tài tử à?

- Đã nói là không biết tên tài tử, nó giới thiệu bằng tiếng Tàu.

- Thế phim đó tên gì Má nhớ không?

- Quên rồi, chỉ nhớ trong phim đó có thằng Pháo.

Trời ạ, giống như mò kim đáy biển, Má tôi chỉ cho chừng ấy chi tiết!

Không có chỗ đậu xe, tôi phải lệ mệ bưng một túi băng nặng trĩu trèo lên con dốc, mệt bở hơi tai. Vừa kiểm lại xem đủ bộ không, người chủ tiệm hỏi tôi:

- Em mới về mấy bộ mới hay lắm, phim kiếm hiệp, chị có lấy về cho bác không?

- Khoan đã, em kiếm cho chị bộ nào có cô Tiên đóng.

- Cô Tiên là ai?

- Chị không biết, Má chị đòi phim nào có cô Tiên.

- Chị ơi, cả ngàn bộ phim làm sao em biết cô Tiên nào?

Nói vậy nhưng chủ tiệm rất chiều khách, lôi mấy chục bộ phim ra cho tôi nhìn mặt tài tử, chả phân biệt được ai với ai, sau cùng tôi chợt nhớ ra:

- Em xem trong sổ chị đã thuê những bộ phim nào gần đây nhất.

- Chị là khách quen nên em không cần ghi sổ.

Lại tắc tịt luôn. Phone về thử xem Má tôi có cho thêm được tí tẹo tia sáng nào không thì lần này có một dữ kiện thật rùng rợn:

- Hình như phim có đánh bài, mà hình như có đánh cá, chặt tay chặt chân gì nữa đấy.

- Má còn nhớ thêm cái hình như nào không?

Bên đầu giây tiếng Má tôi cười hinh hích.

- Hết rồi.

Tôi quay lại nói với chủ tiệm:

- Chị có thêm nhiêu đó thông tin thôi.

- Để em kiếm cái danh sách phim xem bộ nào có đánh bài.

Tội nghiệp, cậu chủ lôi ra hai ba quyển sách dầy cui, toàn những hình bìa của các bộ phim, cả hai cắm đầu cắm cổ xem hình. Lựa mãi mới ra bốn bộ có hình vài tay anh chị giang hồ có vẻ cờ bạc. Bộ nào cũng lấy đại một băng cho thử vào máy xem có cô Tiên nào xuất hiện.

Trời cũng thương, đến bộ phim Vua Bịp tôi bốc đại tập hai tập ba gì đó bỏ vào máy vừa vặn có một cô gái trong vai Đàm Thủy Tiên, người chủ tiệm cười ngặt nghẽo:

- Thì ra, tài tử tên Uông Minh Thuyên.

Lần khác Má tôi sai đi trả phim rồi mướn tiếp bộ mới, tài tử cũng cần nghỉ ngơi nên cô Uông Minh Thuyên không kịp đóng phim mới cho Má tôi xem, tôi mướn lung tung, nhìn bìa phim có vẻ thiện cảm với các tài tử thì lấy đại. Má tôi lại chuyển qua tài tử khác.

- Kỳ này xem bộ nào có ông xào lá trà đóng thì mướn. Hay là cô mang ngỗng quay có nhét bạch phiến bên trong con ngỗng bị tử hình, cô này đóng hay, mướn cũng được.

- Má không nhớ tựa phim luôn sao?

- Không, để vào hỏi Ông Ngoại xem có biết không?

Má tôi đưa điện thoại sang Ba tôi:

- Ông Ngoại có nhớ ông xào lá trà trong phim gì không?

Tiếng Ba tôi nhẩn nha:

- À, cái ông gì có hàm râu, người xấu xấu đóng ít phim nhưng đánh võ hay lắm, ổng đóng trong phim gì mà có cái thằng gì ác ác đấy.

- Thế từ trước đến giờ Ông Ngoại xem cái ông gì gì đó bao nhiêu phim rồi, tên phim là gì?

- Ai mà để ý, có phim nào xem phim đó nhìn tựa làm gì?

Má tôi nói chen vào:

- Thôi, nếu kiếm không được ông xào lá trà với cô mang ngỗng quay thì mướn phim có chú Đông cũng được.

Tôi hỏi:

- Má có rảnh không?

- Rảnh, đang ngồi buồn như chấu cắn.

- Má thay quần áo con sang chở đến tiệm, tha hồ Má kiếm các cô dì chú bác gì gì đó.

Đến tiệm tôi dẫn Má tôi vào, giao Má cho chủ tiệm sau khi dặn lôi hết hình bìa của những bộ phim tàu cho Má tôi tuyển lựa, hẹn nửa tiếng, sau khi đón mấy thằng nhóc tôi quay lại đón Má tôi. 

Quay trở lại tiệm, tôi vào xách băng ra xe. Chu choa ơi, bốn túi băng to tướng như bốn bao gạo, căng phồng nằm bẹp dưới đất, người chủ tiệm chắc sợ mang tiếng dụ dỗ mấy ông bà già nên bảo tôi:

- Bác trả tiền rồi, em nói bác lấy từng bộ, xem xong lấy tiếp mà bác bảo tiện thể tìm được mấy cái chú mà bác thích nên lấy hết.

- Má chị xem lâu lắm đó, nửa chừng réo chị đòi băng là không trả à nha.

- Không sao, chị mang hết về đi.

Vừa định phóng xe đi thì thấy người chủ tiệm chạy vọt ra, ngoắc lia lịa, tôi quay kính xe xuống thì cậu ta thò tay đưa tôi tờ giấy xếp làm tư:

- Cái gì đây? Viết thơ tình cho chị hả?

- Bà chị ơi, đem về nghiên cứu để lần sau đi thuê băng cho bác, thơ tình bây giờ mới viết cho chị thì trễ quá rồi.

- Chê bà chị quá date hả?

- Không dám chê nhưng thấy băng sau một đám con trai chị ngồi dàn ngang đang thò lõ mắt nhìn em lom lom kìa.

Má tôi bật cười:

- Khỉ đâu ấy!

Chạy xe về nhà tôi mở bức thơ tình ra lẩm nhẩm đọc:

- Ông xào lá trà: tài tử Nguyễn Hoa.

- Cô ngỗng quay: tài tử Đặng Tuỵ Vân.

- Cô Tiên: tài tử Uông Minh Thuyên.

- Chú Đông: tài tử Hứa Thiệu Hùng.

- Cậu Bảy: tài tử Lưu Tùng Nhân.

......

Đoạn kết mới là vài dòng tình tự gởi cho tôi " mỗi lần Bác xem xong chị nhớ hỏi nhân vật nào Bác thích thì ghi tiếp vào đây, nhớ phải ghi cả tên tựa phim thì em mới tìm được tài tử cho Bác.

Đúng là khỉ thật, làm cả đoạn đường dài chạy xe mà lòng cứ hồi hộp.....

........

Thế đấy, Má tôi xem phim triền miên, nhắc tên tài tử để Má tôi biết nhưng trước sau như một, nhân vật khi đã vào vai hợp ý Má thì tên của vai diễn đó sẽ được Má tôi âu yếm gọi đến khi giải nghệ luôn, nhất định không thèm nhớ tên thật. 

Lúc đầu tôi còn đi theo lải nhải nhưng sau cùng tôi cũng quen miệng gọi theo Má tôi cho gọn, vì nếu không gọi theo cách của Má tôi thì tôi lại không thể hình dung ra mặt của tài tử. Má tôi bảo "phim này có thằng Pháo!" thì tôi biết ngay là một tài tử chuyên đóng vai gian hùng, xảo trá, hoặc "xem này, dì Hảo kỳ này mặc đồ đẹp lắm!" thì lại là một nữ tài tử chuyên đóng những vai người đàn bà đôn hậu hoặc nhí nhảnh vui tươi......

Má tôi không nhớ dai như Ba tôi, nhưng Má có cách nhận người rất lạ và đặc biệt, dù cho xem phim cũ từ một vài chục năm hay mới vừa sản xuất, tài tử hoá trang cách nào đi nữa Má tôi vẫn nhận ra chỉ bằng cách nhìn cái tai hay cái mũi của nhân vật. Giống như bà chị tôi có hai thằng nhóc sinh đôi, lúc bé nó giống nhau y hệt, chỉ có anh chị tôi mới phân biệt được đứa nào anh đứa nào em, vậy mà lâu lâu Bà Ngoại gặp cháu vẫn chỉ đúng mặt từng thằng nhờ phân biệt cái lỗ tai của cháu.

Má tôi yêu mến tài tử trong phim Tàu không vì cái sắc mà vì cái tài của họ. Những nhân vật đó nhiều người diện mạo không đẹp đôi khi còn cục mịch lại chỉ được đóng những vai phụ nhưng Má tôi lại tìm thấy ở họ sự diễn xuất đa tài và duyên dáng.

Lúc mấy chị em tôi còn cắm đầu cắm cổ chạy theo công việc mưu sinh, bận bịu con cái gia đình, mướn phim về chỉ ghé mắt nhìn khi nào qua nhà Má chơi, ai cũng nghĩ thầm " chú Đông, ông xào lá trà, xấu hoắc mà không biết sao Má mình cứ khen nức nở.". Đến khi nhập cuộc rồi cả nhà đều công nhận tài sắc vẹn toàn thì nhiều lắm nhưng cái duyên thầm thì không phải tài tử nào cũng có được và ai cũng mê tít cái duyên đó của chú Đông.....

Một chị thuộc hàng đàn chị có lần nghe tôi kể về những lý do Má tôi ưa thích các tài tử trong phim Tàu đã viết cho tôi vài dòng:

" Đúng là cái duyên ở lại lâu hơn cái tài

Chúc cô khi nhớ đến chú Đông thì mỉm cười nhé!"

.....

Đã lâu lắm rồi tôi không đi thuê phim Tàu, tiệm cho thuê phim cũng đóng cửa vì người mướn chẳng còn bao nhiêu, người ta xem trên Internet cho tiện. Thỉnh thoảng chạy ngang con dốc đường Darlington, tôi lại đưa mắt nhìn vào cửa tiệm ngày nay đã đổi chủ, nhớ đến cảnh trèo lên con dốc, chân cẳng rã rời, vào tiệm hay ra khỏi tiệm đều xách những túi băng nặng trĩu.

 

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved