Truyện ngắn Hải Phong

 

 

 

Đã bao nhiêu lần chị Loan kể cho tôi nghe cái ngày đầu tiên chị cùng Mẹ đưa tôi đi học mẫu giáo, thế mà tôi cũng không thể nào hình dung được cái ngày “Hôm nay, tôi đi học” ấy nó ra sao, lại càng không thể hình dung được cái con bé Tôi ngày hôm ấy nó ra thế nào? Hỏi mãi, có lần chị gắt lên:

- Thì hôm ấy em mặc áo đầm trắng, thắt bím,và chị cột hai cái nơ mầu hồng cho em. Chị nói bao nhiêu lần rồi, sao vẫn hỏi?

          - Em hỏi lần này nữa thôi, lần cuối cùng, em sẽ không hỏi nữa.

Chị cốc lên đầu tôi một cái, mắng:

- Chị lạ gì em! Lần nào chả là lần cuối!

Dưới sự mô tả của chị Loan thì lúc ấy tôi là một con bé nhát gan nhưng lại lì lợm vô cùng, nghĩa là hôm ấy tôi sợ lắm, thế mà không khóc, chỉ bặm môi dương đôi mắt đỏ ngầu nhìn theo chị và Mẹ bước ra khỏi cổng trường. Đến cuối ngày, khi chị đến đón thì cô giáo cho biết tôi không nói năng gì suốt ngày hôm ấy, không chịu ăn gì cả, và cứ ngồi trong góc một mình suốt buổi!

Hey! Cái kỷ niệm hay ho thế, lẽ ra phải “nghìn năm hồ dễ mấy ai quên” mới phải, thế mà tôi lại chẳng có một ấn tượng gì, thế mới lạ!

Ấy, thế nhưng cái ngày đầu tiên “Hôm nay, tôi đi học” ở cái xứ Canada lạnh lẽo -300C này thì lại in trong trí tôi mãi. Đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được cái ngày đầu thu có nắng vàng man mác ấy, trong hơi thu lành lạnh, tôi co ro bước trên lối đi đã thoáng chút lá vàng xào xạc, vào lớp học với tất cả những lo âu sợ hãi giữa đám học trò Tây Đầm nhốn nháo.

Tôi ngơ ngác, run rẩy tìm một chỗ ngồi khuất tuốt dưới cuối lớp. Đó là lúc mắt tôi chạm vào đôi mắt của Monique, sáng lên sau làn kính trắng, cũng đang ngơ ngác, nhưng không đến nỗi sợ sệt như tôi, nhìn quanh quất tìm chỗ ngồi. Tôi đành nhích vào trong một tí nhường chỗ, chị mỉm cười cám ơn rồi ngồi vào đó.

Giờ học đầu, mỗi sinh viên phải tự giới thiệu mình. Nhờ đó, tôi biết trong lớp chỉ có tôi và chị là người từ nước ngoài đến. Chúng tôi thân thiện nhau thật nhanh chóng cũng vì lý do đó. Và một lý do thầm kín khác mà tôi không bao giờ nói với chị: chị giống hệt một người nữ ca sỹ mà tôi ngưỡng mộ từ những ngày còn học trung học ở quê nhà: Nana Mouskouri. Cũng khuôn mặt ấy, cũng mái tóc lưng lửng ấy, cũng cặp kính trắng và ánh mắt sáng long lanh sau làn kính ấy, tôi ngắm nghía hoài không chán.

Đọc đến đây hẳn có nhiều người nghĩ thầm: “Xạo!”, ở quê nhà làm gì có Nana Mouskouri mà bày đặt ngưỡng mộ! Nhưng tôi nói thật đấy, mà nói thật thì lại phải kể lòng vòng rằng thì là tôi có cái tật, không biết là tốt hay xấu, là tôi làm cái gì cũng nhanh như chớp, cho nên suốt 7 năm trung học của tôi, ngoài giờ học ở trường, làm bài chớp nhoáng xong, tôi chẳng biết làm gì cho hết ngày, cho nên Bố Mẹ đồng ý cho tôi ghi tên học thêm tứ tung, để tôi không còn thì giờ đi phá làng phá xóm, Bố Mẹ đỡ bị mắng vốn!

Thế cho nên ở trường ra, tôi chỉ kịp thay chiếc áo dài trắng, mặc vội chiếc jupe plissée xanh dương xậm và sơ mi trắng, rồi phóng đến Trung tâm Văn hóa Pháp, học xong lại phóng về thư viện Hội Việt Mỹ ngồi học và đọc sách đến khuya mới mò về. Chính trong thời gian này, một cô giáo người Pháp tại TTVH Pháp đã để ý đến tôi và tiếp đó thì cô thân thiết với tôi lắm, chúng tôi thường đi uống nước, ăn kem chung trong giờ ra chơi, hay là cùng đi dạo loanh quanh trên con đường trước sân trường có lá me rụng đầy lối. Con đường này nổi tiếng là có hàng cây me cao vút đẹp nhất Sàigòn (vì tôi cũng có biết con đường nào khác đâu để mà so sánh!), bốn mùa đổ lá xuống mặt đường, mỗi lần có gió, những chiếc lá li ti cuốn tròn quấn quít bước chân đi.

Một lý do khác tôi thân thiết với cô, là vì Bố Mẹ tôi kỳ cục lắm, tôi xin đi học cái gì cũng cho, chỉ trừ một điều duy nhất tôi xin ghi học thêm ở trường Quốc gia Âm nhạc thì không bao giờ được phê chuẩn. Mẹ cứ đem lời của Thầy tôi, cụ Bảo Vân, ra để “hù” tôi rằng: “âm nhạc và văn chương chỉ để trau dồi tâm hồn, không nuôi sống được ai!”.

Cô giáo tôi giỏi âm nhạc lại là một dương cầm gia, nghe tôi tâm sự trong lớp như thế, cô đề nghị dạy nhạc thêm cho tôi, dĩ nhiên là miễn phí, tôi có tiền đâu mà trả học phí. Mỗi tuần một buổi, chúng tôi vào nhà thờ, có cái đàn dương cầm đen bóng, cô đàn, tôi hát, những nhạc phẩm bán cổ điển trữ tình mà cô thu thập được trong thời gian học âm nhạc tại Pháp. Điều đó cũng đã ảnh hưởng sâu đậm đến sở thích âm nhạc của tôi về sau.

Mỗi lần trở về Pháp nghỉ phép, cô giáo hay hỏi han tôi có muốn gởi mua gì không? Tôi mau mắn chỉ xin cô mua dùm đĩa nhạc, lúc đó còn được thu trên đĩa nhựa 45 vòng. Tôi yêu âm nhạc lắm.

Học trò dạo ấy mê mẩn những tiếng hát thời trang như Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Elvis Presley… Tôi cũng không ngoại lệ, xin cô mua dùm những đĩa nhạc ấy. Có một lần cô trở lại Sàigòn với chồng đĩa nhạc trên tay, mở ra, ngay đĩa đầu tiên, tôi đã để ý đến tấm hình của người nữ ca sỹ rất lạ, đứng chụp trước một bức tường treo toàn “Đĩa Vàng”. Cô giáo tôi giải thích rằng Đĩa Vàng là những đĩa nhạc đã đạt được một số bán vượt trội nào đó. Và chính Nana Mouskouri là người đã đạt được nhiều đĩa vàng nhất vào thời đó, nên cô mua thử cho tôi nghe mặc dù tôi không nhờ cô mua.

Wow! Không biết người ca sỹ này đã thu bao nhiêu đĩa hát mà chỉ riêng Đĩa Vàng thôi đã kín một bức tường! Cô giáo còn giải thích thêm rằng Nana Mouskouri không xuất thân từ ca sỹ mà cô chính là một luật sư. Nghề ca hát chỉ là thú vui, nhưng sau này, người ta lại biết đến cô qua cái nghề ca hát này nhiều hơn là nghề chính, qua những nhạc phẩm mà cô giáo tôi gọi là “chansons de paroles”, những nhạc phẩm mà ta phải nghe và thấm thía từng lời lẽ của bản nhạc, chứ không phải chỉ như “gió thoảng bên tai” hay như “chim ca vượn hú”, thu hút người nghe qua tiếng nhạc xập xình.

Về đến nhà tôi mở ngay đĩa nhạc ấy, và nhanh chóng nhận ra rằng không phải ngẫu nhiên mà người nữ ca sỹ tài danh quốc tế này lại đạt được một số lượng Đĩa Vàng nhiều như thế. Chồng đĩa nhạc tôi nhờ cô giáo mua vẫn còn nguyên trong cặp, và tôi đã không đụng đến nữa, chỉ vì tôi đã chọn được tiếng hát mà tôi mong đợi. Tiếng hát ấy, ngày nay, cũng không thoát khỏi định luật thời gian, nhưng vẫn là tiếng hát theo tôi mãi mãi.

Nhiều lần, tôi toan hỏi chị Monique có bà con họ hàng gì với người ca sỹ tôi yêu mến không? nhưng lại thôi. Chị là chị, Nana là Nana. Tôi không muốn lẫn lộn hai hình ảnh, dù rất giống. Tôi cũng tin là chị đủ tự tin để không cần phải tự so sánh hay được so sánh với bất cứ một ai.

Suốt năm học đầu, chúng tôi đã cùng nhau vượt biết bao khó khăn bỡ ngỡ. Trong lúc người khác ăn, thì chúng tôi chúi mũi vào quyển tự điển. Trong lúc người ta chơi thì chúng tôi kéo nhau lên phòng của giáo sư để nhờ cắt nghĩa thêm những đoạn mà chúng tôi chưa kịp hiểu trong lớp nhưng xấu hổ không dám hỏi lại, sợ làm mất thì giờ của bạn học, và sợ bạn học cười chúng tôi là hai con mán xá! Trong lúc người ta ngủ, chúng tôi cùng nhau ôm cái điện thoại làm bài chung. Tóm lại một câu: “vất vả lắm”! Trong lúc đám bạn Tây học hành cứ nhởn nhơ như không ấy, thì hai đứa chúng tôi cứ bơi ra!

Không biết chị hơn tôi bao nhiêu tuổi, tôi không bao giờ hỏi, trông bề ngoài chị có vẻ lớn hơn tôi nhiều, vì lúc ấy, các giáo sư và bạn học vẫn nghĩ rằng tôi chừng 16, 17 tuổi (may quá!). Có giáo sư còn thắc mắc không hiểu sao tôi được lên đại học sớm thế! Thế cho nên, cứ trông bề ngoài thì tôi có vẻ “bé bỏng” hơn chị nhiều, kể cả thể chất, nên chị cư xử với tôi chẳng khác gì với một người em gái. Ân cần và mềm mỏng, khiến tôi cũng ấm áp mỗi khi chạnh lòng nhớ đến gia đình ở cách nửa vòng trái đất. Có những đêm nhớ nhà, tôi muốn khóc, gọi cho chị để tâm sự. Chị an ủi rằng tôi còn có nhà để mà nhớ. Chị có muốn nhớ cũng không còn Cha Mẹ, anh chị em để mà nhớ. Chị nói chị muốn nhận tôi làm em!

Mỗi bài làm, chị uốn nắn, chau chuốt thêm cho tôi từng câu, từng chữ; cho đến ngày chúng tôi cùng nhau ra trường, cùng nhau đi lãnh bằng, và lạ lùng thay, cùng nhau được nhận làm một chỗ, xa lắc xa lơ, tận gần Bắc Cực, nơi mà 3 giờ đêm, chúng tôi vẫn có thể còn cùng nhau ra bờ sông ngắm mặt trời, chiếu ánh hồng trên giòng sông lờ lững! Có lẽ cũng chỉ có hai con mán xá như chúng tôi mới chịu đi đến làm việc nơi vùng xa xôi ấy. Để lấy kinh nghiệm, để hy vọng được chấp nhận ở cái xứ xa lạ này. Niềm khao khát có được một chỗ đứng trong xã hội, ở nơi quốc gia đã cưu mang tôi, đã là động lực lớn lao khiến tôi vượt qua được tất cả mọi khó khăn.

Chị không chịu được lạnh, bệnh hoài, nên chỉ nửa năm sau, chị xin nghỉ để về thành phố. Tôi cũng không kiên cường gì hơn, nhưng được cái là tôi đam mê công việc, quên buồn, quên lạnh. Hơn một năm sau, học hỏi được kinh nghiệm rồi, xin được việc làm mới tại Montreal rồi, tôi mới xin nghỉ để về gần với gia đình.

Tôi cũng không biết từ lúc nào chúng tôi đã không còn liên lạc với nhau nữa. Thoạt đầu là những bữa ăn hẹn hò trước ngày Giáng sinh mỗi năm, chuyển dần đến mỗi năm một tấm thiệp chúc Giáng sinh và Tết, rồi thưa dần và mất hẳn, sau khi hai Giáng Sinh liên tiếp tôi gửi thiệp cho chị mà bị trả về. Mải tranh sống, mải lo nghĩa vụ gia đình, chúng tôi đã như hai nhánh sông tách ra hai ngả. Thoảng có nhớ đến những kỷ niệm êm đềm thời đi học, tôi vẫn ngậm ngùi, nhớ chị lắm. Hai tấm thiệp Giáng sinh bị trả lại, tôi vẫn cất dưới chồng sách cũ, thỉnh thoảng lại lôi ra ngắm nghía, bồi hồi.

Một lần đang lái xe trên đường đi làm về, tôi thoáng nhìn thấy chị đang đứng đợi ở trạm xe buýt. Vui mừng đến nỗi xém chút lạng vào lề đường, tôi quay kính xe xuống toan gọi, thì chị làm lơ bước vội lên xe buýt. Giữa giòng xe như thác nước vào giờ tan sở, tôi không tài nào lách lên để đuổi theo chiếc xe buýt trước mặt, lại đến giờ đón con ở trường, tôi đành bỏ lỡ cơ hội, sau này tôi vẫn ân hận mãi, nhưng cũng len lén giận khi nhớ đến lúc chị lạnh lùng bước lên xe không nhìn lại. Có lý nào chị không nhận ra tôi?

Từ đấy, tôi tin rằng cuộc đời mỗi người đều chia ra nhiều giai đoạn, không có gì là vĩnh cửu cả. Giai đoạn tình bạn nồng thắm đã qua đi, không lấy lại được thì tôi phải tiếp tục một giai đoạn khác. La vie continue… giòng đời vẫn trôi.

Điều an ủi tôi hay điều tôi tự an ủi là trong cuộc đời tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ phụ lòng ai. Thà để người khác phụ mình, tôi lại thấy tâm hồn tôi yên ổn hơn. Chính nhờ thế mà tôi luôn được đền bù bằng những gì tôi không hề mong đợi, dù đôi lúc sự đền bù đó đến muộn màng. Đó là vào một buổi chiều, cũng vào đầu mùa thu, cũng có lá vàng xào xạc trên lối đi dẫn vào trường cũ, dù nay đã thay đổi quá nhiều sau 30 năm; tôi lang thang vào thư viện tìm một quyển sách xưa cho một khóa học tu nghiệp. Lần mò vào trang Web của trường với những tên tuổi lạ hoắc, mắt tôi dán vào một cái tên quen thuộc: tên của Monique! Không thể nào lẫn với ai khác, cái tên ngoại quốc lạ hoắc này không thể là ai khác, ngoài chị!

Tôi ngần ngừ hỏi lòng có nên viết cho chị không? Rồi lại tự hỏi mình có còn giận chị không? Sự lựa chọn này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cuối cùng, lòng tôi đã thắng. Tôi viết vài hàng thăm hỏi, và hy vọng chị trả lời.

Một tháng dài đằng đẵng trôi qua, ngày ngày mở email, tôi hồi hộp chờ đợi rồi lại thất vọng. Chị đã cố tình lánh mặt tôi! Lần gặp gỡ cuối cùng nơi trạm xe buýt, không phải là chị tình cờ quay mặt bước lên xe, mà rõ ràng là chị không muốn dừng chân lại. Chậm một chuyến xe buýt có chết đâu!

Tôi tủi thân nhiều lần muốn khóc. Nhưng không! Tại sao tôi phải khóc chứ? Vì chị? Vì một người đã cố tình lánh mặt tôi? Không bao giờ! Chị đừng mơ! Sẽ chẳng bao giờ tôi nhỏ lệ vì chị! Tôi nghĩ thế, nhưng lòng tôi thì tan nát! Tim tôi vỡ ra từng mảnh mỗi lần nghĩ đến lúc chị thấy tôi mà quay mặt bước lên xe; mỗi lần nghĩ đến lúc chị nhận được email của tôi mà chị cũng không trả lời.

Năm tháng trôi qua. Lại một buổi chiều, tôi lại bước chân vào trường cũ, lại lần mò vào thư viện cũ. Tim tôi như ngừng đập. Tôi có đang nằm mơ không? Chị đứng đó, đang ký giấy mượn quyển sách trên tay. Vẫn mái tóc lưng lửng đã thoáng màu thời gian, nhưng không còn cặp kính trắng trông rất là trí thức nữa, mà thay vào đôi kính mát màu xám xanh dịu mắt.

Tôi lặng người đi, đứng chết trân một chỗ, nhìn chị mà hồi tưởng lại bao kỷ niệm xa xưa, bao luyến tiếc bồi hồi. Dĩ vãng của “30 Năm Nhìn Lại” trở về cuồn cuộn trong trí óc tôi như một cuộn phim mới thu ngày hôm qua. Trong cái dĩ vãng đầy kỷ niệm vui buồn ấy, cái dĩ vãng đậm nét nhất vẫn là chuỗi ngày còn ngồi ghế nhà trường, có Thầy Cô, có đầy phấn bảng, có đầy con số, đầy chữ nghĩa, và nhất là… có chị.

Cuối cùng chị bước ra, vẫn quyển sách trên tay, bước qua trước mặt tôi, và… đi thẳng.

Tôi nuốt giận, quay đi, toan đi thẳng vào thư viện. Không còn gì để nói nữa, không còn gì để nghi ngờ nữa. Lần trước, tôi còn ngờ là khoảng cách quá xa chị không nhìn ra tôi, nhưng lần này….

Nước mắt tràn ra, đến nước này thì không chịu được nữa, tôi thu hết can đảm, quay phắt lại:

- Monique!

Chị quay đầu lại, hỏi:

- Có phải ai gọi tôi?

Vờ vẫn! Tôi đứng trước mặt chị chứ xa xôi gì đâu, mà vờ vịt như không nhận ra. Tôi nén giận, lập lại:

- Monique!

Tiếng chị vui rộn rã:

- Thu Phong? Có phải là em không?

- Là em. Là Thu Phong đây.

Chị chạy lại gần, ôm choàng lấy tôi. Chúng tôi cùng nhau vào cafeteria, gọi hai ly trà nóng. Chị vẫn không nói câu nào, vẫn không bỏ cặp kính mát xuống. Tôi cũng nghẹn lời, ngồi mân mê ly trà nóng trong lòng bàn tay.

Đó là vào một buổi đầu xuân. Bên ngoài, tuyết đã tan gần hết. Vài con chim đang xà mình xuống bãi cỏ chưa xanh hẳn, lấm chấm vài bông hoa dại màu vàng, những bông hoa mà ngày xưa chúng tôi đã say mê dắt nhau bước trên những thảm cỏ ấy để chụp hình gửi về cho gia đình. Loáng thoáng trên sân cỏ đầu xuân, còn sót lại vài cánh lá của mùa thu trước. Những chiếc lá vàng pha đỏ, chúng tôi đã cùng nhau đi nhặt, ép khô, kèm vào thư để gửi về nhà.

Tôi cũng không nhớ ai trong hai đứa chúng tôi đã lên tiếng trước, chỉ nhớ giọng nói thật buồn của Monique:

- Thu Phong! Có phải là em đã quên chị Monique?

Giọng nói buồn như muốn khóc ấy khiến tôi bàng hoàng:

- Không! Không bao giờ! Nếu chị biết em nhớ chị, em tìm chị đến thế nào thì chị đã không hỏi em câu hỏi đó.

Monique mở sắc tay, lôi ra một lá thư cũ nát, vẫn còn dán kín:

- Lá thư này, chị gửi cho em, một năm sau bưu điện mới trả lại cho chị, vẫn dán kín. Em không muốn nhận thư, cũng đâu cần phải giữ lâu như thế!

Tôi cầm lá thư nhìn ngày tháng. Lá thư của gần 20 năm về trước. Chị vẫn giữ trong sắc tay không hề vất bỏ. Thì ra, chị không hề biết rằng từ đó đến nay, tôi đã đổi công việc và đổi nhà đến ba lần! Còn lý do tại sao một năm sau lá thư đó mới được bưu điện trả lại cho chị thì thì tôi chịu, không giải thích được. Tôi cho rằng người chủ nhà mới dọn đến đã nhận thư mà không trả lại cho bưu điện để họ chuyển giao đến địa chỉ mới của tôi. Hay cũng có thể là chủ nhà trả lại cho bưu điện mà lá thư cứ nằm ì ra đó, một năm sau mới giao trả cho chị. Ấy là tôi đoán thế.

Tôi đưa trả chị lá thư:

          - Thảo nào 2 năm liên tiếp, em gửi thiệp Giáng sinh cho chị đều bị trả về, trên phong bì đề chữ «moved». Chắc chị giận em nên không nhận thư. Cho nên sau đó em không gửi nữa. Hai cái thiệp đó, em vẫn còn giữ.

Chị lắc đầu:

          - Thời gian đó, chị và chồng chị trở về Belgique. Mãi ba năm sau, chị mới quay trở lại Canada. Chị nghĩ rằng em cố tình không nhận thư chị nên chị cũng không muốn gửi nữa.

- Chính vì chuyện này mà chị giận em? Chính vì thế mà chị nhìn thấy em dừng xe lại mà chị thản nhiên quay mặt bước lên xe buýt?

Đến lượt chị thảng thốt:

- Chị gặp em? Chị không hề gặp lại em suốt bao nhiêu năm nay, từ cái lần cuối cùng chúng ta ăn cơm chung với nhau trước đêm Giáng sinh.

Tôi gằn giọng :

- Không lẽ chị không nhận ra em, cái hôm em dừng xe lại để gọi chị?

          - Không phải là không nhận ra em, mà là chị không thể nhìn thấy em.

Nhẹ nhàng, Monique gỡ cặp kính mát xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi, đôi mắt chị đã không còn tinh anh, không còn long lanh như xưa nữa:

- Bệnh tiểu đường của chị đã đến giai đoạn trầm trọng, ảnh hưởng đến thị giác của chị rất nhiều. Chị không thể nhìn thấy những gì từ xa. Khi đọc sách, chị cũng phải đọc thật gần và phải đeo một loại kính đặc biệt. Em thấy đó, chị đã không còn tự lái xe vì mắt chị đã kém đi nhiều, bác sỹ đã cấm lái xe.

Tôi nhìn chị bùi ngùi thương cảm. Thì ra, có nhiều sự việc ở đời, mình nghĩ vậy, mình nhìn thấy vậy mà không phải là vậy. Sự việc gì cũng phải nhìn thấu đáo sâu xa từ bên trong. Nhưng tôi vẫn hờn dỗi:

- Chị vẫn đọc được sách kia mà? Nhưng chắc email của em thì chị không đọc được?

Monique ngơ ngác:

- Email? Nhà chị không hề có máy điện toán. Từ ngày chồng chị mất đi, cái máy cũ vẫn nằm đó, chị không hề sử dụng. Em gửi email cho chị hồi nào?

Tôi nói dỗi:

          - Lâu rồi. Em vào Web của trường, thấy tên chị trong danh sách email nên gửi đại.

- Oh! Thế thì lâu rồi. Dạo ấy chị có ghi học một khóa học tự do nên chị có tên và địa chỉ email trên web của trường, nhưng hết khóa học thì nhà trường tự động rút tên chị ra khỏi danh sách rồi, cho nên, chị đâu có vào web của trường để đọc email được nữa.

Thì ra thế, thì ra cả tôi lẫn chị đều có những điều hiểu lầm đối phương mà không hề tìm hiểu, chỉ nhìn phiến diện mà buồn nhau. Tôi muốn cầm lấy bàn tay của chị mà nói xin lỗi, nhưng lại thôi. Có điều gì khiến tôi ngần ngại. Lúc đó, tôi mới hiểu câu nói xin lỗi nó khó đến dường nào. Tôi trầm giọng hỏi:

- Anh mất lâu chưa chị Monique?

- Sáu năm rồi, chị không có con, bao nhiêu tình yêu của chị dành cho chồng chị, và cho em. Cả hai đã bỏ chị mà đi, từ đó chị cũng không tự chăm sóc sức khỏe cho chính mình nữa nên bệnh của chị mới càng ngày càng nặng.

Tôi lắc đầu:

- Chị dại quá! Sao phải tự hành hạ bản thân mình như vậy chứ? Dù không có em thì còn bao nhiêu người chung quanh chị. Sao phải vì em mà buồn chứ?

Chị rầu rầu:

- Không buồn sao được? Chị nhớ những ngày đầu ở Canada, hai chị em đã cùng nhau vượt bao khó khăn để có ngày nay, em đâu có khác gì người em của chị…

Monique cầm lá thư cũ vò nát trong tay và ném vào chiếc thùng rác gần đó:

- Cũng vì lá thư này, mỗi lần nghĩ đến là chị không thể nào ngủ được.

Tôi cầm tay chị:

- Thì ra, cả hai chúng ta đều hiểu lầm nhau. Monique! Chúng ta không còn mấy cái 20 năm để mà giận hờn nhau nữa. Trời đã sắp đặt cho em tìm lại chị. Xin từ nay, chị cho em săn sóc cho chị như những ngày xa xưa, chị từng chăm sóc cho em, được không? Từ nay em hứa, dù có chuyện gì, em cũng sẽ hỏi thẳng chị, không để sự hiểu lầm dày vò chúng ta nữa…

Monique gật đầu :

- Chị cũng thế, từ nay có chuyện gì cũng sẽ hỏi thẳng em.

Tôi áp bàn tay chị vào má. Tay tôi chạm vào quyển sách chị để trên bàn, rơi xuống đất. Tôi cúi xuống nhặt lên, và lạnh toát người nhìn vào tựa đề cuốn sách y học: «Những biến chứng của bệnh ung thư vào thời kỳ cuối». Tôi bàng hoàng nhìn thẳng vào mắt chị, dò hỏi. Chị gật đầu, mắt mờ đi sau làn lệ mỏng.

Nước mắt tôi cũng tràn ra. Chúng tôi ôm nhau khóc. Trong cafeteria, trong khuôn viên trường cũ, trong một ngày đầu xuân, có những đám tuyết mỏng đang tan trên nền cỏ chưa xanh hẳn, điểm vài bông hoa vàng lấm tấm.

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753577