Chợ chồm hổm
Chợ chồm hổm! Cái tên thật dân dã, chất phác, ngộ nghĩnh đến buồn cười, nhất là nó lại ở cái xứ văn minh nhất nhì thế giới.
Chỉ nghe vậy thôi, nó cũng gợi tò mò cho không riêng gì các bà nội trợ, ngay cả những đấng ông chồng. Hình như đến Houston Texas chẳng người Việt nào mà không được giới thiệu về nó và nếu có dịp, chắc hẳn ai cũng muốn đi một lần cho biết. Mà quái lạ, ngày xưa bên nhà, chợ cũng y chang như thế nhưng người ta chỉ dùng vỏn vẹn hai từ " đi chợ ", bây giờ phải gọi là "đi chợ chồm hổm". Hỏi ra mới biết, phải nói như thế thì bạn bè, người nhà mới đưa mình đến đúng chợ này. Và đặc biệt, chợ chỉ nhóm họp vào ngày chủ nhật.
Chợ thì ở đâu cũng có, đầy rẫy khắp nơi, chợ của người Việt, người Tàu, người ngoại quốc... to đùng và rộng thênh thang, hàng hoá bày biện trên các kệ, người mua đứng sõng lưng mà lựa chọn. Giỏ kéo, xe đẩy .... mặc sức mà chất đồ lên không cần tay xách nách mang trong lúc lượn chợ, xong xuôi ra tính tiền một lèo rồi hân hoan đi về.
Chợ chồm hổm thì khác, nó nằm bên lề dọc theo đoạn đường dẫn đến giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston Texas, người Việt mình không dài dòng văn tự nên quen miệng gọi ngắn gọn là nhà thờ La Vang. Từ xa xa đã thấy lác đác khoảng vài chục gian hàng. Giữa trời nắng gắt nhưng mặt ai cũng tươi vui hớn hở. Dù chợ chỉ có một khúc đường ngắn xíu xiu nhưng người mua kẻ bán vẫn rộn ràng, chào hỏi nhau thân thiện, rôm rả.
Cách buôn bán không khác những chợ nhỏ bên Việt Nam là mấy. Cũng một vài tấm vải, tấm bạt nylon trải xuống mặt xi măng, mặt cỏ rồi bày hàng trên đó. Người bán hàng ngồi trên những chiếc ghế thấp lè tè, người mua phải ngồi xổm để lựa hàng. Ngồi xuống đứng lên, qua gian bên cạnh lại phải ngồi xuống, cắp theo những món đồ mua ở các gian hàng cạnh đó. Qua đây làm gì cũng đứng, ngay cả làm bếp, lâu ngày không ngồi xổm nên mỏi nhừ cả chân, thật đúng với nghĩa đi chợ chồm hổm! Đặc biệt là bên cạnh các gian hàng ngồi bệt dưới đất cũng có vài gian hàng bày bán trong cóp xe hơi! Chạy xe đến, đậu một chỗ rồi mở cóp xe ra, hàng hoá đã được bày sẵn, chỉ việc bán.
Gian hàng của bà cụ có ba bốn trái thơm, một rổ chanh độ chừng vài chục quả, rau cải cúc, rau cải xanh, mớ hành ngò, rổ ớt hiểm..... Cô bên cạnh bày năm bảy trái bầu, chục trái mướp hương, khổ qua, mớ rau mồng tơi xanh ngát, rổ cà chua.... Đại loại là thế, vườn nhà trồng thứ gì, ăn không hết thì đem ra bày bán. Cũng có người thấy mặt hàng ít quá, một công ngồi mấy tiếng nên mua thêm của người khác để bán cho xôm tụ.
Ngoài rau củ, người ta cũng tìm thấy các mặt hàng hải sản khác như tôm, cá, mực.... Các mặt hàng này thì người bán xếp trong mấy thùng đá, thùng xốp ướp nước đá để bảo đảm không bị ươn thiu. Có một số hải sản đã đánh bắt từ vài hôm trước, được đông đá luôn cho gọn tiện.
- Bà ơi, sao mấy gian hàng này không có ai bán hết vậy?
- À, đến giờ làm lễ, mấy ông bà ấy đi nhà thờ rồi, tôi trông hộ, cô cần mua gì không?
- Cháu mua mớ rau thôi
- Ba đồng cô ạ, cô cứ ném tiền vào cái hộp gỗ cho bà ấy.
- Bà cho cháu chụp chung tấm hình nhé.
- Cô ở nơi khác đến à? Ấy, chụp xa xa thôi nhé, già rồi, có còn đẹp gái như ngày xưa đâu.
- Bà không đẹp gái nữa nhưng bà đẹp lão. Cháu ở Canada , bên cháu không thấy có chợ chồm hổm này đâu, vui quá bà ạ.
- Toàn cây nhà lá vườn, mua bán chẳng đắt rẻ bao nhiêu đâu cô, cốt ra đây gặp gỡ mọi người, nói chuyện đá gà đá vịt cho vui thôi.
.....
- Rau sạch nhà trồng, chị mới cắt sáng nay đó, em mua về để cả tuần vẫn tươi roi rói.
- Chị bán ở đây lâu chưa?
- Hơn một năm nay thôi em, chị đi chợ mấy lần thấy vui quá, rồi người này rủ rê người nọ nên chị cũng tham gia luôn.
......
Cứ như thế, người mua kẻ bán tâm tình với nhau như đã thân quen. Hình như chuyện đi chợ chỉ là phụ, người ta đến đây để tìm lại chút không khí, hình ảnh thân quen chỉ có ở quê nhà. Cũng như thuở chân ướt chân ráo qua đến xứ người, nhìn thấy chậu Cúc vàng lại bâng khuâng nghĩ đến ngày Tết của Việt Nam, đang đi mà nghe xì xào tiếng Việt hoặc thấy thấp thoáng tà áo dài bay bay trong gió, ngỡ ngàng mừng rỡ đến tận đáy lòng " trời ơi, người Việt mình kìa.... "
Hà Lê