Tết Trung Thu đầu tiên ở xứ người, đám con của Má tôi mới khám phá Má mình có tài nặn con giống. Hồi còn trong nước thỉnh thoảng làm bánh dư cục bột, Má tôi cũng vo vo, nặn nặn hình quả đào, nải chuối con con... nhưng vì cục bột trắng hêu hếu nên chẳng mấy ai chú ý. Mãi khi Hội Người Việt Sherbrooke tổ chức Tết Trung thu cho đồng bào thì Má tôi mới có dịp thi thố tài năng. Má tôi lãnh phần nặn những mâm trái cây, những con thú bé bé xinh xinh đủ màu sắc.....bằng bột dẻo mà con nít tiểu học tập nhồi nặn đồ chơi.
 
Những con cá đủ màu quẫy đuôi như đang bơi trong hồ nước, con chó con nằm vắt vẻo đôi chân hoặc con thiên nga đang ngoẹo đầu rúc cổ vào đôi cánh, trông hay lắm. Thấy vậy tôi đưa tờ giấy cây bút nói Má tôi vẽ thử vài con thú biết đâu lại khám phá thêm một tài năng già tiềm ẩn đâu đó chưa được phát hiện thì Má giẫy nẩy lên:
- Chịu thôi, ai học vẽ bao giờ mà bảo vẽ.
- Má có học nặn tượng đâu sao nặn được mấy con thú nằm ngồi đủ kiểu.
- Thì trong đầu nhớ sao nặn như vậy.
- Thì Má nhớ gì vẽ nấy.
- Tự nhiên ngồi vẽ mấy cái của khỉ ấy, người ta lại bảo hâm. Má tôi nguýt dài.
 
Những năm đầu mới qua, gia đình nào cũng chật vật kế mưu sinh nên các khoản gọi là ăn chơi bị giới hạn. Bánh trung thu chỉ mua một hai hộp lấy lệ để cúng rằm, bánh cắt ra mỗi đứa chỉ được một góc nhỏ xíu xiu, Má tôi bảo ăn lấy hương lấy hoa, ăn ngọt nhiều quá bị tiểu đường, tụi tôi đã lớn không bị dọa sâu răng nữa nên Má đem bịnh ra dọa!
 
Khi cô em dâu nhỏ bước vào đại gia đình thì ngày rằm tháng tám cô lãnh phần đặt bánh từ Toronto. Trước Tết Trung Thu khoảng một tháng, cô em dâu ơi ới gọi phone từng nhà " có ai mua bánh trung thu để em đặt luôn". Bánh đặt tận Toronto, giá đắt hơn bánh mua chợ nhiều nhưng trông tươi mát sạch sẽ và phẩm chất có vẻ đảm bảo hơn, họ gởi về trước một vài ngày để bánh còn mới và giữ được lâu. 
 
Ở bên này chẳng bao nhiêu người quen biết nên Má tôi chỉ đặt chừng bốn năm hộp, xài đúng danh từ phải gọi là bốn năm cân, gia đình con cái cũng vậy, mỗi nhà chỉ vài cân bánh. Lâu ngày chầy tháng, tuổi đời càng lớn thì số lượng đặt bánh càng giảm rồi lúc đặt lúc không, nghĩa là số lượng tiêu thụ tăng và giảm theo cấp số trừ cộng của tuổi tác. Riết rồi mấy năm gần đây cô em dâu chẳng thèm phone hỏi ai nữa. Vậy mà trong tủ đá nhà tôi lúc nào cũng năm bảy cái bánh, người quen biếu đặt lên cúng rằm xong, lây lất chán chê đành, cất vào tủ đá cho dồi dào thêm thực phẩm dự trữ.
 
Có thể không khí ngày Tết Trung Thu ở đây lặng lẽ quá, không có kiểu nhộn nhịp háo hức của đám trẻ con, không có cảnh đàn đàn đống đống lũ lượt đi rước đèn mỗi tối, quanh co khắp các nẻo đường trong những con phố nhỏ nên nó cũng góp phần làm mất đi cái thú ăn bánh trung thu uống trà sen vào đêm trăng tròn. Hơn nữa, nhà nào cũng cửa đóng then cài, có bao lần thấy được ông trăng?
 
Mỗi khi thấy em dâu khệ nệ bưng từng chồng hộp bánh qua nhà Má tôi để giao bánh đã mua dùm thì tôi lại da diết nhớ những mùa Trung Thu năm cũ. Vào khoảng năm 70, gia đình tôi đã trở vào Sài Gòn lâu lắm rồi, không biết nghe ai rủ rê, Má tôi chơi hụi bánh trung thu ở nhà hàng Đồng Khánh trong Chợ Lớn. Nghe rất lạ tai, cái vụ chơi hụi này không nhiều người biết, đóng hụi tháng cố định bằng tiền y hệt chơi hụi thông thường nhưng hàng tháng không có ai hốt hụi. Tiền đóng cứ tích lũy để đó, chơi nhiều dây hụi thì tiền đóng nhân lên.
 
Cuối mỗi năm vào Tết Trung Thu mới được hốt hụi, khi ấy chủ hụi cho người chơi một số tiền lời đã định trước đó cộng vào tiền gốc đã đóng cả năm. Tổng số tiền có không được trả lại mà họ quy ra bánh trung thu, chủ hụi phát cho mỗi người một danh sách giá tiền của từng loại bánh, muốn lấy bánh loại nào cứ cộng giá tiền sao cho đủ tiền hụi của mình, lấy lố tiền phải trả thêm nhưng còn dư tiền thì không được hoàn lại.
 
Cách chơi hụi này của nhà hàng thực chất là mượn vốn của người khác để làm ăn, cuối năm chia lời chút đỉnh. Họ lại biết chắc sẽ bán được số bánh nhất định và giữ chân được khách hàng, không chạy lung tung lang tang dòm ngó các thương hiệu khác, phần bánh bầy bán ngoài thị trường mới cần quảng cáo. Bà con họ hàng, bạn bè, hàng xóm đông nên Má tôi chơi vài dây để có bánh biếu, coi như tiền bỏ ống mà lại được sinh lời. Vui nhất là ngày đi thu hụi, người ra kẻ vào tấp nhập như trẩy hội.
 
Nhưng muốn làm ăn lâu dài thì nhà hàng phải có được sự tín nhiệm của khách hàng và điều quan trọng là bánh phải ngon. Điều này nhà hàng Đồng Khánh rất đàng hoàng và giữ chữ tín. Sau biến cố 30-4, mãi đến mấy tháng sau khi định thần trở lại, Má tôi và các Bác quen biết mới chợt nhớ đến mấy dây hụi, các bà than thở với nhau xem như mất trắng. Không ngờ đến tháng tám âm lịch năm đó, nhà hàng thông báo cho khách hàng đến tổng kết số tiền đã đóng trong năm để lấy bánh trung thu và dĩ nhiên họ cũng tính toán tiền lời rất sòng phẳng. Nếu tôi nhớ không lầm, đó cũng là năm cuối cùng nhà hàng Đồng Khánh kết thúc hình thức chơi hụi lấy bánh.
 
Vào ngày này, ngoài bánh trung thu truyền thống và các thứ bánh trái khác bày cúng, gia đình tôi có lệ ăn ốc luộc vào đêm rằm tháng tám. Bánh trung thu ăn lai rai từ mấy ngày trước, vào đúng ngày rằm lại ăn ốc luộc! Ba tôi bảo vừa ăn ốc luộc vừa trông trăng.
 
Buổi trưa hôm trước Ba tôi chở về một hay hai bao ốc to tướng, đổ ra chậu còn bò nằm lổn nhổn. Mỗi bữa cơm, Má tôi chắt nước vo gạo ngâm cho ốc nhả bớt nhớt, thay nước như vậy mấy lần. Hôm sau, ăn cơm chiều xong Má tôi ra cắt sẵn một ít gai bưởi, ngâm trong nước cho tươi để dùng lễ ốc, xong Má tôi chuẩn bị cắt rửa lá gừng, lá chanh, lót đầy dưới đáy nồi để luộc ốc cho thơm. Chị họ tôi lãnh phần giã gừng làm nước mắm, gừng phải giã chung với ớt cho nhuyễn, pha nước mắm phải khéo, sền sệt vừa phải, không đặc mà cũng không lỏng quá.
 
Trời chập choạng tối dần, trăng sáng vằng vặc in rõ cây đa chú Cuội, chỉ là không thấy chị Hằng. Đám con nít hàng xóm lũ lượt kéo nhau đi rước đèn, tiếng gọi nhau í ới, đèn nến chập chờn lắc lư theo nhịp bước. Đoàn người rồng rắn với đủ loại lồng đèn, đủ loại màu sắc, có đèn ngôi sao, đèn cá chép, đèn con thỏ, lồng đèn xếp....nhiều người khéo tay làm lồng đèn từ những hộp lon bằng sắt được cắt tỉ mỉ thành những khe hở chung quanh, hơi ấn hai đầu lon xuống cho chính giữa phình ra như quả bí, gắn lên que gỗ dài có bánh xe nhỏ xíu ở đầu que, lúc đẩy đi nghe long cong lách cách thật vui tai.
 
Mấy tối này chị  em tôi cũng được tháp tùng theo bạn, có ông anh đi theo trông chừng. Đêm nay mới hào hứng vì sau buổi rước đèn về nhà được phá cỗ và ăn uống thỏa thích.
 
Đang đi thỉnh thoảng lại nghe tiếng la hét vì bị gió thổi tắt nến hoặc nến bị đổ nghiêng thiêu rụi cả đèn, nhanh tay dập tắt lửa thì còn trơ lại cái khung, mặt ỉu xìu nhưng đám con nít vẫn không bỏ cuộc chơi, đi tay không cũng vui. Khuya dần, dòng người bắt đầu thưa thớt, đám con nít cũng uể oải, mỏi chân mỏi cẳng, phần chẳng còn nến để đốt, có đứa còn nến thì đèn cháy mất tiêu, ai về nhà nấy.
 
Vào đến sân nhà đã thấy Má tôi trải sẵn chiếc chiếu thật to, một bên kê cái bàn khói hương nghi ngút, đủ thứ bánh trái bầy cúng. Nhà ở Vũng Tàu đất rộng nên bước xuống bậc tam cấp là cái sân rộng mênh mông, tráng xi măng sạch sẽ. Bánh ăn mấy ngày nay bắt đầu hơi chán rồi, tôi chỉ nhắm vào mấy quả bưởi vì sẽ có mớ vỏ chơi bán hàng cho những ngày sau.
 
Má tôi và chị họ bưng ra mấy chậu ốc khói bốc nghi ngút, cả nhà quây quần trên chiếu. Năm nào có gia đình Bác tôi trên Sài Gòn xuống lại càng vui hơn, người lớn vừa ăn vừa chuyện trò, con nít vừa ăn vừa cãi nhau chí choé vì giành nhau con ốc to, những cái gai bưởi nhọn hoắc, thoăn thoắt chọc vào miệng ốc, bóc bỏ cái vẩy rồi lôi ra miếng thịt ốc béo ngậy, no tròn.
 
Bao nhiêu cái đầu cùng chúi xuống túm tụm vào mấy chậu ốc, hít hà với bát nước mắm cay nồng mùi gừng, tiếng lóc cóc của vỏ ốc va chạm vào nhau. Chẳng ai buồn ngẩng đầu để nhìn ông trăng vẫn lơ lửng trên cao!
 
Cách đây mấy ngày, tôi hỏi Ba tôi tại sao lại ăn ốc luộc vào ngày Trung Thu? Ba tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo:
- Cũng không biết tại sao, hồi nhỏ thấy người lớn làm thì cứ theo.
- Nhưng mà người lớn là ai?
- Thì người lớn là Ông Bà Nội mấy đứa chứ ai.
- Thế sao Ông Ngoại không hỏi Bà Nội tại sao?
 
Từ ngày có con, mấy chị em tôi gọi Ba Má  là Ông Bà Ngoại thay con. Ba tôi gắt lên:
- Ai mà rắc ra rắc rối như chúng mày, ăn thì cứ ăn, sao với trăng mãi.
 
Ba tôi là vậy,  khi nào bị vặn vẹo, bí lù không biết trả lời thì dùng câu " chúng mày đừng có rắc ra rắc rối " để kết thúc những câu hỏi rắc rối.
 
Không có câu trả lời, tôi bèn vào lục lọi tìm trên Internet, phát hiện bài viết rất hay của tác giả Nguyễn Hà với tựa đề " Ăn Ốc Trông Trăng " (Lược trích bài Bún Ốc Hà Thành trong Hà thành hương và vị của Nguyễn Hà, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 1999. Nhan đề phần trích tạm đặt.). 
 
Nếu đúng vậy thì chuyện " ăn ốc luộc trông trăng " của Ba tôi là có thật chứ không phải Ba tôi thích ăn ốc rồi cả nhà đều bị ăn ốc vào đêm rằm tháng tám.
 
Hà Lê

Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583