Quẳng gánh rau trên bãi cỏ bên vệ đường, rồi gác đầu lên chiếc đòn gánh vót bằng thân tre mềm dẻo, chú tiểu Bạch nằm dài trên bãi cỏ, hai chân bắt chéo vào nhau, ngoe nguẩy. Trời xanh trong vắt, gió hiu hiu thổi bên tai, chú chỉ muốn ngủ một giấc thôi. Nhưng tiếng chuông chùa trên đỉnh đồi cao cứ ngân nga thong thả buông từng tiếng bên tai làm chú nghĩ đến bữa cơm chiều sắp tới. Bõ già đang chờ gánh rau của chú để làm cơm. Thế nhưng chú lại cứ nấn ná nằm đó, chưa muốn về. Cái gì đã níu kéo chú cứ nằm mãi đây? Cái gì làm bước chân lại ngập ngừng đến thế?

Ðó là vì chú không biết khi về lại phải vào «xưng tội» với sư cụ thế nào. Lời hứa với sư cụ, có lẽ đếm ra cũng phải lên đến trăm lần, nhưng rồi chú vẫn «lên đến trăm lần, nhất định mình chưa...thua!», chú lại phạm lỗi rồi. Lại cãi nhau và lại gay gắt với bà bạn hàng bán rau ngoài chợ nhỏ. Cãi xong rồi, xỉ vả người ta xong rồi, tiểu Bạch mới lại nhớ đến lời sư cụ, và tự hỏi bao giờ thì mình mới thay đổi được đây? Ơn nghĩa của sư cụ vào một đêm mưa gió, đã đem tiểu Bạch ngất xỉu vì đói dưới mái hiên chùa vào phòng tịnh trai, cạo gió cứu sống chú, và cho ở lại chùa làm hương hỏa, chú vẫn chưa có ngày đền đáp, thế mà chỉ có một lời sư cụ dạy, làm mãi cũng không xong! Chú đã quen nết rồi. Lang thang cầu thực bao nhiêu năm với đám ăn mày và đám trẻ con ngỗ nghịch ngoài phố, đêm về chui rúc trong những sạp vải trong chợ, có lời nào thiếu đẹp đẽ, kể cả những lời dối trá nói ra để hại người ta, mà chú chưa từng nói qua. Nay bảo chú một ngày một đêm thay đổi, thật khó bằng lên trời.

Nhưng trốn được một lúc không trốn được cả đời. Rồi chú cũng phải về chùa thôi. Chẳng lẽ lại quay về sạp vải? Chẳng lẽ lại tiếp tục lang thang, giành giật bữa ăn? Ngày đầu, khi chú bé tỉnh lại trên giường bệnh, sư cụ lần tràng hạt luôn tay, miệng không ngớt lẩm bẩm:

- Mặt mày sáng láng, trán cao, mày thanh, mắt tú, sao lại đến nỗi này?

Rồi cái duyên hạnh ngộ đã giúp chú có nơi nương tựa bấy lâu. Lúc đầu, khi được sư cụ cho ở lại chùa, tiểu Bạch không mong gì hơn là được hai bữa cơm rau mỗi ngày, tối tối không phải co ro trong sạp vải. Nhưng rồi điều gì đã làm chú quyến luyến nơi đây một cách lạ lùng. Những tối chong đèn dầu cho sư cụ đọc kinh, chú cũng lẩm nhẩm thuộc được vài câu nằm lòng. Chú thích ngồi đó ngắm nghía cái bóng gầy guộc của sư cụ in trên vách lung linh và khuôn mặt hiền hòa. Nhiều lần chú say ngủ trong tiếng mõ êm đềm như tiếng nhạc, sáng hôm sau tỉnh dậy, chú thấy trên mình chú đã phủ tấm chăn rách rưới nhưng thơm tho mùi hương khói và ấm áp làm sao! Chú thích những buổi chiều nắng dịu đi dạo loanh quanh ngọn đồi, nghe tiếng chuông chiều thong thả ngân nga, thả con diều bay xa xa trong gió, nghe tiếng cỏ mềm êm êm xào xạc dưới chân, thanh thoát làm sao! Rồi dần dần chú cũng lại yêu cả lời kinh tiếng kệ mà sư cụ giảng giải cho. Sao lòng chú nhạy cảm đến thế? Sao tim chú dễ đập đến thế? Chú đã bị cái đẹp lâng lâng thoát tục của nơi này làm mê hoặc rồi. Ðã có lúc chú tưởng tượng ra sư cụ là cha của chú. Thật ra, chú có biết cha mẹ của chú là ai đâu!

Cho nên, chú tự hứa sẽ luôn luôn vâng lời để sư cụ hài lòng. Nhưng ai không có lỗi chứ, quan trọng là mình biết nhận lỗi thôi. Nghĩ thế, tiểu Bạch ngồi bật dậy, hăng hái để quang gánh lên vai, cất bước, nhưng cái bước chân dùng dằng ấy cứ nặng nề bám lấy chú suốt quãng đường về. Hai ba lần chú nấn ná dừng lại ở lưng đồi, ngắt mấy cành hoa dại vàng phơn phớt dưới chân, ngần ngừ mãi. Ðến lúc cái bóng nho nhỏ của bõ già hiện rõ trên nền trời xanh nơi phía sau chùa, tiểu Bạch mới giật mình nhớ lại là bõ đang chờ mình mang rau về, chú quăng vội mấy cánh hoa xinh, quang gánh lên vai, rảo bước.

Giao gánh rau cho bõ già xong, chú đi vào phòng đọc kinh chiều. Sư cụ vẫn ngồi đó, tụng kinh, bàn tay cứ gõ nhịp nhàng trên chiếc mõ. Chú cứ đứng đó mãi, cho đến lúc sư cụ ngừng tay, vẫn không quay mặt lại, hỏi :

- Con có chuyện muốn nói?

Chú ngập ngừng :

- Dạ.

Rồi quỳ xuống trước mặt sư cụ, chú ấp úng mãi không nên lời.

- Con lại làm lỗi?

Chú cúi đầu không nói.

- Con lại cãi nhau ngoài chợ?

- Dạ.

- Con lại gay gắt, thô lỗ xỉ vả người ta?

- Dạ.

Sư cụ thở dài :

- Tại sao con phải thưa với ta, làm ta đau lòng, con có thể không nói.

Tiểu Bạch rơm rớm nước mắt :

- Nếu không nói, con sẽ thấy tội lỗi.

Sư cụ dịu dàng đến bên chú, đặt bàn tay lên vai:

- Biết là tội lỗi mà vẫn làm, thầy phải dạy con đến chừng nào đây?

Chú úp mặt vào tà áo nâu của sư cụ:

- Con hối hận, con muốn nghe lời thầy, nhưng có điều gì cứ theo bám víu làm con không bỏ được tính hung hăng.

Sư cụ đỡ chú đứng lên:

- Là lòng con đầy thù hận và nghi kỵ người đời. Lúc nào con cũng nghĩ là người đời luôn tìm cách hại con. Thật ra, ở đời cũng có nhiều người tốt.

Ðiều này, tiểu Bạch hiểu rõ hơn ai hết. Nếu đời không có người tốt như sư cụ, sao giờ này chú lại sống sót và được ở nơi này chứ?

Sư cụ chậm rãi bước ra khỏi phòng, tiểu Bạch lững thững theo sau. Một lúc sau sư cụ trầm ngâm bảo:

- Con theo ta.

Hai người một già, một trẻ lặng lẽ đi bên nhau ra phía sau chùa. Sát nơi bìa rừng, một khoảng đất rộng đã được vạt sạch cỏ, và ai đã san bằng từ hồi nào. Từng luống đất đẹp đẽ, thẳng tắp trải rộng trong tầm mắt chú bé. Sư cụ chỉ tay:

- Con thấy khoảng đất kia chứ? Từ lâu ta đã tự tay chăm sóc, hy vọng một ngày có thể trồng trọt được mầu mỡ. Nay ta giao nó cho con.

Tiểu Bạch giương đôi mắt thơ ngây nhìn sư cụ, dấu chấm hỏi cứ chạy vòng vòng trong mắt. Chỉ tay xa xa, sư cụ hỏi:

- Con nhìn thấy đám hoa dại mầu vàng cam đằng xa kia chứ?

Tiểu Bạch gật đầu:

- Dạ, chúng thật xấu, lại hôi hám nữa, không xinh xắn như những cánh cúc dại vàng đẹp ở lưng đồi.

Sư cụ tiếp:

- Ðúng thế! Từ nay, mỗi khi con làm lỗi với ai, mỗi khi con thốt lời xúc phạm đến ai, con hãy dùng chiếc xẻng con, nhổ lên một cây hoa dại ấy, trồng cho ta vào luống đất này.

Tiểu Bạch kêu lên thảng thốt:

- Chung quanh chùa bao nhiêu hoa cỏ đẹp, sao thầy không bảo con trồng mà lại trồng cái hoa xấu xí, hôi hám này. Con chỉ mong nhổ tiệt hết chúng cho rồi!

Sư cụ ôn tồn giải thích:

- Vì những lúc con buông lời xúc phạm tha nhân, chúng cũng không đẹp như những cánh hoa này. Ta muốn con trồng chúng để nhắc nhở con là chúng xấu xí đến thế nào.

Tiểu Bạch chợt hiểu ra:

- Dạ, con sẽ cố ghi nhớ lời thầy dạy.

Rồi từ hôm ấy, mỗi chiều ở chợ về, tiểu Bạch lại đánh một gốc hoa xấu xí trồng vào luống đất, chẳng bao lâu, hoa đã mọc um tùm. Hoa dại lại xấu thì lại hay mọc lan tràn. Chiều chiều, sau giờ tụng kinh, sư cụ thong thả ra ngắm luống hoa, thở dài. Còn Tiểu Bạch thì ngồi chống tay trên bãi cỏ, nhìn đám hoa dại mọc xum xuê mà ngao ngán. Chú ước gì ngày nào, chú không còn phải đánh cái đám hoa ấy về trồng vào mảnh vườn đẹp đẽ này nữa. Cái ngày ấy, cái ngày ấy, làm sao đây? Là tùy vào chính bản thân chú thôi.

Một hôm, chú vào phòng đọc kinh xin sư cụ một tràng hạt nhỏ, đeo vào tay, đi đâu chú mang theo, khẽ lần tràng hạt, lẩm nhẩm đọc những lời kinh sư cụ dạy. Dần dần, những luống hoa mới đã thưa thớt dần, có khi cả ba bốn ngày chú mới phải trồng thêm một cây hoa. Sư cụ mỉm cười, xoa cái đầu trọc lóc chỉ còn một chỏm tóc nhỏ của chú, hài lòng.

Bẵng đi một thời gian, không thấy thêm hoa trên luống mới, sư cụ tưởng tiểu Bạch chán rồi nên bỏ quên luống đất, nhưng không, chiều chiều chú vẫn ra vườn, ngồi đó ngắm hoa. Sư cụ hỏi, chú chỉ tràng hạt trả lời:

- Con ước mơ ngày nào không phải nhìn thấy đám hoa xấu xí này nữa và cũng không phải ngửi cái mùi thum thủm, hôi hám của chúng nữa.

Sư cụ xoa đầu chú lần nữa:

- Vậy thì từ nay, nếu ngày nào con không làm lỗi với tha nhân, thầy cho phép con nhổ bớt một cây hoa, đem vào cánh rừng kia vất đi.

Tiểu Bạch hớn hở:

- Dạ, thế thì tốt quá.

Nhưng rồi, cây dại nhổ hoài không hết, với cái đà lâu lâu mới nhổ được một cây, chưa kịp nhổ thì cây con đã đâm chồi, nẩy nụ. Tiểu Bạch thở dài thườn thượt. Sư cụ bảo chú:

- Cây trồng được thì cũng nhổ được thôi. Con cần kiên nhẫn. Ngày nào đó, khi nhìn mảnh đất quang đãng như xưa, con sẽ thấy công lao của con không nhỏ.

Thế rồi, cái ngày ấy cũng đến. Khi cây hoa cuối cùng được nhổ ra khỏi miếng đất, tiểu Bạch hớn hở vào gọi sư cụ ra khoe. Sư cụ xoa đầu chú, hỏi:

- Con có cảm tưởng thế nào?

Tiểu Bạch phân vân:

- Con tưởng là nhổ hết được cây hoa dại rồi thì mảnh vườn lại đẹp đẽ như xưa, nhưng không phải. Miếng đất loang lở kia với cả trăm, cả ngàn lỗ thủng, con thấy không đẹp mắt tí nào.

Sư phụ cười:

- Hóa ra con là người thích hoàn mỹ! Tốt. Nhưng con phải biết, miếng đất kia chính là tha nhân, con đã đem gieo rắc những hạt xấu xí vào tha nhân, thì cho dù con có tự tay nhổ đi những cành hoa xấu ấy, tâm hồn của tha nhân cũng đã như những lỗ thủng kia do cây hoa để lại, đã bị tổn thương rồi, sao có thể bằng phẳng lại như xưa chứ?

Tiểu Bạch trầm ngâm, quỳ xuống bên sư cụ:

- Con biết lỗi rồi. Thầy dạy con phải làm sao?

Sư cụ không nói, đi vào phòng đọc kinh. Tiểu Bạch lặng lẽ theo sau ngồi bên cạnh thầy, tụng niệm. Ðêm hôm ấy, sư cụ đưa cho chú tiểu mấy gói hạt giống, dặn dò chú:

- Bây giờ, thầy đã nghĩ ra rồi. Từ nay, nếu ngày nào con làm được một việc gì tốt hay nói được một điều gì đẹp đẽ với tha nhân, con hãy gieo một hạt giống này vào luống đất.

Tiểu Bạch không hỏi thêm, cầm mấy gói hạt giống ra khỏi phòng. Chú ước gì được dịp trồng ngay để xem hạt sẽ nở những cây gì.

Cái ngày mơ ước ấy không lâu đã đến. Gieo được chiếc hạt đầu tiên, chiếc hạt thứ hai, rồi thứ ba... Chiều nào, tiểu Bạch cũng ra vườn cầm chiếc xẻng vun xới mảnh đất của chú, thầm mong hạt nẩy mầm. Khi hai chiếc lá xinh xinh đầu tiên lú lên khỏi mặt đất, chú chỉ sư cụ:

- Thầy cho con biết, đó có phải là cây hoa đẹp không?

Sư cụ cười hiền lành:

- Hoa đẹp chỉ làm dáng được cho đời. Nhưng có nhiều thứ hữu dụng cho đời còn quý hơn hoa đẹp, con ạ. Cái cây đó là cây cải ngồng. Ngày nào cải ra hoa, con sẽ thấy hoa cải cũng đẹp không kém gì những cây hoa vàng dại xinh xinh bên sườn đồi mà con ngày ngày xuống ngắm. Lá cải lại còn có thể nuôi sống chúng ta.

Tiểu Bạch gật gù:

- Ồ!

Rồi tự tay vun thêm đất vào chiếc cây non vừa hé lá.

Một hôm bõ già rảnh tay đi ra vườn, bõ há hốc miệng, ngạc nhiên nhìn những luống cải ngồng xanh ngát, luống cải bẹ trắng vừa chớm nụ hoa vàng, luống ngò thơm đong đưa những cánh hoa nho nhỏ trên ngọn, lại còn có cả vài cánh tía tô màu tím thẫm bên cạnh luống cải cúc lá xanh biêng biếc điểm những chiếc nụ tròn tròn, vì chú tiểu Bạch ngày ngày không ngừng chăm bón và tưới mát cho cây. Bõ già quăng chiếc rổ đã sứt cạp xuống bãi cỏ, chạy vào tìm sư cụ, kéo ra vườn khoe. Sư cụ chỉ cười:

- Từ lâu, ta đã biết đứa bé này có thể đào tạo được. Ngày mai, ta giao cho bõ đem nó đến trường làng, giao nó cho cụ giáo. Rồi nó sẽ thành người hữu dụng.

Bõ già gật đầu sung sướng.

Chiều hôm ấy, tiểu Bạch ở chợ về, chỉ kịp quăng mấy bó rau muống vào bếp, chú chạy vội ra thăm khu vườn xinh của chú. Ðất đã không còn lồi lõm nữa mà thay vào đó là những hàng rau thẳng tắp, xanh mơn mởn, như những tâm hồn tha nhân đang mở ra chào đón, tha thứ cho chú. Chú cảm thấy thật yêu đời. Thì ra, khi mình làm được điều gì tốt cho tha nhân, thì cái người được vui vẻ, sung sướng chưa hẳn là tha nhân, mà là chính mình. Tiểu Bạch tiện tay, hái vài cây cải vào cho bõ già nấu canh, từ nay tiết kiệm được ít tiền chợ lấy ra từ tiền hương hỏa của khách thập phương, chú nghĩ là sẽ mua được cho sư cụ ngọn đèn dầu mới, thay cho cái đèn mà chú lỡ tay làm vỡ cái bóng đã lâu. Chú ngồi đó ngắm nghía mãi, mầu xanh dịu mắt dưới ánh chiều tà, như mầu của quê hương. Chú bâng khuâng nghĩ đến thân phận của mình, tưởng tượng đến những người thân mà chú chưa từng gặp mặt, tưởng tượng đến quê nhà của chú như một khoảng trống to lớn trong đầu óc non nớt. Ô hay! Sao người thân hiện lên trong tâm tư của chú lại lần lượt là khuôn mặt từ bi của tượng Phật trong chùa, là nét nhân ái của sư cụ, là sự trìu mến của bõ già, là lòng độ lượng của đám sư huynh, ngày ngày dạy chú những lý lẽ ở đời. Và kìa! Quê hương của chú sao cũng lần lượt hiện lên ngọn đồi thoai thoải mà chú tung tăng mỗi sớm chiều, là cánh diều căng gió bay lồng lộng trong khoảng trời xanh có mây trắng lờ lững kia, là nụ hoa vàng be bé mọc lưng chừng đồi, ngây thơ nằm nghe tiếng chuông chiều văng vẳng, rồi cuối cùng quê hương ấy thu gọn lại trong màu xanh của khu vườn trước mắt do chính tay mình nâng niu. Chú chạy vào bếp, lấy ra chiếc bình tưới cây, thong thả gieo những hạt nước mát trên luống đất mầu:

          Chắt chiu một mảnh vườn rau,

          Quê hương xin giữ trong mầu lá xanh...

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627