Tôi bước vào phòng bà Lạc. Mùi khai đập vào tôi. Căn phòng thiếu ánh sáng, ngột ngạt. Bà đang nằm trong mùng trên một chiếc giường mỏng hẹp. Tôi vén mùng, ngồi cạnh bà và cố gắng làm quen với mùi khai. Chân bà co lên gần bụng một cách không tự nhiên. Bà nằm ngửa đầu ngước lên phía trước như ngóng đợi lắng nghe một điều gì. Mắt bà mở to nhìn thẳng một điểm nào đó trên đỉnh mùng. Miệng bà há hốc.

Tôi đã từ Mỹ về thăm bà cách đây sáu tháng. Cũng căn phòng này, cũng chiếc giường ọp ẹp này nhưng lúc đó bà còn quay qua nhìn tôi và hỏi thăm về mẹ tôi. Lúc đó chân bà không co lên.

Lần này, bà Lạc không quay đầu lại khi tôi gọi tên bà. Cô Ban, người bấy lâu nay chăm sóc cho bà Lạc, đứng cạnh đầu giường. Đó là một bà vãi trẻ bất đắc dĩ vì không thể làm được việc gì khác và không thể sống ở đâu khác ngoài Chùa Giánh. Cô cất tiếng oang oang:
- Mấy hôm nay phải ép lắm bả mới ăn được chút cháo. Ngậm miệng lại!

Vừa nói cô vừa cố đẩy hàm dưới của bà lên. Nhưng miệng bà vẫn há to. Tiếng bà ú ớ:
- Ngợ... khô... được.
- Bà ơi, con kéo chân bà xuống nhé? Tôi với tay kéo chân bà. Nhưng người bà vẫn cứng ngắt.
- Đa... đau... láa

Mắt tôi cảm thấy cay xót một cách bất ngờ, rồi nhòa đi trong sự yên lặng giữa ba người. Tôi ngạc nhiên trước xúc động của mình và vội chớp mắt. Tại sao tôi lại bị ảnh hưởng đến như vậy? Tôi không phải là họ hàng gì với bà. Có phải bà Lạc và những tiếng nói ơi ới khi gà gáy hòa lẫn tiếng soong chảo khua vào nhau đã nối liền với tuổi thơ của tôi? Tôi rùng mình khi nghĩ đến chuyện bà đã nằm trong tư thế này trong suốt năm sáu tháng qua. Con người hoạt bát náo nhiệt với những tiếng chửi rủa có vần có điệu hai mươi mấy năm trước nay chỉ còn là một dúm da bọc xương nằm co quắp trước mắt tôi.

Tôi nhớ hoài những nắm cơm cháy của bà. Bà có một nồi cơm bằng nhôm rất xinh xắn. Đáy nồi chỉ vừa lòng bàn tay của tôi. Trong những năm đói khát, lâu lâu bà thường gọi khẽ mẹ tôi vào phòng bà. Bà lén lút cho mẹ tôi một nửa phần cơm cháy và mẹ tôi lại vội vàng đem về cho tôi và em trai tôi. Hai đứa chúng tôi được mỗi người một miếng. Tôi thường cầm nắm cơm đưa lên mũi để tận hưởng mùi thơm của cơm trước khi bỏ vào miệng. Nướt bọt cứ ứa lên nhưng tôi không dám ăn ngay. Ngậm mãi cho đến khi cần phải nhai và nuốt. Ôi, những hạt cơm bùi, ngọt, và tinh trắng. Dạo ấy, chúng tôi không được ăn gạo trắng mà thường là bột mì hay gạo mốc xanh xám trộn với đầu khoai lang.

Mỗi lần về thăm đất nước, là mỗi lần tôi phải đương đầu với những cơn sóng tình cảm, phải đón nhận những cơn lũ quá khứ, phải ít nhiều sống lại với cái xấu đẹp của những thân nước ngày hôm qua.

Tôi đã từng đứng trước các hội thảo, các phóng viên nhà báo ở bên Mỹ để cám ơn đất nước Hợp chủng quốc đã cho tôi các cơ hội phì nhiêu để phát triển tài năng của mình. Nhưng cũng chính ở đất nước giàu sang này, tôi đã học được và thấm nhuần sự cô đơn cùng cô độc. Bên cạnh những xe ô tô mới là những bức tường nhựa vô hình ngăn chặn sự gần gũi giữa con người với con người. Một cuộc sống được khử trùng sạch sẽ đầy ắp sự tiêu thụ vắng tình người.

Tôi đã quên cám ơn đất mẹ. Nơi sông đỏ, nắng cháy, gió ẩm hơi nước này, tôi đã học được cái tâm làm người và sống được cái đau nhân loại.

Tôi vào sống ở Chùa Giánh khi vừa nhập học lớp ba, đầu thập niên 70. Bác sĩ nhà thương Grall báo cho ngoại tôi biết rằng bà đã bị ung thư thận trầm trọng. Với tin sét đánh này, là người chủ gia đình, ngoại tôi quyết định đưa tất cả mọi người vào ở sau Chùa Giánh. Trước đó, tôi có hay theo ngoại đi lễ ở đây và vẫn thắc mắc về những khuôn mặt của chùa này so với các chùa khác trong thành phố Sài Gòn ngày đó. Chùa che chở cho bao nhiêu con người khác xa nguồn gốc. Nhưng tôi không ngờ rằng sự hỗn tạp này là những yếu tố căn bản để tạo nên các góc cạnh phong phú và phức tạp của con người tôi hôm nay.

Chùa Giánh được thành lập bởi sư ông Thích Tịnh Tâm. Một người xuất xứ từ Lào qua, tính tình cởi mở rất bình dân và rất gần gũi thương yêu mọi người. Trong chùa thầy thường được gọi là "cụ". Cụ không những nhận các chú tiểu vào chùa tu mà còn nhận các bà có tuổi đơn chiếc vào sống và công quả cho chùa. Mặc dầu ngoại tôi có con cháu không thuộc thành phần nói trên, sự van xin ân cần của bà đã làm cụ nhận gia đình chúng tôi vào.

Những ngày đầu sống tại chùa, tôi thường hay bị đánh thức dậy khi trời sắp sáng bởi tiếng réo của một người đàn bà: "Con mù, con què đâu, xuống đây ăn cháo!" Những lúc ấy, tôi nằm trong mùng tưởng tượng ra chân dung của con người này. Bà ta chắc hẳn người rất to béo da trắng nhờn và miệng rất rộng. Tôi không mấy có cảm tình với người tôi hình dung trong đầu. Ngược lại tôi lại rất có thiện cảm với người đàn bà sống cạnh căn hộ tôi. Bà này có tiếng nói trầm và đôi khi thường lên tiếng một mình như: "buồn làm gì cho nó nặng cái đũng quần ra", hoặc "đêm ơi là đêm, ngày ơi là ngày". Xen kẽ những câu lẩm bẩm là những chuỗi ho khô đều đều trong canh khuya.

Một hôm, mẹ tôi sai tôi rửa một cái chảo và bảo nên làm cho nó khô trước khi đưa lại cho mẹ tôi nấu món kế tiếp. Tôi ra sân rửa chén công cộng của chùa và cố hoàn thành nhiệm vụ. Rửa xong, tôi đứng lên đung đưa cái chảo qua lại cho ráo nước. Sau một lát, cái chảo của tôi đụng vào một cái gì đó rất mạnh. Tôi quay lại và bắt gặp đôi mắt sắc bén của một người đàn bà đang ngồi chồm hổm để đi tiểu. Cái chảo của tôi đã đập vào mặt bà. Nhọ đen bệt trên mũi. Người đàn bà tiếp tục đi tiểu, đang ngước lên nhìn tôi ngơ ngác và giận dữ. Bà Lạc. Đó là lần đầu tiên tôi gặp bà.

Khi bà đứng dậy, tôi run sợ nhìn bà không chớp mắt và hình như tôi nói lời xin lỗi mà cả chính tôi cũng không nghe được. Người đứng trước mặt tôi cao, mảnh khảnh, tóc bạc búi về sau để lộ đôi mắt sáng với làn da đen bóng. Hai má bà hóp, môi mím lại nhưng không dấu được những vết nứt môi vì ăn trầu.

Sau một thời gian, tôi được biết bà Lạc chính là người có tiếng ho khan ở cạnh nhà tôi, và cũng là người cất tiếng cay nghiệt mỗi sáng để réo hai bà vãi Nghé và Bột, một người mắt lòa gần như mù và người kia vì bị té gẫy xương nhiều lần nên phải đi khập khễnh. Qua nhiều năm ngồi hóng chuyện người lớn, tôi được biết là bà Lạc đến chùa Giánh khi bố của bà đứng ra gả em gái của bà cho chồng bà, vì bà không có con được. Ngày bà đến chùa, vì còn trẻ và không có nhiều kinh nghiệm nên thường bị bà Nghé và bà Bột đánh chửi mỗi khi làm việc vụng về.

Tôi đứng dậy rời khỏi giường bà Lạc và nói với cô Ban:
- Cô ráng cố gắng chăm sóc cho bà. Cô đừng la bà và đừng đẩy hàm bà vào nữa. Bà không ngậm miệng lại được đâu. Nếu cháu nghe là cô không chăm sóc tốt cho bà, cháu sẽ không gửi tiền về nữa đâu.
- Mày khỏi lo. Tao hầu hạ bả ngày hai ba bữa. Lau chùi dọn dẹp đủ thứ hết.

Biết rằng câu nói kia của cô Ban không hoàn toàn đúng sự thật, nhưng tôi vẫn gật gù bước ra khỏi phòng bà Lạc. Lòng rỗng tuếch. Leo lên xe taxi rời khỏi chùa Giánh, tôi thấy cái gì đó nặng nề trong tôi. Tiếng bà Lạc vẫn văng vẳng: "Cái giòng con lai nó bạc lắm!" Lời nói đó là con dao vô hình đã rạch những vết lằn trên tôi. Nó là những lời nhắc nhở mỗi khi tôi bị đời ngược đãi, bị chùa ngược đãi. Đã bao năm tôi dùng nó làm câu giải thích cho những điều vô lý và vô tình xảy ra với tôi. Hình ảnh và tiếng guốc của bà chạy để lấy quần áo cho tôi khi trời chuyển mưa vẫn quá thân thiết đối với tôi. Trong cơn nắng gắt của thành phố Hồ Chí Minh, ngồi trong xe tôi thầm mong cho bà được chết sớm. Được thoát khỏi cái nghiệp nặng nề tù tội trên chiếc giường khai ngấy kia. Không khí trong xe vẫn nóng hầm, tôi thoáng ngửi thấy mùi khai khai ở đâu đây. Cảm thấy bất lực.

Xe đã qua cầu Thị Nghè và tôi cố tình nghĩ những chuyện hiện tại. Cố xua đuổi hình ảnh bà Lạc nằm co chân há miệng. Cố xua đuổi hình ảnh của chùa Giánh.
- Cô nhìn giống như Tây. Nếu cô không nói tiếng Việt, tôi không thể tưởng tượng cô lại là người Việt. Anh tài xế taxi vừa cười vừa nói và vừa nhìn tôi qua kính chiếu hậu.

Tôi cười nhạt đáp lễ. Nghĩ đến câu nói của anh ta mà thấy ngán ngẫm. Nghe nói hoài phát ớn, mặc dầu câu nói kia không có gì xấu.

Tôi về đến khách sạn và liền gọi cho chú Dần, một chú tiểu đã sống mấy chục năm trong chùa, người thường giúp tôi giải quyết một số công việc xảy ra ở đó. Tôi yêu cầu chú đưa bà Lạc đi nhà thương. Nhưng chú từ chối và bảo rằng bà đang "bệnh già" chỉ nên để bà chờ ngày về cửa Phật. Câu nói này tôi nghe rất thường xuyên trong những ngày còn sống ở trong chùa. Tôi đã nghe khi bà Nghé nằm liệt giường, khi bà Bột người phù lên và không đi được nữa. Qua bao nhiêu năm giờ nghe lại thấy rất xuông tai nhưng làm tôi rất khó chịu.

Sau hai tháng khi tôi về đến Mỹ, trong một câu chuyện tình cờ về Việt Nam với một cô bạn ngày xưa sống cùng xóm, trước khi ra về cô ấy nói với lại:
- À bà Lạc ở Chùa Giánh đấy, chết rồi nhá, chết cách đây hai tháng.

Cơn lũ quá khứ lại cuốn về hối hả. Lòng nhẹ đi nhưng tim thì thắt lại. Tiếng soong chảo lại vang lên đâu đây. Tôi nói thầm với mình: "Đêm ơi là đêm, ngày ơi là ngày". Chùa Giánh lại đến bên tôi trên thung lũng điện tử, Sillicon Valley.

***

Giọt mực tím rớt trên mãnh giấy nâu sần sùi. Tôi nhỏ mực xuống giấy và chờ đợi cho mực có thể xâm lăng giấy nhưng ương ngạnh thay nó vẫn là giọt vỡ cố định, không lăn, không nhòa. Chịu hết nỗi, tôi lấy ngón tay cái đè lên giọt mực và kéo nó dài trên trang giấy. Một làn tím chạy từ đậm đến lạt hiện ra trước mắt tôi. Chưa thỏa mãn, tôi viết xuống:"Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Không hiểu rõ lý do gì đã khiến tôi viết mấy câu này và tôi không nhớ rõ tại sao mình lại phá cuốn vở mà mẹ tôi phải khổ công lắm mới mua được cho tôi. Ngày ấy, mực tím rất đẹp nhưng giấy tái dụng thường không được trắng, rất nâu và rất sần sùi.

Jenny Đỗ


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583