Chuyện linh tinh

 

Hờn 1

Già trẻ lớn bé, có nhiều kiểu hờn khác nhau. Kiểu khóc ri rỉ, thút tha thút thít, không thèm ăn, không thèm nói chuyện…. Càng dỗ dành càng làm nư, hờn tiếp, bỏ mặc không lý tới tự động hết hờn. Nhưng mà con nít hờn thấy dễ thương lắm, người lớn mà hờn thì nhiều khi thấy…. khó thương lắm à.

Thằng con tôi càng hờn càng khóc, khóc đến khi mệt thì ngừng lại nghỉ xả hơi, hết mệt …. khóc tiếp. Lúc đầu hai vợ chồng tôi còn dỗ ngọt, được thể nhóc ta cứ tỉ tê. Nhiều lúc thấy buồn cười, ông chồng tôi xách máy ra quay, rồi gởi về Việt Nam cho Ông Bà Nội thấy cảnh thằng cháu hờn dai, khóc nhây. 

Má chồng tôi xem rồi lầu bầu “ hai vợ chồng nó nuôi con cái kiểu gì không biết nữa, con khóc mà mẹ không chịu dỗ, thằng cha thì quay phim. “

Đến khi Má chồng tôi qua Canada thăm con cháu, chứng kiến cảnh thằng cháu nằm khóc lè nhè dạo đầu, rồi tuỳ hứng khóc theo từng điệp khúc như ca sỹ hát nhạc, thì bà lắc đầu bảo tôi: 

- Thôi con, cứ để nó khóc cho đã đi, khi nào chán thì nó ngưng.

xxxxxx

Hờn 2 

Tôi nghe kể lại một anh nhóc con bị bố mẹ mắng vì tội gì đó, phạt vào bếp quỳ gối, anh cu con rấm rứt tỉ tê khóc mãi. Người lớn bỏ mặc, ở nhà trước nói chuyện, chợt nghe cu cậu lải nhải mãi một câu, mọi người cùng dỏng tai lên: “ cháy nhà rồi, không nói đâu… cháy nhà rồi, không nói đâu…. “. 

Hoảng quá, cả nhà chạy xô vào xem thì căn bếp bị cháy thật. Ở dưới quê, nhà bếp chung quanh bằng vách lá. Ông cha nấu nước pha trà, thanh củi rớt ra, lửa bén vào vách cháy xém một mảng. Cu cậu vẫn chưa hết hờn, không chịu bỏ chạy và vẫn điệp khúc “ cháy nhà rồi, không nói đâu… “, người lớn lôi ra để chữa lửa. 

May là mới chỉ cháy một bên vách nên dập lửa cũng nhanh. Xong xuôi, cu cậu được tẩm quất một trận nên thân. Hết hờn. Nhớ mãi suốt đời. Chắc đây là một trong những kiểu hờn độc nhất vô nhị.

Nhưng ngẫm đi nghĩ lại, người có tội đâu phải thằng bé?

xxxxxx

Thật thà khai báo

Một đám trẻ con cỡ bốn năm tuổi cùng nhảy tưng tưng trên giường của bà Ngoại chúng. Cái nệm mới nên nhảy thích lắm, chỉ nhún nhẹ là người tung lên tung xuống mấy lần mới hết đà. Chơi chán cả đám kéo ra ngoài phòng khách xem phim hoạt hình.

Bà Ngoại vào phòng tìm cặp mắt kính để xem báo, tìm mãi không thấy, bà chợt nhớ trưa nay nằm trên giường đọc sách, chắc để quên đâu đó trên giường. Lật tấm phủ giường lên tìm thì thấy cặp mắt kính nằm dưới nhưng hai gọng kính đều cong queo, một tròng mắt kính bị nứt.

Bà lôi đám cháu ra thẩm vấn: 

- Mấy đứa con, đứa nào làm vỡ kính của bà? Nói ngay, không bà phạt cả đám.

Hết nhìn đứa này đến đứa kia, đứa nào cũng chối leo lẻo: 

- Chắc em Sơn.

- Không phải con, chắc là em Thi.

- Không phải con, chắc là em Đô. 

- Chắc em Duy.

- - - - - 

Có một thằng cháu đứng im, nét mặt sợ sệt. Thằng cháu này nhát nhất nhà. Bà Ngoại quay sang hỏi:

- Thế còn con, con có đạp gãy kính của bà không? 

Thằng bé rụt rè trả lời: 

- Hồi nãy tất cả cùng chơi, cùng nhảy trên giường của bà, con cũng có nhảy nhưng con không biết là con có đạp gãy kính của bà không nữa.

Không chối, cũng không nhận tội. Bà Ngoại chúng khoái chí, không tra khảo đám cháu nữa, tủm tỉm cười mãi. Chiều tối, cha mẹ đám nhóc đi làm về ghé qua đón con, bà cứ kể đi kể lại chuyện gãy kính và khen lấy khen để thằng nhóc. Dù nó sợ bị phạt nhưng vẫn khai sự thật, không đổ lỗi, vu vạ cho ai.

xxxxxx

Tưng

Gần hai năm trời làm việc ở nhà vì trận đại dịch, khoảng hơn tháng nay người ta bắt đầu lác đác trở lại văn phòng làm việc. Chồng cũng đi thử, vào sở buổi sáng, buổi chiều vẫn làm việc tại nhà. Mấy ngày đầu vợ đi theo nhắc cầm chừng “ nhớ đeo khẩu trang, đừng đứng gần nhân viên quá, nhớ rửa tay thường xuyên….. “. 

Thỉnh thoảng chồng đi về kể “ mấy hôm nay có vài nhân viên ho khù khụ, bà thư ký hôm nay xin nghỉ vì bịnh….” là vợ lại hơi lo, không biết có dính dáng đến con mắc dịch kia không?

Trưa nay ngồi ăn cơm, chồng lại nhẩn nha kể, sáng nay cô kỹ sư trẻ vừa gặp mặt là báo cáo: 

- Hồi nãy đi bộ từ chỗ đậu xe vào đây tôi thấy hơi choáng váng… 

Chưa kịp nghe hết câu vợ hỏi dồn: 

- Thế có kêu cô ta đi về không? 

- Để nói hết đã, cô ta vào tới bàn làm việc, ngồi phịch xuống ghế cho bớt mệt, khi nhìn xuống thì mới hay hai chân xỏ hai chiếc giày cùng màu đen, cao thấp khác nhau. Thành thử lúc băng qua sân đậu xe, chân đi khập khiễng nên hơi bị chóng mặt.

xxxxxx

Xã giao

Trận đại dịch đã làm cho người người căng thẳng, mất tinh thần. Nghe bao câu chuyện buồn mãi cũng hết yêu đời, người bạn ấm ức kể câu chuyện nho nhỏ cho đỡ sầu. 

Nằm bó giò ở nhà, ngửa cổ lên trần nhìn mãi mấy con thằn lằn rượt đuổi nhau chán quá, bất ngờ chuông điện thoại reng, nhỏ bạn vội vàng chụp lấy điện thoại. Bên kia đầu giây tiếng nói của một người đàn ông: 

- Em đó hả? 

- Dạ, em đây. 

- Lúc này em sao rồi, đang ở đâu vậy? 

- Em khỏe re hà, đang ở bên nhà con trai, qua đây rồi bị giãn cách nên mấy tháng nay không về nhà được. 

- Vậy tốt, anh cứ tưởng thế nào em cũng bị dính con COVID rồi chứ, cái tật em hay đi ta bà.

“ Đồ mắc dịch, tui nhường cho anh dính nó đó. Trời ơi, người gì ăn nói có duyên quá chừng, bảo sao quen biết anh từ nhỏ mà ngày anh tỏ tình với tui, tui vẫn không hề xao xuyến dù anh rất ư là đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi và nói chuyện chỉ có hơi cà chớn kiểu này. “. Nhỏ bạn nghĩ thầm trong đầu.

xxxxx

Diệt dịch

Bà chị đẩy cửa bước vào tiệm thời trang, một mùi hương nồng nặc bao phủ toàn không gian, cảm thấy hơi xây xẩm mặt mày. Đang ngẫm nghĩ xem một trong những triệu chứng của con Covid có cái vụ choáng váng này không thì bà bán hàng đứng ngay cửa chắc cùng tâm sự nói nhỏ: 

- Bà thấy khó chịu lắm phải không? Nãy giờ tôi muốn xỉu vì mùi này, phải chạy ra gần cửa để thở. 

- Nước hoa hay mùi gì mà khiếp thế? 

- Mùi nước hoa của khách hàng.

- Khách đi chưa? 

- Không biết, tiệm rộng thênh thang, tôi mắc bán nên không để ý. 

Vừa dứt lời thì một người đàn ông trẻ từ buồng thử quần áo bước ra, trên tay cầm vài cái áo và bà chị ngửi được cả một lò nước hoa di động đang tiến đến quầy thu ngân, chắc cũng nghe lỏm được lời xì xầm nên cười cười nói: 

- Tôi chống dịch hiệu quả nhất thế giới đấy, không cần thuốc tiêm chủng, không cần thuốc điều trị, không có khẩu trang cũng không sao. Chỉ cần xịt đủ thứ dầu thơm lên mình, ai gặp tôi cũng tránh xa mấy chục mét chứ đừng nói giữ khoảng cách hai mét.

 

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved