Tôi đến thành phố M. vào lúc chín giờ ba mươi. Chuyến bay nội địa ngày cuối tuần vào giờ này không quá đông người và đa số là hành khách trẻ tuổi. Sau khi đến quầy lấy hành lý, tôi tản bộ ra ga đón tàu về nhà người bạn thân. Lẽ ra anh ấy đến đón tôi nhưng vì anh đã có hẹn với người yêu nên tôi bảo anh cứ để tôi tự về nhà. Vả lại, tôi đã từng thuê nhà cùng với anh một thời gian ở thành phố này và vẫn còn giữ chìa khoá nơi anh ở.
Đến quá mười giờ đêm tôi mới đón được tàu về hướng nhà anh. Con tàu dừng lại trên sân ga vắng vẻ. Đêm hè ấm áp, giới trẻ giờ này vẫn còn khoác tay nhau dạo chơi hoặc tụ tập ở các điểm giải trí. Tôi lên tàu ở khoang đầu, cạnh buồng lái, rồi chọn chỗ ngồi gần cửa ra vào để tiện di chuyển hành lý.
Con tàu chyển động êm ái trong đêm. Tôi kéo cửa sổ, mở rộng cả hai cánh cửa rồi ngửa mặt đón lấy ngọn gió đêm ấm áp, khoan khoái tận hưởng bầu không khí trong lành, thoang thoảng mùi gỗ thông và hoa sứ, đặc điểm của thành phố này. Trên băng ghế đối diện, một người đàn ông trạc cỡ trung niên đang ngồi, mắt nhìn chăm chú ra ngoài cửa sổ. Một vài lần, khi tàu dừng lại ở mấy ga nhỏ, tôi thấy ông nhổm lên rồi lại ngồi xuống, mắt vẫn dán ra phía ngoài tàu. Tôi đoán ông đang chờ gặp người nào đó. Tôi thấy vẻ lo âu trên nét mặt ông khi ông xoay người vào khoang tàu xem giờ trên chiếc đồng hồ đeo tay.
Trong lúc tôi còn đang nghĩ lan man đến thời gian tôi đã sống ở thành phố này và những người bạn mà tôi sẽ cố thu xếp công việc trong những ngày tới để đến thăm, ông quay sang phía tôi, rồi ông cất giọng khàn khàn hỏi:
“Cậu có thường đi tàu khoảng giờ này không?”
Sau thoáng ngạc nhiên, tôi nói:
“Không... à... mà cũng có. Trước đây, thỉnh thoảng tôi cũng đi tàu khoảng giờ này khi tôi còn đi học đêm ở đây. Nay tôi đã dời về thành phố K., chỉ đến đây công tác.”
“Thế à,” ông nói giọng buồn bã, “tôi tưởng cậu cũng thường đi tàu khuya, may ra...” giọng ông tắt dần, vẻ thất vọng hiện lên mặt ông.
Tôi chợt cảm thấy áy náy vì làm ông thất vọng. Để giúp ông khuây khỏa, tôi bắt chuyện làm quen.
“Vậy ông có thường đi tàu giờ này không?”
“À” ông nói, giọng trầm ngâm, “trước đây thì có, hàng đêm, nhưng dạo này thì không.”
Ông đưa mắt nhìn tôi. Đôi mắt ông buồn buồn, có nét gì đó như vẻ chịu đựng trên khuôn mặt ông làm tôi quan tâm.
“Sao lại thế?” tôi hỏi ông, nhưng lần này không phải chỉ để xã giao. Chẳng hiểu sao, tôi có cảm giác người đàn ông này cưu mang một nỗi bất hạnh nào đó và những chuyến tàu đêm ông nhắc đến có liên quan đến điều ấy.
Ông đưa mắt nhìn tôi lần nữa, rồi đưa mắt nhìn vào hai tay, ông cất giọng trầm trầm kể cho tôi nghe câu chuyện của ông:
***
Trước đây, có một thời gian dài tôi làm ca đêm. Tôi tan ca đêm vào lúc mười một giờ và đón chuyến tàu vào lúc mười một giờ mười lăm. Vào giờ đó, sân ga vắng tanh. Cả đoàn tàu nhiều lắm cũng chỉ có dăm ba người, đôi khi tôi là hành khách duy nhất. Theo thói quen và cũng để tiện lên xuống tàu, tôi thường ngồi ở toa đầu, kề với buồng lái. Tôi cũng chọn chỗ này theo lời khuyên của sở quản lý giao thông vì ở đó tôi có thể được giúp đỡ nếu gặp khó khăn hay nguy hiểm lúc đi lại ban đêm.
Thường thường, khi tôi buông người xuống chiếc ghế tàu, tôi ngồi duỗi tay duỗi chân sau một ngày dài làm việc rồi suy nghĩ vẩn vơ chờ đến ga nhà mình. Có lúc quá mệt mỏi, tôi cũng thiu thiu ngủ hay lật qua mấy tờ báo trong ngày xem tin tức cho biết những chuyện xảy ra đó đây để khỏi thiếp đi.
Vào một đêm như thế, trong lúc tôi đang uể oải tựa người vào thành ghế cố tìm một thế ngồi thoải mái thì chiếc tàu dừng lại ở một ga nhỏ. Tôi nghe tiếng bước chân lên toa của mình rồi có người đi về góc toa, ngồi xuống băng ghế đối diện. Tôi lơ đễnh đưa mắt nhìn ra ngoài nền trời tối đen, không nhận ra được tàu đã đi đến đâu. Mắt tôi dừng lại trên khuôn mặt của người hành khách ở phía bên kia toa tàu. Một phụ nữ trẻ, ăn mặc giản dị có khuôn mặt nhìn nghiêng thanh tú. Hai tay nàng mảnh mai, thon dài ấp vào nhau trong lòng.
Vừa lúc nàng ngước mặt nhìn về phía tôi, con tàu đi qua dãy đèn đường rực sáng và tôi giật thót người khi nhìn thấy nửa kia khuôn mặt nàng trước đây xoay nghiêng ra ngoài khuất trong bóng tối. Tim tôi thắt lại khi nhìn thấy một bên gò má và thái dương nàng thâm tím sưng vù, một bên mắt gần như díp lại. Nàng cố nghiêng đầu để mái tóc gợn sóng mềm mại xoã xuống vai che khuất phía bên ấy nhưng tôi đã vô tình nhìn thấy vào đúng lúc con tàu lọt vào vùng sáng của những ngọn đèn.
Tôi bàng hoàng nhìn xuống đôi tay mình. Chẳng hiểu sao tôi có cảm giác như một tội phạm ăn năn đã gây ra tội ác. Mãi sau, tôi mới ngước lên nhìn nàng. Nàng vẫn ngồi yên, mắt nhìn đâu đó xuống sàn xe hay lên đôi tay vẫn ấp vào nhau như đôi chim nhỏ. Tôi nhìn kỹ nàng hơn, cố đoán điều gì đã xảy đến với nàng. ‘Một tai nạn? Nàng đã lơ đễnh để ngã hay va vào vật gì? Hay nàng bị hành hung?’, tôi thầm nghĩ, nhưng càng cố đoán, tôi càng thấy rối mù và không hài lòng với bất cứ lời giải thích nào. Chẳng hiểu sao tôi cố gạt ra dự đoán cuối cùng nhưng có điều gì đó trong tôi như một nỗi e sợ mơ hồ rằng đây chính là lý do thật.
Nàng vẫn ngồi lặng lẽ. Ở nàng toát ra một vẻ gì đó cam chịu và mong manh. Tôi quyết nàng không phải là người bất chính. Cách phục sức và vẻ thanh tao ở nàng gây cho tôi ấn tượng về một nhà giáo hay một người có nghề nghiệp đứng đắn. Tôi băn khoăn thấy mình cần được một lời giải thích hay trấn an rằng nàng không phải chịu một hoàn cảnh bất an. Nhưng tôi chỉ là một người tình cờ ngồi cùng toa tàu, một kẻ xa lạ, và tôi không có quyền chất vấn nàng về vết thương tôi thấy.
Mải mê với những suy nghĩ về nàng, tôi không nhận ra con tàu đã đi qua ga nhà tôi từ bao giờ. Đến khi con tàu dừng ở ga kế, tôi mới nhận ra mình đã đi quá mấy trạm. Tôi bối rối nhận ra đã gần nửa đêm. Giờ này, để đi đến bất cứ ga nào tôi cũng phải chờ hàng giở đồng hồ mới có một chuyến. Vả lại, để đón tàu về hướng ngược chiều, tôi phải đến ga trung tâm thành phố rồi đổi tuyến đi về lại nhà mình. Không còn cách nào khác, tôi đành ngồi chờ cho con tàu đi nốt đoạn đường còn lại đến trung tâm thành phố.
Khi con tàu dừng lại ở ga trung tâm, tôi thấy nàng rời tàu rồi lặng lẽ bước xuống sân ga. Chẳng hiểu sao, lẽ ra tôi phải lên cầu nối rồi sang phía bên kia sân ga để chờ tàu đi về nhà mình, tôi lại cất bước theo nàng. Tôi không rõ lắm tại sao tôi lại làm điều ấy. Có cái gì đó thúc đẩy tôi phải để mắt đến nàng. Tôi có cảm giác như một người gác gian có nhiệm vụ phải canh chừng ngôi nhà mà chủ nó đã đi vắng.
Nàng đi qua những dãy phố lác đác bóng người, qua những quán ăn, tiệm cà phê còn mở cửa nhưng không hề đưa mắt nhìn vào hay dừng lại. Tôi lẽo đẽo đi theo nàng, cố giữ một khoảng cách vừa phải để nàng khỏi nghi ngờ nhưng đủ để tôi luôn thấy được nàng. Chợt nàng dừng lại trước một rạp chiếu phim, tần ngần đọc tựa đề những phim đang được chiếu rồi rẽ vào đấy. Tôi vội vã theo nàng vào rạp, vừa kịp trông thấy nàng vào phòng chiếu tầng dưới. Tôi cũng đến quầy vé, hỏi mua một vé xem phim ấy rồi vội vã vào phòng chiếu. Vẫn còn chương trình quảng cáo trước khi vào phim, ánh sáng mờ mờ cho tôi đủ thấy dáng nàng nhỏ nhắn ngồi ghế cạnh lối đi giữa rạp.
Cuốn phim tình cảm vui nhộn dành cho giới trẻ lẽ ra cũng giải khuây được cho tôi nhưng tôi chỉ theo dõi được từng đoạn, lúc hiểu, lúc không. Một phần, tôi vẫn còn bị dao động bởi vết thương trên mặt người phụ nữ trẻ ấy. Phần khác, có lẽ tôi cũng quá mệt mỏi sau một ngày làm việc dài, và thường lệ, giờ này tôi đã ngon giấc ở nhà. Nàng ngồi yên suốt buổi chiếu, tôi tự hỏi không biết nàng có theo dõi được tường tận hay không. Cuốn phim chấm dứt, tôi vội vã rời phòng chiếu và đi ra ga. Tôi nghĩ có lẽ lúc ấy nàng cũng lên đường về nhà và tôi muốn đi trước để khỏi làm nàng bận tâm. Tuy nhiên, sau khi chờ cả gần nửa giờ đồng hồ mới có tàu về nhà, tôi vẫn không thấy bóng nàng đến sân ga. Cuối cùng, chuyến tàu về hướng nhà tôi đến và tôi đành lên tàu với cảm giác ra đi khi chưa làm xong việc được giao phó.
Những ngày sau đó, thỉnh thoảng, tôi nghĩ về nàng và mỗi lần như thế, tôi cảm thấy bứt rứt không yên, một thứ cảm giác lạ lẫm tôi chưa từng biết. Rồi một đêm, vào lúc tôi sắp ngủ gật trên tàu thì nàng đến. Tôi tỉnh hẳn cơn ngủ khi nàng ngồi xuống băng ghế đối diện. Nàng mặc đồ thẫm màu, chiếc khăn len choàng cổ quấn quanh mái tóc loà xoà và tôi vô tình nhìn vào mắt nàng: tim tôi thắt lại khi thấy mắt nàng đỏ hoe, mi mắt mọng nước. Có lẽ nàng vừa mới khóc trước khi lên tàu, môi nàng mím chặt như cố ghìm cơn khóc. Tôi nhìn xuống hai tay nàng: một bàn tay phủ kín trong mớ băng quấn màu ngà, bàn tay kia đang nắm chặt thứ gì đó trăng trắng như chiếc khăn tay. Tôi muốn cất lời thăm hỏi nàng, muốn nói một điều gì đó để nàng khuây khoả nhưng tôi không thể. Bản tính rụt rè, vụng về cố hữu của tôi vẫn thường làm tôi bỏ lỡ nhiều dịp kết thân với bạn mới hay làm lành với người quen nay càng làm tôi lúng túng, khó khăn hơn.
Quả như tôi nghĩ, không lâu sau khi tàu chuyển bánh, tôi thấy nàng khóc. Nàng mím chặt môi, nước mắt tuôn rơi trên khuôn mặt buồn rười rượi, xanh xao. Tôi bối rối và khổ tâm. Bỗng dưng tôi có cảm giác như thể tôi là người thân của nàng. Tôi cần phải làm điều gì đó để giúp nàng. Nhưng tôi vẫn ngồi yên trên ghế không hề cử động. Nàng lặng lẽ khóc, tim tôi như thắt lại, cổ họng khô đắng khi thấy nàng khóc không ngừng và trong tuyệt đối yên lặng. Có lẽ nàng đã quen khóc không âm thanh như thế trước đây và tôi bàng hoàng nhận ra những giọt nước mắt trong im lặng của nàng còn làm tôi lo lắng, khổ tâm hơn cả những lời trách móc, than van hay những tiếng nức nở của phụ nữ mà tôi từng thấy trước đây.
Con tàu dừng lại ở một ga nhỏ. Tôi nhận ra ga kế là nhà tôi và bồn chồn muốn làm một điều gì đó cho nàng trước khi rời tàu nhưng tôi vẫn không thể. Khi tàu dừng lại ở ga của mình, tôi loay hoay cố nói với nàng đôi lời an ủi, ân cần nhưng đầu óc tôi đặc quánh, mê muội không tìm ra lời nào. Con tàu lại chuyển bánh. Tôi tần ngần đứng giữa khoang tàu, bối rối cực độ vì tôi lại lỡ chuyến về nhà và phải đi lên trung tâm thành phố rồi chờ tàu về lại.
Tôi nặng nề cất bước về lại ghế mình. Nàng vẫn cúi đầu, lặng lẽ khóc. Khi tôi ngồi xuống băng ghế đối diện, nàng ngước mắt nhìn tôi. Không hiểu có phải vì tôi quá mong chờ hay không, nhưng tôi có cảm giác có nét gì đó như vẻ thân ái từ mắt nàng và nàng ngừng khóc trong giây lát. Con tàu vẫn lặng lẽ đi trong đêm tối. Bên trong, tôi và nàng vẫn lặng lẽ ngồi trên hai băng ghế đối diện nhau nhưng tôi có cảm giác từ giây phút ấy, một sợi dây vô hình ràng buộc tôi vào nàng và lòng tôi nao nao một cảm giác khó diễn tả.
Con tàu dừng lại ở ga trung tâm thành phố. Tôi lại cất bước theo nàng qua những dãy phố, những tiệm ăn, rồi nàng đi vào một quán nước. Tôi bối rối dừng chân trước cửa quán nhưng rồi cũng theo vào. Nàng ngồi ở một bàn nhỏ tận góc vườn. Tôi cũng tìm một chỗ ngồi thật khuất để tiện trông theo nàng. Nàng ngồi lặng trước tách trà bốc hơi nghi ngút. Tôi nhẩn nha ly cà phê nóng, cảm thấy mình như đang bị cuốn theo một dòng lũ cuồn cuộn không biết sẽ trôi về đâu. Tôi cảm thấy thật lạ lùng đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi theo một phụ nữ nhưng không phải vì say mê hay tò mò, rình rập mà vì một thứ tình cảm trong sáng, gần như là anh em. Thật ra, tôi không biết nhiều về tình yêu nhưng tôi biết nó không giống như thứ tình cảm trong tôi lúc ấy, và tôi cũng không bận tâm phân tích.
Nàng rời quán nước, tôi cũng thanh toán tiền rồi theo chân nàng đi qua những khu phố. Cuối cùng, nàng vào một rạp chiếu bóng khác và tôi cũng theo vào. Đang giữa giờ chiếu, tôi tần ngần không biết nàng đã mua vé xem phim nào, chỉ thấy bóng nàng xoay lưng đang đọc những tấm bích chương quảng cáo trên tường. Trong lúc tôi đang bối rối, ngần ngừ không biết nên ở lại chờ hay ra về, bỗng tôi thấy nàng đi về hướng của mình. Tôi ngạc nhiên cực độ khi thấy nàng đánh rơi ví tay dưới chân tôi rồi cúi xuống nhặt. Tôi cũng vô tình cúi xuống vừa lúc nàng ngước lên và mặt nàng kề sát mặt tôi. Nàng cất tiếng, giọng êm nhưng rõ.
“Sao anh... đi theo tôi?”
Tôi bối rối.
“Tôi... tôi không biết”. Tôi cảm thấy luống cuống, không phải vì ngượng ngùng nhưng e ngại làm nàng hiểu nhầm tôi có ý đồ không tốt. “Tôi không có ý xấu, mong chị tha lỗi.”
Cuối cùng, tôi cũng chỉ có đủ mạnh dạn để nói với nàng chừng ấy. Nàng nhìn tôi, ánh mắt êm đềm và tôi nhớ lại đôi mắt con chim nhỏ bị thương rơi trong vườn nhà tôi hôm nào.
“Tôi tin anh,” nàng lo ngại nhìn quanh rồi nói nhanh: “Tôi van anh. Nếu ông ấy biết được, ông ấy sẽ giết tôi và cả anh nữa”.
Rồi nàng vội vã quay lưng đi nhanh vào phòng vệ sinh nữ. Tôi bàng hoàng nhìn theo, không biết phải làm gì. ‘Ông ấy là ai? Chồng nàng? Cha nàng? Anh nàng? Hay chủ nơi nàng làm việc?’ tôi bối rối với bao nhiêu câu hỏi trong đầu. Tôi không thể hỏi nàng cũng như đi theo nàng được nữa. Nàng đã nhận ra tôi và yêu cầu tôi đừng theo nàng. Nếu tôi cố đi theo nàng, có lẽ một dịp nào đó tôi có thể biết được ông ấy là ai và quan hệ thế nào với nàng. Nhưng tôi không nên làm điều đó. Tôi sẽ gây thêm khó khăn, có khi là nguy hiểm cho nàng và cho cả tôi. Và với ý nghĩ ấy, tôi tần ngần cất bước ra ga đón tàu về nhà.
Vài tuần sau, tôi lại gặp nàng trên tàu. Nàng tránh nhìn tôi và cũng như lần trước, vẫn lặng lẽ khóc. Nàng ngồi co ro, mặt úp giữa hai tay. Tôi chưa biết nỗi đau thể xác nào bằng cái cực hình nhìn nàng khóc trong câm lặng. Tôi khốn khổ, giày vò trong mối thương cảm vì nàng nhưng đầu óc tôi đặc quánh không thể tìm được lời nào hay bày tỏ cử chỉ nào để an ủi nàng. Nhiều lần tôi muốn rời ghế mình đến cạnh nàng nhưng thân thể tôi như bị dán chặt vào ghế. Hàng chục lần tôi buộc mình thôi không nhìn nàng, ngại làm phiền đến nàng và để tôi đỡ khổ tâm nhưng tôi không thể. Cuối cùng, khi tàu dừng lại ở ga nhà tôi, tôi đành quay mặt cất bước rời tàu ra về.
Tôi không ngủ được đêm hôm ấy. Chẳng hiểu sao mỗi lần nhắm mắt tôi lại thấy khuôn mặt nàng, khuôn mặt thanh tú với vết thâm khủng khiếp và bàn tay quấn băng. Tôi trằn trọc, bứt rứt, hàng chục lần tôi tự bảo mình rằng đây không phải là việc của tôi và cố dỗ giấc ngủ nhưng vô hiệu. Cuối cùng rồi tôi cũng chợp mắt, nhưng nỗi ám ảnh về người phụ nữ trẻ vẫn không rời tôi.
Những tuần rồi những tháng sau đó tôi gặp nàng thường xuyên. Thoạt đầu, tôi cố buộc mình không nhìn nàng trong suốt cả chặng đường về nhà và tôi đã thành công. Tôi có thể cất bước rời khỏi tàu không hề nhìn lại nàng, nhưng sau mỗi lần như thế, tôi càng bị nỗi ám ảnh giày vò hơn. Tôi muốn nhìn thấy nàng, băn khoăn không biết nàng có bị thêm vết thương nào khác không và nàng đã làm gì trong những đêm đi lang thang vô định ấy. Cuối cùng, không kìm nổi mình, tôi lại nhìn nàng vào một đêm nàng bước lên tàu.
Tôi nhớ hôm ấy nàng lên tàu vừa lúc tàu sắp chuyển bánh. Nàng loạng choạng bám lấy thanh sắt vịn tay trên vách tàu cố đứng vững rồi lần đến ghế ngồi. Tôi nhìn lên mặt nàng và giật thót người khi thấy vẻ hốc hác, tiều tuỵ gần như bệnh hoạn trên khuôn mặt nàng. Chỉ mới vài tháng từ ngày tôi gặp nàng lần đầu mà nàng trông già đi cả hàng chục tuổi. Hai má nàng thóp lại bên đôi mắt trũng sâu. Nàng cúi đầu, thu mình lại như cố tránh né ánh mắt tôi. Tôi toan quay đi, thôi không nhìn nàng nữa để nàng khỏi phải ngượng ngùng.
Vừa lúc ấy chiếc tàu đột nhiên giằng mạnh rồi phanh gấp. Đầu tôi va vào thành tàu trong khi một bên người và cánh tay nàng bị hất đập vào lưng ghế. Tôi nghe tiếng nàng rên khẽ và mắt nàng lộ vẻ đau đớn. Đến lúc ấy tôi mới nhận ra, mặc dù giữa đêm hè nóng bức, nàng vẫn mặc chiếc áo tay dài. Có lẽ nàng cố che những vết thương nào đó trên cánh tay hay vai. Nỗi uất ức dâng lên trong tôi. Tôi muốn lao đến bên nàng, nắm lấy đôi vai mảnh dẻ và lay cho đến khi nàng thú thật cho tôi hay ai đã đối xử với nàng như thế. Nàng đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn cầu khẩn, van lơn và tôi thấy vẻ hoảng sợ thoáng qua trong mắt nàng.
Có lẽ nàng đọc thấy được vẻ giận dữ trong mắt tôi và điều ấy làm nàng khiếp sợ. Tôi thấy lòng mình se lại. Tôi ân hận đã làm tăng thêm nỗi lo sợ trong nàng. Nàng như con chim bị thương dưới cánh tay của kẻ nhẫn tâm và bất cứ cánh tay nào đưa đến gần cũng nhắc cho nàng nhớ đến điều đó. Tôi muốn đến bên nàng thật dịu dàng và bằng cách nào đó xoa dịu nỗi đau của nàng. Tôi muốn được vỗ về, trấn an nàng rằng vẫn có những nơi an toàn mà nàng có thể tìm đến. Nhưng như bao lần trước, tôi vẫn ngồi đó, bồn chồn, nung nấu với bao ý nghĩ và ước muốn được làm một điều gì đó cho nàng. Đến khi chiếc tàu dừng lại ở ga nhà mình, tôi cố buộc mình thôi không nhìn nàng rồi nặng nề, khổ sở rời bước khỏi tàu.
Những hôm sau đó, công ty của tôi đình công và tôi như kẻ mất trí. Tôi đứng ngồi không yên, và hàng đêm, cứ đến khoảng giờ tôi thường đón tàu về nhà, tôi bồn chồn đi lại như người có hẹn. Tệ hơn nữa, mỗi khi tôi nghe tiếng chiếc tàu nào chạy ngang hoặc tiếng còi tàu rúc lên trong đêm, tôi có cảm giác như bị điện giật và tôi phải cố gắng lắm mới kìm mình không lao ra ga. Rồi cứ như thế, suốt đêm tôi trằn trọc với nỗi ám ảnh về nàng. Hết giờ này sang giờ khác, những chuyến tàu đêm không ngừng dội vào trí óc tôi hình ảnh nàng với những vết thương và dáng vẻ ngày một tiều tuỵ. Tôi ân hận và bứt rứt vì đã không chia sẻ được gì với nàng, cho dù chỉ vài lời ân cần. Tôi tự hành hạ rồi xỉ vả mình là một kẻ hèn hạ, bất lực, cho đến khi tôi mệt lả và thiếp đi lúc tảng sáng.
Tôi tiếp tục sống trong tình trạng như thế suốt nhiều ngày. Ban ngày tôi sống như trong một thế giới khác. Tôi ăn uống qua loa rồi ngủ vùi như kẻ ốm. Tôi ít đi ra ngoài, hầu như tôi không gặp gỡ ai ngoại trừ những người bán thực phẩm khi tôi buộc lòng phải đi mua dăm ba lần trong suốt thời gian ấy. Nhưng khi đêm về tôi trở thành người khác. Càng về khuya, tôi càng tỉnh táo hơn. Không những tôi có thể nghe thấy được tiếng xình xịch rất khẽ của những con tàu từ xa, tôi có thể phân biệt được chúng đến từ hướng nào và ngay cả loại chở khách hoặc tải hàng. Tôi có cảm giác như kẻ đi săn và những chuyến tàu là những con mồi mà tôi theo dõi với cả tâm trí.
Nhiều lần, tôi cố tìm cách giải trí ban đêm để không nghĩ đến nàng. Nhưng tôi không còn làm được việc gì khác mỗi khi có tàu chạy ngang. Dần dà, tôi không còn có thể ngủ ban đêm nữa, vì mỗi khi tôi nhắm mắt, vóc dáng tiều tuỵ và khuôn mặt thâm tím của nàng khiến tôi ray rức rồi vật vã. Thần kinh tôi như chiếc dây cung bị kéo căng tột độ và tôi nóng lòng được gặp lại nàng. Tôi quyết nếu lần tới gặp nàng, tôi sẽ tìm ra nguyên nhân đã khiến nàng đau khổ.
Rủi thay, từ sau đợt đình công, phần hành của tôi bị cắt giảm người còn tôi bị đưa sang ca ngày. Không còn có cơ hội gặp nàng ban đêm, lại không được ngủ nghỉ ban ngày, tôi rệu rã như kẻ trôi sông vừa được vớt dậy. Tôi không hiểu bằng cách nào tôi đã sống sót được mấy tháng trời mà không bị tai nạn trong lúc làm việc hay trên đường đi về nhà khi phải thức suốt đêm và làm việc suốt ngày. Nhiều lúc tôi có cảm giác như thể bộ nhớ thay tôi điều khiển thân thể, tay chân, còn tôi thì hoàn toàn mất hết tri giác.
Duy có tiếng tàu đêm giữ tôi thức trắng với niềm nung nấu được gặp lại nàng. Chẳng hiểu từ lúc nào, tôi đã tự xem mình là người bảo hộ nàng. Thêm vào đó, ý nghĩ rằng đêm đêm nàng sẽ lang thang trong khổ đau một mình với những vết thương mới khiến tôi quẫn trí. Tôi không biết tôi có thể làm được gì để giúp nàng, nhưng tôi không thể cầu cứu ai khác và điều này càng dồn tôi vào chốn cùng quẫn. Dần dà, ý nghĩ ấy đeo đuổi tôi cả đêm lẫn ngày. Ngày ngày, tôi tìm bóng dáng nàng ở mọi nơi tôi đến: trên đường phố, dọc công viên và cả trên những chuyến tàu đi làm.
Nhiều đêm, không chịu nổi sự hành hạ của những ám ảnh về nàng, tôi đón tàu lên trung tâm thành phố, nóng lòng chờ nàng lên tàu như những lần trước. Nhưng hết đêm này sang đêm khác, nàng không hề đến. Quẫn trí, đêm đêm, tôi lang thang đến những nơi cũ, vào cả những rạp chiếu bóng trong niềm hy vọng sẽ tìm thấy nàng lần nữa. Có đêm tôi đứng nhiều giờ đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã nơi nhà ga nàng thường đón tàu, mong gặp được nàng ra ga giữa khuya. Nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm hơi nàng đâu. Vài lần, những người giữ an ninh nhà ga đến hỏi thăm khi thấy tôi quanh quẩn ở đó nhiều giờ hàng đêm, nhưng tôi chỉ trả lời qua loa mà không thể kể được gì về nàng. Có lần, tôi đánh liều hỏi một người giữ ga có thấy nàng không, nhưng ông ấy không thể nhớ hết những người ra vào ga hàng đêm. Trong cơn tuyệt vọng, tôi chợt nghĩ đến khả năng sẽ đăng mẩu nhắn tin tìm nàng, nhưng rồi phải gạt đi ý nghĩ ấy vì ngại làm liên luỵ đến nàng.
Thế rồi một đêm, mệt rũ sau nhiều giờ lang thang tìm nàng và chờ đợi ở ga, tôi loạng choạng lên đường về nhà. Ngay vào lúc đi qua khúc quanh phía bên kia ngõ vào ga, tôi nghe thấy tiếng giày chạy trên lối đi, và trước khi định thần nhìn kỹ, tôi nghe thấy tiếng bánh xe phanh gấp và tiếng phụ nữ hệt như tiếng nàng tắt nghẹn trong đêm tối.
“Buông tôi ra... để tôi yên!”
Tôi cuống cuồng lao về phía ấy, chỉ kịp thấy đôi cánh tay đàn ông đang lôi lấy nàng vùng vẫy kháng cự vào trong xe. Ngay tức thì, cánh cửa đóng sập lại và chiếc xe lao đi mất hút trong đêm tối. Tôi bàng hoàng rồi tê điếng trong cơn phẫn uất, tôi gào lên và chạy bổ vào ga tìm người giữ an ninh. Tôi thét vào mặt ông ấy những lời lộn xộn, không đầu đuôi về một phụ nữ bị hành hung trước đây vừa bị mang đi ngoài ý muốn. Ông ấy có vẻ bực bội và xua tôi đi. Ông còn gọi tôi là “gã điên” khi một người giữ an ninh khác đến hỏi khi nghe thấy huyên náo. Tôi điên tiết thấy họ bàng quan về mối hiểm nguy của một phụ nữ, và để mặc tôi gào thét giữa sân ga, họ quay vào phòng vé đóng cửa lại, từ chối ngay cả gọi báo cho cảnh sát. Gọi mãi mà họ vẫn không chịu mở cửa khiến tôi điên tiết đập vỡ cửa sổ và quăng vào bất cứ thứ gì vớ được trên sân ga cùng những lời thoá mạ tồi tệ nhất.
Không lâu sau, xe cảnh sát đến. Nhưng thay vì lắng nghe lời kể của tôi về nàng, họ mang tôi về đồn cạnh sát vì tội đập phá và quấy rối trật tự an ninh nơi công cộng. Mặc cho tôi hết sức thuyết phục, chẳng ai chịu nghe về mối hiểm nguy của nàng, mà trái lại, họ còn cho rằng tôi cố tìm cớ để biện hộ cho những hành động sai trái của mình. Đến khi tôi điên tiết rồi tuyệt vọng khi nhận ra sẽ không ai đi tìm và giải cứu cho nàng, tôi oà khóc và vật vã như một đứa trẻ. Tôi tìm đủ mọi cách để cầu khẩn, van xin, nhưng họ không tiến hành việc cứu nàng, mà trái lại, bắt đầu lập hồ sơ về tôi. Mặc cho tôi khóc lóc, kêu gào, hai gã cảnh sát mang tôi vào phòng tạm giữ sau khi ghi xuống tên tuổi, địa chỉ và tịch thu toàn bộ giấy tờ tuỳ thân của tôi.
Hôm sau, cảnh sát đưa một phụ nữ đứng tuổi, dáng nghiêm nghị vào phòng tạm giam thăm tôi. Thoạt đầu, tôi cho rằng bà ta làm ở cơ quan điều tra, người sẽ lắng nghe những chi tiết cần thiết để tiến hành cuộc truy tìm nàng. Nhưng sau hàng loạt câu hỏi về nàng, bà ta chỉ ghi xuống những đặc điểm về tôi, đại loại như: phấn khích quá độ, thiếu mạch lạc, kém logic... khiến tôi cực kỳ hoang mang. Sau đó, bà hỏi tôi hàng loạt những câu hỏi kỳ quặc về lịch sử bệnh thần kinh trong dòng họ nhà tôi, hỏi cặn kẽ và bắt tôi nhớ lại tình trạng sức khoẻ lần đầu tôi gặp nàng và vô số những điều chẳng ăn nhập gì cả như một ngày tôi ngủ bao lâu, ăn lúc nào, có uống thuốc gì không v.v,...
Đến khi bà dừng lại sau hàng giờ chất vấn, tôi mới có dịp hỏi có phải bà từ phòng điều tra hình sự đến không. Bà mỉm cười thân ái, và vỗ nhè nhẹ lên cánh tay tôi, bà cất giọng êm ái cho hay bà là bác sĩ của khoa nghiên cứu thần kinh bệnh viện thành phố. Tôi suýt ngất đi vì giận, rồi mặc cho bà tìm cách trấn an, tôi điên tiết đập phá vật dụng quanh phòng và lao ra ngoài tìm lối ra đường. Tôi muốn sẽ tự đi tìm nàng. Cho dù khó khăn đến đâu, tôi cũng sẽ cố gắng làm hết sức mình, bắt đầu bằng cách đi dán những tấm nhắn tin khắp nơi với những chi tiết mô tả nàng.
Nhưng họ không để cho tôi yên. Mấy tên cảnh sát lực lưỡng lao theo đè lên người tôi đến ngạt thở mặc cho tôi vùng vẫy kháng cự rồi khoá tay tôi lại. Người ta mặc cho tôi áo choàng có dây trói dành cho người điên rồi đưa tôi đến khu tâm thần của bệnh viện thành phố. Tôi không nhớ được tôi đã đập phá, gào thét và bỏ cả ăn uống bao nhiêu ngày cho đến khi mệt lả rồi thiếp đi. Đến khi thức giấc, tôi thấy mình đang bị khoá chặt vào giường sắt không cách gì vùng vẫy, với bình truyền dinh dưỡng trên ngực. Khi tôi cất giọng hỏi thăm một y tá trực đến thăm, tôi nhận ra mình không còn phát ra tiếng, chỉ thều thào như người ốm nặng.
Sau đó tôi ngủ vùi hết ngày này sang ngày khác. Thỉnh thoảng, trong lúc tỉnh táo, tôi hỏi thăm những bác sĩ hoặc y tá về tin tức nàng, họ đều trả lời bằng một kiểu hệt như nhau theo lối dỗ dành một đứa trẻ rằng nàng vẫn bình an. Thoạt đầu, tôi còn giận dữ và gây gổ với họ, nhưng sau nhiều lần như thế, tôi hiểu ra điều này hoàn toàn vô ích. Tôi bắt đầu vờ ngoan ngoãn làm theo lời họ yêu cầu và không nhắc đến nàng nữa. Dần dần, tôi được tháo bỏ áo bó của người điên rồi từng bước một, tôi được tham gia những buổi đi dạo bên ngoài với người giám sát, và không lâu sau đó, tôi được mang ra phòng giam chung với những người khác. Chẳng lâu sau, tôi được thoải mái đi dạo và sinh hoạt như những người bình thường.
Tôi cố không nghĩ hoặc nhắc đến nàng trong suốt một thời gian khá dài từ ngày được chuyển ra phòng giam chung. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, người ta vẫn mang tôi lên phòng khám và hỏi han tôi đủ mọi điều. Việc này đã khiến cho tôi bị khích động và nhớ lại đêm đầu tiên bị tạm giam ở sở cảnh sát và tôi không đã không thể kìm lòng nên lại hỏi về nàng. Có lúc tôi còn nổi cáu và gây gổ với bác sĩ, vì họ thật ngoan cố chẳng chịu lắng nghe tôi. Có lần tôi nổi giận thật sự và đập phá vật dụng trong phòng. Sau những lần như thế, tôi lại phải trở lại từ đầu: mặc áo khoá tay, rồi chuyển sang cởi áo này và bị nhốt phòng cách ly, sau một thời gian dài mới được ra lại phòng chung...
Cứ như thế, tôi bị lẩn quẩn mãi mà không được xuất viện, cho đến khi tôi không còn có thể chịu nổi lối sống ấy nữa và phải làm mọi cách để thoát khỏi cái nhà tù ngột ngạt này trước khi tôi thật sự bị mất trí. Tôi đã phải cố gắng hết sức, đã làm mọi cách để tự kìm chế, có khi tôi còn phải tự cắn vào lưỡi của mình cho thật đau để ngăn mình không nhắc đến nàng, không gây gổ và vờ thật ngoan ngoãn trong nhiều lần khám định kỳ. Tôi còn tình nguyện uống thuốc họ cho hết sức đều đặn chứ không vất đi để khiến họ tin rằng mình đã hoàn toàn bình phục. Sau một thời gian khá dài và trải qua không biết bao nhiêu lần khám lẫn xét nghiệm, cuối cùng, tôi được cấp giấy xuất viện và rời bệnh viện tâm thần thành phố cách đây không lâu.
Vài hôm trước đây, tôi tình cờ gặp lại một đồng nghiệp cũ cũng đi làm về tàu đêm như tôi khi trước. Tôi thật không ngờ khi anh ấy nói đã sáu năm rồi mới gặp lại, từ ngày tôi đi làm cùng ca đêm với anh. Tôi cho rằng anh đã nhầm lẫn sáu tháng với sáu năm, vì tôi không nghĩ rằng mình đã bị giam lỏng trong bệnh viện lâu đến thế. Tuy nhiên, sau khi điểm lại số lần tôi đã phải bị mặc áo trói và khoảng thời gian đã mất giữa những khâu chuyển tiếp để ra được phòng chung, tôi nghĩ rằng mình đã ở đấy hơn sáu năm.
***
Ông đưa tay lên dụi mắt rồi ngước nhìn tôi. Lần đầu tiên sau suốt một đoạn đường dài ngồi lắng nghe ông kể, tôi mới thấy rõ đôi mắt ông: ánh mắt trống rỗng, ngơ ngác như đôi mắt đứa trẻ vừa thức giấc. Tim tôi như chợt hẫng đi trước ánh nhìn như cầu cứu, van lơn khi ông bối rối nhìn quanh lên những chiếc ghế trống rỗng như đang tìm một người nào đó. Rồi ông xoay người, cố nhìn ra bên ngoài qua khung cửa sổ, nét mặt khẩn thiết đến nao lòng. Không nhìn lại tôi, ông cất giọng đứt quãng, rời rạc:
“Cậu... có biết... đây là... là ga nào không? Chắc tôi đã... đã đi quá ga nhà nàng rồi!”
Trong lúc tôi còn bối rối và hết sức ái ngại, không biết phải khuyên giải ông thế nào, chiếc tàu đi chậm chần rồi dừng lại ở ga kế. Ông vội vã rời ghế tàu rồi lập cập xuống ga. Tôi chưa kịp hỏi lại ông có phải đây là nơi ông đã dự định đến không, nhưng chiếc tàu đã đóng cửa và bắt đầu chuyển bánh. Tôi nhoài người qua cửa sổ, trông lại dáng ông bơ vơ trên sân ga: ông đang đứng thật gần với mé thềm ga, mắt nhìn đâu đó xuống dưới đường ray như thể đang tìm kiếm vật gì. Tôi chợt cảm thấy lo âu, một cảm giác hết sức bồn chồn trong nỗi e ngại sẽ có điều gì không may xảy đến cho người đàn ông đáng thương này.
Mải theo dõi câu chuyện của ông, tôi không nhận ra chiếc tàu đã đi đến đâu trên tuyến đường này. Khi con tàu đi qua trụ đèn cuối cùng trước khi chìm vào khoảng tối, tôi mới nhận ra mình chỉ còn vài trạm nữa là đến ga nhà người bạn. Trong khi tôi vẫn còn miên man với những ý nghĩ về người đàn ông và những điều rủi ro ông đã trải qua, con tàu dừng lại ở một ga nhỏ sau đấy. Tôi nghe thấy có tiếng chân người bước lên tàu và ngồi xuống dãy ghế đối diện.
Khi con tàu bắt đầu chuyển bánh, tôi tình cờ đưa mắt nhìn sang người đồng hành mới: tim tôi như suýt nhảy ra khỏi lồng ngực khi tôi trông thấy một người phụ nữ mảnh mai có mái tóc gợn sóng mềm mại che khuất một phần khuôn mặt nhìn nghiêng thanh tú. Như trong cơn sốt, tôi nhận ra một bàn tay của nàng quấn chặt trong mớ băng màu ngà và môi nàng run rẩy như cố nén cơn khóc....
***
Người bác sĩ trưởng khoa tâm thần lặng lẽ đặt tập hồ sơ bệnh án xuống bàn rồi gỡ kính mắt để sang một bên. Ông đưa hai tay xoa lên trán, quanh mắt và thái dương. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chữa trị cho bệnh nhân, ông không vạch ra phương án điều trị mà lại băn khoăn với những ý nghĩ của riêng mình. Ông cho rằng những điều ông đọc được có chứa phần nào sự thật và cố tranh đấu với ý muốn tìm cho ra nguyên nhân đích thực đã gây ra những căn bệnh này. Ông lặng lẽ thu xếp những tập hồ sơ sang một bên và viết đơn xin nghỉ phép một tháng.
Đêm hôm ấy, ông bắt đầu đi đón những chuyến tàu đêm và chờ đợi những điều ông cho là sẽ không xảy ra đến với mình.
HOÀNG NGỌC THƯ