Chuyến xe Lam ngày cũ


Tôi gặp bà ngày đầu tiên đi học ở trường Tân Sơn Hoà, tôi thích nghĩ là cô hơn vì cô còn rất trẻ, từ trong sân trường dẫn một đứa bé gái nhỏ hơn tôi. Tôi đoán là hai mẹ con và con bé học lớp năm hay lớp tư gì đó, hai người băng qua đường và cũng đứng lóng ngóng gần chỗ Má và tôi đứng chờ đón xe lam.

Dáng người cô cao dong dỏng, nước da trắng vừa phải, tôi thích nhất ở cô là mái tóc, mái tóc đen tuyền thả dài ngang eo, cơn gió thoảng qua, những sợi tóc loà xoà che khuất một phần gương mặt trông rất đẹp và lãng mạn. Hồi đó còn nhỏ nên tôi chỉ quan sát được đến chừng đó nhưng chắc người lớn đều phải công nhận cô đẹp lắm vì tôi thấy người đi đường đều liếc mắt nhìn cô.

Má đứng cạnh tôi đưa tay chỉ:
- Con băng qua đường cẩn thận nhé, đứng ngay chỗ này nè, đối diện cổng trường, thấy xe lam gần đến thì giơ tay ra ngoắc.
- Vâng.
- Ai ra gạ gẫm nói chuyện, rủ đi đâu hay cho gì không được lấy nhé, coi chừng mẹ mìn nó dụ mình đấy, có gì cứ la to lên.
- Vâng.


Tôi trả lời mà mắt liếc chừng cô và con bé xem họ có nghe được Má tôi nói không, cũng hơi quê quê chứ, lớn tồng ngồng rồi mà Má cứ nhắc mãi chuyện mẹ mìn bắt cóc dù trong lòng tôi cũng sợ. Xe đến, cô và con bé cũng leo lên, vậy là cô cùng đi trên tuyến đường với tôi. Ngồi gần quá nên tôi không dám nhìn cô nữa, chỉ thấy tà áo dài màu xanh đậm làm cô thêm nổi bật.

Xe chạy qua ngã tư Phú Nhuận là Má tôi bắt đầu chăm chú nhìn hai bên đường, địa điểm nào nổi bật Má chỉ để làm điểm mốc cho tôi nhớ. Vừa qua khỏi nhà hàng Bò Bảy Món Duyên Mai Má dặn:
- Nhìn thấy Bò Bảy Món Duyên Mai là sắp phải xuống xe rồi, nhìn cho kỹ, qua khỏi góc đường Nguyễn Huệ ( Thích Quảng Đức bây giờ ), kế đến đường Ngô Tùng Châu ( Nguyễn Văn Đậu ) là gọi lớn bác tài xế xin xuống xe nhé.

Má tôi dứt lời thì con bé gọi bác tài xế cho xe lam ngừng lại ngay đúng góc đường Ngô Tùng Châu, cô và con bé xuống xe, Má bảo tôi cùng xuống xe luôn. Hai Má con tôi đi bộ từ đó về Cây Quéo, quẹo vào xóm Gà, cũng không xa lắm nhưng phần vì trưa nắng, phần đói bụng cồn cào nên tôi cứ thoăn thoắt bước, trong đầu vẽ ra mâm cơm nóng hổi.

Gọi là xóm Gà chứ từ ngày dọn về tôi để ý thấy chỉ dăm ba con gà chạy loăng quăng trong xóm. Tôi nghe mấy bác hàng xóm nói với Má tôi là ngày trước ở đây nuôi gà để đá nên có tên gọi xóm Gà. Sau này tôi thấy đa số phụ nữ ở xóm Gà làm nghề thêu.

Nguyên nhân Má phải đón tôi về là thế này: năm nay tôi lên lớp nhất, gia đình mới chuyển từ Vũng Tàu về Sài Gòn. Không may cho tôi, mấy trường học gần nhà hết chỗ, một người quen chỉ cho Ba Má tôi trường Tân Sơn Hoà ở Lăng Cha Cả có nhận học sinh.

Lúc đầu Má tôi ngần ngại vì trường học xa quá nhưng Ba tôi lại chịu, Ba tôi làm gần đó nên buổi sáng chở tôi đi học, buổi trưa tôi đi xe lam về. Mấy ngày đầu Má tôi sẽ đến trường đón tôi để tôi quen đường về và biết chỗ lên xuống xe lam. Coi như là xong, ngày ngày tôi đi từ Phú Nhuận lên tận Lăng Cha Cả tầm sư học đạo.

Sáng nay Má tôi dẫn tôi vào trường, mới tờ mờ đã phải dậy sửa soạn, trên đường đi mặt mày tôi tỉnh rụi, không phải tỉnh ngủ đâu, tôi còn buồn ngủ quá chừng nhưng tỉnh vì sợ. Lần đầu tiên đi học kiểu dế mèn phiêu lưu ký tôi run quá nên ngồi trên xe lam thấy đường xa diệu vợi, người lên kẻ xuống mà hai má con vẫn chưa tới bến.

Rồi cũng đến trường, từ xa xa tôi thấy thấp thoáng các bạn trạc cỡ tôi vào trường. Xuống xe, bảng tên trường to tướng treo ngay trước cổng đập vào mắt tôi: “ Tân Sơn Hoà “. Má dẫn tôi vào gặp Thầy Hiệu trưởng, hai người lớn nói chuyện với nhau và điền vài giấy tờ cần thiết, tôi chỉ dỏng tai lên nghe khi Thầy Hiệu trưởng nói Cô giáo tôi học là cô Thuý ... Đứng bên cạnh, tôi chỉ thầm mong hôm nay sẽ được cùng Má đi về, ngày mai mới phải đến trường!

Nhưng đời không như là mơ. Thầy Hiệu trưởng tiễn Má tôi ra cửa. Trước khi về Má tôi quay lại dặn:
- Nhớ nhé, tan học Má sẽ đến đón, chưa thấy Má thì phải đứng trong sân trường, không được ra ngoài một mình.

Tôi gật gật đầu mà hoảng quá, thời đó lâu lâu lại có vụ con nít bị mất tích, người lớn bảo là bị mẹ mìn bắt cóc, chung quanh toàn người lạ, lỡ có chuyện gì biết đường đâu mà về nhà.

Thấy mặt tôi xanh dờn, Thầy Hiệu trưởng cười nói:
- Đừng sợ, tan học Má đến đón mà.


Tôi lí nhí vâng dạ trong cổ họng, Thầy bảo tôi đi theo Thầy. Đến gần cuối hành lang Thầy đứng lại trước cửa lớp chờ tôi rồi bảo:

- Em học lớp này với Cô giáo Thuý.

Cô Thuý ra đón tôi vào, sau khi hỏi tên họ, trường cũ ở đâu ... Cô bảo tôi để cặp táp vào bàn nhì và ra ngoài đứng xếp hàng chung với các bạn cùng lớp để chào cờ.

Chào cờ xong, học trò lục tục vào lớp, vừa ngồi xuống ghế chưa kịp lấy tập bút ra thì Cô đổi ý lôi tôi lên ngồi bàn nhất, đổi một bạn xuống bàn nhì, chắc Cô thấy tôi lùn tịt mà lại ngồi sau lưng một bạn cao hơn tôi.

Giờ ra chơi, chưa có bạn nên tôi đứng một góc sân trường, lúc này tôi mới rảnh quan sát trường mới của mình. Trường khá khang trang, nhiều lớp học. Từ ngoài đường nhìn vào, dãy lớp học nằm hàng ngang, phải đi qua một cái sân khá sâu, giữa sân trường trơ trụi một cột cờ vươn cao, thẳng tắp. Lá cờ tuốt trên cao, giữa ánh nắng chói chang, không một cơn gió, rũ xuống trông thật cô đơn, lạc lõng. Thế là hết, không còn gì để tả nữa. Thú thật, tôi có hơi thất vọng khi so sánh với ngôi trường cũ.

Trường Thắng Tam ở Vũng Tàu không lớn như trường này nhưng đất rộng, trong sân trường những bồn hoa đủ loại, đủ màu trông thật vui mắt để trong buổi học tôi có những phút lơ đãng đảo mắt ra ngoài cửa lớp, nhìn những con bướm bay nhởn nhơ giữa những bông hoa hay ngắm nhìn những con chuồn chuồn với đôi cánh trong veo vào những lúc trời trở gió, báo hiệu cơn mưa sắp đến. Dọc theo tường rào, những cây điệp cao lớn tỏa bóng mát quanh năm, chỗ của đám con gái hay xúm xít nhảy dây, chơi lò cò ... Nhớ sao mà nhớ quá ...


- Trò ra chơi với tụi tui đi.

Tiếng của một bạn vang lên làm tôi tỉnh mộng ... Bạn rụt rè hỏi tôi:
-Tui làm trò giật mình hả?
- Không, tại tui đang nhìn trường mình, hồi sáng lính quýnh tui chưa nhìn kỹ.
- Trường này có đẹp bằng trường cũ của trò không?


Tôi ngập ngừng chưa biết nói sao thì bạn cười:
- Vậy là không đẹp rồi phải không?
- Không phải, trường này lớn và mới hơn nhưng mà ... nắng quá.
- Ủa, trời nắng thì nó nắng chứ.
- Ý tui muốn nói sân trường không có trồng cây, nắng nóng quá.
- À há, nắng thiệt nhưng mà tụi tui quen rồi. Đi, ra chơi chung đi.
- Mai nha, hôm nay tui quên mang cái nón.
- Vậy hai đứa mình ngồi đây nói chuyện chơi đi.


Miệng nói bạn kéo tay tôi ngồi xuống bậc thềm của hành lang lớp học, mới i tỉ tê được năm ba câu thì trống đánh hết giờ chơi, học trò lục tục vào lớp.

Từ lúc đó tôi vừa học vừa thấp thỏm chờ tan học, thỉnh thoảng lại liếc ra cửa xem Má tôi đã đến chưa? Buổi học đầu tiên nên bài vở chưa nhiều, chủ yếu Cô giáo cho chép thời khoá biểu, dặn dò mua tập vở, vài thứ cần dùng, làm bảng tên để trên bàn ....

Qua hôm sau Ba tôi chở tôi đi học, tôi thấy đường từ trường về nhà tuy xa nhưng cũng không khó đi. Chỉ cần qua đường đón xe chạy một mạch về tới đầu đường xuống, đi bộ theo con đường thẳng là đến nhà nên nói Má tôi khỏi đi đón, tôi tự đi về. Nói cho oai vậy chứ tôi cũng run nhưng vì hôm qua thấy Má đứng chờ tôi trong sân trường nắng nóng như đổ lửa nên không muốn Má đi đón tôi nữa.

Đi học với Ba tôi thì phải dậy sớm lắm, trên đường đi Ba tôi còn khề khà cà phê và ăn sáng. Nhờ đi học với Ba nên tôi mới biết món quà sáng mà Ba thích là cháo huyết, một tuần bà tiệm cháo cũng đón tiếp Ba tôi ít nhất là hai đến bốn lần.

Ba gọi cho tôi tô cháo nhỏ còn Ba ăn tô lớn, bà hàng bưng thêm một đĩa dầu cháo quẩy khá to, bà nói hôm nay hai người nên bà cắt thêm. Sớm quá tôi không ăn được nhiều, một tô cháo đã no cành hông, đĩa dầu cháo quẩy còn hơn nửa, tiếc của nên Ba xin bà hàng cháo cái túi giấy rồi trút hết vào.

Chở tôi đến trước cửa trường Ba đưa cho tôi bao giấy gói dầu cháo quẩy:
- Con mang vào lớp, giờ ra chơi ăn.
- Dính đầy dầu thế kia ướt tập vở của con hết.

Tôi ngần ngại không muốn cầm, Ba tôi lưỡng lự một chút rồi lôi trong túi xách đựng cơm hai cái lon guigoz, Ba trút lon ruốc heo ( thịt chà bông ) vào hộp đựng cơm, xong dốc hết dầu cháo quẩy vào lon:
- Đây, bỏ vào cặp đi.

Thế là cái cặp táp của tôi phồng to lên vì thêm cái lon guigoz.

Ba phóng xe đi, tôi đứng trước cửa trường ngẩn ngơ. Tự nhiên tôi thò tay vào túi áo rờ năm đồng bằng kim loại Má đã nhét vào túi tôi sáng nay. Cẩn thận hơn, Má bỏ thêm tờ giấy hai chục vào cặp tôi để có mất chỗ này còn chỗ khác. Tôi cảm thấy yên tâm nhưng cũng không hiểu tại sao lại yên tâm.

Giờ ra chơi, các bạn học đều nhìn vào cái lon guigoz của tôi. Chắc không ai có món ăn vặt là dầu cháo quẩy. Thấy kỳ cục, tôi đem cất vào cặp, trưa nay trên đường đi bộ về nhà tôi có cái để dằn bao tử. Tôi định bụng, về nhà sẽ tìm một cái hộp nhỏ hơn, sáng nào ăn cháo huyết tôi sẽ để dành dầu cháo quẩy bỏ vào đó.

Hôm nay vừa băng qua đường đón xe tôi lại thấy cô và con bé từ trong trường ra cũng băng qua đường đứng gần tôi. Tôi khấp khởi mừng thầm trong bụng, vậy là có người không quen nhưng cứ coi như là quen vì con bé học chung trường với tôi cùng về chung đường.

Ngồi trên xe tôi cứ lom lom nhìn hai bên đường vì cứ sợ cô tóc dài ( tôi tạm gọi cô như thế ) xuống xe ờ nơi khác. Gần đến đường Ngô Tùng Châu là con bé gọi bác tài xế cho xe ngừng. Tôi thấy con bé giỏi quá, cô chẳng sai bảo gì mà nó cũng biết tự kêu chứ không chết nhát như tôi. Khi cô và con bé xuống xe thì tôi cũng nhảy xuống theo, chịu khó đi bộ thêm một khúc đường đơn giản hơn phải mở miệng kêu bác tài xế ngừng xe.

Và rồi những ngày sau, trên chuyến xe lam về Phú Nhuận luôn luôn có ba người khách lên và xuống xe cùng địa điểm, thỉnh thoảng tôi hoặc cô tóc dài và con bé bị bỏ lại đi chuyến sau vì không còn chỗ ngồi.

Đi về một thời gian tôi để ý thấy có một anh tài xế xe lam còn khá trẻ, anh thường xuyên mặc mấy chiếc áo màu xanh đỏ khác nhau nhưng đa số là hình ca rô, tôi đặt tên cho anh là anh ca rô.

Ngày ngày tôi đều đứng đợi chuyến xe lam chung với cô và con bé, đồng hành khá lâu nhưng tôi vẫn chưa bao giờ thấy cô nói một câu gì đó với con bé, con người cô toát lên vẻ lạnh lùng, buồn buồn sao đó.

Có một lần cô lục giỏ xách vô tình đánh rơi chiếc kẹp tóc xuống đất, không thấy cô và con bé nhặt, chắc cả hai không biết nên tôi bước đến cúi xuống nhặt đưa cô, cô khẽ liếc nhìn tôi, chỉ hơi có vẻ như mỉm cười, không một tiếng cám ơn. Tôi đâm ra rụt rè hơn và cũng bớt thiện cảm với cô, băng qua đường là tôi đứng thu lu một góc, khi nào thấy bóng dáng chiếc xe lam đến gần mới dám bước ra.

Hôm nào xe đủ chỗ thì con bé mới ngồi trên băng ghế, thiếu một chỗ thì con bé ngồi ở chiếc ghế gỗ nhỏ mà ông tài xế thêm vào tận trong cùng áp ngay sau lưng tài xế. Ngồi ghế này chỉ trả có ba đồng thôi trong khi ngồi trên hai băng ghế dài phải trả năm đồng.

Đến ngày tất niên, cũng là buổi học cuối rồi nghỉ Tết. Học trò đến trường nhưng không phải học hành gì cả, cô Thuý cho học trò vui chơi ca hát trong lớp, cô mang vào lớp lủ khủ bánh mứt, thèo lèo cứt chuột ... Cô Thuý kêu vài bạn lên phụ Cô chia bánh mứt cho cả lớp. Mỗi người xé một tờ giấy tập để trước mặt, bánh mứt để lên đó cho sạch.

Ai muốn lên hát thì giơ tay xung phong hoặc các bạn đề cử. Nhiều bạn dạn dĩ lắm, giơ tay lia lịa. Có bạn hát rất hay nhưng cũng có bạn hát giọng ồm ồm như vịt đực làm mọi người cười bò lăn nhưng thây kệ, hát hay không bằng hay hát.

Giờ ra chơi trễ đi một tiếng và chơi luôn cho đến lúc tan học. Cả sân trường ồn ào tiếng cười nói, hình như hôm nay đám học trò vui chơi cật lực.

Ngồi trên xe lam, thỉnh thoảng tôi lại mở cặp ra hí mắt nhìn vào, gói bánh mứt hồi nãy Cô Thuý phát cho học sinh tôi chỉ cắn vài hạt dưa, còn bao nhiêu tôi gói cẩn thận lại cất đi, xíu nữa về nhà có quà phát cho mấy đứa em nó thích lắm đây nè.

Xe ngừng, tôi ngồi ngoài nên xuống trước, Cô tóc dài và con bé xuống sau. Ra trả tiền, tôi lục cả hai túi chẳng thấy tiền đâu hết, hoảng hồn tôi vội mở cặp tìm quyển vở mà Má tôi đã cẩn thận nhét hai chục vào giữa tờ giấy bao vở và bìa, lúc đó tôi tái xanh mặt khi nhớ ra hôm nay để hết tập sách ở nhà vì Cô Thuý đã nói trước là ngày cuối năm chỉ đến trường chơi rồi nghỉ Tết.

Trong lúc tôi loay hoay lục lọi tìm tiền thì Cô tóc dài xấn lên trước trả tiền và Cô vừa quay lưng bỏ đi thì anh tài xế trẻ bảo tôi:
- Nhóc con, làm mất tiền rồi hả?


Tôi mếu máo:
- Chắc em bị rớt tiền trong sân trường lúc giờ ra chơi rồi.
- Về đi, Cô kia trả tiền dùm rồi.


Nói chưa dứt anh đã rồ máy xe chạy mất tiêu. Tôi nhớn nhác nhìn quanh thì Cô tóc dài đã đi xa rồi. Về nhà, tôi kể việc mất tiền cho Má tôi nghe, Má bảo tôi:
- Qua Tết đi học lại nhớ mang tiền trả Cô, phải cám ơn người ta tử tế nghe chưa? Mà tờ giấy hai chục đâu, cũng mất rồi hả?
- Hôm nay Cô giáo nói chỉ chơi, không có học nên con để hết sách vở ở nhà.

Mấy ngày giáp Tết, tôi tung tăng theo Má đi chợ mua sắm. Thích nhất là đi mua hoa, tôi mải miết hết nhìn hoa này lại nhấc chậu hoa kia lên ngắm, hoa nào cũng đẹp, đủ màu đủ sắc. Sau cùng Má tôi chỉ mua những loại hoa cổ điển hàng năm vẫn chưng Tết: Lay Ơn đỏ, hoa Vạn Thọ, cành Mai và Cúc.

Tụi con nít chúng tôi đứa nào mặt cũng tươi roi rói vì không phải đi học, được ăn ngon hơn, thêm vài bộ quần áo mới diện xúng xính mấy ngày Tết và cái hấp dẫn nhất là ruột của phong bì đỏ tươi màu xác pháo.

Tôi nhớ hình như sáng sớm mùng hai Tết , cả nhà còn say sưa ngủ thì Ba tôi đã gọi ầm lên:
- Dậy, dậy hết đi, đêm qua Việt cộng đánh vào Sài Gòn rồi.

Mọi người bật dậy nhanh như chớp, giọng Má tôi hốt hoảng:
- Ai nói thế?
- Radio nói oang oang từ nãy giờ nè.

Thế là cả nhà xúm xít quanh cái radio để nghe cho chắc.

Suốt ngày Ba tôi ngồi nghe tin tức, người lớn thở dài mỗi khi thấy máy bay trực thăng bay lượn. Tối tối, những đốm sáng bắn khắp trên bầu trời đen thẫm và từ đó, người dân thành phố biết thế nào là trái sáng, là đóm mắt hoả châu.

Hết Tết, trường học vẫn đóng cửa, đi ra đi vào, thỉnh thoảng tôi lại nhớ cô tóc dài và món nợ mình thiếu cô.

Sau mấy tháng trời, rồi trường học cũng mở cửa trở lại, Má tôi nơm nớp sợ vì tôi còn quá nhỏ. Má cứ dặn đi dặn lại:
- Có chuyện gì con nhớ chạy theo Cô giáo, nếu ở ngoài đường thì chạy vào nhà gần nhất xin trú ẩn.

Tôi hoang mang và sợ lắm nhưng không lẽ không đi học, vả lại sắp đến ngày thi vào đệ thất.

Tan học, tôi chờ mãi không thấy cô tóc dài và con bé qua đón xe, xe lam trờ tới, lại đúng xe của anh ca rô. Anh chùng chình mãi vẫn chưa chạy, một xíu anh quay lại hỏi tôi:
- Ê nhóc, con bé hôm nay không đi học hả?
- Em không biết, nãy giờ không thấy ra.

Anh rồ máy xe phóng đi, mắt vẫn liếc qua sân trường lúc đó chỉ còn lác đác vài học sinh chờ người nhà đón.

Mấy ngày sau vẫn không thấy cô tóc dài và con bé, tôi bắt đầu bồn chồn và lo lắng bâng quơ. Hôm nay lại anh ca rô trờ xe tới, thấy tôi đứng một mình, anh ngoắc tôi bảo lên phía trước ngồi cạnh anh, xe hết chỗ rồi, tôi vừa ngồi yên vào chỗ là anh hỏi nhỏ:
- Con bé vẫn không đi học?
- Không anh, em cũng muốn gặp cô để hoàn lại tiền hôm trước Tết cô trả tiền xe cho em.
- Sao không vào lớp con bé hỏi.
- Em không biết nó học lớp nào, mà cũng không biết tên nó.
- Hả? Ba người đi chung với nhau bao lâu nay mà cả tên nó cũng không biết.
- Em thấy cô tóc dài khó quá, chưa bao giờ cô nói một lời nào với con bé nên em cũng sợ, em không dám lại gần.
- Trời đất, cô đó bị câm mà, làm sao nói được.

Tôi thảng thốt kêu lên:
- Em không biết, mà sao anh biết được?
- Lần đầu tiên chở cô ấy anh đã biết vì lúc xuống xe cô ấy không nói chỉ ra dấu với anh để hỏi trả tiền xe.

Tôi lặng người ngồi im luôn, anh ca rô cũng buồn buồn không nói chuyện nữa. Thì ra hôm đó cô chỉ mỉm cười với tôi thay lời cám ơn, tôi đã trách lầm cô, tôi có hẹp hòi quá không?

Rồi những ngày kế tiếp cho đến nghỉ hè, món nợ tôi vẫn chưa trả được cho cô. Tan học, đứng đón xe một mình tôi lại tha thiết nhớ đến cô, nhớ con bé .... Có lúc tôi thầm mong thấy cô và con bé từ trong trường, băng qua đường đứng đón xe, không cần cô cười hay nói với tôi ... Chỉ là mong được gặp lại cô ....


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved