Có ai còn nhớ.... 

Ăn quà vặt là cả một trời mơ của đám con nít ngày xưa, quả cóc quả nhái, quả ổi xanh chát ngầm, quả me non chấm muối ớt nhai nhóp nhép đến người bên cạnh nhìn thấy cũng nuốt nước bọt ừng ực, rồi cây cà rem đủ mùi vị, xâu mía ghim, cục xí muội.... ôi thôi, thẩy đều hấp dẫn trước bao ánh mắt thèm thuồng.

Và nó lại luôn luôn được bày bán đầy rẫy ở trước cổng trường học. Tiểu học thì quà vặt rẻ tiền, trung học quà vặt cao cấp hơn, sang hơn một tí tuỳ vào túi tiền của học sinh.

Hồi mấy anh chị em tôi còn nhỏ Má tôi nghiêm khắc lắm, đi học không được la cà ngoài cổng trường trước và sau giờ tan học, không được ăn quà vặt ngoài cổng trường. Không được mang theo tiền và còn nhiều thứ không được khác.......

Trường học không xa nhà nhưng ngày ngày bà chị họ vẫn dẫn tôi đi, tan học về chung với các bạn. Đến trường chị đưa tôi vào tận hàng hiên lớp học, thấy tôi nhập bọn vào đám bạn chơi đánh chuyền, búng thun....chị mới ra về.

Thỉnh thoảng trên đường gặp một vài đứa bạn học, tôi quay lại nói chị:

- Chị về đi, em đi chung với mấy đứa bạn được rồi.

- Không được, đám con nít tụ tập với nhau, lo nói chuyện chẳng để ý đến xe cộ, nguy hiểm lắm.

- Nhưng gần đến trường rồi, đường vắng mà.

- Vắng cái gì, càng vắng càng nguy hiểm, đường này vẫn có xe jeep, xe nhà binh chạy rầm rầm không thấy hả?

- Buổi chiều em vẫn đi một mình về có sao đâu.

- Buổi chiều lại khác, giờ tan học cả trường túa ra cùng một lúc, xe cộ người ta chạy cẩn thận hơn.

Nói gì chị cũng có cách trả lời ngon lành, tôi đành im trong bụng. Vẫn ấm ức, tay vung vẩy lọ mực đựng trong cái lẳng bằng giấy. Chị biết tôi chưa bằng lòng chỉ nói:

- Ờ, cứ lắc tay cho mạnh vào, mực đổ ra quần áo ráng chịu nha, giặt không ra đâu.

Nghe chị nói, tôi vội vàng ghìm tay lại giơ cao bình mực lên, may quá, lọ mực không đầy nên chẳng sao. Các bạn già cỡ tôi không biết có ai còn nhớ cái giỏ bằng giấy? Này nhé, tờ giấy vuông vức, xếp chéo lại thành hình tam giác, rồi cứ xếp tiếp hai lần như vậy, lấy kéo cắt từng đường thẳng theo hai cạnh của hình tam giác, mỗi lát cắt cạnh này so le với cạnh kia. Lúc mở ra tờ giấy vuông chằng chịt vết cắt như hình bát quái hay cái màng nhện mà học trò thuở đó bắt chước nhau làm để bình mực vào rồi xách tòn ten trên tay như cái giỏ. Xách cẩn thận thì vài ngày rách lại làm cái khác, có khi cắt mỏng quá, giấy rách teng beng, lọ mực rớt xuống văng tung toé.

Từ xa xa đã thấy nồi khoai mì hấp nước dừa bốc khói nghi ngút, mỗi lần bà bán hàng mở nắp ra, mùi thơm lừng theo gió bay khắp nơi, kích thích những đứa học trò nhỏ biết chừng nào. Rồi ông bán kẹo kéo nữa, vài ba đứa xúm lại mua , ông cứ nhẩn nha kéo dài thỏi đường trắng hêu hếu, điểm vài hạt đậu phộng, càng kéo thì khúc kẹo càng ốm dần, độ một gang tay ông lại ngắt ra một khúc. Bên cạnh, ông già với chiếc xe đạp cũ kỹ, yên sau là thùng cà rem to tướng, có đứa nào mua là ông mở nắp thùng, lôi ra một thỏi kem dài màu xanh, đỏ, trắng hoặc vàng.... ông cắt một khúc, độ chừng một ngón tay, rồi dựng thẳng lên gõ que tre vào giữa. Còn nhiều lắm, rất nhiều thứ hấp dẫn, lôi kéo hầu hết các đồng bạc trong túi của đám nhóc nhỏ.

Một hôm đến cổng trường, thấy tôi hơi ngập ngừng mắt dán vào ông bán nước giải khát trước cổng trường, ông đang bào xoèn xoẹt cục nước đá trên một cái bàn bào bằng gỗ, trông hơi giống cái bào gỗ của mấy ông thợ mộc, chị khẽ liếc nhìn tôi rồi nhìn chung quanh, xong chị không nói gì, vẫn đưa tôi vào lớp.

Hôm sau trên đường đi, chị hỏi tôi có muốn ăn nước đá sirop không? Mắt tôi sáng rực nhưng lại vội lắc đầu, chị cười cười. Đến trường, chị bảo tôi đứng chờ, chị chạy ra mua cho tôi ly nước đá sirop, hồi nhỏ mình gọi là đá nhận. Quay ra chị đưa tôi:

- Ăn đi, chị mua cho ăn, không nói với Cô đâu ( chị gọi Má tôi là Cô).

- Cám ơn chị nhá, em chưa được ăn cái này bao giờ.

- Ngoan, đừng cãi thì thỉnh thoảng chị mua cho ăn.

- Em cãi chị bao giờ?

- Thế hôm nọ đứa nào dấm da dấm dẳn đòi đến trường một mình với bạn?

- À, em xin không được thì thôi.

- Vào trường đi. Chị về, ăn cẩn thận để xi rô chảy vào quần áo Cô mà biết thì hết ăn đấy. À, mà chị chỉ cho ăn nước đá nhận thôi đấy, không được đòi thứ khác.

- Sao thế chị?

- Không nhìn thấy mỗi lần xe nhà binh chạy ngang qua hả? Bụi tung mù mịt, bẩn lắm.

- Thế thì cái này cũng bẩn vậy?

- Sạch hơn, cục đá mới bào ra. Hỏi lôi thôi thế, muốn ăn hay không?

- Ăn chứ. Tôi vội vàng nói rồi đi nhanh vào trường.

Lần đầu tiên tôi được ăn nước đá nhận, nước đá bào ép chặt trong ly không có đáy, trút ra là nguyên khối nước đá, có múi mãng cầu xiêm chua chua ngọt ngọt ép vào chính giữa lúc người ta bào đá, xịt nước sirop đỏ ngòm hay xanh lè lè, vừa đi vừa ngửa cổ lên trời mút. Chao ơi, sao mà ngon tuyệt cú mèo!

Mà ăn món này cũng phải có nghệ thuật nữa, mút vài hơi một đầu nước đá rồi phải xoay đầu cục đá bào để mút đầu kia nếu không màu xi rô chảy tụt hết về một phía thì đầu kia chỉ trơ ra nước đá trắng nhỡn, nhạt thếch.

Sau lần ăn đó, thỉnh thoảng tôi lại được ăn vài lần nữa. Khi lên đến trung học không bao giờ thấy ai cầm cục đá nhận ngửa cổ mút và kể từ ngày ấy, tôi chưa được nếm lại món ăn độc đáo này. Tuổi nào quà vặt đó! Giờ nghĩ lại, vẫn còn cảm giác vị chua ngọt ở đầu lưỡi.

Ba năm trước tôi có dịp đi Hawaï, đến đảo Oahu mười ngày. Một buổi sáng, trên đường đi chơi, ông chồng tôi quay sang nói:

- Hôm nay chơi đến chiều về đi ăn đá bào.

- Ăn đá bào?

Tôi trợn tròn mắt lên, ông chồng tôi nhẩn nha nói:

- Người ta bảo đến đây mà không ăn đá bào là không được, nổi tiếng lắm đó.

- Có gì trong đó mà ngon đến nỗi phải đi ăn?

- Thì nghe nói nước đá bào ra, xịt xi rô vào.

Tôi cười phá lên:

- Ối giời, nước đá nhận, xứ này hết món ăn sao mà người lớn lại ăn đá nhận?

- Vì thế mới phải đi ăn xem thế nào.

- Ừ, ăn thì ăn.

Cả ngày hôm đó tôi cứ tơ tưởng đến cục đá bào xịt sirop. Trên xe ông chồng tôi kể, tiệm nước đá bào này của một gia đình người Nhật làm chủ từ năm 1951, tại thị trấn Haleiwa.

Đi chơi hơn nửa ngày tụi tôi mới tìm đường đến tiệm nước đá bào. Đó là một thị trấn nhỏ xíu xiu, chạy bao quãng đường mới đến. Tôi quay lại hỏi chồng mấy lượt để tin chắc không đi nhầm chỗ. Tiệm có tên MATSUMOTO'S. So với xe nước đá nhận tuổi thơ của tôi thì tiệm nước đá bào này quả là quá lớn, quá dữ dội. Lượng khách mới đáng nể, người ta xếp hàng rồng rắn từ cửa tiệm ra đến bãi đất trống trước cửa chắc cũng đến vài chục người. Chỉ để thưởng thức món giải khát bình dân mà tôi đã ăn từ thời tiểu học, tôi nghĩ thế.

 

Chung quanh bãi đất có độ chục cái bàn ghế, thiên hạ mua xong ra đó ngồi ăn hoặc đứng ngồi lổn nhổn trên bãi cỏ. Nhìn họ bưng ra mới hết hồn luôn, nước đá được đựng trong một cái chén bằng styrofoam, đúng ra trông nó như cái tô đầy um nước đá đủ màu sắc.

Hai đứa tôi nhập vào dòng người dài ngoằng ngoẵng để xếp hàng, dễ mất đến nửa tiếng mới được chạm vào ngạch cửa của tiệm. Vẫn còn cả chục người trước mình nên tôi ngắm nghía sẵn mấy cái bình sirop, đủ thứ màu, xanh đỏ vàng cam.... bày la liệt trước mặt người bán.

Đến lượt tụi tôi, hai đứa chỉ mua một tô, một tô to tướng này ăn cũng đủ no cành hông. Được chọn ba hoặc bốn trong số những mùi vị của sirop: cam, chanh, dâu, thơm, vải..... Tụi tôi chọn dâu, chanh, cam và màu xanh dương, không biết là mùi gì.

Ra ngoài , kiếm được một chỗ ngồi cũng khá là khó khăn, hai đứa bắt đầu thưởng thức. Chọt cái muỗng vào, tôi thử cả bốn mùi, chả mùi vị nào ra hồn. Cứ như ăn nước đá xịt đường. Thua xa ly nước đá nhận có múi mãng cầu xiêm chua chua ngọt ngọt ngày xửa ngày xưa, của tuổi thơ trên quê hương xa vời vợi của tôi. Gác cái muỗng lên tờ giấy, tôi đứng lên, ông chồng tôi hỏi:

- Không ăn nữa à?

- Không ăn nữa, ngọt lừ lừ, dở như hạch.

- Nhưng mà... nhiều thế này.

- Ai bầy têu thì người đó ăn hết. May là chỉ mua một tô.

Tôi cười cười nói.

Nhưng nhìn quanh quất, người ta ăn say sưa ngon lành. Tôi lại nghĩ, hay là ngon thật. Trời nắng nóng, ăn vào miệng, nước đá chảy đến đâu mát rười rượi đến đó . Chỉ riêng tôi, tôi đang ăn với cục đá nhận trong ký ức mà tìm mãi vẫn không thấy múi mãng cầu xiêm...

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753833