Hôm qua Thầy Hiệu Trưởng báo tin ngày mai sẽ có Cô giáo mới chính thức vào dạy cho đến khi nào Cô Liên trở lại. Cô Liên nghỉ dạy đã hơn hai tuần chưa có người thay nên các Cô các Thầy lớp khác luân phiên nhau qua dạy tạm, mà học kiểu này cũng vui cũng buồn. Vui vì các Thầy Cô không xít xao lắm với việc làm bài, trả bài nên về nhà ít bài vở. Buồn vì nghe nói Cô Liên bịnh nặng, không biết bao giờ Cô mới khỏe lại. 

Cả lớp thắc mắc không biết Cô bịnh gì mà nghỉ lâu quá, đã mấy lần xúi tên trưởng lớp hỏi Thầy Hiệu trưởng. 
- Sao mấy trò không hỏi mà biểu tui đi hỏi.
- Thì trò làm trưởng lớp mà.
- Trưởng lớp chỉ làm việc của lớp học thôi.
- Vậy chứ Cô giáo bịnh không phải việc của lớp hả?
- Mấy trò cũng học Cô vậy, đâu phải mình tui.

Đám bạn trề môi chu mỏ chê tên trưởng lớp nhát gan, mà thật ra gan của đám bạn học cũng không lớn hơn tên trưởng lớp bao nhiêu nên chẳng đứa nào dám đi hỏi. Lâu lâu một đứa nghe lỏm được tin ở đâu đó vào lớp thì thầm:
- Cô Liên bị bịnh tim.
- Không phải, tui nghe nói Cô ho dữ lắm, Bác tui cũng bị ho rồi bác sỹ nói bịnh phổi, chắc Cô bị phổi rồi.
- Sao hôm trước tui nghe mấy Cô giáo nói chuyện với nhau là Cô ăn xong bị đau bụng, tui kể má tui nghe thì má tui nói vậy là Cô đau bao tử.
Một đứa khác vênh mặt ra chiều hiểu biết:
- Đau bụng cũng có khi ruột dư nữa nha, anh tui bị rồi, vô nhà thương nó cắt mất một khúc.

Thế là sau khi tổng kết tất cả tin tức, những lời bình luận Mao Tôn Cương của đám học trò thì lục phủ ngũ tạng của Cô Liên đều có bịnh, vậy thì lâu lắm Cô mới đi dạy lại được.

Cô Liên còn rất trẻ và hiền lắm, Cô ít khi la mắng học trò, quá quắt lắm thì Cô bắt chép phạt nhưng hình phạt của Cô làm đám học trò khổ sở hơn cả, Cô chỉ nhỏ nhẹ bảo về nhà chép một trăm lần bài không làm hay không thuộc. Không đánh mà khai, cha mẹ thấy con chăm chỉ hơn bình thường, liếc sơ thấy con mình viết tới viết lui chỉ có nhiêu đó biết ngay con đang bị phạt. Thế là sau khi chép phạt nộp cho Cô giáo lại đến phần bị cha mẹ phạt. Phạt chồng phạt.....

Giờ ra chơi, Cô hay ngồi lại trong lớp chấm bài hoặc đôi khi tôi thấy Cô ngồi đan áo, những chiếc áo len bé bé xinh xinh. Tôi nghe một nhỏ bạn rù rì Cô đan áo cho cháu, con của chị Cô. Nhà nó ngay bên cạnh, có lần nó thấy Cô đến chơi, hôm sau chị Cô bế con ngồi ngoài sân, đứa bé mặc cái áo len màu hồng Cô đan trong lớp.

Hồi đó tôi ao ước biết đan như Cô để tự mình đan cho con búp bê những chiếc áo như vậy, về nhà tôi nói má tôi dạy đan. Tập tành cầm hai cái que đan chọt qua chọt lại một hồi hoa cả mắt, chưa kể cuộn len cứ lăn lông lốc xuống sàn nhà, lăn lên lăn xuống vài lần chỉ len đen ngòm ngòm. Má tôi thấy cách tôi cầm que đan cứ lắc đầu bảo:
- Con gái con đứa mà cầm que đan móc cứ như là cầm dùi đục đánh trống.
- Hihi..hi.... thì má dạy con cầm dùi đục mà.
- Chỉ được cái nói nhăng nói cuội.

Sau một thời gian học đan áo với má tôi cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp xong khoá học với thành quả là một chiếc áo len trông hơi xiêu vẹo, xệch xạc và không phải áo đan mà là móc sợi! Khều lên khều xuống với một cây kim móc dễ hơn cầm hai cái que.

Tôi thích nhất giờ nữ công với Cô Liên, bàn tay Cô rất đẹp, những ngón tay thon nhỏ, trắng mịn, thoăn thoắt làm nổi bật sợi chỉ đỏ đưa lên đâm xuống trên mẫu vải phin trắng nõn. Cô mà thêu mũi dây chuyền ( móc xích ) thì hết chỗ chê, những khoen móc xích nằm xếp hàng thật đều đặn, đẹp làm sao đấy. Đám nữ sinh châu đầu vào trầm trồ. Các bạn khen gì tôi không biết chứ tôi chỉ ngắm tay Cô thôi, khi nào Cô thêu xong thì tôi nhìn vào miếng vải và quên tuốt cách thêu. Chắc vậy mà môn nữ công tôi thường ít điểm!!! 

Lâu lâu, để khuyến khích đám con gái chăm chỉ thêu thùa, đứa nào thêu đẹp nhất, giữ gìn miếng vải thêu vẫn còn sạch sẽ, thẳng thớm (nhiều bạn khi nộp bài, miếng vải thêu trắng trẻo dán trên trang giấy trở nên ngà ngà, khá hơn màu cà phê sữa chút đỉnh vì không rửa tay khi thêu hoặc cũng có bạn bị ra mồ hôi tay nên vải bị bẩn), Cô thưởng cho miếng vải mẫu Cô thêu hôm đó. Chao ôi, hãnh diện lắm, dán ngay vào quyển vở thêu rồi lâu lâu lại đem khoe bạn bè. 

Lớp bên cạnh của Thầy Lịch, dạy trên Cô một lớp. Đến giờ nữ công, nữ sinh lớp Thầy chạy qua lớp tôi cho Cô Liên dạy thêu thùa. Nam sinh lớp tôi chạy ngược qua lớp Thầy Lịch học vẽ học thủ công..... 

Mà tụi học trò nhỏ chứ cũng quỷ quái lắm, trong lớp có vài bạn lớn hơn tụi tôi hai ba tuổi nên khôn lanh hơn tụi tôi, mấy bạn đó nói gì tụi tôi cũng thấy hợp tình hợp lý hết. Một ngày đẹp trời, mấy nhỏ bạn châu đầu vào thì thầm với nhau: 
- Thầy Lịch thích Cô Liên.
- Tại sao mấy trò biết?
Nhỏ bạn trả lời tỉnh bơ:
- Chị tui nói.
- Sao chị trò lại biết.
- Mấy lần tui bịnh, chị tui vào trường xin cho tui nghỉ học, rồi chị tui nói có ông Thầy lớp bên cạnh thích Cô Liên.
- Bộ chị trò nghe nói hả?
- Không, chị tui hay lắm, chị nói nhìn là biết.
- Hèn gì mấy trò nam qua lớp Thầy Lịch học thủ công toàn được điểm cao.

Không thắc mắc gì thêm nữa, đám học trò tin là Thầy Lịch thích Cô Liên. Người lớn nói là phải đúng rồi, nhất là Cô Liên vừa đẹp lại chưa có chồng mà Thầy Lịch hình như cũng chưa có vợ. Hồi trước thấy Thầy Cô đứng nói chuyện với nhau chẳng đứa nào quan tâm, từ ngày có tin vịt xiêm, vịt bầu, cứ hễ Thầy Lịch lảng vảng ngoài hiên lớp học là đứa nào cũng chắc mẩm Thầy đang tìm Cô Liên. Ai bảo con nít không nhiều chuyện!

Học sinh đã tề tựu xếp hàng nghiêm chỉnh trong sân trường, sắp đến giờ chào cờ vẫn chưa thấy Cô giáo mới. Đám học trò bắt đầu ngọ nguậy, quay trước quay sau tìm kiếm, hàng ngũ có hơi lộn xộn. Tên trưởng lớp lăng xăng chạy lên chạy xuống từ đầu hàng đến cuối hàng để đẩy mấy đứa bạn đứng vào hàng ngũ.

Chào cờ xong, học trò theo thứ tự vào lớp, không thấy Thầy Cô, bao cái miệng lại bắt đầu hoạt động, bàn tán về Cô giáo mới. Chợt một bạn ngồi sát cửa sổ suỵt suỵt, báo động Thầy Hiệu trưởng vừa đi ngang qua, ngay lập tức tiếng cười nói im bặt, ngồi ngay ngắn, tay để lên bàn trông rất ngoan ngoãn.

Thầy dẫn Cô giáo mới vào, sau khi cả lớp đứng lên chào, Thầy cho ngồi xuống rồi giới thiệu Cô giáo. Cô tên Cô Thanh, sau khi nói vài lời với đám học trò, Thầy Hiệu trưởng đi ra. Cô Thanh già hơn Cô Liên nhiều, dáng dấp Cô  nhanh nhẹn khỏe mạnh chứ không mảnh mai như Cô Liên. Cô người Bắc, trông có vẻ khó tính nghiêm nghị. Sau vài lời ngắn gọn giới thiệu về mình, Cô gọi một bạn ôm hết tập vở ngày hôm đó lên để Cô xem bài vở học đến đâu.

Đám học trò lại trở về nề nếp cũ. Hết còn giờ trống để xếp máy bay ném vào nhau hay lép nhép ăn vụng cái bánh cục kẹo ... Học trò lên trả bài mà ấp úng là hai hàng lông mày Cô nhíu lại. Mấy bạn học kém và phá phách hay chọn ngồi cuối lớp đều bị Cô lôi hết lên trên và mấy bạn đó thường xuyên được Cô hỏi thăm. Hình như Cô hơi lãng tai, Cô bắt phải đọc thật to, trong giờ học mặt Cô cứ đăm đăm nên đám học trò sợ lắm, chỉ mong Cô Liên mau trở lại.

Tuần đầu bài vở nhiều vì phải học bù khoảng thời gian nhong nhỏng, vừa học vừa chơi trước đây. Cô giảng bài nhanh, mà Cô chép bài trên bảng cũng vèo vèo làm đám học trò viết theo mệt bở hơi tai. Bạn nào bình thường viết chữ ẩu bây giờ đem bài lên nộp, Cô giáo đọc cũng không hiểu luôn. Nhiều lần Cô phải kêu mấy bạn đó lên, tự đọc bài của mình để Cô chấm điểm.

Giờ thì chẳng đứa nào còn rảnh để ngóng đợi tiếng trống đánh thùng thùng giờ ra chơi hay  tan học. Cũng may, tình trạng này chỉ kéo dài khoảng ba tuần lễ, sau đó Cô Thanh đã hãm lại, không còn phi nước đại, nếu không đám học trò lả mất.

Thấy đã bắt kịp chương trình, Cô bắt đầu dạy thong thả, buổi học nào cũng xong sớm khoảng mười lăm phút, Cô dạy hát, Cô bảo học sinh mở những trang cuối của sách Đức Dục hay Sử Ký (lâu quá nên tôi không nhớ rõ), có những bài hát như Bạch Đằng giang, Hai Bà Trưng......Mấy ngày đầu tập hát bài “ Bạch Đằng Giang “. Cô hát trước một câu.

“ Đây Bạch Đằng giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên rồng , giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung. “

Đám học trò gân cổ hát theo, dần dần hát nguyên bài. Cô hát hay lắm, giọng Cô trầm ấm và hùng hồn. Thỉnh thoảng Cô dừng lại giải thích ý nghĩa trong bài hát cho đám trò nhỏ hiểu thêm về lịch sử Cha Ông.

Cô khen cả lớp có năng khiếu ca hát, tập vài buổi đã thuần thục làm đứa nào cũng thích chí, vào lớp chỉ mong đến giờ cuối để tập hát. Hát hò dù sao cũng vui và dễ hơn học! Thích nhất là hát sai chỉ bị hát lại chứ không bị phạt.

Những  lúc này tôi và các bạn lại thấy Cô rất dịu dàng, nét mặt Cô tươi trẻ hơn và......nhìn kỹ lại Cô cũng không.....già lắm như tụi tôi đã nghĩ! 

Thì ra, để thay đổi cách nhìn về một người cũng không có gì khó, nhất là đám con nít tụi tôi, cái thương hay ghét chỉ dựa vào vài câu nói, vài lời khen ngon ngọt....

Gần đến lễ Hai Bà Trưng, Cô cho tập hát bài Trưng Nữ Vương. Cả lớp chăm chú nhìn vào trang sách, Cô hát:
- " Trưng Nữ Vương lau phấn son miu thù nhà."
Cô ngừng lại, đám học trò lập lại nhưng đến chữ "miu" thì cả lớp hơi lựng khựng, đứa hát đứa im, Cô cầm cái thước kẻ hươi hươi trong gió: 
- Tại sao không hát?"
Nói xong Cô hát lại và giơ cái thước lên làm dấu hiệu, thế là bao nhiêu cái miệng lại há ra nhép theo.

Vào giờ ra chơi hôm sau, mấy đứa bạn hỏi:
- Trò cũng người Bắc kỳ giống Cô giáo, hôm qua tui đọc trong sách là mưu thù nhà sao Cô lại hát là miu vậy?
Mặt đực ra, tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
- Chắc cũng giống nhau, tui nghe má tui nói con cừu, ba tui với mấy bác tui lại kêu là con "kìu".
Mấy cái đầu cùng gục gặc.
- Ờ há, tiếng Bắc của trò ngộ thiệt.
- Nhưng mà Cô đọc chánh tả thì đúng, hồi nãy Cô đọc đoạn “... sưu cao thuế nặng....” Cô đọc là sưu chứ không phải siu.
Cả đám cười ầm, tôi ra vẻ hiểu biết:
- Đọc chánh tả phải đọc vậy chứ không thôi mình viết sai hết sao.
- Học với Cô Thanh cũng vui quá hén, lúc Cô mới vào tui sợ gần chết.
Mọi người đang nói cười chợt một bạn mặt ục xuống:
- Tui vẫn thích Cô Liên hơn, tui thích nghe Cô kể chuyện.
- Thì tụi tui cũng thích Cô Liên vậy nhưng Cô còn bịnh mà.
Nhỏ bạn hậm hực ngoe nguẩy bỏ đi, cả đám tiu nghỉu nhìn nhau, tự nhiên đứa nào cũng cảm thấy buồn buồn và như có lỗi vì đã nhất thời quên mất Cô Liên. Cái này người lớn hay gọi là có mới nới cũ đây nè.

Tôi và các bạn chợt nhớ ra Cô Liên không dạy hát, hôm nào giảng bài xong sớm Cô chỉ đọc truyện thôi. Vài truyện ngụ ngôn hoặc truyện thần thoại nhi đồng. Lúc đó đứa nào cũng chết mê chết mệt với truyện Aladdin và cây đèn thần. Có lần tôi đã thử ra ngoài bàn thờ Thiên lôi cái đèn dầu nhỏ xíu trong góc ra cà cà vào chân đèn mà chẳng thấy ông Thần nào xuất hiện. Nhưng mà nói thật, nếu có ông bà nào xông ra mình đã chết ngất vì sợ rồi. 

Một hôm, Cô Thanh bận việc nghỉ dạy nên thỉnh thoảng Thầy Hiệu Trưởng phải chạy vào nhìn chừng đám học trò, Thầy cho một đống bài tập bắt ngồi yên làm, trưởng lớp có bổn phận giữ trật tự. Chỉ một chút sau khi Thầy Hiệu trưởng ra khỏi lớp, đám con gái còn yên ổn chịu khó làm bài, đám con trai hí hoáy làm lia lịa cho nhanh rồi bắt đầu phá phách. Máy bay lại ném vèo vèo trong lớp, thỉnh thoảng vài đứa con gái la oái lên vì bị nam sinh nào đó bắn giấy vào lưng.

Gần giờ tan học, thấy đám học trò đã xong bài vở, rì rào nói chuyện mặc kệ trưởng lớp viết đầy tên lên bảng, nhiều quá Thầy cũng chẳng biết phạt làm sao, Thầy hỏi học trò muốn làm gì , cả lớp nhao nhao muốn tập hát bài Trưng Nữ Vương. Một bạn mang quyển sách lên cho Thầy mượn, mở sách ra lẩm nhẩm một hồi Thầy hỏi:
- Các em biết hát hết bài chưa?
- Dạ Cô Thanh dạy rồi.
- Vậy cả lớp hát đi, Thầy hát dở lắm.
Nói xong Thầy cầm cây thước gõ nhịp: "một, hai, ba" cả lớp oang oang  hát, chợt Thầy la lên:
- Ngừng, ngừng lại.
Thầy bảo hát lại từ đầu, vừa dứt câu đầu Thầy lại bảo ngưng: 
- Tại sao lại hát "miu thù nhà"?
- Thưa Thầy, Cô giáo hát như thế. 
- Hát lại, mưu thù nhà, mưu chứ không phải miu.

Thầy Hiệu Trưởng cúi mặt tủm tỉm cười, bắt đầu gõ nhịp lại:
- Một, hai, ba" ......

 

Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved