Có nên đi Machu Picchu?

 Sỏi Ngọc

Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện.

Vào Exoticca tôi thấy họ đang sale nửa giá đi Peru, một quốc gia nằm phía tây Nam Mỹ, có biên giới với Ecuador và Colombia về phía Bắc, Brasil về phía Đông, Chile về phía Nam và Thái Bình Dương nằm phía Tây của Peru. Tôi thấy quá rẻ, đọc một vài bình luận của những người đã booked vào tháng 3 năm 2024, ai cũng khen rất vui, hấp dẫn, đẹp, ăn ngon… Tôi vội vàng bàn sơ qua với ông xã là book ngay kẻo quá ngày ấn định của họ thì sẽ không được giá hấp dẫn 50% (hai người chỉ có 4100$ cad bao ăn ở hotel, tiền máy bay và tất cả mọi tours).

Tours chúng tôi 11 ngày kể cả ngày bay, sẽ đi vào ban đêm ngày April 3, với hãng Delta, bay đến Atlanta, chờ ba tiếng rồi bay tiếp đến Lima vào 9 giờ tối, tổng cộng đường bay 9 tiếng rưỡi, nhưng phải nghỉ (layover) ở Atlanta ba tiếng nên có vẻ thấy hơi dài! Thật sự tôi rất thích cái nghỉ giữa chừng này độ hai ba tiếng cho mình đi qua đi lại giãn cơ, hơn là ngồi một lèo 9 tiếng thì tê cẳng lắm.

Tại nơi đây tôi gặp một người đàn ông Mỹ khoảng 80 tuổi, đi cùng với vợ, cả hai ngồi rất yên lặng đọc sách, lâu lâu chỉ ngẩng đầu lên nhìn sơ qua mọi người rồi lại chăm chú đọc tiếp. Khi cặp mắt ông dừng lại ở tôi, ông nhìn tôi khá lâu làm tôi vô cùng ngạc nhiên phải quay qua hỏi ông xã:

-Anh ơi, mặt em hay tóc em có bị rối bù không mà sao ông Mỹ kia nhìn em không chớp mắt vậy?

-Ừ nhỉ! Chắc là ông ta thấy em cứ không chịu ngồi một chỗ mà cứ đi chụp hình lung tung như từ quê ra tỉnh nên để ý?!

Khi vào máy bay từ Atlanta đến Lima, thủ đô Peru, họ cùng đi với chúng tôi, ông ta lại quay qua nhìn tôi mỉm cười thiện cảm, tôi nhường bước cho họ vào trước, đoán rằng ông bà này cùng trong phái đoàn du lịch với tôi đây.

Đến Lima vào 9:05pm, chúng tôi ngơ ngác bước ra, thấy có người guide cầm bảng to bự đề chữ Exoticca, thế là chúng tôi cùng nhập đoàn, khoảng 15 người, được họ chở về hotel ở Lima ngay giữa lòng thủ đô Peru, nơi đây chúng tôi sẽ phải ở hai đêm; người guide giải thích rất cặn kẽ cho đoàn biết là sẽ làm gì đi đâu vào những ngày kế tiếp, so sánh bản viết của hãng Exoticca với tours ông đang cầm trên tay có gì khác biệt hay không, ông cho chúng tôi số phone, whatsapp để dễ liên lạc nếu có chuyện gì cần thiết, phần rõ ràng này tôi rất thích.

Khách sạn tại Lima cũng giống như bao chỗ khác, thoải mái, những món ăn sáng toàn là trái cây: đu đủ, chuối, dưa hấu, lựu, cantaloup; ngoài ra cũng có những đồ ăn khác như trứng, bacon, jam…Đặc biệt café ở Peru thơm ngon khác thường, không biết họ có cho gì vào không nhưng tôi say mê với cái gu thơm dịu của mùi vị arabica

Sau khi ăn sáng, 9:00 am chúng tôi khởi hành ngay để tham quan Lima, được chở bằng xe Mercedes Benz, có máy lạnh, xem thành phố với những nhà thờ cổ. Các bằng chứng sớm nhất về sự hiện diện của con người tại lãnh thổ Peru có niên đại khoảng 9.000 năm TCN. Xã hội phức tạp cổ nhất được biết đến tại Peru là văn minh Norte Chico, nền văn minh này hưng thịnh dọc theo bờ biển Thái Bình Dương trong khoảng từ 3.000 đến 1.800 TCN.

Vào thế kỷ XV, người Inca nổi lên thành một quốc gia hùng mạnh, tạo thành đế quốc lớn nhất châu Mỹ thời kỳ tiền Colombo, Đế quốc Inca tồn tại gần một thế kỷ. Các xã hội Andes dựa vào nông nghiệp, sử dụng các kỹ thuật như thủy lợi và ruộng bậc thang; chăn nuôi lạc đà và ngư nghiệp cũng là hoạt động quan trọng. Tổ chức xã hội dựa trên sự trao đổi và tái phân phối do các xã hội này không có khái niệm về thị trường hay tiền tệ.

Chúng tôi được xuống xe, đi bộ thăm quảng trường chính của Lima được xây dựng 1843, phủ tổng thống, chợ bán rất nhiều trái cây nhiệt đới với những quả xoài thật to, đu đủ, chuối… Họ dùng tiền sole, 1cad = 3.45 soles, hay 1 usd= 3.68 soles. Chúng tôi ăn uống thả cửa, buổi tối rủ nhau gọi tuktuk ra phố chính ăn đến no căng cả bụng mà tính ra chỉ có 20 usd 1 người thôi. Lạ một điều sao dân nghèo mà tấm lòng hậu hĩnh thế, mỗi đĩa chúng tôi order ra đều ngập tràn đồ ăn, đĩa to, đồ ăn nhiều. Nhưng dân thì nghèo lắm, họ xin tiền khắp nơi, đi đến đâu chúng tôi cũng phải đổi tiền lẻ để cho.

Sau hai ngày ở Lima, đoàn chúng tôi được đi bằng máy bay với hãng Westair đến Cuzco. Villa Urubamba bên ngoài chỉ là một cánh cửa bằng tôn đầy bụi cát, nhưng khi cánh cửa ấy mở ra thì như một thiên đường với một sân cỏ to rộng ngút mắt, bông hoa được chăm bón thật đẹp, tiếng chim hót cùng với tiếng chân người lao xao trên bờ sỏi của những người bồi chạy ra đón chúng tôi vào villa. Mỗi người khách được ở một dẫy nhà cách xa nhau để đừng bị làm phiền vì những căn phòng này được làm bằng tre, có nhiều kẽ hở có thể nghe được từ phòng này đến phòng khác. Tôi ngây ngất ngắm nhìn từ hàng hiên phòng mình, có thể thấy được cả dãy núi cao sừng sững bao bọc sau những nếp nhà bên trái

(villa Urubamba-Cusco)

Hai ngày này chúng tôi được đi xe lửa lên núi, viếng thăm núi Machu Picchu, Machu Picchu được tuyên bố là Khu bảo tồn Lịch sử của Peru vào năm 1981, và được Unesco công nhận như một phần của quần thể văn hóa-sinh thái Di sản thế giới mang tên Khu bảo tồn Lịch sử Machu Picchu vào năm 1983. Machu Picchu được bình chọn là một trong bẩy kỳ quan thế giới hiện đại do một cuộc bỏ phiếu trên mạng với sự tham gia của cử tri toàn cầu. (tham khảo Wikipedia)

Trên tuyến xe lửa đường dài những người bản địa mặc những bộ đồ cổ truyền hát những bài hát dân gian của họ về một chuyện tình theo điệu bolero giúp vui cho mọi người, chúng tôi ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ có một không hai trên thế giới, với đồi núi đủ màu xanh dương và xanh của cỏ hoang xen kẽ với màu hoa vàng dại tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động.

Khi đến Machu Picchu, núi cao đến 2500m, chập chùng, vòng vèo, những người lớn tuổi không thể đi nổi, họ đành phải ngồi bên dưới chờ chúng tôi tham quan xong thì cùng họ đến Sacred Valley. Những bậc thang cái thấp cái cao, cái mòn vẹt theo thời gian vì bước chân của người tham quan nên đi rất khó, vì sợ lạnh nên ban đầu ai nấy đều chuẩn bị cho mình áo lạnh, khăn quàng, ai ngờ khi leo lên những bậc thang này thì thở không ra hơi, mệt và nóng làm chúng tôi bao nhiêu áo nón đều cởi hết ra quấn xung quanh người mới có thể leo tiếp. Ông xã tôi hổn hển :

-Anh không…thể đi nổi nữa rồi! em đi tiếp đi,… anh chờ ở đây!

Tôi trấn an :

-Mình gần đến nơi rồi, anh hãy ráng bám vào tay em, vì khi xuống chưa chắc mình đi lại nơi mình đi lên qua nơi này, họ có thể xuống ở đầu kia, làm sao gặp lại anh đây.

Thế là sau vài phút nghi ngơi, anh cùng tôi leo tiếp mà anh phải bám vào đôi vai gầy của tôi!

Lên đến đỉnh núi, bao nhiêu mệt nhọc khó khăn từ nãy giờ vụt bay đi tất cả, chỉ còn lại sự hạnh phúc, nói không nên lời vì thiên nhiên chập chùng, hùng vĩ quá với những làn sương trắng giăng khắp mọi nơi. Tôi chỉ biết lặng yên há mồm, banh mắt không thể tưởng tượng được, nước mắt như muốn chực rơi ra vì cảm xúc dâng trào, thật không phí công mình đã trèo đèo lội suối cực khổ từ nẫy giờ để đến đỉnh cao này. Ai nấy tranh giành chụp hình, góc nào cũng đẹp, góc nào cũng có cái nghệ thuật của riêng nó; tôi thầm cám ơn ông Trời đã cho chúng tôi còn sức khỏe để có thể đến được nơi này, nếu ai chưa đi qua thì hãy nên một lần phải đi để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ này và sẽ phải rơi nước mắt vì ngoài sức tưởng tượng của con người.

Khi ngọn gió nhẹ thổi qua, những đám mây dạt qua một bên, hiện ra trước mắt những con đường bên dưới ngoằn nghoèo với những căn nhà đá và những bức trường thành đã được xây rất kiên cố để chống quân xâm lăng vào thế kỷ thứ XV của người Inca.

Sau khi xuống núi Machu, chúng tôi được đãi ăn với những món của người Inca, đặc biệt là gà hầm dùng với khoai lang, hay với bắp hạt rất to, hoặc với khoai tây chiên. Sự lựa chọn thứ hai là cá trout nướng ăn với rau. Đồ ăn được đãi tự do, nhưng nước uống phải mua.

Những người Inca mặc những bộ đồ màu sặc sỡ, nhảy múa chung quanh chúng tôi, đem theo cả những con bambi lông trắng đến cho chúng tôi vuốt ve, cưng nựng.

Mỗi văn hóa của mỗi dân tộc thật khác nhau, những người đội mũ màu đỏ bất kỳ là đàn ông hay phụ nữ đều đã lập gia đình, đàn ông có quyền lấy đến ba người vợ! Những người độc thân thì đội mũ trắng. Cả đàn ông và phụ nữ trên tay lúc nào cũng vừa đan vừa móc những cái mũ, khăn choàng, những sợi len đan thật chắc tay.

Nơi đây họ bán rất nhiều những khăn quàng cổ bằng lông thú của lama, rẻ và đẹp.

Ban đầu chúng tôi tưởng họ mặc những bộ đồ màu mè này chỉ vào dịp tết lễ, nhưng không phải, đây là đồ mặc thường ngày của họ.

Xuống đến tận chân núi, chúng tôi người quay kẻ chụp vẫn không tài nào có thể lấy hết được sự linh động, hùng vĩ, vẻ đẹp đến choáng ngợp của dãy núi này. Xa xa màu trắng đục của sương mờ đang xuống, lúc ẩn hiện dòng sông Amazon xanh mướt màu da trời, khi ngọn gió nhẹ thổi qua, làn sương biết mất, hiện ra dãy núi vòng vèo từ trên cao xuống tận dưới đáy valley những thành lũy, ngôi nhà, ruộng đồng bậc thang đã được người Inca bỏ bao công sức khiêng vác từng khối đá lên xây từ 3000 năm TCN.

Sau hai ngày ở Cuzco, chúng tôi lại được xe bus hạng sang Mercedes-Benz chở đến Puno. Hotel Hacienda Puno cũng giống như những hotel ở Lima, rộng rãi, thoáng mát, sàn bằng gỗ loại tốt sáng sủa. Chúng tôi sẽ ở hai đêm tại đây để đi lake Titicaca.

 

Những chiếc thuyền nhỏ này được những người trên đảo kết từ những tre nứa, họ sống bằng nghề bắt cá, trao đổi đồ ăn, những chiếc lều bằng tre lá cho khoảng 15 gia đình trên mảnh đất nhỏ và có chung một gian bếp cho tất cả mọi người nấu nướng

Họ cho chúng tôi ăn thử cây bạc hà, theo họ trị được cảm sốt, họ không có thuốc tây nên chỉ lấy lá cỏ uống để giảm đau.

Đến nơi đây tôi có cảm tưởng như mình đang sống ở một thế kỷ nào đó chứ không phải thế kỷ 21 khi trí tuệ nhân tạo AI đang phát triển, các nước đang muốn chiến tranh với những trái bom nguyên tử để giành quyền cai trị thế giới, nhưng nơi đây thật sự an bình cách xa cuộc sống xô bồ thực dụng của thế giới. Sự suy nghĩ của họ thật đơn sơ, sự sống rất hồn nhiên mỗi ngày bắt cá, săn bắn, nấu ăn, quây quần bên gia đình với bữa ăn đạm bạc, nụ cười hạnh phúc thật giản đơn.

Ngồi trên thuyền từ Titicaca về đến thành phố Puno, vợ chồng ông bà người Mỹ lớn tuổi mà tôi đã kể bên trên bắt đầu lại ngồi cạnh tôi, trong khi cả tàu yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ về sự chọn lựa của cuộc sống bình an của mỗi dân tộc…

Thuyền phải mất 45 phút mới có thể vào đến bờ tỉnh Puno. Bất ngờ ông Mỹ già đưa tặng cho tôi một lá cờ nhỏ, ông kể cho tôi nghe ông đã từng là người lính Mỹ vào những năm 1970-1973 ở Việt Nam, ông đã từng sống ở Mỹ Tho, đã có vợ người Việt Nam, ông làm tôi say mê theo dõi câu chuyện của ông với nhiều hình ảnh còn giữ trong máy iphone của ông, trong khi bà vợ đã ngáy khò khò bên cạnh, ông 78 và vợ 80, ông là người chồng thứ ba của bà, bà chắc hẳn là một người đàn bà xinh đẹp hồi còn là thiếu nữ lắm, vì bây giờ ở tuổi 80 mà bà còn giữ dáng dấp, khuôn mặt thanh tú với kiểu tóc cắt xéo bên cao bên thấp.

Ông nói với tôi khi nhìn thấy tôi ở phi trường Atlanta, Georgia, đã cảm thấy một cảm giác rất quen thuộc gần gũi với ông, vì tôi mang một nét nào đó trên khuôn mặt giống người vợ còn trẻ của ông hồi năm 1970. Ông đã từng về lại Việt Nam để tìm cô gái đó, bây giờ chị ấy đã có gia đình riêng, xem ông bà như những người bạn của một thuở xa xưa! Ông nói rất yêu những con người Việt Nam thật thà, rất thích được ở lại và xây dựng cuộc sống ở đó, nhưng ông đã không đủ duyên!

Từ lúc ấy, chúng tôi cảm thấy thân nhau hơn, ông xã tôi luôn đi cạnh bà, đưa cánh tay cho bà nắm lấy để bước đi những bước vững chắc hơn khi lên dốc, còn tôi thì tung tăng đi phía trước với ông David nói chuyện, và nghe ông kể chuyện xưa ở Việt Nam như thế nào. Chuyện tình ly kỳ của ông David tôi sẽ phải kể sau vào dịp khác.

Khi chúng tôi đến bờ Puno, lại được viếng thăm những đền thờ có một không hai trên thế giới, những vòm thờ thiên chúa, mẹ Maria được làm bằng vàng 22 carats, những đường nét trạm trổ tinh vi đầy nghệ thuật của thời xa xưa mà vào thời hiện đại này chưa chắc gì có thể làm được; họ cấm không cho chụp hình, chúng tôi đứng ngắm nhìn mải miết say mê, thán phục, rất tiếc rẻ khi đến giờ rời nơi ấy vì biết rằng sẽ chẳng bao giờ có dịp ghé thăm nơi này nữa!

Kế đó chúng tôi được đưa đi thăm các bảo tàng với những di tích lịch sử thời xa xưa, cũng tại đây những vật phẩm văn hóa thời Inca đã khai quật… Những bức tường rêu phong sừng sững không thể nào mai một vì thời gian, những bức tường này được người Inca gia công tỉ mỉ trộn với sắt thép và đá nặng hàng mấy chục tấn; Peru là đất nước có mỏ vàng, bạc nên những đồ trang sức về bạc 95 khá rẻ so với những đất nước khác.

Trở về lại Lima ngày thứ 11 :

Sáng sớm hôm sau, cả đoàn 15 người chúng tôi trở về lại Lima sau 10 ngày bên nhau vui chơi, chúng tôi từ các nước Mỹ, Úc, Anh, gặp nhau ở Peru, tuy chưa bao giờ nói chuyện, hay gặp mặt thế mà 11 ngày này đã kết duyên chúng tôi lại với nhau, mỗi tối chúng tôi cùng rủ nhau đi chơi, ăn uống, nói chuyện, tâm sự đời tư cho nhau nghe qua những chặng đường ngồi xe bus, hay tàu hỏa đi từ tỉnh này đến tỉnh khác, chúng tôi trao đổi với nhau qua whatsapp, email để giữ liên lạc nếu sau này có đi « thám hiểm » nơi nào thì gọi nhau. Tình thân kết nối, những tấm hình chụp chung làm chúng tôi bỗng trở thành người một nhà, sẵn sàng bảo vệ giúp đỡ nhau trong mọi tình huống.

Ngày thứ 11 cuối cùng tại Lima, hotel Ibis ngay trung tâm của Peru, mà người bản xứ gọi là Miraflores, có những chợ bán đồ trang sức đẹp và thanh lịch nhất, ai nấy cũng ồ ạt đi mua thêm túi xách để đựng những đồ gốm, thủ công nghệ của xứ này vì rất rẻ, chỉ sợ không có tay xách và mất công ra đoan mà thôi.

Buổi tối chúng tôi lại rủ nhau đi ăn lần cuối, gọi một món cho mỗi người để cùng chia nhau ăn, ôi sao nhiều đến ngập mặt, món nào họ cũng cho khoai lang hay khoai tây kèm bên cạnh, còn nếu gọi thêm món tráng miệng thì ngọt đến… « kinh khủng »! Tiếng cụng ly, tiếng cười từ trái tim… đã rất lâu tôi chưa tìm lại được cái cảm giác sảng khoái, hạnh phúc ở những người lạ khắp nơi trên vũ trụ này, sẽ mãi mãi ghi sâu trong tâm khảm tôi cho đến cuối đời.

Tất cả 15 người chúng tôi đều bay qua Atlanta, Mỹ rồi từ đó mỗi người có chuyến bay riêng, kẻ về Chicago, London, còn 5 người chúng tôi về lại Canada.

Về đến nhà, cả hai ngày liên tiếp, chúng tôi buồn ngủ đến không thể mở mắt được vì suốt 11 ngày qua chỉ ngủ được max 4 tiếng mỗi đêm, phải dậy sớm đi theo tours, tôi nhớ ông guide đã nói :

-Mọi người phải lấy thêm 1 tuần hè nữa sau khi đi chơi chuyến này về nhé, sẽ phải ngủ bù, nghỉ ngơi thêm lấy lại sức đấy!

Đúng như thế, tôi đau chân, nhức mỏi đến tưởng chừng như tứ chi rời rạc vì chạy nhảy, trèo leo… Nhưng cũng thật đáng đồng tiền bát gạo!

Nếu để già thêm tí nữa mới đi thì sẽ ra sao đây nhỉ ?! 

Sỏi Ngọc,

April 16-2024


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753577