Trời đã về khuya. Gần Tết trời trở lạnh, gió lùa vào căn gác nhỏ. Ðã mặc thêm áo len rồi mà sao vẫn thấy gai gai người. Thu để cuốn sách sang một bên, vươn vai đứng dậy đóng cửa sổ cho bớt gió.

            Bên ngoài, đường phố đã vắng hẳn xe cộ và người qua lại. Dưới ngọn gió đêm, cành cây trước nhà uốn mình đập vào song cửa, in bóng xuống mặt đường dưới ánh đèn vàng vọt. Vài chiếc xích lô chậm chạp lăn bánh như chờ dịp may gặp khách về khuya.

            Thu giật mình dụi mắt nhìn kỹ. Ở góc phố, trước nhà của bác Sáu, nơi có giàn hoa thiên lý tựa nghiêng ngả vào chiếc hàng rào gỗ cũ kỹ, có chiếc bóng một người đàn ông, chiếu dài xuống mặt đường, hòa lẫn với bóng cây, thỉnh thoảng, lại lung linh lay động như bóng ma mỗi khi có làn gió nhẹ. Ðêm qua, cũng góc phố ấy, cô cũng nhìn thấy chiếc bóng người như vậy, đứng nép vào bờ tường, dường như chăm chăm nhìn về hướng nhà cô!

            Ðóng vội cửa sổ, Thu quay lại, cố lấy giọng bình tĩnh bảo em:

            - Bé Thủy! Khuya rồi, đi ngủ đi, mai còn dậy sớm đi học.

            Bé Thủy giơ cuộn len dở dang và chiếc que đan lên, nài nỉ chị:

            - Em thi xong rồi, chỉ còn vài hôm nữa là được nghỉ lễ. Cho em thức thêm tí nữa thôi, em muốn đan cho xong chiếc khăn quàng cho mẹ trước Tết, chị nhé!

            Thu bật cười nhìn chiếc khăn quàng đang đan dở dang của em, bằng những mẩu len đủ màu chắp lại, nghĩ thầm: "Mẹ đâu có hippy mà quàng khăn đủ màu như thế", rồi liếc sang nhìn chị Thanh đang ngồi cặm cụi thêu nơi góc phòng, mái tóc dài xõa xuống, che nửa khuôn mặt của chị. Không thấy chị phản đối gì, Thu quay lại bảo em:

            - Ðược, nhưng nửa giờ nữa phải đi ngủ nhé!

            Bé Thủy vui mừng dụi đầu vào áo chị:

            - Tết nhất đến nơi rồi, chúng mình chẳng có quà gì cho mẹ chị ạ.

            Thu bùi ngùi xoa đầu em. Bé Thủy ngước mắt nhìn chị:

            - Người nghèo như chúng mình thật khổ chị ạ. Giá mà ba còn ở nhà, và mẹ vẫn được làm cô giáo thì chị em mình đâu có khổ như thế này chị nhỉ?

            Thanh ngồi ở góc phòng, đưa tay "suỵt" nho nhỏ:

            - Không được nói trước mặt mẹ như thế, mẹ sẽ buồn.

            Bé Thủy gật gật đầu, dụi mắt rồi nằm xuống. Thu buông em ra, như sực nhớ ra điều gì, cô đứng dậy xuống nhà, xem lại cửa nẻo xem đã cài cẩn thận chưa. Hai đêm nay, có điều gì làm cô thấy bồn chồn. Ði ngang qua bếp, thấy mẹ đang ngồi cặm cụi hí hoáy viết gì trong quyển sổ dày cộm, bên cạnh chõ xôi tỏa mùi thơm nhè nhẹ, làn khói mong manh từ trong nồi bay lên, lượn lờ ẻo lả trong không trung, rồi hòa vào ánh đèn mờ mờ chỗ mẹ đang ngồi viết. Thấy cô bước qua, mẹ ngẩng đầu lên hỏi:

            - Các con vẫn chưa ngủ à?

            Thu bước về phía cửa, nhón gót, lay lay chiếc then cài, đáp:

            - Sắp rồi mẹ ạ. Con xuống xem cửa cài kỹ chưa.

            Mẹ bật cười:

            - Rõ vớ vẩn. Bao giờ mẹ chẳng coi chừng cửa nẻo. Mà nhà mình cũng có gì đâu mà lo trộm cướp. Trộm có vào nhà này thì may ra chỉ ăn cắp được nồi chè và chõ xôi của mẹ!

            Thu cũng cười góp với mẹ rồi bước lên chiếc thang gỗ ọp ẹp. Mẹ nhìn theo thở dài. Ðêm nào, khi mấy chị em ngủ yên rồi, mẹ cũng vẫn còn phải thức canh chừng nồi xôi, nồi chè để sáng sớm hôm sau gánh ra chợ bán.

            Thu chạy lại ngồi bên chị Thanh, thủ thỉ hỏi:

            - Chị thêu gì thế?

            Thanh buồn buồn:

            - Chị lấy cái áo năm ngoái mẹ cho chị chưa mặc, thêu vài bông hoa để làm quà tết cho mẹ. Cái áo cánh của mẹ giặt đi giặt lại đã mỏng tanh, mà sáng nào mẹ cũng phải gánh hàng ra chợ sớm, mấy hôm nay chị thấy mẹ cứ ho sù sụ.

            Thu mân mê cánh hoa trắng be bé chị thêu trên nền vải màu xanh nhạt, hoa ngọc lan. Là tên của mẹ!

            - Chị thật khéo chọn mẫu hoa, ý nghĩa quá! Em cũng đã nghĩ kiếm cái gì tặng mẹ, mà em vụng tay quá, lại chẳng có tiền mua quà.

            - Vẽ chuyện! Thêu xong áo, và bé Thủy đan xong khăn quàng thì cả ba chị em tặng mẹ, có khó gì đâu.

            Thu gật đầu, nằm xuống, gác đầu lên chân chị:

             - Tội nghiệp bé Thủy, hôm qua nó bị phạt ở trường vì đánh lộn với anh em thằng Tòng. Chúng nó nhà giàu, là con cán bộ, đương nhiên là cô giáo phải bênh chúng nó rồi, cô phạt em Thủy, dù em chẳng có lỗi gì.

            Thanh chặc lưỡi:

            - Dây vào đám người đó làm gì? Chỉ thiệt thân! Bảo em từ nay không được gần bọn chúng nữa.

            Thu "dạ" nhưng nói thêm:

            - Nếu là em chắc em cũng thụi cho chúng một trận chị ạ. Anh em chúng luôn nói em Thủy là "chị em tụi bay không có Ba", nhưng em Thủy cũng chưa giận bằng chuyện hôm qua chúng gọi ba mình là "thằng lính Ngụy, thằng tù cải tạo". Em Thủy cáu tiết, thụi liền.

            Thanh hoảng hốt:

            - Dại thế! Con gái mà lại đi gây sự với bọn con trai làm gì? Thế chúng nó có làm gì em Thủy không?

            - Dám! Cả trường đều biết chị em mình là con nhà võ mà, dám làm gì? Chúng co giò chạy một mạch vào mách cô giáo. Có thế em Thủy mới bị phạt.

            Nhà chỉ có mấy mẹ con, không có đàn ông nên mẹ nghe lời cậu cho cả ba chị em học võ để phòng thân. Cậu là sỹ quan Cộng Hòa, lại học văn, học võ từ bé nên cậu oai phong lắm. Năm 75, cậu ở lại liều tử thủ, chẳng chết mà lại trở thành "bại tướng cụt chân", nhờ thế cậu không bị bắt đi tù cải tạo như ba. Mợ thì chắc cũng "ngại ngùng dạo phố mùa xuân" bên cậu, nên cũng chia tay để giờ đây cậu cứ thui thủi, lấy niềm vui nơi gia đình người chị ruột. Hàng tuần cậu sang kiểm bài vở, kèm tiếng Pháp và dạy võ cho cả ba đứa cháu. Ngồi dưới gốc cây chanh sau nhà, cậu cứ cầm chiếc ba toong điều khiển ba đứa cháu múa võ. Cậu bảo: "con nhà võ, dù là con gái cũng phải biết võ để phòng thân trong thời kỳ nhiễu nhương này". Cả ba chị em học tiến bộ, chỉ thiếu cái chiêu bay vèo vèo trên mái nhà thôi! Mỗi lần thấy ba chị em khua tay múa chân, mẹ chỉ chép miệng rầy cậu: "Em chỉ giỏi đầu têu cho chúng. Con gái con lứa gì mà trông cứ như mấy con nữ tặc!". Cậu chỉ cười: "rồi chị coi, có ngày sẽ hữu dụng, giờ này mà chị còn được yên thân với mấy tên công an háo sắc cũng là nhờ bọn chúng ngán ngẩm mấy con "nữ tặc" này thôi, nếu không, dễ dầu gì chúng để yên cho chị".

            Thanh ngừng thêu, nhìn em rồi vơ vẩn nhìn lên trần nhà, mấy con gián chậm rãi bò qua bò lại. Nhà này cũng chẳng có gì nuôi chúng, con nào con nấy cũng yếu xìu! Cô thở dài rồi bảo em:

            - Biết vậy. Nhưng mẹ cũng bảo cho mình học võ để phòng thân, không phải để ra trường đánh lộn!

Thu cười, nói lảng sang chuyện khác:

            - Không biết giờ này ba ra sao chị nhỉ? Ba có giống trong tấm hình trong album không chị?

            - Chị không biết. Lúc ba bị bắt, chị mới có năm tuổi, em lên ba, và em Thủy thì còn nằm trong bụng mẹ. Tội nghiệp em Thủy, mười tuổi đầu rồi còn chưa biết mặt ba!

            Hai chị em tắt đèn nằm xuống, đấu lưng lại với nhau, mỗi người đều dấu một giòng nước mắt.

********

            Sáng sớm hôm ba mươi tết, cả ba chị em dậy sớm. Thanh chạy xuống nhà trước tiên, thế mà mẹ cũng đã ra khỏi nhà rồi. Ba chén xôi đã để sẵn, mẹ đạy lồng bàn cẩn thận cho ba chị em dậy có thức ăn sáng. Nhưng chưa ai buồn xuống nhà cả. Bé Thủy lôi chiếc khăn quàng cổ ra đan tiếp, Thu lo dọn giường chiếu,và Thanh thì cặm cụi thêu nốt chiếc lá cuối cùng vào chiếc áo cánh màu xanh của mẹ. Ba cánh hoa be bé khép nép bên chiếc cành nâu và mấy cánh lá xanh xanh. Thanh bảo em: "ba đóa hoa là ba chị em mình, Mẹ là tàng lá xanh cho mình che nắng, Ba là...", giọng cô nghẹn lại "Ba là chiếc cành nâu cho cả gia đình nương tựa, nhưng giờ này...".

            Thu mở cửa sổ, ánh sáng chan hòa chiếu vào phòng. Mấy cành cây trước nhà phất phơ đập vào khung cửa sổ kêu loạt xoạt. Dường như đêm qua có mưa, ánh nắng ban mai chiếu qua kẽ lá mượt mà, long lanh ướt. Như một phản xạ, cô nhìn sang phía nhà bác Sáu. Dưới ánh mặt trời, mọi bí ẩn của màn đêm đã không còn dấu tích gì nữa. Giàn thiên lý của bác sau cơn mưa đong đưa trong gió, lá xanh mươn mướt, nhìn từ xa không thấy được những cánh hoa be bé thoang thoảng mùi hương.

            Bé Thủy ngây ngô hỏi:

            - Không biết mẹ có quà cho chúng mình không chị nhỉ?

            Thanh lườm em:

            - Không được hỏi mẹ nghe chưa? Em không thấy mấy hôm vừa rồi, mẹ đâu có bán hết hàng. Tối nào chúng mình cũng phải ăn hàng ế của mẹ đó thôi.

            Thủy sợ chị hiểu lầm, em nói:

            - Em đâu có đòi. Nhưng nếu nhà mình giàu, em cũng muốn được mẹ mua cho quyển ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Lâu lâu mới được Cậu kể cho nghe một truyện, mê lắm chị ơi. Ước gì em có cả quyển sách.

            Thu góp lời:

            - Em cũng thế. Con nhỏ Mai bạn trong lớp em có cuốn thơ mới, lâu lâu nó hé cho em coi vài trang, em mượn, nó đâu có cho!

            Thanh lớn hơn hai em, đã đến tuổi mơ mộng rồi, gật gù:

            - Nếu chị được quà, chị cũng muốn được quyển Thơ mới "Tác giả và Tác phẩm". Thỉnh thoảng mẹ đọc cho nghe vài bài trong đó, chị chỉ nhớ lõm bõm. Mẹ thật là giỏi, thuộc nhiều bài thơ hay.

            - Chuyện! Mẹ là cô giáo mà lị. Khỏi ngôn rồi.

            Cứ thế, ba chị em truyện trò quên cả ăn sáng. Ðến lúc nghe tiếng cửa lạch cạch mới giật mình nhìn ra. Thì ra mẹ đã về rồi. Sao hôm nay mẹ xong hàng sớm thế? Ô! Lại có cả mấy người lạ mặt cùng vào nhà với mẹ nữa. Cả ba chị em lật đật cất đồ thêu, đồ đan vào giỏ, chạy xuống nhà. Mẹ đặt gánh hàng vào bếp, nhẹ tênh!

            - Ôi, may quá, hôm nay ai cũng lo đi chợ búa sớm để còn về lo nhà cửa đón Giao thừa, nên chưa đến mười giờ sáng mà mẹ đã bán hết sạch. Có một ông khách đến mua hết cả nửa gánh xôi còn lại!

            Ba chị em vui mừng, rồi ngơ ngác nhìn người đàn bà ăn mặc thốc thếch đứng sau lưng mẹ, và hai đứa nhỏ, rụt rè, cứ níu vạt áo của người đàn bà.

            Mẹ chỉ ba chị em:

            - Ba đứa con gái cưng của tôi đó chị.

            Rồi nhìn lên bàn, thấy ba chén xôi còn nguyên chưa ai đụng tới, mẹ nói:

            - Các con chưa ăn sáng? Thế các cô nương có bằng lòng nhường phần quà sáng cho "khách" không? Mẹ gặp mấy mẹ con bác đây ở chợ, thật thương quá, nhưng hôm nay mẹ lại hết sạch hàng để đãi khách rồi.

            Thu và Thủy nhìn nhau không trả lời, nhưng Thanh đã nhanh nhẩu kéo ghế mời khách:

            - Mẹ, tụi con không đói đâu. Chắc là bác đây và hai em nhỏ này cần hơn chúng con. Ngày nào tụi con cũng được ăn xôi của mẹ rồi.

            Người đàn bà ngại ngùng, kéo hai con ngồi xuống ghế:

            - Các cô thật phúc hậu, lại đẹp như là thiên thần. Các cô hiền lành, thương người, Trời sẽ phù hộ các cô. Mẹ con tôi xin đội ơn!

            Em Thủy đi lấy ba đôi đũa mời khách. Ba chén xôi nguội lạnh, nghèo nàn nhưng là cả một bữa tiệc thịnh soạn cho ba mẹ con người khách, trong khi ba cô "thiên thần" bụng đói meo đứng cạnh nhìn thèm thuồng. Bà mẹ thấy hai con ăn ngấu nghiến, không ngớt xẻ thêm phần của mình sang chén của con.

            Mẹ nháy mắt gọi ba chị em vào bếp để khách được tự nhiên rồi bảo nhỏ:

            - Các con ngoan lắm. Lát trưa mẹ thổi cơm sớm cho các con. Hôm nay đắt hàng, mẹ có mua hai con cá rô, trưa nay rán lên chấm nước mắm gừng.

            Cả ba khuôn mặt bừng lên hạnh phúc. Tối đến, ba chị em rón rén lại gần mẹ. Mẹ nhìn gói giấy hoa, thắt nơ đỏ bên ngoài, ngạc nhiên:

            - Gì đây? Tiền đâu các con bày vẽ mua quà gì cho mẹ vậy?

            Bé Thủy nhanh nhẩu:

            - Không tốn tiền đâu mẹ. Tụi con tự làm.

            Trong lúc mẹ mở chiếc nơ đỏ, em láu táu nói như sợ bị mẹ rầy:

            - Len này con lấy trong thùng len còn thừa của mẹ đó. Mỗi màu còn một tị, con chắp lại đan cho mẹ, buổi sáng mẹ nhớ quàng khăn mẹ nhé, mấy hôm nay trời trở lạnh rồi.

            Mẹ sung sướng ôm hôn em. Rồi giơ chiếc áo cánh lên nhìn mấy cánh hoa ngọc lan thêu thùa tỉ mỉ, mẹ chảy nước mắt, bảo chị Thanh:

            - Áo này mẹ may cho con, đi đâu với chúng bạn thì có cái mặc. Con chê sao mà cho lại mẹ?

            Thu chen vào:

            - Mẹ, chị Thanh ngồi thêu cả tuần nay. Mẹ coi đi, cái áo cánh của mẹ giặt đến mỏng tanh rồi. Ai không biết còn tưởng là mẹ thích mặc áo mỏng cho sexy đó.

            Mẹ cười, cốc vào đầu em một cái. Rồi mẹ quay ra, lục trong ngăn tủ lôi ra cuốn sách dầy cộm, buộc hờ chiếc nơ màu vàng, nói trong nước mắt:

            - Ðây, mẹ không có gì làm quà cho các con. Chỉ có cái này cho cả ba chị em. Ðó là cả tấm lòng của mẹ.

            Thu nhận quà, mở tung ra. Thì ra, bao đêm mẹ cứ ngồi cặm cụi loay hoay viết. Thu còn ngỡ là mẹ sắp được "họ" cho mẹ đi làm cô giáo trở lại nên mẹ phải soạn bài. Hóa ra, mẹ đi mượn sách ở thư viện về, chép lại làm quà cho các con!

            Em Thủy hấp tấp lật mấy trang hình Con Ve Con Kiến đọc ngấu nghiến, trong khi Thanh và Thu nôn nóng chờ em xem xong để đọc mấy giòng thơ. Chữ mẹ vẫn còn đẹp, uốn nắn, tuy không còn mềm mại như xưa nữa. Mềm mại thế nào được khi bàn tay mẹ giờ chỉ còn biết xách nước, bửa củi mỗi ngày?

            Thu và bé Thủy rượt nhau lên căn gác xép, tranh nhau đọc quyển sách của mẹ. Thanh ngồi nán lại giúp mẹ lột củ hành muối dưa. Chợt có tiếng gõ cửa nhè nhẹ phía trước. Hai mẹ con hốt hoảng. Khuya khoắt thế này, ai gõ cửa làm gì? Tiếng gõ cửa lúc đầu còn thưa thớt, sau cứ nhanh dần. Thu ở trên nhà nghe thấy cũng vội vàng chạy xuống bếp, bỏ bé Thủy một mình với quyển truyện ngụ ngôn. Cô cũng hốt hoảng không kém, vặn nhỏ bớt ngọn đèn, hỏi mẹ:

            - Có mở cửa không mẹ?

            Cô lại càng hoảng sợ hơn khi nhớ đến bóng người thấp thoáng nơi góc nhà bác Sáu, lăm lăm nhìn về phía nhà cô suốt mấy đêm vừa qua. Cô lo lắng mà không dám nói cho chị và mẹ biết. Giờ này cô ân hận, phải chi cô nói sớm thì chắc mẹ đã bảo Cậu sang với mấy mẹ con.

            Mẹ thì đang quýnh lên, không biết phải làm sao, ôm chặt lấy em cho đỡ sợ. Im lặng một hồi, tiếng gõ cửa lại đều đặn vang lên, lần này nghe còn gần hơn. Mẹ điếng người, thì ra lần này là tiếng gọi từ cửa sau. Ai mà lại biết cái lối đi vòng ra cửa sau để gọi cửa? Chỉ có thể là người quen! Ý tưởng đó làm mấy mẹ con bớt sợ hơn.

            Thu vào góc nhà, thủ một thanh sắt dài mẹ vẫn dùng để khơi bếp lửa, lăm lăm cầm trong tay, nhìn chị ra dấu. Thanh gật gật đầu, tiến dần về phía cửa bếp, nắm chặt lấy tay mẹ:

            - Ðừng sợ mẹ! Tụi con biết võ mà, mấy tên ăn trộm loe nghoe không làm gì được mình đâu.

            Cô bảo Thu:

            - Nếu có chuyện gì thì em lo trông chừng bé Thủy, chị lo cho mẹ.

            Rồi cô ghé tai vào cửa nghe ngóng. Mẹ vẫn nắm chặt tay cô. Thu theo sát gót, thanh sắt vẫn lăm le chỉ chực ra tay.

            Tiếng gõ cửa hai tiếng mạnh, một tiếng nhẹ, rồi im, rồi lại hai tiếng mạnh một tiếng nhẹ. Dấu hiệu này nghe như quen quen. Mẹ như người tỉnh mộng, áp tai vào cửa lên tiếng:

             - Ai đang ở ngoài? Sao giờ này còn gọi cửa?

            Có tiếng người đàn ông đáp thật nhỏ:

            - Lan! Ngọc Lan. Em và các con đừng sợ. Anh đây, Khánh đây. Mở cửa cho anh. Các con, mở cửa cho ba.

            Mẹ rút nhanh tay ra khỏi tay Thanh, lắp bắp vừa nói vừa khóc:

            - Là ba! Ba về rồi các con ơi.

            Thanh và Thu còn bàng hoàng. Chữ "ba" sao mà xa lạ quá, trong lúc mẹ không chần chờ gì nữa, đưa tay rút nhẹ then cài. Bóng người đàn ông gầy guộc và cao dong dỏng lách nhẹ vào nhà, và nhanh tay cài then cửa lại.

            Hai cô gái chỉ biết giương mắt ra nhìn người đàn ông đen đủi mà mẹ gọi là "ba", còn mẹ thì chỉ biết khóc!

             - Anh về sao không báo tin gì cho gia đình? Còn làm em và con sợ hết cả hồn.

            Thanh và Thu cứ đứng chết trân nhìn cái ông "ba" đó. Mẹ bảo:

            - Chẳng trách chúng nó không nhận ra anh. Lúc anh đi, con Thanh mới năm tuổi, con Thu ba tuổi, bé Thủy còn chưa chào đời.

            Người đàn ông bước lại gần, toan nắm lấy tay Thanh. Cô hoảng hồn lùi lại, đụng vào chân cầu thang, thì mới hay bé Thủy đã đứng đó từ hồi nào. Ông ta nói:

            - Ðây chắc hẳn là bé Thủy?

            Mẹ gật đầu bảo:

            - Các con lại chào ba đi. Sao đứng chết trân cả đám vậy? Thu, con có bỏ cái thanh sắt xuống không? Con định hù ai vậy?

            Người đàn ông quay lại cười:

            - Sao con nó cầm thanh sắt làm chi vậy? Trông cứ như sát thủ ấy?

            - Nó tưởng là ăn trộm! Tại anh về không báo trước, làm cả nhà hồn vía lên mây.

            - Ăn trộm thì cái cửa ọp ẹp này, nó đẩy một cái là vào được chứ cần gì gọi cửa!

            Bé Thủy thì ngây thơ lắc lắc tay chị Thanh hỏi:

            - Cái ông đen thui và ốm nhom đó là ba mình hả chị? Mình có ba rồi hả chị?

            Rồi không chờ ai trả lời, bé chạy lại níu chân người đàn ông:

            - Ông ơi! Ông có phải là ba của tụi cháu không hả ông?

            Mẹ phì cười:

            - Gọi ba thì phải xưng "con", không phải "cháu".

            Ba nhấc bỗng em lên, ép đầu em lên vai, và hít hít lên mái tóc cụt ngủn của em. Dường như ba cũng đang khóc? Một lúc sau ba nói nhỏ với mẹ:

            - Anh về được hơn hai tuần lễ rồi, mà không dám vô nhà, chỉ chờ đến tối không còn ai đi lại ngoài đường mới dám đến đứng xa xa mà nhìn về nhà thôi.

            Thì ra cái bóng đen làm Thu hoảng sợ mấy đêm nay là cái ông "ba" này. Mẹ nói dỗi:

            - Sao lại về bao lâu mà không vào nhà? Anh không biết gia đình này mong anh, mong ngày mong đêm?

            Ba đến bên ngọn đèn, vặn nhỏ thêm chút nữa, rồi vẫy tay gọi các con lại gần. Ba cầm tay mẹ và các con, nói thầm:

            - Ðừng nói lớn! Anh không muốn hàng xóm để ý sự xuất hiện của anh. Đêm nay, mọi người tưng bừng đón giao thừa, anh mới nhân cơ hội lẻn về nhà. Hai tuần nay, anh cùng anh Chương và vài người bạn nữa ráo riết tân trang và kiểm soát lại chiếc tàu của gia đình ảnh. Em còn nhớ anh Chương Tàu lai, bạn đồng ngũ của anh?

            Mẹ gật đầu:

            - Em nhớ. Gia đình anh ấy buôn bán, lúc xưa rất giàu, mỗi lần về phép hay cùng anh về đây ăn cơm. Em vẫn chọc anh ấy, xưng hô "ngộ ngộ, nị nị" với anh ấy, thế mà anh ấy không hề giận.

            Ba bảo:

            - Ðúng! Bây giờ gia đình anh ấy cũng còn của chìm của nổi giấu diếm, và đã âm thầm chuẩn bị đầy đủ tàu bè, chờ đến nay anh ấy được thả về mới đi cùng. Anh Chương là con trai lớn, ông bà cụ rất thương xót không nỡ bỏ đi trước.

            Mẹ nhìn ba, chờ đợi, không hiểu sao ba lại nói chuyện này.

            - Trong thời gian ở trong rừng, hai lần anh ấy suýt chết, anh đã cứu lại mạng cho ảnh, nên gia đình họ muốn trả ơn ấy, cho chúng ta đi cùng. Tàu còn đủ chỗ, họ lại không muốn nhận thêm người lạ, sợ bị lộ.

            Mẹ thảng thốt, không tin vào tai mình:

            - Trời ơi! Là thật hay em đang nằm mơ?

            Ba cầm chặt tay mẹ:

            - Thật đó em. Ðừng hồi hộp. Anh mạng lớn, số lớn. Bao năm tù đày hết rừng nọ đến núi kia còn chịu đựng được. Chúng ta không có tiền, chỉ có dịp may này thôi, đúng mười hôm nữa, tàu ra khơi. Chúng ta phải khởi hành trước ngày rằm trăng sáng. Trời tối mới thuận tiện ra khơi.

            Ðến lượt Thanh và Thu há hốc miệng nhìn ba. Phút bỡ ngỡ đã qua, bây giờ thì hai cô tin rằng người đàn ông trước mặt là ba của mình rồi. Có phải là mơ không? Mười hôm nữa tàu ra khơi! Hai chữ "ra khơi" nghe sao xa lạ và vời vợi quá. Nó vượt hẳn trí tưởng tượng của hai cô.

            Ba cầm tay hai con, dặn dò:

            - Ba không thể ở lại lâu, ba phải đi trước khi trời sáng rõ để xóm giềng không chú ý. Hai con lớn rồi, giúp mẹ và em sửa soạn những gì cần thiết nhất và nhẹ nhất để đem theo.

            Hai cô không biết trả lời sao chỉ nhìn mẹ. Ba nói tiếp:

            - Ngọc Lan! Đến hôm đó, em vẫn gánh hàng ra chợ bán như thường lệ, nhưng đến trưa bán xong thì không về nhà, sẽ có người nhà của anh Chương đến đón em ra chỗ hẹn. Những thứ cần mang theo dấu trong gánh hàng. Anh sẽ giao thư cho người đó đưa em để làm tin.

            Thấy nét lo ngại trên mặt mẹ, ba trấn an:

            - Em đừng lo. Người nhà anh Chương biết mặt em rồi, sáng nay người mua hết nửa gánh xôi của em là quản gia của gia đình anh ấy.

            Mẹ há hốc miệng, chưa kịp phản ứng thì ba quay sang các con, dặn dò:

            - Các con cũng vậy, hôm đó vẫn ra khỏi nhà như đi học, đến giờ tan học thì có xe đến đón các con đến nơi gặp ba. Những thứ cần mang dấu kỹ trong cặp, và chỉ được mang theo thế thôi. Ba đứa tụi con phải đi chung với nhau để dễ nhận diện. Có gì bất thường xảy ra thì địa điểm hẹn là trở về nhà này.

            Mẹ bồn chồn:

            - Nhưng mà...

            Ba lấy tay dí vào trán mẹ:

            - Nhưng mà gì? Anh làm gì cũng phải tính toán kỹ càng chứ, sáng nay, đã có người đến đây nhận diện ba cô "thiên thần" của nhà này rồi. Em tin người vừa vừa chứ, chỉ thấy người ta giả vờ đói khát mà dám dẫn về nhà, đúng là ngây thơ!

            Cả ba chị em há hốc miệng nhìn ba, rồi lại quay sang mẹ.

- Nói vậy, cái bà ban sáng...

- Là chị của anh Chương đó, bả không giả bộ làm tuồng nghèo đói vậy thì làm sao vô được nhà này.

            Rồi ba rút trong túi ra một chiếc huân chương cũ nát, chắc ba dấu trong người bấy lâu nay, bảo các con:

            - Các con nhìn thấy vật này thì biết là người của ba đến đón các con. Ðừng sợ, ba chưa thể lộ diện trong lúc này.

            Bé Thủy gật gật đầu:

            - Con hiểu rồi ba. Con không sợ. Ði đâu, miễn có ba, có mẹ bên cạnh, con không sợ gì.

            Thanh và Thu cũng hùa với em:

            - Tụi con cũng vậy.

            Ba ôm từng đứa, hài lòng:

            - Các con thật ngoan.

            Rồi quay sang mẹ, ba trìu mến:

            - Anh thật biết ơn em, bao nhiêu năm nay đã thay thế anh mà uốn nắn cho anh những đứa con ngoan ngoãn như vậy.

            Mẹ rưng rưng nước mắt dụi đầu vào vai ba. Ba lùa bàn tay đen đủi vào tóc mẹ, ngửi lên mái tóc còn thoang thoảng mùi khói bếp, thương cảm. Lúc mẹ ngẩng lên thì mấy chị em đã lẻn lên trên gác từ lúc nào! Mẹ ngả đầu lên vai ba, thì thầm:

            - Từ nay, chúng ta và con luôn ở bên nhau, anh nhé!

********

            Nhưng, trong chuyến ra khơi đó, anh đã hy sinh. Khi tiếng thét "tàu đằng trước, dừng lại" và lằn đạn tủa ra từ chiếc tàu tuần tiễu vang lên xé màn đêm tối, xuyên qua lồng ngực, anh chỉ kịp hét vợ con nằm sát xuống mạn thuyền, rồi ôm ngực, bẻ mạnh tay lái để tránh lằn đạn và bảo Chương:

            - Tao không xong rồi. Mày thả hết tốc lực cho tàu đi về hướng trước mặt. Thay tao lo cho vợ con tao.

            Rồi trong màn đêm, dưới ánh trăng non và ánh sao mờ ảo chiếu lung linh trên mặt nước hòa với dòng máu đỏ thắm chảy chan hòa, anh rút con dao găm và khẩu súng vẫn dấu trong người, ra đuôi tàu nhảy phóc sang thuyền địch. Với kinh nghiệm điều khiển tàu và bao năm lăn lộn trong rừng sâu, chiếc thuyền nhỏ bé này không làm khó được anh. Một loạt tiếng nổ chát chúa vang lên trong đêm tối, anh phá nổ tan buồng máy. Con thuyền nhỏ mất thăng bằng, chòng chành quay ngược trở lại, nước tràn vào mạn thuyền xối xả. Như con thú bừng lên trước phút lìa đời, anh dũng mãnh dùng hơi sức cuối tử chiến, đổi mạng mình lấy mạng của đám lính tuần canh, để chiếc tàu trên đó có vợ con anh và gia đình Chương được bình yên rẽ sóng ra khơi, trong tiếng khóc vang dội của đám con thơ và người vợ đáng thương.

            Mẹ của Chương chắp tay niệm Phật, hai hàng nước mắt nhỏ xuống đôi gò má nhăn nheo:

            - Khánh ơi! Mẹ coi Khánh như con. Nếu con không dành với thằng Chương để lái tàu thì giờ này người hy sinh đã là thằng Chương rồi. Gia đình này nợ con nhiều quá!

            Ánh trăng sao mờ mờ ảo ảo vẫn mơ màng chiếu trên mặt nước vô tình, chiếu trên đôi má ướt nước mắt của anh Chương. Mắt đăm đăm nhìn vào không trung đen đặc, giữ vững tay lái, Chương nói một mình trong đêm:

             - Vĩnh biệt Khánh! Mạng của Chương, một lần nữa lại do anh giữ lại. Suốt cuộc đời này, Chương sẽ hy sinh cả đời mình để chăm sóc cho vợ con anh.

********

            Bao nhiêu năm sau, mỗi lần nhớ lại cái đêm kinh hoàng đó, Ngọc Lan vẫn còn bàng hoàng cứ ngỡ là mơ. Nhiều đêm nằm bên đám trẻ, nàng chỉ mong sao sáng mai tỉnh dậy, chợt nhận ra đó chỉ là một cơn ác mộng, lại thấy mình vẫn còn nằm trong căn nhà nhỏ bé ở quê nhà bên gánh xôi, nồi chè, và Khánh vẫn còn là người tù cải tạo, mòn mỏi chờ đợi một ngày về.

            Thời gian cũng đã xóa dần hình ảnh "người cha một đêm" trong lòng đám trẻ. Với sự chăm sóc nuôi dưỡng của chú Chương, cộng thêm với đồng lương khiêm tốn của nàng, Thanh và Thu đã lần lượt đỗ đạt thành tài, sự nghiệp tốt đẹp.

            Bé Thủy năm nay tốt nghiệp trung học và sửa soạn vào đại học. Cả nhà đang hân hoan sửa soạn cùng nhau đi dự lễ mãn khóa của đứa con út trong gia đình. Nhìn con gái cưng trong bộ áo đầm trắng trang nhã, sự sung sướng làm nàng nghẹn lời:

            - Hôm nay mẹ thật là vui. Ðến lượt con gái út của mẹ vào đại học, mẹ thật mãn nguyện.

            Rồi cầm tay con, xâu chìa khóa trong tay, nàng giục:

            - Ði, ta đi các con!

            Bé Thủy nũng nịu, dụi đầu vào ngực mẹ, vờ vẫn dỗi hờn:

            - Con không muốn đi dự lễ mãn khóa đâu mẹ.

            Nàng nâng mặt con lên, dấu chấm hỏi long lanh trong mắt. Thanh và Thu liếc nhau, rồi nhìn bé Thủy, đồng lõa mím môi cười.

            - Bạn bè con ai cũng có cha mẹ đi dự lễ mãn khóa. Con không muốn chúng nó cười nhạo con không có ba. Bữa nay, con muốn có "ba" đi dự lễ mãn khóa của con. Nếu không thì con ở nhà.

            Ngọc Lan chưng hửng một giây rồi ngậm ngùi:

            - Con nói gì? Con không quên là ba đã hy sinh để mẹ con mình đến được bến bờ tự do chứ?

            Em ngúng nguẩy, nhập đề thẳng không quanh co:

            - Con không quên. Nhưng chú Chương có thể làm "ba" tụi con mà. Chính mẹ mới là người quên rằng bao năm nay, chú vì lời hứa với ba mà đã hy sinh cả cuộc đời của chú để nuôi nấng chúng con ăn học thành tài. Bây giờ chúng con cũng phải nghĩ đến chuyện đền bù công ơn nuôi dưỡng của chú chứ. Chị Thanh, chị Thu mùa xuân tới cũng theo chồng, con có thể phải đi học xa, chúng con cũng phải nghĩ đến người chăm sóc cho mẹ nữa chứ.

            Ngọc Lan chợt hiểu. Nào phải nàng không biết đến công ơn dưỡng dục đó. Cha sinh cũng chưa chắc bằng cha dưỡng. Nhưng bao năm nay, Chương âm thầm nuôi dưỡng đàn con, không hề ngỏ ý gì khác với nàng, chẳng lẽ chính nàng lại là người ngỏ ý trước?

            Nàng kéo tay con ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng và thật lòng bảo:

            - Nào phải mẹ không biết, nhưng con xem, có bao giờ chú đề cập chuyện gì với mẹ đâu, chẳng nhẽ mẹ phải đi ngỏ lời với chú à?

            Chỉ chờ có thế, Thanh và Thu nhẩy tỡn lên:

            - Mẹ nói thật nhé. Nãy giờ chú Chương đến đứng chờ ngoài hiên kìa.

            Ngọc Lan nhìn ra khoảng sân nhà mát rượi. Bên hàng rào thưa, mấy cánh hoa vàng mong manh trong nắng, đong đưa dưới làn gió nhẹ. Chương đã đứng đó tự lúc nào!

            Thanh và Thu ra ngoài hiên kéo chú vào nhà. Ngọc Lan âu yếm nhìn đám con lớn tồng ngồng cả rồi mà còn làm như con nít, rồi trìu mến nhìn chú trong bộ đồ veste thật diện và trang trọng, trông không có tí nào giống chú "Chương Tàu lai" hàng tuần mặc quần short, áo thung đến đây cắt cỏ, làm vườn giúp mẹ con nàng.

            Thu láu táu bảo chú:

            - Em Thủy nãy giờ chưa chịu đi vì còn chờ chú đến đó. Em nói bữa nay bạn bè ai cũng có cha mẹ đi cùng, nếu em không có ba thì em sẽ không chịu đi. Vậy chú Chương có chịu làm "ba" để đi dự lễ với tụi con không?

            Chú đến bên cầm tay mẹ, lần đầu tiên chú cầm bàn tay ấm áp mềm mại của mẹ, trong tiếng vỗ tay vang dậy của đám con. Chú trả lời ỡm ờ:

            - Nếu không chịu thì sao chú lại diện sẵn bộ đồ kẻng để sẵn sàng đi với các con? Chỉ lo không biết mẹ con có chịu không thôi.

            Mẹ trách yêu:

            - Thì ra cả ba đứa đã toa rập, dàn xếp cái chuyện này với chú Chương từ hồi nào rồi mà dấu mẹ hử?

            Rồi mẹ âu yếm, làm bộ nguýt dài chú:

            - Coi bộ cái chuyện này em có không đồng ý thì cũng không xong với ba con quỷ này rồi.

            Nụ cười rạng rỡ thoáng trên môi chú. Một tay chú nãy giờ vẫn dấu sau lưng, bây giờ chú mới đưa ra một cành hoa ngọc lan nhỏ, lúc nãy trên đường đến đây, chú đã ghé xin ở trên chùa, rồi ngắt một cánh hoa cài lên tóc mẹ:

            - Ngọc Lan! Từ nay, anh chính thức xin phép được làm "ba" của các con.

            Mẹ cười hạnh phúc, vờ đẩy tay chú ra:

- "Nị" mà làm "ba"! Hứ, Ba...Tàu thì có.

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved