Trưa nay ông trời thương con dân xứ lạnh, nóng quá chịu không quen, rên rỉ hừ hừ nên hạ nhiệt tí ti, thỉnh thoảng bonus thêm vài cơn gió thoảng, mát mẻ tận tim gan. Đong đưa trên võng, nằm nghe ve sầu kêu râm ran, da diết như tiếng than van hờn trách, rỉ rả nỉ non.....

Ối trời ơi, nói chung rất là mệt. Nhưng mà ngộ lắm nha, cứ một con cất tiếng là cả dàn nhạc bắt đầu trỗi lên như có một con đầu đàn làm nhạc trưởng điều khiển ban nhạc, cùng tông cùng điệu chứ không phải mạnh con nào con nấy chơi khác nhau đâu, mà khi ngưng nó cũng cùng nhau ngưng cái cụp, không con nào xé lẻ hát đơn ca.

Hồi mới đầu tôi thích lắm, nghe mãi đâm ra ngán vì ban nhạc có vẻ lười học hỏi, không chịu sáng tác bài mới, tối ngày sáng đêm cứ bổn cũ soạn lại nên hay cũng thành dở.

Nhưng chẳng lẽ vì mấy cái con bé xíu mà cứ rúc trong nhà, chỉ cần hí cái cửa ra là được nghe nhạc không lời. Triền miên và dai dẳng. Đôi khi tôi không còn phân biệt tiếng ve hay tai mình đang bị ù. Bực mình thế đấy nhưng mấy câu thơ của thì sĩ Chế Lan Viên lại hay vô cùng:


“ Nhớ thương dài tiếng ve
Dóng dả suốt đêm hè
Dao chém vào chẳng đứt
Đi hết lòng còn nghe “

Nhiều khi tôi lẩm cẩm ngồi nghĩ ngợi lung tung, hai loại côn trùng nhỏ xíu xiu như con ve và con dế thì lá phổi của nó chắc to cỡ nửa hạt đậu xanh, mà sao khỏe quá chừng. Con thì hát rong suốt cả mùa hè, con thì gáy vang lanh lảnh sau mỗi cơn mưa. Nhưng mà nói gì thì nói nha, nghe tiếng dế gáy tôi vẫn thích hơn, tiếng trong trẻo, sang hơn và quan trọng là nó chịu ngừng cho người ta nghỉ mệt.

Để quên đi cái ban nhạc hoà tấu không cần khán giả yêu thích này, tôi mở trang Facebook xem hôm nay có gì lạ. Ngày trước muốn biết tin tức bạn bè, mất béng cả tô phở! Tôi hay nói với các bạn như thế, để cả hai bên cùng gia tăng tốc độ nói, giảm tốc độ khề khà vì cái thẻ cào nó tính luôn cả thời gian mình cà kê dê ngỗng! Giờ thì sung sướng lắm rồi, từ ngày có Facebook, thoải mái thăm hỏi nhau, nói câu trước quên câu sau. Không sao, ngày mai nhớ ra nói tiếp.

Tin giật gân đây rồi, cái tít “ con mẻ đi vìa quê nè...”, coi bộ hấp dẫn, tôi tò mò dán mắt ngay vào bài viết coi “ con mẻ “ nào mà bạn mình dám đăng lên vậy!

À, té ra “ con mẻ “ bé loắt choắt, dáng chừng ba tuổi, lon ton kéo valise xem chiều hớn hở, trông thấy ghét quá, cháu nội của bạn tôi. Con mẻ về quê nội! Ngày lễ ngày Tết con mẻ theo cha theo mẹ về quê. Ai cũng có quê, quê Nội quê Ngoại, ở nơi đó có người thân chờ đón chúng ta trở về, ấm áp không khí gia đình, vui vầy xum họp dăm bữa nửa tháng rồi ra đi và người ở lại tiếp tục mong đợi người đi xa.

Nhìn hình con bé tôi lại nhớ những ngày đi làm khi còn trong nước. Mỗi lần lễ tết được nghỉ kéo dài, thấy các anh chị công nhân rộn ràng sắm sửa khăn gói về quê, mình cũng vui lây. Người lo hốt bát hụi chót, kẻ khoe cố nhín vài đồng lương ít ỏi từ mấy tháng trước rủ nhau mua những món quà thành thị, đem về làm quà cho ông bà cha mẹ ở quê nhà và cũng có người ủ rũ vì không có khả năng trở về thăm gia đình.

Từ quê lên, người ta lại lục tục mang vào cơ quan chia xẻ cho nhau các món ăn đặc sản quê nhà, người vài chục cái bánh ít, chị nọ một mớ kẹo mè xửng, vài bác dúi cho nhau mấy thanh kẹo chuối......tình quê tràn ngập trong lòng mọi người. Giờ giải lao hay cơm trưa, bước vào phòng ăn nghe rổn rảng kể chuyện nhà, chuyện làng xóm, chuyện đàn gà đàn vịt..... cùng nhau tiếc nuối ngày vui ngắn ngủi đã qua. Mất cả tuần lễ niềm vui phai dần, họ lại đầu tắt mặt tối lo việc mưu sinh.

Rồi cũng từ quê lên, có người không còn độc thân nữa, dẫn theo người vợ hay người chồng mới cưới, vào cơ quan khai báo để xin một chỗ làm cho vợ hay chồng. Cũng có cô ỏn ẻn kể cho vài người bạn thân mình đã có nơi dạm hỏi, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt....Chuyện nào cũng được dặn dò kỹ lưỡng, còn trong vòng bí mật, chưa muốn tiết lộ công khai. Vậy mà đến giờ tan sở, ai ai cũng biết và mọi người đều thì thầm vào tai nhau: “ Đừng nói cho ai biết nha! “.

Một chuyến đi về và một chuyến trở lại biết bao chuyện đổi thay, vui buồn lẫn lộn.

Một chị công nhân trẻ cho tôi cái bánh in đậu xanh khi tôi bước lên xe bus đưa đón công nhân viên.
- Ăn thử đi em, em gái chị dưới quê nổi tiếng món này đó.

Hơi bất ngờ, tôi rất ít tiếp xúc với chị, gặp nhau cũng chỉ cười cười thay lời chào hỏi, đôi lúc có việc xuống xưởng, ngang qua chỗ chị làm, tôi mon men đến bắt chuyện là chị lảng ra chỗ khác, hôm nay tự nhiên được chị cho cái bánh! Hình như dư âm mấy ngày phép về với gia đình làm chị vui vẻ, cởi mở hơn. Chị líu lo kể:
- Em thấy da chị hôm nay đen thui không?
- Dạ đen, chị về dưới quê đi chơi dữ lắm sao?
- Chị ở nhà, theo mấy đứa em ra ruộng mò tôm cá, lâu ngày không ra đồng bắt nắng lẹ ghê.
- Thích quá chị há, em chưa bao giờ được lội xuống ruộng hết.
- Đêm mưa chị còn đi bắt ếch nhái nữa, vui lắm.
- Ngày em còn nhỏ chỉ được hái trái cây trong vườn, có một lần cậu hàng xóm làm trên ngọn Hải Đăng chở em và cháu cậu ấy theo lên núi hái trái mây rừng.
- Trái mây rừng nhỏ xíu phải không?
- Dạ, hái về cậu bỏ vô lu nước mấy ngày sau mới vớt lên ăn.
- Chắc để cho bớt mủ.
- Em cũng không biết nữa, hồi đó còn nhỏ, quên không hỏi.

Chợt chị hỏi tôi:
- Mấy ngày nghỉ em có đi đâu chơi không? Có về quê không?

Tôi lắc đầu:
- Em ở nhà, đâu có quê mà về.

Chị nhìn tôi, nét mặt hơi chùng xuống:
- Bố Mẹ em người Hà Nội à?
- Vâng.
- Bố Mẹ em có ra Bắc thăm gia đình lần nào chưa?
- Chưa chị.
- Tiếc quả hả, về quê vui lắm em ơi.

Ờ nhỉ, tôi cũng có quê chứ, chỉ là hai miền Nam Bắc thôi mà, xa xôi cách trở cũng đâu phải là không đi được, sao chưa một lần nghe ba má tôi mong ước trở về thăm dù tôi biết trong lòng ba má tôi vẫn luôn hoài niệm về những tháng ngày son trẻ.

Tôi từng nghe ba tôi ca tụng món lạc rang nơi góc phố của ông Tàu nào đó:
“ Lạc rang húng lìu nóng hổi, vừa ăn vừa xuýt xoa trong cái rét lạnh căm căm, mùa đông ngoài Bắc khủng khiếp lắm, buốt đến tận xương, ấy thế ăn lạc rang mới tuyệt!” lời của ba tôi.

Hoặc cao hứng hơn, ba tôi kể về thời trai trẻ, mê tiếng hát của cô ca sỹ Thương Huyền qua bài hát Đêm Đông, trong túi không tiền và còn quá nhỏ để lui đến những chốn xa hoa, đành đứng ngoài góc đường nghe tiếng hát của cô vọng ra từ một phòng trà nhỏ. Với ba tôi, bài hát này không ai vượt được cô, ghê chưa? Có thật ba tôi mê tiếng hát của cô? Chỉ có ba tôi mới biết !!!!

Qua lời kể của má tôi, thời trẻ ba tôi có vẻ nghệ sỹ, khi chưa vào Nam, ba tôi còn tập tành thổi kèn Harmonica, làm phòng tối để tự rửa hình, thời đó chỉ chụp hình phim đen trắng. Không hiểu sao từ ngày tôi bắt đầu biết chuyện, chưa bao giờ tôi nghe ba tôi thổi kèn một lần nào cả.

Má tôi không lãng mạn như ba tôi, chỉ nhớ về những kỷ niệm trong gia đình, nhớ Ông Bà tôi, nhớ mấy Bác, nhớ những tháng ngày chiến tranh loạn lạc....miền Nam không thiếu món ngon vật lạ nhưng má tôi vẫn mơ màng đến chùm nhãn Hưng Yên, đến hương cốm làng Vòng, nhớ mùa hoa bưởi tháng ba..... nghe riết tự nhiên tôi mê hai câu thơ của nhà thơ Nguyên Sa:
“ Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen.”

Và đâm ra ghiền hương hoa bưởi !

Nói chung ba má tôi nhớ về Hà Nội nhiều lắm, thỉnh thoảng mấy anh chị em tôi được phiêu lưu một chặng đường dài ra tận Hà Nội, Hải Phòng qua những câu chuyện kể của ba má tôi. Vậy đó, tình quê lai láng nhưng vẫn không ước hẹn ngày về. Tại sao vậy?

Mỗi lần nghe tin có người thân từ Bắc vào Nam ba má tôi lại rộn ràng mong ngóng, sau mấy chục năm xa cách bặt tin nhau, giờ có dịp tuôn trào niềm thương nỗi nhớ. Hai ông bà tíu tít thăm hỏi hết người này đến người khác, từ sức khỏe đến đời sống, những ngõ ngách của phố phường Hà Nội. Khách được dịp kể lể, chủ nhà bần thần nét mặt lắng nghe đôi khi xen lẫn tiếng thở dài.

Có lần bà Cô xuống nhà tôi ăn giỗ, bà hỏi má tôi:
- Anh chị có định ra Bắc không?
- Không, cô ạ.
- Sao thế, không ra thăm họ hàng à?
- Nhỡ có gì thì kẹt.
- Cũng đúng đấy, trong này vẫn yên tâm hơn.
.......

Lần nọ, trong lúc dọn dẹp phòng ba tôi, một tấm hình cũ kỹ rơi ra. Tôi giơ lên nhìn, bức hình chụp cảnh nhiều người đang đi trên đường phố. Người trong hình đều còn rất trẻ, trông mặt ai cũng tươi tắn. Ba nói đó là ba má tôi và các Bác chụp ở Hà Nội. Dưới tấm hình tôi thấy có nét chữ của ba tôi “ Ngày 10-10-1954 “.

Ba tôi giải thích đó là ngày “ giải phóng thủ đô “. Tôi hỏi:
- Ngày đó chắc vui lắm, con thấy mặt ai cũng hớn hở.
- Úi giời! Còn phải nói, mọi người đều túa ra đường, nhà nhà đều rộn rịp, vui lắm. Nhưng vui không được bao lâu, buồn ngay.
- Sao thế? Tôi vặn vẹo hỏi.
- Đừng vờ vỡn, con không thấy người ta ùn ùn vào Nam à. Nhà mình cũng vậy.

Dứt lời, Ba tôi nhắm mắt lim dim ngủ, không biết Ba tôi buồn ngủ thật hay chỉ nhắm mắt để hồi tưởng lại những chặng đường đã qua.

Giờ đây gia đình tôi sinh sống ở nước ngoài, tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác, có một quê hương thứ hai, cuộc sống thật đẹp và an bình nhưng tôi luôn nhớ về quê cũ. Tôi nhớ về Vũng Tàu của thuở ấu thơ, nhớ đến Sài Gòn của tuổi mới lớn....tôi nhớ những người thân, đến bạn bè..... còn ở lại. Tôi nhớ mái nhà xưa cũ, nhớ hương Ngọc lan thoang thoảng trong gió và hàng cây bã đậu trong sân trường, nhớ những buổi tan trường, kẻ trước người sau...nhớ những con đường đã đi qua.....ôi nhiều thứ để nhớ lắm.....

Và nếu có ai hỏi tôi như chị công nhân ngày nào: “ em có về quê không? “, biết trả lời sao nhỉ ? Đâu là quê hương? Quê hương cũ của tôi hay quê hương mới?


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779583