Con Phượng
Năm tôi bắt đầu học lớp tư ( lớp hai bây giờ ) bên cạnh nhà có gia đình mới dọn đến. Vài ngày sau tôi thấy một con bé trạc tuổi tôi nhởn nhơ chơi ngoài cổng rào. Hai đứa lân la làm quen, nó tên Phượng. Con Phượng là con một, chẳng có anh chị em nên suốt ngày nó cứ thơ thẩn một mình ngoài sân vườn.
Con Phượng khá xinh xắn, trắng trẻo nhưng nó bị tật ở chân nên đi khập khiễng. Ít khi thấy nó đi chậm rãi đàng hoàng, lúc nào cũng như muốn chạy nên người nó cứ cà tưng cà tưng với những bước thật ngắn, mái tóc bum bê ôm tròn lấy khuôn mặt cũng lắc lư gợn sóng theo nhịp bước của nó. Má tôi hay khen mái tóc nó đẹp, nó khoe Má nó cắt ở nhà, hôm nào vừa cắt tóc xong nó cũng hỏi tôi:
- Tóc tao có đẹp không?
Đẹp thật nhưng ngu gì khen cho nó được nước lên chân, tôi lắc đầu nguầy nguậy.
Tôi học buổi sáng, nó học bằng tôi nhưng buổi chiều. Mỗi buổi trưa tan học, chị họ đón tôi về, đường từ trường về nhà rợp bóng điệp vàng. Hai hàng cây cao bóng mát đan nhau phủ kín con đường, chẳng bao nhiêu tia nắng có thể rọi xuyên qua cành cây kẽ lá, để phải đội nón nhưng cứ ra khỏi nhà là chị họ chụp ngay cái nón ấn vào đầu tôi. Trước cửa trường có mấy cây điệp còn thấp lè tè, tôi hay mè nheo bắt chị bẻ cho tôi một vài tán lá điệp to xoè rồi che lên đầu như che dù.
Không biết các bạn già cỡ tuổi tôi còn nhớ cái nón hình số tám ( khoảng những năm 64 ), lúc mở ra đội lên đầu nó cong cong, khi xếp lại vặn theo hình số tám rồi bẻ lại thành ba vòng tròn bẹp dí xuống như cái bánh tiêu to hơn bàn tay chút xíu, lấy quai nón cột lại bỏ vào cặp rất gọn gàng. Mode của học trò nhỏ thời đó là những cái nón như vậy, rất bền và khó bị mất vì tháo nón ra là cất ngay vào cặp.
Những cái nón học trò đã thay đổi qua bao thế hệ, đủ màu sắc đủ kiểu dáng đẹp hơn, nhí nhảnh hơn nhưng thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến cái nón hình số tám, tôi tìm kiếm đủ trên mọi phương tiện từ bác Google, Internet, bạn bè....chẳng ai thấy bóng dáng nó nữa, thậm chí có người quên mất tiêu, không còn hình dung ra nó.
Mấy năm trước, tôi liên lạc được với chị bạn thời trung học, trong câu chuyện gợi nhắc những kỷ niệm ngày xưa, không hiểu thế nào lại đưa đẩy tôi nói đến cái nón, chắc tại gặp ai tôi cũng hỏi đon hỏi ren về cái nón mà mình muốn tìm kiếm, chị nói:
- Hình như chị còn giữ, bây giờ không biết để đâu, về chị kiếm cho.
Mình hơi hoài nghi, đã tròm trèm trên dưới năm chục năm! Chắc chị nói cho vui theo bạn bè. Ấy thế mà còn thật, không bao lâu, chồng chị đã gởi cho tôi vài tấm hình, mở ra là những tấm hình mới nhất chị vừa chụp ở trang trại của chị. Hình bán thân, trên đầu chị đội nón màu xanh dương. Cái nón hình số tám!
Nghiêng qua vành nón tôi vẫn còn cảm thấy phảng phất vẻ thơ dại của tuổi học trò trên nét mặt chị. Không hiểu sao sau bao tháng năm thăng trầm của thế cuộc, trong số những kỷ niệm chị còn gìn giữ lại có một cái nón, đơn sơ và mộc mạc! Tôi là dạng người có hơi hoài cổ, không ngờ chị còn cổ hơn tôi. Và một điều làm tôi vô cùng cảm động là dù đã gìn giữ kỹ cái nón suốt mấy chục năm, thấy tôi thích thú với món kỷ niệm này, chị đã hứa sẽ tặng lại tôi cái nón nếu tôi có dịp về Việt Nam lần tới.
Trở lại nhỏ bạn hàng xóm của tôi, con Phượng hay đón đường tôi tan học gần cổng rào nhà nó, từ xa xa tôi đã thấy điệu bộ nó đi nhún nhảy, hai tay vỗ vào nhau và miệng hát rống lên:
- .......Trông thấy đằng xa con Dung (con giun phát âm kiểu tiếng Nam) nó đứt đuôi, nó che cái dù nó đội mũ trên đầu.......
Con Phượng bé nhỏ thôi nhưng tiếng hát của nó vang vang, không cần loa phóng thanh tôi cũng nghe rõ mồn một. Nhiều lúc tôi tức lắm, cũng muốn nhảy cà tưng để chế nhạo cái chân nó nhưng nhớ lời Má tôi dặn hoài, cố kềm cơn giận. Má tôi hay bảo mấy anh chị em tôi, không được nhạo báng người tàn tật, không được nhái giọng người cà lăm.....vì bị khuyết tật người ta đã khổ lắm rồi.
Trừng phạt duy nhất là xưng xỉa không chơi với nhau, hậm hà hậm hực, ngấm nguýt chán chê, đến tối nó lại làm quen, đâu cũng vào đó.
Nó tử tế với tôi chỉ được vài ngày, chẳng biết tìm ai trêu chọc nó lại đón đường tôi tan học và cũng lại bài hát con Dung nó đứt đuôi....về nhà tôi đòi qua nhà mách Má nó thì Má tôi bảo:
- Con giun mới có đuôi chứ người ta làm gì có đuôi mà đứt, vả lại nó tật nguyền, tội nghiệp nó.
Má tôi có tật hay thương người, hàng xóm láng giềng Má tôi không bao giờ làm mích lòng ai, châm ngôn sống của Má tôi là “ chín bỏ làm mười!“ hoặc là “hàng xóm láng giềng, ra vào gặp mặt nhau.....” không đôi co kèn cựa với ai.
Tôi làm bạn với nó, vui buồn hờn giận cũng chóng vánh lắm, chỉ hơn một năm, buổi chiều nọ nó đứng bên rào vẫy gọi, báo tin tôi biết vài ngày nữa gia đình nó dọn đi nơi khác, Ba nó thuyên chuyển công tác nên cả nhà phải đi theo. Hai đứa đang buồn rũ rượi, tự nhiên nó phang một câu:
- Không biết đến nhà mới, hàng xóm có ai như mày, cũng tên Dung để tao hát chọc cho vui không nữa?
Tôi cũng không kém cạnh, cong cớn trả lễ tức thì:
- Ừ, tao cũng mong hàng xóm mới không có đứa như mày, chuyên môn đi phá tên tao.
Hai đứa nhìn nhau cùng cười, quên cả chuyện buồn, liến thoắng kể tội nhau, cả những tội mà tôi hoặc nó nói ra cả hai mới biết. Trước ngày nó đi một hôm, buổi trưa nó vẫn đón tôi ngay cổng rào, thấy dáng nó từ xa, tôi chờ đợi tiếng hát quen thuộc mà lúc trước tôi ghét cay ghét đắng nhưng hôm nay nó không hát hò gì nữa, hai đứa cùng không nói chuyện. Tần ngần bên hàng rào một lúc, nó dúi vào tay tôi một tấm hình rồi vội quay lưng vào nhà. Tôi gọi với theo:
- Rồi gia đình mày có trở lại Vũng Tàu không?
- Tao không biết nữa.
Nó đáp mà không quay đầu lại.
Tôi giơ tấm hình lên xem, thì ra tấm hình chụp hôm Tết, nó mặc cái áo đầm, thật tươi mát dễ thương, khép nép bên chậu Cúc vàng. Ngắm nghía hình nó, hôm nay tôi mới cảm nhận ra rằng nó đẹp lắm, trông hiền thục đoan trang chứ không loi choi lóc chóc như thường ngày, lật mặt sau tấm hình có hàng chữ:“ Dù cho ảnh có phai màu, Xin đừng xé bỏ mà lòng tôi đau”
Hình như đó là câu thơ mà ngày nhỏ đám học trò hay chép tặng nhau sau lưng những tấm hình vào dịp chia tay bãi trường. Lúc đó tôi cảm động lắm, thấy câu thơ hay quá sức, tôi lật tới lật lui, xem hình nó rồi lẩm nhẩm đọc thơ.
Sau này nghĩ lại, sao mà cải lương chi bảo quá trời luôn, không biết tác giả hai câu thơ đó là ai? Vậy mà nhớ hoài không quên, ngày xưa đi học thuộc bài như đọc thơ này chắc tôi đã đậu thủ khoa!
Sáng hôm sau đi học, ra sân tôi cố lóng nhóng xem có gặp con Phượng lần nữa nhưng không thấy, buổi trưa tan trường về, con Phượng không còn chờ tôi như thường lệ, hỏi chị họ thì chị nói sau khi đưa tôi đến trường lúc trở về chị thấy xe hàng đến, có ba bốn người khiêng đồ đạc ra xe, nhà nó đã dọn đi rồi. Dù đã biết trước nhưng tôi vẫn cảm thấy lao chao.
Năm tháng qua đi, ngoài những bạn bè quen biết tứ phương, bạn chung trường chung lớp, cũng có những người bạn hàng xóm cùng trang lứa nhưng chẳng người bạn nào làm tôi vừa thương vừa giận như con Phượng.
Trong một lần trở về Việt Nam thăm gia đình, tôi có dịp đi xem triển lãm tranh ở viện Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn (ngày xưa là dinh thự của gia đình ông Hứa Bổn Hoà còn gọi là Chú Hoả). Ngang qua một căn phòng trên lầu, tình cờ nhìn ra ô cửa sổ, cả một không gian vàng rực dưới ánh nắng chói chang, tôi mừng quá hét ầm lên:
-Trời ơi, hoa điệp vàng...
Người qua kẻ lại nhìn, tôi đoán họ mắc cười lắm vì ai cũng đưa mắt nhìn ra rồi đi ngay, không suýt xoa trầm trồ, chắc họ đang nghĩ thầm: “ tưởng hoa gì đẹp, tầm thường quá!”.
Hoa điệp! Cả một trời kỷ niệm của tôi trong ngày đầu gia đình dọn về Vũng Tàu. Xe dừng, vừa bước xuống tôi nhìn vào sân, ngạc nhiên và thích thú khi thấy trên nền xi măng phủ đầy một màu vàng. Lúc đó tôi còn chưa biết tên hoa là gì và tôi quay ra nhìn ngoài đường, con đường Nguyễn Thái Học rợp bóng điệp vàng. Trong lúc người lớn lo khiêng đồ đạc vào nhà, chỉ mình tôi say mê nhặt hoa rơi. Lúc bé tôi lùn tịt và người cứ tròn quay, hai ông thợ dọn nhà khiêng cái bàn không thấy tôi đang lúi húi nên một ông đá trúng. Tôi ngã lăn beo, hoa văng tung toé. Từ đấy ông anh hay trêu chọc tôi là “ cái bị thịt!”.
Rồi khi gia đình trở lại Sài Gòn, tôi không có dịp thấy loại hoa này nữa, không còn được cầm tán lá điệp làm dù che nắng và cũng chưa một lần gặp lại người bạn nhỏ ngày xưa nhưng tôi không sao quên và mỗi khi nhớ về nó, tôi như vẫn thấy được mái tóc nó lắc lư theo nhịp nhún nhảy và tiếng hát lanh lảnh của nó còn vang vọng trong trí tôi như mới ngày nào....
- ....nó che cái dù nó đội mũ trên đầu......”
Hà Lê