Công nhân nông nghiệp người Việt xuất khẩu lao động sang Canada bị lường gạt và bóc lột.

 

CBC News được biết chi tiết vì sao 9 công nhân ngoại quốc tạm thời được chấm dứt nghĩa vụ hợp đồng với một trang trại tại tỉnh bang P.E.I và có dịp nói chuyện trực tiếp với hai công nhân.

Chính quyền liên bang đã cấp cho những công nhân này Giấy Phép Làm Việc Mở (open work permits) để giúp họ thoát khỏi tình thế bị lạm dụng trong việc làm, một chương trình có từ năm 2019 (trước khi có luật mới này, công nhân diện xuất khẩu lao động bắt buộc phải làm cho chủ nhân đã bảo lãnh họ qua Canada làm việc, nếu họ ngưng làm thì phải rời khỏi Canada). 9 công nhân này thuộc nhóm từ 26 đến 42 công nhân được cấp GPLVM từ năm 2019 đến tháng 5/2022.

CBC News đồng ý không tiết lộ danh tính 2 công nhân này và cũng không tiết lộ trang trại họ làm việc. Những công nhân này lo sợ thân nhân của họ ở Việt Nam bị trả thù từ cơ quan tuyển dụng lao động xuất khẩu ở Việt Nam cũng như từ chủ nhân trang trại ở tỉnh bang P.E.I.

Công nhân tên Thi nói: “Đây là một vụ lường gạt”.

Tin xấu từ trang trại này làm cho Liên đoàn Nông nghiệp P.E.I. (P.E.I. Federation of Agriculture) lo lắng. Giám đốc điều hành Donald Killorn nói cần phải giữ cho chương trình nhập khẩu lao động nông nghiệp vận hành tốt đẹp.

Killorn nói: “Chương trình nhập khẩu lao động nước ngoài tạm thời rất quan trọng cho nông nghiệp Canada”.

“Chúng tôi muốn thấy chương trình này có hiệu quả. Chúng tôi không muốn thấy sự lạm dụng bóc lột. Muốn vậy phải có giám sát cưỡng hành. Công nhân nước ngoài phải được đối xử tử tế”.

Thiếu hụt lao động đang trở thành vấn đề cho toàn tỉnh P.E.I. nhưng Killorn nói nó đã là vấn đề cho lãnh vực nông nghiệp từ nhiều năm nay. “Vào thời điểm này, tôi có thể nói nông nghiệp của tỉnh Prince Edward Island phụ thuộc vào công nhân nước ngoài tạm thời”.

 

Công nhân người nước ngoài chiếm đến 40%?

Số liệu của Immigration, Refugees and Citizenship Canada (IRCC) và của Statistics Canada cho thấy mức độ sâu đậm của sự phụ thuộc này.

Statistics Canada thống kê tổng cộng có 3,600 việc làm nông nghiệp trong tỉnh bang P.E.I. trong năm 2021 thì IRCC báo cáo có đến 1,475 công nhân nông nghiệp người nước ngoài được nhập cảnh vào P.E.I. làm việc, chưa tính 85 công nhân nhà kính và trại ươm cây con.

Dù phương pháp khai thác số liệu của hai cơ quan có thể khác nhau ít nhiều thì vẫn phản ảnh sự thực là đến 40% công nhân nông nghiệp tỉnh bang P.E.I. là lao động người nước ngoài.

Còn tính theo toàn bộ công nhân nước ngoài đủ các ngành nghề đến P.E.I. làm việc thì lên đến 2.400 người trong năm 2021. Trong số đó, 15 người được Giấy phép Làm Việc Mở (GPLVM)

 

Giải thoát khỏi nghĩa vụ hợp đồng với chủ nhân

Giấy phép Làm Việc Mở là chương trình tạo ra năm 2019 nhằm giúp cho những công nhân người nước ngoài bị chủ nhân ở Canada ngược đãi có thể rời bỏ chủ nhân này mà không bị bắt buộc phải trở về nước nguyên quán.

Điều kiện của giấy thông hành (visa) làm việc cho công nhân người nước ngoài là họ chỉ có thể làm việc cho người chủ nhân đã bảo lãnh họ sang Canada, trong hoàn cảnh bình thường.

Theo trang mạng của chương trình này, “Tất cả những hành vi đe dọa, kiểm soát, cô lập bị coi là ngược đãi. Ngược đãi có thể dưới những hình thức cơ thể, tình dục, tài chính hoặc tinh thần”.

Trong email gởi cho CBC News, IRCC làm rõ thêm quy trình cấp GPLVM:

“Trước khi cấp GPLVM cho một công nhân nước ngoài bị ngược đãi, viên chức điều tra phải có đầy đủ bằng chứng rằng quả thật người công nhân nước ngoài đã bị lạm dụng bóc lột trong lúc làm việc ở Canada.

Bằng chứng này phải cụ thể nhưng không khắt khe nghiêm ngặt như bằng chứng đòi hỏi trong luật tư pháp dân sự.”

Với GPLVM, người công nhân trước đây buộc phải làm việc cho chủ nhân đã bảo lãnh họ sang Canada thì nay được quyền làm việc với bất kỳ chủ nhân nào ở bất kỳ nơi đâu trong Canada.

 

Lo ngại về Quyền riêng tư

Để tôn trọng quyền riêng tư, IRCC không cung cấp con số cụ thể bao nhiêu GPLVM được cấp trong một tỉnh bang. IRCC tính theo cấp số nhân 5. Dưới 5 thì coi như không có và quy tròn dữ liệu theo cấp số nhân của 5 gần nhất.

Trong năm 2019 và 2020, IRCC ghi nhận 0 GPLVM. Nhưng qua năm 2021 thì là 15. Qua năm 2022, chỉ mới 5 tháng đã ghi nhận 15. Do nguyên tắc qui tròn, con số thực sự có thể thấp nhất là 26 và cao nhất là 42.

Dù là có GPLVM được cấp, vậy mà không có trang trại nào ở P.E.I. không đạt tiêu chuẩn thanh tra về xử dụng lao động công nhân nước ngoài.

Cơ quan Service Canada công bố danh sách chủ nhân không đạt tiêu chuẩn thanh tra. Lần cuối một cơ sở bị rớt thanh tra là năm 2018, nhà máy sản xuất thuốc cho thú y.

CBC News tìm thấy 22 GPLVM bắt nguồn từ nhà máy này.

 

Chi phí bắt đầu từ môi giới tuyển mộ tại Việt Nam.

CBC News nói chuyện trực tiếp với 2 công nhân nước ngoại tại trang trại. Cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt. Những gì đọc giả  đọc dưới đây là bản dịch sang tiếng Anh.

Công nhân Thi đến P.E.I. mùa thu vừa qua. Bà phải trả cho người môi giới ở Việt Nam hơn 60,000 CAD để sang làm việc ở trang trại P.E.I.

Gia đình của bà phải vay mượn món tiền này từ giới cho vay lãi cắt cổ , nhưng họ hứa hẹn là sau một năm làm việc thì không những sẽ trả hết nợ mà còn dư một món tiền.

Có những luật lệ trong chương trình xử dụng công nhân nước ngoài khiến điều đó khả thi.

Chủ nhân phải trả tiền vé máy bay khứ hồi cho công nhân sang Canada làm việc. Chủ nhân phải cung cấp chỗ ở cho công nhân mà công nhân không phải trả quá hơn 30 CAD mỗi tuần. Nếu chỗ ở xa nơi làm việc, chủ nhân phải cung cấp xe chuyên chở.

Thêm vào đó, lương tối thiểu cho mỗi ngành nghề được ấn định. Ở tỉnh bang P.E.I., không việc làm nào được trả dưới 15 CAD/ giờ.

Công nhân cũng được trả ít nhất 30 giờ một tuần nếu phải cách ly 2 tuần sau khi đến Canada trong thời kỳ Covid.

 

Việc làm được hứa hẹn nhưng không có

Thi nói trục trặc xẩy ra rất sớm.

Bà không được trả tiền trong hai tuần lễ cách ly, và sau 2 tuần cách ly thì vẫn chưa được làm việc. Chủ nhân không lo chỗ ăn ở, bà phải tự thuê nhà ở thành phố Charlottetown.

Hợp đồng lao động là 40 giờ một tuần, nhưng ròng rã mấy tháng không có việc làm và không được trả lương.

Bà nói: “Chồng tôi ở Việt Nam cũng đang khốn khó vì Covid nên anh không thể gởi tiền tiếp tế qua Canada cho tôi”.

“Mà có gởi qua thì tiền Việt Nam có thấm tháp gì so với vật giá của Canada”.

Nhiều ngày bà Thi không có tiền mua thực phẩm nên phải tới xin ăn của bếp ăn từ thiện cộng đồng ở Charlottetown. Bà cũng phải đi quanh thành phố nhặt vỏ chai vỏ lon để bán lại cho cơ sở thu gom nguyên liệu tái sinh.

“Mỗi ngày qua là một cơn khủng hoảng. Mỗi ngày suy nghĩ ngày mai có việc làm hay không, bao giờ thì kiếm được tiền”.

 

Bắt buộc phải ký tên vào đơn

Chủ nhân không giải thích tại sao chưa kêu bà làm việc, chỉ nói là phải chờ.

Hồi tháng Hai vừa qua, Thi được gọi lên văn phòng ở Charlottetown, cho xem một đống giấy tờ. Một công nhân người Việt từ trang trại giúp cho việc thông dịch.

Một mẫu đơn nói rằng chủ nhân có cung cấp chỗ ở và phương tiện di chuyển đến nơi làm việc. Một mẫu đơn khác nói rằng bà không làm việc từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022 vì muốn nghỉ phép. Bà biết những tờ đơn này nói sai sự thật nên không chịu ký.

“Nhưng họ nói nếu tôi không ký thì tôi sẽ bị gởi về Việt Nam”.

Thế là bà đành phải ký.

 

Làm vài tuần rồi ngưng

Một công nhân khác, chúng tôi gọi là Vân, cho CBC News một kinh nghiệm tương tư.

Vân làm việc ở một trang trại khác với Thi, nhưng người chỉ huy cho biết là cả hai trang trại cùng một chủ.

Vân đến P.E.I. tháng 9 năm ngoái. Giống Thi, hợp đồng lao động của Vân kéo dài một năm, giờ làm việc hứa hẹn là 40 giờ mỗi tuần. Anh cũng phải trả cho người môi giới lao động 60,000 CAD.

Vân có làm việc tháng 9 vì lúc đó đang mùa gặt hái. Nhưng giống Thi, muốn nhận chi phiếu lương, anh lại phải đưa lại chủ nhân tiền mặt. Tính ra thì lương của anh chỉ có 11 CAD/giờ (dưới mức lương tối thiểu theo luật định).

Vân cho biết họ nói anh có thể làm việc thêm cho một trang trại khác và họ vẫn trả chi phiếu (séc) lương cho anh với điều kiện anh phải đưa lại họ tiền mặt. Nhưng anh biết điều này trái luật theo qui định của giấy phép lao động cấp cho anh.

“Đến lúc đó tôi nhận ra toàn bộ hợp đồng xuất khẩu lao động này chỉ là một vụ lừa bịp”.

 

Được báo là thanh tra sắp đến

Mùa gặt hái hoàn tất trong tháng 10, việc làm ngưng.

Hoàn toàn không có việc trong tháng 11, nhưng anh bị yêu cầu ký vài đơn. Họ nói có thanh tra chính phủ liên bang đến kiểm tra.

Họ không cho anh giữ bản sao của những mẫu đơn, nhưng anh nhớ lại là chúng tương tự như những mẫu đơn mà Thi đã ký. Nghĩa là giấy xác nhận chủ nhân có cung cấp cho anh nhà ở, phương tiện chuyên chở và tiền sinh hoạt phí – toàn những điều nói láo.

Bởi vì không có việc làm cho anh từ tháng 10 đến tháng 12, anh cũng phải ký đơn xin nghỉ phép cho 3 tháng này.

“Tôi có đọc vài mẫu đơn nhưng rồi vì quá nhiều mẫu đơn, tôi không còn đọc tiếp mà chỉ ký đại”.

“Những công nhân đồng nghiệp của tôi hoàn toàn không đọc những mẫu đơn mà chỉ ký tên”.

 

Đưa tiền mặt để nhận chi phiếu lương: công nhân thua thiệt

Ngay cả trong những tháng mà Vân không có việc làm, anh vẫn phải đưa chủ nhân tiền mặt để nhận chi phiếu lương.

Chi phiếu lương rất quan trọng đối với Vân: nó là bằng chứng giấy tờ chứng minh số giờ làm việc của anh tại Canada và số giờ làm việc này quyết định anh có đủ điều kiện xin thường trú ở Canada. Nghĩa là anh sẵn lòng bỏ tiền túi ra để “mua” bằng chứng thời gian làm việc ở Canada.

Với mức lương 13 CAD/giờ và một tuần làm việc 40 giờ, tiền lương gộp trong 2 tuần của anh, bao gồm tiền phép nghỉ thường niên, là 1,081 CAD. Trừ đi những khoản khấu trừ bắt buộc về nguyệt liễm hưu trí, phí bảo hiểm thất nghiệp thì anh lãnh được 888 CAD cho một chi phiếu lương.

Tháng 11 vừa qua, anh không làm việc. Nhưng để nhận được 2 cái chi phiếu lương gian dối, anh phải đưa chủ nhân 2400 CAD. Nghĩa là anh lỗ 624 CAD (2400-1776).

Trong tháng 12, có chút việc làm, anh kiếm được 500 CAD. Do đó, anh phải đưa chủ nhân 1,900 CAD để nhận 2 chi phiếu lương trị giá 1,776 CAD. Vậy thì tháng 12 anh có làm việc mà vẫn hao hụt tiền túi 124 CAD.

Vân làm việc từ tháng 12/2001 đến tháng 3/2002. Nhưng anh không nhận được chi phiếu lương cho tháng 2 và tháng 3. Lý do: anh không còn tiền mặt nữa để đưa cho chủ nhân.

Thi cũng vậy: nói tóm tắt là bà làm việc không lương cho trang trại.

Bà làm việc 9 ngày trong tháng Hai và 13 ngày trong tháng Ba. Cho đến hôm nay, bà chưa được trả đồng nào cho 22 ngày làm việc đó.

 

Kevin Yarr

CBC News.

16/8/2022

© Bản Việt ngữ vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved