CUỘC TRƯỜNG CHINH CỦA TÔI

 Ai Cơ Hoàng Thịnh

 

GỐC GÁC

 

Từ Bắc Vô Nam

Tôi sinh ra ở miền Bắc Việt Nam. Năm 1954 khi tôi vừa lên 4, nước tôi bị chia đôi: chính quyền Cộng Sản kiểm soát miền Bắc còn miền Nam nằm trong chế độ Cộng Hòa. Lúc đó mọi người được cấp thời lựa chọn chế độ theo ý thích của mình. Bố Mẹ tôi tậu được một căn nhà đồ sộ, làm chủ một trung tâm buôn bán và một nhà máy dệt ở miền Bắc nhưng đành phải quyết định bỏ lại tất cả cơ sở sự nghiệp để cùng với 800 ngàn người khác đi vào miền Nam. Trắng tay với 5 đứa con hãy còn trẻ dại, bố mẹ tôi tự an ủi “Còn sống, còn khỏe mạnh, chúng ta còn có thể làm lại cuộc đời”.

Mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên được cảnh mùa thu yên bình và đẹp đẻ trong khu vườn trước nhà vào những năm tôi vừa mới lên mấy tuổi. Tôi cũng không quên được cảnh nước lụt dâng ngập hết nửa khu phố nhà tôi và nhất là ngày giã từ đi vào Nam khi ông bà tôi, các cậu mợ thay nhau ôm tôi hôn, thổn thức giã từ mà nước mắt chan hòa trên tóc và gò má của tôi.

Những năm đầu tiên ở Sài Gòn, là thủ đô của miền Nam, rất khó khăn. Mặc dù cả nước chỉ nói một thứ tiếng nhưng giọng nói khác nhau giữa ba miền vẫn gây ra một số hiểu lầm, thù ghét và nghi kỵ giữa “người ngoại quốc từ miền Bắc” (người ta đặt tên cho chúng tôi như thế) và người miền Nam. Để tránh bị chế giễu, Mẹ tôi không dám mở miệng mặc cả khi đi chợ như những người đàn bà khác. Các anh chị và tôi thường bị ăn hiếp trong trường, trong xóm, chỉ vì chúng tôi ăn nói, mặc đồ và chơi khác họ. Vì vậy, trong thời kỳ tiểu học, tôi trở thành một cô bé buồn bã, nhút nhát và rất trơ trọi. Tuy nhiên, sự phân biệt nầy dần dần bớt đi khi người địa phương bắt đầu quen biết với chúng tôi, hiểu được các tập quán và ghi nhận sự đóng góp của chúng tôi trong xã hội; và quan trọng hơn cả, họ ý thức được rằng chúng tôi cùng là người Việt với nhau.

Bố mẹ tôi lại thêm một lần thành công trong việc buôn bán, điều nầy giúp quãng đời trung học và đại học của tôi đầy vui thú.

 

Từ Thành Phố Về Thị Xã Xa Xôi

Tôi tốt nghiệp đại học và ra giáo viên trung học năm 1971. Mọi giáo viên mới ra trường còn trẻ và độc thân đều phải đi đến những vùng xa xôi ít nhất là 5 năm trước khi có thể xin chuyển về gần thành phố hơn. Trong thời chiến, càng xa thủ đô thì càng nguy hiểm bởi vì bộ đội miền Bắc bấy giờ đã thành lập Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia ở các làng mạc miền Nam và sử dụng quân du kích để đánh lại Quân Đội Công Hòa.

Tôi được bổ nhiệm đến thị xã Mộc Hóa. Ở đây người dân bị xâu xé giữa hai chính quyền: ban ngày là Cộng Hòa và ban đêm là Cộng Sản. Người dân phải khổ cực ở các đồng ruộng để có thể trả thuế cho cả hai chính phủ. Nếu gia đình nào chỉ có con đi lính Cộng Hòa thì ban đêm bộ đội Cộng Sản sẽ xuất hiện như những bóng ma đi quanh nhà rồi chặt đầu người cha. Còn nếu họ chỉ có con đi bộ đội Cộng Sản, nhà cửa của họ sẽ bị đốt thiêu rụi và phía Cộng Hòa sẽ cầm tù vì cho rằng họ theo Cộng Sản. Vì thế tốt hơn là cho con đi lính đồng đều cả hai bên; hoặc nếu chuyện nầy không được, thì giả bộ lập bàn thờ cho các đứa con trai, làm như những đứa con nầy đã chết.

Bộ đội Cộng Sản thường chôn mìn ép ở đường lộ dẫn đến thị xã Mộc Hóa. Các chuyến xe đò chở tôi ngược xuôi từ Sài Gòn đến trường của tôi vào cuối tuần có thể nổ bất cứ lúc nào trên đường nếu bánh xe cán nhằm một trái mìn nào đó. Nào ai biết được mìn chôn ở đâu cho đến khi chuyến xe và hành khách bất hạnh thình lình bị nổ tung thành từng mảnh. Mới đầu tôi sợ và bị căng thẳng kinh khủng qua những chuyến đi đầy nguy hiểm nầy. Nhưng dần dần tôi nhìn chung quanh mình và thấy hành khách đều tỏ ra thật bình thản. Người Việt chúng tôi rất tin tưởng vào số mệnh hay định mệnh. Nhờ vậy chúng tôi bình thản chấp nhận định mệnh thảm khốc nhất và chịu đựng bất cứ chuyện gì có thể xảy ra trong đời mình. Đó là lý do tại sao tôi lại không bỡ ngỡ với sự nguy hiểm.

Lần nào tôi về nhà, mẹ tôi đều khóc nức nở mỗi khi tôi ra đi. Bà cứ mãi hỏi: “Con sao cứ đùa giỡn với Tử Thần vậy? Tại sao con không bỏ dạy cho rồi? Tại sao con không ở đây phụ giúp mẹ buôn bán? Tại sao con không muốn sống ở Sài Gòn cho thoải mái và an ninh hơn?”. Nhiều lần tôi cũng tự hỏi như vậy nên tôi biết rõ ràng câu trả lời sẽ như thế nào. Trước hết, tôi khát khao được tách rời khỏi mái nhà và sự đùm bọc của cha mẹ để nhìn thấy thế giới bên ngoài, và bắt đầu tự lập sau 21 năm trời sống trong một gia đình nề nếp nghiêm khắc. Nề nếp truyền thống đã không cho phép tôi sống xa nhà trừ phi tôi lập gia đình, nếu không tôi sẽ bị xã hội xem, là bất hiếu, và có thể bố mẹ sẽ từ tôi để bảo vệ danh giá của gia đình. Lúc đó tôi chưa muốn lập gia đình; vì thế một công việc đàng hoàng ở xa sẽ là một cớ hay nhất cho tôi mạo hiểm. Lý do thứ hai, như tôi đã nêu lên ở trên, đó là có hàng triệu người thường dân cũng đồng chịu cùng một số mệnh như tôi và hàng triệu binh lính còn sống trong nhiều nguy hiểm hơn giữa các trận đánh hàng ngày với kẻ thù Cộng Sản. Lý do sau cùng nhưng quan trọng hơn cả chính là sự hăng say học tập của các học trò tôi dù cuộc sống các em vô cùng khó nhọc. Sự kính trọng và yêu mến các em dành cho tôi đã là lý do níu kéo tôi ở lại nơi đó. Về sau tôi mới biết rằng nhờ các em học trò thân yêu nầy mà tôi thoát khỏi Việt Nam vào năm 1981.

 

Từ Chế Độ Cộng Hòa Sang Chế Độ Cộng Sản

Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là ngày cuối cùng của chế độ Cộng Hòa! Cuộc chiến kéo dài 35 năm trời đã kết thúc. Không một ai, ngay chính cả người Cộng Sản, tin rằng miền Bắc sẽ thắng trận. Người ta trách cứ Mỹ đã đột nhiên cắt viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam. Suốt trong tháng Tư năm 1975 hàng triệu người từ Trung vô Nam đã chạy về Sài Gòn, hàng ngàn người đã chết dọc đường. Đến cuối tháng Tư nầy đã có hơn 100 ngàn người rời bỏ Việt Nam trong cảnh tán loạn. Bố mẹ tôi nhất định không chịu di tản. Họ nói rằng họ đã chán chê cảnh di tản năm 1954, vả lại họ còn trẻ trung gì nữa mà lập lại sự nghiệp ở xứ khác.

Ngày nay Sài Gòn đổi tên thành Thành Phố Hồ Chí Minh. Đâu đâu ở miền Nam người ta đều thấy phấp phới lá cờ đỏ của chế độ mới. Bố mẹ tôi nói nhỏ với tôi rằng họ rất kinh sợ màu đỏ nầy vì nó hiện thân cho sự khát máu giết người của những kẻ chiến thắng tàn bạo. Họ đoán sẽ có nhiều cuộc trả thù, trừng phạt, và máu sẽ nhuộm đỏ miền Nam. Tuy nhiên giới trẻ và những người thành phố chưa từng trải qua kinh nghiệm sống với Cộng Sản, trong đó có tôi, đã tỏ ra lạc quan hơn với chế độ mới. Tôi đã lớn lên trong thời chiến. Từ lâu tôi ao ước đất nước mình được hòa bình. Tôi xúc động mạnh khi nhìn thấy nước tôi thống nhất. Theo tôi nghĩ, không cần biết bên nào thắng, bây giờ đã đến lúc phải ngưng cuộc chiến và giết chóc lẫn nhau, đã đến lúc mọi người phải cùng nhau xây dựng lại xứ sở, vì dẫu sao đi nữa chúng tôi đều là người cùng một nước. Tôi rất tích cực hợp tác với chính quyền mới; tuy nhiên dần dà họ đã làm tôi thất vọng nhiều thứ.

Ngay ngày đầu tiên lên nắm chính quyền họ đã kiểm kê các tiệm buôn từ loại trung bình trở lên và giam cầm hay xử tử các chủ nhân. Mọi ngân hàng đều bị đóng cửa và trương mục của khách hàng cũng bị tịch thu luôn. Bố mẹ tôi nhanh trí tình nguyện giao cửa hàng lại chochính phủ thật đúng lúc, vì thế họ không bị gì cả.

Cuối tháng Năm năm 1975 hàng triệu công chức cao cấp, sĩ quan và giới trí thức của chính quyền thời trước bị giam cầm trong các “Trại Học Tập Cải Tạo”. Mới đầu chính phủ giải thích cho họ biết rằng khóa học tập chỉ kéo dài độ 10 ngày, do đó các khóa viên đừng mang nhiều hành lý. Nhưng khi những người đi học tập vào trại rồi họ mới được tiết lộ sự thật: “Các anh là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân. Lẽ ra phải giết các anh ngay, nhưng cũng may cho các anh là Bác và Đảng của chúng tôi rất khoan hồng, do đó các anh chị bị giữ ở đây để tẩy não mà thôi. Nếu các anh không tỏ ra có tiến bộ trong lúc học tập, các anh sẽ ở đây mãi.” Các trại học tập được đặt tên là “Địa Ngục Trần Gian” vì ở đó tù nhân biến thành các bộ xương biết đi, hậu quả từ tình trạng lao động quá độ, khẩu phần không đủ ăn và sự tra tấn dã man. Nhiều người cha và anh của học trò tôi đã bỏ mình trong trại học tập. Người nào còn sống thường rất bịnh hoạn. Khóa học 10 ngày trở thành bản án 5, 10 năm hoặc chung thân cho hàng triệu linh hồn vô tội!

Tháng Sáu năm 1975 anh cả của tôi bị bắt vô cớ. Nửa đêm 4 tên công an vũ trang đập cửa trước và sau, buộc bố tôi phải mở cửa. Họ ập vào nhà, lục lọi tứ tung rồi còng tay anh tôi dẫn đi mất. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh và quá bất ngờ đến đỗi chúng tôi không kịp khóc. Anh tôi chỉ là một hiệu trưởng một trường trung học. Tôi an ủi bố mẹ tôi “Sớm muộn gì họ cũng biết là bắt nhằm người. Anh sẽ được thả ra.” Tuy nhiên nhiều tháng trời trôi qua mà vẫn bặt tin tức anh tôi, cho đến một hôm một người đàn ông lạ mặt đến nhà trao cho chúng tôi một mảnh giấy nhắn tin nhỏ bèo nhèo của anh tôi gởi: “Bố mẹ ơi con sắp chết. Xin tìm mọi cách cứu con!” Người đàn ông vừa mới được thả ra nầy đã bị nhốt cùng phòng với anh tôi. Nhờ anh, tôi mới biết rằng anh tôi bị tình nghi làm tình báo cho cơ quan CIA của Mỹ, vì trước kia anh tôi đã đi học nghành Quản Thủ Thư Viện 2 năm ở Úc và về Việt Nam hồi tháng Mười Hai năm 1974. Họ thẩm vấn, tra tấn anh để tìm hiểu tại sao anh không bỏ đi Úc khi miền Nam sụp đổ. Anh tôi thành thật trả lời rằng anh muốn ở gần gia đình và không muốn bỏ xứ ra đi; ngoài ra, khóa học ở Úc chẳng có liên quan đến cơ quan tình báo CIA ở Mỹ. Nhưng họ không tin lời anh tôi. Họ cho anh ngoan cố và nguy hiểm nhất. Họ còng tay chân anh suốt ngày đêm, nhận anh vào nước lạnh tê cóng cho đến khi anh bất tỉnh, đánh đập anh một cách tàn nhẫn và hàng ngày chỉ cho anh một chén cháo lỏng. Anh trông chờ sự giúp đỡ của bố mẹ tôi, nhưng làm thế nào họ giúp đứa con thân yêu trong khi chính mình hoàn toàn bất lực? Họ bắn chết anh tôi hồi tháng Tám 1975 mặc dủ bố mẹ tôi đã gởi hàng tá đơn thỉnh cầu thảm thiết lên chính phủ.

Tháng Chín năm 1975 tiền bỗng nhiên bị hủy bỏ. Thêm một lần nữa, người dân bị cướp đoạt trắng trợn. Nhiều gia đình tự tử vì trắng tay trong phút chốc. Mỗi hộ gia đình được cấp tối đa là 200 đồng tiền mới. Đối với gia đình nào có 9 người như gia đình tôi thì số tiền 200 đồng đó chỉ vừa đủ để mua thức ăn cho một tháng.

Đồng thời cũng trong tháng nầy tất cả báo chí sách vở tài liệu in trước tháng Tư năm 1975 kể cả tự điển song ngữ, sách giáo khoa về khoa học, toán và văn chương đều bị hủy bỏ và cấm sử dụng. Gia đình tôi đã đổ ra cả một gia tài để mua một tủ sách gia đình rất có giá trị mà chúng tôi thật hãnh diện, nhưng giờ đây chúng tôi phải cố cầm nước mắt khi nhìn các quyển sách quí giá bị thiêu đốt.

Cuối năm 1976 gần 200 ngàn người bị cưỡng bách đi về các “Vùng Kinh Tế Mới” ở những nơi hoang vu xa xôi hoặc các bãi chiến ngày trước. Hàng ngàn người đã chết vì bệnh sốt rét, vì vô tình dẫm lên mìn hay bom đạn còn sót lại sau cuộc chiến. Tôi được thuyên chuyển về một trường trung học trong Vùng Kinh Tế Mới. Tôi phải đứng lớp 8 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Chủ nhật nào tôi cũng phải đi học bồi dưỡng về chủ nghĩa Cộng Sản hay đi lao động ở các ruộng tập thể. Không có máy móc hay trâu, chúng tôi trồng cấy bằng tay không và các dụng cụ thô sơ. Phân bón rất hiếm hoi, nước mắt và mồ hôi của chúng tôi không thể biến cải được các mảnh đất khô cằn, vì thế mùa màng thâu được chẳng là bao.

Điều làm tôi ghê tởm nhất là sự đe dọa và căng thẳng mà tôi thường xuyên phải chịu ở trường học. Tôi phải tuân theo nội dung thống nhất đã vạch ra cho toàn hệ thống giáo dục từ lớp vườn trẻ lên đến đại học. Nội dung đó tập trung vào chủ đề thù ghét chế độ cũ, Tư Bản chủ nghĩa, Cá nhân chủ nghĩa, yêu mến Hồ Chí Minh và các nhân vật lãnh đạo Cộng sản khác. Là giáo viên dạy Văn, hàng ngày tôi phải theo đúng chương trình đã đề ra; trong đó thuần túy chỉ có những bài tuyên truyền, các tác phẩm của các nhân vật lãnh đạo Cộng Sản viết ra. Tôi phải thẩm định kết quả học tập của học sinh căn cứ trên sự trung thành của các em với Nhà Nước chứ không qua kiến thức hay sự cố gắng học tập. Thật chẳng khác gì con két, tôi phải lập đi lập lại những gì tôi đã học ở lớp học ngày chủ nhật và từ những sách giáo khoa mới. Nói cho cùng thấy mình thê thảm hơn con két vì lòng tôi biết đớn đau trước mỗi lời giảng nhai đi nhai lại đó. Gia sản của gia đình tôi đã bị tịch thu, người anh thân yêu nhất đã bị bắn chết, bố mẹ tôi bỗng chốc già sọm người đi trong buồn thảm, vậy mà ngày qua ngày tôi phải thuyết giảng với đám học trò nào là chế độ Cộng Sản là chế độ tốt đẹp nhất, nào là các nhà lãnh đạo lỗi lạc và khoan hồng! Tôi biết học trò tôi không tin những gì tôi giảng dạy vì cha hay anh của các em hiện đang chết dần mòn trong “Địa Ngục Trần Gian”. Tôi có dám nói thật lòng mình không? Tuyệt đối không bao giờ! Tôi chẳng muốn gây thêm phiền phức cho gia đình mình. Trong trường, luôn luôn có những tên dọ thám lẫn lộn với học sinh. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã bị còng tay và dẫn đi mất trước mắt học trò chỉ vì những tên dọ thám nầy đã báo cáo lên chính quyền một vài lời nói sơ ý của thầy cô, những lời nói theo sự phân tích của chính quyền đã tỏ ra chống lại chế độ Cộng Sản.

 

GIAI ĐOẠN RA ĐI

 

Động Lực Ra Đi Và Những Khó Khăn

Trong xóm tôi, nhiều gia đình bỗng dưng đi đâu mất không ai biết. Nhiều bạn bè của tôi cũng vậy. Không ai biết họ đã vượt biên cho đến khi khám phá thấy nhà của họ đã trống trơn hay nhận thư từ ngoại quốc gởi về. Các bức thư kể lại cách bí mật tổ chức chuyến đi như thế nào, họ bị tàu tuần rượt như thế nào, họ phải chịu sóng gió bão táp như thế nào, họ bị hải tặc tấn công như thế nào trên biển… Tôi biết chỉ có một số nhỏ người vượt biên đi đến nơi đến chốn mà thôi, phần lớn bị công an Việt Nam bắt lại, chết trong bão táp hay bị hải tặc giết, nhưng tôi vẫn nhất quyết ra đi. Không có gì quí giá hơn sự tự do và sự sống của chính mình. Tôi muốn được cả hai hoặc không có gì hết.

Tiền lương của tôi chỉ đủ tiêu cho những buổi điểm tâm thanh đạm, vì thế tôi phải sống nhờ vào bố mẹ. Họ phải bán bớt bàn ghế, quần áo và các món đồ cần dùng khác để có tiền mua thực phẩm loại rẻ tiền cho cả gia đình. Như vậy liệu họ có thể trả một số tiền lớn cho tôi vượt biên không? Tính ra cũng có thể được nếu họ bán nốt phần tài sản còn lại đó là căn nhà gia đình đang ở. Tôi không muốn mình ích kỷ. Tuy nhiên có tiền là một chuyện, còn tìm được người thật sự tốt bụng để giúp tôi đi lại là một chuyện khác. Nhiều người đã mất cả gia sản và bị tù tội vì họ tin nhầm người, một tên bịp hoặc một tên dọ thám nào đó của chế độ.

Trong khi chờ đợi cơ hội đưa đến thì chị tôi mất năm 1979 vì thiếu dinh dưỡng rồi đến lượt em gái tôi chết năm 1980 vì thiếu thuốc men. Em trai tôi phải nhập ngũ và ra chiến trường Cam Bốt. Gia đình đông người của tôi giờ đây chỉ còn lại phân nửa một cách thê lương. Vì tôi là đứa con gái duy nhất còn lại trong gia đình và cần phải chăm sóc cha mẹ già, tôi đành bỏ hy vọng ra đi. Tôi cam đành ở lại và chịu đựng một chế độ mà tôi không một chút tán đồng.

 

Chuẩn Bị Ra Đi

Năm 1981 Hồng, học trò cũ của tôi bỗng dưng đến thăm tôi ở Mộc Hóa. Đây là ngày đánh dấu giai đoạn chuyển hướng trong đời tôi. Hồng cho tôi biết em cùng với 4 học trò cũ của tôi đã đóng một chiếc ghe dài 13 mét, rộng 2,50 mét rồi giả vờ đi đánh cá trong vòng 2 năm. Các em thạo đường hướng ra đi và giờ giấc tuần tiểu ở các trạm kiểm soát cách nhau 10 cây số dọc theo đường lộ và bờ sông ở Việt Nam. Muốn đi từ thị xã nầy sang thị xã khác chúng tôi phải làm đơn xin chính quyền giấy phép di chuyển với lý do xác đáng. Nếu may mắn, chúng tôi sẽ được cấp giấy phép để trình cho công an ở mỗi trạm kiểm soát cùng với giấy căn cước của chúng tôi. Bọn công an sẽ bắn nếu chúng tôi cố tình vượt qua trạm kiểm soát. Học trò tôi dò biết được giờ nào bọn công an sẽ đang bận ăn uống, lơ đễnh nhiệm vụ. Các em muốn dẫn tôi theo vì các em thương mến và tin tôi. Bố mẹ tôi thúc dục tôi nên đi với các em vì đây là một cơ hội hiếm hoi. Các em nầy có thể làm giàu bằng cách bán vé cho những người muốn ra đi với các em; tuy nhiên các em không có ý định trục lợi gì cả, vì thế tôi tự nguyện đóng góp một số tiền để mua một bức bản đồ và một địa bàn cần thiết cho chuyến đi. Vũ, tài công của ghe chúng tôi, chỉ mới 20 tuổi nhưng rất lành nghề và rất đáng tin cậy. Em rất giỏi nghề thợ máy. Để tránh sự nghi ngờ của chính quyền, em mua các bộ phận cũ của máy ghe ở nhiều nơi khác nhau rồi tự ráp thành một máy lớn. Em cũng nghĩ ra kế hoạch tài tình cho chuyến đi. Một vài đoạn trích ra từ nhật ký của tôi sẽ cho thấy kế hoạch nầy như thế nào.

 

Cuộc Hành Trình Đầy Nguy Hiểm

9 giờ đêm ngày Chủ Nhật 27/9/1981

Hồng từ Mỹ Tho lên báo tin rằng mọi chuyện đã sẵn sàng. Tôi phải đi với em bằng xe đò xuống Mỹ Tho sáng hôm sau. Tôi cố giữ vẻ bình tỉnh nhưng không được. Tôi muốn khóc nhưng mắt và cổ họng sao cứ khô ráo. Tôi nhìn quanh ngôi nhà thân yêu của mình, mọi người và mọi vật dường như trở nên nghiêm trọng và lặng lẽ. Tôi đăm dăm nhìn như thể chưa từng thấy những người và vật ấy bao giờ. Tôi sẽ xa tất cả mãi mãi phải không? Chuyến đi nầy sẽ không giống như các chuyến đi ngược xuôi của tôi lúc trước. Đây là một chuyến đi không có ngày trở lại. Nếu thành công, tôi sẽ sống cuộc đời người tỵ nạn trọn kiếp ở hải ngoại. Nếu bị trục trặc, tôi sẽ ngồi tù hay qua bên kia thế giới. Đêm nay là đêm duy nhất để khóc cho những gì sắp sửa mất đi, bởi vì sáng hôm sau là tôi phải giữ vẻ thản nhiên khi ra đi. Hồng đánh tan sự im lặng nặng nề đó bằng cách bàn kế hoạch cho ngày mai. Theo em, tôi chỉ nên mặc một chiếc áo sơ mi cũ với quần đen và cầm túi xách đựng chai rượu gói giấy kiếng đỏ và bó nhang. Hồng cũng đưa cho tôi một tờ giấy phép mà Vũ đã mua cho tôi. Với những thứ nầy tôi sẽ qua mặt bọn công an ở các trạm kiểm soát từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, viện cớ rằng con trai chủ tôi vừa mới mất, tôi phải xuống nhà của chủ ở Mỹ Tho để cúng tang và chia buồn. Vũ thận trọng chọn kế nầy vì em ngại tôi sẽ có thể khóc dọc đường, nếu thế thì rượu và nhang sẽ giải thích cho bon công an tại sao mắt tôi đầy nước mắt.

4 giờ chiều ngày thứ Hai 28/9/1981

Mọi chuyện đều diễn biến một cách êm xuôi như đã dự tính. Tôi tới chợ Mỹ Tho xế trưa. Hồng lản mất vào đám đông sau khi nhắc lại phần còn lại của kế hoạch. Tôi đi phà qua sông Tiền Giang để xuống quận Bến Tre. Vũ đang ngồi đợi tôi ở một quán cà phê bên bờ sông. Tôi giả vờ như không hề quen biết em. Tôi đi ngang qua mặt em để cho chắc em thấy tôi. Sau khi uống cạn ly cà phê, tôi lặng lẽ đi theo em. Em dẫn tôi qua nhìều hẻm nhỏ quanh quẹo đến một làng đánh cá. Thỉnh thoảng tôi ngoái nhìn đàng sau để chắc không ai theo dõi mình. Phần đông người ta tổ chức vượt biên ban đêm. Vũ tổ chức ban ngày nên không ai để ý cả. Cuối cùng Vũ dừng lại trước một căn nhà lá cửa đã mở sẳn. Có hai người bước ra và nhập bọn với chúng tôi. Họ cũng có mang túi xách để hở cho thấy một số quà gói giấy kiếng đỏ. Họ cũng giả bộ là bạn của chủ tôi. Chúng tôi đi ra ghe nhỏ và Vũ chèo ra ghe lớn. Bây giờ tôi cảm thấy an toàn đã ra được ghe lớn và đợi các nhóm khác

4 giờ chiều ngày thứ Tư 30/9/1981

Có tất cả là 62 người trên ghe. Thủy thủ đoàn ở trong phòng lái, và hành khách bị ép như cá đóng hộp ở bên trong ghe. Trẻ em phải cho uống thuốc ngủ trước khi lên ghe. Mọi người phải tuyệt đối im lặng. Chúng tôi đã sẵn sàng ra khơi từ sông Cửu Long.

8 giờ tối ngày thứ Tư 30/9/1981

Chúng tôi vượt qua được nhiều trạm kiểm soát. Trong vòng 5 phút chúng tôi sẽ ra khỏi cửa sông. Vũ đã mua một giấy phép cho ghe của em và một giấy hành nghề đánh cá; tuy nhiên nếu công an nghi ngờ và lục xét, chúng tôi sẽ bị bắt ngay. Chúng tôi tính ẩn núp ghe trong một lùm cây đước và đợi đến nửa đêm mới bắt đầu ra khơi. Nhưng thình lình trời đổ mưa. Bên ngoài trời và nước đen như mực. Chúng tôi thay đổi kế hoạch vì trời mưa sẽ giúp chúng tôi đi dễ dàng hơn. Bây giờ chúng tôi đang vượt ngang qua cửa sông. Máy chạy hết tốc lực. Ai nấy trong ghe đều nín thở và run kinh khủng.

20 phút sau … Tôi nghe Hồng thét lên “Xong rồi”. Lát sau, bỗng nhiên máy ghe ngừng chạy. Hộp số đã bị bể. Vũ vừa nhanh nhẹn vừa khéo léo thay vào hộp số mới với sự phụ giúp của các bạn.

Thứ Năm 1/10/1981

Đêm hôm qua và sáng hôm nay chúng tôi bị say sóng dễ sợ. Trừ thủy thủ đoàn, người nào cũng ói mửa cho đến khi không còn cái gì trong bụng cả. Gió thổi rất mạnh. Biển động. Vũ muốn đi hướng Tây Nam đến Mã Lai nhưng gió thổi ghe bạt về hướng Nam. Các ngọn sóng lớn cứ trút nước vào ghe, vì thế các thanh niên phải thay phiên nhau tát nước ra ngoài.

Thứ Sáu 2/10/1981

Bình điện bị cháy. Vũ biết chuyện nầy thế nào cũng xảy ra cho nên em bình tĩnh thay bình mới vào. Tôi khát nước quá nhưng không muốn uống vì càng uống càng bị mửa còn mệt hơn và khát nước hơn. Hồng đưa cho tôi một miếng cam tươi. Tôi ngậm cam trong miệng và cảm thấy khỏe hơn một chút.

Thứ Bảy 3/10/1981

Biển càng lúc càng đen thẫm. Chúng tôi khám phá thấy mình đã đi lạc đường; chúng tôi đã đi khỏi quá xa thay vì phải đi hướng về đất liền.

Hôm nay chúng tôi gặp chừng 10 tàu buôn quốc tế. Chúng tôi dùng đèn chớp, đốt quần áo và giương cờ trắng làm dấu hiệu nhưng tất cả đều làm ngơ đi luôn.

 

 

12 giờ trưa ngày Chủ Nhật 4/10/1981

Sáng nay Vũ cho ngừng ghe lại để sửa chữa một vài bộ phận của máy. Trời Chủ Nhật hôm nay thật đẹp nhưng có ai thưởng thức được đâu, vì tất cả đều kiệt sức hay quá lo sợ. Lần đầu tiên thủy thủ đoàn mới chợp mắt chút đỉnh sau nhiều ngày đêm mệt nhoài. Một vài thanh niên còn khỏe vội đi nấu một nồi cháo lớn. Khi chúng tôi đang ăn bữa cơm đầu tiên trên ghe bỗng một cậu bé la lên “Máy bay kìa!” Mọi người phóng lên boong vừa vẫy vừa la làm cho thủy thủ đoàn thức dậy. Họ chớp đèn làm tín hiệu S.O.S. nhiều lần. Quần áo được gom lại để đốt cho máy bay thấy. Máy bay thấy chúng tôi rồi! Nó bay xuống gần ghe, lượn vòng vòng trên đầu chúng tôi nhiều bận rồi bay mất. Nhưng 5 phút sau xuất hiện 3 chiếc tàu chiến. Một trong số 3 chiếc nầy là tàu Roark của Mỹ từ từ tiến về phía chúng tôi rồi ngừng lại. Một chiếc tàu có gắn động cơ được tàu lớn thả xuống và chạy lại ghe chúng tôi. Một kỹ sư nhảy qua ghe, xem xét máy và xác nhận máy đã bị hư (nói đúng ra Vũ đã lanh tay làm hư máy cách đó không lâu). Viên kỹ sư dùng máy truyền tin nói chuyện với thuyền trưởng của chiếc tàu lớn một hồi rồi xoay qua bảo chúng tôi “Thuyền trưởng của chúng tôi ra lệnh vớt các anh chị. Xin chia mừng nhé!”. Lúc đó tôi bật khóc sướt mướt một cách dễ dàng sau một tuần lể dài lặng nín. Nhiều sĩ quan và thủy thủ vội chạy ra bao lơn chụp hình ghe lia lịa trong lúc những nhân viên khác lo vớt chúng tôi.

 

 

Sau khi tắm rửa bằng nước ấm và ăn qua loa trên chiếc tàu đầy tình nhân đạo nầy tôi hoàn toàn sạch sẽ và lấy lại sức. Họ cho tôi các bộ đồng phục quá rộng so với khổ người của chúng tôi nhưng vẫn còn tốt hơn quần áo bẩn thỉu mặc trong chuyến đi. Những người đi cùng ghe với tôi, người thì ngủ, người thì xem truyền hình, chỉ có mình tôi ngồi ở bao lơn tàu ngằm nhìn bầu trời và biển xanh, ghi lại những giòng chữ nầy.

Thứ Tư 8/10/1981

Tàu Roark đi vào đảo Penang của Mã Lai hồi sáng nầy. Sĩ quan và thủy thủ được phép lên đảo để đi chợ hay giải trí, 62 người chúng tôi phải ở lại trên tàu đợi giấy phép nhập đất liền của chính quyền Mã Lai. Một viên sĩ quan từ đảo Penang trở về đưa cho chúng tôi xem một bài tường thuật về ghe chúng tôi trên báo “The Star” của Mã Lai. Đây là bản chụp bài báo nầy

 

Những Ngày Dài Trong Trại Tỵ Nạn

Dưới đây là bức điện tín tôi gởi qua cho một người bạn thân ở Melbourne ngay khi đặt chân lên Kuala Lumpur sau 7 ngày sống trên tàu Roark:

“Được tàu Mỹ vớt. Báo tin cho bố mẹ tôi biết. Gởi cho tôi tiền và giấy bảo lãnh. Thịnh Hoàng, USS Roark, Sungei Besi Transit Camp, Kuala Lumpur, Malaysia.”

Theo nguyên tắc tôi sẽ đi Mỹ vì được tàu Mỹ vớt, nhưng tôi nhất quyết xin đi Úc. Các nhân viên của phái đoàn Úc rất hài lòng khi nghe một người tỵ nạn từ chối Mỹ để đi Úc. Vì thế họ liền vào trại gặp tôi và chấp thuận ngay đơn xin của tôi.

Trường hợp của tôi rất hiếm vì đa số người tỵ nạn Việt Nam thích đi Mỹ hơn. Tôi kể cho phái đoàn Úc nghe về người anh cả của tôi cũng như những gì anh ấy cho tôi biết về xứ Úc. Họ thông cảm và hứa sẽ để tên tôi vào danh sách chuyến bay sớm nhất qua Melbourne. Thế là tôi không cần đến sự bảo lãnh của bạn tôi nữa.

Trong lúc chờ đợi chuyến bay, mỗi ngày trong trại dài như một năm. Chúng tôi bị nhốt và bị cảnh sát địa phương đối xử như tù nhân. Cuộc sống ở đây thật tẻ nhạt và vô vị với những công việc hàng ngày: buổi sáng xếp hàng để xin 1 lít nước và một gói mì ăn liền, buổi trưa lại chờ nữa để được 1 chén gạo và một miếng cá đã ươn, rồi tối đến cũng như vậy. Ngày qua ngày, không có gì thay đổi. 3500 người ở đây đều sống trong tình trạng buồn chán và lo âu. Chỉ có ngày thứ Sáu, khi thư từ tới, là người ta thấy hy vọng hồi hộp. Tuy nhiên rất hiếm khi có thư hoặc tiền của thân nhân hay bạn bè gởi qua, nên những ngày phát thơ lại gây thêm sự chán nản hơn là vui mừng.

Mãi cho đến ngày thứ Sáu 20/11/1981 tôi mới nhận được lá thư đầu tiên của bạn tôi. Chi phiếu 200 đô Úc cũng đến cùng một ngày. Thế là tôi trở nên giàu có trong phút chốc, sau một thời gian dài túng bẩn. Tôi đi thẳng ra cửa hàng duy nhất trong trại mua đường, đậu, dứa, nấu một nồi chè ngon thật lớn đãi các em mồ côi trong trại. Tôi cũng mua vải may một chiếc áo dài cổ truyền để mặc trong ngày đi Úc. Ngoài ra tôi biếu một số tiền cho những người đã ở trong trại nhiều năm trời, đang đau khổ vì mất liên lạc với thân nhân hay bạn bè. Tôi gần cạn túi thì đột nhiên tên tôi được đọc trên loa phóng thanh trong danh sách chuyến bay đi Melbourne vào ngày 24/11/1981.

 

GIAI ĐOẠN Ở ÚC

 

Ngày Đầu Tiên Ở Úc – Lưu Xá Enterprise

Melbourne ngày 25/11/1981

Thưa Bố Mẹ,

Ngày hôm qua con cùng với 55 người tỵ nạn khác đã rời Sungei Besi lúc 6 giờ chiều. Hai chuyến xe buýt chở chúng con ra phi trường Kuala Lumpur. Chúng con đi bằng phi cơ DC.10 qua Melbourne. Bữa cơm trên phi cơ là bữa cơm ngon nhất trong đời con, không phải vì nó khác hơn những bữa cơm trong trại nhưng vì nó chứng tỏ từ đây con là một tù nhân đã được trả tự do và cơn ác mộng sẽ không còn nữa. Sau chuyến bay dài 7 giờ 35 phút, phi cơ đáp nhẹ nhàng trên phi đạo của phi trường Tullamarine lúc 5 giờ 30 sáng (tức là 8 giờ sáng ở Melbourne). Đi xuống cầu thang phi cơ mà con run bần bật. Người ta cho biết rằng còn 5 ngày nữa là đến mùa Hè và thời tiết bây giờ tốt nhất trong năm. Con không tưởng tượng được mùa Đông sẽ lạnh đến ngần nào!

Ở phi trường, chúng con được phân ra làm 2 nhóm: 33 người sẽ ở đó đợi chuyến bay đi Adelaide; còn 23 người kia, trong đó có con, sẽ đi xe buýt về lưu xá Enterprise.

Nhân viên lưu xá đã đợi và nồng nhiệt đón chúng con khi chúng con bước xuống xe. Sau khi qua thủ tục giấy tờ, con được đưa về phòng mình. Đó là phòng 14 thuộc Cánh A, Dãy Birch. Mọi thứ đều có vẻ tươm tất và sạch sẽ, con thích ghê.

Sau khi ăn trưa xong con hỏi dò đường đi ra Trung Tâm Thương Mại Springvale rồi đi bộ tới đó. Trước ngày con rời trại Sungei Besi, nhiều người trong trại bu quanh con khóc ròng và xin con gởi dùm thơ của họ về thân nhân ở Việt Nam bởi vì họ không có tiền mua tem; vả lại gởi thư từ Úc qua sẽ bảo đảm hơn từ bên trại. Thế là con phải gởi tất cả 40 lá thư, mà trong túi con chỉ có 20 đô. Ở sở bưu điện, con đặt đống thư và 20 đô trước nhân viên bưu điện. Bà nầy cân, tính tiền tem cho từng lá thư, nhấn giá vào máy tính. Tổng cộng là 19 đô 85 xu! Con mừng quá vì đã đủ trả cước phí cho các lá thư đó mà vẫn còn 1 con tem cho lá thư nầy. Xin bố mẹ tha lỗi cho con. Con biết bố mẹ đang khổ sở trông tin con. Con hy vọng mượn được một số tiền ở lưu xá rồi sẽ đánh điện tín về bố mẹ và mua cho con một số quần áo ấm cũ.

Melbourne rất khác Sài Gòn. Xe cộ đông hơn người đi bộ. Đa số nhà ở là nhà trệt và cửa đóng kín mít. Con vui quá nên không thấy lẻ loi, nhưng không khí tĩnh mịch ở đây bất giác làm cho con nhớ nhà. Con nhớ đến những con đường lúc nào cũng tấp nập náo nhiệt bên đó. Con nhớ khu phố đông đúc của nhà mình, người nào cũng biết người nào, tất cả đều ân cần với nhau và cửa nhà lúc nào cũng mở rộng để đón mời bất kỳ ai muốn vào chuyện gẫu, hay đến mượn hoặc trả lại món đồ gì đó. Ở đây dư thừa thức ăn bổ dưỡng nhưng con vẫn không sao quên được tài nấu ăn ngon lành của mẹ đó mẹ ạ.

Các cửa tiệm và siêu thị ở đây tạo cho con nhiều chú ý nhất. Có đủ loại thực phẩm để khách hàng tha hồ lựa chọn, nếu chịu mua với giá đã để sẳn, họ chỉ việc trả tiền rồi lấy món hàng. Thiệt là dễ dàng và giản dị! Ước gì bây giờ con có tiền để mua cho bố mẹ một vài món quà, một số đồ ăn đóng hộp, như vậy bố mẹ không phải xếp hàng chờ đợi lâu lắc để chỉ mua được khẩu phần chết đói đó.

Muốn có tiền con phải đi làm. Nhưng muốn có công việc làm con phải học tiếng Anh. Ở đây người ta nói tiếng Anh rất khác với tiếng Anh của Mỹ dạy ở trường học Việt Nam. Bây giờ con như người câm điếc, chẳng làm gì được nếu không có thông ngôn viên. Tương lai đầy hứa hẹn đang chờ con, nhưng con phải phấn đấu nhiều, và tiếng Anh là chìa khóa giúp con đạt được điều đó. Xin bố mẹ hãy vui lên. Đừng lo lắng cho con. Nếu con đã không sợ nguy hiểm gian nan trong thời gian kinh hoàng vừa qua thì tại sao con không thể vượt được những khó khăn thử thách trong hiện tại đầy hứa hẹn nầy? Phân nửa giấc mơ của con đã thành sự thật rồi, phần còn lại rồi sẽ đến vào một ngày nào đó khi bố mẹ con ta sum họp ở đây. Có lẻ cũng phải mất dến 5, 6 năm trời mới được bố mẹ ạ. Con sẽ ra sức để biến ngày đó trở thành ngày trọng đại nhất trong đời của chúng ta. Con sẽ cố gắng đi làm kiếm càng nhiều tiền càng tốt, rồi một ngày nào đó con sẽ ra phi trường rước bố mẹ về căn nhà của chúng ta, tuy nó nhỏ và cũ kỹ nhưng nó là tài sản của chúng ta! Đó là cách duy nhất để con làm tròn bổn phận làm con, đứa con gái duy nhất và thân yêu của bố mẹ, và cũng để đền đáp phần nào những gì bố mẹ đã cả đời hy sinh cho con.

Hàng tuần con sẽ viết thư cho bố mẹ. Xin bố mẹ viết thường cho con nhé vì con nhớ bố mẹ lắm. Đêm nào con cũng nằm mơ gặp bố mẹ, đôi khi con thấy mình trở về nhà, và giật mình tỉnh dậy thấy mình đang khóc. Xin bố mẹ giữ gìn sức khỏe và vui lên vì sẽ có ngày gia đình mình sum họp một nhà. Nếu bố mẹ không cười được trong cuộc sống như địa ngục đó, xin bố mẹ hãy nhớ đến con và cười cho con nhé. Xin cho gởi lời thăm bà con, bạn bè và lối xóm của gia đình mình. Con nhớ tất cả.

Thương,

Thịnh Hoàng.

 

Một Đoạn Thơ Trích Từ Bài Thơ Đầu Tiên Của Tôi Ở Úc 

“Hạnh Phúc Vô Vàn” (25/11/1981)

Tự do đã nở bừng như nắng mới,                                                                                                       

Biển tin yêu vời vợi, mắt ta xanh,                                                                                

Cây tương lai đang trổ lá đăm cành,                                                                   

Ta hạnh phúc, và biết mình hạnh phúc.

 

Một Lá Thư Từ Nhà Gởi Qua (của em trai tôi)                            

Tin Buồn Và Lo Lắng

Thành Phố Hồ Chí Minh

Ngày 22 Tháng Sáu năm 1982,

Chị Thịnh thân mến,

Em rất tiếc cho chị hay mẹ đang bị bệnh đau xương sống. Bà không đi đứng hay ngồi được gì hết. Bác sĩ cho biết xương sống của mẹ thiếu rất nhiều chất vôi vì lao lực quá độ và thiếu dinh dưỡng, phần xương nầy không thể chống vững thân thể như trước nữa. Bác sĩ khuyên mẹ nên nằm thẳng và nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Mẹ sẽ bình phục nhanh chóng nếu ăn đủ đồ bổ dưỡng và uống thuốc đúng liều. Nhưng chị biết đó, gia đình mình làm sao lo cho mẹ được hai điều kiện nầy. Bố cũng bị bao tử vì mãi lo âu và thiếu ngủ. Giá mà chị gặp bố mẹ bây giờ chắc chị không nhận ra đâu. Bệnh hoạn đã khiến bố mẹ hao gầy kinh khủng. Bố mẹ cấm không cho em viết thư cho chị biết những chuyện không vui ở nhà. Nhưng em đã chán cảnh nói dối. Em tin chị hãy còn can đảm đọc thư nầy. Em cũng hy vọng chị có thể giúp được gì cho mẹ trước khi quá trễ.

Em biết chị đang sống nhờ vào tiền trợ cấp và đang học Anh Văn. Bây giờ để chị chịu gánh nặng gia đình thì thật là bất công, nhưng chuyện nầy quá cần thiết, mà ngoài chị ra gia đình còn biết nhờ ai.

Em trông tin chị. Xin chị bình tĩnh. Ráng giữ gìn sức khỏe. Mọi người đều nhớ và thương chị.

Đạt Hoàng.

 

Tìm Việc Làm.

Tôi nhận được thơ của đứa em trai hồi giữa tháng Tám 1982 đang lúc nền kinh tế Úc gặp nhiều khó khăn nhất. Hàng ngàn người bị thất nghiệp. Nhiều hãng xưởng phải đóng cửa. Với số vốn Anh Văn ít ỏi, nhưng rất tự tin, hàng ngày tôi đã lê chân đi từ hãng nầy sang hãng khác cố tìm việc làm, nhưng chỉ vô ích mà thôi. Có người mách tôi nên lãnh đồ về may ở nhà, nhưng làm sao tôi có tiền mua bàn máy may, ngay cả bàn máy cũ. Có người khuyên tôi cứ tiếp tục đến xin ở một hãng nào đó hoài để làm cho ông chủ thấy mủi lòng vì sự kiên nhẩn và tình cảnh tuyệt vọng của tôi. Không ngờ, cách nầy lại thành công. Ông chủ hãng giày để tôi may thử hình chữ V trên đầu các đôi giày. Ông ấy đã để tôi thử trọn buổi sáng hôm ấy. Công việc trông có vẻ giản dị nhưng thật ra vô cùng khó khăn cho tôi vì tôi có kinh nghiệm gì đâu trong việc may vá và còn chẳng biết sử dụng bàn máy ra làm sao. Máy chạy nhanh quá tôi không kềm lại được. Tôi cố sức và cố … Ba giờ trôi qua … lưng, cánh tay và bàn tay của tôi tê cứng và mỏi … quần áo tôi đẫm ướt mồ hôi … mà đường may kiểu chữ V vẫn chưa thành hình được. Ông chủ hãng lắc đầu bảo tôi “Rất tiếc tôi không nhận cô vào làm được. Bây giờ đến giờ ăn trưa rồi, tôi phải ra ngoài. Chào cô.”. Tôi bật khóc và nói với ông ta “Xin ông cho tôi ở lại thử may cho đến khi ông ăn trưa xong được không? Xin cho tôi được thử một lần nữa thôi”. Người đàn ông tốt bụng nầy gật đầu bằng lòng rồi đi ra ngoài ăn trưa. Thật là kỳ diệu! Tôi may được hình chữ V khi ông ta trở lại. Thế là tôi được nhận vào làm ở đây.

 

Một Vài Bài Thơ Viết Hồi Tháng Mười Hai 1982 –

Những bài thơ nầy diễn tả tâm trạng cô đơn, nhớ nhà và mệt nhọc sau những giờ làm việc dài lê thê trong hãng.

 

Nửa Đêm

Nửa đêm thức dậy 

Bỗng thấy chán chường

Nỗi niềm cô quạnh

Sống vào tủy xương

Sao không gào thét

Sao không chạy rong

Bộ thân khiếp nhược

Xác mềm như bông

Nặng nề sinh tử

Đời quá mịt mù

Buồn như chó ốm

Khoanh tròn, xơ rơ

Bắt đầu rã mục

Chồi non, nụ hồng

Bắt đầu chết gục

Xuôi tay và chân

 

Qua Sông

Ta làm lữ khách qua sông lạnh,

Rả rích mưa chiều trắng khói bay,

Ướt mỏi tâm tư sầu viễn xứ,

Một thân cũng thấy chuyện đó đây,

Tự dưng rưng rức nhìn xa vắng,

Tìm  bóng quê xưa đã khuất mờ,

Chỉ thấy hư không và chết lặng,

Đời ta chìm nổi mấy cơn mơ.

 

Thay Đổi Chỗ Ở Nhiều Lần Ở Úc Và Lý Do

Trong mười tháng đầu ở Úc, tôi di chuyển từ lưu xá ra Vùng Sunshine, từ Sunshine lên Sydney, rồi từ Sydney trở về Melbourne đến Vùng Ardeer. Sau đó dọn qua Northcote rồi lại dọn về Carlton, North Melbourne và hiện tại tôi đang ở Vùng Rosanna.

Sau những lần dọn nhà mệt nhoài tôi tự hứa “Đây là lần cuối cùng đấy nhé, không dọn nữa đâu!” Nhưng rồi tới giờ chót vì một lý do nào đó tôi lại di chuyển từ chỗ nầy đến chỗ khác chẳng khác gì dân du mục. Chẳng hạn như lúc tôi chia phòng với một cô bạn gái ở Sunshine bố mẹ tôi viết thư thúc dục tôi nên lên Sydney ở chung với Hà, cô em họ 21 tuổi vừa mới tới Úc. Sau 2 tháng trời sống chung, chúng tôi to tiếng với nhau vì tôi không chịu nổi chuyện cô ấy có quá nhiều bồ bịch, đi chơi nhiều quá và không chịu học hay đi làm gì cả. Còn cô ấy thì phê bình tôi là gái già cổ lỗ sĩ, đang sống ở Úc mà cứ bám víu vào các truyền thống Việt Nam lỗi thời.

Tôi trở về Melbourne ở cùng nhà với một gia đình việt Nam trong Vùng Ardeer và làm việc đầu tắt mặt tối tại một hãng giày.

Năm 1983 tôi đậu kỳ thi tuyển Anh Văn và được theo học khóa Cử Nhân Giáo Dục ở Đại Học Latrobe. Vùng Ardeer xa trường quá nên tôi phải dọn về Northcote để đi học bằng một chuyến xe buýt mà thôi.

Chương trình một năm nầy quả thật rất khó khăn, ngay cả cho các sinh viên người Úc. Vì thế năm học nầy như một cơn ác mộng đối với tôi. Sau đó tôi dọn về ở với một cô bạn học tại chung cư Vùng Carlton để chúng tôi có thể học chung. Cô ấy chở tôi đi học cũng như chia nhau nấu ăn và làm công việc nhà. Chỉ như thế chúng tôi mới theo kịp bài vở và hoàn tất khóa học mỹ mãn, vì cô bạn nầy cũng là một người Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới qua Úc.

Năm 1984 tôi qua được kỳ phỏng vấn của Bộ Giáo Dục và được bổ đi dạy tiếng Việt là một Ngôn Ngữ Cộng Đồng ở Trường Tiểu Học Richmond West. Có một việc làm an toàn, tôi cảm thấy cuộc sống ổn định hơn, vì thế tôi mới bắt đầu đi chơi với bạn bè khi rỗi rảnh. Cuối năm 1984 một người bạn đồng nghiệp giới thiệu Tiến cho tôi. Trong 5 người xin cưới tôi, Tiến nghèo nhất nhưng tôi lại chọn anh bởi vì anh có hoàn cảnh gia đình giống như tôi và đồng thời anh cũng có những đức tính mà tôi thường ngưỡng phục ở người anh cả của tôi. Chúng tôi thành hôn hồi tháng Chín năm 1985. Tôi dọn về ở chung với anh ở chung cư Vùng North Melbourne. Cũng trong năm nầy tôi được chuyển về Trường Tiểu Học Debney Meadows rất gần nhà chồng tôi.

Đầu năm 1986 tôi dành được một số tiền đủ để đạt cọc và có đủ điều kiện để mượn tiền mua nhà. hiện nay vợ chồng tôi đang ở căn nhà mới mua. Đó là một căn nhà gỗ nhỏ cũ kỹ ở Vùng Rosanna nơi mà ngày nào đó nửa sau giấc mơ của tôi sẽ trở thành sự thật – ngày sum họp với bố mẹ tôi!

 

Bạn Bè Và Ân Nhân Ở Úc

Khi còn ở Việt Nam, bố mẹ tôi là người tôi chịu ơn nhiều nhất; tuy nhiên, tôi không nhận thấy điều nầy mãi cho đến khi tôi sống xa họ hàng ngàn dậm, một mình vất vả với cuộc sống.

Thủy thủ tàu Roark cũng là ân nhân của tôi vì họ đã cứu vớt chúng tôi khỏi chết và tuyệt vọng trên biển.

Tôi vô cùng cảm động khi Bà Judith, một góa phụ 2 con ở Vùng Sunshine đã tình nguyện hàng tuần đến thăm tôi để giải thích cho tôi biết cách sống ở Úc cũng như giúp tôi tập nói tiếng Anh.

Tôi cũng luôn quí trọng tình thương mến và sự lo lắng của Anna, một bà rất tử tế ở Vùng Ardeer. Khi chưa quen bà, tôi thường hay đi làm trên đường nhà bà hàng ngày. Tôi thường ngắm nhìn và thầm phục ngôi nhà nhỏ nhưng có khu vườn cây rất đẹp của bà. Tôi ước gì cửa mở để tôi được gặp người chủ nhà có óc mỹ thuật đó dù chỉ một lần duy nhất. Một hôm tôi tình cờ đi song song bên Anna trên đường, bà chào tôi trước rồi vui vẻ nói chuyện với tôi. Mải mê nói chuyện, tôi không để ý bà đã dừng lại trước nhà, bà mời tôi vô nhà dùng cà phê. Thì ra chính bà là chủ nhân của căn nhà, mà tôi hằng ao ước được gặp mặt. Tôi kể cho bà nghe niềm ao ước đó bây giờ đã thành sự thật. Bà ôm chặt tôi vào lòng, hôn tôi và nói “Con ạ, con có thể ghé vào nhà tôi lúc nào cũng được hết. Kể từ nay, đây là căn nhà của con”. Lúc đó tôi đang sống trong tâm trạng tuyệt vọng nhất như tôi đã diễn tả qua bài thơ “Nửa Đêm” và “Qua Sông”, sự tình cờ gặp gỡ người đàn bà phúc hậu nầy khiến tôi vui vẻ bội phần. Từ đó bà trở thành bà mẹ người Úc của tôi.

Trong số các ân nhân lớn đã từng giúp tôi vượt qua tình trạng căng thẳng khó khăn khi trở lại nghề dạy học, tôi phải kể đến Bà H.M. thuyết giảng viên đại học của tôi, là một hình ảnh sáng chói nhất. Cuộc đời làm việc siêng năng chăm chỉ của bà là tấm gương tốt cho tôi noi theo. Tôi hiểu rõ bà đem cả đời mình ra phục vụ lý tưởng: tạo cho các trẻ không rành Anh ngữ một cuộc đời học sinh vui tươi hơn và một tương lai sáng sủa hơn; đồng thời  giúp đào tạo các giáo viên gốc di dân mới tới Úc, để họ có thể giúp các trẻ nói trên một cách thực tiễn và hiệu lực hơn. Từ năm 1975 bà đã bắt đầu phụ trách các sinh viên theo học khóa Cử Nhân Giáo Dục như tôi để thành lập Các Nhóm Đa Ngôn Ngữ, huấn luyện các giáo viên song ngữ cho những trường có đông số học sinh thuộc gốc người không nói tiếng Anh ở Victoria. Trong thời gian học, nhiều lần tôi định bỏ cuộc vì thiếu tự tin. Chính bà là người đã kiên nhẫn thuyết phục tôi tiếp tục sự học. Bà thường bỏ giờ ăn trưa để giúp tôi giải quyết các vấn đề học tập cũng như riêng tư.

Tôi nhớ ơn Jenny, một người bạn dễ thương của tôi. Chị đã bỏ nhiều thì giờ đi tìm căn nhà thích hợp với tôi. Không dễ gì tìm được một căn nhà vừa đẹp vừa rẻ vừa hợp với túi tiền của tôi. Nhưng rồi cuối cùng với tính vui vẻ và nhẫn nại chị cũng tìm được căn nhà theo ý thích của tôi.

Người Việt Nam chúng ta không hay nói “Cám Ơn” như người Úc ở đây. Chúng tôi chỉ nói cám ơn trong những trường hợp đặc biệt để tỏ sự biết ơn người đã có lòng tốt với chúng tôi. Ngoài những người nêu ở trên tôi xin cám ơn tất cả các bạn hữu và đồng nghiệp khác.

Đối với những người khinh rẻ tôi vì họ nghĩ rằng họ đáng giá hơn tôi, tựu chung chỉ vì họ không sinh ra và lớn lên cùng một xứ với tôi, tôi không giận họ mà chỉ tự hỏi “Giả sử họ thử sống cuộc sống như tôi liệu họ chịu đựng gian khổ được bao lâu?”. Tôi vững tin rằng giá trị chân chính của chúng ta được thể hiện bàng bạc ở những gì chính chúng ta ra sức đạt được trong cuộc sống chớ không phải ở việc thừa hưởng từ người nào khác. 

 

Thinh Hoang (Ai Cơ)

Victoria, Australia, 1989

 

Retired primary school teacher, Melbourne, Australia

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved