Có hai bố con nhà nọ , sinh sống trong một thành phố hiện đại, nhà cao, cửa rộng, sân vườn mênh mông, hồ bơi nước ấm trong xanh bốn mùa. Đi lên xe, về xuống cộ, của ăn thừa thải, của để dư dật. Nhà giữa thành phố có tường rào cao ngất, cửa cổng kín bưng hàng xóm đừng hòng nhòm ngó trong ngoài. Những phường đục tường khoét vách thì đừng mơ tưởng! Léng phéng đến gần, đã rợn người với bờ tường cao gần 3mét, gờ tường chi chít mảnh chai nhọn hoắt, đã thế còn phủ thêm 2 vòng kẻm gai thứ thiệt, mấy năm rồi chưa thấy rỉ sét chỗ nào.

Bố, cũng là người chủ cái dinh thự to đùng ấy, không phải tay vừa! Cả đời lăn lộn, sinh tử chẳng màng. Quan lộ lúc gập khi ghềnh, vẫn cố vượt qua, đến khi tuổi già ập đến , biết chọn bãi đáp an toàn, nên không sứt mẻ chút nào. Của cải chắt chiu, gom góp từng xu để tạo nên cơ nghiệp, phần nỗi phần chìm vô kể.

Tuổi đã lục tuần, sự giàu có hiện tại là một sự vui mừng. Tuy là thân đơn, nhưng lại có đứa con trai nối dõi sau này - đúng là một sự vui mừng thứ hai mà không phải ai cũng có được. Nhưng ở đời, đôi khi song hỷ trùng lai, khổ nạn nhất đáo. Không biết lo xa thì có ngày tay trắng. Không biết quý trọng cái hiện có thì đừng hòng vỗ ngực này nọ với thiên hạ. Nghĩ đi suy lại mãi về hai cái sự hỉ ấy , Ông Bố thấy cần học tập cái gương của Cha, Ông ngày xưa để lại: Dạy cho thằng con trai biết cách nối dõi, nếu không thì khối tài sản này có ngày đội nón lần lượt ra đi - mà ông đâu có sống đời với nó để mà giữ - nếu chẳng may sự thể đau đớn đó diễn ra, chắc ông không thể nào xuôi tay nhắm mắt mà về với tổ tiên, về với các đấng Từ Bi - Hỉ Xả được...

Trăn trở , trằn trọc mấy đêm liền, Ông Bố đã tìm được cái cách dạy cho thằng con nối dõi rất căn cơ: đó là phải cho nó thấy những cuộc sống khác, nghèo khó, lam lũ bần hàn, kiếm có miếng ăn hằng ngày phải tốn nhiều công sức, mồ hôi, và cả nước mắt nữa.

Những cuộc sống khác ấy ngày nay khó tìm ở thành phố, cái xô bồ, hổn tạp, giả tạo và lừa lọc nhan nhãn, may ra về vùng nông thôn, xa xôi hẻo lánh, không có các thú vui ồn ào , không có ánh đèn xanh đỏ đầy ma mị hằng đêm quyến rũ mọi người thì mới tìm được.. Cha con Ông sẽ tìm về nhà người anh em bà con của ông ở quê cũ, Ông sẽ cùng với con trai , sống một thời gian như là người bần hàn, thất bại ở thành phố , giờ đây về xin nương nhờ, tá túc một thời gian.

Ông cho rằng, nếu người anh em kia thuận tình, thì ông cũng được tiếng không quên bà con xóm làng, mà con trai ông cũng sẽ cảm nhận hết cuộc sống khó khăn ở nông thôn. Sau khi quay về thành phố, quay lại với cái sự giàu sang, thừa thải của một gia đình giàu có ở thành phố, nó sẽ biết quý trọng cái khối tài sản mà nó đương nhiên được hưởng. Con trai ông sẽ ra sức bảo tồn, phát triển và tận hưởng cái sự giàu sang, phú quý ấy một cách trọn vẹn nhất.

Được như vây thì xem như Ông đã chu toàn bổn phận của người Cha đối với Con, hoàn thành trách nhiệm một người có đẳng cấp, vai vế đối với xã hội. Được như vậy thì chắc ông không còn gì phải lo lắng, ưu tư hằng đêm. Ông sẽ yên tâm chờ cái ngày mà ông bà gọi về, hay là các vị bề trên đến đón ông đi. Ông chắc chắn là các vị ấy sẽ đón ông đi nhẹ nhàng, có khi là trân trọng nữa, bởi xét cho cùng, cả đời ông không bao giờ cố ý hại ai, những gì ông làm trên đời - khi ông còn sống - cũng chỉ vì một mục đích duy nhất: làm giàu có cho bản thân, và khi bản thân mỗi người gìau có , thì Xã Hội giàu có, Đất Nước giàu có, và như vậy, suy rộng ra là Nhân Loại sẽ giàu có. Mà sự giàu có luôn luôn làm cho mọi việc trở nên đễ dàng, mọi sự đã dễ dàng thì luôn đem đến niềm vui. Đó chẳng phải là hạnh phúc mà mọi người luôn kiếm tìm hay sao?

Đã sẳn kinh nghiệm đầy mình khi giải quyết những vấn đề phức tạp trong công việc, ông nhanh chóng liên hệ với người anh em bà con ở quê để sắp xếp việc cha con ông trở về xin sống tạm một thời gian. Cuối cùng cũng mỹ mãn. Người anh em ấy biết được tin rất vui vẻ, sẳn sàng đón đợi cha con ông về. Còn đứa con trai, ông cũng không ngờ nó chấp nhận đề nghị của ông một cách nhanh chóng, dễ dàng, mà còn có phần phấn khích nữa. Nó như reo lên khi nghe ông phân tích lý do và phải đóng bộ thế nào để người chú ở quê tin rằng cha con Ông về đó là do thất cơ, lỡ vận ở thành phố, về nương nhờ tá túc một thời gian để tìm kế sinh nhai khác...

Cuối cùng thì cái ngày "Trở Về Quê" ấy cũng đến. Cha con ông sắp xếp lên đường sau khi đã hoàn tất việc thuê người trong nom ngôi biệt thự trong thời gian họ vắng nhà.
Về đến quê, người anh em của ông đã vui vẻ, hân hoan đón cha con ông vào nhà, nhanh chóng sắp xếp chỗ ăn, ở .... Sau một ngày vui vẻ , hàn huyên tâm sự, ngày hôm sau người Anh em ấy đã dẫn cha con ông ra đồng.

Công việc đồng áng ở quê là vậy, không thể bỏ một ngày. Nước, Phân, Cần, Giống, cái gì cũng phải lo, phải chăm chút. Đầu lưng đội nắng, chân tay vấy bùn, vả mồ hôi, sôi nước mắt quanh năm mới có được cái ăn, cái uống đàng hoàng, đã vậy còn lo đau ốm, bệnh tật, hiếu hỉ, thuế má...Trăm sự cũng từ mảnh vườn, nương rau, ruộng lúa.
Vất vả, khó khăn là vậy, mà cứ mỗi tối, khi trời đã hết nắng, con bò trong chuồng đã nằm xuống,cái đuôi khua khuẩy đuổi ruồi, lim dim đôi mắt chuẩn bị nghỉ ngơi, thì mọi người lại tập trung ở sân nhà, dưới ngọn đèn bấc sáng lập lòe, chỉ vừa đủ sáng cho mâm cơm mới vừa dọn ra, thỉnh thoảng mới thấy lóe lên từ ánh mắt của người này người kia những tia sáng rạng ngời thỏa mãn...Họ ăn cơm chiều (thật ra đã tối), nói cười rôm rã, khen nhau những câu nói chơn chất miền quê, nghe mà mát lòng hả dạ...Ăn cơm xong trẻ con đùa chơi, người lớn ngồi giữa sân uống trà, bập thuốc lá, bàn việc đồng, việc nhà, việc làng... Khi mọi người đã trút hết cái bận bịu công việc trong ngày vào câu chuyện với nhau, vào chén trà đã nhạt sương khuya, vào điếu thuốc đã tàn hơi cuối, họ vào nhà ngủ, đám thanh niên thì trải chiếu nằm ngay giữa sân mà ngủ. Mấy con chó cũng về chỗ của mình, mỗi con một xó, nói là ngủ nhưng chúng rất tĩnh, chúng không bao giờ bỏ sót một động tĩnh nào chung quanh....

Mới đó mà đã được một tháng, Ông Bố và đứa con trai thành phố đã sống, đã làm việc, ăn uống, vui cười, và thậm chí có lúc cũng lo cái lo chung của gia đình người anh em họ, mỗi khi họ có chuyện lo lắng mang ra bàn bạc. Một tháng trải nghiệm trôi qua thật nhanh mà cũng thật nhiều, người bố đã có lúc quên mất những tiện nghi thành phố, những nhu cầu, đòi hỏi của người có tiền ở thành phố. Thậm chí, lâu lắm rồi ông không cầm, nắm những đồng tiền, cái cảm giác tự tin, vững vàng khi ông dùng đồng tiền vào các mục đích khác nhau cũng không còn. Cái cảm giác lo sợ, khắc khoải, hồi hộp khi đồng tiền của ông đi ra khỏi tài khoản của ông và trông chờ ngày quay về của nó có đầy đủ, có mập mạp, béo tốt hơn lên hay gầy guộc, ốm o đi....Những cảm giác ấy biến mất như chưa bao giờ tồn tại trong tâm hồn ông. Ông lại cảm thấy thật là vui mừng, thật đầy đủ trong những lúc ông và con trai ông cùng với người anh em họ, cùng nhau hò dô ta, đẩy chiếc cộ bò đầy ấp khoai mì về nhà!...
Rồi những buổi tối ông ngồi tham gia câu chuyện gia đình người anh em, họ định sang năm sẽ đổi mấy trăm dạ thóc để mua về một con bò sữa.

- Sắp tới mà có thêm sữa tươi uống, chắc là thằng cháu nội Cu Lùn sẽ hết lùn luôn !

Người anh em của Ông vỗ đùi cười ha hả sau khi nói câu ấy, ông cũng cười sảng khoái và thấy thật vui với cái cảm giác hân hoan đến lạ kỳ...

Hồi thằng con trai ông có biểu hiện phát triển cơ thể chậm , không theo Biểu Đồ Phát Triển Thiếu niên của tay Bác sĩ gia đình, ông đã cuống cuồng, lo lắng , bắt tay Bác sĩ phải chịu trách nhiệm nếu sau 3 tháng không đưa được đường biểu diễn của cái biểu đồ của con trai ông về chuẩn, ông sẽ sa thải hắn tức thì...ông đã sai tài xế đi tìm mua đủ mọi thứ theo yêu cầu tay Bác sĩ: thuốc bổ các loại, sữa, thực phẩm chức năng các loại. Lên lịch học, lịch tập thể dục thể thao các loại, ăn chơi, đi dao..v.v... đều phải đúng trình tự và kế hoạch đề ra...May quá là sau đó thằng con trai ông cũng trở về trạng thái phát triển bình thường, nếu không nói là khá tốt so với yêu cầu cái biểu đồ của tay Bác sĩ.
Bây giờ, nhìn mọi sự diễn ra trong cái gia đình nông thôn này , ông thấy thật đơn giản, nhanh chóng, tràn đầy tình cảm chân thành, ở họ tràn đầy lòng bao dung, nhiệt tình, những suy nghĩ đầy tính thực tiễn và trong tầm tay, không trừu tượng, viễn vông. Lẽ phải, trái như ánh mặt trời và đêm tối, trắng đen luôn rõ ràng, phân định, không nhập nhòa.

Ở cái nơi mà không hề thấy sự giả trá biểu hiện trên nét mặt, trên bờ môi, thì làm gì có sự lừa lọc !

Ở cái nơi mà sự mệt nhọc trong cuộc mưu sinh luôn được đền bù bằng tiếng cười sảng khoái, bằng lời nói nhân hậu bao dung khi nói về sự thiếu sót, sai trái của từng thành viên..thì làm gì có sự oán hận.

Ở cái nơi mà cái khát, cái nóng luôn sẳn có nước làm dịu, nước giếng trong lành, nước con sông mát rười rượi...thì con người ta đâu có thể nổi nóng để chửi bới hoặc cáu gắt nhau.

Ở cái nơi mà cái đói luôn đe dọa, nhưng người ta vẫn luôn tìm ra cái ăn sẳn có, lúa thóc có thể không nhiều do mùa màng thất bác, thì họ bù lại khoai sắn cây trái, rau cỏ quanh năm trong vườn, ngoài nương...cái đói là chuyện nhỏ.

Ở cái nơi mà buổi tối của họ thường diễn ra giữa sân, trên là một bầu trời đầy sao, hoặc là một mãnh trăng vàng rực rỡ, soi sáng cả cái sân, vườn tược chung quanh trở nên huyền ảo như cõi thiên thai. Tiếng nói cười của con trẻ nô đùa quanh nhà, ngồi bên một chén trà ấm, một điếu thuốc lá se, một câu chuyện vui do mẹ lũ nhỏ nghe được ở nhà bên mang về kể lại...ta làm sao tìm thấy sự buồn tẻ, chán chường.

Có gì hơn một cuộc sống như vậy nhỉ!? Ông lăn qua trở lại, thở dài thườn thượt...cái phản gỗ mát lạnh mà người anh em họ nhường cho cha con ông ngủ gần tháng nay, bỗng dưng thấy nóng, thấy cứng cồm cộp mỗi lúc ông trở mình, vậy mà thằng con trai ông nó lại cứ ngáy đều và rõ to.

Ngày mai là đã đến hạn phải về nhà thành phố, ngày kia là ông còn phải lo bao nhiêu việc mà ông phải gác lại để thực hiện kế hoặch dạy con này. Khi chiều nói chuyện với người anh em họ, chú ấy thoáng buồn.

- Có anh cả tháng nay quen rồi, tụi em mến anh, mến cháu, nếu về thành phố lại mà công việc không ổn , hai cha con anh cứ quay lại đây, em không có gì nhiều như ở thành phố, nhưng anh không lo buồn, lo đói đâu anh ạ....

- Ừ, anh sẽ tính , chắc rồi cũng có dịp về đây phiền cả nhà chú... 

- Anh đừng nói phiền gì hết, tụi em vui lắm mà, với lại tụi em có nuôi anh đâu, cả tháng nay anh và cháu làm bao nhiêu việc, lo gì không có cái ăn, hì hì...

Thật thương và thật chân tình! thôi thì cũng phải ngủ chút, ngày mai còn cả ngày ngồi trên cái xe buýt cũ mèm vừa chạy vừa ho sù sụ, về tới thành phố chắc đã tối mịt rồi.
Cái đêm trằn trọc cuối cùng ấy cũng trôi qua , ông bật tỉnh khi tiếng con gà trống tía đầu đàn dõng dạc gáy báo trời đã sáng. Lồm cồm ngồi dậy, vơ vội cái túi vệ sinh cá nhân, chỉ là một thói quen mới hình thành mấy ngày nay, ông bật cười và đi vội ra cái lu nước đầu hồi, chuẩn bị súc miệng, rửa mặt.

Ông gặp cậu con mình cũng đang đánh răng. Ông ngạc nhiên vì hầu hết các buổi sáng ở đây, ông phải lay con dậy để nó lo vệ sinh cá nhân trước, kịp ăn sáng trước khi ra đồng. Hôm nay ông định để nó ngủ thêm chút nữa, vì đằng nào đến hơn 7 giờ mới ra bến xe ở đầu xã. Xe buýt ở xã đi về thành phố 8h mới khởi hành.
- Ba dậy sớm vậy?
- Ừ, ba bắt đầu quen giờ giấc ở đây rồi, mà sao con không ngủ thêm chút nữa, hôm nay mình đâu cần dậy sớm...
- Dạ, đằng nào cũng vậy mà, con thấy tiếc tiếc... nên định chạy ra ngoài đồng sớm, chợp vài kiểu hình cảnh mặt trời lên trên đồng , về làm kỷ niệm Ba ạ.
- ......
- Cả tháng nay con dấu kỷ cái máy ảnh trong túi đựng áo quần, con ấm ức lắm ...hì hì...

Thằng con trai ghé sát vào mặt ông thì thào điều bí mật mà đến bây giờ ông mới biết, hơi sững người, lo lắng chút ít, nhưng trong lòng ông dâng lên một cảm xúc khác: một niềm vui khó tả, có cả cái gì nghèn nghẹn nơi lồng ngực...mà cả tháng nay, thỉnh thoảng ông lại bắt gặp khi những buổi tối thằng con trai to đùng nằm bên cạnh, ngủ mơ ôm choàng lấy ông ngáy ầm ầm.

Hừ, cái thằng , căn dặn mấy lần, không được mang mấy thứ máy móc, điện thoại, I Bát I Chén gì đó về đây, vậy mà nó dám mang cả cái máy ảnh... hừ hừ... nói thầm trong miệng nhưng tâm ông thì cứ lâng lâng cái cảm giác làm cha, được yêu thương con và con yêu thương mình, từ lúc nó kề cái khuôn mặt non choẹt lại lún phún mấy cọng râu non làm nhồn nhột tai ông...hừ, coi vậy mà cái thằng cũng lanh thật!

Ông vục gáo dừa vào lu nước, múc lên một gáo nước đầy, khỏa vào tay rồi vỗ vỗ lên mặt. Nước mát lạnh. Tỉnh táo, đầu óc ông như bừng sáng, nhẹ tênh...
- Anh ra uống chén trà nóng, chờ mấy nhỏ dọn cơm, ăn no rồi hẳng đi, không cần phải vội làm gì anh à, sớm chán mà...
- Ừ, ừ, anh ra đây, chú cũng dậy sớm quá. Hôm nay chắc chỉ xả nước vào ngâm cái miếng ruộng Gò Dở, hôm qua đã be bờ xong rồi.
- Dạ, đúng rồi anh. Em thấy hai cha con anh dậy sớm, chắc là lo lắng lắm hả anh ...
- Có lo lắng gì đâu, chỉ là thấy khó ngủ. Trước giờ, cứ đi đâu xa, tôi lại nôn nao ấy mà...

Ông chợt ngạc nhiên vì câu trả lời của chính mình...sáng nay là mình trở về nhà, chứ đâu phải từ nhà đi, sao lại nói là đi xa, làm như đây là nhà mình.. ha ha...

Thoáng thấy thằng con trai ngoài sân đi vào, ông lo người anh em họ thấy nó cầm cái máy ảnh...vậy mà mặt nó tỉnh bơ, tay trái cầm một cái lồng chim có chú chốc mào đang nhảy lăn tăn, tay kia nó ôm một bọc trái cây , ổi, cốc, xoài, cam...
- Cu lớn cho con đó Ba.

Nó nhe răng cười thật là tươi. Anh em nó mới thân có một tháng nay, vậy mà quấn quýt nhau lắm...đúng là ruột rà máu mủ mà.

Bữa cơm sáng cuối rất vui, nhưng cũng nao nao cái cảm giác vì chia tay... Xong bữa cơm, mọi người như không muốn đứng lên. Nhìn chiếc đồng hồ cũ mèm trên tường đã chỉ dần đến 7 giờ 20, ông vỗ vai người anh em họ:
- Thôi cha con tui về, cám ơn cô, chú và các cháu nhiều lắm...mong lại có dịp về lần nữa ..
- Ôi, anh và cháu cứ lo công việc cho ổn định, hể rãnh thì về đây với em...tụi em mong lắm đó...

................................

Cuối cùng rồi cái lão buýt già khụ cũng bắt đầu chuyển bánh về thành phố, hai cha con đã mất gần một tiếng rưỡi ngồi đợi đủ số khách, bác tài xế thì cứ vô tư ngồi ngủ chờ khách.

Tuy phải chịu đựng cái nóng, hít thở những mùi khó chịu trong chiếc xe khách cũ kỷ này, nhưng không thấy sốt ruột, hôm nay thực sự ông cảm nhận hết trạng thái khá lạ của cậu con trai, nó cứ như là một đứa khác chứ không phải thằng con trai ít nói, hơi xa cách và ít hiếu động trước đây của ông.

Thật sự ông cũng không nghĩ cái quyết định đưa hai cha con về quê lại mang đến cho ông nhiều cảm xúc lạ lùng như vậy. Đã từ lâu rồi, ông và đứa con trai mất dần những trao đổi thân mật, đầy tình thương và sự ân cần, trìu mến, mất dần những giờ phút gần gủi, chuyện trò.

Nhớ hôm ngồi xe buýt từ thành phố về đây, có thể vì hai cha con ngồi riêng hai hàng ghế khác nhau, cũng có thể vì giữa ông và con trai đã có cái hố sâu ngăn cách từ lâu... nên không ai nói với nhau một câu thân mật, ngoài những trao đổi ngắn cần thiết ....

Vậy mà hôm nay, con trai và ông đã nói chuyện với nhau thật nhiều.

Nó nói huyên thuyên, hỏi ông, kể cho ông nghe đủ chuyện, từ chuyện đồng áng của người chú, chuyện nó và em Cu lớn đi câu cá rô thia, rô thóc dọc con sông tuốt xóm dưới; chuyện nó lội xuống nước gở lưởi câu mắc trong rễ tre, bị con đĩa đu vào đùi; chuyện nó với Cu lớn đi đơm lươn, nó khoe đã biết cách bắt con lươn sao cho không tuột khỏi tay mình; nó vô tư cầm lấy bàn tay của ông, banh các ngón tay trỏ, ngón giữa và ngón áp út ra theo cái cách của nó, rồi đặt ngón trỏ của nó vào, bảo ông nắm chặt lại.
- Đó, Ba thấy không, con lươn không cách nào trườn ra được!

Ông tham gia câu chuyện của nó như là hai người bạn cùng trang lứa, nói cười thậm chí có lúc ha hả, đến nỗi một cô gái ngồi bên hàng ghế song song cũng ngạc nhiên nhìn qua.

Đến gần trưa thì cậu con chắc là mệt nên gục đầu trên vai ông ngủ ngon lành, mặc cái xe cứ gầm gừ, khò khịt bò dần ra khỏi con đường đất của xã quê, đầy ổ gà, ổ trâu.
Buổi tối. Ở lại trong nhà của mình. Về lại nơi mình sống thân quen vẫn là điều kỳ diệu. Tuy nhiên, từ lúc chiều đến giờ, ông vẫn cảm thấy có một điều gi đó thay đổi, khác lạ. Một sự trống trải mà từ trước tới giờ ông không bao giờ thấy trong nhà mình, chung quanh mình.

Đứa con trai vừa về đến nhà, đã xin phép cho nó chạy đến nhà bạn. Nó bảo cần hỏi bạn vài chuyện ở trường, ông chỉ kịp nhắn với theo:
- Nhớ về sớm đó con!

Chị Sáu giúp việc mời ông ra ăn tối, ông hỏi vài chuyện nhà trong tháng qua một cách thờ ơ, chị trả lời mà ông không chú ý lắng nghe như mọi lần vắng nhà. Mọi chuyện đâu có gì quan trọng, một tháng qua ông với con ở bên nhau, và ông đã chứng kiến sự vui vẻ, sự thay đổi của con mỗi ngày, thì những chuyện ông giao cho chị Sáu quản lý, trông nom mấy người ông thuê trong tháng qua là chuyện nhỏ. Vả lại, ông tin chắc là chị Sáu luôn luôn thực hiện tốt những gì ông muốn trong chuyện quản gia mà. Ông thật may mắn, ông nở một nụ cười mãn nguyện rồi bước ra phòng ăn.

Vừa bước vào phòng ăn, đã thấy cậu con trai ngồi sẵn trên bàn ăn.
- Ba có mệt không Ba? ...
- ừ, ba hơi mệt, nhưng nghỉ ngơi chiều giờ cũng khỏe rồi, vậy chứ ở trường có gì mới không con?
- Dạ, hì hì, con qua hết các môn Ba ạ, may quá...

Ông chợt nhận ra từ trước giờ, ông chưa bao giờ nghe nó nói chuyện học mà vui như vậy, lúc nào ông hỏi nó, chuyện học của con ra sao rồi là nó gần như cáu gắt trả lời: dạ , con vẫn học đều mà, hết. Tiếp là nó bảo cần tiền nộp học phần này nọ, tiền học thêm , tiền mua các thứ... và ông đáp ứng một cách miễn cưỡng.

Bữa ăn kết thúc nhanh chóng, ông ra bàn trà ngồi, theo thường lệ thì sẽ bật Tivi xem một lúc rồi về phòng, con trai ông cũng sẽ nhanh chóng rút về phòng riêng của nó. Buổi tối sẽ kết thúc khi chị Sáu dọn dẹp xong mọi thứ, cho con Fox ăn xong, chị sẽ bật đèn bảo vệ, tắt các công tắc đèn này, mở các công tắc khác, và căn biệt thự sẽ chìm vào trạng thái riêng của nó - lặng lẽ.

Tuy nhiên, hôm nay, ông vừa định bật tivi lên theo thói quen, thì cậu con trai đến ngồi bên cạnh ông.
- Ba, sau này , lúc nào rãnh rỗi, ba con mình sẽ về nhà chú chơi Ba nhe.
- Ờ..ừ, vậy con thích về đấy chơi rồi ha?
- Dạ, con thấy ở trên quê thích lắm Ba.

Ông nhìn nó chăm chú và chợt nhận ra từ ánh mắt, khuôn mặt, giọng nói của nó, hoàn toàn tự nhiên, chân thành và rất hạnh phúc, khác hẳn hoàn toàn thái độ thụ động, đối phó và có phần đóng kịch mỗi lần nói chuyện với ông những gì liên quan đến cuộc sống của nó.
- Nè, ba hỏi thật con nhé, một tháng qua, con có cảm tưởng ra sao khi sống ở nhà chú? Ba chỉ sợ trong môi trường sống khổ cực, nghèo khó dưới quê, con sẽ không chịu nỗi một tuần... vậy mà..
- Không đâu Ba, ở dưới quê đâu có nghèo Ba, con thấy ở dưới có cuộc sống thật tuyệt đó Ba, họ giàu có hơn chúng ta nhiều lắm đó Ba à!

Lần này thì ông thực sự không kiềm chế nỗi sự ngạc nhiên của mình.
- Con nói lạ nhỉ, quê nghèo lắm, lam lũ, quần quật quanh năm mới đủ ăn, đủ mặc, thiếu thốn mọi bề, sao con bảo là họ giàu có?
- Họ giàu hơn mình nhiều lắm Ba à, này nhé, căn nhà và mảnh vườn chúng ta ở thành phố này trông thì to thật, to hơn nhiều người ở đây lắm, nhưng, nó vẫn còn nhỏ so với căn nhà và vườn tược của Chú dưới quê Ba à. Căn nhà của chúng ta có nhiều phòng ốc thật, nhưng chúng ta đâu có ở hết, quanh năm chỉ khóa im ỉm, tối tăm và buồn thiu. Ba một phòng , con một phòng, chị Sáu một phòng, ai ở phòng nấy, cả ngày mới gặp nhau được một lần ở phòng ăn này, mà đâu phải ngày nào cũng gặp, Ba vắng nhà hết ngày này đến ngày nọ, con ăn xong chỉ có về phòng, đi học, đi chơi với bạn, về cũng lại vô phòng mình, chỉ có chị Sáu là hay nói chuyện với con, chứ Ba thì bận quá mà. Còn ở dưới quê, nhà Chú chỉ có ba gian, với căn nhà phụ, nhưng con thấy đầy ấp tiếng người, tiếng cười nói luôn làm cho căn nhà rộn ràng, bữa tối dưới ấy thật tuyệt Ba thấy không, mọi người ăn uống, nói chuyện, hòa đồng vui vẻ, mâm cơm luôn luôn ấm cúng và thấm tình gia đình... Ở nhà mình , tuy cũng có cả một cái hồ bơi to ở ngoài vườn, nhưng một năm có mấy lần Ba hoặc con xuống đó tắm hoặc bơi hả Ba, vì buồn lắm ! còn ở dưới quê, họ có cả một con sông lớn chảy ngang qua bên cạnh khu vườn nhà, cả tháng nay, chiều nào, con và em Cu Lớn với mấy đứa thanh niên trong làng cũng tắm, bơi, vui lắm. Ở nhà mình, phải xây cả một tường rào kín bưng, lại có cả miểng chai, thép gai cuộn bên trên tường bảo vệ, Ba còn đặt cả camera, còi báo động chống trộm, điện thoại an ninh, đủ thứ.. nhưng con thấy Ba luôn lo lắng vì sợ có kẻ đột nhập. Ở quê, vườn nhà Chú rộng mênh mông, mà con đâu có thấy tường, cột rào bảo vệ nào đâu! ranh giới giữa đất nhà này với nhà kia chỉ đánh dấu bằng các gốc cây xoài, cây mận, hàng cau, khóm tre, con đường sau lưng nhà giáp bờ sông, mọi người trong làng vẫn đi về mỗi ngày trên đất nhà Chú. Con thấy mọi người đi qua đi lại vườn nhà của nhau mà không hề lẫn lộn của anh của tôi, xin một trái chanh bên nhà hàng xóm chỉ cần gọi í ới vài tiếng, hoặc họ qua nhà Chú xin bụi xả, chỉ cần thông báo bằng vài câu là xong. Thậm chí con gà, con chó ở dưới ấy cũng biết rõ đâu là đất của chủ mình, bọn gà đi lang thang kiếm ăn khắp nơi, tối về chuồng nhà mình ngủ, mà cái chuồng gà cũng rất thoải mái, chỉ có mái tranh che nắng mưa, mấy cái thúng lót rơm treo lủng lẳng cho mấy con gà mái đẻ, còn bọn gà khác thì tùy ý chọn chỗ theo cấp bậc lớn nhỏ trong chuồng, chả có cửa nẻo gì... Ở nhà mình có hòn non bộ, có cả bể cá cảnh thật lớn, nhưng đó chỉ là núi, sông giả, cá thì chỉ để ngắm chơi, ông lão ngồi câu cá quanh năm đến rong rêu bám xanh, cầu kiệu đỏ bây giờ đã hóa nâu, ngọn núi giả bây giờ trơ mốc buồn bả...ở dưới quê Chú, núi non trùng điệp, sáng thì bãng lãng hơi sương, chiều thì lấp ló mây phủ, cánh đồng bao la, ngút tầm mắt... Ba ạ, Ba thấy con nói đúng không? Chú ở dưới quê giàu có hơn mình nhiều đúng không Ba..

Nó nói một hơi, khuôn mặt nó rất người lớn, mái tóc của nó đã khá dài sau một tháng không hớt, nhưng trông nó rất chững chạc. Trước đây, cứ thấy tóc nó dài là ông không chịu được, nhắc nó năm lần bảy lượt nó mới chịu đi hớt. Vậy mà bây giờ, nhìn thấy mái tóc dài của nó lúc này, ông lại thấy hình ảnh của ông cách đây ba mươi mấy năm. Nó thật giống ông thời trai trẻ.
- Con làm ba thật ngạc nhiên, nhưng những gì hôm nay con nói làm cho ba thật vui. Ba cũng xin lỗi con vì lâu nay ba cứ cho rằng con ít chịu để ý đến ba, đến công việc của ba, đến gia đình mình...không ngờ sau một tháng cha con mình về quê mà con thay đổi nhiều lắm... Ba vui lắm...
- Hì, năm nay con đã 18 tuổi rồi mà Ba...!
- Ừ nhỉ, con đã đủ quyền công dân rồi đó con trai...
- Dạ, vậy con với Ba sau này sẽ thường xuyên về quê Ba nhé...Con nghĩ con có thể sống được ở đó đó Ba.
- Vậy con không ngại thiếu thốn mấy cái phương tiện I, Tê gì đó của con sao, Ông cười cười như vừa trêu con trai, bàn tay Ông bất chợt đưa lên xoa xoa cái đầu tóc dài của nó, làm tóc nó bù xù lên.
- Mai con đi hớt mà, Ba yên tâm đi...còn các phương tiện IT thì tùy cách mà sử dụng...sau này hãy tính Ba há.
- Ừ, sau này rồi tính, còn tóc tai thì tùy con thấy thế nào là hợp thì hớt con ạ. Chắc ba cũng sẽ thường xuyên về dưới quê với chú của con hơn, ba sẽ tìm cách hổ trợ để chú làm việc đồng áng đở vất vả hơn....
- Dạ đúng đó Ba, Ba nghĩ cách để mình thường về đó giúp chú nhé.
- Ừ, thôi Ba đi ngủ đây, con cũng đi ngủ sớm nhe...
- Dạ... Ba ..ngủ ngon.

Ông về phòng, đóng cửa, ngồi bần thần một hồi lâu. Vẫn chưa tin những gì mình nghe, mình thấy, mình cảm nhận được từ con trai trong buổi tối nay. Ông đứng lên, đi lại hai ba vòng trong phòng, chợt như nhớ ra điều gì, ông chững lại, rồi quay ra mở cửa, đi thẳng sang gian thờ cúng tổ tiên, không bật đèn lên, ánh sáng trên bàn thờ vừa đủ thấy khuôn mặt ông rất nghiêm trang, thành kính. Với tay vào lọ đựng nhang, đốt ba nén nhang rồi cắm vào lư hương trên bàn thờ tổ tiên. "Con vô cùng cám ơn các vị tổ tiên, đã sáng suốt chỉ cho con việc đưa cháu về quê trong một tháng qua. Bây giờ con đã hiểu ra rằng, không phải con dạy cháu nó, mà các Vị Tổ tiên đã dạy cho cả hai cha con của con, biết sống, biết đâu là sự giàu có thực sự, biết đâu là giá trị thật sự của cuộc sống. Con vô cùng biết ơn các ngài...

Ông đứng đó, bên cạnh bàn thờ tổ tiên, trầm ngâm khá lâu, khi ba nén nhang đã tàn quá nửa, ông trở về phòng, đến bên cái máy tính, nhấn nút khởi động trước khi mang chiếc gương lão vào.

Ông nhìn lướt qua ngày tháng bên góc phải dưới màn hình, bên cạnh các hộp chương trình (mà chẳng mấy khi ông đụng đến), cái biểu tượng lá thư và con số 67 đỏ chói nhấp nháy bên cạnh...ngần ngừ một lúc rồi ông đưa con trỏ vào và click, một giao diện mới xuất hiện với dãy thông báo có 67 thư mới trong hộp tài liệu GIAO DỊCH CÔNG VIỆC...

Mất khoảng 10 phút đọc lướt qua các tiêu đề thư, sau đó ông chọn hằng loạt các bức thư mới một cách dứt khoát mà không mở ra xem, click vào hộp XÓA. Trên hộp thư mới còn lại con số 7.

Ông không đọc gì nữa mà thoát ra và tắt máy tính. Tắt đèn phòng, vặn đèn ngủ thật mờ, nằm xuống giường thật chậm. 7 cái thư còn lại không thể xóa được, ngày mai vẫn phải đối mặt với nó, với 7 thứ công việc mà ông không thể ngưng lại tức thì. Nhưng không sao, rồi sẽ giải quyết hết, ông mỉm cười trong bóng tối mờ mờ của ánh đèn ngủ, điều quan trọng mà ông đã đạt được trong buổi tối nay thật lớn lao!

Ông đã từng mơ về điều đó cả năm nay, sau khi nghĩ hưu,...nhưng rồi lại lún thêm vào những công việc phát sinh mà ông đã đầu tư cho thời "hậu chiến". Ông cứ lo lắng sẽ không bao giờ thực hiện nỗi khi thấy giữa mình và con ngày một xa cách. Vậy mà chỉ trong một tháng, một tháng sống, làm việc ở quê, bây giờ ông mới thực sự thấy mình là người hạnh phúc. Ông chìm dần vào giấc ngủ với một ý niệm thật lớn, mình sẽ lại đi tìm sự giàu có theo như ý con trai đã nói chiều nay- sự giàu có thực sự.

Tiếng ngáy tuổi già đã vang lên, đều đặn.

Căn biệt thự to lớn của hai bố con người thành phố đã hoàn toàn trở về trạng thái thường có của nó ban đêm - lặng lẽ.

 

Trần Đức Lập

 

Thi sĩ Trần Đức Lập sống tại Nha Trang, là Chủ bút Câu lạc bộ Nha Trang Thơ

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753729