Cuối mùa hè năm ấy, Phượng đang buồn ơi là buồn, chỉ mong mau mau trở lại Sàigòn nhập học, thì bà nội xuống chơi ăn giỗ, dẫn theo chị người làm mới, chị Thu. Bà nội nói với mẹ:
- Mẹ con Thu nhờ người quen giới thiệu, dắt nó tới xin giúp việc. Tôi thấy nó sạch sẽ, xinh đẹp nên thuê nó.

Vừa nhìn thấy chị, Phượng đã hết sức ngạc nhiên, vì bên cạnh cái vẻ quê mùa, mộc mạc của chị, là một vẻ đẹp thật khác thường. Chị mặc bộ áo bà ba bằng vải thô, nhưng thật sạch sẽ và thẳng thớm. Bà nội nói thêm, lúc chị theo chị Tịnh người làm khuân đồ đạc vào phòng:
- Nước da nó cứ trắng như trứng gà bóc. Diện vào thì chẳng ai bảo con sen.
Mẹ Phượng cũng tấm tắc khen chị. Quả đúng như thế, khuôn mặt trái soan của chị với nước da mịn màng và thật mỏng (Phượng đoán là sau này chị không thể nào trở thành một chính trị gia được!), sao có thể trắng trẻo đến thế, làm nổi bật hẳn đôi mắt đen linh hoạt, còn có vẻ thông minh nữa.

Một điều nữa, thích quá, là chị không lớn như các chị người làm trước của bà nội, hay như chị Tịnh. Lúc hỏi ra, chị chỉ hơn Phượng có ba tuổi thôi. Phượng đang thiếu người chơi, buồn muốn chết, nên thích chị lắm, cứ đi theo hỏi han lung tung:
- Chị ạ, sao chị còn bé thế mà đã đi làm, chị có đi học không?
Chị cười hiền lành:
- Nhà tôi ở dưới quê, lánh nạn lên tỉnh chưa lâu, nghèo lắm cô ạ. Mẹ tôi gửi mấy chị em tôi mỗi đứa đi làm mướn một nơi. Chỉ cần hai bữa cơm và có mái nhà là vui rồi.
- Thế bố chị đâu?
- Mất rồi cô ạ, có thế mấy mẹ con mới khổ thế này. Bố tôi bị trúng mìn lúc băng ngang ruộng.
Phượng bảo chị:
- Em thua chị ba tuổi cơ, chị gọi em là em đi.
Chị cảm động:
- Thế à? Ðược đi học chắc thích lắm em nhỉ?
Phượng chu mỏ, tặc lưỡi:
- Bây giờ thì em mong nhập học lắm. Nhưng lúc đi học, có khi lại chỉ mong được nghỉ ở nhà thôi. Bận lắm chị ơi, đôi lúc muốn giúp bà nội tí ti, cũng không có thì giờ đâu.
Chị nói:
- Không sao! Lúc nào em cần làm gì, cứ sai tôi được rồi.
- Chị lại quên nữa rồi, phải xưng "chị" chứ!

Buổi chiều, lúc chị giã trầu cho bà nội, Phượng lôi chị ra thềm nhà đằng trước:
- Chị dạy cho em giã trầu với, mai mốt, lúc nào chị bận, em giã trầu cho bà nội.
Bà nội nghe hai đứa xưng hô, gọi chị ra mắng:
- Ai cho mày xưng hô như thế, phải có tôn ti trật tự chứ!
Chị buồn thiu, xin lỗi. Phượng ghé tai chị nói nhỏ:
- Lúc không có bà, chị cứ gọi em như thế này nhé.
Chị liếc mắt vào nhà trong, lắc đầu:
- Không được cô ạ, quen miệng đi, nhỡ bà nghe được rầy tôi, tội nghiệp.
Phượng thật ái ngại cho chị. Ở tuổi của chị, sao đã biết sợ đủ điều! Giã trầu xong, bà bảo chị vào giúp chị Tịnh trong bếp. Nhưng chị Tịnh dễ dãi bảo:
- Con làm cũng xong cả rồi bà ạ. Cô ấy cũng giúp con cả buổi sáng rồi.
Phượng thấy thế reo lên:
- Hay quá! Thế thì chị Thu chơi đánh chuyền với em nhé. À thôi, lần đầu tiên chị ra biển phải không? Dắt chị xuống biển chơi. Ði ăn cà rem.
Mẹ dặn:
- Cũng được, nhưng con phải về sớm nhé. Chị ấy còn nhiều việc phải làm cho bà nội, không như các con đâu, cả ngày chỉ nghĩ đến chuyện chơi!

Hai đứa đi dọc theo bãi cát. Chị ngu ngơ đi bên Phượng như một con lạc đà. Gần cuối hè, bãi biển cũng thưa thớt hơn dạo trước. Gió thổi mơn man, làm những chiếc dù đủ mầu cứ lung lay như muốn bay theo gió. Phượng cắp đôi dép vào nách, chị Thu thì hai tay cầm hai chiếc guốc mộc. Cát ẩm, mềm dịu dưới chân. Thỉnh thoảng, vài đợt sóng xô nước tràn vào bờ, tạt ướt cả gấu quần, rồi lại êm ả, lăn tăn rút ra xa. Chị Thu lạ lắm:
- Biển sao rộng thế cô nhỉ? Dưới quê, tôi chỉ được đi tắm sông, đâu có lớn như vầy. Bên kia là bờ hở cô?
Chị đưa tay chỉ vệt xanh thẫm tít đằng xa.
Phượng thích thú:
- Là chân trời chị ạ. Mình không nhìn được bờ đâu, xa lắm. Chị được đi tắm sông à? Em thì ngược lại, em chưa thấy sông bao giờ, chỉ đọc trong truyện thôi.
- Thích nhỉ! Ðọc truyện trong báo hở cô?
Phượng gật gù:
- Thì truyện trong báo hoặc trong sách.
Chị nói bùi ngùi:
- Hay nhỉ! Biết chữ thích quá cô nhỉ? Ðọc được nhiều thứ.
Vài người lính Mỹ say ruợu, chạy rầm rầm trên bãi cát, kêu réo nhau om xòm. Phượng cầm tay chị, kéo chị lên:
- Ði, chúng ta về chị ạ.
Cả hai rảo bước. Khi đi xa chỗ ồn ào đó rồi, Phượng hỏi chị:
- Chị thích đọc truyện lắm à?
- Thích chứ, nhưng tôi không biết chữ.
Phượng khoa tay:
- Tưởng gì! Nếu chỉ cần đọc được thôi, thì em có thể dạy cho chị.
Chị mở to đôi mắt:
- Thật à? Có khó không cô?
- Không đâu chị ạ. Chữ quốc ngữ tương đối dễ học, nếu học để có thể đánh vần được thì chỉ độ ba tháng thôi.
Chị phân vân:
- Nghe cô nói ham quá. Nhưng liệu bà có cho không?
Phượng cười, thương hại chị:
- Bà nội em chỉ phải cái miệng hơi ác thôi, nhưng bà không làm gì hại ai bao giờ. Chị lo gì chứ, chỉ cần chị chăm chỉ làm xong việc nhà, khi nào có chút thì giờ, mỗi ngày em chỉ cho chị một tí thôi. Mấy tháng là có thể đọc được mà.
Chị hớn hở:
- Nếu thế thì tôi sẽ mong từng ngày cho cô mau trở lại Sàigòn nhập học đó.
- Ðược rồi, chỉ hai tuần nữa thôi, nhanh lắm.
Về đến nhà, còn sớm. Phượng cầm quyển Vần Việt Ngữ lớp mẫu giáo, kéo chị Thu ra ngồi ngoài xích đu. Chị ngần ngừ không dám, Phượng cầm tay chị, kéo chị ngồi xuống:
- Ðây, em thí dụ cho chị coi nhé.
Tay Phượng chậm rãi chỉ trên trang giấy, có hình đứa bé nằm sấp trên đất, hai chân vắt chéo nhau, gấp ngược lại, đưa lên trời, tay đè lên quyển sách:
- Ðây, chữ này là chữ A, chữ này là chữ B nhé.
Chị ngượng nghịu lập lại. Phượng lại nói:
- Nếu em để chữ B trước, rồi lắp chữ A vào thì thành chữ “Ba”, là Ba em đó, hoặc là số ba. Chị thấy dễ không?
Chị lại lập lại theo Phượng:
- Bê a ba.
- Hay quá! Nhưng Việt ngữ còn có dấu chị ạ. Năm dấu căn bản là sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Nếu em thêm dấu huyền này vào chữ “Ba” thì sẽ thành chữ “Bà”. Là bà nội của em đó.
Chị reo lên:
- Hay quá cô nhỉ?
- Nhưng hôm nay chỉ học đến đây thôi. Bao giờ chị nhớ rồi mới học tiếp.
Chị tiếc nuối lắm, đưa mắt nhìn quanh khu vườn rộng, trồng thật nhiều cây ăn trái. Nắng chiều chiếu xiên qua cành lá, lung linh trên mái tóc đen của chị, làm mầu da trắng ưng ửng hồng. Chị hỏi:
- Nhà nhiều cây trái quá! Sao xoài rụng đầy đất thế, không ăn uổng thiệt?
Phượng lơ đãng:
- Ăn mãi chán chị ạ, chị muốn ăn thì cứ hái mà ăn. Mai chị về, muốn hái bao nhiêu mang về cũng được.
Chị mừng rỡ:
- Thế à? Cô cho tôi mang một ít về cho mẹ tôi được chứ?
- Tha hồ.
Tiện tay, Phượng với lên, ngắt một quả xoài còn xanh ngắt:
- Em thích ăn xoài xanh chấm nước mắm đường với ớt.
Chị đứng dậy ngay:
- Ðể tôi vào pha nước mắm, và lấy dao gọt.

Chị quả là một người miền Nam chính gốc, vì Phượng chưa bao giờ được ăn xoài xanh với một chén nước mắm đường pha vừa vặn và ngon như vậy. Vào Nam đã lâu, mẹ nàng vẫn quen pha nước mắm theo lối Bắc, ăn không dịu và "mềm mại" như nước mắm trong Nam. Do đó, mỗi lần lại nhà Thanh, Phượng chỉ thích món nào có nước mắm do má Thanh pha, có vị ngọt và mềm, không "cứng" như nước mắm pha của người miền Bắc. Mẹ Phượng bảo "các con là Bắc kỳ mất gốc hết rồi! Nước mắm mà lại pha đường vào!".

Hết hè năm ấy, Phượng trở lại Sàigòn nhập học. Chị Thu gặp lại Phượng mừng lắm. Chị người làm cũ của bà nội, chị Kim, đã lớn tuổi rồi, bà chỉ để chị Kim lo cơm nước và đi chợ. Các việc khác thì chị Thu làm. Buổi tối, Phượng hay thức khuya làm bài. Chị Thu giặt giũ xong, bao giờ cũng làm một tí ti thức ăn gì đem lên cho Phượng, hôm thì vài cái bánh phồng tôm, hôm thì chút xôi gấc hâm lại, hôm thì chị nấu mì ăn liền. Phượng dặn:
- Chị nhớ mua mì Nhật, trên gói giấy có cái hình Em bé đi guốc mộc cho em, chị nhé.
Thế là chị không bao giờ quên cả. Hôm nào nấu mì, chị cũng nhắc Phượng:
- Mì Em bé đi guốc đấy cô ạ.
Thật ra, chị cũng muốn thức cùng với Phượng để hôm nào làm xong bài sớm sớm một tí, Phượng đều gọi chị ở lại, chỉ cho chị tập đánh vần, tập đọc chữ. Chị nói:
- Chỉ cần đọc được truyện trong báo thôi là tôi chẳng mơ ước gì hơn.

Dần dần, chị đã tự ráp được vần và đọc lõm bõm một mình, Phượng không cần kèm nữa.

Một hôm, chị hớn hở khoe là chị đã đọc được những tựa đề lớn trên báo, chữ nào không biết, chị đem lên hỏi Phượng. Quen rồi, lúc Phượng ngồi học ban đêm, chị ngồi một góc, cầm tờ báo, đánh vần truyện bằng tranh "Bé Ngôn Bé Luận", truyện "Tuổi Ô Mai", nhưng chắc không có tuổi nào là tuổi của chị! Lúc Phượng bắt đầu ngáp dài ngáp ngắn, chị lẳng lặng đi pha cho nàng ly nước chanh tươi, bao giờ cũng chỉ để ba cục nước đá, là tiêu chuẩn của Phượng. Chị tỉ mỉ và chu đáo. Niên học ấy, quần áo đồng phục của Phượng lúc nào cũng thẳng tắp như lấy trong tiệm giặt ra. Bà nội hài lòng chị lắm, khen luôn.

Nhưng số chị không may. Chị đi làm công nhưng chẳng bao giờ có tiền riêng. Tháng nào mẹ chị cũng lên hỏi mượn trước bà nội tiền lương của chị. Mẹ chị nói là để trả tiền nhà, tiền con bị bệnh, v.v... nhưng chị nói với Phượng là các em chị cũng đi làm công cho người ta cả, đâu có ở nhà với mẹ chị! Hóa ra, bà ta mượn tiền lương của các con để chơi số đề. Ông bố dượng lại nhậu nhẹt cả ngày, lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi!

Dần dần, bà nội biết chuyện, bà không cho mẹ chị lấy trước tiền lương nữa. Có lần bà mắng mẹ chị:
- Chị lấy hết tiền lương của nó, tội nghiệp con bé, đi làm quần quật, cái quần cái áo cũng không có tiền mà sắm.
Phượng mới chợt nhìn lại chị và để ý là từ khi vào làm, chị chỉ có hai bộ đồ thay đổi. Phượng nói với Thím nàng:
- Cháu cho chị Thu ít bộ quần áo cũ Thím nhé. Ðằng nào cũng hết mode rồi, xếp đấy cũng thế!
Thím gật đầu:
- Ừ, mẹ nó tệ với nó quá!
Thế nhưng, chị Thu nhận quần áo lại không dám lấy ra mặc. Chị nói:
- Có dịp đi đâu mới mặc, cô ạ. Phí quá, tôi không dám lấy ra mặc ở nhà đâu.

Vay tiền bà nội không xong lại còn bị bà mắng, mẹ chị không dám bén mảng đến nhà, chỉ chờ mỗi sáng chị Thu phải theo chị Kim đi chợ, thì bà đi theo nằn nì chị đưa tiền. Chị Kim về kể:
- Cái con Thu nó khờ thật! Có đồng nào lại trút hết ra cho bà ấy. Mẹ gì có thứ mẹ như vậy!

Nhưng chị Thu không hề than vãn một lời. Cho đến một hôm, mẹ chị cũng đón chị ở chợ xin tiền, chị không có nên bị mẹ xỉ vả ngay giữa chợ, về đến nhà mắt còn đỏ hoe, bà nội mới biết chuyện. Chị hỏi xin mượn trước nửa tháng lương, chị nói nếu không mẹ chị không để cho chị yên.

Gần Tết năm ấy, mẹ chị lại nhà xin bà nội cho chị về nhà hai hôm, nói là có giỗ, và muốn ăn tết trước ở nhà vì đến ngày tết thì chị phải ở lại giúp chị Kim làm cỗ và cúng tết.

Bà nội bằng lòng, còn cho mẹ chị chậu cúc đem về chưng nhà ba ngày tết. Mẹ chị ngồi trong bếp đợi chị thu xếp quần áo, dặn với theo:
- Bận cái áo nào đẹp đẹp một chút, hổng mấy khi về nhà, hàng xóm láng giềng nhìn vô!

Chị "dạ", rồi đi vào. Lúc lâu sau, chị trở ra với cái xách tay bằng nylon, mặc bộ quần áo mầu hồng nhạt, mà Phượng cho chị hôm đã lâu. Phượng ngạc nhiên ngắm nghía chị. Trông chị như lột xác trong bộ quần áo khác với ngày thường. Phượng khen:
- Chị đẹp quá! Giá ngày nào chị cũng ăn mặc thế này có phải hơn không? Không khéo người lạ vào nhà này lại tưởng chị là "tiểu thư" đấy.
Chị ngượng ngùng:
- Cô lại chọc tôi rồi.
Mẹ chị nhìn chị từ đầu đến chân, chép miệng:
- Diện như vầy mà lần nào tao hỏi cũng kêu không có tiền!
Phượng bực dọc toan cãi nói là bộ quần áo này chính nàng cho chị. Nhưng chị hiểu ý, ra dấu cho Phượng im, và lôi tuột bà mẹ ra ngoài. Chị vào chào bà nội. Bà dúi cho chị tờ giấy 50$, nói khẽ:
- Cho mày ăn Tết. Mày dấu đi, kẻo mẹ mày thấy lại lấy hết thì vừa!
Chị nghẹn ngào cảm ơn rồi quay bước, theo mẹ đi.

Nhưng chưa đến nửa ngày sau, chiều hôm ấy, chị tả tơi về, tóc tai rũ rượi, khóc sưng cả mắt. Bà nội đi lễ chùa. Thím gọi chị lên phòng hỏi chuyện. Chị vừa khóc vừa kể là mẹ và bố dượng chị thiếu tiền người ta, hứa bán chị trừ nợ. Chị về gần đến nhà thì mẹ chị bảo chị về trước đi, mẹ ghé sang hàng xóm trả cái nón. Chị vào đến nơi thì có đến mấy người đàn ông lạ mặt ở đâu ra mở cửa, lôi chị vào nhà. Sợ quá, chị chạy trối chết ra bến xe. Bố dượng thấy âm mưu không xong, chạy theo, lôi chị về không được nên đánh cho chị một trận ngay giữa đường. Nếu không nhờ cảnh sát đến can thiệp kịp thời, thì chị cũng không chạy thoát về đây. Chị nói không nhờ bà nội cho chị 50$ trước khi đi thì không biết làm sao mà về.

Thím của Phượng nghe xong, rùng mình:
- Từ nay, bà ấy có đến gọi mày về cũng không được về nữa! Nói là bà không cho phép. Cái thứ mẹ Trời đánh ấy.

Mấy lần sau, mẹ chị lên tìm, bà nội không cho chị đi theo nữa. Tên bố dượng ấm ức vì chuyện lần trước bị nhốt trong bót mấy ngày, có hôm đón chị ngoài chợ, làm nhục chị trước đám đông.

Chị tủi thân, xin bà nội cho nghỉ để đi tìm chỗ khác xin làm, không cho mẹ chị biết để tìm chị nữa. Bà nội tiếc lắm, nhưng thấy hoàn cảnh chị như vậy, đành giới thiệu chị sang làm một nơi khác thật xa. Hôm dọn đi, chị khóc lóc với Phượng:
- Từ nay mỗi khi cầm tờ báo đọc, tôi sẽ nhớ mãi đến cô.

Phượng không có gì, nên lấy bộ quần áo Thím mới cho tháng trước, đưa tặng chị. Nghe nói, chỉ làm ở chỗ mới được hơn một năm, chị cũng xin nghỉ, bà nội cho là người chủ mới khe khắt với chị quá.

Hình ảnh chị người làm không tồn tại trong trí óc Phượng lâu, vì sau đó, chẳng bao giờ Phượng gặp lại chị.

Thời gian cứ vùn vụt trôi qua, hết năm này đến năm khác, cho đến một hôm, nhân dịp Bích bị bịnh bỏ cours. Tan trường ra, Phượng chạy thẳng đến nhà đưa bài cho Bích. Xe đang chạy ngon trớn, vừa đến một khúc quẹo ngay đầu một con hẻm, thì hai ba người đàn ông đuổi theo một người con gái, từ trong hẻm xô ra. Một người cầm tóc cô, giật ngược lại, rồi xô mạnh làm cô ngã chúi xuống đường. Phượng xém đụng vào cô ta, vội thắng lại. Chiếc xe honda lạng nghiêng sang một bên làm nàng xiểng niểng. Chồng cours xếp ngổn ngang trên chiếc giỏ trước xe bị hất xuống, rơi ngổn ngang dưới đất. Chiếc xe té ngang ra giữa lối đi, bánh xe vẫn còn quay vòng vòng trong không khí. Mấy người đàn ông trước khi bỏ chạy, không quên ngoái đầu lại:
- Ngày mốt tụi tao trở lại, không đưa tiền thì mày đừng trách chúng tao.

Phượng chống tay đứng dậy, dựng chiếc xe đứng lên, định chạy lại xem cô gái có bị nàng đụng chỗ nào không, thì cũng vừa lúc cô ta đứng dậy, trên mặt bê bết máu. Cô ta nhìn sững Phượng rồi kêu lên:
- Cô Phượng!
Phượng còn đang ngỡ ngàng, thì cô vội vã cúi xuống nhặt mấy quyển sách rớt bê bết dưới đất, để vào giỏ xe honda cho Phượng:
- Tôi là Thu đây, cô Phượng.

Phượng nhìn không ra chị cũng phải, vì chị không còn là chị Thu của nhiều năm về trước. Trong bộ quần áo diêm dúa của các cô gái bán bar, và khuôn mặt trang điểm sặc sỡ, chị đẹp lộng lẫy, nhưng không còn là cái đẹp ngày nào Phượng thấy nơi chị. Dựng chiếc xe xong, Phượng rút chiếc khăn tay ra, đưa cho chị:
- Sao chị đến nỗi này? Bọn người kia đánh chị à? Chị lau sạch đi, chảy máu rồi.
Chị nhìn dáo dác, bảo Phượng:
- Cô đi ngay đi, tránh xa chỗ này ngay.
Phượng lắc đầu:
- Không gặp thì thôi. Thấy chị thế này, em bỏ đi sao được. Ít nhất cũng phải cho em biết chuyện gì xảy ra cho chị, em có thể gọi cảnh sát cho chị.
Chị sợ sệt ra mặt:
- Không cô ạ, đi ngay đi, nhỡ bọn chúng quay trở lại thì khốn.
Một tay Phượng đẩy chiếc xe, một tay nàng kéo tay chị Thu:
- Em không sợ, ở đây giữa đường giữa xá, ai dám làm gì? Chị theo em, ta sang quán nước bên kia nói chuyện.
Chị Thu rướm rướm nước mắt:
- Tôi không còn như xưa nữa cô Phượng ạ. Nhỡ ai gặp cô đi với tôi, mang tiếng cô không được.
- Em không sợ thì chị sợ gì?
Gửi xe xong, Phượng lôi chị vào quán nước, đi thẳng vào toilette cho chị rửa sạch vết máu. Phượng hỏi lại:
- Chuyện gì mà bọn họ đánh chị đến chảy máu thế này?
Chị nghẹn ngào:
- Bọn họ có đánh tôi, nhưng chảy máu thì không phải do họ đánh.
Chiều xuống dần trên hè phố. Nghe chị kể chuyện xong, Phượng ngậm ngùi bảo chị:
- Chị còn đẹp lại trẻ quá, bỏ nghề này đi, tránh xa chỗ bụi bặm này đi chị ạ. Lúc nãy, là em đang trên đường đi đến nhà con bạn em, bố nó có tiệm hình lớn đang cần người ngồi trông tiệm, ngồi ở quầy thu tiền. Ðể lát nữa, em hỏi xem ông có chịu giúp cho chị không? Ba má nó thương em lắm.
Chị buồn bã:
- Cám ơn cô, tôi chỉ đọc được bập bẹ, lại không biết viết, giữ quầy thế nào được. Bây giờ lại mang vào chứng bệnh này, cứ vài bữa lại ho ra máu. Làm cho người ta, không giúp được gì, có khi lại gây hại cho người tốt.
Phượng thấy chị nói có lý, nàng xuôi theo:
- Cũng phải. Nhưng chị phải cho em địa chỉ chỗ chị ở. Em về nhà hỏi bác em, chắc chắn bác sẽ biết chỗ chữa trị cho chị.
Lúc chia tay, Phượng dúi tờ giấy 500$ vào tay chị:
- Chị tạm kiếm chỗ lánh mặt vài hôm trong khi chờ em hỏi bác em chị nhé.
Chị ngần ngừ mãi rồi mới chịu cầm tiền.
Lúc về nói chuyện với bác nàng. Bác Liêm bảo:
- Nếu thế thì cô ấy cũng ho lao đến thời kỳ cuối rồi. Phải vào Viện Bài Lao mới được.
Phượng hỏi bác:
- Không còn cách nào hở bác?
- Không, ít nhất vào đấy, cũng có bác sỹ, y tá chăm sóc cho cô ấy trong những ngày còn lại, và tránh xa được đám người hung ác kia. Hơn nữa, cô ấy làm cái nghề như vậy, để cô ấy ở ngoài, sợ còn lây sang nhiều người khác.
Phượng không biết nói gì hơn:
- Dạ, cháu xin bác giúp cho. Chị ấy hiền lành lắm bác ạ. Không hiểu sao đời chị lại khổ thế?
Bác trấn an nàng:
- Cháu đưa địa chỉ cô ấy đây. Bác hỏi mấy anh bạn bác sỹ xong sẽ làm thủ tục cho cô ấy nhập viện. Ðiều quan trọng là phải nghe lời bác, cháu không được đến tìm cô ấy nữa, bệnh ấy nguy hiểm, hay lây, mọi việc để bác lo cho.
Phượng gật đầu, cám ơn bác. Nàng dặn:
- Khi chị được nhập viện rồi, cháu chỉ nhờ bác nhắn là cháu sẽ thỉnh thoảng biên thư cho chị ấy, được không bác?
Bác hiền hòa bảo nàng:
- Ðược, bác sẽ nhắn. Khổ! Cháu tôi hiền lành, rồi Trời sẽ thương!

Ít hôm sau, bác cho Phượng địa chỉ của Viện Bài Lao và nhắn lời là chị Thu mong thư của nàng từng giây từng phút. Nhưng chị nói là chị sẽ không trả lời thư, vì chị không biết viết, và chị sẽ giữ hết những lá thư của Phượng, để lâu lâu lấy ra đọc lại.

Ðều đặn, nàng viết thư thăm hỏi chị Thu, lá thư nào cũng viết chữ to như con gà, cho chị dễ đánh vần, kể chuyện bên ngoài cho chị nghe, và kể những lời cầu nguyện của nàng nữa. Nàng có biết đâu là những lá thư ấy, lá nào chị cũng đọc cho đến ướt đẫm nước mắt. Những lá thư không bao giờ được hồi âm, nhưng Phượng yên tâm lắm. Chỉ cần ngày nào thư của nàng không bị trả lại, thì Phượng hiểu là đã đến tay chị. Nàng chỉ cầu Trời Phật cho đừng bao giờ thư của nàng bị trả về.

Ðến gần lễ Giáng Sinh, nàng cũng gửi cho chị Thu một tấm thiệp với lời cầu nguyện bình an cho chị.

Gia đình nàng không theo đạo nên không ăn réveillon như những nhà khác. Nhưng theo thông lệ, nàng và đám bạn vẫn rủ nhau đi chơi ngoài đường rồi đến khuya, ra Vương Cung Thánh Ðường xem người ta làm lễ. Bích dặn nàng:
- Phượng để xe ở nhà nhé. Chui vào mấy chỗ đó, không có chỗ gửi xe đâu.
Hai đứa đi bộ suốt đến Nhà Thờ Tân Ðịnh giữa đoàn người nườm nượp, quần áo đủ mầu sắc. Ðứng bên này đường nhìn sang nhà thờ, các thiên thần trắng trên nóc nhà thờ như lung linh bay bổng. Bích nhìn bộ áo đầm trắng Phượng mặc, trêu:
- Phượng trèo lên kia đứng chung thì giống các thiên thần lắm.
Phượng cười, đập vào tay Bích:
- Mình đi chứ? Bọn con Thanh đứng chờ tụi mình ở Vương Cung Thánh Ðường sẽ thành tượng hết.
Càng về khuya, đoàn người đổ xô ra đường càng đông, có muốn đi nhanh cũng không được. Trời đêm lành lạnh. Phượng kéo cao cổ áo len, cùng Bích nhích từng bước một. Ðến gần nửa đêm thì hai đứa cũng đến được Vương Cung Thánh Ðường. Bọn con Thanh cũng đến sau đó ít phút. Cả bọn nhập lại, tíu tít nói chuyện. Thanh nói:
- Tan lễ, về hết nhà Thanh ăn réveillon. Mẹ Thanh nướng sẵn gà Tây từ sáng rồi, khuya mình về ăn.
Liên cũng nói:
- Ừ, Liên cũng làm bánh Noël đem đến hồi chiều rồi. Ðẹp lắm.
Cả bọn kéo nhau đi xem hang đá, nơi Chúa Hài Ðồng ra đời. Ánh đèn giăng mắc khắp nơi, tưng bừng rộn rã. Từng đoàn mục đồng xếp đẹp đẽ trước cửa hang.
Thanh bảo cả bọn:
- Thanh phải vào tìm chỗ, chờ đến giờ lễ đây. Bọn ngoại đạo này cứ đi chơi thong dong nhé. Tan lễ, hẹn nhau đúng chỗ này.
Phượng nhìn vào bên trong nhà thờ, nhìn lên tượng mẹ Maria nhân từ. Nàng chạnh lòng nhớ đến hình ảnh chị Thu gầy guộc, giờ này nằm một mình trong Viện. Phượng nói:
- Phượng cũng muốn vào cầu nguyện. Thanh làm gì thì Phượng làm theo như vậy.
Bích trợn tròn mắt nhìn nàng:
- Chuyện lạ bốn phương! Con Phượng có điều gì bí ẩn tụi bay ạ. Hèn gì suốt từ chiều nó đi bên Bích mà cứ trầm ngâm.
Bích hỏi nhỏ bên tai Phượng:
- Phượng yêu ai rồi phải không? Nói đi, Bích không nói cho chúng nó nghe đâu.
Phượng không phản đối:
- Ừ, yêu như nhạc sỹ Phạm Duy "Tình thương nhân thế bao la", thì Phượng đang yêu đây, mà yêu rất sâu đậm nữa.
Bích ré lên:
- Lại còn triết lý nữa, bà cụ non ạ, khai hết ra đi cho rồi.
Phượng chỉ cầm tay bạn, siết trong tay mình:
- Ði, chúng ta cùng vào, cùng cầu nguyện với Phượng.

Nhìn lên tượng Maria và tượng Chúa chịu nạn, nàng lẩm nhẩm mấy câu thơ của Kiên Giang:
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo,
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Trong lòng con giữa mầu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!

Quỳ bên cạnh Thanh, nàng cũng chắp tay, nhắm mắt liên tưởng đến hình ảnh chị Thu, cầu nguyện:
- Lạy Mẹ Maria, lạy Chúa. Xin ngài đem tình thương xuống nhân thế, cứu rỗi những linh hồn đau khổ. Xin cho con đủ can đảm và nghị lực, đem tình thương của ngài đến với trần gian, đến với những tâm hồn đang bị đầy đọa. Xin phù hộ cho những người con yêu mến, xin giúp cho những cánh thư của con mãi mãi, mãi mãi không bao giờ bị trả lại. Xin ngài lắng nghe con gọi: "Chúa ơi!". A men...

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1753627