ĐI CHƠI CHÙA HƯƠNG

Nguyễn Giụ Hùng


LỜI MỞ ĐẦU:

Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.


Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay.
Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tới
Khen tươi như trăng rằm.

Tôi đứng nhìn Thi mà chợt bật cười nhẹ. Uyên ngửng lên hỏi:
- Có chuyện gì mà anh cười vậy?
- Không! Tôi vội trả lời ngay.
- À, Uyên có nhớ bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp không nhỉ?
- Em nhớ! Sao anh?
Tôi mỉm cười, vừa đưa mắt về phía Thi đang lúi húi đi đôi săng-đan da, vừa đọc một đoạn thơ:
Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao
Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá
Bao giờ cô lấy chồng?”

Uyên chỉ mỉm cười, không nói. Thi vẫn được bình yên vì nàng không biết những câu thơ tôi vừa đọc là để dành riêng trêu nàng. Hay nàng biết mình bị trêu nhưng tảng lờ.

Để bớt căng thẳng trong công việc, vừa làm tôi vừa kể cho Uyên và Thi nghe một vài câu chuyện vãn về chùa Hương, một thắng cảnh chúng tôi sắp tới.

Tôi hỏi Uyên và Thi:
- Anh đố hai cô ở Việt Nam ta có mấy chùa Hương nào?

Hai người nhìn nhau như hỏi ý. Uyên lên tiếng trước:
- Em không biết!

Thi vui vẻ tiếp theo lời chị:
- Em biết! Hai phải không?
- Giỏi! Sao em biết? Nói cho anh nghe!
- Em chỉ đoán thôi! Thấy anh hỏi có mấy chùa Hương thì em đoán ngay là phải có nhiều hơn một. Em chọn số hai.

Tôi và Uyên cùng phá lên cười. Uyên nói:
- Cô em của chị hơn hẳn chị rồi!

Dựa theo tài liệu tôi đã đọc, nước ta có hai chùa Hương, một ở tỉnh Hà Tĩnh và một ở tỉnh Hà Đông. Tôi giải thích để Uyên và Thi hiểu thêm về hai ngôi chùa này. Ngôi chùa Hương-Hà Tĩnh cũng được gọi tắt là chùa Hương, nằm trên dẫy núi Hồng Lĩnh, có 99 ngọn núi cao vút, thuộc huyện Can Lộc. Chùa được xây trên núi cao nên thường có mây phủ.

Để đến chùa Hương-Hà Tĩnh, khách hành hương cũng phải đi thuyền từ hồ Đường rộng lớn, dọc theo suối Hương Tuyền, rồi lên bờ theo đường núi dốc chừng bốn cây số thì tới chùa. Ngày lễ hội được mở vào mùa Xuân, rơi vào ngày 18 tháng Giêng đầu năm. Khách hành hương cũng đông đảo từ các nơi đổ về đây trẩy hội. Ngôi chùa Hương này được xây từ đời nhà Trần, có lẽ vào cùng thời gian vua Trần Nhân Tông vào tu ở chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Chùa bị tàn phá dưới thời nhà Minh và thời Pháp thuộc. Sau đó, chùa được xây lại theo kiến trúc cổ nguyên thủy.

Tại sao lại có chùa Hương thứ hai ở Hà Đông? Cứ dựa theo những tài liệu xưa để lại cho ta biết, vào thời vua Lê-chúa Trịnh, các vua chúa thường có quê ở trong Thanh Hoá nên các cung tần, mỹ nữ cũng thường được tuyển từ miền Thanh-Nghệ ra. Hàng năm các mỹ nhân này từ kinh đô Thăng Long về dự hội chùa Hương ở Hà Tĩnh nơi gần quê nhà nên rất bất tiện vì đường xá xa xôi. Chúa Trịnh liền giao cho một đại sư Phật giáo nghiên cứu dự án và thực hiện việc xây dựng một chùa Hương thứ hai tương tự ở vùng thắng cảnh non bồng của Hương Sơn thuộc tỉnh Hà Đông để các mỹ nhân này có thể bái vọng về mà không phải đi xa.

Với lý do đó, theo cuốn “Hương Sơn Thiên Trù Thiên Phả”, chùa Hương-Hà Đông mà chúng tôi sắp tới thăm, riêng tháp chuông ở nơi đó là một “phiên bản”, tức xây dựng đúng theo khuôn mẫu kiến trúc của chùa Hương ở Hà Tĩnh, được xây dựng vào đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704). (Có những tài liệu ghi thời điểm xây dựng chùa Hương ở động Hương Tích khác nhau). Vì chùa nằm trong động Hương Tích nên còn được gọi là chùa Hương Tích.

Uyên chen vào câu chuyện:
- Thế là hai chùa được xây dựng cách nhau tới mấy trăm năm. Chùa Hương đầu tiên ở Hà Tĩnh được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 13, chùa Hương ở Hà Đông được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 17.

Tôi gật đầu:
- Ừ, cũng vào khoảng đó.

Tôi biết chùa Hương-Hà Đông là khu vực có sông Đáy chảy qua. Tôi hỏi Thi:
- Nào, cô học trò giỏi của anh! Cô cho anh biết, sông Đáy còn gọi là sông gì? Và trong lịch sử của ta đã xẩy ra những chuyện gì trên con sông ấy?

Uyên nhìn Thi cười cười chờ đợi câu trả lời của cô em. Thi nhanh nhẩu và hí hửng trả lời tôi như một cô học trò “đọc bài” (trả bài) cho thầy:
- Thưa anh, sông Đáy là một phụ lưu của sông Hồng, còn gọi là sông Hát. Đúng không ạ? Hai Bà Trưng đã nhẩy xuống sông Hát tuẫn tiết để không bị lọt vào tay của quân Mã Viện.

Uyên nhìn Thi thở phào, vỗ tay nhẹ mấy cái để thay cho lời khen thưởng. Tôi giảng thêm cho Thi:
- [Ngay tại cửa sông Hát (Hát môn), thuộc huyện Phúc Thọ ngày nay, nơi đây có đền thờ Hai Bà với hai con voi phục bằng đá và những câu đối kể công lao của Hai Bà trong việc đứng lên khởi nghĩa chống lại giặc Hán, giải phóng đất nước. Cứ dựa theo di tích như những chiến lũy, dấu vết còn để lại tại những nơi không xa địa phận Hương Sơn là mấy, ta có thể kết luận là khu Hương Sơn cũng đã từng là trận địa dưới thời Hai Bà. Giữa huyện Lương Sơn và Mỹ Đức có núi Vua Bà, mà theo dân gian kể lại thì đó là một trận địa quan trọng. Trên những núi của Hương Sơn có loại sâm mang tên “sâm Mã Viện”.

Ngày xưa, có con đường chiến lược gọi là Thượng Đạo, từ phía Nam đi lên phía Bắc phải đi qua gần vùng này. Nhờ vào địa thế núi rừng hiểm trở, hẳn Hương Sơn đã từng là nơi dừng chân hay đóng quân tạm thời của những đại quân Lê Lợi ra Bắc đánh quân Minh và đại quân Nguyễn Huệ ra Thăng Long đánh quân Thanh. Cũng có thể, xa xưa hơn nữa, quân của Đinh Bộ Lĩnh cũng đã dùng con đường Thượng Đạo này, đã từng qua đây để tiến đánh Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Thanh Oai thuộc tỉnh Sơn Tây] (1)

Thấy mọi người đã sẵn sàng, tôi lên tiếng như ra lệnh:
- Chúng ta đi thôi!

Uyên và Thi cùng đáp:
- Vâng ạ!

Tôi bỏ thức ăn, trái cây và nước vào ba-lô. Tôi hỏi Thi:
- Ba-lô em có nặng lắm không? Chia sang ba-lô của anh để anh mang đỡ cho. Hôm nay đi bộ xa lắm đó, lại leo núi nữa.
- Không nặng anh ạ!

Vừa nói Thi vừa nhẩy lên mấy cái như để chứng minh với tôi về lời nói của nàng.
- Thôi được! Khi nào em mệt, anh sẽ mang đỡ cho.
- Vâng ạ!

Thi trả lời tôi với khuôn mặt thật rạng rỡ, cái rạng rỡ vui mừng của “đứa trẻ” sắp sửa được đi chơi xa.

Chúng tôi dời khỏi nhà, sẵn sàng cho chuyến đi chơi xa đôi ngày mà chúng tôi đã mong đợi và háo hức từ lâu.

 

 

CHƯƠNG I
Phần 1



Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà.

Uyên trong chiếc áo dài tơ mầu mỡ gà, khoác ngoài chiếc áo len mầu nâu nhạt. Còn Thi vẫn trong chiếc áo dài trắng học trò hàng ngày, khoác ngoài chiếc áo len mỏng mầu tím Huế. Đi leo núi mà hai cô ăn mặc thế kia thì không tiện lắm. Nhưng thôi cũng được, đi lễ chùa mà, ta cũng nên mặc áo dài cho nó trang trọng, thành kính.

Dựa vào những tài liệu tôi có, quần thể Hương Sơn thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (trước kia là huyện Hoài An), tỉnh Hà Đông, cách Hà nội khoảng 60 cây số về huớng Tây-nam. Lộ trình đi thăm quần thể Hương Sơn, thông thường người ta có thể chia ra làm 3 tuyến đường chính mà du khách và khách hành hương đến đất Phật thường lui tới:
- Tuyến đường chính đưa tới chùa Hương Tích.
- Tuyến đường thứ hai đưa tới chùa Hinh Bồng.
- Tuyến đường thứ ba đưa tới chùa Tuyết Sơn.

Trong đó, tuyến đường chính để vào động hay chùa Hương Tích là “trung tâm điểm” thu hút du khách và khách hành hương nhiều nhất.
Với ba tuyến trên, ta không thể đi hết trong vòng một ngày, nhanh lắm cũng phải mất hai ngày, thong thả phải mất ba ngày mới tạm nói là ta đã đi gần hết những điểm chính của quần thể ấy.

Tuyến đường chính vào chùa Hương Tích

Tôi phác họa ngay lộ trình vào thăm chùa Hương Tích để không bị bỡ ngỡ vì đây là lần đầu chúng tôi đặt chân đến vùng “Đệ nhất Nam thiên ấy cảnh này” (1).
Kề ngay bến xe Hồng Quang là bến Đục. Từ bến Đục, ta đi bộ tới bến đò Yến.
Ta xuống thuyền tại bến đò Yến. Thuyền bơi dọc theo suối Yến để ghé qua đền Trình, rồi từ đây thuyền lại tiếp tục chèo đến bến đò Trò, hay bến đò Thiên Trù, nơi đây có chùa Thiên Trù, còn gọi là “chùa Ngoài” (Chương I/ Phần 1)
Từ chùa Thiên Trù ta đi bộ, lần theo đường núi để đến chùa Tiên ngay gần đó, rồi qua chùa Giải Oan có động Tuyết Quỳnh hay Tuyết Kình, rồi đến đền Chấn Song hay còn gọi là đền Cửa Võng. Rồi tiếp tục đi theo triền núi tới động Hương Tích hay còn gọi là “chùa Trong”.

Từ bến xe khách Hà Nội, xe chuyển bánh vào khoảng 6 giờ sáng. Chúng tôi đến bến xe Hồng Quang vào đúng 8 giờ sáng. Các xe khách từ các nơi cũng đổ về đây làm quang cảnh bến xe có phần đông đúc nhộn nhịp hẳn lên. Các cửa hàng đã mở cửa tự bao giờ. Bên cạnh bến xe là bến Đục thuộc làng Đục Khê. Bến Đục là một bến đò trên dòng sông Đáy. Từ đây coi như ta đã bước chân vào vùng đất Phật Hương Sơn hay đúng ra là khởi đầu cho một quần thể núi, sông, chùa chiền, hang động của thắng cảnh mang tên Hương Sơn.

Từ bến Đục, chúng tôi qua chiếc cầu gạch, đi bộ hơn một cây số thì tới bến đò Yến thuộc suối Yến của làng Yến Vĩ (đuôi chim Yến). Người dân làng Yến Vĩ ví làng mình mang hình dáng con chim yến (hay chim én), một loại chim của mùa xuân. Vào những ngày hội, con đường này rất đông vui.

Bến đò Yến

Tại bến đò Yến, chúng tôi thuê một chiếc đò “tam bản” đan bằng tre. Ở đây có cái lạ là người ta thuê thuyền theo ngày chứ không theo chuyến. Du khách muốn xuống chỗ nào thì thuyền neo đợi. Khi khách trở ra, thuyền sẵn sàng đưa khách đi tiếp. Cô lái đò của chúng tôi còn trẻ, vui tính, rất thân thiện và phải nói thêm là duyên dáng nữa.

Cô lái đò giúp chúng tôi ngồi an vị trên thuyền. Uyên và Thi có lẽ đây là lần đầu tiên đi thuyền trên sông, suối nên hai cô tỏ ra hơi sợ mỗi khi thuyền chòng chành. Nhưng chẳng mấy chốc chúng tôi cũng đã làm quen được với chiếc thuyền nan này.

Thuyền từ từ lướt nhẹ theo dòng suối Yến. Nước vỗ vào mạn thuyền nghe thật vui tai. Cảnh vật ở đây, đúng là cảnh thiên thai, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Trước là núi, hai bên là núi, trên cao là trời xanh, ở giữa là dòng suối lững lờ trôi một cách êm đềm, bình thản.
Núi có cái đẹp của núi. Núi không cao nhưng trùng trùng điệp điệp, lớp trước lớp sau, lớp tỏ lớp mờ, lớp ẩn lớp hiện. Mầu sắc của núi biến đổi luôn luôn theo ánh sáng mặt trời đang lên.

 

Nước có cái đẹp của nước. Suối Yến không sâu nhưng mở rộng ra như thể không bờ. Nếu có bờ, cũng chỉ là bờ của những thửa ruộng đồng ngập nước. Từ lòng suối ngoi lên những mảng “cỏ xanh”. Thêm vào đó, những đám rong rêu lay động, lập lờ trong lòng suối như tóc tiên buông xõa cuốn nhẹ lấy mái chèo.
Trong làn nước nhẹ mọc rêu xanh,
Như gấm mơ hồ dưới thủy tinh.
Chèo khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa,
Thuyền đi trên vạn sắc màu xinh.
(Trích bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)

Hình bóng phản chiếu trên nước của núi và mây như quyện lại với nhau một cách hài hòa và cùng trôi chẩy theo chiếc thuyền nan.
Qua mỗi khúc ngoặt hay quanh co của suối, cảnh vật lại đột ngột thay đổi. Quang cảnh thật hùng vĩ nhưng vẫn dung dị êm đềm như thơ, vẫn mang cái tinh khiết thoát tục của nơi đất Phật. Ai đặt chân đến đây cũng thấy lòng mình thanh thản, xa hẳn cõi bụi trần. Người ta đến đây, với cảnh trí này, không phải chỉ để ngắm cái cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn tự muốn bỏ đi những vướng mắc, trần trượt của bản thân mình trong đời sống hàng ngày.

Cả ba chúng tôi đều yên lặng để được tận hưởng, chìm đắm trong cái lâng lâng, buông thả và bay bổng của tâm hồn. Thỉnh thoảng cả Uyên và Thi lại “ồ” lên mấy tiếng trước những cảnh đẹp hiện ra bất ngờ. Như khi thấy những mỏm núi chìa hẳn ra ngoài suối với hình thù ngộ nghĩnh. Hay ngay trên đỉnh của ngọn núi nhỏ nằm sát bên bờ suối có một chiếc miếu nhỏ nằm chênh vênh trên đó nhưng lại tuyệt đẹp, thanh thoát, in bóng vươn lên trên nền trời cao. Hay bất chợt, cùng bắt gặp những hang động hiện ra với những mảng dây leo buông tỏa xuống như mành.

Khung cảnh nên thơ này không phải chỉ là cái đẹp của núi, của suối và của mây không thôi, mà nó còn được tô điểm bởi những rặng cây thẳng tắp mọc trên triền núi cùng với cái dáng vươn cao của những cây gạo. Người ta nói, những cây gạo này, hoa sẽ đỏ rực như những đốm lửa đỏ in trên nền trời xanh vào mùa hè.

Vài con trâu hững hờ ăn cỏ trên đồng, cùng hình ảnh vài ngư phủ đang bì bõm đánh dậm trên cánh đồng chiêm, hay hình ảnh của người tiều phu đang lom khom vác củi rừng trên triền núi, tất cả đều là những nét chấm phá khá đặc biệt của vùng Hương Sơn. Những nét chấm phá ấy còn hòa trong tiếng chuông trầm buồn ngân lên từ những ngôi cổ tự hay những tiếng ríu rít của đàn chim sáo trên cành cây cổ thụ.

Hương Sơn đã làm rung động tâm hồn của biết bao bậc thi nhân từ cổ chí kim và đã đóng góp không ít cho nền văn học, thi ca nước nhà.
Cô lái đò lên tiếng làm quen:
- Ba anh chị mới tới Hương Sơn lần đầu?
- Đúng thế cô ạ! Chúng tôi chỉ biết chùa Hương qua sách vở hay nghe kể lại thôi. Hôm nay chúng tôi mới có dịp đến đây để coi tận mắt cảnh đẹp nổi tiếng của quê hương mình.

Bây giờ tôi mới ngửng lên nhìn kỹ cô lái đò. Cô trạc tuổi Uyên có nước da hơi sạm nâu, khuôn mặt dễ thương, có đôi môi dày tình tứ, lại có má lúm đồng tiền mỗi khi cô cười. Với thân hình khỏe mạnh của một cô gái đồng quê, chứng tỏ cô đã quen thuộc với công việc nặng nhọc đồng áng hay đưa đò này.

Cô cho biết, những cô gái ở vùng này, ngoài công việc thường ngày làm ruộng hay trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ. Nhưng vào mùa xuân, các cô làm thêm nghề lái đò đưa đón khách hành hương trên suối Yến.
- Em ghé vào đền Trình để ba anh chị vào lễ Thánh nhé.

Tôi vui vẻ trả lời:
- Cám ơn cô!
- Em đậu thuyền ở đây chờ. Khi nào các anh chị ra, em sẽ đón để đưa các anh chị đi tiếp.

Cô lái đò từ từ tắp thuyền vào bến đền Trình. Bên bờ suối, vài cô gái đang giặt quần áo và chiếu. Mấy cô dừng tay nhìn chúng tôi vẫy tay cười chào. Chúng tôi vẫy tay chào lại.

Tôi xuống thuyền trước đỡ cho Uyên. Thi cứ đứng trên thuyền không chịu xuống. Tôi đưa tay ra đỡ nhưng nàng nhất định từ chối.
Thi cười với cô lái đò:
- Em muốn nhẩy lên bờ, được không chị?

Cô lái đò nhìn Thi chỉ mỉm cười không nói. Tôi vội ngăn lại:
- Em đừng nhẩy! Ngã đấy!

Tôi chưa kịp ngăn lại, Thi đã nhẩy ào lên bờ. Vừa đặt chân tới đất, Thi đã vỗ tay tự khoe: - Em giỏi chưa!

Chưa đứng vững, Thi bỗng bổ nhào lao vào người tôi làm tôi loạng choạng tý nữa ngã theo. Với phản ứng tự nhiên tôi ôm chầm lấy Thi đề nàng khỏi ngã sấp xuống đất. Khi hoàn hồn, tôi thấy tình thế trông thật bất tiện, Thi đang nằm gọn trong vòng tay tôi. Tôi vội buông vòng tay ra khi Thi vừa lấy lại được thăng bằng. Mặt Thi đỏ ứng, ấp úng xin lỗi:
- Em xin lỗi! Em xin lỗi!

Uyên chạy lại chỗ Thi hỏi đùa:
- Hai “cô cậu” làm gì mà tý nữa ngã bổ chổng ra với nhau vậy?
- Em vấp phải hòn đá cuội to nên mất thăng bằng. Em xin lỗi! Thi cười gượng nói.

Để đánh trống lảng cho Thi đỡ ngượng, tôi nhìn cô lái đò nheo mắt nói to:
- Không phải lỗi tại em đâu! Lỗi tại cô lái đò kia kìa!

Với cái nheo mắt của tôi, biết là tôi chỉ nói đùa nên cô lái đò cũng cười vui vẻ lên tiếng:
- Phải rồi! Lỗi tại em! Lỗi tại em! Thôi, các anh chị vào đền lễ Thánh đi. Em đợi!

Cả ba chúng tôi đi về hướng đền Trình, lên mấy bậc thang gạch rồi vào sân đền. Uyên đi trước, cách chúng tôi đủ xa, Thi lại nói:
- Em xin lỗi anh!

Tôi nhìn Thi rồi ghé vào tai nàng nói nhỏ:
- Em thấy chị Uyên em lên mặt “bà chị” với anh rồi đấy. Chị em dám hỏi hai “cô cậu” làm gì vậy. Em có nghe thấy không? Tôi hỏi đùa Thi.

Thi không nói gì mà chỉ ngửng lên nhìn tôi mỉm cười. Vừa đi, Thi vừa tìm bàn tay tôi bóp nhẹ mấy cái thật nhanh như biểu lộ sự đồng tình, rồi nàng buông tay tôi ra ngay. Thi chạy lại với Uyên phụ chị mua vàng nhang và hoa quả để lên chiếc khay đem vào đền lễ Thánh.

Đền Trình, tên tự là “Ngũ Nhạc linh từ”, có kiến trúc bề thế như một ngôi đình làng. Trong sân, trước cửa đền có con voi đá đóng yên cương và ghế kiệu trên lưng. Một lư lớn bằng xi măng cũng được đặt ngay giữa sân để đốt vàng hương. Tuy chúng tôi đi chùa Hương sớm trước ngày mở Hội nhưng thấy du khách đã đổ về đây không phải là ít. Trong đền thờ, khói nhang nghi ngút đến nghẹt thở, có con ngựa gỗ to sơn son và trên bệ thờ có tượng tướng quân thời vua Hùng. Chung quanh chùa, vài cây si lâu đời mọc rễ chằng chịt với những hình thể uốn lượn rất đẹp, đẹp không thua gì những cây si ở phủ Tây Hồ của thành phố Hà Nội. Ngay sau đền là tòa nhà hai tầng có tháp vươn lên khỏi hàng cây cao trông rất đẹp.

Khách hành hương thường đều đến đền Trình như một sự “trình diện” hay “cáo kiến” với các vị thánh, thần ở đây trước khi vào chùa Hương để mong khi vào chùa cầu xin, họ tin rằng những điều cầu khẩn những điều tốt lành sẽ được có kết quả hơn.


Đền Trình Cầu Hội

Bên đền Trình có năm ngọn núi gọi là núi Ngũ Nhạc, cho nên đền này còn được gọi là đền Trình-Ngũ Nhạc. Gọi như thế cũng để phân biệt với đền Trình-Phú Yên nằm trên tuyến đường suối Tuyết. Suối Tuyết sẽ đưa du khách đi thăm khu vực quần thể động Tuyết Sơn và chùa Bảo Đài (trên tuyến đường thứ ba đến chùa Tuyết Sơn)

Sau khi Uyên và Thi vào đền thắp hương trở ra, cả ba chúng tôi lại cùng lên thuyền để tiếp tục cuộc hành trình.
Thuyền càng vào sâu, cảnh vật càng đẹp và nên thơ. Có những áng mây trắng vương trên đỉnh núi. Bóng núi và mây in trên mặt nước, đôi khi làm ta cứ lầm tưởng như trên mặt suối đương phủ một lớp sương mù bay bay. Tiếng nước vỗ mạn thuyền nghe thật êm ả làm sao. Thi ngồi bên tôi, đưa bàn tay xuống suối cho dòng nước cuốn lên cổ tay. Nàng vốc nước lên rồi đổ lại xuống suối, những hạt nước lóng lánh như thủy tinh. Uyên cứ mải mê với cảnh vật xung quanh, thỉnh thoảng lại thảng thốt kêu lên: “Ô kìa! Cảnh đẹp quá! Đẹp quá!”.

Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy một chiếc cầu bắc ngang qua suối Yến. Cô lái đò chỉ cho chúng tôi:
- Đó là cầu Hội.

Cầu Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay bị cắt ngang hoặc che lấp.
Mây luồn đáy nước qua cầu
Thuyền đi tưởng núi quay đầu trông theo.
(Trích bài “Trên Đò Suối” của Hằng Phương)

Khu cầu Hội có những cây gạo rất to và đẹp. Chim chóc từng đàn bay về ríu rít trên cành những cây hoa gạo này. Tại khu vực cầu Hội, cô lái đò cho biết thêm:
Từ phía chân cầu bên trái của cầu Hội có con đường dẫn đến chùa Thanh Sơn.
Từ phía chân cầu bên phải của cầu Hội có hang Sơn Thủy Hữu Tình và còn có con đường đi vào làng Hội Xá.

Tôi nhớ làng Hội Xá là quê vợ của thi sĩ Tản Đà. Nói đến nhà thơ Tản Đà với chùa Hương, tôi không thể không nhắc tới bài thơ của cụ:
Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy Thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
Nước tuôn ngòi biếc trong trong vắt
Đá hỏm hang đen tối tối mò.
Chốn ấy muốn chơi còn mỏi gối
Phàm trần chưa biết, nhắn nhe cho.
(Trích bài “Chùa Hương” của Tản Đà)

Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã vừa đi qua gầm cầu Hội.

Khi cô lái đò vừa dứt nói, tôi liền hỏi:
- Hàng ngày cô lái thuyền trên suối, với cảnh đẹp như thế này chắc cô thích lắm nhỉ?
- Vâng, có những hôm mây xuống thật thấp, mây trắng là là trên sườn núi. Trên mặt suối cũng có mây. Những hôm như thế thì đẹp lắm. Em cứ tưởng như em đang ở trên trời hay trên tiên cảnh. Có hôm sương mù, mọi cảnh vật như ẩn như hiện. Tuy lúc đó trời đất âm u, ảm đạm nhưng lòng mình cứ lâng lâng thanh tịnh thoát tục. Có những hôm trăng sáng, nước và ánh trăng như quyện vào nhau. Cảnh đêm yên tĩnh, em chỉ còn nghe thấy tiếng mái chèo khua nước, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông chùa thánh thót vang ra. Nhìn lên trời thì sao sáng đầy trời. Em chỉ tiếc là em không được đi học nhiều nên không biết làm thơ như các anh các chị ở tỉnh thành.
- Cô đang làm thơ đấy! Tôi nói với cô lái đò.
Rồi tôi hỏi tiếp:
- Thế cô chèo đò trên suối có thường gặp những chuyện vui buồn gì không?
- Chuyện buồn thì ít thôi. Em chỉ chèo thuyền cho khách hành hương thưởng ngoạn cảnh đẹp của Hương Sơn. Với lòng người lúc đó mở rộng theo đức Phật nên cũng chẳng ai muốn làm buồn lòng ai. Chỉ có những hôm nào, em không được khoẻ người thì chèo thuyền cũng thấy uể oải lắm.

Cô yên lặng một lúc rồi nói tiếp:
- Chúng em chỉ được làm công việc chèo thuyền nhàn hạ này trong mấy tháng mùa xuân thôi. Khi hội chùa Hương chấm dứt, số đông chúng em lại trở về nghề làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm hay lên rừng kiếm củi, hái mơ. Cũng vất vả lắm. Chiều tối, có khi em phải làm thuê, nhận “kén” về, luộc, rồi “đánh kén” thành “chỉ tơ” (chỉ tơ dệt vải) tới khuya mới được đi ngủ.

Cô chợt mỉm cười, mặt tươi vui hẳn lên:
- Chuyện vui thì có nhiều, vui nhất là những hôm có mấy anh ở Hà Nội về chùa Hương, ngồi trên thuyền nhìn em, cứ khen em đẹp. Có anh còn làm thơ tặng em nữa. Những hôm như thế, đêm về em nằm cứ trằn trọc mãi không làm sao ngủ được vì vui.

Thấy cô lái đò thật thà, cả ba chúng tôi cứ tủm tỉm cười một cách kín đáo. Tôi chỉ vào Uyên và Thi giới thiệu cho cô lái đò:
- Để tôi giới thiệu với cô, đây là hai người em gái của tôi. Cô này tên Uyên, còn cô này tên Thi. Uyên là chị của Thi.
- Em biết tên hai chị rồi vì em thấy anh gọi tên hai chị ấy. Nhưng hai chị đây không phải là em gái của anh. Chắc hai chị đây phải là những người bạn rất thân của anh.

Chúng tôi trợn tròn mắt nhìn cô. Tôi hỏi ngay:
- Sao cô biết?
- Em biết vì em thấy anh chăm sóc chu đáo cho hai chị. Nếu hai chị là em gái của anh, thì ngược lại, hai chị đã phải săn sóc cho anh rồi.

Nghe xong câu nói đó của cô lái đò, cả ba chúng tôi đều cười.
- Cô nói đúng rồi! Chúng tôi là bạn thân của nhau, lại cùng ở một làng với nhau ở Sơn Tây. Thân nhau từ nhỏ.
- Em cũng xin cố tin lời anh như vậy! Cô mỉm cười hóm hỉnh.

Cô lái đò lấy chiếc nón lá xuống, quạt quạt vài cái cho mát rồi lại đội vào ngay. Tôi chợt bắt gặp đôi mắt hơi xếch thật đẹp và đa tình của cô mỗi khi cô cười.

Uyên chợt hỏi cô lái đò:
- Thế chị tên gì?
- Em tên Hương, thằng em trai em tên Sơn. Cả hai chị em chúng em không được sinh ra ở Hương Sơn này, nhưng khi chuyển về đây ở, bố mẹ em đổi tên cho chúng em như thế. Năm nay em 18 tuổi, thằng em 14. Ở nhà mọi người quen gọi em là Mơ vì em hay vào rừng hái mơ về làm rượu mơ hay mang ra chợ bán. Trong xóm em, mọi người chỉ còn biết gọi tên em là Mơ thôi. Mấy anh trai làng cứ trêu em đẹp như quả mơ chín, (cô chép miệng tủm tỉm cười, nói tiếp) mà quả mơ chín quá thì da nó nhăn nheo, xấu lắm.

Uyên hỏi tiếp:
- Chị bằng tuổi em. Chị muốn chúng em gọi chị là Hương hay Mơ?
- Các anh chị cứ gọi em là Mơ cho thân.

Uyên nhìn Mơ tủm tỉm cười. Uyên nói tiếp:
- Em đọc tặng chị bài thơ này nhé.

Mắt Mơ sáng hắn lên, ngừng tay chèo hỏi Uyên rối rít:
- Thật không chị? Chị đọc cho em nghe đi!

Uyên đọc:
Thăm thẳm đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lạnh lẽo và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
Hỡi cô con gái hái mơ già!
Cô chửa về ư? Đường còn xa
Mà ánh trời hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương. . .
Cô hái mơ ơi!
Chẳng trả lời nhau đến một lời
Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.
(bài “Cô Hái Mơ” của Nguyễn Bính)

Uyên vừa đọc xong, Mơ vỗ tay khen:
- Chị làm thơ hay quá! Chị chép cho em nhé!

Uyên vội khua tay:
- Bài thơ này không phải của em làm. Em đoán là của ông hàng xóm nhà chị đấy vì ông ấy ở cách Hương Sơn có nửa dặm đường và lại có suối nước trong nữa.
- Không phải đâu! Trong xóm nhà em chỉ có mỗi một mình em biết chữ. Thế, tên ông ấy là gì hả chị?
- Nhà thơ Nguyễn Bính.
- Nguyễn Bính! Ồ, em biết rồi!
- Chị quen với ông ta hả? Uyên giật mình hỏi.
- Không! Hôm trước có một anh khách đi đò chép tặng em bài thơ “Cô lái đò”, nói là bài thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Bính. Anh ấy, trước khi lên bờ còn cười dặn em là em đừng đi lấy chồng vì nếu em đi lấy chồng sẽ làm buồn cho những khách sang sông, rồi còn đọc đoạn thơ này cho em nghe và em đã học thuộc:
Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng.
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.
(Trích bài “Cô Lái Đò” của Nguyễn Bính)

Uyên phì cười:
- Chị Mơ đừng tin lời nói của những ông thi sĩ nhé. Ông Nguyễn Bính không những yêu cô hái mơ, cô lái đò, cô nuôi tằm dệt tơ, cô hàng xóm, mà yêu luôn cả cô Mán trên rừng nữa đấy.

Mơ đứng nhìn trời không nói gì, cứ tiếp tục chèo thuyền.

Chúng tôi đi thuyền trên suối Yến, vừa được ngắm cảnh đẹp vừa được ngồi bên nhau lại vừa được trò truyện với cô lái đò dễ mến một cách chân tình đến thích thú. Một kỷ niệm thật khó quên.

Chẳng bao lâu, bến đò Trò đã hiện ra với chỉ lẻ tẻ dăm ba chiếc thuyền chở khách, cái đi vào cái trở ra. Được biết, vào ngày hội chùa Hương nơi bến đò này đông nghẹt những thuyền và người vào ra tấp nập. Hội chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng tới cuối tháng Ba âm lịch.
Thuyền ghé khua bờ đá
Chim mừng, rừng véo von
Suối đến đây dừng lại
Tiễn khách trèo lên non.
(Trích bài “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

Cô lái đò tắp vào bến, tìm nơi tốt để chúng tôi có thể dễ xuống thuyền. Thi nhìn chúng tôi, lên tiếng hỏi nhỏ:
- Hay chúng ta mời chị Mơ cùng đi chơi chung cho vui?

Chúng tôi đồng ý ngay. Khi chúng tôi ngỏ lời đề nghị ấy với Mơ, cô vui vẻ nhận lời.
- Các anh chị cứ lên chùa đợi em. Em đi cột thuyền.

Bến đò Trò hay còn gọi là bến đò Thiên Trù. Dẫy thuyền nằm san sát im lìm chờ khách ngay dưới chân núi Mâm Xôi, có cây cổ thụ. Không xa đó, vài ba quán ăn và quán bán đèn nhang, với vài ba hàng bán quà kỷ niệm cho khách thập phương đi lễ chùa.

Từ bến đò, chúng tôi từ từ leo lên giốc một quãng rồi đứng đợi Mơ để cùng đi. Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy cô Mơ, đầu đội nón lá, lúp xúp chạy từ bến đò chạy lên. Bây giờ tôi mới nhận ra Mơ mặc váy vải xồi, loại vải đen rẻ tiền với chiếc áo cánh mầu nâu khoác ngoài, chỉ cài có hai cái nút áo nơi bụng. Áo cùng mầu với chiếc yếm trước ngực, đuôi yếm thả lỏng che xuống tới quá bụng. Chân cô đi đất nên bước chạy của cô cứ thoăn thoắt. Chiếc váy kêu xoàn xoạt theo những bước chân vội vã của cô.

Chùa Thiên Trù (chùa Ngoài)

Cả bốn chúng tôi cùng song bước lên chùa Thiên Trù, tức “chùa Ngoài” gần ngay đó. Đi hết thêm một dốc nhỏ, chúng tôi tới cổng ngoài của chùa. Cổng chùa là một kiến trúc cổ thuần túy Việt Nam, rất đẹp. Cổng được xây theo kiểu năm cửa, vòm cửa uốn cong hình bán nguyệt. Cổng hai tầng và có nhiều mái. Phía trên cửa giữa có hàng đại tự “Nam Thiên Môn” (Cửa Trời Nam).

Từ ngoài xa nhìn vào chùa, ta thấy chùa được xây trên một khoảng đất rộng, phẳng, có núi vây chung quanh. Trước mặt là núi, hai bên là núi, phía sau cũng là núi. Những quả núi gần chùa không cao lắm, lại cao đều nhau, không xa nhau, cũng không chen nhau nên trông rất hài hoà. Chùa có kiến trúc thông thoáng không bị gò bó bởi hình ảnh nặng nề của núi.

Tôi hỏi Mơ:
- Cô có biết tên những quả núi quanh chùa này không?
- Hai quả núi có tên là Phụ Mã ở hai bên trái và phải của chùa, núi Sau Chùa ở phía sau của chùa. Ba quả núi này được ví như ba ông “đầu rau” của bếp Thiên Trù. Nhìn rộng ra xa thêm, những núi đứng sau hai quả núi Phụ Mã, bên phải mang tên Tiên Sơn, bên trái mang tên Thung Mang. Bên cạnh núi Sau Chùa là núi Ông Chây. Nếu ta nhìn về chùa Hinh Bồng (cô vừa nói vừa chỉ tay về phía núi Hinh Bồng xa xa) là núi Lão. Sau núi Lão là núi Cỏ Bồng.
Núi bắc “đầu rau” mấy vạn niên
Mà màn biếc thẫm đẹp thiên nhiên?
Thiên Trù một khoảng êm phơi phới,
Núi ngắm nhau xanh một sắc hiền.
(Trích bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)

Cô giải thích thêm:
- Em nghe các cụ gọi chùa Thiên Trù này là “Bếp Trời” vì các cụ tin rằng khu đất chùa này, theo phong thủy, tương ứng với chùm sao Thiên Trù ở trên trời. Chùm sao Thiên Trù lại tượng trưng cho cái bếp, cho sự ăn uống. Bếp thì có ba ông “đầu rau” để kê nồi.
Chùa có nhiều cây hoa gạo cổ thụ và có hai hàng cây hoa đại (cây bông sứ) trước cổng vào. Uyên say sưa nhìn ngắm những cây hoa gạo vươn cao.

Mơ tiến lại gần Uyên:
- Nếu chị đến thăm chùa vào giữa tháng hai ta, tức giữa hội chùa Hương thì chị sẽ thấy hoa gạo đỏ rực treo lơ lửng trên cành, có người ví nó trông giống như những đốm lửa nhỏ hiện trên trời xanh. Đẹp lắm! Vào cuối tháng ba, hoa gạo rụng thì tới lượt hoa đại nở rộ. Hoa đại nở vừa đẹp lại vừa thơm.

Chúng tôi vừa đi qua cổng là vào tới sân cấp thứ nhất của chùa. Một không gian thoáng rộng được mở ra. Chùa được xây trên mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài rất sâu theo kiểu “ngũ môn, tam cấp” (năm cửa, ba tầng bậc). Hai bên sân chùa là những gian nhà bán hàng cơm hay hàng bán quà kỷ niệm.

Qua sân thứ nhất là tới bậc thềm thứ nhất, có độ hơn chục bậc bước lên cao, tới sân cấp thứ hai. Hai bên sân cấp thứ hai cũng là hai dẫy nhà hàng ăn. Giữa sân có một tháp chuông, kiến trúc ba tầng, mái rất lớn và tuyệt đẹp lại uy nghi. Các người bán quà kỷ niệm rong cứ theo chân chúng tôi mời mua những xâu tràng hạt, mầu nâu có, mầu đen có hay chỉ được làm bằng những hạt cây tròn mộc mạc.

Qua sân thứ hai, chúng tôi lại tới bậc thềm thứ hai, cũng khoảng hơn mươi bậc bước, đưa lên một sân cấp thứ ba cao hơn. Đây là sân của ngôi nhà Tam Bảo, cũng là sân chính của chùa Thiên Trù.

Chính giữa sân đứng sừng sững một đỉnh đồng cao ba thước và một đỉnh hương đúc bằng xi măng, khói nhang nghi ngút suốt ngày. Hai con sư tử được sơn vàng nằm chầu trước cửa ngôi nhà Tam Bảo.

Ngôi nhà Tam Bảo là công trình kiến trúc chính của quần thể chùa Thiên Trù, một công trình kiến trúc quy mô lớn với phong cách truyền thống. Trên cột nhà Tam Bảo được treo nhiều câu đối sơn son thếp vàng. Bên trong có nhiều tượng Phật và các vị La Hán tạc bằng đá hay gỗ tuyệt đẹp, thể hiện một trình độ nghệ thuật và mỹ thuật rất cao.

Quần thể chùa Thiên Trù liên kết với nhau theo nhiều nền tầng cấp, cao thấp khác nhau rất hài hoà tạo nên một hình dáng kiến trúc tuyệt mỹ, vừa tráng lệ lại vừa thoát tục. Đứng về góc cạnh nào cũng thấy cái vẻ đẹp dung dị mà lại sâu xa của triết lý nghệ thuật xưa và cũng sâu lắng trong sự tôn nghiêm của triết lý đạo Phật.

Ngoài sân chùa có hồ bán nguyệt với hòn non bộ. Cây cối trong chùa xanh tươi mang vẻ đẹp thanh tao, gọn gàng bởi bàn tay con người. Cái đẹp của thiên nhiên hòa trong cái đẹp của nhân tạo làm tăng thêm vẻ siêu thoát của tín ngưỡng.

Một khu bảo tháp sau chùa được xây dựng để chứa hài cốt của những vị trụ trì chùa này. Ngôi bảo tháp lâu đời nhất là bảo tháp Hoà thượng Viên Quang, được xây vào thế kỷ thứ 17. Tháp được xây bằng gạch đỏ, trên nóc tháp có mái cong như mái chùa.

Trong chùa Thiên Trù còn có nhiều bảo vật cổ, trong đó phải kể đến quả chuông đúc vào thời Tây Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793). Quả chuông trước đây được để trong động Hương Tích, sau mới đưa ra Thiên Trù.

Quả thực ai đã đi chùa Hương, hay nói chung là Hương Sơn, ta không thể không đến chiêm ngưỡng cái đẹp, cái thanh thoát của chùa Thiên Trù.
Thầy me đến điện thờ
Trầm hương khói tỏa mờ
Hương như là sao lạc,
Lớp sóng người lô nhô
Chen vào thật lắm công
Thầy me em lễ xong
Quay về nhà ngang bảo
“Mai mới vào chùa Trong”
Chàng hai má đỏ hồng
Kêu với thằng tiểu đồng
Mang túi thơ bầu rượu:
“Mai ta vào chùa Trong”
Đêm hôm ấy em mừng!
Mùi trầm hương bay lừng
Em nằm nghe tiếng mõ
Rồi chim kêu trong rừng
...
Em chưa tỉnh giấc nồng
Mây núi đã pha hồng
Thầy mẹ em sắp sửa
Vàng hương vào chùa Trong.
...
(Trích bài “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)

Ghi chú:
(1) Trong bài “Cảnh Chùa Hương” - Bà Huyện Thanh Quan
(*) Hình ảnh lấy từ cuốn “Du Lịch Chùa Hương”- Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội (2009)

 

CHƯƠNG I
Phần 2


Chúng tôi cùng cười vui vẻ tìm đường ra khỏi cổng chùa Thiên Trù tức “chùa Ngoài” để rồi tiếp tục cuộc hành trình vào chùa Hương Tích tức “chùa Trong”.
Vừa ra khỏi cổng chùa Thiên Trù, tôi mời mọi người vào một quán cơm bên lề đường ăn bữa trưa cho no bụng rồi mới tiếp tục lên đường. Cơm nước xong, chúng tôi đi thêm được một quãng ngắn dốc núi đá gồ ghề. Tôi ghé vào gian hàng mua cho mỗi người một cây gậy tre để chống và riêng cho Mơ một đôi dép cao su màu trắng hiệu “con hổ” ta thường thấy bán trong các chợ ở Hà Nội. Mơ nhất định từ chối không nhận đôi dép. Tôi phải lên mặt giận Mơ mới chịu xỏ chân đi đôi dép ấy.

Đường đá gồ ghề, chỉ cần lơ là, không cẩn thận là bị hụt chân hay vấp ngã. Đường đi càng ngày càng nhỏ lại, càng ngày càng dốc cao. Chúng tôi băng được hai đoạn dốc nên cũng đã thấm mệt. Mơ đi với Uyên phía trước bỏ tôi và Thi lại phía sau. Tôi đi bên Thi để giúp đỡ nàng khi cần.
Tôi và Thi đi thêm đoạn ngắn nữa thì thấy Uyên và Mơ đã đứng đợi chúng tôi bên gốc cây hoa đại già bên đường. Mơ đề nghị:
- Các anh chị nghỉ mệt một tý rồi chúng ta vào chùa Tiên.


Chùa Tiên với tượng bà Chúa Ba (*)

Nhìn theo đường chim bay, chùa Tiên coi như kế cận chùa Thiên Trù mà khi đi thì lại phải leo tới hai cái dốc. Đứng tại sân chùa Thiên Trù ta có thể thấy người leo dốc để vào chùa Tiên. Và khi đứng tại cửa động chùa Tiên, ta có thể thấy toàn cảnh quần thể chùa Thiên Trù nằm ở phía dưới, cùng một vùng khá rộng gồm núi và thung lũng xung quanh.

Chùa Tiên nằm bên trong động Tiên Sơn. Động Tiên Sơn không sâu lắm cũng không rộng lắm, nhưng có vẻ bề thế. Thạch nhũ bên trong động đẹp và có nhiều hình thù phong phú. Chùa Tiên có lẽ cùng xây dựng đồng thời với chùa Thiên Trù và chùa động Hương Tích. Một bài thơ Nôm khắc trên đá gồm tám câu theo thể thơ Đường của Tĩnh Vương Trịnh Sâm đề năm Canh Dần (1770) để ca tụng vẻ đẹp của chùa. Như vậy là khi đó, động Tiên Sơn đã có và đã là nơi thờ phượng đẹp đẽ rồi.
Chùa Tiên mơ nở trắng
Khe động lách mình vào
Ngẩng đọc thơ chúa Trịnh
Chữ cũ dường lao xao.
(Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

Sau khi rời khỏi động Tiên, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Gió mát và cảnh vật đẹp chung quanh không đủ làm chúng tôi quên cái mệt của leo dốc núi.
Lên cao, lên cao mãi
Chân mỏi tưởng đường xa
Đỉnh cao ngoái nhìn lại
Chùa Tiên vẫn cạnh ta.
(Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

Đường núi đá càng ngày càng dốc, có khi phải leo đến cả trăm bậc đá. Bây giờ chúng tôi mới thấy cái tiện dụng của chiếc gậy chống. Nó giúp chúng tôi leo núi vừa đỡ mệt và bước đi vững chãi hơn nhiều.

Đường đã có những chỗ cheo leo, chênh vênh nguy hiểm, một bên là vực, một bên là triền núi. Tôi đi sát bên Thi để có phản ứng kịp thời, phòng khi Thi bị trượt chân hay vấp ngã.

Tới một con dốc ngoặt, tôi bảo Thi dừng lại để nàng nghỉ mệt. Đứng bên Thi, cùng dựa lưng vào vách đá để thở, nhìn “thung mơ” phía dưới chân núi, dù mệt nhưng vẫn thấy nó đẹp làm sao. Cảnh trí vừa hùng vĩ vừa rất nên thơ. Cây cỏ một mầu xanh tươi. Núi đứng sừng sững mà vẫn không vướng mắt. Đứng nghỉ một lúc, tôi hỏi Thi:
- Em còn mệt lắm không?
- Thế anh có mệt lắm không? Thi hỏi ngược lại tôi.
- Anh không mệt.
- Vậy chúng ta đi tiếp nhé! Thi đề nghị.
- Ừ!

Tôi nắm tay Thi dẫn đi. Hai bàn tay chúng tôi đan vào nhau cùng song bước. Chúng tôi nhìn nhau mỉm cười sung sướng, tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Thỉnh thoảng Thi đi sát vào người tôi, vừa ôm lỏng cánh tay tôi, vừa ngước nhìn tôi với ánh mắt đầy trìu mến và chiêm ngưỡng. Tôi nói chiêm ngưỡng vì Thi đã tin tưởng vào người mình yêu có khả năng che chở được cho mình trong những lúc khó khăn. Tôi cứ cho là như thế và mỉm cười một mình với ý nghĩ đó. Lúc này đường đã xoai xoải dễ đi, thêm vào đó sức thanh niên lại hồi phục nhanh.
- Này Thi! em có biết mấy câu thơ này không? Đây là tâm sự của cô gái 15 tuổi gặp và thầm yêu một chàng trai trên đường cùng đi trẩy hội chùa Hương.
Làn gió thổi hây hây,
Em nghe tà áo bay,
Em tìm hơi chàng thở,
Chàng ơi, chàng có hay?
Đường dây kia lên giời
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu nhau mãi
Đi, ta đi, chàng ôi!
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin Giời Phật
Sao cho em lấy chàng!
(Trích “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)

Tôi vừa đọc xong đến đấy, Thi “véo” nhẹ tôi cười khúc khích:
- Em không giống cô ấy!
- Ừ, em không giống, nhưng anh giống!

Thi lại “véo” tôi thêm một cái nữa, nhõng nhẽo:
- Anh ghê lắm đó!

Tôi hôn nhẹ lên mái tóc Thi. Thi vội ngước lên nhìn tôi hốt hoảng:
- Đừng anh! Chị Uyên trông thấy thì ngượng lắm!

Tôi và Thi buông tay nhau tiếp tục bước đi, nhưng bây giờ cả hai chúng tôi đều cảm thấy như quên hết cả mệt nhọc mà chỉ sợ con đường còn lại sẽ trở nên quá ngắn để được đi bên nhau như thế này lâu hơn.

Chúng tôi tiếp tục đổ dốc xuống con đường bằng phẳng hơn. Uyên và Mơ đang đợi chúng tôi không xa ở phía trước. Thi bỏ tôi, đi vội về phía hai người.

Thi hỏi:
- Hai chị có mệt không?
- Không! Uyên trả lời. Có chị Mơ cùng đi nói chuyện vui nên chị đi nhanh lắm.

Tôi cũng vừa trờ tới. Mơ lên tiếng:
- Chúng ta chuẩn bị để vào thăm chùa Giải Oan ở phía trước kia nhé. Tới đó có quán hàng nước, chúng ta nghỉ chân luôn thể.

Uyên và Mơ tự động tách ra đi lên trên, tôi và Thi thành một cặp đi phía sau. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của Thi, đôi má ửng hồng với đôi mắt sáng thông minh, cặp môi lúc nào cũng đỏ hồng một cách tự nhiên, những hạt mồ hôi còn lấm tấm trên trán với vài sợi tóc dài dính trên đó, tôi buột miệng khen:
- Đẹp!
- Ai đẹp?
- Anh! Tôi trả lời đùa rồi chỉ ngón tay vào mình.
- Ha! Ha! Anh hỏi chị Mơ đi, chị ấy là người thật thà đấy!

Nói xong câu ấy, Thi cười vang. Tiếng cười vang xa làm Uyên và Mơ đi phía trước quay lại nhìn. Thi im ngay. Tiện tay, nàng “véo” nhẹ vào cánh tay tôi:
- Em ghét anh lắm!

Con gái thật buồn cười, ai mà hiểu nổi. Thi đang nghĩ gì mà nàng lại nói ra một câu có vẻ “lạc đề” đến thế.


Chùa Giải Oan (*) Động Tuyết Kình (*) Am Phật Tích (*)

Chẳng còn mấy bước, chúng tôi đã đứng trước cửa chùa Giải Oan. Mơ cho biết chùa Giải Oan nằm ở quãng giữa đường kể từ chùa Thiên Trù và động Hương Tích.

Chúng tôi ngồi nghỉ chân ngay quán nước bên cạnh chùa, uống bát nước chè xanh. Tôi mời Mơ thêm một cốc “nước mơ” màu vàng chanh đựng trong một hũ thủy tinh lớn. Những quả mơ nổi lềnh bềnh trong hũ thủy tinh trông thật hấp dẫn làm sao. Nước mơ là một loại nước giải khát tốt, có dược tính cao. Chúng tôi không quen uống nước này nên sợ bị đau bụng.

Chùa Giải Oan ở lưng chừng núi, thấp và dài, có ba cửa uốn cong. Trên cửa chùa có bốn đại tự “Giải Oan khê tự” tức chùa suối Giải Oan. Trước chùa trồng nhiều cây hoa đại cổ thụ. Trong lòng chùa có một khe đá khá rộng như một “bể nước” để chứa nước từ dòng suối qua khe núi chảy vào. Vào mùa nước, bể đầy nước. Khách hành hương ghé vào chùa cầu xin, rồi lấy nước trong bể để uống, rửa mặt hay đem về lấy phước.

Người ta còn vứt tiền xuống bể nước để cầu xin tài lộc. Vào mùa khô cạn, nhà chùa phải gánh nước đổ vào đấy.

Mùa mưa, nước đổ như thác từ trên núi đổ ào ào vào chín ngọn suối trước chùa gọi là suối Cửu Long Tuyền hay là suối Giải Oan. Ngay cửa suối có một phiến đá tạc bốn chữ “Kỳ Sơn Thủy Tú”, đó là bút tích của Trịnh Sâm đề năm Canh Dần (1770).

Truyền thuyết suối Giải Oan được kể rằng (1):
Bà Chúa Ba tức công chúa Diệu Thiện, công chúa thứ ba của vua Diệu Trang, ở nước Tây Trúc (Ấn Độ), quyết định theo việc tu hành cầu mong đắc đạo. Nhiều phen vua cha ngăn cấm không được bèn ra lệnh phóng hỏa đốt chùa. Bỗng hùm thiêng phóng đến cứu Bà Chúa Ba chạy về núi này.
Quan quân áp đến xôn xao
Bỗng đâu mãnh hổ rẽ vào tha đi.

Từ trên mình hổ bước xuống, Bà để lại dấu chân trên đá, người ta lập một cái am thờ nơi đó gọi là am Phật Tích, còn gọi là động Thanh U. Chỗ bà tắm gội để rửa oan thì thành chùa Giải Oan. Gần chùa Giải Oan có động Tuyết Quỳnh hay Tuyết Kình.

Đền Chấn Song (Đền Cửa Võng)

Từ chùa Giải Oan, chúng tôi đi thêm một quãng nữa thì tới đền Chấn Song hay đền Cửa Võng. Gọi là đền Chấn Song vì ngay cửa động trông giống như cái cửa sổ có chấn song để bảo vệ động. Còn gọi là đền Cửa Võng vì trước đây, trước cửa động có những loại cây leo kết lại như cái võng.

Bên trong đền vẫn còn tượng Bà Chúa “Thượng Ngàn” tức bà chúa canh giữ rừng. Tượng bà ngoảnh mặt ra ngoài. Ở đền này thường diễn ra cảnh lên đồng, có hát chầu văn.

Qua đền Chấn Song, đường đi lại bắt đầu phải leo lên dốc cao bằng những bậc đá xếp. Đường đi càng gần động Hương Tích dốc càng cao. Thi và Uyên cứ đi được một khúc đường thì phải đứng lại nghỉ để thở. Mơ đã mang hộ cho Uyên chiếc ba-lô vậy mà Mơ vẫn cứ đi thoăn thoắt. Tới chỗ khó leo Mơ dìu Uyên vượt qua chỗ ấy.

Tôi thấy mọi người đã cởi hết áo len tự bao giờ. Trời có những cơn gió mát lạnh của mùa Xuân tôi vẫn thấy trên mặt Thi lấm tấm đổ mồ hôi mặc dù tôi đã mang ba-lô hộ cho Thi từ con đốc chùa Tiên. Thi phải lấy vạt áo dài để lau. Tôi cố vượt lên nhanh cho kịp Uyên. Mơ dùng nón để quạt, đứng nhìn chúng tôi tủm tỉm cười.

Chiếc gậy chống lúc này thật đắc dụng, đắc dụng hơn lúc ở khúc đường núi gần chùa Thiên Trù. Tôi nghĩ bụng nếu chúng tôi không có những chiếc gậy này chắc còn phải vất vả hơn nhiều.
Đường mây đá cheo leo
Hoa đỏ, tím, vàng leo
Vì thương me quá mệt
Săn sóc chàng đi theo
Me bảo: “Đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quan-thế-âm-bồ-tát
Là tha hồ đi mau”
(Trích “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)

Đến đây, con đường dài đến động Hương Tích cũng đã được thu ngắn lại. Chúng tôi phải leo lên thêm một cái dốc thật cao nữa như một thử thách cuối cùng. Khi vừa tới đỉnh dốc, chúng tôi cùng đứng lại nghỉ chân. Tôi lấy trong ba-lô ra ba chai “nước suối” mang theo từ nhà. Tôi chia cho Uyên và Mơ mỗi người một chai, tôi và Thi uống chung. Vừa leo dốc mệt, lại vừa khát nên không ai từ chối. Uống xong thấy tỉnh cả người. Bây giờ mọi người mới nhìn nhau cười nói. Tôi lấy trái cây đưa cho mọi người nhưng đều bị từ chối trừ Thi lấy một quả quýt, bóc chia tôi một nửa.

Chùa Hương Tích (chùa Trong)

Chúng tôi đi thêm quãng ngắn nữa thì tới cổng vào chùa Hương. Vì chùa Hương nằm trong động Hương Tích, do đó chùa Hương còn được gọi là chùa Hương Tích. Mà chùa Hương là “trọng điểm” của quần thể vùng Hương Sơn gồm cả hệ thống dẫy núi Hương Sơn, sông Đáy, suối Yến và hàng chục hang động, hàng chục chùa chiền hay “chùa động” (chùa trong động) thuộc khu vực rộng chừng 6 cây số vuông này. Vì là “trọng điểm” nên khi ta nói đi xem thắng cảnh hay đi hành hương chùa Hương là ta muốn nói chung đến cả cái quần thể Hương Sơn. Nhưng có cái khác biệt, khi ta đi thăm hết cả quần thể Hương Sơn mà không đến chùa Hương Tích hay động Hương Tích này thì ta chưa có thể nói là ta đã đến được Hương Sơn. Ngược lại, nếu ta chỉ cần đến động Hương Tích không thôi, ta cũng có thể đủ để nói là ta đã đi đến Hương Sơn rồi.
Vì cái tính chất quan trọng và đặc thù đó nên tuyến đường từ Bến Đục đến động Hương Tích luôn luôn là tuyến đường chính, mặc dù ta còn hai tuyến đường khác nữa không kém phần ngoạn mục, đó là tuyến đến chùa Hinh Bồng và tuyến đến chùa Tuyết Sơn.

 

Nói đến hội chùa Hương, ấy chính là nói đến sự quần tụ đông đảo của du khách và khách hành hương đến động Hương Tích này đây. Họ đến đây để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên kỳ thú cũng có, để lễ Phật Bà tức Bà Chúa Ba với lòng thành kính tín ngưỡng cũng có, và đến để cầu xin cũng có. Mặc dù nhiều người đến đây với nhiều mục đích khác nhau, nhưng kẻ đến để cầu xin thì chiếm số đông hơn cả nên hội chùa Hương còn được gọi là “hội Cầu May”.

Quả núi có động Hương Tích là quả núi cao thứ hai của hệ thống núi vôi Hương Sơn, sau núi Bà Lồ ở phía trước núi chùa Hương. Ở đây có ngôi chùa cổ nhưng nay đã đổ nát.

Cổng chùa Hương làm bằng đá, được làm từ năm Giáp Dần (1914) đến năm Ất Mão (1915) do thợ Kiện Khê đẽo đạc. Từ cổng chùa ta nhìn xuống một khoảng đất sâu, bằng phẳng ở phía trước động được gọi là thung Châu vì “thung” (2) này có một hòn núi tròn nhỏ được ví như là viên “ngọc châu” do rồng nhả ra. Nếu ta đứng ở cổng chùa nhìn xuống thì quả thật cửa động Hương Tích giống như “miệng con rồng” đang há to ra. Cửa động có hình dáng đều đặn và cân đối.

Mơ cho biết vào ngày lễ hội chùa Hương, cứ đứng từ trên độ cao của cổng nhìn xuống cửa động, khói hương từ trong động tỏa ra trông như một lớp sương mù phủ lấy cửa động và những âm thanh trầm trầm, ù ù, của tiếng cầu kinh xen lẫn tiếng ồn ào của đám đông người cũng từ trong đó vang xa tới đây.

Chung quanh động phủ một mầu xanh tươi của cây rừng, lại điểm thêm mầu sắc của những chùm hoa dại đủ loại, cùng phảng phất hương thơm của những cây lan rừng làm cho cảnh vật trở nên hòa ái trong tiếng chuông tiếng mõ.

Để tới cửa động, chúng tôi phải đi xuống với 120 bậc đá, hai bên là những bụi cây rừng. Khi vừa tới cửa động thì đập ngay vào mắt một hàng chữ gồm năm chữ Nho lớn, tạc trên một mảng đá phẳng, nằm ở trên cao, ngay phía bên cánh trái cửa động. Ấy là năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, bút tích của Trịnh Sâm viết vào tháng Ba năm Canh Dần (1770). Một quả chuông đồng được treo trên giá gỗ đặt dưới đất ngay ngoài cửa động cùng nằm bên phía trái, cùng phía với năm chữ Nho của Trịnh Sâm.

Từ cửa động bước vào, ta thấy có một cột đá thật to, người ta gọi nó là “đụn gạo” Theo phong thủy, cột đá này được ví như “lưỡi rồng” trong miệng con rồng. Bên cạnh “đụn gạo” có một chỗ nền đá bị trũng gọi là “cối giã gạo” Trước “đụn gạo”.

Đi sâu thêm vài bước nữa, ta thấy một khối thạch nhũ to tròn từ trên nóc động phủ xuống có hình dáng như một nhũ hoa đàn bà, có nước từ khe núi chẩy xuống nên khối thạch nhũ này có tên là “bầu sữa mẹ”. Khu vực này có nhiều giọt nước đọng từ trên nóc động nhỏ xuống như mưa nhẹ.
Cửa chùa cách một tiếng chân
Trong mưa, ngoài tạnh như ngăn nửa trời.
(Trích “Nhật Trình” của Nguyễn Thấu).

Khách hành hương hay tới đây hứng nước từ “bầu sữa mẹ” nhỏ xuống để lấy phước. Cũng có người coi nước đó như thần dược, thuốc tiên, lấy về để chữa bệnh.

Bên cạnh “Bầu sữa mẹ” có hai khối đá con nhẵn trông giống như hai đứa trẻ con đang bò. Hòn lớn gọi là “cậu”, hòn nhỏ hơn gọi là “cô”. Những ai hiếm muộn đến đây xoa đầu “cô” hoặc “cậu” tùy theo ước muốn có con trai hay con gái. Người ta tin rằng làm như thế, các “cô” các “cậu” sẽ theo mình về nhà làm con. Mọi vật thể trong động này đều được linh thiêng hóa theo lòng tin tín ngưỡng hay tôn giáo của mỗi người.
Vào sâu thêm trong động ta thấy một bệ thờ bằng đá có nhiều tượng Phật. Bệ thờ này, bốn góc có trạm bốn người đàn ông cởi trần, đóng khố, hai tay chống lên bệ đá như đang đỡ bệ đá lên. Bệ đá này được hai cung tần nhà họ Trịnh cúng vào chùa.



Bầu Sữa Mẹ (*) Tượng Phật Bà (*)

Trên bệ thờ có một bức tượng Phật Bà tức Bà Chúa Ba được tạc bằng đá xanh. Đây là công trình nghệ thuật tạc đá cao và độc đáo, độc đáo vì hoàn toàn mang sắc thái Việt nam, hay nói khác đi là Việt Nam hóa hình tượng của Phật Bà khác hẳn với những tượng Phật Bà có tính cách ước lệ mà ta thường thấy ở các chùa chiền khác ở nước ta. Bức tượng này có thể coi như là tượng đẹp nhất trong tất cả các tượng Phật thuộc quần thể Hương Sơn.

[Phía trong cùng động còn có hình tượng của thạch nhũ được đặt tên như là “cây tiền”, “cây bạc” vì có vẩy thạch nhũ lấp lánh. Lại có cả “chuồng trâu bò”, “chuồng lợn”, “ao cá”. Người nào muốn cầu xin cho nhà mình, chuồng trâu bò có nhiều trâu bò, chuồng lợn có nhiều lợn, ao cá có nhiều cá thì cứ tới nơi đó cầu xin. Âu cũng chỉ là sự mê tín trong dân gian nhưng nó thể hiện tín ngưởng phồn thực mong sinh xôi nảy nở của nông dân ta] (3)

Trong động có cả “đường lên giời”, đó là khe núi thông lên phía trên có ánh sáng lọt vào. “Đường xuống âm phủ” là khe đá ăn sâu xuống đất, nhìn xuống thấy sâu thăm thẳm.

Khi chúng tôi trở ra khỏi động thì thấy Thi đang xoa tay lên những cục đá “cô”, đá “cậu”.

Mơ cười to hỏi Thi:
- Thi, em làm cái gì đấy?
- Em đang xoa lấy phước, nước ở đây mát lắm.
- Em có biết là em đang cầu xin có được nhiều con không? Những người hiếm muộn thường đến đây xoa đầu những hòn đá đó để cầu xin các “cô”, các “cậu” theo mình về nhà làm con. Em chưa có chồng thì cần gì phải cầu?
- Em đâu có biết! Thi vừa nói vừa chạy vội ra ngoài.

Mọi người trong chúng tôi cười ồ. Tôi nói nhỏ vào tai Thi:
- Chết em rồi! Tối nay các “cô” các “cậu” theo về, chui vào bụng “lúc nha, lúc nhúc”, lại gãi rốn em nữa, buồn lắm đấy.
Thi cười rồi xoa xoa tay vào bụng mình.

Tôi nói nhanh như sợ ai nghe thấy:
- Anh muốn có nhiều con!
- Đây này! Cho anh đấy! Thi đưa tay xuống bụng mình, giả “vốc” một nắm “cô, cậu” rồi bỏ sang bụng tôi. Nói xong Thi cười cười, bỏ đi ra chỗ khác.

Quanh quẩn hoài trong động
Chân mỏi chẳng muốn ra
Một mùi hương quá khứ
Thấm dần vào hồn ta ...
(Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

Tôi đợi Uyên lễ Phật xong, chúng tôi cùng ra khỏi động. Thi lẽo đẽo theo sau.

Trời đã xế bóng ngả sang chiều. Chúng tôi trở lại chỗ dấu mấy cây gậy, cầm chúng theo để dùng trên đường về. Vừa mới được nghỉ ngơi, vừa có gậy chống nên công việc leo lên 120 bậc thang đá từ cửa động lên cổng chùa cũng không lấy gì làm khó khăn lắm.
Đường từ chùa Thiên Trù lên chùa Hương phải lên dốc nhiều vì Chùa Hương ở trên động núi cao. Nay đường đi từ chùa Hương trở về chùa Thiên Trù thì đổ dốc nên dù đường có gồ ghề, khúc khuỷu, cũng vẫn ít mệt hơn.

Chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh lúc hoàng hôn. Sáng sớm có cái đẹp vui tươi, cảnh vật như mới choàng tỉnh dậy, chim hót líu lo. Trưa có cái đẹp của trưa, nắng mát chiếu phủ xuống những tàng cây, bãi cỏ và toả xuống thung lũng mơ trắng như trắng cả chân mây. Buổi chiều có cái đẹp của một chút gì phảng phất của lắng đọng, êm đềm. Mơ cũng còn được gọi là mai:

Mai nở trắng cành-mai hội hoa
Sườn non gần gũi, thung xa xa
Xôn xao khắp núi như vui chuyện
Lời lá, lời hoa, lời gió qua ...
(Trích “Mùa Hội” của Bế Kiến Quốc)
Bóng tà chim nháo nhác
Cây um, vượn líu lo
Nào nghe bông thúy nở
Chỉ thấy đám mây mờ.
(Trích “Vịnh Hương Sơn” của Bùi Dị do Đào Ngọc Bình dịch)

May mắn hôm nay trời đẹp, chúng tôi không bị cơn mưa nào. Nếu gặp cơn mưa đổ xuống, dù nhỏ lất phất cũng đủ làm đường đi sẽ trở nên ướt át và trơn trợt, khó đi.

Khi về qua chùa Giải Oan, chúng tôi lại dừng chân dùng nước giải khát tại quán hàng bên chùa rồi mới đi tiếp. Thật sự khoảng cách giữa Thiên Trù (chùa Ngoài) tới chùa Hương Tích (chùa Trong) chỉ hơn hai cây số một tý, nhưng vì đường vòng vèo, khúc khuỷu, gồ ghề, lên dốc, xuống dốc, lại bị trơn trượt nếu có trời mưa nên thời gian đi phải mất khá nhiều.
Tôi đi lặng lẽ bên Thi. Tôi đưa tay sang nắm lấy tay Thi cùng song bước.

Em không nói, anh cũng đi yên lặng
Đường mây xuyên sơn mây tỏa chân chùa
...
Nay ta đến đây cùng sánh vai hạnh phúc
Động chùa xưa đã ấm ngát hương trầm
Phật cũng mỉm cười trong nến hương chói rực
Cuộc đời này, ta ước đã ngàn năm.
(Trích “Hội Chùa Hương” của Anh Thơ)

Nhìn sang Thi, tôi thấy nàng trong sáng quá và cũng hồn nhiên quá. Thỉnh thoảng Thi lại liếc nhìn tôi mỉm cười rất nhẹ, thoảng nhẹ như mùi hương thơm của nhánh lan rừng. Thi ngước mặt lên nhìn tôi nũng nịu, hai tay nàng bóp nhẹ tay tôi hỏi:
- Anh ...! Mặt em bẩn lắm hả? Sao anh cứ nhìn em?
- Không! Tôi định khen Thi “Em đẹp lắm” nhưng rồi thôi.
Chúng tôi lại lặng lẽ đi bên nhau.

Nơi bụi trúc dẫn đường
Chim cu gù lạc lối
Nơi nhành mai vẫy gọi
Thung lũng trắng bay hương
Hạnh phúc cũng là đây
Khi tình anh đã tới
Nhũ đá tình yêu bày
Hang chùa Trong mát rượi
Thôi anh đưa em về
Thuyền yêu ta đã giục
Chùa Trong ra Bến Đục
Nắng chiều đang dần mê ...
Suối Yến đợi chờ ta
Trời sao buông thạch nhũ
Đêm như ... chùa Hương mở
Ở trên đầu hai ta.
(Trích “Đi Trong Hương Chùa Hương” của Chế Lan Viên)

Ghi chú:
(1) Sẽ được nói rõ hơn trong Chương PHỤ LỤC
(2) Thung: là phần đất trũng trong vùng núi đá vôi.
(3) [ ] Lược trích từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn
(*) Hình ảnh lấy từ cuốn “Du Lịch Chùa Hương”- Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội (2009)

 

CHƯƠNG I
Phần 3

 

Trở về Bến Yến

Về tới bến đò Trò, tức bến đò Thiên Trù, chúng tôi hy vọng sẽ về đến Bến Đục sớm để còn có thì giờ đi thuê nhà trọ.
Chúng tôi đứng đợi ở bến đò để chờ Mơ đi lấy thuyền. Mơ cứ đi thoăn thoắt như chạy và chúng tôi cảm thấy may mắn đã có cô đi theo nên cuộc đi chơi trở nên vui hẳn lên nhiều.

Mơ đã chèo thuyền tới, chúng tôi cùng lên thuyền. Cô lại làm công việc của mình đưa chúng tôi trở lại bến đò Yến. Mơ đứng chèo ở dưới đuôi thuyền, nhìn trời mênh mông và im lặng không nói câu nào với chúng tôi. Vẻ mặt buồn buồn.

Cả ba chúng tôi đều nhận ra điều ấy nhưng không ai dám lên tiếng hỏi nguyên cớ tại sao. Để phá cái không khí im lặng ấy, tôi lên tiếng hỏi:
- Các cô có biết rặng núi đá vôi này có từ bao giờ? Và con người có mặt ở khu vực này từ bao lâu rồi không?

Không đợi câu trả lời của mọi người tôi nói tiếp:
- [Dẫy núi vôi Hương Sơn được thành hình cách đây khoảng hơn 200 triệu năm. Do sự biến đổi trồi sụt của địa chất nên những dẫy núi đá vôi, những thung lũng chung quanh, cũng như cánh đồng chiêm này được thành hình. Còn bên trong, núi nứt thành khe, mưa theo khe chảy vào chỗ trũng, nước có khả năng ăn mòn và hòa tan đá để thành động. Với hàng triệu năm, hay hàng chục vạn năm, chất vôi theo nước tạo thành nhũ đá. Nhũ đá từ trên trần chảy xuống gọi là “vú”, từ dưới đất mọc lên được gọi là “măng”. “Vú” và “măng” dính vào nhau gọi là “cột” Nước mưa từ trên núi đổ xuống, ngoài ra nước dưới đất lại có những mạch ngầm tụ lại chảy thành sông, thành suối. Nếu nơi đất nào có đá vôi già không ngấm nước nhiều thì tạo thành những dòng suối chảy trên mặt như suối Yến này] (1)

Tôi ngừng lại để nhìn mọi người rồi nói tiếp và tôi biết rõ trong số các cô chỉ có Uyên là chịu lắng nghe:
- [Về chuyện loài người có mặt trên vùng đất Hương Sơn này từ bao giờ thì anh chỉ dám vắn tắt như thế này: Chúng ta biết rằng, vùng núi đá vôi này có nhiều động. Mà người tiền sử thì sống trong hang động. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy “rìu đá” của thời văn minh Hòa Bình-Bắc Sơn nên đã chứng minh là từ hơn 10 nghìn năm nay đã có mặt của dân định cư trên khu vực này rồi. Và ta cũng nên biết trong thời gian trước “biển tiến” và “biển lùì” (2), vùng này có thể đã có nền “văn minh lúa nước” (2) đã được phát triển trên những cánh đồng chiêm của Hương Sơn. Ngoài ra, từ những di chỉ khảo cổ vùng này, người ta đã tìm ra được vài trống đồng (2) nằm rải rác ở vùng Hương Sơn. Điều này chứng tỏ vào thời các đời vua Hùng Vương, khu vực này đã có đông dân cư. Và có điều cũng dễ hiểu thêm là trong đền Trình có tượng thờ vị tướng quân thời các vua Hùng. Người ta đã khám phá ra động Hương Tích này vào khoảng 2000 năm rồi] (1)

Mơ bây giờ mới lên tiếng:
- Em xấu hổ quá vì em không hiểu nổi những điều anh nói!
- Cô Mơ ơi! Tôi cũng xấu hổ quá vì tôi không biết chèo thuyền và không biết nhiều về Hương Sơn như cô. Tôi trả lời.

Mơ nghe tôi nói, cứ cười khanh khách:
- Anh khéo thật! Các anh chị đúng là người ở Hà Nội.

Tôi có dịp làm vui Mơ:
- Này cô Mơ này! Tôi đọc cho cô nghe mấy câu thơ của những thi nhân đi qua đây chơi, viết tặng cho những cô lái đò xinh đẹp nhé.

Cô lái ơi, đò cô đu võng,
Nhịp thở bồng bềnh suối nước trời xuân,
Làn tóc mai bay nhẹ lâng lâng
Như cuốn theo những hoa chào chim nói
(Trích “Giã Từ Hương Tích” của Yến Lan)

Mắt ai xanh bến Yến,
Bướm người: áo trắng tinh,
Tay cầm chèo cô lái
Dáng chờ nhìn đến xinh.
(Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)

Uyên và Thi nhìn Mơ đồng vỗ tay reo:
- Nhà thơ viết về chị Mơ đấy! Chị Mơ làm các ông nhà thơ mê tít.

Mơ cứ cười tít cả mắt:
- Không phải là em! Không phải là em đâu!

Chúng tôi cùng cười rộ trêu Mơ làm Mơ cứ cười mãi.

Câu chuyện giữa chúng tôi lại nổ ran, trọng tâm là nhắm mũi dùi vào Mơ.

Thuyền đã đi ngang qua đền Trình, chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi phải chia tay với Mơ. Mơ hiện vẻ buồn trên nét mặt. Uyên lên tiếng hỏi:
- Sao chị Mơ đang vui lại chợt buồn thế?

Mơ nghẹn ngào trả lời:
- Em sắp sửa phải chia tay các anh chị rồi. Ai về nhà nấy. Hôm nay em được đi chơi với các anh chị, vui quá. Bao giờ mới có cơ duyên gặp lại các anh chị lần nữa để cùng đi chơi với nhau như ngày hôm nay.

Cả ba chúng tôi đểu cảm thấy bùi ngùi và cảm động trước tấm lòng ưu ái của Mơ. Tôi lên tiếng:
- Hay ngày mai, nếu có rảnh, cô Mơ lại đưa thuyền cho chúng đi chơi thêm được không?

Mơ vui mừng như muốn nhẩy lên:
- Các anh chị còn ở lại đây chơi tới ngày mai nữa à?

Uyên trả lời:
- Vâng chúng em định ở thêm một ngày để đi thăm cho biết rõ Hương Sơn hơn. Chẳng mấy khi có dịp về đây.

Mơ hỏi nhanh:
- Thế tối nay anh chị định ngủ trọ hay có người nhà ạ?

Uyên trả lời:
- Chúng em định ra thuê phòng trọ ở Bến Đục.

Mơ tíu tít:
- Em đề nghị thế này. Em mời các anh chị về nhà em ngủ cho đỡ tốn tiền. Nhà em nay có hai buồng trống. Mẹ em và thằng Sơn, em trai của em, đi ra thị xã Hà Đông thăm ông chú em bị ốm, ngày kia mới về. Thôi về nhà em ngủ đi. Em nấu canh sắn với củ mài cho anh và các chị ăn. Em nấu cơm cũng ngon lắm đấy.

Chúng tôi cứ ngần ngừ chưa quyết định thế nào thì thuyền đã tới bến Yến. Mơ nhảy lên bờ, chặn lại không cho chúng tôi xuống thuyền:
- Nếu các anh chị không về ở nhà em, em không cho các anh chị xuống thuyền đâu!

Chúng tôi biết tính Mơ thật thà như đếm. Cô mời như thế là mời thật lòng. Mơ dành cho chúng tôi tấm lòng ưu ái như thế nên cũng khó từ chối.

Tôi trả lời Mơ:
- Ừ, thôi mình đã là người nhà, cô Mơ cho chúng tôi ngủ nhờ một đêm nhé. Ngày mai chúng ta đi chơi chung với nhau cho tiện.

Nghe thấy tôi nói thế, Mơ nhanh nhẩu kéo thuyền vào bờ cho chúng tôi lên.

Sau khi neo thuyền, Mơ lon ton đi lên phía trước dẫn đường. Đi khoảng trăm bước từ bến Yến, rẽ trái vào một ngõ nhỏ, và cũng chỉ độ năm chục bước nữa là tới nhà Mơ.

Nhà Mơ, mới trông thoáng bên ngoài, chúng tôi đã thấy khang trang và rộng rãi lắm. Mái nhà đều lợp bằng ngói đã cũ kỹ rêu phong. Hai bên cổng vào, phía bên ngoài, là hai cây hoa ngâu khá to được trồng trong chậu sành lớn. Qua cổng gỗ hai cánh có mái thì tới sân gạch sạch sẽ và tiếp tới là ngôi nhà trên có bậc tam cấp. Hai bên bực thềm tam cấp có hai chậu trồng cây cảnh (kiểng) uốn. Từ phía cổng bước vào, bên trái của sân là nhà ngang, bên phải của sân là nhà bếp và nhà tắm lộ thiên được xây bằng gạch nằm bên hông nhà bếp. Cuối sân có bể nước. Bên cạnh bể nước là hai chum sành màu nâu đen với cặp gáo dừa bắt ngang miệng chum.

Đây là căn nhà có dáng vẻ kiến trúc tiêu biểu của giới trung lưu thuộc làng xã miền Bắc. Vào tới gian nhà chính, nhà gồm ba gian hai trái. Tôi khen:
- Nhà cô Mơ đẹp quá!

Mơ vừa mời chúng tôi ngồi chơi ở nhà trên vừa nói:
- Đây là nhà của ông bà ngoại em để lại cho thầy u em trước khi mất. Nay nhà em nghèo lắm nên chỉ còn có cái xác nhà đó thôi. Thầy em đi làm xa trên mạn ngược, vài tháng mới về nhà một lần, ở nhà độ non một tháng rồi lại bỏ đi. Thầy em mang tiền về, mẹ em tần tảo và chúng em đi làm phụ thêm vào nên cũng tạm sống qua ngày.

Mơ tiếp:
- Các anh chị đi tắm đi. Em đi thổi cơm. Có các anh chị ở lại chơi, em mừng lắm. Nếu không, đêm nay em phải ở nhà một mình.

Mơ vừa bước đi vài bước chợt quay lại:
- Đêm nay hai chị ngủ buồng mẹ em nhé, có giường rộng. Anh ngủ buồng thằng Sơn, em của em.

Tôi liếc nhìn quanh nhà, thấy chỗ nào cũng sạch sẽ và tươm tất cả, mặc dù mọi thứ đồ đạc rất đơn sơ và cũ kỹ. Một giò lan rừng treo ngay giữa nhà tỏa hương thơm dìu dịu và thanh khiết. Trên bàn thờ kê sát tường gian giữa, ngay phía trước có một chiếc lư đồng với hai cây thắp nến bằng đồng đứng hai bên lư. Phía trong cùng bàn thờ là tượng Phật Bà ngồi trên bệ bằng gỗ sơn son đã có chỗ tróc sơn. Hai bên tượng Phật Bà là hai bình hoa sứ cao cổ đựng những chùm hoa sen bằng giấy, cùng đấy với những bức di ảnh của người quá cố. Ngay sát dưới chân bàn thờ, đứng lẻ loi một chiếc “độc bình”. Bộ bàn gỗ với sáu cái ghế dựa mộc mạc nằm giữa gian chính. Hai bên gian nhà chính là hai gian nhà phụ, nhỏ hơn gian chính. Mỗi gian phụ đều được kê một bộ “ghế ngựa” (giường gỗ ghép bằng những tấm ván dầy). Trên vách được treo bức tranh “ông hổ”, một tấm ảnh lớn gia đình đã ngả màu và vài bức tranh Đông Hồ. Một bức tranh tố nữ lớn hơn cả treo bên cạnh chiếc đồng hồ “quả lắc” cũ kỹ với quả lắc đang đong đưa đều đặn.

Tôi tò mò nhìn ra sau nhà là vườn rau, có vài cây ăn trái lớn.

Uyên và Thi ra Bến Đục mua thêm vài món thức ăn. Thế là xôi tôi mang đi lúc buổi sáng và vài cái bánh mua ở bến đò Thiên Trù chưa được đụng tới. Lại còn cả vài quả quít và cam mang theo mà chưa ai ăn nữa.

Chỉ một loáng, Uyên và Thi đã trở về với vài món thức ăn đã nấu sẵn. Tôi để Uyên và Thi đi tắm trước rồi mới tới tôi. Khi đến lượt tôi tắm xong, ba cô đã dọn sẵn mâm cơm đặt trên chiếc chõng tre giữa sân. Trời còn đủ sáng nên không cần đèn.

Trong bữa cơm, chúng tôi nói chuyện với nhau thật vui và cười ròn rã với những câu chuyện kể của Mơ. Mơ thật thà nên câu chuyện cô kể, ai cũng tin ngay. Thật thà đến độ có lúc chúng tôi phải ngừng đũa trố mắt lên để nhìn Mơ.

Mơ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khi cô lên Hà Nội giúp việc, làm chúng tôi vừa buồn cười lại vừa thương. Mơ kể chuyện có duyên theo những bộ điệu cô diễn tả:
- Năm kia, có một người quen với thầy em, giới thiệu em đi làm cho một tiệm phở ở Hà Nội. Lúc đó em đã 16 gần 17 tuổi rồi. “Gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” mà, em làm việc gì cũng được và dù có phải đi làm xa nhà em cũng đâu có sợ. Em hăng hái xin mẹ em cho em đi làm, hầu giúp gia đình sống dễ dàng hơn. Được lên Hà Nội cũng là điều mơ ước của em mà. Phải nói mãi, sau cùng mẹ em mới chấp thuận cho em đi làm việc xa nhà.

Thế là em lên Hà Nội ngay. Công việc của em dễ lắm, chỉ phụ dọn dẹp, rửa chén bát cho tiệm phở. Tối đến, em phụ bà chủ thổi cơm. Hôm nào rảnh rỗi thì em giặt quần áo cho cả nhà. Công việc trôi chảy được tháng đầu. Cuộc sống của em đã dần được ổn định với công việc của mình.
Sang tháng thứ hai thì bắt đầu có chuyện. Ông bếp chính nấu phở thấy em còn trẻ, nên cứ nói bóng nói gió là em lấy ông ấy đi, ông ấy sẽ nấu phở cho em ăn cả đời. Em nói là ông đã có vợ con rồi nên tôi không thèm ăn phở của ông. Ông ấy cứ lải nhải như thế. Một hôm tức quá, em “gầm” lên với ông ấy. Từ hôm đó ông ấy tịt luôn không dám trêu ghẹo em nữa. Hết ông bếp chính lại tới anh chàng bếp phụ. Anh ta hơn em một hay hai tuổi cũng tán tỉnh em. Anh ta nói thích em. Em trả lời là tôi không thích anh. Anh ta hỏi tại sao em không thích anh ta. Em trả lời em không thích người hay ăn vụng. Mấy lần em bắt gặp anh ta ăn vụng trong khi thái thịt phở. Anh ta cứ nhìn trước nhìn sau, hễ không thấy bóng chủ là anh ta bỏ ngay mấy miếng thịt phở chín vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nuốt chửng. Thấy cảnh chướng mắt nên em ghét anh ta lắm.
- Thế tại hai người đó Mơ mới nghỉ việc hả? Tôi hỏi.
- Không phải! Hai người đàn ông đó em đâu có sợ. Em nghỉ việc là vì bà chủ cứ suốt ngày mắng em là “đồ nhà quê”. Công việc có khi chẳng dính dáng gì tới quê hay tỉnh, thế mà bà ấy vẫn cứ mắng em là “đồ nhà quê”. Em nhớ hôm đó, khách đông lắm, em rửa bát không kịp, bà chủ bắt em chỉ tráng nước sơ qua thôi rồi lau khô đem lên cho khách. Em thấy bẩn quá nên em cứ phải rửa hai lượt, lượt rửa, lượt tráng nước sạch, rồi mới lau khô đem lên. Bà chủ tức giận cứ rít lên mắng em là “đồ nhà quê” Em buồn quá, tối hôm đó em thưa với ông bà chủ em xin nghỉ việc. Ông chủ thương em lắm, ông nói ông biết hết mọi chuyện ở trong nhà xẩy ra cho em. Ông thuận cho em nghỉ việc và trả cho em đủ nửa năm lương. Em làm có ba tháng nên em chỉ nhận có ba tháng thôi. Ông chủ nói ông trả cho em ba tháng, nhưng số còn lại ông gửi về biếu cho thầy u em. Em cảm ơn lòng tốt của ông. Hôm sau, ông chủ chở em ra bến xe để về nhà. Ông chủ còn dặn khi nào muốn lên làm việc, ông sẽ nhận cho em làm lại. Về tới nhà em tủi thân, nằm khóc tới mấy ngày.

Nghe câu chuyện Mơ kể tôi nhận ra một điều, dưới những tiếng cười vui của khách hành hương, dưới cái đẹp kỳ thú của thiên nhiên, dưới cái từ bi của Phật Bà, còn bao mảnh đời khốn khổ hòa lẫn trong đó mà ta chưa thể nhận ra. Dù sao đi nữa, Mơ còn có cha, có mẹ, có căn nhà khang trang để ở, có tình thương của mái ấm gia đình, có chỗ đi về. Còn biết bao nhiêu những cô lái đò khác trên suối Yến kia hay biết bao nhiêu người dân Hương Sơn nữa, không phải họ chỉ khó khăn trong cuộc sống không thôi mà thật sự họ còn là những mảnh đời khốn cùng không lối thoát. Tôi thật ngậm ngùi cho những con người ấy. Họ sống trong bùn lầy nước đọng và họ như đang bị bỏ quên trong xã hội loài người. Có những con người chấp nhận sự thiệt thòi của họ như một định mệnh, như một sự an bài sẵn có. Họ tin là họ không bao giờ có thể vượt thoát ra được những khắc nghiệt họ đương phải gánh chịu, chỉ trừ Giời Phật mới có thể mang sự may mắn tới cho họ như một phép mầu mà thôi. Thật đáng thương thay!

Cơm nước đã xong, ba cô đã dọn dẹp chu tất. Chúng tôi ngồi nói chuyện gẫu đôi ba câu chuyện vãn dưới ánh đèn dầu leo lắt mới được mang ra. Trời đã dần tối mịt. Vì là đầu tháng nên trên bầu trời không một ánh trăng. Cảnh vật chìm trong bóng đêm. Tôi nhìn Thi đang tư lự, im lặng ngắm nhìn ngọn đèn dầu lung linh. Thỉnh thoảng Thi lại liếc nhìn tôi mỉm cười rất nhẹ. Thoảng nhẹ như mùi hương thơm của nhánh lan rừng trong nhà.
Tôi đề nghị mọi người đi ngủ sớm để dành sức đi chơi ngày mai. Mọi người chia tay, ai về buồng nấy. Buồng ngủ của Mơ ở nhà ngang.
Tôi nằm trằn trọc mãi trên giường mà không sao ngủ được. Tôi ngồi dậy lấy đôi nhẫn tôi mua đem ra mân mê rồi bỏ lại vào ba-lô. Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi đeo vòng tay và nhẫn cho Thi. Giờ này chắc mọi người đã ngủ. Nằm trằn trọc một lúc lâu tôi mới ngủ thiếp đi được.

Ghi chú:
(1) Những đoạn trong dấu ngoặc [ ] được lược trích ý từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn” của tác giả Trần Lê Văn.
(2) Được viết rõ trong bài “Đi Thăm Thành Cổ Loa” của NGH.

CHƯƠNG II


Sáng sớm tinh mơ, tôi đã nghe tiếng lục đục ngoài sân. Tôi chồm dậy nhìn ra, thấy ba cô đang chuẩn bị thức ăn sáng. Tôi vội sửa lại quần áo cho gọn ghẽ, chải vội mái tóc rồi ùa chạy phóng ra sân.
- Này! Này! Các cô đừng chuẩn bị ăn sáng nghe chưa! Còn bao nhiêu thức ăn trong ba-lô tôi kia kìa. Ăn cho hết đi đã, nếu không, tôi phải mang nặng lắm đấy.

Ba cô ngừng tay, nhìn nhau như hỏi ý. Thi vội nói:
- Đúng rồi các chị ơi! Mình còn nhiều thứ để ăn sáng lắm. Không ăn để nó thiu thì uổng.

Uyên và Mơ dừng tay nhìn tôi. Tôi chạy vào buồng xách ba-lô ra, lấy thức ăn bầy ra chõng giữa sân. Nào xôi, nào bánh, nào trái cây đủ cho bốn người ăn sáng nay. Uyên và Mơ nhìn nhau mỉm cười.
- Mấy cô định nấu nướng gì vậy? Tôi hỏi.
- Chị Mơ đang chuẩn bị cho nồi canh rau sắng nấu với củ mài. Chị ấy dậy cho chúng em nấu. Định ăn cơm no rồi mới đi chơi. Hôm qua, nồi canh đã chuẩn bị xong nhưng chưa kịp nấu thì tụi em mang thức ăn về nên để sáng nay.
- Thôi chiều nay ta trở về ăn. Ta đi cho sớm. Buổi trưa ăn tạm ở đâu mà chẳng được.

Tôi hỏi Mơ thêm:
- Chúng tôi định đi thêm hai tuyến nữa là tuyến lên chùa Hinh Bồng và tuyến lên chùaTuyết Sơn. Có kịp không cô Mơ?
- Nếu chúng ta đi sớm và đi nhanh thì kịp. Nếu đi thong thả phải hai ngày, như thế thì dư giả thời giờ hơn.

Tôi nói với Uyên và Thi:
- Hai em tính sao? Uyên còn ngày nghỉ không? Nến hôm nay không kịp, anh tính ta ở thêm một ngày nữa để cho hai em đỡ mệt. Còn anh thì sao cũng được.

Uyên ngần ngừ chưa quyết định.
- Ngày nghỉ em còn, nhưng chỉ sợ phiền chị Mơ thôi.

Tôi đề nghị giải pháp trung hoà:
- Hôm nay ta cứ đi, nếu kịp thì ngày mai về Hà Nội, nếu không kịp, ta ở lại thêm một ngày nữa để ăn rau sắng với củ mài cho thỏa thích. Thôi cứ thế đi nhé. Mấy khi ta lại có dịp trở lại nơi đây đầy đủ như thế này.

Mơ cứ nắm tay Uyên:
- Chị Uyên ở lại thêm với em một ngày nữa đi mà. Em dậy chị nấu canh rau sắng với củ mài.

Uyên cũng nắm tay Mơ:
- Cám ơn chị! Hôm nào chị cũng phải lên Hà Nội chơi với chúng em đấy!

Mơ vui mừng cứ nắm tay Uyên mà lắc mạnh.

Sau bữa ăn sáng, chúng tôi vội vã lên đường. Ánh bình minh cũng vừa ló rạng.

Tuyến đường vào chùa Hinh Bồng

Chúng tôi lại xuôi dòng suối Yến để tới bến đò Trò hay bến Thiên Trù. Cũng con suối đó, cảnh đó, ngày hôm qua thấy đẹp, hôm nay vẫn thấy đẹp. Lần nào cũng đều thấy mới tinh như mới tới lần đầu.

Ánh nắng ban mai chiếu trên đỉnh những rặng núi, trên những rừng cây, khóm lá và lan tỏa loang loáng trên mặt suối Yến đang lững lờ trôi.

Ánh nắng làm cảnh vật đổi mầu theo từng khoảnh khắc của thời gian. Đẹp làm sao! Sáng, trưa, chiều, tối cũng như hôm nắng, hôm mưa ...chắc hẳn đều có cái đẹp riêng của nó.

Tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan
Người tai mắt chốn nhân gian
Ai chẳng đến Hương Sơn thì cũng tục
Kể từ lúc bước lên đò Đục
Liếc mắt trông đã mãn mục vân sơn
Lần theo một dải thanh tuyền . . .
Nào ngư phủ nhập Đào nguyên đâu cũng thế,
Mặt trời gác bóng cây xế xế
Tản vân in đáy nước rành rành
Chim trời mấy chiếc lênh đênh
Cây mai thụ rập rềnh năm bẩy lá

Chú tiểu tử ruổi rong bến đá
Lũ ngư ông quẩy cá qua cầu
Cỏ cây san sát một màu
Núi trước, núi sau, mình ở giữa
...
Núi mờ xanh từng dẫy ngất non thiêng
Kìa núi Gà, núi Tượng, núi Trống, núi Chiêng
Chưa qua núi lại thấy đò qua bên cạnh núi.
Thoạt trông thấy biết đâu mà hỏi
Cầu đăng tiên nọ chốn đăng doanh
Gót in đá biếc xanh xanh
Lòng trần tục bỗng không, thanh thản nhẹ.
...
(Trích “Hương Sơn Phong Cảnh” của Vũ Văn Hàm)

Mơ cho biết muốn đến chùa Hinh Bồng thì phải trở lại bến đò Thiên Trù.
Khi đến đền Trình, Mơ đề nghị chúng tôi rẽ vào nhánh suối ngắn để đến thăm chùa Long Vân gần đó. Nhánh suối này gọi là suối Long Vân. Từ suối Long Vân, ta thấy chùa Long Vân xa xa với ngọn tháp và mái chùa ẩn hiện trong sương, mờ mờ mây khói.

Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây
(Nguyễn Khuyến)

Thuyền đi thong dong trong suối vắng vì ít thuyền vào đây. Hai bên bờ suối, lác đác người đi làm ruộng, kẻ đi làm rừng, người đi đánh cá. Thuyền đi sát gần núi Đụn, bên núi Đụn là cánh đồng xanh. Những hàng núi nhỏ xếp dài, triền núi thường có hang động. Nhìn lên triền núi cao, ta thấy những khu vườn, những ngôi nhà cao ráo, tĩnh mịch. Và từ chỗ này, ta thấy núi Quy, hình thù thật giống như hình con rùa đang ngỏng đầu lên.

Chúng tôi lên bờ, đi một quãng thì tới cổng chùa. Cổng chùa ở dưới chân núi, chùa ở trên cao. Đường lên chùa khá dốc, chỉ lên dốc một quãng là tới động Long Vân. Động tuy nhỏ nhưng bên trong cũng có thạch nhũ và bệ thờ tượng Phật. Cố leo thêm lên cao, đứng trước hiên chùa ta có thể quan sát được những rặng núi chung quanh và cả suối lẫn đồng ruộng phía dưới.

Chùa được xây năm 1920. Hình thể chùa như một ngôi nhà thường trên sườn núi và có tháp cao.

Mơ cũng cho biết nếu từ chùa Long Vân đi sâu vào thêm nữa, du khách sẽ gặp “chùa động” Cây Khế rất đẹp, rồi hang Sũng Sàm, nhưng vì đường đi đá dốc “gập ghềnh mấy khúc thang mây” (1) và thời gian có hạn nên chúng tôi đành phải bỏ qua và hẹn cô vào dịp khác.

Sau khi thăm chùa Long Vân, chúng tôi xuống núi và trở lại thuyền rồi quay ra suối Yến, thẳng đường xuôi theo suối Yến tới bến đò Thiên Trù.
Từ Thiên Trù tới chùa Hinh Bồng đường đi có khúc đường đất, có khúc đường núi nhưng tương đối bằng phẳng. Đi hết khúc đường bằng phẳng là tới dốc thật cao. Đường leo dốc cũng không khó khăn lắm vì có đường vòng quanh co chứ không thẳng đứng.

Đi thăm chùa Hinh Bồng có cái thú của trèo núi vài ba cây số. Thêm vào dó, càng lên cao càng có dịp nhìn toàn cảnh đẹp, ta có thể phóng mắt nhìn ra xa tới mút con mắt. Đường dốc lên Hinh Bồng nằm bên triền núi quanh co, đường đi gập ghềnh nhỏ hẹp nhưng thường có bậc đá. Khách hành hương lên Hinh Bồng, theo tôi nghĩ, nên dùng gậy chống, nhất là vào những ngày mưa. Nghe nói vào những ngày Hội, đứng từ chân núi nhìn lên, ta thấy người trèo núi và người đứng trước cửa chùa đông như một đàn kiến đang tha mồi về tổ.

Động Hinh Bồng là một trong những hang động đẹp ở phía nam động Hương Tích. Động có Quan Âm đài, đền thờ Thánh Mẫu, Sơn Thần là những nơi thờ cúng rất trang nghiêm nên ít ai đến Hương Sơn mà lại không ghé đây để cầu xin phước lộc và những điều may mắn tốt đẹp nhất. Trịnh Sâm có một bài thơ vịnh về chùa Hinh Bồng:

Chân núi đường xuyên một nẻo dài
Hóa công mài chuốt đã bao đời
Non xanh, nhường thấy non không đất
Suối biếc nhìn qua suối gặp trời
Đá nhuốm ráng chiều-nghìn gấm điểm
Sóng rung dải nhũ vạn châu rơi
Chim trời cá nước vui chung cảnh
Ngọn bút khôn đem tả hết lời.
(“Vịnh Núi Hinh Bồng” do Quách Vịnh dịch)

Sau khi lễ xong trong chính điện chùa Hinh Bồng, Uyên, Thi và Mơ bước ra ngoài đứng trong sân chùa nhìn ngắm cảnh thanh bình, nào núi ở trên; nào thung lũng, nào cánh đồng xanh, nào suối ở phía dưới chân núi. Mơ chỉ cho chúng tôi “thung mơ” xa xa phủ màu hoa trắng vào mùa Xuân.

Mơ cho chúng tôi biết hoa mơ nở ngay vào những ngày đầu của mùa Xuân. Cuối Đông mơ có nụ, chỉ đợi nắng ấm của Xuân là nở bung ra. Người ta còn gọi cây mơ là cây mai. Nhưng cũng có những loại cây mai chỉ có hoa mà thôi.

Tuy cây mơ, thân nhỏ, hoa mỏng manh nhưng rễ ăn rất sâu, ăn len lỏi vào được cả khe núi đá, eo núi, sườn đá có đất hay những khu đất có lẫn đá. Cây mơ có thể chịu được khô hạn lâu. Loài ong rất thích hoa mơ, và mật ong từ hoa này có phẩm chất cao. Cây mơ mọc ở trên núi Hương Sơn thì quả (trái) có cùi dày, hột nhỏ và chua thơm hơn mơ mọc ở những nơi khác. Do đó, khi nói đến Hương Sơn là người ta nghĩ tới mơ. Mơ như một biểu tượng, một đặc sản không thể tách ra khỏi thắng cảnh nổi danh Hương Sơn này.

Quả mơ được chia ra nhiều loại, mơ nứa quả tròn nhiều nước, mơ đào quả to đuôi nhọn có hình thù giống trái đào, mơ chấm son vì có chấm đỏ, mơ bồ hóng vì có những chấm đen.

Mơ dùng làm trái cây giải khát rất tốt vì vị chua. Tôi nhớ trong truyện Tam Quốc Chí, có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh chiến, binh sĩ khát nước không đi nổi nữa. Tào Tháo đánh lừa họ, chỉ cánh rừng trước mặt nói đó là rừng mơ. Quân sĩ tưởng thật, hăm hở tiến lên, nhưng lại không phải là rừng mơ. Ngoài việc mơ được dùng như một thứ giải khát lại còn có thể làm rượu mơ rất ngon.

Cô Mơ còn cho biết là cây mơ có nhiều dược tính. Gỗ cây mơ già, lấy từng thanh nhỏ nấu nước uống, mùi thơm mát. Tôi mường tượng nó phải thơm mát như những vần thơ:

Rừng mơ trắng, hoa mơ nhàn hạ,
Hương mơ bay, cành mơ chỉ lối ra . . .
Đường vào gần mà đường trở lui xa,
Bởi nhẹ tâm tư, đất trời thêm rộng.
. . .
Hương Tích ơi, tôi sẽ còn đến nữa,
Như hoa mơ lại đến với mùa mơ
Nâng cuộc đời hơn những ước mơ.
(Trích “Giã từ Hương Tích” của Yến Lan)

Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng,
Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?
Mơ trong thung lũng, mơ trên núi,
Hoa bạch trong ngần vạn điểm thơ.
(Trich “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)

Khi leo núi, có những đoạn dễ đi, tôi và Thi lại có cơ hội nắm tay nhau cùng đi như dung dăng dung dẻ nên thấy đường đi như được ngắn hơn và dốc núi cũng trở nên ít cao hơn.

Có lẽ vì đã leo núi quen từ hôm trước, lại quen sử dụng cây gậy chống nên hôm nay mọi người có vẻ cảm thấy ít mệt hơn. Dù sao chúng tôi đều ở tuổi thanh xuân, có mệt thì chỉ cần nghỉ ngơi ít phút là lại có thể hồi sức ngay để tiếp tục cuộc hành trình, nhất là trong lòng mọi người đều hăm hở đi tìm những cái đẹp mới lạ của cảnh vật thiên nhiên.

Khi trở lại bến đò Thiên Trù, chúng tôi nghỉ ở đây để dùng cơm trưa. Tôi thấy Uyên và Mơ cứ quấn quýt nói chuyện với nhau nên tôi có dịp ở bên Thi nhiều hơn.

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi thả bộ đi xem những gian hàng bán đồ vật kỷ niệm. Tôi ghé vào tai Thi nói nhỏ:
- Anh muốn tặng cho Uyên và Mơ, mỗi người một cái vòng đá đeo tay làm kỷ niệm chuyến đi chơi này. Em nghĩ thế nào? Có tiện không?
- Thế cũng phải anh ạ! Thôi để em lo việc này cho anh nhé!

Thi hỏi:
- À, thế anh thích tặng mấy chị ấy vòng đá mầu gì?
- Mầu gì cũng được, nhưng hai cái vòng đó phải màu giống nhau. Nhưng có một điều nó không phải là mầu xanh ngọc bích là được. Với Thi thì phải do chính tay anh chọn mới được.
- Anh thật khéo nịnh! Những cô học trò anh dậy học kèm chắc phải có nhiều cô “chết vì anh”. Thi nhìn thẳng vào mắt tôi cười tủm tỉm như hỏi “Có đúng không?”.
- Ừ, đúng rồi, anh kèm nhiều cô học trò thông minh lắm, lại xinh đẹp nữa và tất nhiên là có cô muốn “chết vì anh” rồi, nhưng anh thì lại chỉ chết bởi một “cô bé con” thôi. Tôi cười rồi “bẹo” vào má Thi.

Thi nguýt tôi một cái thật dài rồi chạy đi mua hai vòng đá để tặng cho Uyên và Mơ. Tôi tự hỏi tại sao lần đi chơi này, Thi lại trở nên một cô gái “trưởng thành” và “cởi mở” một cách đến không ngờ như thế. Lý do nào đây nhỉ? Tôi cứ băn khoăn về điều này mà không giải thích được. Con gái mới lớn, lúc thế này, lúc thế khác, tâm tính họ cứ thay đổi như chong chóng. Thôi cứ kệ! Ta lờ!

Thi rảo một vòng khu “chợ” rồi gọi tôi lại một gian hàng hỏi ý:
- Cặp vòng này được không anh?
- Em đã nói là để cho em lo, em còn hỏi anh làm gì nữa! Tôi đáp.
- Em chọn cặp này! Thi vừa rút tiền ra trả thì tôi ngăn lại.
- Để anh trả vì anh mua tặng mà!

Bà hàng gói hai vòng đá vào giấy nhật trình rồi đưa cho Thi.

Tôi hỏi Thi:
- Em mua gì thêm không?
- Không ạ. Em đã mua quà tặng cho anh từ hôm qua rồi. Thi đưa tay lên miệng nàng ra dấu như ngăn tôi không được hỏi thêm.
- Anh cũng thế! Tôi cũng đưa tay lên môi mình như ra dấu không cho Thi hỏi thêm.

Hai chúng tôi cùng cúi đầu để “cụng đầu” nhẹ vào nhau rồi cười như biểu lộ hai “ý lớn gặp nhau” hay hai ta cùng “ý hợp, tâm đầu”. Thi giả vờ đưa hai tay lên xoa trán, phụng phịu nhõng nhẽo:
- Đầu anh cứng quá hà!
- Ừ anh thuộc loại cứng đầu mà.
- Không phải! Đầu anh cứng chứ không phải anh cứng đầu.

Thi cười rồi nắm tay tôi kéo đi. Nắm tay kéo đi như thế này là một cử chỉ Thi thường làm với tôi khi nàng còn bé. Lúc ấy Thi như con chim nhỏ. Ấy đấy, rồi một hôm, lúc Thi kéo tay tôi đi như thế, tôi lại bất chợt cảm thấy như có cái gì ấm áp, mềm mại trong bàn tay ấy để tôi phải nhớ nhớ thương thương cứ như một định mệnh đã được an bài, nó đã vượt ra khỏi tầm lý trí của tôi.

Chúng tôi quay lại bến đò. Uyên và Mơ đã đứng đợi dưới đó.

Chúng tôi xuống thuyền, ngược dòng suối Yến, trở về lại qua Đền Trình-Ngũ Nhạc, qua bến Yến rồi bến Đục, để cuối cùng đến bến đò Phú Yên. Bến đò Phú Yên thuộc xã Phú Yên.

Ghi chú:
(1) Trong bài “Phong cảnh Chùa Hương”- Chu Mạnh Trinh

CHƯƠNG III


Tuyến đường vào chùa Tuyết Sơn

Từ bến đò Phú Yên, chúng tôi rẽ vào ngã ba của suối Tuyết để lên chùa Tuyết Sơn.

Khi vừa tới khúc suối rẽ vào suối Tuyết, tôi trông thấy một chị lái đò đã hơi đứng tuổi, khoảng 25. Thấy thuyền chị không có khách, tôi gọi to để chị lại gần. Mọi người trên thuyền đều ngạc nhiên về hành động bất ngờ của tôi. Mơ là người ngạc nhiên hơn cả, cứ nhìn tôi chăm chăm. Khi chị lái đò đến gần sát thuyền tôi, tôi vội lên tiếng:
- Chào chị! Chắc chị chưa có khách?
- Thế, các anh chị muốn gì nào?

Tôi chỉ vào Mơ:
- Đây là cô Mơ, em họ của tôi. Cô ấy chèo thuyền đưa chúng tôi đi chơi đã hai ngày liền rồi. Nay chúng tôi lại muốn lên chùa Tuyết Sơn xa tít trên kia. Sợ cô ấy mệt nên chúng tôi định nhờ chị đổi tay chèo dùm cô ấy được không?

Nghe đến đây cả Mơ lẫn chị lái đò cùng cười rộ lên. Chị lái đò chỉ Mơ:
- Ối Giời ơi! Anh đừng phải lo cho nó. Có lần tôi với nó chèo đò dọc trên sông Đáy liên tục ba ngày, ba đêm liền. Nó chèo thuyền khỏe lắm, cả làng này ai mà chẳng biết tiếng nó. Các anh chị cứ đi chơi vui vẻ, thoải mái đi. Nhằm nhỏ gì với mấy con suối cỏn con này.

Chị quay sang nói với Mơ:
- Cô em có ông anh họ tử tế nhỉ!

Nói xong câu ấy chị lái đò cười cười chèo thuyền bỏ đi. Uyên và Thi trố mắt nhìn tôi đang ngẩn ngơ, sượng sùng. Mơ nói với tôi:
- Cám ơn anh! Công việc thường ngày này, đối với chúng em thì đâu có gì là mệt nhọc. Được đi chơi với các anh chị là vui lắm rồi. Mấy khi em gặp được khách quý và vui như thế này.

Mơ nói tiếp theo:
- Chị ấy tên Thơm, người cùng xóm với em. Chị ấy thường đi hái mơ và kiếm củi trên núi với em.

Thi lấy chân bấm mạnh vào chân tôi một cách kín đáo, mắt vẫn nhìn ra xa mỉm cười, không nói gì. Tôi lên tiếng:
- Chúng tôi cám ơn cô Mơ nhiều lắm. Có cô đi chung, thật là vui!

Mơ không trả lời tôi mà chỉ cắt nghĩa:
- Khúc suối Tuyết này, từ đây dẫn vào chùa Tuyết Sơn bằng hai phần ba khúc suối Yến dẫn vào Thiên Trù. Vào những ngày hội chùa Hương, khách hành hương đến đây cũng đông lắm nhưng không đông bằng bên Hương Tích. Ngay bến đò, anh chị thấy một ngôi đền nhỏ cũng gọi là đền Trình, nhưng để phân biệt với đền Trình-Ngũ Nhạc, người ta gọi đền này là đền Trình-Phú Yên. Trong đền Trình này cũng có nhiều cây cổ thụ và ngoài cổng có hình một con hổ tạc trên phiến đá.


Suối Tuyết
Dọc theo suối Tuyết, cảnh vật thanh bình, êm ả và đẹp mắt lắm. Ta thấy hai bên bờ suối cũng có những rặng núi đá vôi nhưng thấp và thưa hơn.

Mơ chỉ vào những quả núi, nói thêm:
- Quả núi có hình dáng như chiếc thuyền rồng kia gọi là núi Thuyền Rồng, quả núi có hình dáng như con chim phượng được gọi là núi Con Phượng. Các anh chị để ý nhé, vài chỗ có những tảng đá vuông vức giống nhau lại chồng lên nhau như chồng sách gọi là “Thư thạch” (sách đá). Người ta cũng cho đó là những chồng “kinh Phật”.


Chùa Bảo Đài
Tới bến đò Tuyết Sơn, chúng tôi lên bờ, Mơ đi trước dẫn đường, đưa chúng tôi tới một ngôi chùa mang tên Bảo Đài. Chùa Bảo Đài nằm trong động, xung quanh cây cối rậm rạp.

Gần chùa Bảo Đài có một hang động trong đó có một cái ao cá thiên nhiên trong núi, người ta gọi là “Hang Cá” hay động Chùa Cá. Trong ao cá có cá vàng, cá bạc được cho là cá của Phật.

Chùa Tuyết Sơn

là chùa đẹp hàng thứ hai sau chùa Hương Tích. Chùa nằm trong hang động có độ lớn không thua gì động Hương Tích là mấy. Trong động có nhiều thạch nhũ đẹp, có chỗ rủ xuống, có chỗ trông như vẩy rồng. Sự sắp đặt tượng Phật gồm tượng thờ Phật Bà và các vị La Hán. Tượng thờ, hoặc được tạc ở thế đứng riêng biệt hay thế ngồi, thế nằm, hoặc được tạc trên vách đá hayđược đặt trên bệ thờ như phần lớn các chùa trong các hang động ở Hương Sơn. Có bức tượng được tạc bằng đá trắng, có bức tạc bằng đá mầu nâu trơn bóng rất đẹp. Ngày Hội, khói hương trong động toả ra mù mịt như khói hun.

Động Tuyết Sơn nổi tiếng từ lâu đời. Chỗ thạch nhũ giống trông giống như những con rồng trong ổ nên còn gọi là động “Ngọc Long” (Rồng ngọc). Trên đỉnh núi phía xa xa có một tảng đá giống như tượng Phật được tạc hay giống như hình thù một vị sư mặc áo cà-sa.
Trước cửa động có hai bài thơ, một Hán, một Nôm được khắc trên đá của Tĩnh vương Trịnh Sâm.
*Bài thơ chữ Nôm:

Éo le thay bấy cảnh thiên thành!
Có vẻ tân kỳ, có vẻ thanh
Gió quyến cầm thông, thông lợp tán
Mây vờn vách đá, đá in tranh
Non cao Phật hiện phô kim tướng
Động thắm, rồng quanh lắng ngọc kinh
Sương tuyết càng nhiều, càng tú lệ
Này này chẳng khác chốn Bồng Doanh.
(“Vịnh Cảnh Tuyết Sơn”)

Bài thơ này tả cái đẹp của cảnh bên ngoài, có thông reo, có mây vờn đá, đá in tranh, có tượng Phật trên đỉnh núi. Trong động có thạch nhũ hình con rồng lắng nghe kinh.
*Bài thơ chữ Hán:

Phương Nam chất ngất núi bao la
Động tạc sườn non vẻ nuột nà
Nét tỏ dấu thần vàng chuốt móng
Sương ngưng gốc thụ ngọc in da
Sáo reo: gió thổi ngàn thông quyện
Song vắng: mây buông bóng nguyệt qua
Một hạt cỏn con gồm thế giới
Thơ lồng trong cảnh rộn lòng ta.
(“Vịnh Động Tuyết Sơn” Quách Vinh dịch)

Chúng tôi rời động Tuyết Sơn, lại theo triền núi thả dốc trở về bến đò Tuyết Sơn. Đường núi cheo leo nhưng vì đi xuống dốc nên cũng đỡ mệt hơn lúc leo lên.

Khi chúng tôi xuống tới thuyền thì trời đã ngả về chiều. Nắng chiều chỉ còn vương vất ngang sườn núi hắt lên. Cảnh vật dần dần trở nên u tịch hơn.

Mơ theo con đường khác để về. Cô dùng con đường suối Tuyết đi bọc theo sườn núi, băng qua cánh đồng chiêm để gặp suối Yến ở đền Trình-Ngũ Nhạc. Rồi từ đền Trình về bến Đục không xa.

Mơ vừa chèo thuyền vừa nhìn trời như sợ trời sắp tối. Tôi nói như để trấn an Mơ:
- Phải chi chúng ta được đi thuyền trong bóng đêm yên tĩnh, để được nghe tiếng mái chèo khua nước, tiếng nhái hay ễnh ương kêu vang, hay được nghe tiếng vượn hú, tiếng chuông chiều từ những cổ tự vang ra thì thích thú biết bao.
- Các anh chị không sợ đêm tối à?
- Không! Chúng tôi không sợ đâu! Cô cứ thủng thẳng mà chèo. Ta vừa đi thuyền trên suối vừa được nói chuyện trong bóng đêm cũng là cái thú đấy chứ.

Thi lấy chân bấm mạnh vào chân tôi. Tôi biết Uyên và Thi sợ bóng đêm nơi vắng vẻ hoang vu này lắm. Chắc như hiểu tâm trạng của hai cô gái “tiểu thư” trên thuyền, Mơ lên tiếng:
- Em sẽ cố đưa các anh chị về nhà trước khi trời tối hẳn. Hôm nay em còn phải đãi cơm anh chị nữa cơ mà. Mơ vừa nói vừa chèo nhanh hơn.

Hoàng hôn có lúc tưởng như xuống thật nhanh vì những ngọn núi che lấp mặt trời. Tới chỗ núi quang, trời lại sáng hẳn lên. Để làm vui cho Mơ, tôi pha trò:
- Các cô có biết bài ca dao này không nhé.

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây
(Ca dao)

Anh hỏi trong ba cô, hôm nay cô nào bỏ bùa cho sư nào?

Thi như hiểu ý tôi muốn chĩa mũi dủi vào Mơ để trêu nên nàng chỉ ngay vào Mơ:
- Chị Mơ! Đúng rồi! Chị Mơ là người bỏ bùa cho sư vì chị Mơ đẹp nhất.

Mơ chỉ cười chứ không trả lời. Thi chỉ Uyên:
- Không phải chị Mơ thì phải là chị Uyên.

Từ nẫy tới giờ Uyên ngồi yên lặng, mơ màng nhìn cảnh đẹp, chợt thấy cô em trêu mình, vội lên tiếng:
- Không phải chị đâu!

Tôi trêu Thi:
- Không phải Uyên, không phải cô Mơ thì đúng là em rồi.
- Để em coi nào, không phải là hai chị thì chắc là ... chắc là em rồi. Đúng rồi! Em bỏ bùa cho sư này này!

Thi vừa nói vừa chỉ vào tôi. Tôi xua tay cãi lại:
- Anh không phải ... không phải là sư!

Thi nói nhanh để lấn át tiếng tôi:
- Phải rồi! ... Phải rồi! ... Anh là sư!

Thi vừa nói vừa thò tay xuống suối tạt ít nước vào tôi. Tôi vội la lớn lên:
- Đừng làm ướt anh! Ừ, ừ, anh là sư! ... Anh là sư! Lật thuyền bây giờ!

Thi ngừng tay cười to làm mọi người cùng cười theo. Mơ là người cười to nhất. Mơ vừa cười xong, lau nước mắt:
- Ba chị em mình đâu có ai đội gạo lên chùa nên đâu có ai bỏ bùa cho sư được.

Thi đưa hai tay lên trời khua qua, khua lại như vừa đồng tình, vừa tán thưởng câu nói của Mơ:
- Chị Mơ nói đúng rồi! Hoan hô chị Mơ! Chị Mơ nhanh trí quá!

Mơ lại cười phá lên. Được thể Mơ nói tiếp:
- Sư về sư ốm tương tư. Sư về chùa rồi mới ốm tương tư, thế mà trên đường đi chị em mình có gặp ông sư nào đi về chùa đâu mà để bỏ bùa. Mà sư có ốm mình cũng đâu có biết.

Cả bọn chúng tôi vỗ tay hoan hô trước sự phân tích của cô. Uyên là người vỗ tay to nhất.

Tôi lại gợi chuyện với Mơ:
- Cô Mơ ơi! Cô nói chuyện về anh chàng mê cô ở quán phở đi, cái anh hay ăn vụng thịt ấy.
- Em không nói chuyện ấy đâu!
- Thế cô nói chuyện về ông đầu bếp cứ đòi nấu phở cho cô Mơ ăn suốt đời vậy.

Mơ cười nhắm cả mắt:
- Hôm đó em dữ thật. Em “gầm” lên như cọp Hương Sơn hay sư tử Hà Đông vậy. Ừ, phải rồi, Hương Sơn cũng thuộc về tỉnh Hà Đông mà. Em nhớ hôm đó, mặt ông ấy tái xanh.

Chúng tôi lại cười phá lên.

Thuyền đi nhanh vì Mơ cố chèo về cho kịp trước khi trời tối mịt. Những dãy núi đá vôi chung quanh đã đổi thành màu xám đậm, những dãy núi xa xa chỉ còn mờ mờ lẫn trong nền trời. Cánh đồng lúa mầu xanh nay chỉ còn thấp thoáng con suối màu trắng bạc như con trăn bò. Mọi thứ trở nên yên tĩnh quá, cái yên tĩnh của sự êm đềm vắng lặng.

* * *
Trời đã đổ tối không trông rõ mặt người, thuyền cũng vừa ra tới ngã ba suối Yến. Đền Trình với nước vôi trắng, mờ mờ hiện ở phía bên kia bờ suối. Từ đền Trình về đến bến đò Yến không còn xa. Mơ dặn chúng tôi chuẩn bị hành trang để lên bờ.

Tôi đeo cả ba cái ba-lô lên vai rồi ngồi đợi. Thi nhìn tôi phì cười:
- Sao anh tham thế! Thôi để chúng em đeo bớt cho.

Tôi cứ ngồi yên như không nghe thấy. Uyên nói với Thi:
- Chị em mình chạy ra phố một tý rồi về nhà sau.

Uyên quay sang nói với Mơ:
- Chị và anh cứ về trước, em chạy ra chợ một tý rồi về. Mua cái gì nấu sẵn để khỏi mất nhiều thì giờ chị ạ. Chị cũng đã mệt lắm rồi.
- Em đã chuẩn bị cho nồi canh sắng nấu với củ mài rồi mà. Đặc sản Hương Sơn đấy. Nhớ về nhanh để em chỉ cho chị nấu.

Khi vừa xuống đò, Uyên và Thi lon ton chạy ra chợ bến đò Yến. Mơ cột thuyền rồi cùng tôi vội vã về nhà. Cô thật nhanh nhẹn và rất tháo vát, chân tay cứ thoăn thoắt, làm việc nào thì chu toàn việc nấy.

Vừa vào tới nhà Mơ chạy ngay vào bếp. Tôi cất ba cái ba-lô vào phòng rồi đi tắm, tiết kiệm thời gian khi các cô còn lo việc ăn uống.

Chẳng mấy chốc, Uyên và Thi về tới với vài thứ trên tay. Một cậu trai chừng 14, 15 tuổi lễ mễ mang một gói nặng đặt trên thềm nhà rồi bỏ đi ra. Hóa ra đó là một yến gạo hai người mua về. Cũng chẳng mấy chốc bữa cơm đã được bầy sẵn sàng trên chiếc chõng giữa sân. Một bát canh rau sắng được đặt chính giữa mâm còn đang bốc khói, cùng với những món ăn vừa mới mua về. Một chiếc đèn dầu để bên cạnh mâm.

Tất cả chúng tôi đều đói nên ăn rất ngon. Lần đầu tiên, ba chúng tôi được ăn món canh đặc biệt của Hương Sơn, vừa lạ lại vừa rất ngon miệng: rau sắng nấu với củ mài.

Cơm nước xong, chúng tôi dọn dẹp rồi trở lại chõng ngồi nói chuyện. Uyên và Thi hỏi Mơ về món canh ngon miệng vừa ăn. Mơ cho biết:
- Rau sắng Hương Sơn là loại rau rừng mọc vào mùa xuân, từ tháng Giêng cho tới tháng Tư. Nó cùng họ với rau ngót, lá giống rau ngót nhưng mầu xanh mướt, mỡ màng bóng bẩy và nhọn hơn, nhất là lá non. Có nơi gọi nó là rau “ngót rừng”.

Cô cho biết thêm, rau sắng hiếm quý vì tìm được ít, và lá non chỉ có nhiều vào mùa Xuân nên đắt. Ai đi trẩy hội chùa Hương cũng cố mua về một ít để thưởng thức hay làm quà.

Kể cả người bán lẫn người mua đều phải “nâng niu” nó vì nó dễ bị dập héo, ăn mất ngon. Những ai sành điệu ăn rau sắng, người ta không nấu canh sắng với thịt, chỉ luộc nó với tý muối. Ăn như thế mới thưởng thức được cái thơm, cái ngọt mát nguyên chất của rau sắng. Có người còn đòi hỏi loại sắng “rồng rồng”, tức là rau sắng có chồi hoa non, lấm tấm như hoa ngâu để bát canh thêm đẹp, có cả lá lẫn hoa. Hoa còn ngọt hơn cả lá non nữa

Cây sắng không phải là loại cây thảo, hay loại dây leo mà nó thuộc vào loại cây mộc. Cây sắng to, cao, chỉ thích hợp mọc trên núi đá vôi mà thôi. Muốn có được lá non người ta phải trèo lên cây mà hái. Mùa Đông lá rụng hết và cũng như những loại cây khác, tới mùa Xuân cây đâm chồi nẩy lộc. Hoa ra cùng lượt với lá. Đến tháng Năm, cây sắng có quả chín từng chùm như chùm sung. Hái lá sắng thì cứ mỗi tháng hái một lần, hái đến tháng Sáu thì thôi. Phải là người chuyên môn như chúng em mới hái được nhiều.

Và nhắc tới rau sắng, tôi không thể không nhớ tới nhà thơ Tản Đà, và tôi cũng không thể không nhớ về giai thoại “rau sắng chùa Hương” khá lý thú của cụ.
Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa
Mình đi, ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.

Bài thơ được đăng trên báo. Ít lâu sau, vào khoảng tháng 3 năm 1922, thi sĩ Tản Đà nhận được một gói quà gửi từ Phủ Lý ra Hà Nội, mở ra thấy có một mớ rau sắng kèm theo một bài thơ dưới có đề “Đỗ tang nữ bái tặng”:
Kính dâng rau sắng chùa Hương
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa
Không đi thì gởi lại nhà
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.

Cụ Tản Đà cảm tạ “Đỗ tang nữ” bằng bài thơ sau, trong “truyện thế gian”:
Mấy lời cảm tạ tri âm
Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình
Đường xa rau vẫn còn xanh
Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào
Yêu nhau xa cách càng yêu
Dẫu rằng suông nhạt, càng nhiều chứa chan
Nước non khuất nẻo ngư nhàn
Tại lòng, xin mượn “Thế gian” đưa tình.

Rau sắng Củ mài

Uyên hỏi thêm:
- Thế còn củ mài?

Mơ giải thích:
- Củ mài cũng là đặc sản của Hương Sơn như rau sắng và mơ vậy. Canh rau sắng đã ngon, thêm củ mài vào lại càng ngon hơn. Cù mài còn được dùng để nấu chè, làm bánh nữa. Củ mài thuộc loại dây leo giống như củ từ, lá hình trái tim. Củ hình dẹt hoặc tròn. Mỗi dây một củ, thường mọc trên núi đá. Củ ăn sâu, chui cả vào những khe đá nhỏ nên đào được nó rất khó khăn, phải kiên nhẫn. Có lần em đào, phải đập cả đá ra để moi. Có khi đào đến nơi thì lại thấy củ nó nằm dưới tảng đá to, đành bỏ.

Cô giải thích tiếp:
- Củ mài có dược tính tốt, như trong sách của cụ Hải Thượng Lãn Ông, một thầy thuốc nổi danh của nước ta cho biết
Sơn dược là tên chữ củ mài
Ngọt bình không độc, tính lành hay!
Bổ tim dưỡng thận, bồi tỳ vị
Nhuận gan, thêm khí, khoẻ hình hài . . .

Chúng tôi vỗ tay khen Mơ là giỏi cả về cây thuốc. Mơ đắc chí nói thêm:
- Em còn biết cả, nào là “hoa kim ngân” trị tiêu độc, củ “khúc khắc” trị chữa thấp và phong, cây “ổ rồng” chữa lành xương gẫy, cây sâm bổ tỳ vị ... À, em còn biết được dược tính của cây mơ nữa. Cụ Tuệ Tĩnh (sống ở cuối đời nhà Trần) có cho biết “Quả mơ muối, vị chua, tính hàn không độc, trừ nhiệt, sinh nước bọt, lợi cuống họng, trị trúng phong, tiêu đờm, chữa lỵ” Loại lá mơ leo, chữa bệnh kiết lỵ rất tốt.

Chúng tôi lại vỗ tay khen. Tôi nói với Mơ:
- Cô Mơ phải làm thầy thuốc hay đi học làm thầy thuốc mới đúng.

Mơ nói:
- Thầy em rất giỏi về thuốc Nam mà có sống được bằng nghề ấy đâu! Em học thế nào được. Thầy em dậy cho em tý nào em chỉ biết tý nấy thôi.

Tôi nghiêm mặt, hỏi Mơ:
- Cô Mơ có anh chàng nào đang theo đuổi chưa?

Mơ nhìn tôi rồi trầm ngâm như suy nghĩ:
- Trước đây em có, nhưng bây giờ thì hết rồi. Anh ta có vợ rồi. Em không thích mấy anh con trai em quen biết ở trong làng này. Em quý họ nhưng mỗi khi em nói chuyện động tới sách vở hay tý hiểu biết thì họ nói em là đứa “dở hơi” hay “dở người”, kiếm ăn không ra mà cứ nói chuyện trên trời. Em chán nên em chẳng yêu ai. Em cũng chưa biết sau này em sẽ lấy ai trong bọn họ nữa. Mà, anh hỏi em câu ấy để làm gì vậy?

Tôi cố nghiêm nét mặt để Mơ phải hết sức tin cậy vào lời nói đứng đắn của tôi:
- Tôi muốn giới thiệu cho cô người bạn học của tôi. Anh ta dễ mến lắm, lại đẹp trai nữa. Anh ta ở Hà Nội nhưng thường tâm sự với tôi là anh ta chỉ thích làm quen với những người con gái mộc mạc ở dưới quê thôi. Có vài cô gái ở Hà Nội yêu anh ấy mà anh ấy không yêu lại, chỉ mong sao quen được với một cô gái miền quê. Thế mới lạ chứ. Anh ta tâm sự với tôi rất thật lòng.
- Thế anh ấy có vợ chưa?

Tôi cười:
- Chưa! Có vợ rồi ai dám giới thiệu cho cô Mơ!

Mơ bẽn lẽn hỏi:
- Thế anh ấy già hay trẻ?

Tôi phá lên cười:
- Cô Mơ thấy tôi già không mà lại hỏi bạn học của tôi là già hay trẻ! Anh ta học trên tôi mấy năm. Đẹp trai, con nhà giầu nữa. Cô chịu không?

Mơ trợn to mắt nhìn tôi rồi cúi xuống:
- Em con nhà nghèo, lại quê mùa!

Tôi nghiêm mặt:
- Tôi chỉ giới thiệu cho hai người quen nhau thôi mà. Tôi đâu có làm “mai mối” cho hai người đâu mà cô sợ.

Mơ cười với tôi:
- Ừ nhỉ! Thế mà em cứ hỏi lôi thôi.

Thi nhìn tôi, tò mò hỏi:
- Ai vậy anh?

Tôi trả lời ngay:
- Anh Hội.

Thi hớn hở như muốn nhẩy lên:
- Anh Hội hiền lành lắm chị Mơ ơi! Đúng rồi, anh này không thích con gái ở tỉnh thành. Có hai cô mê tít anh ấy đấy.

Thi kể tiếp:
- Một tối khuya, anh Hội chở cái “ông” này này về nhà trọ (Thi chỉ vào tôi). Lúc đó “ông” ấy như người chết rồi. Anh Hội đặt nằm trên giường, người sặc mùi rượu, chân tay không cục cựa. Em sợ quá!

Tôi cười nói:
- Sao em không kể là em cứ nắm tay anh mà khóc rống lên?

Thi dí nhẹ tay vào trán tôi:
- Em cấm anh uống rượu say rồi đó. Hôm đó em khóc là tại tưởng anh chết. Mà ai nói cho anh biết là em nắm tay anh khóc vậy?
- Anh Hội. Anh ấy nói là em cứ cuống cả lên. Em vừa khóc vừa chạy lên chạy xuống cầu thang kêu cứu. Hôm đó anh thi lên lớp, anh được điểm cao nhất lớp, lại được thầy khen nên vài đứa bạn trong lớp thưởng cho anh một bữa cơm Tây. Anh uống nhiều quá vì vui nên say. Anh đã hứa với em là anh không uống rượu say nữa rồi mà.
- Ừ, uống rượu với bạn bè thì được, nhưng say thì không được đâu đấy. Em sợ lắm!

Uyên ngồi nghe, bây giờ mới cười:
- Ái chà! Ai lấy cô này về chắc uống rượu cũng không được nữa chứ đừng nói là say.

Thi phụng phịu đánh vào vai chị. Cả bọn chúng tôi cùng cười ồ. Tôi nhìn Uyên rồi đề nghị:
- Uyên hát tặng cô Mơ một bài đi. Uyên hát bài “Đi Chùa Hương”. Được không?

Uyên nói với Mơ:
- Em hát tặng chị Mơ bài hát này để kỷ niệm ngày chúng ta đi chơi với nhau nhé!

Tôi hỏi Mơ:
- Nhà có đàn không cô Mơ?
- Thằng Sơn có một cây đàn cũ, không biết ai cho nó.
Tôi dục Mơ vào lấy. Tôi đệm đàn cho Uyên hát. Uyên hát bài “Đi Chùa Hương"(1) phổ nhạc bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me, em dậy
Em vấn đầu soi gương.
. . .
Giọng hát của Uyên trong và cao vút, nghe thật truyền cảm làm sao. Những chỗ phải ngừng để lấy hơi, những chỗ luyến láy, đa tình, lẳng lơ, Uyên diễn tả thật điêu luyện. Uyên hát chẳng thua gì một nữ ca sĩ nhà nghề là mấy. Đoạn cuối nghe hơi thoáng buồn vì đôi trai gái phải tạm xa nhau. Tôi đệm đàn nhưng thỉnh thoảng tôi nhìn Thi, cùng hát bè với Uyên vài câu, nhất là những câu có thể để trêu Thi.
Con tôi xinh xinh quá
Bao giờ cô lấy chồng?
. . .
Nhưng em chưa lấy ai
Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm
Ý đợi người tài trai.

Thi biết tôi hát trêu nàng nên mỗi khi tôi cất tiếng hát hoà theo Uyên, Thi lại cúi xuống mỉm cười.

Uyên hát xong mọi người đều vỗ tay khen. Mơ cảm động, cứ nắm tay Uyên mà bóp chặt, mắt long lanh như muốn khóc. Tôi nói với Mơ:
- Tôi cũng hát tặng cô Mơ một bài nhé. Bài này có tên là “Em đi chùa Hương” (2) cũng phổ nhạc từ bài “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Mơ cảm động trố mắt nhìn tôi.

Tôi tự đệm đàn cho mình và cất tiếng hát. Hát xong bài hát, tôi cứ hát đi hát lại mãi hai câu:
Tuổi bây giờ mới trọn mười lăm. Em (í) còn bé lắm (chứ) mấy anh kia ơi!

Thi thẹn vì biết tôi trêu nên hai tay cứ che mặt cười rồi chạy lại ngay chỗ tôi giữ chặt lấy phím đàn không cho tôi đánh nữa. Thi phụng phịu:
- Em không chơi với anh nữa đâu!

Mơ cứ cười phá lên với cái bản tính hồn nhiên, chất phác và mộc mạc của cô. Thi cũng dơ tay lên nói:
- Các anh chị cho em nói! Em cũng hát tặng chị Mơ một bài hát. Em hát tặng chị bài “Cô Hái Mơ” (3) nhé. Em hát một mình, không cần đàn.

Mơ vỗ tay hoan ngênh. Thi chợt chỉ vào tôi:
- Anh không được đánh đàn để phá đám hay trêu em đó!

Tôi buông đàn xuống ngồi nghe Thi hát.

Thi hát cũng hay, nhưng không thể điêu luyện như Uyên. Thi vừa hát vừa ra dáng điệu như cô gái hái mơ. Khi đến hết đoạn cuối
Cô hái mơ ơi!
Chẳng trả lời nhau đến một lời
Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.

Thi chạy lại cù Mơ làm cô cứ co rúm người lại để cười.

Chúng tôi lại ngồi nói chuyện vui với nhau một thời gian nữa. Xoay quanh câu chuyện về anh chàng Hội để trêu Mơ. Rồi cuộc vui cũng tàn. Trước khi cùng chia tay để đi ngủ. Mơ hỏi:
- Anh Hội có biết hát không?

Tôi bật cười:
- Anh ấy hát hay lắm, nhất là hát “xẩm”. Hôm nào túng (tiền), anh ta ra ngồi trước cửa chợ Đồng Xuân hát xẩm xin tiền.

Uyên vội đánh nhẹ vào tay tôi, lườm nhẹ:
- Cái anh này! Chị Mơ là người thật thà, chị ấy lại tưởng thật.

Mơ cười và cũng nói đùa theo:
- Anh ấy túng tiền thì em sẽ chèo đò nuôi anh ấy ăn học mà. Có sao đâu!

Tôi và Uyên nhìn nhau. Uyên rơm rớm nước mắt nói với Mơ:
- Em quý chị lắm! Mai chị em mình lại phải xa nhau rồi!

Mơ cũng rơm rớm nước mắt không nói, cứ nắm tay Uyên rồi lại nắm tay Thi. Cô quệt nước mắt rồi bỏ vào nhà ngang. Thi cũng cảm động, chạy lại nắm tay tôi thật chặt, rơm rớm nước mắt theo.

Tôi bỏ vào buồng ngủ, nghĩ đàn bà con gái sao họ thật vẩn vơ? Có thế mà cũng sụt sùi. Các cô muốn gặp nhau thì cứ nhẩy lên xe khách mà tới. Có hơn hai giờ đường mà cứ làm như là xa xôi lắm vậy, cứ như Thái tử Đan nước Yên đưa Kinh Kha qua sông Dịch, một đi không trở lại. Và cứ như khúc hát Kinh Kha ngày nọ:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn

(Gió hiu hắt chừ, Dịch thủy lạnh ghê
Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về)
(Khuyết danh)

Đúng là đàn bà, con gái. Tôi cười một mình rồi lăn đùng ra giường làm một giấc ngủ say cho tới sáng.

Ghi chú:
(1) Nhạc sĩ Trần Văn Khê
(2) Nhạc sĩ Trung Đức (Bàn nhạc được viết sau này nhưng vẫn đưa vào đây)
(3) Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm

 

CHƯƠNG IV
Đường về nhà

 

Sáng dậy, mọi người thu xếp mọi thứ để lên đường về Hà Nội sớm. Trước khi rời khỏi nhà, Thi cầm hai chiếc vòng đá mầu xám nâu mua hôm qua đưa cho tôi. Tôi nhờ Thi đeo cho Mơ một chiếc và đeo cho Uyên một chiếc.

Uyên và Mơ cám ơn Thi rối rít vì món quà bất ngờ vào giờ chót. Thi cười rồi chỉ vào tôi:
- Hai chị cám ơn người này này! Ý kiến của anh ấy đấy, tiền cũng của anh ấy nữa. Em chỉ giúp chọn mua dùm thôi.

Hai cô cùng cảm động. Mơ nắm tay tôi siết chặt.

Chúng tôi cùng ra bến xe. Mơ đi theo. Xe khách chưa tới, chúng tôi cùng nhau ghé vào quán hàng ăn sáng cho khỏi bị đói trên đường về Hà Nội. Chỉ cách Hà Nội có 60 cây số thôi mà chúng tôi phải mất tới hơn hai giờ đường.

Xe khách tới, tôi trả tiền cho bà bán hàng rồi cùng đứng dậy ra xe. Xe chưa có khách lên nên tôi hy vọng sẽ chọn cho Uyên và Thi chỗ ghế ngồi tốt, không bị nắng hắt soi vào mặt khi xe chạy. Trước khi bước lên xe, tôi dúi vội vào túi áo Mơ một số tiền mà tôi biết chắc, nếu tôi đưa trước cho Mơ, cô sẽ không nhận thù lao với số tiền nhiều như thế. Cũng may, từ khi học lên bậc tú tài rồi đại học, tôi tìm được những công việc đi dậy kèm cho “con em” nhà giầu, hay mở lớp luyện thi cho những nhóm nhỏ để kiếm tiền thêm nên sự chi tiêu cũng được có đôi phần rủng rỉnh hơn xưa.

Mơ cứ đứng dưới đất nói chuyện hồi lâu với Uyên qua khung cửa sổ xe. Khi khách đã lác đác lên xe Mơ mới vẫy tay chào chúng tôi rồi tất tưởi trở về nhà hoặc trở lại bến đò Yến đón khách. Uyên và Thi cứ nhìn theo Mơ cho đến khi bóng dáng cô khuất sau dãy hàng quà.

Tôi ngồi bên Thi. Nàng nghiêm trang không nói. Uyên nhìn sinh hoạt ở bến xe một cách lơ đãng. Tiếng hành khách lên xe đã ồn ào, nói chuyện lao xao.

Xe đã đầy khách. Xe bắt đầu chuyển bánh, anh “lơ xe” đập tay “thùng thùng” vào sườn xe để mọi người dưới bến biết mà tránh ra xa. Vì là chuyến xe sớm, ít người qua lại gần đó nhưng anh vẫn vỗ, có lẽ anh ta vỗ vì thói quen, cứ xe chạy là phải làm cái “nghi thức” ấy. Chẳng khác gì anh “lơ xe”, bác “tài xế”, thỉnh thoảng cũng bấm vài tiếng còi inh ỏi. Tôi chẳng hiểu tại sao bác bấm nữa. Có lẽ bác bấm còi theo cái thói quen thường lệ, bấm còi mà không biết mình bấm, hay bấm chơi cho vui, hoặc cũng có thể bác cứ bấm còi cho chắc ăn. Chỉ có điều thật buồn cười, bác tài làm mấy con gà kiếm ăn bên kia hàng rào bên đường giật mình bay tán loạn bởi tiếng còi xe. Cái thói quen không cải sửa nên dễ trở thành cái tật. Thành “tật’ rồi thì quả thật hết thuốc chữa.

Nhìn qua cửa sổ xe, mọi thứ như đang kéo nhau chạy lùi lại phía sau. Uyên ngồi bên cửa sổ, tới Thi rồi mới tới tôi trên cùng hàng ghế. Tôi nắm tay Thi để trên đầu gối tôi. Tôi cảm như thấy hơi ấm áp và sự mềm mại của bàn tay ấy đang truyền sang bàn tay tôi. Thỉnh thoảng tôi bóp nhẹ, nàng chỉ mỉm cười không nói.

Để giết thì giờ nhàm chán trên xe, tôi nói với Thi, cũng là để nói với Uyên về chuyến đi chơi chùa Hương hai ngày vừa rồi:
- Chúng ta đi chơi kỳ này thật vui và học hỏi được nhiều thứ lắm. Đặc biệt ta lại quen biết cô Mơ nữa, một người tiêu biểu cho người dân quê nước ta. Tuy họ có cuộc sống lam lũ nhưng bản chất lại là người thật thà, chất phác và hiếu khách nữa. Sức mạnh của dân tộc ta nằm ở chỗ những người ấy. Họ biết chịu đựng trong cuộc sống khó khăn, nhưng họ lại chính là những người biết hy sinh cho đại cuộc trước tiên khi đất nước cần đến. Thật đáng quý thay!

Thi chợt hỏi tôi:
- Em cứ nghe nói Phật Bà rồi Bà Chúa Ba về đây tu đắc đạo. Anh kể cho em nghe được không?

Tôi trả lời Thi:
- Theo cuốn Nam hải Quán Thế Âm kể lại, vào khoảng thế kỷ đầu Công nguyên, Hương Tích là nơi tu hành của Công chúa Diệu Thiện, con thứ ba của vua Diệu Trang, thuộc Vương quốc Hưng Lâm bên Tây Trúc (Ấn Độ). Theo dân gian, người ta quen gọi công chúa Diệu Thiện là Bà Chúa Ba. Bà tu hành chín năm ở động Hương Tích, đắc đạo trở thành Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, sau trở về quê nhà diệt trừ cái ác, đáp hiếu cha mẹ, phổ độ chúng sinh.

Theo Phật thoại truyền miệng thì theo các cụ bô lão làng Yến Vĩ kể rằng vì bà quyết chí tu hành, không tuân theo lời cha, nên bị vua cha sai lính giết. Ngọc Hoàng sai thần linh hóa hổ cứu công chúa Diệu Thiện. Mãnh hổ cõng bà vào núi Hương Sơn. Chỗ bà xuống đầu tiên là hang Thánh Mẫu, còn gọi là am Phật Tích. Tương truyền trong hang còn dấu in một bàn chân của bà trên đá và am Phật Tích có tên từ đó. Bà sang tắm gội ở một vũng nước suối trong hang bên cạnh để rửa nỗi oan ức bụi trần. Chỗ đó sau thành chùa Giải Oan vì có giếng Giải Oan. Giếng này còn gọi là Thiên Nhiên Thanh Trì. Trước cửa hang có suối gọi là suối Giải Oan.

Cũng theo Phật thoại truyền miệng, các cụ bô lão làng Phú Yên, làng của tuyến Tuyết Sơn, kể có hơi khác rằng khi mãnh hổ cõng Bà Chúa Ba đến núi Hương Sơn, ban đầu bà tu hành ở chùa Hỏa Quang, nay là nền đình làng Phú Yên, rồi bà lên núi tĩnh tâm, tu hành ở động Tuyết Sơn. Sau đó bà về tu ở động Hương Tích và bà thành đạo ở nơi đó.

Động Hương Tích còn có một lịch sử được ghi rõ ràng trong cuốn thơ cổ “Quán Thế Âm Diệu Thiện” Ngài Quán Thế Âm Diệu Thiện đắc đạo tại Hương Tích.

Hội chùa Hương được diễn ra gần như suốt mùa Xuân, từ mùng 6 tháng Giêng cho hết tháng Ba, tức hết quý đầu của vòng luân hồi Xuân, Hạ, Thu, Đông của một năm. Ngày mở hội Phật Bà rơi vào ngày 19 tháng Giêng hàng năm, tức ngày đản sinh của Bà Chúa Ba.
Các chùa ở Hương Sơn đều có tượng thờ Bà Chúa Ba. Ở đây, có 14 chùa thường được biết đến thì có 8 chùa nằm ngoài động, 6 chùa nằm trong động. Trong số chùa nằm trong động thì có 3 chùa chính là chùa Hương Tích, chùa Hinh Bồng và chùa Tuyết Sơn.

Tôi cũng cho Uyên và Thi biết:
- Chùa Hương tức Hương Sơn, quả là một danh lam thắng cảnh, được coi như “sơn kỳ thủy tú”, “bồng lai tiên cảnh” trên đất nước ta. Chẳng thế, bao thi nhân của thời xưa cũng như thời nay đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu tuyệt tác về Hương Sơn. Những vị “thánh thơ” đóng góp vào đó phải kể đến là Tĩnh vương Trịnh Sâm, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, cùng với những bậc thi nhân xưa như Nguyễn Khuyến, Bùi Dị, Nguyễn Cao, Vũ Phạm Hàm, Chu Mạnh Trinh, Dương Lâm, Nguyễn Thấu, Trần Huy Luyện, Tản Đà, Đoàn Như Khuê, và những thi nhân gần gũi quen thuộc với chúng ta sau này như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Anh Thơ, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Nguyện Nhược Pháp, Hằng Phương ... và tất nhiên còn rất nhiều nhà thơ khác nữa trong tương lai.

Như để tóm tắt vài ý nghĩ của tôi cho chuyến đi:
- Tới với chùa Hương như để ngắm nhìn cho thỏa thích một bức tranh thiên nhiên hoàn hảo của sự hài hoà giữa cái chập chùng, hùng vĩ của núi non với cái mềm mại của những dòng suối chảy quanh co, và hòa trong cái êm dịu của mầu xanh cây rừng, đồng lúa, hay những thung mơ.

Tới với chùa Hương là ta về với đất Phật nói chung hay với Phật bà Quán Thế Âm tức Bà Chúa Ba nói riêng. Ta đi hành hương chùa Hương là ta thực hiện được sự tiếp xúc giữa con người với thiên nhiên, con người trong tín ngưỡng; là ta tìm sự lắng đọng tâm hồn, tự gột rửa bản thân để hội nhập với cái chân, thiện, mỹ của vạn vật.

Tới với chùa Hương cũng thể hiện những khát vọng của đời thường. Chùa Hương mở rộng cửa cho mọi tầng lớp xã hội, không kể sang hèn, giầu nghèo. Trong tâm thức của đồng bào Phật tử, họ tin đây là đất Phật linh thiêng có thể giúp họ thực hiện được những ước mơ hay giải trừ cho họ được những kiếp nạn. Ở đây nổi bật lên văn hóa phồn thực, nghĩa là cầu xin cho sinh sôi nẩy nở, như nhà nông cầu xin nhiều gạo cao như “đụn gạo”, cầu xin chuồng lợn đầy lợn, ao cá đầy cá. Kẻ buôn bán thì cầu xin tài lộc được như “cây vàng”, “cây bạc”. Kẻ có bệnh thì tin rằng “bầu sữa mẹ” có thể cho họ những giọt thuốc tiên để chữa lành bệnh. Kẻ hiếm muộn thì muốn “cô”, “cậu” theo về làm con. Kẻ có nhiều oan trái mong uống nước hay tắm gội với dòng suối “Giải Oan”. Do đó hội chùa Hương còn gọi là “hội cầu may” (1)

Dù nhìn dưới góc độ nào, người đến chùa Hương với nhiều mục đích khác nhau, nhưng những yếu tố kể trên đã kết hợp lại thành văn hoá chùa Hương.

Tôi đang thao thao nói thì tôi thấy đầu Thi dần dần dựa hẳn vào vai tôi. Nhìn ra, tôi đã thấy Thi ngủ. Tôi ngồi im lặng ngắm nhìn Thi, hai má nàng mịn hồng, những sợi gân xanh hiện mờ nhạt ẩn dưới làn da mỏng. Hơi thở nàng đều đều. Tôi nhẹ vén sang bên vành tai vài sợi tóc mai còn đang nhẹ bay bay phất phơ trên mặt nàng. Khuôn mặt thật hồn nhiên như trẻ thơ.

Tôi sẽ cúi xuống, lần tay xuống ba-lô lục lấy ra chiếc vòng đá xanh màu cẩm thạch tôi mua hôm qua, nhẹ đeo vào cổ tay Thi. Tôi nhìn Thi mỉm cười vì tôi nghĩ khi Thi tỉnh dậy sẽ rất sung sướng nhận ra trên cổ tay mình có chiếc vòng đá này.

Tôi chợt thấy Thi nói:
- Cám ơn anh!

Tôi vẫn thấy nàng nhắm mắt yên bình. Liền sau đó, Thi chợt cựa mình, sửa lại thế ngồi cho thoải mái hơn, tất nhiên là đôi mắt vẫn nhắm và thở đều đều. Bây giờ thì Thi ngồi xích gần lại tôi, đầu vẫn tựa vai, hai tay nàng đang ôm lấy cánh tay tôi. Tôi nhìn Uyên nói nhỏ:
- Chắc Thi ngủ say rồi!

Uyên nhìn tôi rồi lại nhìn cô em, khẽ phì cười rồi lại quay đầu lơ đãng nhìn ra ngoài cửa xe. Uyên có cái đẹp của một người con gái đã trưởng thành, hiền dịu, đằm thắm và thật nhiều tình cảm. Tất nhiên là Uyên rất thương yêu và bảo vệ cô em gái của mình. Những sợi tóc dài của Uyên đang bay về phía sau gáy.

Xe vẫn chạy, Thi vẫn ngủ, thời gian cứ trôi đi. Tay tôi đã bắt đầu thấy mỏi. Tôi nhẹ rút tay tôi ra khỏi hai tay Thi đang ôm cứng. Tuy rất nhẹ nhưng cũng đủ làm Thi tỉnh dậy. Thi hỏi tôi:
- Sắp tới bến chưa anh?

Uyên trả lời thay tôi:
- Sắp tới nơi rồi. Ngủ gì mà say thế!

Thi ngước mắt lên nhìn tôi hỏi:
- Em ngủ say lắm hả? Có lâu không?

Tôi trả lời:
- Tất nhiên là ngủ say và lâu rồi! Tôi đùa chỉ lên mép thi:
- Lau nước dãi (nước miếng) đi em! Ở hai bên mép kìa.

Thi vội đưa tay lên chùi mép. Thấy không ướt, biết mình bị lừa nên cứ hai tay nàng đấm vào tôi và khẽ kêu lên:
- Ghét anh lắm! Ghét anh lắm! Anh lừa em! ... Anh lừa em!

Tôi nghiêng mình sang bên cho Thi đánh rồi cười. Uyên cũng cười theo:
- Cô em này cũng dữ quá chứ hả! Đâu có vừa gì đâu!

Thi quay sang chị nói nhỏ như phân bua:
- Tại anh ấy chứ đâu phải tại em!

Tôi và Uyên lại cười. Tôi nhắc cho Thi nhớ:
- Có lần em cũng lừa anh như thế ở vườn sau nhà. Nhớ không?
- Em ... nhớ! Sao anh thù dai thế! Thi phụng phịu nói.

Thi tiện tay “véo” lên cánh tay tôi một cái nhẹ rồi mới chịu ngồi yên. Tôi nói đùa Thi:
- Anh phải đặt tên em là “Thi véo” mới phải.

Thi cười rồi véo tôi thêm cái nữa. Thi bỗng nhìn tôi với cặp mắt rất đáng “yêu”, vừa đưa chiếc vòng tay lên vừa nói:
- Cám ơn anh đã tặng em chiếc vòng này! Em sẽ giữ nó mãi mãi!

Tôi lại đùa:
- Giữ mãi là phải rồi! Ai lại nỡ vứt đi chiếc vòng đẹp như thế này, trừ khi nó vỡ.

Tất nhiên là Thi lại “tặng” cho tôi thêm một cái véo nữa trước khi nói:
- Em thấy lúc anh mua chiếc vòng này với cái nhẫn. Anh nhìn trước nhìn sau rồi bỏ ngay vào ba-lô, mặt tỉnh bơ. Em buồn cười quá nhưng phải nín. Lúc đó em thấy cảm động lắm. Anh vờ cũng hay thật đấy!

Xe từ từ vào bến. Đợi mọi người xuống vãn, chúng tôi mới kiểm soát lại hành lý rồi cùng theo họ xuống bến xe. Chúng tôi thuê xe tay trở về nhà trọ.

Về tới nhà, mọi người đều thấy thật thoải mái với nơi ấm cúng của mình. Tôi về phòng riêng. Hai cô vội thay quần áo rồi chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Chúng tôi trở lại bàn ăn. Cả hai cùng rạng rỡ, tươi mát trong bộ quần áo cánh mặc ở nhà.
Chúng tôi có cả gần một ngày để nghỉ ngơi.

* * *
Sau bữa cơm tối. Chúng tôi ra sân, cùng ngồi chơi dưới giàn hoa và dưới ánh đèn điện ngoài đường hắt vào mờ ảo như ánh sáng trăng. Chúng tôi lại nhắc tới cô Mơ. Tôi cho biết là tháng tới tôi sẽ trở lại Hương Sơn để đem Hội về giới thiệu cho Mơ. Hy vọng là hai người sẽ trở thành đôi bạn tốt của nhau.
Thi hỏi ngay:
- Thế họ không thành vợ chồng à?

Uyên phì cười, thay tôi trả lời:
- Cô này trẻ con thật. Cứ quen nhau là phải thành vợ chồng à! Mình đã nói là chỉ giới thiệu chứ mình có “làm mai” đâu nào.
- Ừ nhỉ, em quên! Thi tiu nghỉu trả lời.

Uyên quay lại nói với tôi:
- Khi nào anh đi, em sẽ mua quà và nhờ anh mang tặng chị ấy hộ em ít vải may quần áo nhé.

Thi cũng chen vào:
- Em sẽ tặng chị ấy đôi “guốc son” (guốc sơn đỏ), một chai nước hoa nhỏ với thỏi son.

Tôi và Uyên cùng cười rộ. Uyên nói:
- Em tặng quà cứ như cho người ở Hà Nội ấy. Mà thôi, như thế cũng được!

Những câu chuyện về chùa Hương được đem ra. Hai cô hỏi tôi những câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn và tôi có cảm tưởng hai cô đã coi tôi như chính là người đã xây dựng nên chùa Hương không bằng. Tuy nhiên tôi cũng rất hài lòng khi thấy hai cô đã tin tưởng nơi tôi với lòng ngưỡng mộ. Tôi tự mỉm cười với ý nghĩ “vơ vào” ấy.

Sau vài câu chuyện về dự định cho chuyến đi chơi trong những ngày nghỉ lễ tới. Uyên muốn đi ngủ sớm nên xin phép đứng lên vào nhà. Tôi và Thi còn ngồi lại ở ngoài sân. Tôi đang nghĩ lan man về một ngày nào đó Thi sẽ là vợ mình, sẽ có nhiều con, toàn những đứa con cầu tự thông minh, đẹp đẽ mà Thi đã vô tình “cầu xin” đầy một bụng ở chùa Hương đem về. Ôi, một gia đình hạnh phúc như đang lởn vởn trong trí óc tôi. Tôi ngây người như đang được hưởng hạnh phúc ấy.

Không biết tôi đang mơ mộng được bao lâu về những ngày hạnh phúc bên Thi. Chợt nghe tiếng nàng:
- Anh! ... Anh làm gì mà ngồi ngây người ra vậy! Anh buồn ngủ lắm rồi hả?

Tôi nghe thấy tiếng Thi gọi. Tôi bàng hoàng, giật mình như người tỉnh mộng. Thi ngồi bên cạnh nhìn tôi, cười hỏi:
- Anh đang suy nghĩ gì vậy?

Tôi sượng sùng trả lời trống không:
- Không! ... Thôi, ta đi ngủ đi!

Tôi và Thi cùng đứng dậy. Tôi đứng nhìn Thi bước tới cửa phòng nàng, tôi mới lững thững lên gác về phòng. Trước khi ngủ tôi vẫn thấy như còn văng vẳng bên tai những lời Thi nói, tiếng Thi cười, và vẫn lâng lâng về những ước mộng hạnh phúc bên Thi với đàn con ngoan. Tôi tự mỉm cười một mình trong bóng đêm.
Mà vẫn bàng hoàng như giữa mộng,
Mơ hay là thực, hỡi hoa mơ?
(Xuân Diệu)

Tôi thò tay vào túi quần lấy ra hai chiếc nhẫn, một cho tôi và một cho Thi, cất vào ngăn kéo trước khi trùm chăn kín đầu đi tìm giấc ngủ. “Thực” hay “mơ” đây?! Thực với mơ, sao tôi cứ tưởng chúng lồng làm một. Thực mơ, mơ thực, âu chẳng qua cũng chỉ là ảo ảnh của cuộc đời chăng? Tôi phì cười với cái ý nghĩ lẩm cẩm và có vẻ “triết lý vụn” của mình. Tôi ra lệnh cho tôi: Ngủ! Tôi ngủ thật. Tới sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã làm một giấc ngủ thật say trong yên bình, và chẳng thấy Thi đâu.

 

Ghi chú:
(1) Dựa theo ý của tác giả Trần Lê Văn qua cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn”

Tài liệu tham khảo cho toàn truyện:
- “Thắng Cảnh Hương Sơn” của Trần Lê Văn - Công ty phát hành sách tỉnh Hà Tây (Tài liệu chính yếu được sử dụng).
- “Du Lịch Chùa Hương” của sở Du lịch Hà Nội - Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội (2009)
- “Chùa Hương”, tập thơ của Trần Lê Văn - Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Tây
- Tài liệu từ nhiều nguồn trên Internet, từ các công ty du lịch trong và ngoài Việt Nam.
- Từ chuyến đi hành hương tại chùa Hương của tác giả (NGH).

 

 Nguyễn Giụ Hùng

 

- Tốt nghiệp Kỹ Sư Quốc Gia Công Nghệ 1968

- Hiện sống tại San Jose


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved