Lời tòa soạn:

Học giả Phạm văn Bân tinh thông Anh ngữ, Pháp ngữ và Hán văn. Ông về hưu non với Toshiba America Medical Systems tại California năm 2014, sau 35 năm trong ngành Finance. Việc này tạo điều kiện cho ông viết lách khảo cứu nhiều hơn.

 

 

Đi chơi Ensenada và mua vật thủ công làm bằng gỗ-lim-sa-mạc (Desert Ironwood)

 

Phạm Văn Bân (Fan Wen Bin) 范文彬

 

 

 

Từ cổng biên giới đường bộ Mỹ - Mexico nhộn nhịp nhất thế giới, San Ysidro Port of Entry nằm giữa San Diego và Tijuana, đón xe đò ABC nằm sát ngay biên giới (bên phần đất Mexico) là một cách tiện gọn và ít tốn kém nhất để đến chơi thành phố Ensenada nằm dọc theo biển và cũng là điểm mà du khách từ khắp nơi đi cruise đổ xuống thăm viếng.

 

 Giá vé khứ hồi từ Tijuana đến Ensenada chỉ vào khoảng $U.S. 20 vào ngày June 30, 2016.  Xe đò ABC chạy một mạch khoảng một giờ rưỡi thì đến nơi – bạn không cần bận tâm lúc nào phải trở lại bến xe để về lại Mỹ vì cứ mỗi giờ là họ có một chuyến.  Your choice as you please.  Xe lớn, tiện nghi, có máy lạnh và phòng vệ sinh nhỏ, và khi mua vé, bạn nên yêu cầu ghế ngồi bên cửa sổ để có thể ngắm phong cảnh dọc bờ biển.

 

Tại Ensenada, bạn khỏi phải lo sợ bị cướp giật tiền, bóp hay máy chụp hình, hay bị móc túi như ở Việt Nam.  Bạn cứ tự do đi bộ lang thang, vui chơi an toàn như, xin lỗi viết sai, an toàn hơn ở Mỹ.  Bạn có thể trả giá các món hàng thủ công được bày bán khắp đường phố và ghé vào các tiệm ăn khang trang, sạch sẽ, nằm đối diện với dãy chợ bán cá tươi mới đánh lên, để ăn trưa với giá rẻ mạt: ăn một con cá tươi chiên (cá khá lớn, khoảng hơn 1 kg, cuốn với tortilla - một loại bánh giống như bánh tráng nhưng dầy hơn, thường làm bằng bột bắp nhưng đôi khi bằng bột mỳ - giống như ta ăn cá cuốn bánh tráng), uống một chai bia Corona, kèm với chips dòn rụm – tất cả chỉ tốn dưới $U.S. 7 mà thôi.  Hút thêm một điếu thuốc là quá đã.  Khỏi sợ tiệm ăn thấy bạn là người ngoại quốc rồi giở trò lường gạt, tính sai giá như ở Vũng Tàu, Sài Gòn bởi vì tất cả đều liệt kê rõ ràng trên menu bằng tiếng Mexico và Anh.  Tuy nhiên, khi mua đồ kỷ niệm thì định luật chung ở mọi nơi là chắc chắn bạn sẽ bị nói thách giá.  Ensenada không phải là một ngoại lệ.

 

Hiểu biết như vậy, sau nhiều lần đến Ensenada trong các năm qua, tôi tự cho rằng tôi “thông minh” (?) khi nghĩ ra cách đối phó để mua được hàng đúng giá thị trường.  Trong vị trí du khách, vấn đề là không ai biết thế nào là trả đúng giá và thế nào là trả hớ.  Do đó, trong chuyến đi chơi tháng June mới đây, khi muốn mua con cá buồm bằng gỗ-lim-sa-mạc, tôi tự áng chừng trong đầu mức giá $ 80 là đúng giá và mua được.  Tôi hỏi amigo bán cá buồm giá bao nhiêu, anh ta trả lời $ 120.  Tôi trả $60, không được, nâng lên $80, cũng không được bèn bỏ đi.  Lúc đó anh ta gọi lại và chịu bán $80.  Tôi đoán có lẽ đúng giá rồi, bèn hỏi mua một con gấu nâu để tặng một người bạn: cũng trả giá tương tự như vậy, từ $50 xuống còn $30.  Deal! I’ll go home a happy man.  Tuy nhiên, trên đường đi ăn trưa, một du khách Mỹ làm tôi nghi ngờ trí “thông minh” của tôi khi ông ta hỏi tôi mua con cá buồm bao nhiêu.  Tôi vui vẻ trả lời “Just $U.S. 80.”  Ông ta lắc đầu, buông tiếng “You’ve overpaid it!”  Thôi kệ nó đi, dù có trả hớ thì điều đó cũng nằm trong mức mà tôi vui lòng trả.

 

Mua con cá buồm thì dễ rồi nhưng cõng nó về tới bến xe đò ABC để về Mỹ là một cực hình. Với quãng đường đi bộ dài khoảng hơn 1 mile (1.5 km), vác con cá nặng khoảng hơn 20 pounds (hơn 10 kg), cồng kềnh với chiều cao 30 inches (khoảng 76 cm) thì chỉ có tóe khói, tôi muốn dẹo xương sống.  Nhưng về đến nhà, tôi thật là vui khi ngắm nó hàng ngày trên bàn làm việc, cùng với con cừu Muflon và con gấu nâu mà tôi đã mua trong ba năm trước đây – tất cả đều là vật thủ công làm bằng gỗ thổ sản của Mexico: gỗ-lim-sa-mạc (desert ironwood), nặng như sắt vậy.

 

Hàng ngày, một niềm vui tĩnh mịch luôn luôn đến với tôi tại bàn làm việc, khi ngắm các con thú trên theo hình chụp dưới đây:

 

  

 

Cá buồm (sailfish)

 

Cá buồm sống ở cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trong các vùng nước ấm.  Trong thực tế, khoa học chưa biết nhiều biết về loài cá buồm, ngoại trừ những quan sát mà ngư dân thu thập được khi chạm trán với cá buồm.  Việc đánh bắt thái quá loại cá tuyệt đẹp này dẫn đến một suy giảm đáng kể về số lượng của chúng; vì vậy, nhiều người câu được chúng đã thả trở lại biển (gọi là “catch and release -  bắt và thả”).  Ngay cả được biết bởi nhiều người, cá buồm vẫn còn là một loài rất khó nghiên cứu, vì chúng di cư thường xuyên và thường được tìm thấy cách bờ hàng trăm dặm.  Hai yếu tố này gây rất nhiều khó khăn cho khoa học gia để xác định vị trí, gắn thẻ, và thu thập dữ liệu trên các mẫu cá buồm.

 

Cá buồm có màu xanh lam hay xám, vây lưng giống như một cánh buồm trải dài suốt sống lưng, chiều dài không hơn 3 mét (9.8 ft) và hiếm khi nặng quá 90 kg (200 lb) nhưng lớn nhanh.  Một số nghiên cứu đã được thực hiện để khảo sát tỷ lệ tăng trưởng của cá buồm với một số kết quả đáng ngạc nhiên: sau khi cá buồm cái đẻ, sau đó 36 giờ là trứng nở!  Chúng cũng là một loài phát triển nhanh chóng: chiều dài của cá con đạt tới 1.2–1.5 mét (3 ft 11 in – 4 ft 11 in) trong chỉ một năm.  Chiều dài trung bình là 6-8 feet, nhưng con cá buồm chiếm kỷ lục thế giới bị bắt vào năm 1994 nặng 141 pounds và dài hơn 10 feet.

 

Cá buồm kiếm ăn ở dưới bề mặt nước biển hoặc ở độ sâu trung bình, tìm bắt những đàn mực hay cá nhỏ. Cá buồm ăn cá bay (flying fish) và mực, thích ăn cá ngừ, cá thu, cá khế (gồm các loại thuộc họ cá khế: cá nục, cá cam, cá sòng) bơi gần bề mặt của đại dương.  “Cánh buồm” thường được xếp xuống qua một bên khi bơi, nhưng có thể dựng lên khi cá buồm cảm thấy bị đe dọa hay phấn khởi, khiến cho cá trông như lớn hơn – đặc biệt khi một nhóm cá buồm dựng “buồm” lên để lùa các đàn cá nục hay mực từ mực nước sâu lên đến gần bề mặt sáng hơn của nước để dễ ăn hơn.  Mặc dù cá buồm sẽ lặn một trăm feet hoặc nhiều hơn để kiếm mồi, nhưng chúng ưa thích ăn dưới ánh sáng ban ngày.  Khi bị các đám mây chặn ánh sáng mặt trời, cá buồm - và kế đó là con mồi - nhanh chóng phân tán.

 

Các đàn cá buồm giống như đàn chó sói: chúng biết cộng tác với nhau trong hàng giờ để có một bữa ăn cá nục hay mực cho thật no đủ.

 

Một vây lưng khổng lồ và một mỏ mạnh mẽ là một phần trong công cụ săn bắt của cá buồm. Vây lưng, khi bật mở, rõ ràng là để lùa con mồi.  Mỏ được dùng để đánh từng con mồi tìm cách trốn thoát nhưng rất ít con mồi có thể thoát khỏi tốc độ săn bắt quá nhanh của cá buồm.  Mục đích của mỏ cá buồm từ lâu đã là một bí ẩn.  Nhưng ngày nay, với video-tốc-độ-cao quay cảnh cá buồm săn bắt con mồi đã cho thấy cá buồm dùng mỏ để xen lẻn vào các đàn cá nhỏ trước khi chia cắt và đâm con mồi.  Các nghiên cứu gia phân tích từng khung hình (frame-by-frame) của video-tốc-độ-cao và tìm thấy rằng cái mỏ cho cá buồm những lợi thế bất ngờ.  Đàn cá mòi dường như không nhận thấy các mỏ thanh mảnh thọc vào giữa đàn cho đến khi cuộc tấn công khởi sự.  Khảo cứu gia Jens Krause, một nhà sinh thái của Leibniz Institute of Freshwater Ecology and Inland Fisheries and Humboldt University tại Berlin nói rằng “Đó là sự kết hợp giữa tàng hình và sự gia tốc rất nhanh khiến cho cách tấn công này rất hung bạo.  Đó là một hình thức tấn công hết sức đặc biệt.”  Mỏ cá buồm có thể đâm thủng thân tàu thuyền bằng gỗ, cũng như đối thủ của nó như cá đao và cá ngừ.

 

Khi cả đàn mồi được gom lại như một trái banh, cá buồm thay phiên nhau dùng mỏ để đánh con mồi rất chính xác, ăn những con mồi bị choáng váng trước khi chúng có thể thoát.

 

Rất khó để đo tốc độ chính xác của một con cá; chỉ có thể ước tính gần đúng mà thôi.  Tuy nhiên, chắc chắn cá buồm bơi nhanh nhất so với tất cả loài cá trong biển, nhờ vào cấu trúc cơ thể.  Như mũi của một máy bay phản lực, cái mỏ-giống-như-lưỡi-kiếm của nó cho thấy tạo ra điều được gọi là dòng-kháng-thấp (low resistance flow), hay nói cách khác, thủy động lực thuận lợi (good hydro-dynamics).  Cá buồm đã được ghi nhận là kéo trục câu cá của một người câu cá ra 300 ft (91 mét) trong vòng 3 giây.  Điều này nhanh hơn tốc độ của một con beo chạy nước rút, mặc dù tốc độ này của cá buồm đã bao gồm luôn các bước nhảy của nó ra khỏi nước (lẽ ra không được tính vào tốc độ bơi).  Có vài ước tính tốc độ của cá buồm lên đến 68 mph (110 km/giờ), tức là tốc độ nhanh nhất dưới biển.  Nó cũng có một xương sống mạnh mẽ và cái đuôi-hình-lưỡi-liềm mạnh mẽ để hỗ trợ cho thân thể khi bơi nước rút.

 

Theo sát đằng sau cá buồm với tốc độ nhanh nhất là các đàn cá săn khác như: cá lưỡi kiếm (swordfish), cá đao (marlin), wahoo, cá ngừ vây vàng và vây xanh (yellowfin tuna and bluefin tuna).  Một trong những bí mật tốc độ của cá buồm là hệ thống bắp thịt của nó.  Nó có một lượng lớn bắp thịt trắng, tuyệt vời để tăng tốc độ nhưng không có sức bền chịu đựng.  Lớp bắp thịt trắng này được đẩy dọc theo mạn sườn bởi khối bắp thịt đỏ cần nhiều oxy hơn nhưng lại hữu dụng cho việc duy trì tốc độ bơi nhanh.  Hầu hết nhiệt tỏa ra bởi bắp thịt đỏ được giữ lại bởi mạng lưới mạch máu đặc biệt để làm cho máu ấm hơn vùng nước xung quanh.  Nó cũng có thể đưa máu nóng lên não để giúp phát giác và đuổi theo con mồi trong vùng nước lạnh và ở độ sâu hơn.

 

Nhiệm vụ chính xác của vây lưng lớn, hay “cánh buồm” vẫn còn cần khám phá.  Một trong các ứng dụng là nó có thể hỗ trợ các thao tác chuyển hướng nhanh chóng, tăng tầm nhìn nghiêng của cá buồm khi lùa con mồi, hành xử như một cánh buồm thực sự khi cá ở trên mặt nước và/hoặc giúp làm ấm máu khi tiếp xúc với mặt trời.

 

Gỗ-lim-sa-mạc (desert ironwood)

 

Gỗ-lim-sa-mạc siêu cứng, cứng hơn cả gỗ cây maple (cây phong) và nhiều loại gỗ khác, không bị nứt nẻ mà chỉ bị chẻ vỡ tan tành, và không thể bị uốn cong.  Khi tiện hay đẽo khắc, do cấu tạo bởi những sợi gỗ li ti nên khi bay trong không khí sẽ gây khó chịu cho hệ thống hô hấp và mắt tương tự như bị dị ứng phấn hoa.  Gỗ-lim-sa-mạc cũng có độ dày đặc cao nên không nổi trên mặt nước – chìm ngay xuống đáy nước.

 

Gỗ-lim-sa-mạc được bảo vệ tại Mỹ và Mexico, nghĩa là người ta chỉ được nhặt những mảnh gỗ rơi rụng khỏi cây, không được kéo lê mảnh lớn hoặc nhổ cả cây.

Eric Meier, một chuyên viên về gỗ và là chủ biên của trang web http://www.wood-database.com/ cung cấp rất nhiều tin tức hữu ích như sau:

 

Màu sắc/Hình dạng bên ngoàiMàu lõi gỗ thay đổi từ vàng cam đến đỏ sậm hoặc vàng nâu, với màu tím đậm đến sọc đen.  Vài chủng loại có thể gần như đen hoàn toàn.  Lớp ở giữa vỏ gỗ và lõi gỗ (sapwood) hẹp, màu vàng được phân biệt rõ ràng với lõi gỗ (heartwood).

 

Hạt/Cấu tạoDo khổ cỡ nhỏ của cây, hạt có thể hỗn độn hay sần sùi.  Cấu tạo nhuyễn và rực rỡ tự nhiên tuyệt hảo.

 

Cắt qua góc 90 độ: Thẩm thấu khuếch tán hoặc bán-thẩm-thấu; lỗ thoát hơi lớn của gỗ thường tụ thành cụm; sự nở rộng của các nhu mô và lõi cây rất dồi dào; nhu mô được tạo thành dải, rãnh đồng tâm, và tụ hợp; tia gỗ trung bình, khoảng cách thông thường.

 

Tính kháng mục nátKhông có dữ kiện.

 

Tính sử dụng: Rất khó khăn để dùng vì độ dày đặc của gỗ.  Tính kháng cự bị cắt xẻ rất cao. Gỗ-lim-sa-mạc thường bị giới hạn cho các dự án rất nhỏ, mặc dù gỗ này có sự sáng bóng tự nhiên rất tốt và rất ổn định trong sử dụng.  Đẽo gọt, đánh bóng và thành phẩm đều tốt.

 

MùiGỗ-lim-sa-mạc có mùi riêng biệt, hôi khi đang chế biến, đẽo gọt.

 

Dị ứng/Độc tính: Trong khi không có nghiên cứu chính thức cho gỗ-lim-sa-mạc, các báo cáo truyền khẩu cho rằng mùn cưa có thể gây khó chịu cho da và hệ thống hô hấp.  Đọc bài Wood Allergies and Toxicity [Dị ứng và độc tính của gỗ] và Wood Dust Safety [An toàn về bụi gỗ] để có thêm tin tức.

 

Gía cả/Mức cungKhổ cỡ nhỏ của cây – phối hợp với phân bố hạn chế và tương đối hiếm – có nghĩa là nguồn cung gỗ-lim-sa-mạc hiếm.  Dự kiến giá cả sẽ hết sức cao đối với gỗ cứng trong nước, hoặc bằng với nhiều loại gỗ cứng nhập cảng quý hiếm.  Thường được nhìn thấy dưới dạng tiện hay thanh trơ trụi, cũng được bán cả thân cây.

 

Tính bền chắc: Loại gỗ này không được liệt kê trong bản Phụ lục CITES hoặc trong Danh Sách Đỏ IUCN về các chủng loại bị đe dọa.  Tuy nhiên, gỗ-lim-sa-mạc (gọi là palo fierro trong Spanish) được xem là một chủng loại được bảo vệ tại Mexico do bị khai thác quá mức và làm giảm môi trường sống thiên nhiên.

 

Sử dụng phổ thông: cán dao, chạm khắc, và tiện đồ vật.

 

Nhận xét: Gỗ-lim-sa-mạc có lẽ là một trong những loại gỗ được xem trọng nhất trong tất cả loại gỗ để làm cán dao, với độ dày đặc, ổn định, và mẫu mực về hạt và màu sắc của nó tạo ra một sự kết hợp đặc điểm độc đáo, lý tưởng cho các cán được trang trí.  Gỗ này cúng được ưa chuộng để đẽo khắc bởi người Seri bản địa mà ngày nay sống tại tiểu bang Sonora của Mexico.  (Và vì giá trị phát nhiệt cao của nó, cây cũng bị chặt và dùng như than củi.)

 

Theo tài liệu Wikipedia, gỗ lim xuất phát từ một cây của Sa Mạc Sonora có tên là Olneya tesota, tăng trưởng rất chậm, chỉ được tìm thấy tại vùng Tây Bắc Mexico (Sonora, Baja California và Baja California Sur) và Tây Nam Mỹ (Arizona và California).  Gỗ của nó thường được gọi là ironwood (gỗ-lim, hay palo fierro trong tiếng Spanish), rất dày đặc đến nỗi thiếu lỗ chân không và bị chìm khi bỏ vào nước.                                                                                        

Gỗ-lim-sa-mạc mọc lên như một bụi cây, cao khoảng 10 mét (33 ft), và đường kính thân cây vào khoảng 60 cm (24 in); nhưng nơi nào có nguồn nước ổn định thì cây mọc cao hơn và lớn hơn.

 

Lúc cây còn nhỏ, vỏ cây màu xám, bóng, và nhuyễn; lúc lớn hơn, vỏ cây bị nứt ra.  Cây luôn xanh tươi nhưng lá có thể bị rụng nếu nhiệt độ xuống thấp đến 2 °C (36 °F).  Hạn hán kéo dài cũng làm cho lá rụng.

 

Do việc chạm khắc, dùng làm than củi và mất môi trường sinh trưởng cho cây gỗ-lim-sa-mạc nên chính phủ Mexico tuyên bố bảo vệ cây vào năm 1994.  Mặc dù chạm khắc vẫn còn được cho phép, nhưng do khan hiếm gỗ-lim-sa-mạc nên giá cả đã gia tăng và sản xuất bị sụt giảm.

 

Nghề chạm khắc gỗ-lim-sa-mạc tại Mexico là một nghề thủ công bắt đầu từ thổ dân Seri tại tiểu bang Sonora.

 

Chạm khắc có lẽ là thủ công độc đáo của thổ dân Seri và vẫn còn được làm bằng tay – trong một phạm vi rất giới hạn.  Thợ thủ công Seri ưa chuộng chạm khắc với các cây đã chết, chẳng hạn như bị sét đánh hoặc khô cằn vì các lý do khác.  Họ dùng búa để chặt nhánh hay gốc cây, rồi giũa cho thành hình dáng đồ vật.  Gỗ được làm cho láng bóng bằng một miếng thủy tinh, rồi đánh bóng bằng cách dùng cát sa mạc, sau đó phủ lên một lớp sáp mỏng.  Nguyên thủy, sáp được làm từ mai rùa nhưng ngày nay người ta dùng sáp đánh giày.  Các hình chạm khắc thường là động vật sống trong thế giới của người Seri như rùa, cá heo, đại bàng, thằn lằn, cua, chó sói, v.v.  Kiểu cách thay đổi từ những đường nét đơn giản đến nhiều chi tiết trang trí.

 

Theo tập quán, gỗ-lim-sa-mạc thường được dùng làm than củi và chạm khắc rất lẻ loi trong nhóm thổ dân Seri.  Mãi đến thập niên 1960s, Jose Astorga là người đầu tiên chạm khắc gỗ-lim-sa-mạc để bán rất chạy cho du khách, sau đó các người khác noi theo.  Đồ thủ công được bán khá rộng rãi trong thập niên 1970s bởi những người-không-phải-là-thổ-dân-Seri, và họ giới thiệu các chủ đề điêu khắc rộng rãi hơn về động vật.

 

Đây là nhóm thủ công từ các đô thị, thị trấn tại Sonora và Baja California, sản xuất đồ thủ công theo quy mô rộng lớn nhờ vào việc dùng máy móc để khắc.  Mỗi gia đình thợ thủ công có thể sản xuất từ 40 đến 50 hình gỗ mỗi ngày, và hầu hết được bán sỉ tại Nogales, Sonora.  Sau đó, hầu hết được bán qua Mỹ.  Sự kiện này gây bất lợi nặng cho thổ dân Seri vì thị trường của họ bị chia sẻ quá lớn.  Ngày nay còn không quá 15 thợ thủ công Seri.

 

Ước tính nhómthủ-công-không-phải-là-thổ-dân-Seri tiêu thụ đến 5,000 tấn gỗ mỗi năm, tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sự phát triển nghệ thuật chạm khắc tùy thuộc vào nhu cầu của người tiêu thụ và du khách, ngay cả dùng các hình thức bất cân xứng và trừu tượng (asymmetry and abstract forms).  Điều này thường xảy ra là vì du khách xem hình gỗ chạm khắc có vẻ “sơ khai” mới là “chính gốc – authentic.”  Danh hiệu Seri trên đồ thủ công hãy còn rất quan trọng để bán hàng, và nhiều người không phải là thổ dân Seri sẽ gian trá dán nhãn “Handmade by Seri” lên đồ thủ công của họ để bán.

 

Phạm văn Bân

 

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved