Có đúng là quân  đội Việt Nam Cộng Hòa bỏ trốn, vứt áo quần súng ống đầy đường phố Saigon một ngày trước khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng như phim The Sympathizer phơi bày?

 

ĐIỂM PHIM THE SYMPATHIZER TẬP 1

 

Viết tiểu thuyết mang tính lịch sử cần thận trọng. Mặc dù nhân vật, câu chuyện và tình tiết có thể là hư cấu nhưng bối cảnh, diễn biến cần theo sát lịch sử, nếu không thì tiểu thuyết sẽ thành bóp méo lịch sử. Nếu theo dõi tình tiết câu chuyện thì ta có thể nói The Sympathizer là truyện nửa hư cấu nửa lịch sử. Tướng Trọng trong phim là một pha trộn giữa tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan và tướng hải quân Hoàng Cơ Minh. Phong trào kháng chiến phục quốc của tướng Trọng trong truyện chính là Mặt trận Thống nhất Giải phóng Việt Nam do cựu Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh lập ra năm 1980 tại California và việc ký giả Sonny bị Cảm Tình Viên bắn chết trong truyện chính là phản ảnh việc ký giả Nguyễn Đạm Phong, chủ bút báo Tự Do ở Houston, Texas bị người của Mặt trân Hoàng Cơ Minh ám sát năm 1982.

Tiểu thuyết Cảm Tình Viên có bối cảnh là Saigon những ngày trước khi thất thủ và California, Hoa Kỳ. Phần xẩy ra ở California dù có 2 chi tiết giống hệt lịch sử nhưng tác giả có quyền viết hươu viết vượn, nó không cần hợp lý hay sát thực. Nhưng phần xẩy ra ở Saigon trước ngày thất thủ thì có tính chất lịch sử, nó thuật lại những gì đã thực sự xẩy ra, cho nên cần sát thực và hợp lý. Không ai có thể nhân danh "hư cấu" để làm một cuốn phim mới về chiến tranh Việt Nam, trong đó quân lực Việt Nam Cộng Hòa tiến ra miền Bắc giải thoát dân chúng khỏi chế độ Cộng Sản !

Khi biến tiểu thuyết mang tính lịch sử đó thành phim ảnh lại càng thận trọng hơn, vì hình ảnh bằng ngàn lời nói (a picture is worth a thousand words).

Tôi không đọc The Sympathizer, phần vì lười, phần vì nghĩ rằng đã đọc sách về một điệp viên hai mang thứ thiệt là Phạm Xuân Ẩn thì tại sao lại phải đi đọc sách về một điệp viên hai mang tưởng tượng trong The Sympathizer. Nhưng tôi có xem phim The Sympathizer Tập 1. 

Tiếc thay, phim Sympathizer Tập 1 quả thật có bóp méo lịch sử.

Xin chỉ đơn cử vài thí dụ.

1- Trước hết, phim cho xuất hiện một lực lượng gọi là Cảnh Sát Mật (secret police) với đồng phục màu kaki vàng, cả quần lẫn áo. Nhưng dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa thì chỉ có lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia với đồng phục sơ mi trắng, quần xám và lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến với đồng phục rằn ri giống  quân đội. Còn nếu là mật vụ thì chỉ mặc quần áo thường dân. Vậy cái gọi là Cảnh Sát Mật với đồng phục kaki vàng thì không theo sát lịch sử.

 

2- Rất là lố bịch, khôi hài khi cho ông Tướng Cảnh Sát cưỡi xe mô tô phân khối lớn dẫn đầu chiếc xe bus di tản chạy qua đường phố Saigon để ra phi trường Tân Sơn Nhứt. Theo phim thì chuyến xe di tản này xẩy ra một ngày trước khi Saigon thất thủ, nghĩa là ngày 29/4/1975. Nhưng ông Tướng nào mà điên rồ làm như vậy. Thứ nhất là lôi kéo sự chú ý của dân chúng chạy theo để tìm cách di tản. Thứ hai là ngày đó thì cộng sản nằm vùng đã ra đầy đường Saigon rồi, làm sao ông Tướng dám làm mồi cho súng của Việt Cộng nằm vùng? 

3- Cũng trong phim, chiếc xe bus di tản chạy qua đường phố vắng tanh với quần áo của quân nhân VNCH vứt đầy đường ngày 29/4/1975. Đây là một bóp méo lịch sử. Phải đến 11:30 giờ sáng, ngày 30/4/1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh quân đội VNCH buông súng đầu hàng thì mới có cảnh tượng quân nhân VNCH cởi bỏ quần áo vứt trên đường (có đơn vị chiến đấu tới chết chứ không tuân lệnh đầu hàng). Phim không chiếu cảnh Tổng Thống VNCH ra lệnh đầu hàng ngày 30/4/1975. Sự khác biệt rất lớn: nếu tuân theo lệnh đầu hàng của Tổng Thống thì người quân nhân VNCH không hèn nhát, nhưng chưa có lênh đầu hàng và chưa đối mặt với bộ đội cộng sản mà đào ngũ là hèn nhát. Dời cảnh tượng đó trước một ngày và không chiếu cảnh Tổng Thống ra lệnh đầu hàng là bôi nhọ quân lực VNCH.   

4- Ngôn ngữ dùng không thích hợp cho viên Đại Úy Cảnh Sát. Bộ phim cho viên Đại Úy nói "Điều xe" và "Từ này". Nhưng vào thời điểm 1975, dân chúng miền Nam không nói "điều xe" mà nói "mang xe" hay "đưa xe" và cũng không nói "từ này" mà nói "chữ này". Điều Xe và Từ là tiếng của miền Bắc, chỉ sau 30/4/1975 thì dân chúng miền Nam mới bị truyền thông chính quyền cộng sản cho thâm nhập vào đầu óc. Cho Đại Úy miền Nam nói "Từ" này trước khi VNCH sụp đổ thì giống như nói thơ Kiều của cụ Nguyễn Du là "Trăm năm trong cõi người ta-Từ Tài từ Mệnh khéo là ghét nhau".

5- Hoa Xuande, người đóng vai viên Đại Úy cảnh sát, điệp viên hai mang, nhìn khá trẻ, khá thư sinh cho chức vụ Đại Úy và nói tiếng Việt không chuẩn. Tôi tin là diễn viên Lê Thái Hòa của Canada thích hợp với vai này hơn Hoa Xuande của Úc, vì Lê Thái Hòa nói tiếng Việt như người Việt và nói tiếng Anh như người Mỹ.

Những nhà đạo diễn tại Việt Nam khi làm phim có tính chất lịch sử thì khá thận trọng. Lấy thí dụ, khi làm phim về miền Nam trong thời kỳ Pháp Thuộc thì họ có mời nhà văn lão thành Sơn Nam làm Cố vấn Văn hóa, để bảo đảm những hình ảnh về nhà cửa, xe cộ, quần áo, ngôn ngữ v.v. được trung thành với sự thật lịch sử.

Nhà văn Nguyễn Thành Việt khi Saigon sụp đổ chỉ là cậu bé 4 tuổi, ông hoàn toàn không có khái niệm gì về miền Nam cùng biến cố lịch sử 30/4/1975. Nhưng sơ xuất của ông khi viết phần Saigon những ngày trước khi thất thủ là ông không chịu hỏi ý kiến bố mẹ ông, hỏi những bậc cha chú của ông ở California khi dựng nên những tình tiết ấy thì có hợp lý không, có sát thực không. Người đáng trách hơn là đạo diễn phim Park Chan-wook. Ông không chịu xem hàng ngàn ảnh và phim tài liệu về miền Nam trước ngày 30/4/1975. Nghe nói phim có dùng Cố vấn Văn hóa nhưng nếu có thì người này không làm trọn nhiệm vụ.

Tôi cũng xin phép được phê bình chị Kiều Chinh tí xíu. Tôi biết chị không có mặt ở Việt Nam ngày Saigon xụp đổ nên chị không thể có ý kiến về chuyện ông Tướng lái mô tô hay chuyện áo quần quân đội VNCH vứt đầy đường ngày 29/4/1975. Nhưng ít ra thì chị cũng phải nhớ bộ đồng phục của lực lượng Cảnh sát VNCH để nhắc nhở đạo diễn. Chị sống ở miền Nam suốt 21 năm trời.

Thay vì để cho người Nam Hàn Park Chan-wook, nếu nhà sản xuất dùng đạo diễn Trần Anh Hùng quay phim The Sympathizer thì phim đã không có nhiều "sạn" như vậy, vì tôi biết đạo diễn Trần Anh Hùng là người cực kỳ cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ.

Truyện The Sympathizer phải là hay thì nó mới đoạt giải Pulitzer. Nhưng đó là hay theo tiêu chuẩn của người Mỹ, chứ chưa hẳn hay theo cảm quan, vị giác của người Việt. Dù sao thì sự kiện một người Việt Nam đoạt giải Pulitzer về tiểu thuyết cũng là niềm hãnh diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam, nên toàn bộ báo chí Việt ngữ ở Mỹ (BBC, VOA, Người Việt, Việt Báo v.v.) đều viết về phim The Sympathizer một cách tích cực, khen ngợi. Hình như họ đi theo cái logic là "Truyện The Sympthizer phải hay thì mới đoạt giải Pulitzer và nếu truyện hay thì phim cũng phải hay". Nên chúng ta không tìm thấy một bài điểm phim nào có tính khách quan, trung thực trong các báo chí Việt ngữ tại Mỹ. Toàn về hùa với nhau để khen.

 

Nhưng tôi, với tư cách một chứng nhân lịch sử ở Saigon trước và sau 30/4/1975, có thể nói Tập 1 của phim bộ The Sympathizer nhiều sạn quá, làm cho tôi nản lòng không muốn xem tiếp 6 tập còn lại. Cả tác giả và đạo diễn phim tuyên bố là không thiên vị bên nào trong truyện và phim. Nhưng xem tập 1, phim cho thấy sự kiên cường của người nữ giao liên cộng sản, sự hèn nhát của quân đội VNCH đào ngũ buông súng một ngày trước khi có lệnh đầu hàng, sự lố bịch của ông Tướng VNCH (cho xe bus di tản hát bản nhạc "Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia" lúc nước sắp mất cũng là châm biếm cao độ) thì chúng ta có thể cảm nhận được cảm tình của tác giả nằm ở phía cộng sản trong tập 1. Nhưng sự kiện truyện và phim The Sympathizer không được cho lưu hành và trình chiếu ở Việt Nam thì có nghĩa là chính quyền Việt Nam cũng không hài lòng những gì tác giả viết ở những tập sau và chúng ta cũng không thể kết luận phim này hoàn toàn thiên tả và thân cộng. Nhưng chúng ta có thể kết luận phim Cảm Tình Viên làm mất cảm tình cả người quốc gia lẫn người cộng sản.

Tôi tin rằng Nguyễn Thành Việt đang nợ các cựu chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa một lời xin lổi chân thành và các cựu quân nhân VNCH tại Mỹ nên tổ chức họp báo để thanh minh cho thế hệ con cháu rằng họ không hèn nhát trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến như phim The Sympathizer đã trình bày.

 

Hoàng Hải Hồ
Vancouver 30/4/2024.

 

TÓM TẮT TRUYỆN THE SYMPATHIZER

Truyện Sympathizer (Cảm tình viên) được xuất bản năm 2015 bởi nhà văn/giáo sư đại học người Mỹ gốc Việt tên Nguyễn Thành Việt. Ông di tản qua Mỹ vào tháng 4/1975 lúc mới 4 tuổi và đậu bằng Tiến Sĩ Anh ngữ (Ph.D in English). Năm 2016, tác phẩm này đoạt giải Pulitzer dành cho thể loại tiểu thuyết hư cấu. Giải Pulitzer được thành lập năm 1917 bởi trường đại học Columbia ở Mỹ cho những thành tựu trong báo chí, nghệ thuật và văn chương. Hàng năm 24 giải được phát cho 24 thể loại, với trị giá tiền mặt 15,000 USD. Phóng viên Nick Út là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Pulitzer mục Ảnh Tin Tại Chỗ (Spot News Photography) năm 1973 và Nguyễn Thành Việt là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Pulitzer mục Tiểu Thuyết Hư Cấu (Fiction) năm 2016.

Đây là một hãnh diện cho toàn thể người Việt trên toàn cầu, dù rằng giải này không cao quý bằng giải Nobel cho văn chương. Tuy nhiên, truyện này không nhiều người Việt biết, bởi vì nó được viết bằng tiếng Anh nên rất ít người đọc, còn một bản dịch tiếng Việt ra đời năm 2018 của dịch giả Lê Tùng Châu thì cũng không nhiều người đọc luôn. Nhưng đến tháng 4 năm nay 2024 thì truyện được quay thành phim 7 tập chiếu trên đài truyền hình HBO với sự tham dự của 2 nhân vật tiếng tăm trong cộng đồng là tài tử Kiều Chinh và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên thì phim này mới gây tiếng vang trong người Việt toàn cầu.

Truyện có bối cảnh là Saigon những ngày trước khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và California và lại Việt Nam. Nhân vật chính là một người con lai Việt Pháp, đi du học Hoa Kỳ rồi về nước làm Đại Úy Cảnh sát VNCH, trợ lý cho một ông Tướng Cảnh sát tên Trọng, nhưng đồng thời cũng là một điệp viên của Cộng Sản Bắc Việt. Vậy thì đây là một gián điệp hai mang, một sĩ quan cảnh sát VNCH nằm vùng, làm việc cho cả hai chế độ thù địch trong cuộc chiến tranh. Nhân vật này tác giả không đặt tên và truyện được viết dưới hình thức bản tự thú trong trại giam. Vậy ta tạm gọi hắn là Cảm Tình Viên (CTV).

CTV này có 2 người bạn thân từ nhỏ là Mẫn và Bốn. Mẫn hành nghề nha sĩ và chính là cấp chỉ huy cộng sản của CTV. Bốn là lính nhẩy dù trong quân đội VNCH. Ngày 29/4, viên chức CIA tên Claude, người thầy tinh thần của CTV, thu xếp cho gia đình ông tướng Trọng một chiếc xe bus ra phi trường Tân Sơn Nhứt di tản. CTV được lệnh của Mẫn là phải di tản cùng với tướng Trọng qua Mỹ để tiếp tục theo dõi việc làm của ông tướng này. CTV xin Claude cho gia đình Bốn cùng đi nhưng trước khi lên máy bay thì vợ và con của Bốn bị đạn pháo của quân cộng sản giết chết ngay tại phi trường.

Sang Calfornia, ông tướng mở tiệm bán rượu, thuê CTV làm tài xế còn Bốn làm nhân viên. CTV gặp lại một người bạn đại học cũ tên Sonny, hiện làm chủ bút cho một tờ báo tiếng Việt.

Ông tướng dùng lợi nhuận từ tiệm bán rượu cùng với việc gây quỹ để tổ chức phong trào kháng chiến phục quốc. Ông nghi ngờ là có nằm vùng cộng sản trong tổ chức ông. Để che dấu hành tung, CTV lại đổ tội cho một viên Thiếu tá tên Oanh. Ông tướng ra lệnh cho Bốn giết viên thiếu tá. CTV cùng Bốn thực hiện công tác này.

Bốn tình nguyện gia nhập đoàn quân kháng chiến trở về VN phục quốc. CTV cũng muốn đi theo Bốn để bảo vệ Bốn, dù không có lệnh của Mẫn cho phép trở về. Vì Sonny hay viết báo tố cáo tổ chức kháng chiến của ông tướng là tổ chức lường gạt, ông tướng đặt điều kiện là CTV phải giết Sonny thì mới cho phép CTV gia nhập đoàn kháng chiến phục quốc. Thế là CTV giết Sonny.

CTV và Bốn gặp lại Claude tại phi trường Bangkok. Từ đất Lào, đoàn quân kháng chiến sắp sửa đột nhập biên giới Việt Nam thì bị bộ đội cộng sản phục kích, CTV và Bốn bị bắt sống và bị đưa vào trại tù. Tại đây, CTV bị tra tấn và bị bắt viết tờ khai tự thú tội. CTV sau đó bàng hoàng nhận ra người chỉ huy trưởng trại giam chính là Mẫn, cấp chỉ huy của hắn ngày xưa. Chính Mẫn xin cấp trên cho về quản lý trại giam sau khi nghe tin CTV và Bốn bị bắt giam tại trại. Tuy nhiên, vì lý do nào đó Mẫn bị bom napalm sau này mà gương mặt Mẫn hoàn toàn biến dạng. CTV bị hỏi đi hỏi lại câu hỏi: "Cái gì quí hơn Độc lập-Tự do?". Cuối cùng khi CTV tìm ra câu trả lời đúng là cái "Không Có Gì" (nothingness) thì quí hơn Độc lập-Tự do thì CTV và Bốn được trả tự do. CTV và Bốn được Mẫn giúp trốn thoát Việt Nam một lần nữa, lần này thì trên một con thuyền chứ không phải phi cơ như năm 1975. CTV cảm thấy có lẽ hắn sẽ không sống sót chuyến đi vì thuyền chở người quá tải (150). Nhưng CTV tự nhủ rằng nếu hắn sống sót thì hắn sẽ chỉ sống để sống thôi cho cuộc đời còn lại, không còn vì bất cứ lý tưởng nào hết, vì hắn đã vỡ mộng chống Mỹ cứu nước ngày trước, cái khẩu hiệu này đã bị rớt đi cái vỏ bọc thiêng liêng.

© vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1759306