Năm nào tôi cũng tìm kiếm phim Việt Nam tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Vancouver (Vancouver International Film Festival). Đối với tôi, qua nhiều năm xem phim Việt Nam tham gia LHPQTV, thì tôi thấy phim nào cũng hay, chỉ có hay ít hoặc hay nhiều. Có lẽ một phần vì yếu tố tâm lý: dễ gì được xem phim nói tiếng Việt trên màn ảnh lớn của một nước nói tiếng Anh. Một năm mới có một lần. Cái gì hiếm thì quý và nếu đã quý hóa thì có khuynh hướng rộng lượng trong phê bình.

Thì cũng như những lần trước, phim Vợ Ba cũng là phim hay chứ không dở, nhưng chỉ khá hay chứ không rất hay. Bởi vì có những chi tiết không thực tế, không hợp lý.

 

  • Ông phú hộ có thực sự cần cưới cô vợ trẻ 14 tuổi như thế không?

Chúng ta biết rằng chuyện xẩy ra vào thế kỷ 19, tức là trong khoảng từ năm 1800 đến 1899. Giai đoạn này thì người đàn ông được quyền lấy nhiều vợ, nhất là trong trường hợp vợ đầu hoặc vợ thứ hai vẫn chưa sinh được con trai để “nối dõi”. Nhưng trong truyện phim Vợ Ba, cô vợ đầu đã sinh cho ông phú hộ một người con trai cả, còn cô vợ thứ hai thì chưa đến 30 tuổi (diễn viên Maya đóng), cực kỳ xinh đẹp, đang tuổi sung mãn và sinh cho ông được 2 cô con gái. Vậy trong trường hợp này, nếu ông phú hộ cần lấy thêm cô vợ thứ ba, hẳn đó chỉ là tham lam về sắc dục. Nhưng nếu nói tham lam sắc dục thì cô vợ thứ ba phải là loại hoa khôi trong làng và trông rất khiêu gợi về tình dục. Nhưng không, cô vợ thứ ba là cô bé mới 14 tuổi, thân thể chưa phát triển đầy đủ, không thể nói là quyến rũ về mặt sắc dục được. Vậy thì nếu như trong truyện phim, bà vợ cả không có con được, bà vợ hai không sinh con trai được, thì việc cưới cô vợ ba 14 tuổi để tìm con trai là hợp lý hơn.

 

  • Bà vợ hai có dám gian díu với con trai riêng của ông chồng phú hộ?

Một tình tiết ly kì lôi cuốn trong phim là bà vợ hai trẻ tuổi xinh đẹp này thông dâm với cậu con trai cả của ông chồng, cậu này mới khoảng 20 tuổi. Đứng về phía cậu con trai thì hợp lý: cậu đang tuổi cần tình dục mà bà mẹ hai thì còn trẻ và quá đẹp, cậu liều là đúng rồi. Nhưng đứng về phía bà vợ hai, thì ta thấy khó có người đàn bà dám liều mạng như vậy. Bà có thiếu thốn tình dục không? Hẳn là không, vì ta thấy ông phú hộ vẫn còn sung mãn về tình dục, ông phục vụ cả 3 bà vợ, cưới cô vợ ba chưa bao lâu đã làm cô có thai. Không có chuyện ông phú hộ bỏ bê bà vợ hai đến độ bà phải đi tìm tình dục nơi cậu con riêng, sẵn sàng chấp nhận đánh mất địa vị bà hai của một gia đình quyền quí. Vậy thì nếu như trong truyện phim, cô vợ ba có tư tình với cậu con trai riêng của ông chồng lớn tuổi thì hợp lý hơn, vì hai người này tuổi tác gần nhau. Phim đã  cho người  thế giới thấy vào thế kỷ thứ 19 thì đàn bà Việt Nam cũng có người “dâm loạn và táo bạo” như cô vợ hai nhưng dâm loạn và táo bạo tới mức này thì khó tin được.

 

  • Có cậu con trai nào nhất định chê cô vợ trẻ tuổi trong thời đại đó?

Lại thêm một tình tiết ly kì khác. Cậu con trai cả được ông phú hộ cưới cho một cô vợ trẻ măng, cô con dâu này còn trẻ hơn bà vợ ba của ông. Nếu vợ ba của ông phú hộ 14 tuổi thì cô con dâu này 13 hay 12 tuổi. Tuy nhiên, cậu yêu mê bà mẹ hai đến mức cậu không chịu lấy vợ, cậu khóc và nói với bà mẹ ruột là :”Làm sao con lấy được người con không yêu?”.

Rõ ràng là cậu này không phải là một cậu con trai Việt Nam bình thường của thế kỷ 19. Vào thời đại đó, tình yêu không phải là yếu tố cần thiết trong hôn nhân và đa số hôn nhân là do xếp đặt mai mối. Trong thực tế, một cậu con trai trong tình huống này thì vẫn lấy vợ thôi nhưng có thể còn tiếp tục gian díu với bà mẹ hai.

Vì cậu không chịu động chạm đến cô vợ trẻ con nên bố mẹ cậu phải trả lại cô con dâu về nhà gái. Nhưng chính bố mẹ ruột của cô cũng không nhận lại, kết quả là cô phải tự tử chết.

 

  • Chuyện cô vợ ba trở thành yêu thương đồng tính nữ (lesbian) với cô vợ hai

Chúng ta không có nghiên cứu và bằng chứng để nói rằng đồng tính nữ chưa xuất hiện trong xã hội Việt Nam thế kỷ thứ 19, nhưng nếu có thì có thể tin được là hiện tượng này không phổ biến.

Ngoài tình tiết không hợp lý thì phim Vợ Ba diễn tả được đời sống và cảnh trí đẹp, thơ mộng của làng quê miền Bắc thời xưa, nói tóm lại vẫn là một phim đáng đi xem.

Còn như bạn lý luận rằng phim ảnh không cần phải sát thực tế vì phim ảnh chỉ để giải trí, phim ảnh có quyền cường điệu hóa, bi kịch hóa trong câu chuyện thì mới đáp ứng nhu cầu thoát rời thực tại đời sống phũ phàng của người thưởng ngoạn thì thôi, bạn cũng không phải là hoàn toàn vô lý.

Phim đã bị cấm chiếu tại Việt Nam vì phạm luật dùng diễn viên trẻ em (nhân vật chính) mới 13 tuổi vào những cảnh khỏa thân và tình dục mặc dù đạo diễn nói rằng những cảnh đó thì diễn viên đã được mặc quần "che chắn".

 

Hoàng Hải Hồ


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved