Giấy rách ...
Má tôi hay giáo huấn bầy con bằng những câu ca dao tục ngữ. Thi thoảng tôi lại nghe Má nói “ giấy rách phải giữ lấy lề “. Đi học, giờ công dân đức dục Thầy Cô cũng dạy thế. Lúc đó tôi thấy người lớn lẩm cẩm quá, giấy bị rách nó làm sao biết đã đến lề mà ngưng lại cho mình giữ...?.
Mai Cờ
Mang qua cho Má tôi hộp đậu phộng luộc còn nóng hổi, món này Má rất thích. Mở cửa bước vào thấy Má tôi ngồi ăn đĩa cơm tấm nấu từ hôm trước. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao bà Ngoại nói con hôm nay đi ăn tiệm?
- Ăn cái gì? Tiệm bán toàn của khỉ.
- Chứ không phải ông Ngoại dẫn đi ăn phở à?
- Đâu ra mà phở với mì.
Nghe tiếng nheo nhéo trong bếp, Ba tôi trong phòng lẹp xẹp bước ra, trông thấy tôi, Ba tôi cười ngặt nghẽo:
- Úi giời, cái bà già nhà này, hôm nay rủ bà già đi ăn tiệm, ở nhà nói rõ ràng rồi, đến nơi giở chứng không ăn.
- Ông Ngoại dẫn đi đâu mà bà Ngoại về ăn cơm nguội thế này.
- Thì Pá nói đi ăn tiệm Mai.
- Lạ nhỉ, con chưa nghe tên tiệm Mai bao giờ.
- Tiệm này ai mà không biết, bán pizza, spaghetti, hamburger ... đấy.
- Phải Mikes không? Tiệm tây mà, bà Ngoại có thích ăn đồ tây đâu. Ông Ngoại cứ nói Mai, con cũng tưởng tiệm phở hay bánh xèo gì đó.
Ba tôi vẫn cười hinh hích:
- Vớ vẩn, Mai với Mikes cũng đọc giống giống nhau thôi, lần sau chắc phải gọi là “ Mai Cờ “ cho bà già khỏi nhầm.
- Không có lần sau đâu, chỉ lừa già dối trẻ!
Má tôi vừa nói vừa ngấm nguýt.
Xông đất
Ba Má tôi không phải người mê tín dị đoan. Nhưng lạ, từ ngày thằng nhóc thứ nhì của tôi bắt đầu hơi lớn, mỗi năm đúng ngày mùng một Tết âm lịch, trời tuyết hay bão tuyết đi nữa, trước khi chở con đến trường tôi cũng phải chạy qua cho anh nhóc bấm chuông vội vã. Ông Bà Ngoại vừa mở cửa, thằng nhỏ chỉ thò chân vào miệng liến thoắng:
- Con chào Ông chào Bà, chúc mừng năm mới.
Bổn phận chỉ có vậy, thằng nhỏ lẹ làng rút lui kẻo trễ giờ học. Nhanh như chớp nhưng cũng đủ kịp để Ông Bà Ngoại nhét vào tay cháu hai cái phong bì đỏ mới tinh! Anh này lúc nào cũng được lì xì hai lần, đúng ngày mùng một và ngày đại gia đình cùng họp mặt mừng năm mới.
Ba tôi bảo anh này mặt mày tươi tỉnh, lúc nào cũng toe toét cười , đầu năm xông đất nhà sẽ rộn ràng vui vẻ hơn.
Một lần, trong lúc ngồi kiểm phong bì lì xì của các bác, các cô chú, thằng nhóc nói với mấy anh em:
- Thiếu bốn cái phong bì lì xì.
Tôi quay qua:
- Chắc con làm rơi chứ Mẹ thấy ai cũng cho mà.
- Mấy năm rồi Ông Bà Ngoại hết lì xì cho con, cũng không kêu con qua bấm chuông ngày Tết.
Nhớ, quên ...
Ba tôi có một trí nhớ siêu khủng, ngoài chín mươi mà ông vẫn sáng suốt minh mẫn hơn cả đám con cháu. Những cái hẹn đi khám bác sỹ hay đến ngày đi lấy thuốc ông nhắc tụi tôi đưa ông đi không bao giờ sai. Không cần phải viết ra giấy, chỉ nhớ thôi.
Đám con già theo năm tháng, đầu óc cũng cùn dần. Hết đứa này đến đứa khác phone qua nhờ ông:
- Ông Ngoại, tuần tới nhắc con có hẹn đi khám răng.
- Ông Ngoại, hai tuần nữa con có hẹn bác sỹ, nhắc dùm con ... “
Ông ậm ừ rồi ngồi xem tivi tiếp, trước một ngày hẹn ông ơi ới gọi phone qua :
- Này, ngày mai con có hẹn đấy nhé ...
Lắm lúc đứa nhờ còn ngớ ngẩn hỏi ngược lại:
- Ủa, con hẹn ai? “
Bây giờ, tôi phải dán tờ giấy hẹn của bác sỹ lên cửa tủ lạnh, viết thêm vào quyển lịch, thêm tờ giấy dán lên cửa tủ bếp ... thế mà đôi lúc vẫn cứ quên, lại phải phone lấy hẹn khác.
Giỗ Ba
Ngày giỗ đầu của Ba tôi, loay hoay làm những món lúc sinh thời Ba tôi thích ăn để đặt cúng, không quên dặn chồng pha cho ông ly cà phê. Con trai út đi làm về trễ, tôi giục con thắp nhang cho ông để hạ mâm cúng xuống mời mọi người.
Ăn xong, trước khi ra về con trai vào bảo tôi: “ Lần sau cúng Ông, Mẹ nhớ để thêm bát maggi có ớt, Ông thích chấm! “
Hà Lê