Vài nét về Thung Lũng Yosemite

 

Phạm Văn Bân Fan Wen Bin范文彬, December 26, 2017

 

Vào tháng 3-1868, thanh niên 29 tuổi John Muir chặn một người bên đường ở San Francisco để hỏi lối ra khỏi thị trấn.  Người ấy ngạc nhiên hỏi, “Anh muốn đi đâu?”  Muir nói, “Bất cứ nơi nào là hoang dã.”  Cuộc hành trình đưa anh đến Yosemite Valley [Thung Lũng Yosemite] ở Sierra Nevada thuộc California, nơi trở thành quê hương tinh thần của phong trào bảo tồn của Muir và, dưới dẫn dắt của anh, thành công viên quốc gia thứ ba của đất nước.  Ông viết, “John the Baptist không nôn nóng để dẫn tất cả người tội lỗi của ông đi đến Jordan bằng tôi,trong niềm háo hức để rửa sạch tội lỗi của tôi trong nét đẹp núi non của Thiên Chúa.”  Ngày nay, khoảng bốn triệu người/năm đi theo cơn khao khát hoang dã của riêng họ đến Yosemite.

 

Điểm sai lầm thường thấy ở mọi người khi được hỏi “Anh/chị đã đến thắng cảnh XYZ chưa?” là câu trả lời “Tôi đã đến rồi” với ngụ ý không cần đến nữa.  Sự thật là tất cả thắng cảnh thiên nhiên đều liên tục thay đổi theo năm tháng - mùa hè khác với mùa đông, năm này khác với năm kia, ngay cả thay đổi giữa buổi sáng và buổi chiều tại cùng một nơi - thắng cảnh XYZ chắc chắn không bao giờ vẫn thế so với lần trước viếng thăm.

Người ta cũng sai lầm khi có tâm trạng không biết sống với hiện tại chung quanh - tấm lòng không trải ra để được rung động với cảnh vật hùng vĩ trước mắt do bận suy nghĩ lan man việc này việc nọ.  Mặt khác, không làm “homework” về thắng cảnh trước khi đi là một thiếu sót lớn bởi vì hiểu biết về lịch sử và các đặc điểm của thắng cảnh đến viếng sẽ giúp cảm nhận sâu sắc hơn và thú vị hơn, thí dụ như đến Yosemite Valley thì nên làm gì, đi chơi chỗ nào tại đó: thung lũng, núi đá, rừng cây, thác nước?  Hay chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi?

 

Cách nay 100 năm, Mỹ là quốc gia đầu tiên trên thế giới nảy sinh khái niệm thiết lập công viên quốc gia (national park) và nay lan truyền khắp nơi trên thế giới.  Do đó, nếu sống tại Mỹ mà không biết tri ân những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của chính phủ cũng như không tận hưởng hạnh phúc tại các công viên cấp tiểu bang và cấp quốc gia thì nên suy nghĩ lại.

Ban đầu công viên Yosemite Valley [Thung Lũng Yosemite] tại California được chính thức bảo vệ ở cấp tiểu bang vào năm 1864 và nâng lên cấp quốc gia vào năm 1890.  Phong cảnh hùng vĩ của Yosemite Valley được biết đến nhiều nhất qua các thác nước, nhưng còn nữa: trong chu vi gần 1,200 square miles (bằng ba triệu mẫu đất), người ta có thể tìm thấy những thung lũng sâu, đồng cỏ bao la, những rừng cây tùng gỗ đỏ Sierra khổng lồ mà sau này được gọi là cây sequoias  cùng những khu vực hoang dã rộng lớn, và nét nguy nga tráng lệ của núi đá cao vút trời xanh.

Sự đa dạng của thiên nhiên tại Yosemite Valley - động vật và thực vật, diễn trình sinh thái, các vùng nước chảy và địa chất trong điều kiện tự nhiên của Yosemite - được chăm sóc chu đáo, chứ không phải chỉ đơn giản là thắng cảnh.  Chúng gây cảm hứng cho tò mò cũng như thán phục.  Chúng giúp nghĩ đến phong cảnh Mỹ và các sinh vật sinh sống đã trông như thế nào khi loài người hiện diện tại đấy - cách nay 9,000 năm, mang một thoáng quá khứ vào hiện tại và sẽ tiếp diễn trong tương lai.

 

Trong niềm vui tìm kiếm thiên nhiên và nỗi chán sinh hoạt đô thị của loài người, vào khoảng cuối tháng 12-2017, từ Little Saigon, chúng tôi tính toán làm thế nào để đến viếng Yosemite Valley: mua vé tour cho đỡ phải lái xe hay tự lái xe?  Gọi các đại lý du lịch và theo chỉ dẫn, chúng tôi vào các websites của tours thì thấy lộ trình quá cập rập - gần như chỉ ngồi trên xe chạy khắp nơi “cho biết” chứ không phải thực sự du lịch, tìm hiểu và nghỉ ngơi, do đó chúng tôi quyết định tự lái xe riêng để tự do muốn dừng ở đâu thì dừng, muốn nghỉ thì nghỉ, khỏi bị phiền nhiễu bởi sinh hoạt vô nghĩa của các tours du lịch.

 

Nếu chạy một mạch từ Little Saigon đến Yosemite Valley sẽ mất 5 giờ 37 phút với khoảng cách 329 miles chưa kể thời gian nghỉ chân và ăn uống, áng chừng mất thêm khoảng hai giờ.

Vì cao hứng đi chơi bất ngờ, chúng tôi nghĩ là sẽ không giữ phòng ngủ trong Yosemite Valley được nên chúng tôi tìm một lữ quán (motel) tại Mariposa cách Yosemite Valley khoảng 45 phút lái xe, một khoảng cách có thể chấp nhận được.

 

Từ Little Saigon, ngại bị ảnh hưởng của các vụ cháy tại Ventura và Santa Barbara, chúng tôi chạy hết Fwy 405 North, rồi chuyển sang Fwy 5 North, đổi qua Highway 99 North, và vào Highway CA 140 East.  Quãng đường từ Fwy 405 đến hết Highway 99 dễ lái nhờ các bảng chỉ đường rõ ràng nhưng khi vào CA 140 East thì chúng tôi khá lúng túng. 

 

Khi lái xe vừa tới lối vào CA 140, chỉ có một bảng chỉ đường trên đó ghi đơn giản Yosemite Valley và vài địa danh khác; tất nhiên chỉ kịp thấy và lái vào.  Chạy khoảng 10 phút, chúng tôi cố gắng tìm kiếm bảng chỉ đường được giả sử là phải có để biết mình có đi đúng highway hay không, East hay West nhưng thật là thất vọng: suốt 30 phút trôi qua, không hề thấy bảng chỉ đường nào.  Tôi bực bội, buột miệng nói với bạn đồng hành, “Trên đời này ở đâu và lúc nào cũng có rooms để sửa chữa.  Tại sao cái highway này không có bảng chỉ đường?  Sao họ lại idiots như vậy?”  Nhưng sau đó, chúng tôi chợt nghĩ nếu highway này là highway duy nhất để lái vào Yosemite Valley thì không nhất thiết phải có bảng chỉ đường. 

 

Không biết trúng trật thế nào, chúng tôi cứ tiếp tục lái trong hoang mang.  Đây là con đường nằm vòng theo triền núi, bên trái là thung lũng sâu và bên mặt là núi đồi trơ trọc, đôi khi vách núi là những tảng đá lớn sát ven đường - chỉ mong sao đá đừng rơi xuống đúng lúc xe chúng tôi chạy qua.  Có lẽ chúng tôi đi lạc rồi bởi vì đã 45 phút lái mà không thấy phố xá đâu cả nhưng bỗng nhiên vừa qua khỏi một chặng núi hoang vu thì thị trấn Mariposa như trên Trời hiện xuống, đột ngột nảy ra, chúng tôi không khỏi dằn được tiếng la: “Wow, chắc tới rồi!”  Thai restaurant, Chinese restaurant, Subway (tiệm bánh mì ưa thích của chúng tôi), cây xăng, tiệm bán đồ lưu niệm, v.v. khẳng định đây là một thị trấn, và chỉ năm phút sau là đến lữ quán chúng tôi.  Nghĩ lại đoạn đường núi vừa lái qua, chúng tôi cho rằng mọi người tại đây đều biết đó là độc đạo nên té ra chúng tôi mới là idiots khiến chúng tôi bật cười thật là sảng khoái.

 

Lữ quán chúng tôi nằm tại thị trấn Mariposa, một thị trấn nhỏ, quả thực “đi năm ba phút lại trở về chốn cũ,” nằm ngay trên CA 140 và cũng là con đường duy nhất để từ đó lái vào Yosemite Valley.  Đến nơi vào khoảng 2 giờ chiều, nghỉ ngơi một tý, chúng tôi đi lang thang phố xá, hàng quán lèo tèo vài tiệm nhưng đủ để lôi cuốn du khách, đặc biệt đến khoảng 8 giờ tối, đường phố vắng tanh không một bóng người - dường như chỉ có chúng tôi mà thôi.  We owned the whole darn town!  Lang thang vào đêm sau cũng vậy: mọi người trong thị trấn Mariposa rút vào nhà hết, để lại phố xá thênh thang cho chúng tôi được thích thú trong màn đêm tĩnh mịch, khí trời lạnh buốt, cũng không một bóng người và chỉ có chúng tôi.  Điều này gợi nhớ đến bản nhạc nổi tiếng lãng mạn vào năm 1976 There’s a Kind of Hush do ban nhạc Carpenters trình bày:

 

There's a kind of hush
All over the world tonight
All over the world
You can hear the sounds of lovers in love
You know what I mean

Just the two of us
And nobody else in sight
There's nobody else and I'm feeling good
Just holding you tight

So listen very carefully
Get closer now and you will see what I mean
It isn't a dream

The only sound that you will hear
Is when I whisper in your ear I love you
For ever and ever 

 

Hàng quán rải rác trong thị trấn Mariposa, bán vài loại thức ăn khác nhau.  Ngẫu nhiên chúng tôi tìm ra chỉ có mỗi một tiệm ăn trông tươm tất: tiệm nhỏ, không khí ấm cúng, nhân viên tiếp đãi ân cần mặc dù thức ăn tại đấy chỉ trung bình thôi.  Món tôm hùm đúng cách: con tôm chỉ khoảng chừng dưới 3 pounds nên thịt không dai như những con tôm thường bán tại hàng quán Little Saigon.  Thịt bò filet mignon cũng đúng cách nhưng đầu bếp nướng còn sống quá, chúng tôi yêu cầu nướng lại, sau đó thì okay nhưng cảm thấy không mấy vui - tạm cho là khó tính.

 

Ở trọ trong một căn phòng nhỏ nhưng đủ tiện nghi, chúng tôi hài lòng với cái máy sưởi “nóng ngay lập tức” khi bật lên để chống lại cái lạnh buốt xương của rừng núi bên ngoài.  Giá cả phải chăng: $65/đêm.  Điều đặc biệt là chúng tôi có mang theo cà-phê, coffemate Hazelnut, mật ong để có thể pha một ly cà-phê đúng ý để thưởng thức ngay vào lúc mới thức dậy.  Đi kèm một tách trà nguyên chất mua từ Việt Nam, trong khí lạnh bên ngoài phòng, tôi nhâm nhi tách cà-phê, tách trà với một điếu thuốc 555 mà cảm thấy trên đời này không còn gì thú vị cho bằng!  Hạnh phúc có lẽ là có những gì trong một hoàn cảnh lẽ ra không thể có.

 

Sau khi uống cà-phê, chúng tôi trực chỉ lái vào Yosemite Valley Visitor Center and Theater.  Lúc gần đến, chúng tôi dừng tại một information station để vào xin bản đồ, hướng dẫn, v.v.  Đây là điều phải làm để được cập nhật mọi tin tức cần thiết. 

 

Đường vào Yosemite Valley Visitor Center là một con đường ngoằn ngoèo - khó lái nhưng nhiều cảnh đẹp.  Xe chúng tôi chạy men theo cái gọi là Southside Drive, một con đường một chiều dẫn đến Yosemite Valley Visitor Center and Theater, đi ngang qua Bridalveil Fall, có thể nhìn thấy Cathedral Rocks với dòng sông Merced River chảy dọc theo suốt con đường này.  Vòng vèo quanh co, chúng tôi dừng chân bất cứ nơi nào muốn dừng để chụp hình, rất tiếc là không đủ thời giờ để tẻ ngang đi sâu vào Sentinel Fall, Half Dome Village.

 

Cho đến nay Yosemite vĩ đại nhất trong tất cả ngôi đền đặc biệt của Thiên Nhiên mà từ trước tới nay tôi chưa từng được phép bước vào. - Thư gửi một người bạn, July 26, 1868 (về Yosemite) - John Muir.

 

Yosemite Valley Visitor Center and Theater có đầy đủ tiện nghi cho du khách, từ chợ búa đến nhà hàng.  Điểm căn bản là bạn có thể lái xe tự do trong đó nhưng bạn nên kiếm chỗ đậu xe để nhảy lên xe buýt miễn phí (free shuttle buses) đi chơi lòng vòng từ sáng sớm đến chiều tối (7 a.m.. đến 10 p.m., chạy quanh năm suốt tháng).  Xe buýt chạy liên tục trong khu thăm viếng nên bạn có thể xuống bất cứ trạm nào bạn muốn, cứ tha hồ đi chơi tại địa điểm nhảy xuống, chán chê thì trở lại trạm và sẽ có xe buýt khác để bạn nhảy lên và tiếp tục cuộc chơi.  Ngoài ra còn có xe buýt tên là El Capitan Shuttle, chạy từ 9 a.m. đến 7 p.m. trong khoảng giữa tháng June đến đầu tháng October.  Nếu đến Yosemite từ cuối tháng May đến tháng October, xin đừng quên mua vé Glacier Point Tour.

 

 

Khi trở về lữ quán Mariposa, chúng tôi lái theo con đường cũng một chiều, gọi là Northside Drive.  Cảnh vật cả hai phía Southside Drive và Northside Drive đều hấp dẫn, ngay cả “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng cũng đủ để hòa nhập với thiên nhiên rộng lớn và đủ để thấy rằng con người chúng ta rất nhỏ bé, có thể tội lỗi khi chưa đóng góp gì vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên.

Trong ý hướng san sẻ một ít kinh nghiệm đi chơi, chúng tôi trích dịch nguyên văn các tài liệu hướng dẫn chính thức của Thung Lũng Yosemite như dưới đây.

Một số điểm chính cần lưu ý:

 

·         Sông và thác nước: đẹp nhưng nguy hiểm, đặc biệt vào đầu mùa xuân và hè khi mực nước dâng cao.  Hãy cảnh giác những bờ sông bị xói mòn và các tảng đá trơn trợt.  Dòng nước chảy xiết và nước lạnh là một tổng hợp gây chết người.  Đừng bơi trên dòng thác hoặc dòng nước chảy xiết.  Hãy nhìn chừng con cái.

·         Đây là xứ sở của gấu: Hãy để cho gấu giữ đặc tính hoang dã bằng cách giữ kỹ thực phẩm của bạn cả ngày lẫn đêm.  Giữ thực phẩm trong tầm tay vói, hoặc trong tủ-khóa-thực-phẩm, hộp-chống-gấu, hoặc phòng-khách-sạn-vững-chắc.  Không để thực phẩm trong xe sau chiều tối.  Các xe chạy nhanh đụng gấu vào khoảng 15 con/năm!  Có thể bạn không trông thấy gấu, nhưng bạn có thể bảo vệ gấu bằng cách tuân theo các quy định lưu trữ thực phẩm và lái xe chậm.

·         Giữ thú hoang dã hoang dã: tôn trọng giữ khoảng cách đối với thú hoang dã tại Yosemite, và không bao giờ cho ăn hoặc đến gần chúng.  Những con thú nào được cho ăn thực phẩm của con người sẽ có thể mất sợ hãi đối với con người và trở nên nguy hiểm.  Đến gần thú hoang dã hoặc cho phép chúng tiếp nhận thực phẩm của bạn có thể mang đến hậu quả bị phạt lên đến $5,000.

·         Sư tử núi sống tại đây: Đừng để trẻ em chạy rong phía trước hoặc bị bỏ rơi một mình phía sau trên đường mòn.  Nếu thấy sư tử núi, đừng chạy hoặc đừng nằm phục xuống.  Thay vì vậy, hãy la hét, vùng vẫy và ném đá.  Hãy ẳm trẻ em lên để chúng trông có vẻ to lớn hơn.  Tấn công của sư tử rất hiếm, nhưng nếu bạn bị tấn công, hãy chống lại.

·         Khói và đám cháy, giống như gió và thác nước, là một phần của môi trường thiên nhiên của công viên.  Buổi sáng có thể bị mờ khói và không-tốt-cho-sức-khỏe khi có đám cháy đang được đốt lên.  Hãy hỏi về khu vực có đám cháy và tránh đi nếu bạn bị suyễn hay dị ứng với khói.

·         Hãy tôn trọng 9,000 năm lịch sử nhân loại của công viên này: việc hủy hoại, làm hư hỏng hoặc dời đổi bất cứ hiện vật văn hoá hoặc di tích lịch sử nào tại các vùng đất của Yosemite là bất hợp pháp.  Việc dò tìm kim loại không được phép.

Bốn trọng điểm nên nhắm đến khi muốn tìm hiếu Thung Lũng Yosemite:

 

1.Thung lũng: John Muir viết, “Tất cả di chuyển, chảy về đâu đó, động vật và cái gọi là tảng-đá-vô-tri-vô-giác, nước cũng di chuyển.”  Hầu như quanh năm, dòng Sông Merced chảy lững lờ qua Thung Lũng Yosemite.  Những bụi rậm và cây trơ trụi bồi đắp phì nhiêu cho bờ sông bằng hàng loạt dãy xanh tươi của đời sống.  Những cánh đồng cỏ ẩm ướt nhường chỗ cho cây sồi màu đen cung cấp trái sồi dinh dưỡng cho nai, gấu, và chim gõ kiến, cũng như cho người Mỹ bản địa trước đây.  Tuy nhiên, dòng Sông Merced lũ lụt dường như thét lên “thay đổi” và tái cấu trúc lại cả hoạt động của thiên nhiên lẫn con người.

 

 

Dành thì giờ tại Thung Lũng Yosemite và bạn sẽ kinh nghiệm được sự thay đổi.  Cho dù đó là những thay đổi tinh tế hàng ngày trong dòng chảy của sông và thác nước, hay là biến đổi bộc phát của một trận lụt hay tảng đá 100 tấn rơi, thiên nhiên bị chịu đựng biến đổi liên tục tại đây.  Nước giữ vai trò quan trọng trong các diễn trình địa chất tạo ra sự xuất hiện tuyệt vời của “thung lũng không thể so sánh này.”

 

Thung Lũng Yosemite, với Khu Rừng Cây Mariposa, tạo cảm hứng cho ý nghĩ Công Viên Quốc Gia.  Các vách đá, thác nước, động vật hoang dã, và nét đẹp của thung lũng liên tục tạo cảm hứng cho mọi người trên thế giới.

 

(Khi bạn nhìn thấy dòng Sông Merced chảy tương đối chậm chạp vào mùa hè, thật khó có thể tưởng tượng được rằng cũng dòng sông đó, ngay cả trong thời điểm lũ lụt, có thể mang lại thay đổi quan trọng như vậy trong khắp thung lũng - tái sắp xếp tảng đá, đường xá và các khu cắm trại).

2.Cao Nguyên Sierra:  Những vòm đá granite mịn màng, những ngọn núi lởm chởm và những cánh đồng bao la biểu hiện đặc điểm của Cao Nguyên Sierra.  Hàng trăm dặm đường-mòn-đi-bộ- đáp ứng cho việc phiêu lưu, vắng vẻ, và tạo cảm hứng cho những người muốn tìm hiểu khung cảnh được tạc khắc bởi băng tuyết, và trải nghiệm một hệ sinh thái núi rừng luôn luôn thay đổi. 

 

Các sông-băng tạc khắc khung cảnh này: hủy hoại, xói mòn và đánh láng trong khi chúng di chuyển xuống các hỏm núi.  Sức mạnh của chúng tạo hình cho Lembert Dome [Vòm Lembert], rôches moutonnées - xuất phát từ tiếng Pháp để gọi “sheep rock.”   Chỏm núi đá của Cathedral Peak, được gọi là nunatak, đứng trên các sông-băng nên thoát khỏi tác động mạnh mẽ của sông-băng.  Khi khí hậu ấm lên, sông-băng tan chảy, để lại các tảng đá khổng lồ “không đều” bị mắc kẹt và đôi khi chênh vênh lơ lửng.

Khi khí hậu tiếp tục thay đổi, đời sống trên cao độ có thể bị ảnh hưởng một cách đáng kể.  Với sức nóng không chịu nổi, thỏ pika thích ứng với nhiệt độ lạnh trên cao độ.  Chúng sống trong các đống đá, nơi mà chúng tìm chỗ trốn các thú săn mồi và tránh sức nóng của mặt trời mùa hè.  Khi khí hậu nóng lên nhanh chóng, môi trường sống của thỏ pika chuyển hướng lên trên cao độ.  Thỏ pikas sẽ chạy đi đâu khi chúng không còn núi?

(Đời sống ở Cao Nguyên Sierra thích ứng với các khuôn mẫu thời tiết khắc nghiệt theo mùa.  Cả mùa hè, thỏ pika phải cố gắng rất cực nhọc để lưu trữ thực phẩm ăn trong suốt mùa đông.  Sóc Marmot tồn trữ chất mỡ, và sau đó ngủ bên dưới tuyết suốt mùa đông.  Chim sẻ Clark’s nutcrackers chôn hạt để bảo đảm sự sống còn của chim cũng như của các cây.)

 

3.Granite Cliffs: Những vách đá khổng lồ của thung lũng Yosemite và Hetch Hetchy thách thức sức lực và tâm trí, đặc biệt là bản chất tò mò của con người.  Khi cuốn hướng dẫn vào năm 1868 của Yosemite tuyên bố, “đỉnh Half Dome sẽ không bao giờ bị dẫm lên bởi bàn chân con người,” điều đó được coi là một thách thức.  George Anderson leo lên đến đỉnh vào năm 1875. Vô số những người khác nối tiếp theo sau.  Từng người một, đàn ông và đàn bà mạo hiểm đã giúp lẫn nhau leo lên tầng trên cùng trên những bức tường đá granite tại Yosemite, làm thay đổi mãi mãi môn thể thao leo núi.  Thách thức của những vách đá này tiếp tục vẫy gọi những người leo núi từ khắp nơi trên thế giới.

 

 

 

Sự tồn tại đích thực của các vách đá tuyệt vời như Half Dome và El Capitain đã tạo cảm hứng cho thắc mắc làm thế nào chúng nảy sinh.  Người Mỹ bản địa kể rằng một phụ nữ và chồng tranh cãi và đánh lộn.  Thần linh bực bội nên biến họ thành hai vòm đá, Half Dome và North Dome, mãi mãi phải đối mặt với nhau qua Thung Lũng.  Làm thế nào những vách đá được hình thành đã thách thức địa chất gia trong hơn 100 năm.  Họ nghĩ rằng granite của những bức tường Yosemite được củng cố rắn chắc trên hơn năm dặm dưới lòng đất.  Khi đá nằm bên trên núi bị xói mòn, granite nổi lên đến tầm mức như được bộc lộ hiện nay.  Các năng lực của thiên nhiên tiếp tục tạc khắc vách đá lộ thiên này.

 

(Đá rơi liên tục làm thay đổi những vách đá rộng lớn của Yosemite với một tỷ lệ khó mà lập biểu đồ so với sự ngắn ngủi tương đối của đời người.  Nước, băng giá, thực vật và trọng lực đã tác động trên các bức tường đá granite này hàng triệu năm và tiếp tục định hình chúng cho đến nay.)

 

4.Rừng Cây Sequoia:  Giống cây sồi khổng lồ làm cho các cây khác không lớn, ngay cả các cây tùng và cây thông lớn nhất sống lẫn lộn trong đó.  Cây sồi khổng lồ là hậu duệ của một dòng cây cổ thụ và có thể sống hơn hai ngàn năm.  Thân của chúng có thể dày trên 25 feet!  Là biểu tượng của trường thọ và sức mạnh, các cây sồi khổng lồ giữ vai trò quan trọng chính yếu trong việc tạo ra những gì bây giờ gọi là Yosemite National Park [Công Viên Quốc Gia Yosemite].  Trong khắp Hệ Thống Công Viên Quốc Gia, hàng ngàn lính kiểm lâm mang dây nịt đồng phục và băng mũ được chạm nổi lên hình trái sồi hình nón và tán lá của những cây quan trọng này.

 

 

 

Tổng Thống Lincoln ký dự luật tách riêng Khu Rừng Cây Mariposa ra khỏi cảnh vật của Thung Lũng Yosemite vào năm 1864.  Trong những năm sau quyết định này, một đám cháy bắt đầu ở khu rừng cây và vì vậy, chúng ta bắt đầu một lịch sử 100 năm bảo vệ những cây thân yêu khỏi bị cháy.  Mặc dù ý định của chúng ta là tốt đẹp, nhưng chúng ta lại đóng góp vào sự mất mát cho những gì mà chúng ta muốn chăm sóc thật nhiều.  Thông qua nghiên cứu và thử nghiệm, chúng ta khám phá ra rằng lửa thực sự thúc đẩy sự tái sinh sản của những cây khổng lồ này.  Lửa loại bỏ các cây thông và cây bách hương (firs and cedars) chen chúc và để lộ ra những vùng đất khoáng trơ trụi cho những hạt nhỏ bén rễ.

 

(Cây sồi khổng lồ cần có lửa để chúng có thể tái sinh sản.  Giống cây snow plant hút nước và chất dinh dưỡng từ nấm kết nối với rễ cây.  Những thay đổi do lửa gây ra không phải chỉ mang lợi cho cây sồi.  Giống hoa Pacific dogwoods cần có ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua rừng cây sồi nếu các vụ cháy định kỳ có thể giữ lớp tán lá nơi rễ được trống trải.)

 

Vào lúc chúng tôi đến, Khu Rừng Cây Mariposa bị đóng cửa để phục hồi qua dự án Restoration of the Mariposa Grove of Giant Sequoias Project, dự kiến sẽ xong vào mùa Xuân 2018 với nhiều hứa hẹn cải thiện khoảng 500 cây sồi khổng lồ, hệ thống nước cho cây cùng các phục vụ khác cho du khách.


Thác Bridalveil 

 

 

Kết luận:

Với thay đổi liên tục, lời khuyên của chúng tôi trước khi bạn đến viếng Thung Lũng Yosemite là luôn luôn vào website của Yosemite để cập nhật tất cả tin tức về thời tiết, đường sá cùng các tiện nghi khác, đặc biệt về các thác nước quá đẹp để chụp hình kỷ niệm (website của Yosemite cho biết thác nào có nước chảy vào tháng nào cùng các chi tiết hữu ích khác).

 

 

Phạm văn Bân

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2025. VietVancouver, All rights reserved

  • Số Lượt Truy Cập 1779388