Dù nắng có mong manh

 

     Mẹ thoi thóp thở, mắt nhắm nghiền trên giường bệnh tại một bệnh viện khá nổi tiếng ở Vancouver, trên gương mặt những dấu vết đau khổ chưa phai, hai vạch giữa đôi lông mày hằn sâu tự bao giờ, nơi khóe miệng mẹ những nếp nhăn đã lộ rõ. Mẹ là người hay lo chăm chút sắc đẹp của mình, một vết chân chim nhỏ cũng sợ xấu xí, thế mà bây giờ nằm yên trên giường, mặc cho đầu tóc bù rối, cái đuôi tóc hất hững hờ trên chiếc gối trắng tinh của nhà thương, được cột sơ sài bằng cọng thung đi chợ, chiếc áo xộc xệch khuy cái cài cái đứt, quần thì cột bằng sợi dây thòng lọng cho khỏi tuột, đôi dép để dưới giường không cùng màu… mẹ nằm lọt thỏm, thân người bẹp sát trên chiếc giường lạnh lẽo, người teo tắt, đã xuống đến 20 lbs không ngờ được!

     Tôi ngồi yên không dám gây nên tiếng động, ngắm nhìn mẹ trong giấc ngủ, chắc mẹ mệt ghê lắm, đau ghê lắm, đau từ trong lòng, từ trái tim đã bị đâm xuyên thủng lỗ, xé toạc, những dòng nước mắt vằn vện trên khuôn mặt đã tự nó khô đi chưa kịp được lau chùi, mẹ đã bị té xỉu vì tension lên quá cao, may mắn sao dì tôi đã có mặt vào lúc ấy và gọi xe cứu thương kịp lúc chứ không thì nhiều chuyện không hay sẽ xảy ra vì mẹ đã sẵn đủ thứ bệnh trong người rồi!

     Lúc nãy, tôi vừa đi học về được tin mẹ, hớt hãi chạy vội vào nhà thương, bác sĩ nói:

     - Mẹ cô vừa bị tiểu đường, lại bị tension quá cao, đã xuống đến 20 lbs, mà đã ngất xỉu như thế này 3 lần trong một tháng rồi… nếu không lo lắng đến sức khỏe thì thật nghiêm trọng lắm! … Tôi cảnh cáo đấy!

     - Bác sĩ ơi, hãy ráng giúp mẹ con nhé!... Mẹ mà có mệnh hệ gì thì con không sống nổi đâu!

     - Cô cũng học trong nghề bác sĩ, sắp ra trường thì cũng biết rồi đấy, cái gì mình cố gắng quá, không ngủ đủ giấc, không cho thân thể này ăn uống, tẩm bổ mà chỉ biết lạm dụng hoặc xả láng quá độ cũng sẽ làm tổn thương đến nó! … Coi vậy chứ nuôi cái thân bé bỏng của mình cũng thật không dễ!

     Dòng nước mắt nóng hổi bỗng nhiên chảy dài xuống má, tôi thổn thức tức tưởi:

     - Có phải tự nhiên mà mẹ con ra nông nỗi này đâu! Mẹ đã sống cho bố, cho chúng con, lo toan từng miếng ăn giấc ngủ cho cả gia đình… thế mà… Con xin lỗi! Con không thể kể câu chuyện xấu hổ này cho ai nghe được cả, con biết người có lỗi không phải mẹ đâu, thưa bác sĩ! … Con không muốn ai biết đến chuyện không hay này! … Xin bác sĩ hãy giúp đỡ cho gia đình con, giúp mẹ con vượt qua sự hiểm nguy này, vì nếu mẹ có “sao” thì con không biết sống ra sao nữa… Bác sĩ hãy giúp con! Bác sĩ…

     Bác sĩ đưa tay đỡ lấy tôi khi cả người tôi gục xuống, muốn quỳ lạy ngay dưới chân người trong một lúc vô cùng tuyệt vọng, tôi không muốn mất đi mẹ trong lúc này đâu, chúng tôi phải đấu tranh, phải là những người thắng cuộc mới được vì chúng tôi có lẽ phải, không thể để cho người thứ ba chen vào đây! mẹ còn có các con ủng hộ!

     Ông khẽ đặt tôi ngồi xuống chiếc ghế đẩu bên cạnh giường mẹ, trấn an:

     - Con đừng lo lắng quá, hãy chờ mẹ con dậy, nói chuyện nhẹ nhàng, cho mẹ uống nước, ăn những đồ nhẹ, tránh nói những chuyện quá khích để bà sẽ dần phục hồi, nhớ nghe lời tôi dặn, tránh những chuyện buồn, quá lo lắng để bà được yên tâm dưỡng bệnh, con làm được việc này không?

     - Vâng! Con hứa sẽ tránh những chuyện làm mẹ con buồn, con cám ơn bác sĩ thật nhiều ạ!

     - Vậy tốt rồi, con ngồi đây canh mẹ, khi nào bà tỉnh thì gọi cô y tá đo nhiệt độ và lấy mẫu máu nữa nhe, chúc con may mắn!

     Ông rời khỏi phòng, tôi với lấy chiếc bình thủy đựng nước sôi đổ vào bát có sẵn bột gruau (1) với sữa sấy khô, đậy nắp cho kín để nở ra, chờ mẹ dậy sẽ đút cho mẹ ăn.

     Nhìn đôi mắt thâm quầng, nhắm nghiền của mẹ, chắc mẹ mệt lắm nên ngủ từ chiều hôm qua đến giờ mà chưa thấy dậy, thương mẹ quá!

     Tôi nhớ lại cảnh cắng đắng và những lời nói cay nghiệt thay lòng đổi dạ kỳ khôi của bố từ vài tháng nay.

     Hôm ấy tôi vừa đi học về hơi trễ, ghé qua nhà bố mẹ để đón thằng cu về nhà, vừa mở cửa vô tôi đã nghe tiếng khóc oà vỡ của mẹ, giọng đay nghiến của bố:

     - Bà và tụi nhỏ sửa soạn dọn ra khỏi nơi đây càng sớm càng tốt, tôi sẽ mua một căn nhà nhỏ khác cho mọi người…

     - …Còn căn nhà này?

     - Căn nhà này tôi sẽ cho người sửa sang mới lại để đón tiếp … người mới…

     Khuôn mặt hốt hoảng ngạc nhiên của mẹ giương lên nhìn bố, nửa tức giận nửa thách thức gằn giọng:

     - Căn nhà này của tôi và ông đã mua từ khi mình mới lấy nhau, bây giờ hai đứa lớn đã có công việc riêng của nó, đã ra ngoài, nhưng còn thằng Út Nấm, nó chưa học xong, cũng chả có nghề ngỗng gì, nếu ông không muốn nhìn đến mẹ con tôi nữa thì hãy ra ngoài mua căn nhà khác với con yêu tinh của ông, chứ mẹ con tôi nhất định không đi đâu hết! Già hai thứ tóc, gần đất xa trời rồi mà còn không nên nết… Con yêu tinh ấy có gì hơn tôi mà ông phải đuổi mẹ con tôi đi để cho nó ở căn nhà này chứ? Nó đáng tuổi thằng Luyện, con đầu của mình, học hành thì chả có bằng cấp gì, ông thử so sánh nó với con ông xem đứa nào hơn?!

     - Tôi không cần đứa giàu có bằng cấp gì cả, tôi chỉ muốn sống cuộc đời của tôi vào cuối đời mà thôi, tôi đã cho bà và tụi nhỏ cả cuộc đời và tuổi trẻ rồi, thế là đủ! Bây giờ tôi muốn sống bên cạnh người đã giúp tôi quản lý cái phòng mạch, nhờ cô ấy mà tôi đã có bao nhiêu lợi nhuận từ cả năm nay, cô ta biết lo cho tôi từ cái ăn cái uống khi tôi vào phòng mạch, đi bên cô ấy tôi cảm thấy mình trẻ ra nửa số tuổi, tôi yêu đời hơn, tôi ham sống …

     - Thôi đi, ông đừng có lên giọng mà tự làm nhục mình nữa… Ai đã làm cơm cho ông mỗi chiều đi làm về, ủi từng bộ đồ cho ông mặc… mà còn đề cao con nửa người nửa ngơm của ông? Hồi xưa không có nó trong phòng mạch vẫn có tiền vào, sao tôi không nghe ông kể công cho tôi? Vì chính ông bảo tôi nên ở nhà lo cho các con có cơm nóng ăn khi tụi nó đi học về, lo nhà cửa chợ búa, và không muốn tôi lên trên ấy nữa, nên tôi mới ở nhà thôi, chứ tôi có thua gì ả! Ông đã thay lòng đổi dạ, đội cái con đáng tuổi con cái mình lên đầu, mà còn vênh váo đuổi mẹ con tôi…

     - Mẹ con bà chỉ biết xài tiền của tôi thôi, không làm gì để đẻ ra lợi cả, còn cô ta thì một tay lo hết sổ sách, kế toán, chi tiêu cho toàn bộ nhân viên và phòng mạch, vả lại cô ta biết lo sức khỏe cho tôi, đi bên cạnh cô ta thật nở mặt nở mày, chứ không như bà, một bình hoa đã tàn úa, chỉ đáng dẹp vào xó…một bị thuốc biết đi, chỉ ăn hại, …càng nhìn càng chán!

     Mẹ tôi nức nở khóc trong cơn tức giận như trận phong ba đang ập xuống đầu, không ngờ người chồng đầu ấp tay gối của mình từ 30 năm nay một sáng một chiều lại muốn đuổi cả mẹ con tôi ra ngoài để lấy lại căn nhà cho người tình trẻ, mới quen về ở!

***

     Vào những lúc chỉ có hai mẹ con rảnh rỗi, mẹ thường hay kể về cuộc tình của bố và mẹ thuở ấy lãng mạn tình tứ đến thế nào; mẹ là cô gái thật xinh đẹp, tài năng, đã bao người đàn ông theo tán tỉnh nhưng mẹ vẫn một mực yêu bố cho dù thua bố đến gần hai chục tuổi, cả hai thật tâm đầu ý hợp, bố là một bác sĩ đã thành danh, còn mẹ mới chỉ là cô gái vừa ra trường, mẹ yêu bố vì sự chững chạc, chân thật, phục bố vì nhân cách và học ở nơi người yêu mình những xử sự đúng đắn ở đời, bố đối với mẹ không chỉ là người anh, người bạn mà còn là người thầy trong cuộc sống, mẹ mới ra trường chưa biết nhiều về cách sống làm vợ làm mẹ, nhưng vẫn cố gắng học cách nấu nướng để tầm bổ cho bố, lo toan mọi việc trong nhà để đem lại sự bình yên thanh thản nhất cho bố yên tâm lo phòng mạch!

     Khi bố mẹ tôi đã có với nhau ba mặt con, mẹ vẫn giúp bố làm thư ký, nhưng sau này khi chúng tôi ở độ tuổi đi học, bố đã nói mẹ phải ở nhà để trông nom con cái nhà cửa, dậy học cho chúng tôi… Từ đó mẹ ít đến nơi làm việc vì nghĩ rằng nơi ấy thuộc về không gian của bố, của những bác sĩ với bệnh nhân, mẹ không muốn nhúng vô để đừng phải giẫm chân lên sự riêng tư của nhau, tin tưởng bố hết mình.

     Mỗi buổi trưa, mẹ đều đem cơm lên phòng mạch cho bố, nhưng không hiểu sao khoảng vài tháng gần đây, mỗi lần mẹ đến thì cứ bị cô thư ký, đáng tuổi anh Luyện, đuổi khéo mẹ về để cô ta lo hồ sơ giấy tờ riêng với bố. Mẹ cả tin, cũng bỏ đồ vào tủ lạnh, rồi vội vã ra về để mọi người làm việc! Mẹ không hề nghi kỵ tình ý giữa bố và cô ta vì thấy cô ta đáng tuổi con gái mình!

     Cứ thế thời gian trôi qua gần hai năm, bố đi làm với tâm trạng yêu đời trẻ trung, huýt sáo không ngừng mỗi khi ra khỏi nhà, quần áo thơm tho do một tay mẹ giặt ủi thật tươm tất, mẹ đánh bóng từng đôi giày đen, treo từng cái cravate cùng màu với bộ đồ veste để sẵn cho bố mặc sáng hôm sau… Không ngờ tất cả chỉ là một trò hề!

***

     Bố tôi dần sao lãng mọi sinh hoạt với gia đình, liên tục xa nhà với mọi lý do nào là đi họp với các bác sĩ ở tỉnh khác vài ngày, ở lại phòng mạch để tiếp thêm bệnh nhân đến trễ… Mẹ vẫn không chút nghi kỵ, trái lại cố gắng sửa soạn bữa cơm chiều thật nóng và ngon để cho bố về ăn trễ. Nhưng oái oăm thay, mỗi lần về trễ bố đều nói là đã ăn ở đâu đó rồi, nên chỉ cần tắm và đi ngủ… ở phòng đọc sách để cho yên lặng cho buổi họp hôm sau…

     Tôi thấy vẻ mặt mẹ thật buồn, im lặng dọn hết đồ ăn vào tủ lạnh, rồi nhè nhẹ ngồi vào chiếc đàn dương cầm rải những notes nhạc như ai oán với cả tâm hồn và sắc mặt đau thương.

***

     Bố và ả tình nhân ấy mưu mô từng bước một “xâm chiếm” không gian riêng tư của gia đình chúng tôi, lúc thì ả có mặt vào buổi cơm chiều với cả nhà tôi, lúc thì vào ngày sinh nhật mẹ, ả đem một khay đồ ăn đã đặt sẵn ở nhà hàng để lấy lòng mẹ, nhưng bố tôi là kẻ chi tiền cho tất cả những thứ đồ ăn ấy, mẹ chỉ nghĩ ả cô đơn vì không có người thân ở đất Vancouver này, nên coi gia đình của chủ như người thân của mình. Ả còn hơn thế nữa gọi mẹ tôi bằng mẹ và bố tôi bằng bố ngọt sớt đến nỗi không ai có thể nghi kỵ được khi bố con ả cùng đi ăn, đi họp, đi làm hay đi vào cả… hôtel cũng không ai dòm ngó!

     Một hôm có giấy mời đi nghe ca nhạc, ăn tối của giới bác sĩ, mẹ sửa soạn thật đẹp, khuôn mặt hiện lên vẻ tràn đầy hạnh phúc, đã lâu mẹ chưa từng được đi ra ngoài riêng với bố trong một không khí vui chơi tự do như thế này, mẹ định sau khi đi chơi về, cả hai sẽ có một buổi chiều tối riêng tư lãng mạn tình tứ; mẹ đã chu toàn tất cả với chai Champagne và hai ly rượu chân cao, mẹ muốn tự mình sửa soạn những món đồ biển để tăng dinh dưỡng cho bố. Bao nhiêu năm lo cho gia đình, các con, mẹ quên cả chính bản thân mình, nay các con đã ra riêng, có sự nghiệp, mẹ như hồi xuân, muốn sống những ngày tháng nhàn hạ hạnh phúc bên bố. Thế nhưng, khi bố mẹ vừa ra đến xe thì điện thoại di động của bố reng lên; sau cuộc gọi ấy, bố phán quyết với mẹ là sẽ đi dự buổi nghe nhạc ấy cùng với cô thư ký luôn! Mẹ còn ngây thơ chưa hiểu tại sao lúc nào cũng có mặt của cô ta trong mọi sinh hoạt riêng tư của bố mẹ, nhưng vì chiều bố, và ráng nhẫn nhịn, mẹ đành im lặng khuất phục!

***

     Lần đầu tiên tôi nói chuyện trực tiếp với ả vào mùa Giáng-Sinh năm ngoái. Gia đình nhỏ của tôi gồm hai vợ chồng và thằng cu của tôi đến nhà bố mẹ, anh lớn đi học xa nên không có mặt, chỉ còn em trai út còn ở nhà. Tôi loay hoay xếp quà đầy dưới cây thông chuẩn bị cho buổi tối mở quà.

     Tôi nghe tiếng nói lanh lảnh lẫn một chút thách thức sau lưng:

     - Cô mới gói quà xong đấy à? Bao nhiêu phần tất cả… nhớ phải thêm một phần quà nữa nhé!

     Tôi có cảm giác người con gái này vừa thiếu tế nhị lại vừa muốn có chút quyền hành với người con của bố, tôi quay lại:

     - Chị… đến đây làm gì?

     - Bố cô mời tôi đến tham dự Réveillon (2) đấy!

     - …

     Tôi chưa kịp trả lời, bố đã xuất hiện ngay trước mặt tôi để bênh vực ả:

     - Phải chính bố mời cô ta đấy, mà có ai xa lạ đâu, người nhà cả mà, hãy làm quen với cô Thy Phấn đi con!

     - Bố! Con tưởng ngày 24 chỉ để dành cho riêng gia đình mình thôi mà! Bố …

     - Thì có sao đâu! Thêm một người nữa cũng vui, chứ có gì đâu mà mặt mày xưng lên vậy? Không muốn ở đây thì cứ về bên nhà tụi bay đi!

     Tôi chưng hửng không ngờ bố lại vì ả mà đuổi tôi thẳng thừng như vây; tôi nghĩ mà tức giùm mẹ đã bao lần nhịn cho ả:

     - Bố có nghĩ đến cảm giác của mẹ không vậy? Hôm nay là ngày của gia đình, con không muốn có người lạ trong nhà mình, cho dù người đó là người thân nhất của bố… nhưng không phải trong gia đình này!

     - Mày muốn quyết định giùm tao hả? Đây là nhà tao chứ không phải nhà mày Ok! Tụi bay là con tao đó!

     - Bố không có quyền … Nếu bố muốn có cô ta trong nhà này thì đừng nhìn mặt con và mẹ nữa!

     - Hum! Tao đuổi mãi mà mẹ con mày chưa chịu đi! Tao không muốn cãi nhây với tụi bay…

     - Ông… ông không phải là bố tôi nữa! Tôi không có người bố như ông đâu… thật là…

     Bốp! Một cái tát tai như trời giáng trên mặt tôi! Mẹ từ trong bếp chạy ra ôm lấy tôi:

     - Ông lấy quyền gì mà đánh con tôi? Hãy cút đi với tình nhân của ông đi! Cút ngay đi!

     Tôi lấy hết can đảm, hét vào mặt ông ta:

     - Ông không có quyền đuổi mẹ con ra khỏi đây… Tôi thật xấu hổ, thật hận con người như ông, ông không đáng làm bố của tôi!

     Bốp! Một cái tát thật mạnh nữa giáng xuống đầu tôi như để trả lời cho câu nói hỗn xược chưa từng thoát ra từ miệng đứa con gái cưng, chưa bao giờ bị đòn từ khi lọt lòng mẹ! Bố đã vì sự ích kỷ của bản thân mình, vì tình yêu gian dối sai đường kia lại đi tát tôi! Đau vì bị đánh thì ít, mà tức và oán thì nhiều, tôi ôm mặt tức tưởi hét lên:

     - Bố đã làm cả cái nhà này mất danh dự, bố không còn lòng tự trọng… bố đã đạp đổ tất cả xuống bãi xình rồi! … Từ nay trở đi… ông không phải là bố tôi nữa!!

     Người con gái ấy vẫn giữ nguyên vẻ mặt nửa lạnh lùng nửa hài lòng, khi thấy bố đã khống chế được cả gia đình để lấy lòng ả. Mẹ hét lên:

     - Ông đã đâm chết tâm hồn tôi rồi, thì hãy giết luôn cả thể xác này đi!

***

     Mấy ngày sau lấy cớ đi họp hội nghị ở xa, bố xách vài bộ quần áo đến nhà ả, mẹ ở nhà đau buồn vật vã, tôi cũng không muốn tiếp tục học cho hết khóa để ra trường năm nay nữa, không còn tâm trí để học, trong óc tôi hình ảnh mẹ với chai thuốc chuột trên tay sẵn sàng tự vẫn bất cứ lúc nào để trả thù đời, kết liễu thân xác tạm bợ không còn chút hạnh phúc ở trần gian; cùng là phụ nữ tôi thật hiểu mẹ, cảm thông với cảm giác bị bỏ rơi, phụ rẫy như thế nào! Bạn bè mẹ thăm hỏi không ngớt nhưng mẹ không còn cảm xúc gì để trả lời họ nữa!

     Mẹ trở thành cái xác không hồn, vất vưởng ở ngoài vườn dưới ánh nắng chang chang, kệ cho tia UV (3) quái ác thiêu cháy, ánh mắt ngờ nghệch, mất hồn, đôi môi khô quằn không thấy khát và đói, những bộ quần áo đắt tiền, ôm lấy thân hình tròn đầy thuở nào không còn vừa nữa, tất cả rộng rinh như đồ khính!

     Mẹ lang thang đi một mình trong những con đường nhỏ ngắm nhìn cây cỏ, cho chóng quên cảnh đời đen bạc, nhìn từ xa dáng mẹ thất thểu, cơn gió phần phật thổi hai ống quần đập vào nhau tưởng chừng muốn bay lên cột đèn! Còn xót xa hơn nữa khi thấy mỗi đêm mẹ ngồi bên chai rượu nặng độ cồn 40 độ, uống ừng ực từng hớp như nước lã, nước mắt cứ thế tuôn chảy như dòng suối. Khi tôi chạy lại giằng chai rượu thì mẹ la hét đòi lại và say khướt, đứng không vững, té nhào xuống đất thật thảm hại!

     Một buổi sáng thức dậy, từ trên phòng tôi nhìn xuống sân cỏ, mẹ vẫn ngồi yên đó từ tối qua, hình như không di chuyển, bất động, những giọt sương mai đọng trên mái tóc mẹ còn ướt đẫm. Tôi đau lòng, chạy ào xuống giúp mẹ đứng lên vào nhà nằm nghỉ, nhìn cặp mắt thất thần, thâm quầng của mẹ, tôi như xé lòng, khuyên mẹ hãy quên bố đi, hãy coi như duyên đã tận, nhưng càng khuyên, mẹ càng chảy nước mắt mà chả nói gì với tôi! Cả người mẹ nhẹ cứ như thế mà dần dần nhẹ tênh đi, chỉ mới một vài đêm không ngủ, mái tóc dầy của ngày hôm qua nay đã lốm đốm trắng, trông mẹ thật xác xơ, tôi hét lên để kéo mẹ về thực tại:

     - Mẹ! Nếu mẹ không ăn uống gì, con sẽ bỏ học, con không học nữa đâu!

     Mọi khi nghe tôi dọa thế, mẹ sẽ sợ hãi lắm, sẽ làm đủ mọi điều tôi muốn để tôi tiếp tục học ra trường, nối nghiệp của bố… Thế nhưng, cái trò này hôm nay không còn tác dụng gì nữa, mẹ vẫn trơ như gỗ đá. Đôi mắt vô hồn. Làm tôi sợ hãi, vừa khóc vừa van xin:

     - Mẹ ơi! Nếu mẹ có làm sao thì con không sống nổi nữa đâu! Mẹ đừng làm con sợ, mẹ nói gì đi cho con biết mẹ còn khỏe mạnh đi mẹ, mẹ ơi!!

     Càng lay gọi mẹ, mẹ càng yên lặng như tôi nói với bức tượng. Bỗng nhiên, mẹ nhắm mắt lại, người mềm nhũn và xỉu trong vòng tay tôi như kiệt sức, hay mẹ đã cố gượng từ tối hôm qua. Tôi hoảng loạn, bấm 911 gọi cứu thương!

     Tôi trách bố, tôi thù người đàn ông đó dùm mẹ! Ông ta không còn là bố tôi nữa! Ông ta quá tàn nhẫn, quá bội bạc! Tôi không biết những người đàn ông khác khi phụ bạc, trở mặt với gia đình ra sao, nhưng tôi thấy ông ấy là một ví dụ điển hình mà cả đời này tôi không quên!

     Ông ta không xứng đáng làm bác sĩ đâu! Bác sĩ phải cứu người chứ, sao lại mặc kệ cho mẹ tôi đang hấp hối như thế này? Mẹ ơi, mẹ phải ráng gượng dậy vì chúng con mẹ nhé!

***

     Mẹ thì nằm nhà thương, thằng cu nhỏ của tôi thì gởi chồng giữ, cũng may anh đang trong thời gian tìm việc, mấy ngày không về căn nhà nhỏ của tôi để thăm nó, làm tôi nhớ nó quay quắt, tôi bận phải chạy ra chạy vào nhà thương trông chừng mẹ.

     Thấy mẹ cựa quậy, tôi vội vàng gọi:

     - Mẹ! Mẹ ơi, mẹ thấy sao rồi?? Con lấy cháo gruau cho mẹ dùng nhé?

     - … Mẹ không sao! Mẹ chỉ khát nước thôi!

     - Mẹ ráng ăn cho khỏe nhe, con đã sửa soạn đây rồi!

     Tôi loay hoay múc cháo cho mẹ, mẹ quay ngoắt đầu sang một bên như đứa trẻ nít khi từ chối muỗng đồ ăn:

     - Mẹ không đói mà! Mẹ không ăn đâu, mình về đi con!

     - Muốn về mẹ phải ăn cho khỏe mới có sức đi được chứ! Nghe con, mẹ ăn một chút nhe?

     Như một cái máy, mẹ há miệng ăn, nhưng mẹ lại không nuốt mà chỉ ngậm trong mồm, cặp mắt vô thần không động đậy nhìn vào góc nhà, bất chợt hai hàng nước mắt chảy không ngưng, ướt cả chiếc khăn lau miệng cho mẹ, rồi mẹ thì thào với tôi không một chút sức lực:

     - Mẹ… xin lỗi các con, mẹ không còn muốn sống nữa đâu, mẹ đã… thua cuộc rồi! Mẹ đã không giữ được ông ấy! Mẹ là người bại trận!

     - Không đâu! Mẹ mới chính là người thắng cuộc, tụi con ở bên mẹ, chỉ có ông ta là người sai, sa ngã, tự mình đào hố chôn mình, danh dự và lòng tự trọng của một bác sĩ, của một người cha trong gia đình đã không còn nữa, ông ta bênh con yêu tinh đó; không biết tương lai thế nào, con nghĩ nó chỉ muốn bòn rút tiền của ổng rồi khi hết tiền là nó đá ổng thôi! Nhưng bây giờ mình không nói được vì ổng đang trong tình trạng mê muội, khi nào ổng tỉnh thì đã trễ rồi… Mẹ đừng lo, chúng con luôn ủng hộ mẹ! Chúng ta sẽ phải đấu tranh, mẹ phải ráng lên, đừng bỏ cuộc nhe mẹ!

     Tôi nói bao nhiêu, nhưng những lời nói hình như chỉ vào tai này rồi chạy ra tai kia của mẹ, nước mắt lại tiếp tục đổ xuống, mẹ tự than trách mình đã quá tin cậy chồng, đã không thận trọng trước người ngoài, bất kỳ điều gì mẹ cũng để cho cô thư ký nắm hết nên cô ta mới có lòng gian như vậy!

     Mẹ tiếc những món nữ trang quý giá, những đồ đẹp hiệu đã từng mua mắc tiền tặng cô ta trong những dịp Tết nhất hay sinh nhật gọi là tặng thưởng cho công lao làm việc và sự trung thành cho tiền đồ của bố mẹ, có biết đâu là ả đã mưu mô quyến rũ bố, muốn hất mẹ ra, muốn chiếm cái địa vị làm bà chủ và cả khối tài sản dành dụm cả đời của ông bà! Mẹ đau đớn trách bản thân đã không hiểu được bố, không đủ gần gũi bố để ông có nhân tình bên ngoài cả hai năm nay mà bà cũng không phát hiện ra!

***

     Một đại họa nữa bỗng xập tới vào một buổi sáng, anh Luyện đang đi học bên Úc, anh gọi phone về:

     - Hân hả? … Sao anh phone hoài cho bố không được vậy?

     - Bố … không gọi được đâu!

     - Tại sao vậy?... Anh không còn một xu nào nữa trong trương mục ngân hàng để đóng tiền học đây, trong ba ngày nữa mà không nộp đủ thì chắc phải xách valise về nước đó!

     - Ủa!... Không thể nào hết tiền được vì account của anh có liên hệ với account của bố mẹ, khi trong tài khoản anh hết thì máy sẽ tự động chuyển từ tài khoản bố mẹ cho anh mà…

     - Vậy mà anh xem cái account của bố mẹ cũng không còn đồng nào luôn!

     - Không thể tin được! Để em sẽ lên nhà băng và cho anh hay tin sớm nhe, cúp phone đi chứ không thì tốn tiền bộn đó!

     - Ok, em lo dùm anh nhe, cám ơn em, cho anh hỏi thăm mẹ khỏe không em?

     - … Hum… Cũng Ok! Em bận lắm… Thôi bye anh nhe!

     Tôi không muốn kể lể chuyện nhà qua phone dài dòng tốn tiền, rồi anh lại lo ra mà học không được; anh cũng như tôi, năm cuối của bác sĩ, cả hai đều thật bận lo thi cử ra trường, thế mà đủ thứ chuyện xảy ra!

***

     Sau khi nói chuyện với giám đốc nhà băng, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nghẹn lời, cổ khô khốc, cặp mắt mở to đầy kinh ngạc, không tin vào chính đôi tai mình, cũng không tin được những lời vừa rồi:

     - Cô Nguyễn Thy Phấn là người đã chuyển hết tiền từ trương mục của con trai ông bà và của ông bà vào account của cô ta!!

     Bố tôi run giọng bàng hoàng:

     - Ai đã cho phép?? Có chữ ký của chúng tôi không?

     Mẹ tôi vì đã quá tin người nên mấy lần đi lấy tiền và trả hóa đơn đã dắt ả thư ký “hiền lành” đi theo, không che số mã số cá nhân (Nip) (4) thẻ khi bấm máy, nên ả đã khắc cốt ghi tâm và có mưu đồ.

     Để lấy lòng nhân viên nhà băng, ả tặng quà bánh, làm quen và tìm cách tiếp cận, làm mọi thủ đoạn để chiếm lòng tin của họ, nói dối là con đỡ đầu của bố mẹ tôi, để xin một cái thẻ khác với cùng mã số NIP của mẹ!

     Người nhân viên này đã không chút nghi ngờ khi thấy mẹ tôi đã có vài lần dắt cô đến nhà băng rút tiền, trả hóa đơn… nên đã làm cho cô ta một thẻ thứ hai kéo tiền từ máy tự động. Họ cũng không sai khi chỉ làm một cái thẻ khác cho ả mà không cho số Nip, vì chỉ có mẹ mới có thể cho số Nip của riêng mẹ cho người thân tín của mẹ mà thôi!

     Từ đó lòng tham vô đáy của ả đã làm ả tối mắt, ả tưởng đã chiếm được lòng tin của bố rồi thì làm gì cũng được, ả chắc nịch là căn nhà mẹ tôi đang ở sẽ vào tay ả trong nay mai, và cả cái tài khoản đầy ắp tiền này!

     Ả thổi vào tai của bố những lời đường mật, ve vuốt của một con đĩ hạng bét, tất cả mọi thủ đoạn khinh bỉ, hạ cấp, tồi tệ nhất, ả đều dám làm trong phòng mạch với bố để đạt được mục đích!

     Ả đã lấy từ trương mục của bố mẹ tôi một khoản tiền không nhỏ cho người tình riêng, ả khôn nhưng không ngoan, đã bỏ vào tài khoản của người tình của ả cùng một nhà băng; rồi biết bao những hóa đơn, chứng từ giả để lấy tiền của bố, bố tôi đã ngu muội, nhắm mắt ký tên vào những tấm checks trong lúc cả hai người đang “vui” trên giường, trong phòng mạch… số tiền lên tới hơn nửa triệu bạc!

     Khi thấy tất cả bằng chứng phơi bày trước mắt, bố quỵ xuống sàn, xụp đổ, không tin vào chính cặp mắt mình, sự lừa gạt trắng trợn đã đưa ra ánh sáng, những giọt mồ hôi nhỏ giọt trên trán, mắt kiếng tuột khỏi mắt, bố tôi gục đầu vào đôi bàn tay, cả người run lên tức giận, vỡ mộng! Ông không ngờ một người đang có chức vụ cao trong xã hội, có gia đình con cái đàng hoàng, lại hóa rồ, bị một con bé đáng tuổi con, dụ vào lưới tình của nó giăng ra…

***

     Mẹ tôi ngồi yên trong góc nhà không biết đã bao lâu, cặp mắt dính chặt vào một chỗ mông lung, thất vọng, chán nản. Bố tôi xấu hổ biết lỗi, dấu mặt ngoài khu vườn rộng lớn, nói là để trồng cây nhưng tất cả bắt đầu cho thời sám hối. Ông sợ mẹ tôi đay nghiến mỗi khi gặp mặt ông nên đã ở ngoài vườn từ sáng bước xuống giường cho đến 2, 3 giờ sáng hôm sau mới dám nhẹ nhàng vào nhà, ông cũng không dám lên phòng ngủ ở lầu trên mà chỉ dám rón rén nằm trên sofa nơi phòng đọc sách; mái tóc ông thường được nhuộm đen một thời khi ra ngoài với ả, nay không còn nhuộm nữa, mà giữ y nguyên một màu trắng toát. Mẹ không còn thiết tha gì trong việc làm đồ ăn ngon cho ông, mặc kệ ông muốn ăn gì, làm gì cũng không màng, ông chỉ ăn uống qua loa rồi đi ngủ…

     Gặp chúng tôi, ông không dám hỏi han, chỉ cúi đầu lầm lũi trốn tránh đến khổ sở, mỗi lần ánh mắt chúng tôi chạm nhau, tôi thấy chỉ là sự tủi nhục hèn hạ và yếu đuối của một con người lớn tuổi lầm lạc! Thật đáng khinh!

     Chỉ tội nghiệp cho mẹ, không biết mẹ sẽ sống ra sao bên cạnh người đã từng mắng chửi, đánh đuổi mình vì một ả mưu mô, những ngày tháng còn lại của mẹ sẽ ra sao đây? Mẹ có chịu đựng nổi sống hết kiếp này để giữ thanh danh cho gia đình không?

     Không khí chết bao trùm cả căn nhà, mẹ suy nghĩ đến tương lai số phận sẽ ra sao; bố tủi nhục, cúi đầu ở ngoài vườn cho những tháng ngày ăn năn sám hối, lấy những câu kinh thuần phục bản tính vì hành vi tội lỗi của mình…

***

     Ba tháng sau, tiếng ho của ông mỗi lúc một nhiều và rõ rệt hơn mỗi khi tôi về nhà thăm mẹ, ông vẫn né tránh mẹ con chúng tôi ở sau vườn. Mẹ tôi không muốn ở nhà mỗi khi có mặt ông nên tìm cách đi chơi với bạn bè, chị em bên ngoài.

     Ngôi nhà thân thương mà tôi đã sanh ra và lớn lên ở đấy gần trên 25 năm, bao nhiêu kỷ niệm, yêu thương của cả gia đình, hôm nay đang tàn lụi! Những bức tường mà mẹ tôi cho người dán giấy hoa lên đó bây giờ đã úa vàng già nua như tuổi đời của chủ nhân, những chậu cây kiểng trồng trong nhà héo tàn không ai thay đất, chiếc đồng hồ lớn giữa nhà như vị chủ nhân gõ chuông đúng giờ ăn, giờ làm việc, nay chậm chạp đổ những hồi chuông sai giờ, lỗi hết điện mà chả ai buồn thay pin hay lên giây cót…

     Tôi nhìn xung quanh căn nhà, như căn nhà hoang, chỉ toàn hoa tàn héo, không chút hương vị sống thì làm sao chủ nhà có sức sống đây! Tôi vội vàng vứt hết đống hoa héo, mở đèn sáng lên, vặn lại chiếc đồng hồ đã chạy ngược ngạo từ mấy tháng nay, phủi hết lớp mạng nhên đóng trên chiếc piano mẹ thường hay ngồi đàn thuở nào.

     Căn nhà vẫn im re, vắng tanh, không tiếng động, mọi thứ đảo lộn như nhà vô chủ.

     Vừa ngồi xuống ghế nghỉ thở và chờ mẹ về, tôi giật mình vì chuông điện thoại reo vang, tiếng mẹ tôi bên kia đầu dây:

     - Con …

     - Có chuyện gì vậy mẹ?

     - Bố con….

     - Bố con làm …gì nữa hả mẹ?

     - …Ông ấy bị cancer phổi… ở giai đoạn cuối!

     - Vậy sao!...

     Tiếng mẹ não nề, nhưng bình tĩnh phẳng lặng, không khóc lóc. Tôi nghe tin cũng không chút xúc động mà còn nghĩ “thật đáng đời,” mẹ tiếp:

     - Con… Hãy tìm vị bác sĩ giỏi giúp chữa bệnh cho ông ấy nhe con! …Đừng hận, đừng ghét bố nữa! Hãy vì mẹ có được không? Hãy chữa bệnh cho ông ta!

     - Sao ổng không gọi….

     Tôi định nói sao ổng không gọi ả tình nhân của ổng đi, nhưng không muốn làm mẹ buồn, tôi dừng lại.

     Tôi không biết phải vui hay buồn, không một chút cảm xúc khi nghe tin này, có phải lòng yêu bố trong tim tôi đã chai cứng rồi không? Bố đã làm tôi quá đau khổ đến không gì đau hơn được nữa nên khi nghe tin buồn này tôi thầm nghĩ có phải ông Trời đang phạt bố? Hay bố đang trả nghiệp quả đã tạo ra? Không biết bố có nghĩ những điều đó không? Có hối hận những việc mà bố đã làm cho mẹ đau khổ không? Có bị dày vò không? Ông Trời có mắt lắm, không cần phải chờ đến kiếp sau cho lâu đâu, ông cho trả nghiệp ngay kiếp này, để dậy cho con người ta một bài học vì chờ đến kiếp sau thì chắc không còn nhớ nữa!

     Dù sao tôi cũng không thể quay mặt làm ngơ khi trông thấy một người bệnh, huống hồ ông lại là bố đẻ của tôi!

     Tôi cũng chắc chắn một điều là mẹ tôi đã sống và chịu đựng đến tuổi này rồi, chị em chúng tôi đã có gia đình riêng, bố đang bệnh không biết tương lai, không dễ dàng gì mẹ lại rũ bỏ tất cả ra đi; dù gì mẹ là người tài công chính lèo lái chuyến tàu gia đình, mẹ sẽ tha thứ lỗi lầm cho bố, như một câu danh ngôn của Wes Fesler: Con tàu gia đình chẳng bao giờ chìm, trừ phi nó bị thủy thủ đoàn từ bỏ! (5)

 

Sỏi Ngọc

Montréal, Août ‘21

 

CHÚ THÍCH:

     (1) gruau: Bột yến mạch. Tiếng Anh: oats.

     (2) Réveillon: Tiếng Pháp xuất phát từ chữ Réveil (thức giấc). Đây là bữa ăn nửa đêm giao thừa của ngày 24 và ngày Lễ Giáng-Sinh 25 tháng 12. Tiếng Anh: Christmas Eve.

     (3) UV: Viết tắt từ tiếng Anh Ultraviolet: tia cực tím hay tia tử ngoại. Tiếng Pháp: Le rayonnement ultraviolet (UV).

     (4) Nip: Mã số cá nhân. Tiếng Pháp viết tắt của Numéro d’identification personnelle. Tiếng Anh: PIN: Personal Identification Number.

     (5) “Con tàu gia đình chẳng bao giờ chìm, trừ phi nó bị thủy thủ đoàn từ bỏ!” (A family ship never sinks until it is abandoned by its crew.) Câu nói của Wesley Eugene Fesler (Wes Fesler) (1908-1989), Cầu thủ bóng đá, bóng rổ và bóng chày người Mỹ. Tiếng Pháp: Un navire familial ne coule jamais tant qu'il n'est pas abandonné par son équipage.


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved