Dửng dưng như bánh chưng ngày Tết

 

Tháng giêng là tháng ăn chơi! Nói thế, là hồi xưa ở Việt Nam thôi. Bây giờ, ở cái xứ mà thực phẩm thừa thãi, ê hề như Canada này, thì tháng nào cũng là tháng ăn, tháng nào cũng có thể là tháng chơi được.

Cái xứ gì mà sáng, trưa, chiều, tối gì cũng có thể ăn thịt gà! Riết rồi chẳng còn thấy mùi vị gì cả, không còn gì ngon lành nữa cả. Riết rồi, nhìn con gà, con vịt, mình thấy dửng dưng như bánh chưng ngày Tết.

Nói đến bánh chưng (ấy, đã gọi là chuyện phiếm mà, nên chẳng có đầu có đuôi gì hết, tôi cứ nhớ gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy), tôi lại nhớ đến hồi nhỏ ở nhà, mỗi lần Tết đến nấu bánh chưng, sao mà cực khổ thế! Cứ ngoài 20 tết là mẹ và chị Loan đã phải cùng bác Cả, bác Hai nhà hàng xóm đi tận đẩu tận đâu để chọn mua lá dong về gói bánh. Mẹ bảo đi sớm thì mới kén được lá to và nguyên vẹn. Ăn được bao nhiêu mà mẹ gói cả trăm cái bánh, báo hại tôi chạy lòng vòng đem biếu mệt nghỉ. Lá dong thì mẹ mua chất đầy cái xe xích lô máy, thậm chí, tôi chưa bao giờ được theo mẹ và chị Loan đi vào vườn mua lá, vì mẹ bảo đi nhiều người, chỗ đâu mà chất lá! Trong khi đó thì bác Sáu bên cạnh nhà, cũng gói cả trăm cái bánh, người ta cũng chỉ cần mua có mấy giỏ lá nhẹ nhàng. Mà bánh của bác gói ra vừa vuông vức, vừa đẹp. Nhưng cái xấu của dân ta, là có cái gì hay hơn người khác thì dấu bom bỏm, sợ dạy rồi thì... mất nghề, hoặc sợ người ta giỏi hơn mình, chứ đâu có như Tây bên này, có cái gì thì viết ra rồi truyền nhau inh ỏi, hoặc còn đem phổ biến lên internet cho mọi người xài chung!

Thế nên, bao nhiêu năm ở cạnh nhau, mẹ vẫn không làm sao hiểu được tại sao bác Sáu gói bánh chưng tốn rất ít lá mà bánh vẫn đẹp, trăm cái như nhau, chẳng bù với bánh của mẹ, đủ mọi tầm vóc, càng gói thì càng phát triển cả bề ngang lẫn chiều cao. Thậm chí, có cái còn mập tù lù, mẹ gói xong cứ cười ngặt nghẽo:      

- Trông béo xưng béo xỉa.

Từ đấy, hễ gặp ai quạu quọ, ể mình ể mẩy, mẹ bảo:

 - Mặt cứ xưng lên như cái bánh chưng! (Bánh chưng của mẹ thôi, chứ có bánh chưng nhà ai mà "xưng" như thế).

Qua Canada, tôi được một sư phụ truyền cho cái nghề gói bánh chưng hàm thụ, nghĩa là học qua điện thoại. Tôi được trời sinh ra một cái rất ngộ nghĩnh, là học cái gì cũng lẹ như chớp, nhất là học lỏm. Gói vài lần, tôi đã qua mặt sư phụ vù vù, các bác lớn tuổi phục tôi lắm. Bánh tôi gói ra, đẹp và đều tăm tắp, cân lượng hẳn hoi, chứ không phải cứ theo cái méthode Thuốc ho Bà Lang Trọc của mẹ ngày xưa. Cả lá dong (thật ra là lá tre khô) cũng vào công thức, mỗi cái bánh chưng chỉ cần đúng 11 cái lá không hơn không kém. Lúc đó tôi mới hiểu cái bí quyết mà bác Sáu hàng xóm đã dấu bo bo bom bỏm bấy lâu nay.

Khi cả gia đình tôi sang Canada đoàn tụ, tôi truyền lại bí quyết cho mẹ, và từ đấy tôi giải nghệ. Mỗi năm, gần tết, mẹ gói mấy chục cái và phần tôi, bao giờ cũng được 20 cái bánh, bỏ tủ đá, lấy ra nấu ăn dần quanh năm!

Bọn em tôi ganh tị, nói mẹ thiên vị, nước đổ chỗ trũng! Chính tôi cũng thấy mẹ thiên vị, vì quả thật, cứ nhìn thấy 20 cái bánh chưng là tôi đã ớn lên đến tận cổ rồi.

Tôi được một cái tính không biết là tốt hay xấu, là tôi rất chăm chỉ, trong nhà ngoài ngõ, dù chả ai bắt, tôi cũng cứ bới việc ra mà làm. Thậm chí, có lần tôi cũng trưởng giả học làm sang, mệt quá, nghĩ đến chuyện mướn người về nhà làm quét dọn, vệ sinh. Bà đầm đến được 2 buổi thì từ chức. Bả nói, chuyện gì tôi cũng làm sạch bách rồi, mướn bả tới làm gì?

Ấy, chăm thế, mà duy chỉ có mỗi một chuyện tôi rất lười biếng: đó là chuyện ăn! Chắc hẳn hồi tôi còn nhỏ, mẹ cũng khổ không ít về chuyện này, cũng như tôi đã từng khổ sở về chuyện ăn uống của đám con tôi. Chúng thừa hưởng trọn vẹn cái "gia tài của mẹ" chúng, là tôi, cho nên cứ đưa món gì ra cũng lắc đầu nguây nguẩy, riết rồi cả mấy mẹ con cứ dài ngoẵng ra, như sắp chết đói cả lũ!

Tôi cứ than Trời trách đất: giá như trời đừng sanh ra con người phải ăn ngày ba bữa thì hay biết mấy! Có thì giờ làm được bao nhiêu việc hữu ích. Khi anh tôi còn sống, có lần tôi bảo anh:

- Giá mà ai phát minh ra được các món ăn bằng viên, cứ nuốt ực vào cổ thì vui biết bao, khỏi phải ăn.

thì anh khen phải, phụ hoạ:

- Ðúng, còn phải chế ra nhiều viên khác nhau cho đỡ ngán, thí dụ như viên bún bò, viên phở, viên bánh cuốn, v.v...

Tôi tán thành:

- Mà viên bánh cuốn thì phải hai ba loại nữa anh ạ, như bánh cuốn thịt, bánh cuốn Thanh trì…

- Hay đấy, bánh cuốn Thanh Trì lại phải có thêm một viên cà cuống nữa thì lại càng đắt giá hơn.

Tiếc rằng, anh đã không chờ được ngày có nhà khoa học nào phát minh ra mấy cái viên bún bò, bánh cuốn ấy.

Anh tôi ra đi, để lại một tờ di chúc, dặn đừng đem anh mà thiêu như con... heo quay! Lại còn dặn đến ngày giỗ anh thì đừng bày tiệc linh đình, ăn uống say sưa xong rồi quay ra đánh mạt chược, cười hô hố! Anh cũng dặn ngày giỗ anh chỉ cắm hoa cúc trắng lên bàn thờ. Riêng tôi, anh dặn mỗi năm làm cho anh tí tóp mỡ để cúng, vì anh bảo lúc sống mỗi lần anh đòi chị cho ăn tóp mỡ thì chị bảo cholesterol, không cho ăn. Lúc sống, đòi ăn còn chẳng được, huống hồ là chết queo rồi. Anh bảo nấu canh dưa chua, không có tí tóp mỡ thì chẳng ra gì. Ðọc tờ di chúc của anh lên, cả nhà cười hi hí, chỉ riêng tôi, nước mắt chảy trong lòng. Không ai hiểu anh như tôi, chỉ vì anh không muốn để lại đau buồn cho người ở lại, nên mới sáng chế ra cái tờ di chúc... funny ấy. Hơn hai mươi năm qua, tôi cứ đếm từng chén tóp mỡ để tưởng nhớ tới anh.

Tưởng nhớ xong thì đem vất vào thùng rác. Nhìn thấy mà ghê, ăn gì được. Thịt cá, gà vịt ở xứ này nhìn còn chẳng có thú để mà ăn nói gì đến tóp mỡ!

Tôi nhớ hồi nhỏ mỗi lần giỗ, tết, mẹ tôi làm gà vịt, thì mổ xẻ ra bao nhiêu món: đùi gà, lườn gà thì luộc; cổ cánh thì nấu cà ri, nấu đậu petits pois; lòng gà thì xào chou-fleur; tiết gà thì đem luộc cho chúng tôi chấm muối; còn tiết vịt thì làm tiết canh cho bố nhậu. Trời ơi, sao thấy thèm gì đâu! Tết nào mẹ cũng dắt tôi đi chợ mua gà. Mẹ kén gà sống thiến. Bà hàng gà gắt lên:

- Thì gà nào chả "sống"! Có con nào chết đâu. Vớ vẩn!

Nhưng thật ra thì bà hàng gà đã hiểu lầm. Không hiểu vì sao người Bắc nói chệch "gà trống" thành "gà sống", vì dĩ nhiên không ai thiến gà đã chết. Nhưng mẹ cũng vớ vẩn thật. Gà vịt heo bò gì cũng ăn tuốt, mà còn bày đặt sợ sát sanh! Không bao giờ mẹ cắt tiết gà, tiết vịt. Tôi nhớ năm nào sắp giao thừa, mẹ cũng phải nhờ bác Hai hàng xóm sang cắt tiết gà, tiết vịt, vì dịp ấy chị người làm về quê ăn tết rồi. Có một năm, mẹ quên béng mất cái chuyện phải sang gọi bác Hai. Lúc mẹ sực nhớ ra, thì đã gần sát giờ giao thừa rồi, tin dị đoan, mẹ không muốn sang gọi bác Hai nữa, vì mẹ bảo cuối năm có người vào nhà, đầu năm ra đi thì không tốt. Thế nên mẹ và chị Loan đành tự cắt tiết gà, tiết vịt.

Chị Loan, một tay cầm hai chân con gà, tay kia kẹp hai cánh nó lại, giốc ngược lên cho nó chúc đầu xuống đất. Mẹ thì tay cầm cái cổ gà. Con gà xấu số cứ há mỏ ra kêu không thành tiếng. Mẹ vặt mấy cái lông quanh cổ gà, miệng rù rì khấn vái:

- Mày sống khôn chết thiêng, tao hóa kiếp cho mày, mai mốt đi đầu thai làm người, đừng làm gà làm vịt cho người ta cắt cổ....

Tôi đứng cạnh phì cười:

- Mẹ làm như làm người sướng lắm í, lại còn xúi nó đi đầu thai làm người!

Quả thực con gà này không may mắn tí nào. Như được vào tay bác Hai thì đỡ rồi. Bác chỉ liếc con dao vào đáy cái bát sành vài cái rồi cắt nhẹ nhàng vào cổ gà rồi đặt vào cái bát sành thì tiết chảy ra đầy bát. Vào tay mẹ ư? Mẹ cứ cầm con dao cùn nhủn mà nghiến qua nghiến lại, cổ họng con gà vẫn chưa chịu đứt, máu chảy lênh láng cả ra sàn bếp. Tôi rít lên:

- Mẹ làm ghê quá, cho nó một lát dao ân huệ đi... ai lại hành hạ nó thế, nó chết cũng không yên. Kinh quá!

Chị Loan thì hai tay vẫn nắm chặt lấy hai cái chân gà và hai cánh gà, ngoảnh mặt đi nơi khác. Cuối cùng thì mẹ cũng phải ngừng tay. Mẹ lấy hai cánh gà vắt chéo vào nhau để kẹp chặt đầu gà vào giữa, rồi loay hoay quay qua nấu nước sôi để làm lông.

Ai ngờ, chú gà nhà ta chưa chết hẳn, vùng dậy, rồi cứ cái đầu kẹp giữa hai cái cánh mà chạy tuốt ra sân. Cả bọn chúng tôi tá hỏa, cả đám chạy như vịt đuổi theo con gà, lúc ấy đã chạy loạn ra khắp xóm. Nó đang bị hồi quang phản chiếu mà, nên khỏe lắm!

Chị Tư, người làm của nhà kế bên thấy cái "sự cố" tức cười ấy, giữa đường thấy chuyện bất bình ra tay, bèn xông ra, chạy cùng với bọn tôi đi bắt lại con gà. Giữa đêm giao thừa, cả đám cứ chạy như vịt quanh xóm. Cuối cùng, con gà chạy mệt thì lăn quay ra sân nhà cụ Giáo, chị Tư tóm được nó. Chắc là lúc đó nó đã được đi đầu thai làm người rồi. Thế rồi, đúng lúc chuông nhà thờ rộn rã điểm giao thừa, và tiếng hát của ban Thăng Long tưng bừng nổi lên trong khúc nhạc bất hủ của Phạm Ðình Chương: "Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi..." thì chị Tư, mệt phờ râu, thất tha thất thểu cầm con gà vào... xông đất nhà tôi!

Bố thở dài thườn thượt. Trông bố cứ tiếu lâm nhởn nha nhởn nhơ vậy chứ mà dị đoan ra phết. Bố không cho ai xông đất bao giờ, mà hằng năm chính bố dắt tôi ra đường đi một vòng rồi vào nhà tự xông đất lấy. Bây giờ thấy cái cảnh này, chả lẽ đầu năm lại mắng chị Tư một mách? Mà người ta có làm gì lỗi đâu mà mắng!

Cũng may, năm ấy nhà tôi gặp nhiều may mắn, bố mẹ làm ăn phát tài, chứ không thì cái chị Tư nhanh nhẩu đoảng ấy chết với bố tôi.

Chỉ đến sáng hôm sau, thì chúng tôi đã quên hẳn cái chuyện ấy rồi. Chỉ nhìn đĩa thịt gà luộc vàng ươm, nghĩ đến lúc chấm nước mắm chanh thôi đã thấy ngon cách gì? Mẹ còn bắt ra vườn hái mấy cái lá chanh non, vào xắt mỏng rắc lên đĩa thịt gà, trời, vừa thơm, vừa hăng hắc, hấp dẫn làm sao.

Chứ đâu có như bên này, thịt gà vịt, bò heo gì cũng ăn hàng ngày, thấy phát ớn. Lại nhằm cái tên lười ăn như tôi nữa, thì sợ lắm rồi. Nhìn quanh, bạn bè cứ lũ lượt ra đi: không vì cholesterol thì huyết áp cao, đang vui vẻ đánh tennis cũng có thể lăn đùng ra chết; tôi bỗng nghĩ ra một cái "triết lý dỏm" là tại chế độ ăn uống dư thừa mà ra bệnh! Con người mình nó cũng như cái máy thôi, bắt nó làm việc nhiều thì nó mau hư. Lý lẽ giản dị mà.

Kể ra thì ông Trời cũng rất công bằng, có người ở xứ nghèo khổ, bữa ăn no cũng không có, thì người ở xứ dư thừa thực phẩm, ổng lại sinh ra đủ thứ bệnh cho người ta bớt ăn đi.

Nhất là cứ mùa lễ tết ở bên này, cứ thấy quý vị đi party ăn không biết là bao nhiêu món tôi cứ phục lăn! Hèn gì mà vòng số 1, 2, 3 cứ thế mà... cụ thể phát huy, xong rồi về mua bao nhiêu thuốc đai ét mà uống rồi bữa sau lại... ăn tiếp.

Thế nên, cái tật lười ăn của tôi đã trở thành cái mode: chẳng cần phải đai ét khổ sở gì cả mà toujours vivante, vẫn sống nhăn răng! Nhất là từ khi tôi gia nhập Hội Bảo Vệ Súc Vật, thì tôi bỗng trở thành... quân tử lắm (vì vỗ bụng chỉ thấy rau bình bịch), các cụ đã nói là "đói ăn rau, đau khỏi cần uống thuốc" mà, cho nên cả nhà tôi, ngoại trừ "xếp lớn" ra, thì mấy mẹ con tôi cả năm chỉ tốn có lọ thuốc Tylenol 5 tì thôi. Lại còn hà tiện được bao nhiêu thì giờ nữa. Giờ ăn trưa, thay vì phải xuống cafeteria xếp hàng dài cổ để được ăn, tôi thì cứ ngồi lại trong văn phòng, vừa cắm đầu vào "máy cầy", vừa gặm trái cây, tiện và lợi. Mẹ biết là tôi lười ăn lắm, thỉnh thoảng buổi trưa lại phone vào hỏi:

- Con ăn gì chưa?

Tôi vừa gõ máy cọc cọc, vừa nói:

- Con đang ăn.

- Sao không nghe thấy tiếng nhai?

Tôi trả lời cho có lệ:

- Con đang ăn chuối.

Mẹ chuyển đề tài:

- À, sáng nay mẹ coi tivi thấy Bin Laden bị quân đội Mỹ bắn chết rồi rồi con ạ.

Tôi ậm ừ:

- Sao lại bắn chết người ta?

- Thì ổng là người ác mà.

Tôi lắng tai:

- Sao mẹ biết ổng ác? Mẹ quen ổng à?

- Thì mẹ coi tivi.

Tôi ngớ ngẩn:

- Coi tivi? À, ổng có đóng trong phim "Thái Bình Công Chúa" của mẹ à? Hay là phim "Anh hùng Xạ điêu"?

Mẹ ra vẻ thông thái lắm:

- Ðâu có, ổng người Iraq gì đó, đâu phải người Tàu!

Thì ra thế, là cái ông ác người Iraq. Tôi còn tưởng ổng là người... Ấn Ðộ.

Một lát, nghe thấy tiếng nhai croc, croc trong điện thoại, mẹ lại hỏi:

- Con ăn đến quả gì rồi?

Tôi lúng búng:

- Con ăn quả lê. Thôi chứ, mẹ có cần chờ đếm cho đủ chín quả rồi mới cúp phone không?

Nói đến ăn trái cây, tôi lại nhớ không hiểu sao khi anh tôi còn sống, có lần tự nhiên anh tuyên bố ngang xương:

- Mỗi ngày phải ăn trái cây đủ chín quả!

Con số 9 từ đâu ra tôi chẳng tìm hiểu, nhưng từ đấy, ngày nào chưa ăn đủ chín quả thì tôi thấy thiếu thiếu cái gì. Hôm nào ăn ngán quá rồi, tôi "ăn gian": ăn nho, cho đủ chín quả.

Mẹ tôi cứ nhiếc móc:

- Ăn uống như thế thì khỏi đai ét, có ngày "đai" luôn.

Mẹ còn than vãn không hiểu ngày xưa y tá có giao lộn con ai cho mẹ đem về không mà tôi chẳng giống mẹ tí nào: cái tủ lạnh của mẹ ư? Mở ra không khéo thì thịt cá từng cục rớt ra đùng đùng như Việt Cộng pháo kích!

Nói đến thịt cá, có lần tôi đố cả nhà là trong các giống động vật, giống nào dã man nhất: ai cũng kể nào là hổ, báo, hùm, beo, v.v... Tôi thì tôi cho là loài người dã man nhất. Hổ báo hay sư tử nó có dữ dằn thì nó cũng chỉ ăn các thứ trong rừng thôi. Hay cá lớn nuốt cá bé thì cá nó cũng chỉ ăn đồ dưới nước. Còn người mình thì này nhé: trên trời dưới đất, trong rừng, dưới biển, có thứ nào không đem ra làm thịt tuốt luốt. Nhai rau ráu.

Trên trời thì chim chóc, đem xuống vặt lông, rô ti nhậu nhẹt. Dưới đất thì heo bò gà qué ăn tuốt luốt. Trong rừng thì nai, hươu, gấu, tê giác, cũng làm hết. Dưới biển thì còn kinh nữa, tôm cua ốc hến cũng ăn ráo trọi, còn gọi văn hoa là fruit de mer, seafood! rồi đem ra bán cho ăn... bao bụng nữa!

Chưa kể là cái đau khổ nhất của mọi loài là chết. Thế mà giết thú vật rồi cũng không cho nó chết yên thân: còn đem ra mổ xẻ tơi bời, moi ruột moi gan nó ra, bắt nó vào nằm trong tủ đá; rồi đang từ lạnh cóng, lôi con người ta ra xịt xì dầu nước mắm loạn xạ lên, bắc lên chảo chiên xèo xèo rồi mới chịu ăn. Thịt bò thì sáng chế ra bảy món! Gặp ai như cô em tôi thì càng khủng khiếp, đã ăn thịt bí tết rồi mà lại còn ăn chín đến nỗi miếng thịt dai ngắc lại, rồi mới cho ra đĩa, dùng dao kéo như kéo cưa rồi mới chịu cho vào miệng nhai nhóp nhép. Thấy mà tội. "Bò" chết bao lần, thịt da nát tan!

Tôi không hiểu sao, như ta thấy người chết thì sợ rú lên, nếu không thì cũng để nằm yên đó, thắp hương niệm Phật, lạy xì sà xì sụp. Thế mà con bò, con heo nó chết thì cũng là một cái xác chết thôi, lại có thể ăn nó ngon lành, còn đem con người ta ra hành hạ chán rồi mới chịu ăn! Ác quá à.

Ta cứ bớt ăn chúng đi thì tự nhiên người ta bớt giết chúng, mà ta cũng không bị bệnh tật, có phải nhất cử lưỡng tiện không? Cần gì phải vào chùa lạy xì sụp, cần gì phải kiêng sát sanh. Ta không giết vật nhưng vật vì ta mà chết! Mình không sát sanh, mà người khác sát sanh cho mình ăn thì tội cũng như nhau thôi, có khác gì đâu. Ấy là tôi nghĩ thế. Tôi mà là quan tòa ư? Ðồng lõa với thủ phạm, xử như nhau!

Tôi cũng nghĩ ra được một cái triết lý dỏm khác là ăn uống nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tánh tình của con người. Gia vị tiêu tỏi ớt hành ăn nhiều thì trở nên bồn chồn, nóng nảy. Thịt thà ăn nhiều thì trở thành... ác!

Tôi nói thế thì có bà phản ứng ngay lập tức:

- Bà nói sao í? Chứ ăn trái cây thì no thế nào được?

Thật ra, cái dạ dày của ta nó cũng như ta thôi, nó cũng có lòng tham vô đáy. Ta cứ cho nó vừa vừa thì nó cũng thấy là đủ. Mà càng cho nó nhiều thì nó càng đòi hỏi hơn, lý lẽ này cũng dễ hiểu thôi. Con bò nó cũng chỉ ăn cỏ thôi, nó có ăn thịt thà, sea food gì đâu mà nó cũng vẫn to như... con bò!

Bả nói:

- Nhưng ăn nhiều quen rồi, nhịn hổng được.

Nói thế thì hết nói. Chấm hết.

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved