Một buổi sáng chủ nhật, không biết làm gì, Thanh chợt có ý định đi lang thang! Tắm gội sạch sẽ, nàng ra khỏi nhà trong chiếc quần jean ủi thẳng thớm, chemise trắng, mái tóc dài túm lại buộc gọn ghẽ bằng miếng vải màu, Thanh thấy như chưa bao giờ thoải mái đến thế, khác hẳn ngày thường đi làm lúc nào cũng bị gò bó trong quần áo tươm tất, đầu tóc gọn gàng như con cá bị đóng trong hộp vậy. Xắc tay khoác lên vai, rồi đeo chiếc máy hình nhỏ tòn ten vào cổ, y như một thợ săn hình thứ thiệt vậy, nàng kiểm soát lại mọi thứ cần thiết rồi ra khỏi nhà, cứ nhắm hướng xa lộ trực chỉ.

Không biết hôm ấy là chuyện gì, Thanh chỉ nhớ là nàng đang buồn lắm, lái xe mà đầu óc cứ đi đâu, chỉ chực húc vào lề đường. Năm lần bảy lượt, xe đằng sau cứ bóp còi tin tin. Nàng cứ tỉnh bơ, lạng quạng chạy tiếp, mắt cứ láo liên nhìn hai bên đường. Hóa ra, nàng đang tìm ngoại cảnh chụp hình để trang trí cho bài nhạc Cỏ Hồng của Phạm Duy. Ông nhạc sỹ này thật ác! Cỏ xanh, cỏ vàng, cỏ úa, cỏ chết thì nàng có nghe qua, nhìn qua rồi, còn cỏ hồng thì là cả một vấn đề! Cả tháng trời, cứ có dịp chạy xe ra xa lộ là nàng lại láo liên nhìn khắp nơi, tìm xem có nơi nào có cỏ mầu hồng. Chỉ thoáng thấy giông giống, là nàng táp ngay vào lề, mặc cho xe khác bóp còi kêu réo, nàng nhảy tót xuống xe, tay xách chiếc dép, mà chỉ một chiếc thôi, vất lăn trên cỏ rồi lôi cái máy ảnh digital ra chụp lấy chụp để, thế nhưng khi coi lại thì lại chán nản và...delete! Thì ra chỉ là ảo giác! Chụp sao thì chụp, coi ra cũng chỉ là cỏ xanh lè thôi.

Kể cả cái sáng kiến đem cỏ vào Photoshop để thay tạo hóa mà đổi thành màu hồng, nàng cũng đã thử qua rồi, lúc đầu thì cũng thích thú lắm, nhưng khi in ra thử thì nó thế nào ấy, cũng hồng hồng, nhưng không tự nhiên tí nào. Nàng chán nản lại xóa.

Cho nên, sáng nay, Thanh tự hứa sẽ đi vào hang cùng ngõ hẻm, kiếm cho ra cỏ hồng, kiếm không ra thì không về! Nàng đã hỏi một lô bạn bè, mỗi người chỉ cho nàng một nơi, xa lộ số mấy, cây số bao nhiêu, v.v. tờ giấy trên tay với cái danh sách ấy, nàng cứ thế mà lang thang trên đường.

Trời đẹp và thật ấm, không nóng lắm. Thanh dừng lại dưới chân một ngọn đồi thoai thoải của một tu viện. Cỏ xanh mươn mướt, đẹp quá. Nắng chiếu phơn phớt trên ngọn, nhìn xa, thoang thoáng như có ánh hồng, nàng chụp vài tấm, rồi nhìn ngắm lại, thấy cỏ đẹp mượt mà quá, cắt tỉa khéo léo quá, không có vẻ gì là cỏ hoang ngập lối như bản nhạc cả. Nàng thất vọng, lại leo lên xe chạy tiếp.

Ðến một ngọn đồi hoang, cỏ mọc cao quá đầu gối, không ai cắt xén, trên ngọn, hoa cỏ đã lưa thưa, đong đưa. Mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua, cỏ hoang lung linh trong nắng, tựa vào nhau, rạp xuống đất rồi lại vươn thẳng lên. Nắng cứ phơn phớt tạt qua ngọn cỏ, phản chiếu màu hồng rực của nắng. Ðích thị là cỏ hồng rồi. Không chần chờ, nàng đưa máy chụp lia lịa. Nhưng cũng chỉ thế thôi, dưới mắt thường, ngọn cỏ trông như vẻ mầu hồng, nhưng nhìn lại, thì cũng chỉ là một mầu vàng của bông lúa, trên nền xanh dại của cỏ hoang.

Dừng lại bên bờ hồ, gặm thật nhanh mẩu bánh mì và uống vội lon nước ngọt mang theo, Thanh lại tiếp tục tìm kiếm. Bờ rừng, bụi cỏ nào, nàng cũng chui vào sục sạo. Cứ thế cả nửa ngày, nàng vừa mệt lại vừa mất phương hướng, không còn biết đường về nữa. Càng sửa càng sai, càng đi càng lạc, Thanh lo lắng tìm người hỏi đường, nhưng chung quanh cũng không có bóng người qua lại. Ai lại chui vào những hang cùng ngõ hẻm trong một ngày đẹp trời như hôm nay chứ? Xa xa, có tiếng chuông nhà thờ văng vẳng đưa tới. Giữa nơi hoang dã, tiếng chuông nhà thờ cứ ngân nga đổ từng hồi, rộn rã, chắc là đang có buổi lễ gì đây. Theo tiếng chuông, Thanh nhắm hướng nhà thờ trực chỉ, rồi đậu xe an toàn vào một góc đường, nàng thả bộ leo lên ngọn đồi thoai thoải. Tít trên cao, tháp chuông nhà thờ ngạo nghễ vươn trên nền trời trong xanh biếc. Không cần tìm kiếm lâu, vừa bước vào sân nhà thờ, thì có hai Cha cũng vừa từ trong nhà nguyện bước ra sân. Thanh nói lý do nàng lên đây, rồi kết luận:

- Con đi tìm cỏ hồng, miên man rồi lạc đến đây!

Hai Cha làm dấu thánh giá, rồi nói:

- Cỏ hồng! Ta cũng lần đầu nghe qua. Nhưng gần đây, có một dòng tu nữ, là dòng tu kín, chung quanh ngọn đồi ấy, cũng rất nhiều cỏ dại, có thể buổi chiều dưới ánh nắng tà, cỏ cũng rực lên ánh hồng rất đẹp. Nếu cô muốn, có thể sang thử xem sao.

Thanh mừng rỡ, quên cả việc hỏi đường về, nàng hỏi ngay đường sang dòng tu kín. Một Cha lấy tờ giấy, chỉ sơ đường đi rồi tò mò hỏi nàng người gì? Sau khi biết nàng là người Việt, Cha nói:

- Bên dòng tu ấy, có chừng hơn 10 nữ tu người Việt, đã di cư sang đây từ năm 1954, và từ đấy vẫn tu tại đây, không ra khỏi dòng tu này.

Thanh ngạc nhiên lắm. Từ năm 54! Hơn nửa thế kỷ! Không ra khỏi dòng tu. Thế thì là... ở tù chung thân rồi còn gì? Vì sự tò mò đó, Thanh nhất định sang tận nơi cho biết. Trong đầu nàng, cái ý nghĩ tìm kiếm cỏ hồng đã phai mờ hẳn nhường cho một sự tò mò mãnh liệt. Nàng cám ơn hai Cha, rồi theo tờ giấy chỉ dẫn, lần mò tìm sang dòng tu kín.

Ðúng như Cha nói, chung quanh nhà dòng, cỏ cao óng ả, nhưng Thanh không còn thấy thú vị nữa. Ngôi nhà dòng kiên cố sừng sững trên cao, khuất sau mấy rặng thông xanh đang vi vu thổi.

Kiếm chỗ đậu xe xong, nàng đi thẳng lên trên, ngơ ngác tìm. Thấy một văn phòng có người, nàng vào hỏi han và được một vị nữ tu già đón tiếp. Sau khi nghe nàng trình bày lý do cuộc thăm viếng, bà nói:

- Ðúng vậy, trước kia, có 14 sœurs người Việt tu tại đây, năm ngoái đã có hai bà qua đời, nay chỉ còn 12 sœurs thôi. Nhưng đây là dòng tu kín, các sœurs không tiếp xúc với người ngoài.

Vừa tò mò, vừa vì tình đồng hương thôi thúc, nàng nằn nì bà sœur già cho thăm viếng một lúc thôi. Bà ngần ngừ một lúc rồi đưa nàng vào một phòng đợi. Qua chấn song thưa, nàng nhìn vào sân trong bát ngát. Màu xanh dịu mắt dưới nắng chiều. Bóng vị nữ tu khuất dần sau mấy rặng thông. Nàng sốt ruột cứ đi qua đi lại chán, nên lôi quyển sách ra ngồi đọc.

Một lúc lâu sau, loáng thoáng có tiếng nói cười vọng ra từ sân sau tu viện, rồi dăm bảy bóng nữ tu áo trắng tiến dần về phía nhà đợi, nơi nàng đang ngồi.

Thanh hồi hộp nhìn vào sân. Thì ra, quả đúng, các vị nữ tu này đều là người Việt cả. Sao lại lưu lạc tới nơi này, mà cả hơn hai mươi năm trời nay, nàng cũng chưa hề nghe tới?

Vài bà sœurs đã tiến hẳn vào căn phòng đợi. Thanh đứng lên, lúng túng chưa biết là phải dùng tiếng Việt hay dùng ngoại ngữ để chào hỏi, thì đã nghe tiếng Việt tíu tít từ ngoài vọng vào, một thứ tiếng Bắc thật ròn rã, thật chính gốc là giọng Bắc, không giống cái giọng Bắc Sàigòn như bọn nàng, mà đôi khi mẹ nàng cứ bảo là giọng Bắc kỳ mất gốc!

Thấy thế, Thanh lên tiếng chào hỏi trước:

- Chào ma sœur!

Qua chấn song thưa, một bà sœur già nhất tiến lại gần, đưa tay nắm lấy bàn tay Thanh, ứa lệ:

- Chào cô! Làm sao mà cô biết được chúng tôi ở đây mà đến thăm?

Cuộc gặp gỡ quá bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng của Thanh, vì toàn là nước mắt! Những dòng lệ mừng mừng tủi tủi cứ thế tuôn ra, làm nàng quýnh cả lên. Sau một màn giới thiệu và nói lý do nàng lưu lạc đến đây, sœur Tâm làm dấu thánh giá:

- Lạy Chúa! Chúng tôi không ngờ được gặp người đồng hương tại đây. Ðúng là Chúa dẫn đường!

Hỏi ra, được biết các sœur đều ở dòng tu Phát Diệm ngoài Bắc, di cư sang đây từ năm 1954. Tính ra, thì bà sœur Việt trẻ nhất tại đây cũng đã 70 tuổi, bà di cư lúc mới 16, bà lớn tuổi nhất còn sống nay cũng đã 86 tuổi.

Qua chấn song thưa, các bà thay phiên nhau hỏi han chuyện bên nhà, chuyện người đồng hương bên Candada. Thanh cứ lần lượt trả lời. Thấy chỉ có mấy sœurs đứng đây, nàng hỏi:

- Con nghe nói có đến 12 sœurs người Việt tại đây?

Sœur Tịnh nói:

- Còn mấy sœurs khác sắp ra rồi. Ai cũng muốn ra đây để gặp đồng hương. Sœur Bình đang nướng bánh dở, ra đến nơi đấy!

Sœur Tịnh chưa dứt lời thì mùi thơm ngào ngạt đã đưa tới. Một sœur, sau khi được giới thiệu, Thanh mới biết là sœur Bình, tiến vào phòng với khay bánh quế nướng còn nóng nguyên. Từng chiếc bánh quế cuốn tròn tròn như chiếc xì gà, xếp gọn ghẽ trên khay, bên cạnh những chiếc bánh đậu xanh vuông vức, xinh xắn. Cũng như các sœurs khác ban nãy, sœur Bình cũng mừng mừng tủi tủi, thút thít khóc khi trông thấy Thanh! Một lần nữa, Thanh lại phải làm cái màn dỗ ngọt mấy bà sœurs già. Chỉ một lúc sau, lần lượt các sœurs khác, người thì cầm chiếc rổ đang đan dở, người thì que đan và cuộn len trên tay, đều đến đông đủ. Bỗng nhiên được tiếp đón long trọng như thế, Thanh rất cảm động. Các sœurs cứ tíu tít, lần lượt hỏi han, mời nàng ăn bánh và uống trà. Thanh tò mò hỏi:

- Ở đây, sao các sœurs làm được cả bánh quế, bánh đậu xanh à?

Sœur Tâm gật đầu:

- Sœur Bình của chúng tôi chuyên làm đủ các loại bánh, kể cả bánh Tây. Chúng tôi có người giao bánh bán cho các tiệm bánh nhỏ trong vùng. Họ đặt bánh mỗi ngày.

Thanh thích thú:

- Thế à? Con tưởng ở nhà dòng chỉ có tu thôi?

Sœur Quế, đang đan dở cái gì trong tay, cười:

- Nhà dòng cũng phải sống chứ. Ngoài việc phụng sự Chúa, làm được việc hữu ích cho người đời cũng nên chứ. Như tôi, nhận đan khăn choàng cổ, dép bằng len cho các tiệm bán đồ artisanat. Họ cần gì thì tới đặt chúng tôi.

Thanh thích thú cầm mấy chiếc vớ len đủ mầu sắc, ngắm nghía:

- Sao các sœurs híp pi thế? Vớ len sao nhiều mầu thế này?

Sœur Quế nhíu mày:

- Híp pi? Là gì vậy cô?

Thanh cười, vẽ tay vòng vòng, tìm cách giải thích:

- Thì là... là... trẻ trung, thời trang ấy mà.

Sœur Quế vui vẻ :

- Thì ra thế, các hãng xưởng họ cho len thừa ấy mà, họ cho mầu nào thì chúng tôi cứ ráp lại mà đan, đâu có lựa chọn được.

Ðưa tay chỉ sang sœur Ngọc, bà nói:

- Sœur Ngọc thì chuyên về đan sợi mây đấy.

Rồi cầm một chiếc lẵng hoa bằng mây đan khéo léo, sœur Quế nói:

- Ðây, cái lẵng này trông thì tầm thường đấy, nhưng nếu xếp hoa khô vào, thêm một ít lá, buộc thêm cái nơ, cắm vào hai cây nến, thì có thể trang trí phòng khách hay làm quà tặng vào dịp Giáng sinh rất đẹp.

Thanh thích thú, nhìn ngắm từng món đồ vật khéo léo, tỉ mỉ. Nàng gật gù, tấm tắc. Thì ra, ở môi trường nào, hoàn cảnh nào, con người cũng có thể trở thành hữu dụng cả, chỉ là do mình có muốn trở thành hữu dụng hay không thôi.

Thanh đang đói, lại vớ được mấy món bánh đặc thù Việt Nam, nàng ăn không khách sáo. Các sœur cứ huyên thuyên hỏi han nghề nghiệp, sinh sống của nàng không ngớt. Làm như từ mấy chục năm nay, các bà chưa được nói chuyện vậy! Khi còn đứng bên nhà thờ bên kia, Thanh còn tưởng như cái nhà dòng tu nữ này là một nhà tù nhốt mấy bà sœurs rầu rầu, thảm não, chỉ biết đi ra đi vô, tụng niệm kinh Thánh. Thật ra, các sœurs rất linh hoạt và sinh hoạt vui vẻ, thân thiện với nhau lắm. Ðặc biệt, là các sœurs rất mạnh khỏe và hồng hào, nét hồng hào tự nhiên không son phấn làm cho các sœur trẻ hơn tuổi rất nhiều. Sœur Giao, trẻ nhất, trông chỉ như ngoài 50 mặc dù trên thực tế bà đã 70 tuổi rồi.

Tự nhiên, Thanh có ý nghĩ, sau này, nếu có giận dỗi gì đến nỗi phải bỏ nhà ra đi, nàng thấy vô đây sống với các bà có lẽ cũng vui! Nghĩ đến đấy, Thanh hốt hoảng nhìn đồng hồ và sực nhớ ra là nàng chưa hỏi được đường về! Rồi miên man lại nghĩ đến chai nước mắm, sáng nay quên chưa mua. Còn nữa, nồi bún ốc nàng làm giấm bỗng rồi mà thiếu gừng, ngày mai lại chưa có bánh mì để làm thức ăn trưa! Rồi... rồi... ôi thôi, còn gì nữa đây? Trước khi vào đây, nàng còn tưởng các bà sœurs già là những người tù chung thân trong cái nhà dòng buồn thảm này. Hóa ra, mình thì cũng có khác gì đâu! Mà cái nhà tù ngoài đời, nàng thấy có lẽ còn phiền toái hơn cả cái nhà tù êm ả này của các sœurs là đằng khác.

Nghĩ thế, Thanh ngập ngừng từ giã. Các bà sœurs ngẩn ngơ hỏi:

- Cô trở lại thăm chúng tôi nữa chứ?

Thanh gật đầu :

- Trước kia không biết thì thôi, bây giờ biết các sœurs ở đây rồi, thỉnh thoảng con sẽ ghé thăm.

Nàng hẹn khoảng Giáng sinh sẽ lên thăm lần nữa, và sẽ dẫn thêm một chị bạn. Nàng hỏi han nhu cầu của các sœurs trong này và hứa lần tới sẽ mang lên bún khô, bánh phở, mì gói, v.v...

Sœur Giao nói:

- Cô mang vừa vừa thôi, thật ra, các cửa hiệu trong vùng họ tặng nhà dòng nhiều thức ăn lắm, kể cả gạo, không thiếu gì đâu.

Rồi bà cứ quyến luyến cầm tay nàng mãi, chưa muốn rời. Thanh chợt nhớ ra điều gì, hỏi:

- Ở đây, các sœurs có được quyền nghe nhạc không? Nhạc Việt đó!

Sœur Tịnh nhanh nhẩu:

- Trong giáo điều, Chúa cũng không cấm nghe nhạc!

Thanh cười:

- Nhưng là nhạc trữ tình, không phải Thánh ca đâu.

Các sœurs cũng vui vẻ cười theo. Thanh hứa lần tới sẽ mang vài cái CD lên tặng các sœurs. Lần lượt, mỗi bà đều vào trong lôi ra một thứ tặng Thanh, kể cả một hộp bánh quế ròn tan.

Luyến tiếc, Thanh từ giã rồi ra văn phòng hỏi đường trở ra xa lộ. Thật là hoạnh tài bất ngờ, sáng nay chỉ ra đi tay không với chiếc máy hình, bây giờ nàng về với bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh trên tay: hộp bánh quế thơm thơm mùi hương liệu, chiếc giỏ mây trong đó các sœurs chất vào nào là đôi vớ len đan, nào là con vịt bằng sứ, vẽ màu xanh lục, với đôi mắt viền vàng xinh xinh, nào là chiếc khăn choàng bằng len màu xám nhạt, bó hoa hồng đã phơi khô rắc thêm ít cành lá măng mỏng mảnh, thanh thanh, ôi thôi, đếm không xuể...

Thanh lễ mễ chất mọi thứ vào xe, lấy chai nước suối ra rửa mặt cho tỉnh táo rồi lại... lang thang trên đường, lần này nàng không buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng như ban sáng nữa mà cứ thấy lâng lâng một cảm giác rất vui như vừa làm được một việc gì có ý nghĩa. Lá phong vàng đỏ chập chùng suốt quãng đường về, mà đầu óc nàng chỉ tràn ngập màu áo trắng của các vị nữ tu, thanh khiết và đơn thuần làm sao! Cái màu mà nàng vẫn yêu từ muôn thưở!

Một tay lái xe, một tay mân mê, vuốt ve con thỏ bằng bông của sœur Minh vừa tặng, nàng thấy mọi việc ở đời, chẳng qua là một chữ Duyên. Những gì hữu duyên thì không tìm cũng gặp, còn những gì mình cố tình tìm kiếm, thì có khi kiếm cả đời cũng chưa ra, như... cỏ hồng của ông Phạm Duy chẳng hạn!

 

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved