Gà Trống

 

Đầu tháng hai, một trận bão tuyết đổ xuống thành phố. Nha khí tượng tiên đoán 30 cm tuyết. Vén màn cửa sổ nhìn xuống sân sau,Thanh thấy tuyết phủ ngập chiếc xe của anh. Thanh lẩm  bẩm:

-Tuyết dày thế nầy phải mất cả tiếng mới hy vọng lui được xe ra!

Thanh buông màn, trở vào đánh răng, rửa mặt , thay quần áo rồi xuống phòng ăn pha cho mình ly cà phê sửa nóng. Anh có thói quen từ mấy chục năm nay buổi sáng không ăn gì khác ngoài một ly cà phê sửa nóng. Căn nhà vắng vẻ. Hai đứa nhỏ đã di học từ sớm. Uống xong ly cà phê, Thanh khoác chiếc măng tô mùa đông có mũ che đầu, xỏ đôi ủng cao đến nửa ống chân, rồi mở cửa ra sân sau, phập phũng bước từng bước lại gần chiếc xe hơi. Thanh mở khóa, khó nhọc đẩy cốp xe lấy xuổng, cán phủi tuyết, rồi bắt đầu hì hục xúc.

Ngót gần tiếng đồng hồ Thanh mới đào xong hai cái rãnh vừa đủ cho hai bánh xe lùi ra. Anh ngừng xúc, mở cửa xe, rồ máy và vặn tối đa sưởi trong xe. Chờ cho hơi nóng làm lớp tuyết dày trên hai mặt kính trước và sau rạn ra những đường nứt, Thanh mới ra khỏi xe, lấy cán phủi tuyết bắt đầu gạt từng mảng tuyết ở kính trườc. Khi Thanh gạt xong mảnh tuyết cuối cùng ở mặt kính sau thì bất chợt một người đàn ông da trắng không biết từ đâu xuất hiện. Ông ta nhìn Thanh, không chào hỏi, chỉ đền gần đưa cho anh một phong bì rồi nói:

-Tôi là thừa phát lại. Có thư của luật sư gửi cho ông.

Lấy chữ ký biên nhận và trao phong bì cho Thanh xong ông ta lặng lẽ bỏ đi. Cầm cái phong bì trong tay, Thanh nghe nghẹn ở cổ. Anh biết có chuyện chẳng lành. Thanh tắt máy xe, trở vào nhà, ngồi lặng một hồi mới mở thư ra đọc. Trong thư bà luật sư nói thân chủ của bà, bà Trần Thị Nguyệt, xin ly dị với lý do bị Thanh hành hung.Trong khi chờ dợi phán xét của tòa,  luật sư của vợ anh yêu cầu Thanh, trong vòng hai tháng, phải rời nhà để Nguyệt trở về ở với hai đứa nhỏ.

Gấp thư lại, Thanh thấy trước mắt mình một khoảng trống to lớn. Sau hai mươi năm sống chung, cãi vã xảy ra khá thường xuyên giữa hai vợ chồng vào mấy năm cuối. Mọi chuyện bắt đầu từ năm Nguyệt bước vào tuổi bốn mươi. Vào tuổi đó, đàn bà hình như cảm thấy mình đang đứng trước ngưỡng cửa một đời mới: Ở đó bắt đầu ló dạng những triệu chứng báo hiệu mản kinh. Họ phản ứng lại bằng, hoặc chấp nhận với chút buồn, chút tiếc nuối thời sung mãn sắp chấm dứt hoặc một sự chống trả hay níu kéo để tỏ ra mình còn son trẻ, còn sức quyền rủ. Nguyệt đã chọn lối phản ứng thứ hai. Mặc dù bộ ngực đã có phần bớt căng, da cổ và vai đã lộ vài nét nhăn, mỗi lần đi dự tiệc Nguyệt đều chọn mặc áo hở ngực. Ban đầu Thanh tế nhị nhắc khéo vợ nên ăn mặc kín đáo hơn. Nguyệt vẫn phớt lờ lời khuyên của chồng, viện lẽ thời trang đàn bà bây giờ là thế.

Cho đến một hôm, đi dự tiệc Nguyệt mặc một chiếc áo mới mua, không những hở ngực mà còn ngắn trên đầu gối. Thanh thấy khó coi, cất giọng gay gắt:

-Em không còn ở lứa tuổi để mặc chiếc áo như vậy.

-Thì em đã nói thời trang đàn bà bây giờ là thế, không riêng cho tuổi nào.

Thanh nổi cáu:

-Em thay bộ đồ khác đi, nếu không em đi một mình.

Nguyệt cũng không vừa:

-Hay là anh ghen vì thấy tôi ăn mặc thế này hấp dẫn quá! Anh ghen vì thấy nhiều người mời tôi nhảy; không chừng anh ghen vì biết tôi ăn mặc thế này tối nay thế nào anh Quí sẽ đến mời tôi nhảy hoài. Anh xưa...anh cổ hủ ...

Nguyệt chưa kịp dứt lời thì nhận một cái tát như trời giáng vào má. Nàng ngã chúi về một phía nhưng gượng lại được. Nguyệt ôm má nhìn Thanh bằng đôi mắt căm hờn. Lần đầu tiên Thanh thốt lên một câu nặng nề dành cho vợ:

-Đồ đàn bà lẳng lơ! Già rồi mà cứ tưỡng mình còn trẻ.

Nói xong Thanh mở cửa bỏ đi ra ngoài. Gió mát làm anh thấy lòng nguôi lại. Sau hai mươi năm sống chung, lần đầu tiên Thanh không kềm chế được cơn giận. Nhưng câu trả lời xừng xỏ, thách thức của Nguyệt, lối chuyển xưng hô từ em sang tôi của nàng, không hẳn đã làm Thanh giận đến độ không kềm chế được. Chính cái tên Quí mà Nguyệt nhắc tới làm bật bàn tay anh. Gần đây Thanh nghi vợ anh có tình ý với Quí. Nhiều lần, trong những buổi tiệc trước đây, khi thấy Quí tiến về  phía bàn có vợ chồng anh ngồi Nguyệt đều đứng lên làm như nàng biết trước Quí sẽ mời nàng. Rỏ ràng Nguyệt thích nhảy với Quí. Có thể vì Quí nhảy điệu be-bop nhuyễn, đẹp hơn Thanh; có thể nhảy với Quí, Nguyệt thấy mình trẻ ra vì Quí nhỏ hơn Thanh đến bảy tuổi, bằng tuổi của Nguyệt. Trong đám bạn tham dự các buổi tiệc tại tư gia có khiêu vũ, việc mời nhau qua lại ra sàn nhảy là chuyện bình thường. Nhưng có gì bảo đảm trong chuyện bình thường kia lại không xảy ra cái bất bình thường giữa hai người nào đó.

 

******

Thanh quay bước trở về nhà. Anh định bụng làm hai chuyện: xin lổi Nguyệt vì lỡ đánh nàng nhưng sẽ nhất định không đi dự tiệc nếu Nguyệt không chịu thay áo. Bước vào nhà, không thấy Nguyệt ở phòng khách lẫn phòng ăn. Lên phòng ngủ của hai vợ chồng, cũng không thấy Nguyệt đâu. Sang phòng hai đứa nhỏ, thấy đèn tắt và hai đứa con có vẻ đang ngủ.

Thanh thay đồ ngủ rồi xuống phòng khách bật TV lên xem. Anh không để âm thanh, chỉ nhìn hình. Anh nghĩ bụng Nguyệt giận bỏ đi, chắc lại ở nhà một trong mấy bà bạn thân vài ngày hay cùng lắm là một tuần Nguyệt lại về vì nhớ con . Như đã từng xảy ra vài lần trước đây. Thanh ngủ ngồi ở xa lông lúc nào không hay cho đến khi có ai đặt tay lên vai lay thức anh dậy. Thanh giật mình, mở mắt thấy Tân, thằng con trai lớn, đang đứng nhìn anh bằng cặp mắt ái ngại. Thanh hỏi:

-Con còn thức à ?

-Dạ.

-Mẹ có nói mẹ đi đâu không ?

- Mẹ không nói.

-Thôi được, con đi ngủ, ba cũng đi ngủ đây

Thanh đứng dậy, để tay lên vai Tân, nói như  để vừa trấn an vừa giao trách nhiệm cho nó:

-Mẹ không về thì ba sẽ lo cho hai đứa. Nhưng con cũng ráng lo cho em những lúc ba không có nhà.

-Dạ.

Thanh chậm rãi bước lên phòng ngủ, yên tâm vì thấy Tân không lộ vẻ gì oán trách anh về việc xảy ra giữa hai vợ chồng. Nằm lên giường Thanh với tay lấy chiếc đồng hồ báo thức vặn kim để chuông reo sáu giờ sáng. Từ nay cho đến khi Nguyệt về lại nhà anh có nhiệm vụ lo ăn  cho hai đứa con: làm “lunch” cho Tiến, thằng con thứ hai, mười bốn tuổi, mang theo để ăn trưa ở trường và bửa ăn chiều cho ba cha con. Lo ăn sáng cho hai đứa nhỏ vẫn là nguyên nhân cãi cọ giữa hai vợ chồng. Thanh đã ngủ dậy muộn, Nguyệt còn dậy muộn hơn. Thanh dậy muộn vì phải thức khuya  soạn bài thuyết trình, Nguyệt ngủ sớm hơn nhưng muốn dậy muộn. Nàng coi việc ngủ nhiều như một cách giữ gìn sắc đẹp, nàng tin ngủ nhiều giữ cho làn da mịn. Việc ăn sáng của hai đứa con, Nguyệt gần như để chúng tự lo liệu. Có một lần dậy sớm, Thanh bắt gặp thằng Tiến thức dậy, chỉ vừa kịp đánh răng rửa mặt, là đã hối hả  mang xắc lên vai chạy ù sang trường học nằm ở cạnh nhà. Vì muốn gần cái trường tư này để con đi học cho gần mà Thanh đã quyết định mua căn nhà cũ đã trên bảy mươi năm. Nhờ lần bắt gặp này mà Thanh mới biết con anh có sáng đã ôm bụng đói đi học. Anh qui điểm học của Tiến thấp một phần vi bụng đói nên thiếu chăm chỉ trong giờ học. Anh gây gỗ với Nguyệt. Nàng cố gắng dậy sớm một thời gian rồi mọi việc lại trở về như cũ. Lần nầy Nguyệt viện một lý do mới: Con cái đã lớn phải tập tự lo liệu lấy.

Thanh tập đi ngủ sớm để dậy sớm. Đúng sáu giờ sáng anh thức hai đứa con dậy. Trong khi chúng đánh răng thay quần áo, Thanh sửa soạn ăn sáng cho ba người, làm “lunch” cho Tiến mang theo ăn trưa. Tân thì anh cho tiền ăn trưa ở cafétéria của trường. Bửa ăn chiều Thanh chuẩn bị từ tối hôm trước. Anh dặn Tân sáu giờ chiều mang ra hâm lại rồi hai anh em ăn trước vì Thanh đi làm có khi gần bảy giờ tối mới về tới nhà.

Lá thư của luật sư của Nguyệt cho thấy Thanh có hai tháng để ở với hai đứa con. Nhưng sau một tuần chăm sóc chúng, Thanh không thấy trách nhiệm quá nặng nề như anh tưởng. Trái lại anh còn thấy tiêng tiếc sao chỉ được làm gà trống nuôi con có hai tháng thôi. Rồi đây chúng sẽ sống với mẹ, còn anh chỉ được quyền thăm. Hy vọng chúng sẽ tìm lại một mái nhà có cả cha lẫn mẹ khá mong manh. Một cái gì đã thật sự rạn nứt giữa Nguyệt và Thanh. Anh nghĩ, phải xảy ra một phép lạ mới làm thay đổi lối sống của Nguyệt. Bỗng nhiên dâng lên trong lòng Thanh tình thương con vô hạn. Anh tự hứa sẽ sống hết mình cho hai đứa nhỏ trong những ngày còn gần gũi chúng.

Trên đường lái xe đến sở làm Thanh suy tính việc ăn uống cho ba cha con. Thằng Tân đã lớn, ăn uống lại dễ dãi, phần nào tự lo cho nó được. Tân đã biết đổ trứng ốp-la, làm spaghetti. Thằng Tiến không những lười ăn mà còn kén ăn. Trước đây, món ăn nào mẹ nó làm nó không thích, nó nhất định không ăn. Thanh thấy phải đổi món ăn mổi ngày thì ăn mới đỡ ngán. Thanh cố nhớ những món ăn việt nam trước đây Nguyệt làm mà hai đứa con thích. Thanh có thể nấu canh, kho cá, làm đồ xào, nấu được vài món ăn tây. Riêng các món phở, hủ tiếu, bún bò Huế anh đành chịu vì không biết cách thức nấu. Nhưng anh thấy khó khăn nầy có thể vượt qua bằng cách cuối tuần dẫn con đi ăn tiệm.

Hai tuần trôi qua, Thanh thực hiện được cái thực đơn hàng tuần: Ăn sáng , ngoài ly sữa và bánh mì bơ,anh thay đổi khi trứng chiên hoặc “ ốp la”, khi jambon hoặc xúc xích, khi “ ba-tê “ hoặc “pho mát”. Thằng Tiến thích jambon, thằng Tân thích trứng chiên, Thanh cho chúng ăn món chúng thích một tuần hai lần. Món ăn tây thằng Tân thích ăn là Cá Hồi Xông Khói, thằng Tiến mê món Thăn Bò Nấu Rượu Táo của Thanh. Món sau Thanh học trong sách dạy nấu món ăn tây: Lấy tournedos chiên với bơ cho gần chín hai mặt, đổ chút rượu calvados lên , châm lửa cho rượu bốc cháy, tiếp đó lấy tournedos để sang một bên, đổ sữa 45% vào son, để lữa riu riu và quậy đều cho đến khi sữa sệt lạ thành xốt. Rưới xốt lên tournedos khi ăn. Cả ba cha con cùng khoái món nầy nên cứ cách tuần là thằng Tiến đòi Thanh làm lại món nầy.

Thanh để trên bàn mổi đầu tuần danh sách các món ăn rồi cho hai đứa con lựa. Thanh sẽ tuần tự làm các món chọn trong tuần. Sự chăm sóc ăn uống của Thanh làm ba cha con gần gũi nhau hơn. Hình như Tân và Tiến cũng cảm thấy điều đó. Chúng bày tỏ tình cảm của chúng qua cử chỉ: Thằng Tiến mổi sáng dậy trước giờ đánh thức; thằng Tân thì tối tối mang mấy vidéo  của nó chiếu lên TV cho Thanh xem. Nhờ đó Thanh mới biết “ Thriller” của M. Jackson , nhạc đệm của “ Le fantôme de l’opéra “,” Miss Saigon “ cùng những cuốn phim cổ điển như “ Le train sifflera trois fois “ do Gary Cooper và Grace Kelly đóng hay “À l’Est d’Eden” với James Dean. Hai cha con ngồi im lặng xem, thỉnh thoảng Tân chêm vào vài câu dẫn giải. Cho đến khi Tân nói mà không nghe Thanh trả lời nó mới thè thẹ tắt máy đi lên phòng ngủ của nó.

Mỗi đêm chỉ sau khi hai đứa con đã ngủ, Thanh mới đối diện với nỗi khắc khoải của mình. Nguyệt có dứt khoát xin ly dị hay đó chỉ là một hành động tự ái vì cái tát ? Nếu còn tình nghĩa nàng sẽ nguôi ngoai rồi rút đơn xin ly dị. Bằng không  cái tát của anh chỉ là giọt nước làm tràn ly mà thôi. Thật tình Thanh không rỏ được lòng dạ Nguyệt lúc nầy. Anh chỉ có cảm tưởng lúc nầy Nguyệt muốn bay nhảy, muốn bứt phá cái không khí đều đều gần như tẻ nhạt giữa hai người. Với cái tuổi bốn mươi ba Nguyệt như đang mãnh liệt hồi xuân. Nàng đang đứng ở cái dốc. Thanh không rỏ Nguyệt đang tuột từ đỉnh dốc xuống hay đang từ dưới dốc cố sức leo lên ?

Sáng thứ bảy của tuần thứ bảy, sau khi dẩn con đi ăn trưa về, Thanh nói với Tân:

-Con đưa em đi xi nê, năm giờ chiều đưa em về nhà. Chiều hôm nay ba làm cơm tây. Mừng sinh nhật con mười tám tuổi và mừng Tiến được điểm học cao.

Hai đứa nhỏ đi rồi, Thanh khởi sự sắp đặt bàn ăn. Anh trải khăn bàn mới, sắp ly, đĩa, muỗng, nỉa,  khăn ăn y hệt như trong một tiệm ăn tây. Anh muốn chiều nay xem hai đứa con anh có nhớ những gì anh dạy chúng trước đây khi ngồi vào bàn ăn. Như phải ngậm miệng khi đang nhai thức ăn, không được nói khi trong miệng còn thức ăn, khi nói không được dùng muỗng, nỉa chỉ vào mặt người đang nghe mình nói; ngồi vào bàn ăn phải biết dao, nỉa lấy từ ngoài vào trong, phải biết cái đĩa nhỏ để đựng bánh mì và bơ bao giờ cũng nằm phía tay trái mình; thấy trước mặt mình ba cái ly phải biết ly nào để uống nước, ly nào để uống rượu trắng, ly nào để uống rượu đỏ. Thằng Tân ngạc nhiên một cách thích thú khi nghe Thanh chỉ dẩn:

-Lâu nay khi ăn, con nhai mà quên ngậm miệng!

Giọng Thanh ôn tồn:

-Con không biết một phần lỗi ở ba. Ba bận nên quên chỉ dẫn cho các con sớm hơn. Những cử chỉ tuy nhỏ nhặt đó nhưng nếu mình thiếu sót người ta có thể đánh giá thấp tư cách của mình.

Thanh thấy Tân đã đến tuổi trưởng thành, nó sẽ giao dịch nhiều với bạn bè ngoại quốc nên anh muốn con mình phải biết cách ngồi ăn uống của người tây phương lịch sự.

Quà Thanh mua tặng sinh nhật Tân là một áo sơ mi trắng và một chiếc cà vạt; anh cũng mua cho Tiến một món quà mà Tiến thích: chiếc áo polo của Raph Laurent màu lục. Thanh không biết Tiến thích hiệu áo nầy vì nó đẹp, tốt hay chỉ vì cái hình anh chàng cỡi ngựa chơi môn dã cầu ? Tiến học kém, trước đây điểm phần nhiều là B kèm theo một hai điểm C. Nhưng tháng rồi lần đầu tiên nó có hai điểm A, nhiều điểm B mà không có điểm C. Thanh thấy phải ăn mừng để khuyến khích nó. Thực đơn chiều hôm nay ngoài món xúp măng, xà lách, món ăn chính là tôm hùm nướng bơ. Món ăn nầy tuy học trong sách nhưng Thanh biến chế thành một món riêng của anh: Tôm hùm hấp chín xong, dùng kéo cắt dọc con tôm làm đôi, bóc thịt, gạch để sang một bên. Chùi sạch bên trong hai vỏ tôm. Đập bể càng cua, bóc thịt cắt nhỏ trộn với chung với gạch. Lấy bơ phết vào mặt trong hai vỏ tôm, sắp gạch trộn thịt càng cua vào lại hai vỏ, phết lên mặt trên một lớp bơ, rắc ngò tây tươi xắt nhỏ phủ lên, rồi vặn lửa lớn hai mặt, cho tôm vào lò nướng. Khi thấy thịt tôm thoáng vàng bốc mùi thơm lấy ra ăn liền. Món nầy cả ba cha con cùng mê vì mùi thịt thơm béo mà lại khỏi mất thì giờ đập càng để lấy thịt.

Trong bửa ăn cuối cùng Thanh nói với hai con:

-Ngày mai ba phải rời nhà này, mẹ sẽ về ở lại với hai con. Mẹ sẽ lo đầy đủ cho hai con hơn ba vì ba  nấu ăn không giỏi bằng mẹ và vì ba phải bận đi làm trong khi mẹ có nhiều thì giờ hơn. Ba chỉ mong Tiến tiếp tục có nhiều điểm A và B như kỳ vừa rồi thì dù ở xa ba cũng sẽ rất vui. Riêng Tân, con là người lớn rồi. Ngoài chuyện học cho đến nơi đến chốn con còn phải phụ mẹ trong công việc nhà và lo cho em. Dù ở đâu ba cũng luôn luôn nghĩ tới hai con và ba tin hai con cũng nghĩ tới ba.

Thanh không bao giờ quên bốn cặp mắt đỏ hoe khi tiễn anh ra cửa.

Một tháng sau, khoảng sắp chiều, đang ở sở, Thanh nhận một cú điện thoại. Người đầu giây bên kia là Nguyệt. Giọng nàng dịu dàng một cách lạ thường:

-Anh Thanh, anh về với hai đứa nhỏ. Thằng Tân khóc, nó nói nó cần sự có mặt của anh trong nhà; còn thằng Tiến thì nó chê em làm tournedos au calvados không ngon, không thơm bằng anh...

                                                        

TRANG CHÂU

 

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved